Tìm ra vật liệu mới có thể hấp thụ chất độc hại từ không khí- “sát thủ” benzen

Các nhà nghiên cứu từ Ireland đã tìm ra vật liệu mới có khả năng hấp thụ độc hại từ không khí, cụ thể là benzen-một chất có khả năng gây ung thư cho con người.

Loại vật liệu mới hứa hẹn loại bỏ một số chất độc hại trong không khí được một nhóm nhà khoa học Đại học Limerick (UL) ở Ireland tạo ra. Theo nhóm nhà nghiên cứu, chất này sử dụng ít năng lượng hơn nhiều so với các vật liệu hiện tại và có thể ghi lại mức độ vi lượng của chất ô nhiễm có hại như benzen từ không khí.

Nhóm nghiên cứu tin rằng vật liệu xốp giống như bọt biển được đặt tên là BUT-55 – có thể cách mạng hóa việc thanh lọc không khí độc hại và đóng góp đáng kể vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Giáo sư Michael Zaworotko – Chủ tịch Quỹ Khoa học và Kỹ thuật Tinh thể của Ireland và nhà nghiên cứu tại Viện Bernal Đại học Limerick và đồng nghiệp đã phát triển vật liệu mới này. Phát hiện đã được báo cáo trên tạp chí uy tín Nature Materials năm 2022.


Các nhà khoa học Ireland đã tìm ra chất có khả năng hấp thụ độc hại từ không khí, cụ thể là chất benzen. Ảnh: CAND

Những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) – bao gồm benzen là loại chất ô nhiễm độc hại gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe con người. Phát triển công nghệ để loại bỏ benzen khỏi không khí ở nồng độ vết và thực hiện sứ mệnh đó với một dấu vết năng lượng thấp là cả hai thách thức chưa thể vượt qua cho đến nay.

Giáo sư Zaworotko giải thích: “Một họ vật liệu xốp như bọt biển được phát triển để thu giữ hơi benzen từ không khí ô nhiễm và tạo ra luồng không khí sạch trong thời gian dài. Những vật liệu này có thể được tái sinh dễ dàng dưới nhiệt độ nhẹ, khiến chúng trở thành ứng viên cho việc lọc không khí và xử lý môi trường. Vật liệu của chúng tôi có thể làm tốt hơn nhiều về độ nhạy và thời gian làm việc so với vật liệu truyền thống”.

Vật liệu thực tế có đầy lỗ và gần giống pho mát Thụy Sĩ. Các lỗ cho phép thu hút phân tử benzen – một chất ô nhiễm độc hại. Giáo sư Zaworotko và Tiến sĩ Xiang-Jing Kong từ Khoa Khoa học Hóa học tại UL, cùng nhóm đồng nghiệp từ một số trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc, đã phát triển vật liệu xốp mới có ái lực mạnh với benzen đến mức nó bắt giữ hóa chất độc hại ngay cả khi có mặt ở chỉ 1 phần trong 100.000.

Benzen là một hợp chất hữu cơ thơm, trong điều kiện bình thường là một chất lỏng không màu, mùi dịu ngọt dễ chịu, dễ cháy. Benzen không tan trong nước, tan trong rượu.

Benzen rất độc, có khả năng gây ung thư ở người rất cao. Mối nguy hại nhất của benzen là khả năng gây bệnh bạch cầu của những người thường xuyên bị phơi nhiễm loại chất độc hại này.

Theo nhóm nghiên cứu, vật liệu này giống với pho mát Thụy Sĩ vì nó có nhiều lỗ và chính những lỗ này có “nhiệm vụ” thu hút các phân tử độc hại benzen. Về mặt năng lượng, vì quá trình thu nhận dựa trên liên kết vật lý chứ không phải hóa học, nên dấu ấn năng lượng của quá trình thu nhận và giải phóng thấp hơn nhiều so với các thế hệ vật liệu trước đây.

Giáo sư Zaworotko báo cáo: “Nhiệm vụ phá vỡ hỗn hợp khí rất khó thực hiện hiệu quả. Điều này đặc biệt đúng đối với các thành phần phụ bao gồm không khí, carbon dioxide và nước. Những đặc tính của loại vật liệu mới của chúng tôi cho thấy hoạt động phân hủy benzen không còn là điều khó khăn nữa”.

Một số công trình trước đó từ phòng thí nghiệm của Giáo sư Zaworotko đã tạo ra những vật liệu hàng đầu để thu giữ carbon và thu hoạch nước. Vật liệu thu hoạch nước có các đặc tính thuận lợi như vậy để giữ và giải phóng nước từ khí quyển vốn đã được sử dụng trong các hệ thống hút ẩm.

Tiến sĩ Xiang-Jing Kong giải thích: “Dựa trên thiết kế thông minh, vật liệu của chúng tôi giải quyết nhiều thách thức về cả kỹ thuật và xã hội, chẳng hạn như loại bỏ dấu vết benzen khỏi không khí. Điều này là khó đối với các vật liệu thông thường, do đó làm nổi bật sự quyến rũ của vật liệu xốp”.

Nhìn chung, những kết quả này cho thấy một thế hệ vật liệu xốp độc đáo mới thuộc loại được phát minh tại UL hứa hẹn cho phép cách tiếp cận chung để thu giữ những hóa chất độc hại từ không khí. Tiến sĩ Xiang-Jing Kong giải thích: “Các đồng phân thơm rất khó tách ra trong hỗn hợp của chúng bằng phương pháp truyền thống, vốn luôn tiêu tốn nhiều năng lượng. Nghiên cứu này giúp mở ra khả năng thiết kế vật liệu xốp để phân tách hiệu quả các hóa chất này với năng lượng đầu vào thấp cũng như loại bỏ nhiều chất ô nhiễm dạng vết khác khỏi không khí”.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu (ERC) và Quỹ Khoa học Ireland (SFI).

Liên quan tới chất benzen độc hại trong không khí, trước đó các nhà nghiên cứu tại Việt Nam cũng phát hiện ra nó phát tán trong không khí với nồng độ vượt ngưỡng cho phép rất cao ở TP.HCM. Về lý thuyết, nguồn gốc chất benzen có thể “sản sinh” từ các hoạt động công nghiệp, khói thuốc lá, khói thải phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch… Nhưng các nhà khoa học cho rằng nguồn gốc chính của benzen có trong không khí ở TP.HCM là từ xăng “tươi” có chứa thành phần benzen bị bốc hơi và từ khói thải của các phương tiện giao thông, trước cổng trường học, bệnh viện…, những nơi tập trung đông đúc xe cộ.

Cũng theo các nhà khoa học, chính công suất của xe quá lớn so với nhu cầu sử dụng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường rất đáng kể vì xăng cháy không hết.

Một trong những giải pháp tốt nhất là làm sao giảm được nhiều hơn hàm lượng benzen trong xăng. Nhiều ý kiến nhận định tỉ lệ benzen trong xăng ở mức 2,5% thể tích vẫn còn là mức cao, do đó phải tiến hành các giải pháp đồng bộ: giảm ùn tắc giao thông đô thị, kiểm soát khí thải…

Cũng theo một nghiên cứu, bảng điều khiển xe hơi, ghế sofa, bộ phận làm mát không khí cũng thải ra benzen. Ngoài việc gây ung thư, benzen còn đầu độc xương, gây thiếu máu và làm giảm các tế bào bạch cầu. Phơi nhiễm kéo dài sẽ gây ra bệnh bạch cầu, làm tăng nguy cơ ung thư cũng như có thể gây sẩy thai. Mức độ benzen chấp nhận được trong nhà là 50 mg.

Một chiếc ô tô đậu trong nhà có cửa sổ đóng sẽ chứa 400-800 mg benzen. Nếu đỗ ngoài trời dưới ánh mặt trời ở nhiệt độ trên 16 độ C, mức độ Benzen lên tới 2000-4000 mg, gấp 40 lần mức cho phép. Những người vào xe và đóng cửa sổ chắc chắn sẽ hít vào một lượng độc tố quá mức.

An Dương (T/h)

https://vietq.vn/tim-ra-chat-hap-thu-doc-hai-tu-khong-khi-sat-thu-benzen-d204319.html

Than sinh học: Tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học chính là giải pháp thông minh giúp ứng phó với biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Không chỉ có vậy, than sinh học còn có rất nhiều tiềm năng ứng dụng đang được triển khai tại Việt Nam

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng các đối tác đã phối hợp tổ chức  Sự kiện kết nối nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường than sinh học tại Việt Nam. Đây là hoạt động thuộc Dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Khu công nghiệp Sinh thái Toàn cầu (GEIPP) – Việt Nam do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Dự án nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam với 3 mục tiêu chính: Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; Thúc đẩy thị trường than sinh học.

Ông Hannes Zellweger – Trưởng nhóm thực hiện Dự án (ngồi phía bên trái)

Phát biểu tại sự kiện, ông Hannes Zellweger – Trưởng nhóm thực hiện Dự án cho biết: Phát triển và chuyển giao công nghệ xanh là yếu tố trọng tâm trong chiến lược giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ của Thụy Sĩ mà cả Việt Nam. Sự kiện lần này nhằm kết nối các bên hữu quan hoạt động trong lĩnh vực than sinh học để trao đổi về các khoảng trống và nhu cầu chính của ngành. Đây là bước đệm cho việc định hình và phát triển một diễn đàn cấp quốc gia về than sinh học. Qua đó, khuyến khích tất cả các bên liên quan cùng chia sẻ và trao đổi thông tin; tương tác, hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu; sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ nhiệt phân và than sinh học tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia sự kiện chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo còn góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giảm phát thải khí nhà kính, kết nối hợp tác để thúc đẩy việc chuyển đổi các phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học có giá trị, đồng thời thúc đẩy thị trường than sinh học.

Than sinh học: Giải pháp giúp ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo UNIDO, than sinh học có nguồn gốc từ sinh khối chất thải nông nghiệp là một công nghệ phát thải âm thông qua việc cô lập các-bon dài hạn và hiệu quả với những lợi ích tiềm năng to lớn trong thực hành nông nghiệp tái tạo. Than sinh học cũng được coi là một giải pháp sạch, hiệu quả và bền vững để khử các-bon trong ngành nông nghiệp, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, một số thành viên từ cộng đồng nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã tiên phong và phát triển các dự án than sinh học hơn 20 năm qua. Lợi ích rõ nét nhất của than sinh học đang được sử dụng là để cải tạo chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng.

TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam)

Tại sự kiện, TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cũng chia sẻ về lợi ích mà than sinh học mang lại đối với ngành nông nghiệp. Theo TS Lương Hữu Thành than sinh học có độ pH cao và có thể hoạt động giống như vai trò của vôi để tăng độ pH của đất. Khi vật chất hữu cơ và thành phần sét trong đất thấp và đất có kết cấu thô thì việc duy trì độ ẩm đất có thể giúp thành lập thảm thực vật và than sinh học có thể trợ giúp để làm điều này. Đặc biệt, việc rửa trôi chất dinh dưỡng cũng có thể giảm được bằng cách áp dụng bón than sinh học cho đất.

Đề cập đến lợi ích từ than sinh học, ông Võ Văn Quốc Bảo đến từ Trường Đại học Nông Lâm Huế cho hay: Với mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ổn định diện tích gieo trồng lúa nước khoảng 51.000 – 52.000 ha/năm. Ước tính cho khối lượng phụ phẩm rơm, trấu sau thu hoạch là 3.944.000 tấn rơm và 724.000 tấn trấu.

Ông Võ Văn Quốc Bảo – Trường Đại học Nông Lâm Huế

Phần lớn lượng phụ phẩm này bị đốt, bỏ trên đồng ruộng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, mất an toàn giao thông… Bên cạnh đó, việc đốt phế phẩm ngoài trời sẽ gây hiệu ứng nhà kính. Do đó, phương pháp để sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm này là ứng dụng công nghệ, thiết bị để sản xuất ra than sinh học, sử dụng để cải tạo đất trồng, giúp tăng năng suất cây trồng.

… Và những tiềm năng khác

Bà Đỗ Thị Dịu- Chuyên gia của VNCPC

Theo bà Đỗ Thị Dịu – Chuyên gia của VNCPC, hiện ngoài ứng dụng trong nông nghiệp, than sinh học còn được ứng dụng rất nhiều trong lọc nước và xử lý nước thải, trong y tế, trong làm đẹp và đời sống hằng ngày. Song các ứng dụng này vẫn chưa được triển khai rộng khắp. Vì vậy rất cần sự chung tay góp sức của các cơ quan, tổ chức, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp để than sinh học ngày càng phát huy được những tác dụng hữu ích của mình.

VNCPC

THƯ MỜI: Sự kiện kết nối nhằm thúc đẩy phát triển thị trường than sinh học tại Việt Nam

Từ năm 2017, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) với sự tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) đã giới thiệu và quảng bá công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học như một giải pháp thông minh về chống biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Sự kiện nhằm kết nối các bên hữu quan hoạt động trong lĩnh vực than sinh học và trao đổi về các khoảng trống và nhu cầu chính của ngành. Đây là bước đệm cho việc định hình và phát triển một diễn đàn cấp quốc gia về than sinh học. Qua đó khuyến khích tất cả các bên liên quan cùng chia sẻ và trao đổi thông tin; tương tác, hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu; sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ nhiệt phân và than sinh học tại Việt Nam.

Thời gian: 8.30 – 12.00, Thứ Sáu, ngày 16/09/2022 (Chương trình dự kiến xem ở phần dưới)

Địa điểm: Khách sạn Adonis, số 55 Quang Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Ngôn ngữ: Tiếng Anh và Tiếng Việt

Để tham gia hội thảo, Quý vị vui lòng đăng ký trước ngày 13/09/2022 theo đường dẫn sau: https://vncpc.org/biochar-networking-event/

Các chi phí liên quan đến vé máy bay, đi lại và ăn ở của Quý vị sẽ do dự án chi trả theo định mức quy định. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ Ms. Đỗ Thị Dịu, email: [email protected], ĐT: +84 243.8684.849 (máy lẻ 32) hoặc DĐ: +84 344.864.692.

Than sinh học có nguồn gốc từ sinh khối chất thải nông nghiệp được biết đến là một công nghệ phát thải âm thông qua việc cô lập các-bon dài hạn và hiệu quả với những lợi ích tiềm năng to lớn trong thực hành nông nghiệp tái tạo. Than sinh học cũng được coi là một giải pháp sạch, hiệu quả và bền vững để khử cacbon trong ngành nông nghiệp, qua đó hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, một số thành viên từ cộng đồng nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã tiên phong và phát triển các dự án than sinh học hơn 20 năm qua. Đến nay, phần lớn các hoạt động đã triển khai ở quy mô thí điểm trong lĩnh vực nông nghiệp với sự hỗ trợ của quốc tế. Cơ hội thương mại hấp dẫn nhất đối với than sinh học ở Việt Nam nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là ứng dụng than sinh học giúp nâng cao chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng. Các hoạt động nghiên cứu về ứng dụng lọc nước và than hoạt tính đang xuất hiện, trong khi đó hiện có rất ít nghiên cứu về quá trình cô lập các-bon. Có thể thấy rằng giữa các nghiên cứu về than sinh học và thực tế sản xuất, tiếp thị và sử dụng than sinh học trên phạm vi toàn quốc vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn.

CHƯƠNG TRÌNH DỰ KIẾN

Thời gian (VN)

Hoạt động

Phụ trách

08h30 – 09h00

Đăng ký đại biểu

09h00 – 09h10 Giới thiệu thành phần tham dự và mục tiêu của hội thảo VNCPC

Bà Nguyễn Lê Hằng

09h10 – 09h20 Phát biểu khai mạc và chào mừng dss+

Ông Hannes Zellweger

09h20 – 09h30 Dự án nhiệt phân quy mô nhỏ dss+

Ông Dominic Hafner

09h30 – 09h45 Các hoạt động nghiên cứu được thực hiện trên than sinh học Đại học/Viện nghiên cứu:

(Xác nhận sau)

09h45 – 10h00 Các tác động về mặt chính sách lên thị trường than sinh học ở Việt Nam Đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT

(Xác nhận sau)

10h00-10h20 Các dự án về than sinh học tại Việt Nam NGOs
10h20-10h30 Cách thức thúc đẩy thị trường than sinh học ở Việt Nam VNCPC

Bà Đỗ Thị Dịu

10h30 – 10h50 Nghỉ giải lao
10h50 – 11h50 Các cuộc thảo luận và sáng kiến để phát triển một nền tảng quốc gia về than sinh học:

–       Hình thức như thế nào? trang web/nền tảng trực tuyến với Hỏi & Đáp, chế độ tìm kiếm, tài liệu công khai (tài liệu báo cáo, chia sẻ và các đường dẫn, liên kết) …

–       Nội dung/tab chính là gì?

–       Nền tảng hoạt động như thế nào? Ngân sách, nguồn nhân lực, cơ chế tương tác

–       Loại đóng góp bằng hiện vật của các bên liên quan

–       Lợi ích và người thụ hưởng

VNCPC

Bà Nguyễn Lê Hằng

 

dss+

Ông Hannes Zellweger

Bà Grishma Jain

Ông Dominic Hafner

11h50 – 12h00 Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo VNCPC

Bà Nguyễn Lê Hằng

Rất hân hạnh được đón tiếp Quý vị tại sự kiện!

VNCPC

Nỗ lực biến rác thành năng lượng của Thụy Điển

Thụy Điển được biết đến là nước đi đầu trong sản xuất năng lượng xanh từ rác thải. Để có được thành quả này, quốc gia đáng sống nhất thế giới đã trải qua một quá trình nỗ lực trong nhiều thập niên để hoàn thiện quy trình, hệ thống thu gom và biến rác thải thành năng lượng.


Từ những năm 1970, Thụy Điển bắt đầu thực hiện những quy định chặt chẽ về phân loại rác thải.

Trên thế giới, trung bình, gần 60% chất thải được đưa vào các bãi chôn lấp, trong khi ở Thụy Điển con số này chỉ là 1%. Những bãi rác trống rỗng, năng lượng từ đốt rác được tận dụng triệt để. Vậy điều gì đã làm cho hệ thống tái chế của đất nước này thành công như vậy? Câu trả lời nằm ở nỗ lực của chính phủ trong xử lý chất thải của đất nước.

Ngay từ những năm 1970, Thụy Điển bắt đầu thực hiện những quy định chặt chẽ về phân loại rác thải trong các hộ gia đình, nhà máy và địa phương và cùng với đó, chính sách tái chế rác thải được thực thi. Vào thời điểm năm 1975, tỷ lệ tái chế chất thải của các hộ gia đình ở mức 38%.

Kể từ những năm 1990, chính phủ Thụy Điển đã thực hiện một loạt các chính sách hiệu quả nhằm giảm phát sinh chất thải, nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và người dân cũng như cắt giảm mạnh lượng khí thải. Sau khi thông qua chính sách yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm xử lý tất cả các chi phí liên quan đến việc thu gom và tiêu hủy sản phẩm, còn được gọi là Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Thụy Điển đã nhắm mục tiêu đến các hộ gia đình bằng cách áp dụng phí rác thải dựa trên trọng lượng để khuyến khích hoạt động tái chế.

Hơn nữa, luật pháp quốc gia cấm chôn lấp chất thải hữu cơ và dễ cháy, cùng với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về chất thải nguy hại, chôn lấp và đốt rác do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với tất cả các quốc gia thành viên đã cho phép Thụy Điển giảm đáng kể lượng khí thải và tổng lượng chất thải chôn lấp.

Đến năm 2001, lượng rác thải được xử lý lên tới 78%. Kể từ năm 2011 tới nay, chỉ có gần 1% lượng rác thải gia đình ở Thụy Điển bị đưa ra ngoài các bãi rác. Còn lại tất cả rác thải trong nước đã được xử lý hiệu quả với 47% lượng rác thải được tái chế và 52% còn lại được sử dụng để sản xuất nhiệt.

Mặc dù mỗi năm có gần 4,4 triệu tấn rác thải sinh hoạt với khoảng 467 kg rác thải/người, nhưng nhận thức cao của cộng đồng về lợi ích của việc tái chế cũng như hệ thống thu gom hiệu quả là chìa khóa thành công của Thụy Điển. Và bằng cách chuyển rác thải thành năng lượng, đất nước Bắc Âu đáng sống nhất thế giới đã có thể giữ cho các bãi rác của mình trống rỗng.

Trong khi cả thế giới lo xử lý rác thải Thụy Điển lại sẵn sàng nhập khẩu rác.

Bởi vậy, trong khi phần lớn thế giới còn chật vật với lượng rác thải ngày một cao tại quốc gia của mình thì chính sách “không rác thải” đã khiến Thụy Điển cạn kiệt rác và bắt đầu nhập khẩu rác. Từ năm 2005 đến năm 2014, mức nhập khẩu mặt hàng đặc biệt này đã tăng gấp 4 lần.

Theo Avfall Sverige, hiệp hội quản lý rác thải của Thụy Điển, trong năm 2014, đất nước thuộc bán đảo Scandinavia này đã nhập khẩu khoảng 800.000 tấn rác, chủ yếu từ Anh và Na Uy. Đến năm 2016, gần 2,3 triệu tấn rác thải được nhập khẩu từ Anh, Na Uy, Ireland và các nước khác.

Theo thời gian, cùng với quan điểm “không rác thải”, Thụy Điển đã triển khai được một chính sách tái chế rác thải có quy mô toàn quốc. Các khu đô thị ở Thụy Điển đều đầu tư vào các kỹ thuật thu gom rác thải để giảm tải cho quá trình thu gom, giải phóng bớt không gian cho đường sá với các hệ thống chứa rác ngầm và giảm thiểu mùi từ rác thải. Trong khi đó, ngay cả các doanh nghiệp tư nhân cũng chủ động đảm nhiệm hầu hết các hoạt động nhập khẩu và đốt rác.


Năng lượng này sẽ được quay vòng, trở thành nguồn nhiệt sưởi ấm cho các tòa nhà trong mùa đông khắc nghiệt.

Khi nhiều quốc gia ở châu Âu không thể tận dụng được nhiệt lượng từ việc đốt rác và nhiệt lượng này thường sẽ bị bỏ phí qua các ống khói nhưng Thụy Điển lại có thể sử dụng nó như một nguồn năng lượng thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng thu được từ quá trình đốt rác được chuyển vào hệ thống sưởi ấm toàn quốc, giúp các gia đình vượt qua mùa đông giá lạnh ở nước này.

Chuyên gia năng lượng tại Viện Môi trường Stockholm, Adis Dzebo nhận định, Thụy Điển có hệ thống cung cấp nhiệt sưởi ấm tốt nhất trên thế giới với những lò đốt khổng lồ và nhiệt được chuyển đến từng ngôi nhà qua mạng lưới ống ngầm.

Hiện nay, theo thống kê, năng lượng từ rác chiếm một phần nhỏ trong tổng nguồn cung cấp điện của Thụy Điển; thủy điện và năng lượng hạt nhân tạo ra khoảng 83% điện năng của Thụy Điển và gió tạo ra 7% khác. Nhưng rác thải cung cấp phần lớn nhiệt lượng trong những tháng lạnh giá cho gần 10 triệu cư dân của đất nước. Năng lượng từ rác tương đương với nhu cầu sưởi ấm của 1,25 triệu căn hộ và điện cho 680.000 ngôi nhà.

Những nỗ lực tái chế của Thụy Điển cũng như các giải pháp của nước này để đưa rác thải ra khỏi các bãi chôn lấp và chuyển thành năng lượng sạch không chỉ là một giải pháp thay thế thông minh, ít tác động đến môi trường hơn mà còn cho phép khai thác các nguồn tài nguyên mà nếu không sẽ bị lãng phí.

EU đã khuyến khích các nước thành viên xây dựng hệ thống nhiệt để sưởi ấm tương tự như Thụy Điển. Ngoài ra, đại diện từ nhiều quốc gia như Ba Lan, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã đến Thụy Điển để học hỏi kinh nghiệm biến đổi rác thành năng lượng.

Thanh Sơn
https://petrotimes.vn/no-luc-bien-rac-thanh-nang-luong-cua-thuy-dien-664658.html