Ô tô chạy bằng hydro: Tương lai của Honda trong năm 2024

Honda dự kiến sẽ cho ra mắt ô tô có thiết kế tương tự CR-V nhưng chạy bằng hydro trong năm 2024.

Honda tin rằng có một tương lai trong lĩnh vực pin nhiên liệu hydro và hãng đang công bố những mở rộng đáng kể trong lĩnh vực kinh doanh đó. Điều này sẽ khiến Honda tung ra thị trường một chiếc xe điện chạy bằng pin nhiên liệu dựa trên hình dáng của chiếc CR-V vào năm 2024 tại Bắc Mỹ và Nhật Bản. Trong cuộc họp về chiến lược kinh doanh pin nhiên liệu của nhà sản xuất trong tương lai, Honda đã tiết lộ xe được trang bị một ngăn xếp pin nhiên liệu và động cơ truyền động điện ở dưới mui xe và trên bánh trước, động cơ đốt trong CR-V cũng được lắp ở vị trí tương tự. Hai bình chứa hydro đều nằm ở vị trí tốt từ góc độ va chạm an toàn, với một bình đặt phía dưới ghế sau và bình còn lại ở phía trên và ngay trước trục sau. Một “Bộ nguồn thông minh” được thay thế cho hệ truyền động của CR-V thông thường, trong khi bộ điều khiển pin, biến tần điện và hệ thống truyền động được đóng gói thành một module. Xe pin nhiên liệu dựa trên CR-V cũng sẽ có chức năng cắm điện. Điều này giúp cho chủ sở hữu có thể được sạc pin tại nhà, giúp giảm thiểu những lo ngại về cơ sở hạ tầng tiếp nhiên liệu hydro tương đối hạn chế.


Hình ảnh về pin nhiên liệu mới nhất của Honda.

Chiếc xe chạy bằng pin nhiên liệu sẽ được chế tạo tại Trung tâm sản xuất của Honda ở Ohio (Mỹ), là nơi nổi tiếng nhất về việc từng là địa điểm sản xuất xe NSX. Honda NSX là dòng xe thuộc phân khúc xe thể thao hiện đại vì sử dụng công nghệ cao và có nguồn gốc từ đất nước Nhật Bản giàu truyền thống. Những chiếc xe dành cho thị trường Nhật Bản cũng sẽ được sản xuất từ cơ sở này. Dự đoán xe sẽ được ra mắt ở Bắc Mỹ và Nhật Bản từ đầu năm 2024. Honda và General Motors sẽ hợp tác để phát triển dòng xe pin nhiên liệu thế hệ tiếp theo của Honda trong chiếc SUV 2024. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tuyên bố nó sẽ có giá thấp hơn 2/3 so với pin nhiên liệu được tìm thấy trên chiếc Clarity, với độ bền gấp đôi nhờ các vật liệu chống ăn mòn cao hơn. Xe sử dụng pin nhiên liệu cũng có thời gian khởi động nhanh hơn ở nhiệt độ rất lạnh, khoảng -22 độ F (tương đương -30 độ C).


Honda dự định cung cấp pin hydrogen cho nhiều loại thiết bị và phương tiện khác nhau. Ảnh minh họa

Honda cũng muốn đưa pin nhiên liệu lên vũ trụ. Họ đang hợp tác với Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản để phát triển công nghệ này. Kế hoạch của hãng là sử dụng năng lượng mặt trời để điện phân nước và tạo ra oxy và hydro. Pin nhiên liệu có thể tạo ra điện và nước từ oxy và hydro. Công ty gọi đây là “Hệ thống năng lượng tái tạo tuần hoàn.” Mục tiêu cuối cùng của Honda là đạt được mức trung hòa carbon cho tất cả các sản phẩm và hoạt động của công ty vào năm 2050. Công ty muốn không có tác động đến môi trường.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/o-to-chay-bang-hydro-tuong-lai-cua-honda-trong-nam-2024-d207095.html

VNCPC tham gia khởi động dự án Năng lượng tái tạo cho ngành chè Việt Nam

Mới đây (6-10/02/2023), đại diện Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng đoàn chuyên gia Thụy Sĩ đã khởi động dự án Năng lượng tái tạo cho ngành chè Việt Nam, tại tỉnh Nghệ An.

Dự án được triển khai từ tháng 01/2023 đến tháng 02/2025, nhằm mục đích đánh giá mức độ khả thi, khuyến nghị lộ trình thực hiện cho việc áp dụng hệ thống tích hợp quang nông-nhiệt phân-than sinh học thí điểm tại huyện Anh Sơn (Nghệ An), hướng tới xây dựng mô hình canh tác và sản xuất chè bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.

Sơ đồ mô tả Hệ thống tích hợp quang nông-nhiệt phân-than sinh học thí điểm

Với gồm 04 hợp phần chính, trong đó 03 hợp phần kỹ thuật và 01 hợp phần tích hợp, dự án hướng tới các mục tiêu cụ thể là: Đạt được mức tăng đáng kể về hiệu suất năng lượng của toàn bộ hệ thống; Tăng khả năng lưu giữ chất dinh dưỡng và nước của đất bằng cách bón than sinh học (biochar) được sản xuất từ công nghệ nhiệt phân, nhờ đó giúp giảm sự phụ thuộc của người trồng chè vào nhiên liệu hóa thạch (dầu để bơm nước), phân bón và nước; Tối đa hoá đóng góp tiềm năng của sinh kế nông nghiệp (canh tác chè) vào quá trình hấp thụ carbon, cũng như phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm; Đồng thời tối ưu hoá sản xuất chè dưới hệ thống sản xuất năng lượng mặt trời che bóng có kiểm soát (điện mặt trời), và xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp cho nông dân trồng chè.

Cũng trong chuyến công tác này, đoàn cán bộ dự án đã có buổi thăm và làm việc với huyện ủy Anh Sơn, Công ty CP Phát triển Chè Nghệ An, cũng như đi khảo sát các địa điểm sẽ triển khai mô hình thí điểm tại xã Hùng Sơn và Bình Sơn, huyện Anh Sơn.

Theo đánh giá chung, dự án đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo địa phương cũng như nhà máy và các hộ nông dân. Hoạt động tiếp theo của dự án sẽ tập trung vào chia sẻ thông tin và kết nối với các bên hữu quan trong nước.

Một số hình ảnh về chuyến công tác tại huyện Anh Sơn của đoàn cán bộ dự án:

VNCPC

Hãng Toyota nhận định: Thúc đẩy sản xuất xe điện sẽ gây hại cho môi trường

Nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản – Toyota vừa đưa ra dữ liệu chứng minh nếu các hãng xe thúc đẩy việc sản xuẩt xe điện sẽ gây hại đối với môi trường.

Là nhà sản xuất ô tô đi đầu về công nghệ hybrid, tuy nhiên hãng xe Toyota đã chậm chân hơn trong việc tham gia vào thị trường xe chạy hoàn toàn bằng điện. Kết quả hãng đã bị nhận nhiều lời chỉ trích và những ý kiến trái chiều. Đáp trả lại những chỉ trích đó, mới đây, Toyota đã tuyên bố hãng có dữ liệu để chứng minh rằng việc tập trung toàn lực vào việc tạo ra xe điện như nhiều nhà sản xuất ô tô đang làm không chỉ là quyết định kinh doanh tồi tệ mà còn gây hại cho môi trường. Nhà khoa học hàng đầu của Toyota, ông Gill Pratt cho biết, các công ty ô tô cung cấp xe sử dụng nhiều nguồn năng lượng khác nhau, bao gồm cả hybrid và hydro sẽ hợp lý hơn nhiều.

Pratt cho biết cả xe điện lẫn hybrid đều phụ thuộc vào sự sẵn có của lithium, loại khoáng chất được sử dụng trong sản xuất pin. Ông dự đoán rằng ngành công nghiệp ô tô sẽ sớm bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lithium cũng như các khoáng chất khác sử dụng trong sản xuất pin. Đồng thời, thiếu các điểm sạc khi số lượng xe điện được sản xuất tăng vọt. Khi không đủ lithium để cung cấp cho hàng chục triệu xe điện, việc thiếu nhiên liệu là điều rất dễ xảy ra. Pratt cho biết việc tạo ra hàng triệu xe hybrid sẽ có tác động lớn hơn đến lượng khí thải CO2 so với việc sử dụng cùng một lượng lithium để tạo ra số lượng nhỏ xe thuần điện.


Theo Toyota, ngành công nghiệp ô tô sẽ sớm bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lithium cũng như các khoáng chất khác sử dụng trong sản xuất pin. Ảnh minh họa

Ông Pratt nói rằng việc này phụ thuộc vào sự sẵn có của lithium, khoáng chất được sử dụng trong sản xuất pin. Ông dự đoán rằng ngành công nghiệp ô tô sẽ sớm bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lithium, cũng như các khoáng chất khác được sử dụng trong sản xuất pin, và sẽ thiếu các điểm sạc khi số lượng xe điện được sản xuất tăng vọt. Nếu không có đủ lithium để cung cấp năng lượng cho hàng chục triệu xe điện, thì cần chia sẻ nó với xe hybrid. Ông Pratt cho biết việc tạo ra hàng triệu xe hybrid sẽ giúp giảm khí thải CO2 hiệu quả hơn là dùng hết lithium để phục vụ lượng xe điện thuần túy ít hơn.

Trong một mô hình giả thuyết được phân tích đưa ra với chuyên trang ô tô Automotive News, ông Pratt mở đầu bằng 100 xe động cơ đốt trong thải ra lượng CO2 là 250g/km. Nếu có đủ lượng lithium để tạo ra các bộ pin 100kWh, thì có thể chế tạo một chiếc Tesla phiên bản cao nhất, nhưng 99 xe còn lại vẫn sử dụng động cơ đốt trong, và lượng CO2 trung bình thải ra của 100 xe là 248,5g/km. Nếu phân bổ 100kWh đó cho 90 xe hybrid truyền thống, chỉ còn lại 10 xe động cơ đốt trong thì lượng khí thải trung bình sẽ giảm xuống còn 205g/km.

Điều này không có nghĩa là Toyota không quan tâm đến xe điện. Gần đây, hãng đã công bố kế hoạch ra mắt bZ3X – mẫu sedan có kích cỡ tương đương Tesla Model 3 cho thị trường Trung Quốc để “yểm trợ” cho mẫu bZ4X SUV đã ra mắt trước đó. Nhưng Toyota vẫn cho rằng các đối thủ cạnh tranh như Honda, Cadillac, Volvo… đang mắc sai lầm khi dồn toàn lực vào phát triển xe điện thuần túy. Ông Pratt nói: “Một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra. Thời gian đứng về phía chúng tôi. Những thiếu hụt này – không chỉ về vật liệu pin, mà còn về cơ sở hạ tầng sạc – sẽ chứng minh rằng không thể chỉ làm một loại xe, và giải pháp tối ưu là kết hợp các loại xe khác nhau”.

Để sản xuất đủ pin lithium-ion, các hãng xe điện sẽ cần tăng gấp ba lần tốc độ sản xuất hiện tại đối với lithium, graphite, niken và mangan. Vì vậy những chương trình tái chế pin lithium-ion là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các vật liệu này và hạn chế tác hại môi trường do khai thác mỏ gây ra. Nếu những nỗ lực tái chế được thực hiện đúng cách, ngành sản xuất xe điện sẽ bù đắp được phần lớn chi phí sinh thái của việc sản xuất pin Lithium-ion. Nếu không, hậu quả có thể còn tồi tệ hơn nhiều so với ô nhiễm nhựa đang bủa vây các đại dương. Đừng để xe điện – loại phương tiện được cho là giúp bảo vệ môi trường trở thành nguồn ô nhiễm mới lớn nhất trên hành tinh.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/Hang-xe-toyota-dua-ra-du-lieu-ve-viec-thuc-day-san-xuat-xe-dien-se-gay-o-nhiem-moi-truong-d207310.html

Sản xuất nhiên liệu máy bay từ gỗ

Một nhóm công ty Nhật Bản đang lên kế hoạch sản xuất cồn sinh học (bioethanol) từ gỗ để làm nhiên liệu hàng không bền vững.

Theo Nikkei Asia, nhóm công ty nói trên dự kiến rót hàng trăm triệu USD vào dự án cồn sinh học, với hoạt động sản xuất chính thức bắt đầu vào năm 2027. Được biết, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) có thể sản xuất từ dầu ăn đã qua sử dụng, phế thải thực vật (vụn gỗ, mùn cưa, cành cây…) và các vật liệu khác, được cho là thải ra lượng khí CO2 ít hơn từ 70-90% so với nhiên liệu máy bay tiêu chuẩn. Liên minh châu Âu (EU) đang dẫn đầu về các quy định nhằm thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi SAF vào giữa thế kỷ này.

Công ty giấy Nippon Paper, Tập đoàn thương mại Sumitomo Corp. và một số công ty khác đang dự định thành lập một liên doanh vào năm 2024 để sản xuất và bán cồn sinh học. Green Earth Institute, một công ty Nhật Bản sở hữu công nghệ lên men riêng bằng vi sinh vật, cũng sẽ đầu tư vào dự án này. Cồn sinh học được sản xuất thông qua quá trình lên men các sản phẩm hữu cơ như tinh bột, cellulose…

Cồn sinh học sẽ được sản xuất tại các nhà máy của Nippon Paper và bán cho các nhà máy lọc dầu đang sản xuất SAF. Các đối tác đặt mục tiêu sản xuất hàng chục tấn cồn sinh học năm 2027, đủ để chế biến khoảng gần 10.000 kiloliter SAF (mỗi kiloliter tương đương 1.000 lít). Nguyên liệu thô chính sẽ là gỗ khai thác từ các khu rừng của Nippon Paper.

Công ty này đang sở hữu khoảng 90.000 hecta rừng ở Nhật Bản, chỉ đứng sau đối thủ Oji Holdings. Nippon Paper có kế hoạch tăng tính bền vững của nguồn cung bằng cách trồng cây giống có tốc độ phát triển nhanh hơn 50% và hấp thụ CO2 nhiều hơn 50% so với cây giống thông thường tại các khu vực khai thác gỗ.


Gỗ vụn được chuyển hóa thành đường rồi lên men để sản xuất cồn sinh học. Ảnh: Nikkei Asia

Liên doanh trên sẽ tìm cách giảm chi phí sản xuất SAF, một trong những rào cản đối với nỗ lực áp dụng rộng rãi hơn nhiên liệu máy bay được sản xuất từ thực vật. Nhiên liệu máy bay thông thường có giá khoảng 100 yen (0,76 đô la) mỗi lít, trong khi SAF có giá vài trăm đến vài nghìn yen mỗi lít tùy loại.

Các công ty Nhật Bản đã cố gắng sử dụng bắp nhập khẩu và các loại cây trồng khác để sản xuất cồn sinh học sử dụng để chế biến SAF nhưng lại gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định. Những người chỉ trích cho rằng, việc sử dụng bắp và mía để sản xuất nhiên liệu có thể góp phần gây mất an ninh lương thực. Trong khi đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng dầu ăn phế thải cũng gặp nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp khác của Nhật Bản cũng muốn tham gia vào thị trường SAF. Công ty giấy Oji Holdings đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất thương mại cồn sinh học từ gỗ khai thác từ các khu rừng thuộc sở hữu của công ty này vào năm tài chính 2030. Oji Holdings dự dịnh xây dựng một cơ sở thử nghiệm có thể sản xuất 500 kiloliter cồn sinh học mỗi năm vào năm tài chính 2024.

Công ty năng lượng Eneos (Nhật Bản) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn năng lượng TotalEnergies của Pháp để sản xuất 400.000 kiloliter cồn sinh học hàng năm từ dầu ăn thải bắt đầu từ năm 2025.

Các cơ quan quản lý trên toàn cầu đang thúc đẩy các hãng hàng không sử dụng nhiên liệu xanh hơn để cắt giảm khí thải nhà kính. Các nhà lập pháp của EU đã thông qua quy định đòi hỏi SAF chiếm 85% tổng số nhiên liệu hàng không tại các sân bay của khối này vào năm 2050.

Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản đặt mục tiêu nhiên liệu hàng không được các hãng hàng không nội địa sử dụng phải bao gồm 10% SAF vào năm 2030. Con số này tương đương với nhu cầu SAF hàng năm là 1,71 triệu kiloliter. Mục tiêu sản xuất 10.000 kiloliter SAF của Nippon Paper sẽ đáp ứng ít hơn 1% nhu cầu đó.

Hãng hàng không All Nippon Airways có kế hoạch thay thế ít nhất 10% nhiên liệu bằng SAF trong năm tài chính 2030, trong khi đối thủ Japan Airlines (JAL) cũng nhắm đến mục tiêu thay thế 10%. Chủ tịch JAL Yuji Akasaka nói: “Các nỗ lực sản xuất SAF trong nước đang được thúc đẩy ở Nhật Bản. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi không bị bỏ lại phía sau”.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/san-xuat-nhien-lieu-may-bay-tu-go-d207800.html

Chế tạo thành công pin mặt trời mỏng siêu mỏng

Pin mặt trời vải siêu mỏng và nhẹ của Viện Công nghệ Massachusetts có công suất cao hơn pin mặt trời truyền thống khoảng 18 lần.

Nhóm kỹ sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát triển pin mặt trời vải siêu nhẹ với trọng lượng chỉ bằng 1/100 pin mặt trời truyền thống và được làm từ mực bán dẫn, đồng thời sử dụng các quy trình in có thể mở rộng quy mô để sản xuất hàng loạt trong tương lai.

Những tấm pin mặt trời mới mềm dẻo, bền chắc và mỏng hơn nhiều so với sợi tóc người. Chúng có thể cung cấp năng lượng trong lúc người dùng di chuyển dưới dạng vải năng lượng mặc trên người, hoặc được vận chuyển tới những địa điểm xa xôi và triển khai nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp. Vì rất mỏng và nhẹ nên pin mặt trời mới có thể dát lên nhiều bề mặt khác nhau, ví dụ như cánh buồm của một con tàu chạy trên biển, lều bạt dùng trong các hoạt động khắc phục thảm họa hoặc cánh của drone.

Để sản xuất pin mặt trời, nhóm chuyên gia sử dụng các vật liệu nano ở dạng mực điện tử in được. Sau đó, họ tìm kiếm một lớp nền nhẹ, mềm dẻo và chắc chắn để gắn các tấm pin mỏng hơn sợi tóc này vào, giúp chúng trở nên dễ lắp đặt và khó rách hơn. Cuối cùng, họ xác định vật liệu lý tưởng là Dyneema, một loại vải tổng hợp chỉ nặng 13 gram mỗi m2.


Loại pin mặt trời siêu mỏng được các nhà khoa học tại MIT phát triển.

Khi thử nghiệm, nhóm nghiên cứu tại MIT phát hiện pin mặt trời có thể tạo ra 730 W điện trên mỗi kg khi đứng độc lập và khoảng 370 W trên mỗi kg nếu được triển khai trên vải Dyneema siêu bền, nghĩa là công suất trên mỗi kg cao hơn pin mặt trời truyền thống khoảng 18 lần.

“Một hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà điển hình ở Massachusetts có công suất khoảng 8.000 W. Để tạo ra cùng lượng điện đó, pin mặt trời vải của chúng tôi sẽ chỉ thêm khoảng 20 kg vào mái nhà”, Mayuran Saravanapavanantham, đồng tác giả nghiên cứu, nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật điện và khoa học máy tính tại MIT, cho biết.

Nhóm chuyên gia cũng kiểm tra độ bền và nhận thấy, sau khi cuộn rồi mở các tấm pin mặt trời vải hơn 500 lần, chúng vẫn giữ được hơn 90% khả năng sản xuất điện ban đầu.

Dù nhẹ và linh hoạt hơn nhiều so với pin truyền thống, pin mặt trời mới cần được bọc trong một vật liệu khác để bảo vệ khỏi các yếu tố môi trường. Ngoài ra, vật liệu hữu cơ gốc carbon dùng để sản xuất pin có thể biến đổi khi tương tác với độ ẩm và oxy trong không khí, làm giảm hiệu suất.

“Việc bọc pin mặt trời trong lớp kính nặng, giống như pin mặt trời silicon truyền thống, sẽ làm giảm giá trị của tiến bộ mới. Vì vậy, chúng tôi đang phát triển các giải pháp bọc gói siêu mỏng và chỉ làm tăng một chút trọng lượng của các thiết bị siêu nhẹ hiện tại”, Jeremiah Mwaura, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Điện tử thuộc MIT cho biết.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/che-tao-thanh-cong-pin-mat-troi-mong-sieu-mong-d207579.html