Nâng cao năng lực về cách tiếp cận khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Hội thảo trực tuyến “Tập huấn nâng cao năng lực Hiệu quả tài nguyên Sản xuất sạch hơn và Cộng sinh công nghiệp” diễn ra ngày 27-28/7/2021 tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đồng tổ chức.

SECO và UNIDO cam kết hỗ trợ phát triển kinh tế, công nghiệp bền vững tại Việt Nam

Bà Lê Thanh Thảo-Trưởng Đại diện Quốc gia, Văn phòng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo trực tuyến.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ của dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” (Dự án) do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và được thực hiện bởi Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI). Hội thảo nhằm cung cấp khóa tập huấn nâng cao năng lực về cách tiếp cận KCN sinh thái cho Ban Quản lý KKT Hải Phòng, KCN DEEP C và các doanh nghiệp trong các KCN Hải Phòng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Thanh Thảo, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tại Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả của UNIDO và Chính phủ Việt Nam (đại diện là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong việc phát triển KCN sinh thái, tiến đến định hướng phát triển kinh tế và công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Bà Lê Thanh Thảo cho biết, với mục tiêu thúc đẩy việc phát triển các KCN Việt Nam theo hướng bền vững, thông qua sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng thực hiện đã được cụ thể hóa trong Chương trình KCN sinh thái toàn cầu thực hiện trong giai đoạn 2019-2023. Hiện Dự án đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ các KCN trong khuôn khổ của Dự án và thực hiện các giải pháp chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái thông qua đào tạo tập huấn, thực hiện giải pháp về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) và cộng sinh công nghiệp.

Bà Lê Thanh Thảo nhấn mạnh, trong những năm qua, UNIDO đã có những hợp tác thành công với các cơ quan tại Việt Nam ở cấp quốc gia và chính quyền địa phương. Các hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO trải rộng trong rất nhiều lĩnh vực, qua đó đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và thông lệ thực hành tốt để hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế và công nghiệp một cách bền vững.

Thay mặt UNIDO, bà Thanh Thảo khẳng định, trong những năm tới, UNIDO cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các bên có liên quan để hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp quan trọng, chuyển giao công nghệ, xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp bền vững, góp phần giúp Việt Nam đạt được những ưu tiên phát triển kinh tế- xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).


Ông Đỗ Quang Huy – Cán bộ Chương trình Quốc gia của SECO tại Việt Nam.

Thay mặt Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tại Việt Nam, ông Đỗ Quang Huy, cán bộ Chương trình Quốc gia của SECO tại Việt Nam cho biết, dự án “Triển khai Sáng kiến KCN Sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam (EIP)” được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2014 và có một cột mốc đặc biệt. Dự án EIP giai đoạn I đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật liên quan để xây dựng và thông qua Nghị định 82/NĐ-CP về quản lý KCN và KKT. Nghị định mới hình thành một khuôn khổ pháp lý vững chắc và là chìa khóa cho sự phát triển của các KCN sinh thái ở Việt Nam trong tương lai. Chính phủ Thụy Sỹ ghi nhận và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO và tất cả các bên liên quan, đã có những nỗ lực to lớn trong việc hiện thực hóa cột mốc quan trọng này.

Ông Đỗ Quang Huy nhấn mạnh, tuy nhiên không có chỗ cho sự tự mãn vì những thành quả hợp pháp cần được chuyển thành những hành động thực tế. Về vấn đề này SECO muốn khuyến khích Chính phủ Việt Nam và tất cả các bên liên quan khác mở rộng quy mô hơn nữa, các phương pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên; đồng thời thúc đẩy việc chuyển đổi một số lượng lớn các KCN truyền thống sang KCN sinh thái trong giai đoạn II của Dự án.

Dự án EIP giai đoạn II có tổng kinh phí 1.821.800 USD, trong đó Chính phủ Thụy Sỹ hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 1,5 triệu Euro (tương đương 1.638.000 USD) thông qua Ban Thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế của Thụy Sỹ (SECO) và đồng tài trợ 138.800 USD từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự án sẽ được thực hiện tại Hà Nội và 05 tỉnh/thành phố: Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng trong thời gian 36 tháng. Với sự hỗ trợ hiệu quả của SECO đã góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công cam kết Paris về giảm phát thải và các mục tiêu phát triển bền vững SDGs thông qua Dự án.

“Tôi tin rằng thông qua việc cải thiện hoạt động môi trường, xã hội và kinh tế của các công ty ở quy mô lớn hơn, có thể đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững hơn vì lợi ích của nhân dân Việt Nam. Chắc chắn, với một cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan, sự lãnh đạo mạnh mẽ và cam kết chính trị, chúng ta mới có thể đạt được một kết quả mong muốn. Sự kiện hôm nay quy tụ nhiều bên liên quan khác nhau là minh chứng cho thấy chúng tôi đã đi đúng hướng”, ông Đỗ Quang Huy bày tỏ sự tin tưởng.

Thúc đẩy nâng cao năng lực cách tiếp cận KCN sinh thái

Bà Nguyễn Trâm Anh, cán bộ Ban Quản lý Dự án phát biểu tại Hội thảo trực tuyến

Giới thiệu tổng quan về KCN sinh thái, bà Nguyễn Trâm Anh, cán bộ Ban Quản lý Dự án cho biết, Dự án đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác của Dự án là các Bộ, ngành liên quan; chính quyền địa phương, Ban quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Hồ Chí Minh; các KCN thí điểm lựa chọn là: KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). Ngoài ra, Dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các giải pháp Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) và cơ hội cộng sinh công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp và KCN đã được xác định từ pha trước của Dự án. Kinh nghiệm thực hiện tại các KCN này sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng và phát triển mô hình KCN sinh thái trên cả nước.

Thời gian thực hiện của Dự án là 03 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2023).

Theo đó, mục tiêu của Dự án là cải thiện hiệu quả môi trường kinh tế, xã hội của các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua thực hiện phương pháp tiếp cận KCN sinh thái tại các KCN thí điểm được lựa chọn và nâng cao vai trò của các KCN sinh thái trong các chính sách về môi trường, công nghiệp và các ngành khác ở cấp quốc gia.

Bà Trâm Anh khẳng định, mô hình KCN sinh thái đích thực được xác định dựa trên các tiêu chí, cụ thể là: Mô hình KCN sinh thái theo khung khổ quốc tế; Quản lý KCN sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái; khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP); khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp.

Đồng thời nhấn mạnh, có nhiều khái niệm về KCN sinh thái, song ngắn gọn thì KCN sinh thái là việc tạo ra các KCN hiệu quả hơn về tài nguyên và chi phí, có tính cạnh tranh cao hơn, hấp dẫn đầu tư hơn và có khả năng chống chịu rủi ro cao hơn.

Về lợi ích KCN sinh thái có liên quan đến 04 đối tượng chính, đó là: Các doanh nghiệp trong các KCN sinh thái; cộng đồng địa phương; môi trường xung quanh KCN sinh thái; cấp các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các Ban Quản lý KCN sinh thái.

Các cấu phần chính của KCN sinh thái bao gồm 05 cấu phần, bao gồm: Ban Quản lý và dịch vụ tại các KCN; Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn; Cộng sinh công nghiệp và cơ sở hạ tầng; Hiệp lực đô thị và lực lượng lao động xung quanh; Quy hoạch và phân vùng không gian.

Tại Hội thảo trực tuyến, ông Dick Van Beers, chuyên gia dự án UNIDO đã phân tích cơ sở đánh giá KCN sinh thái và các cơ hội cho KCN sinh thái phát triển dựa trên các tiêu chí về: Đánh giá hiệu quả hoạt động của KCN theo khung khổ quốc tế về KCN sinh thái; xác định và ưu tiên các cơ hội về KCN sinh thái; kế hoạch hành động và thực hiện các cơ hội về KCN sinh thái; kết quả đánh giá KCN sinh thái ở Việt Nam và quốc tế.

Ông Đinh Mạnh Thắng, chuyên gia cao cấp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, VNCPC phát biểu tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, chuyên gia cao cấp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, ông Đinh Mạnh Thắng-Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã cung cấp bức tranh tổng thể phương pháp tiếp cận Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) trong công nghiệp. Trong đó tập trung vào tổng quan về RECP, phương pháp luận RECP và áp dụng triển khai trong thực tế; các bước đánh giá RECP tại hiện trường; các tiềm năng RECP về tiết kiệm tài nguyên trong công nghiệp và các ví dụ điển hình tại các KCN trong giai đoạn đã được áp dụng triển khai thành công tại các dự án của Việt Nam thời gian qua.

Ông Ankit Kapasi, chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái, Sofies phát biểu tại Hội thảo trực tuyến

Về các nội dung liên quan đến cộng sinh công nghiệp, ông Ankit Kapasi, chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái, Sofies và ông Dick Van Beers, chuyên gia dự án UNIDO đã phân tích các giá trị cốt lõi của cộng sinh công nghiệp – những khái niệm chính và công cụ thực hiện (bao gồm mục tiêu, lợi ích và thách thức của cộng sinh công nghiệp; phương pháp và công cụ nhận diện các cơ hội; cơ cấu và mô hình quản trị…). Tựu chung, mục đích cụ thể của cộng sinh công nghiệp là tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải thông qua quản lý bền vững chất thải và các sản phẩm phụ giữa các ngành/công ty; cộng sinh giữa các công ty giúp hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Đồng thời các chuyên gia dẫn chứng một số ví dụ KCN sinh thái điển hình trên thế giới đã làm tốt vai trò cộng sinh công nghiệp, đó là KCN Kwinana (Úc); KCN Map Ta Phut (Thái Lan); cộng sinh công nghiệp- đô thị ở Kalundborg (Đan Mạch).

Ông Đinh Mạnh Thắng, đại diện VNCPC và ông Alessandro Flammini, quản lý Chương trình của UNIDO tại Cộng hòa Áo chia sẻ, sắp tới Dự án sẽ cử cán bộ kỹ thuật và các chuyên gia kinh tế đến trực tiếp các KCN được thí điểm lựa chọn triển khai KCN sinh thái để tìm hiểu về mặt rào cản pháp lý, tiến hành thu thập thông tin, đo đạc lại kết quả để xác định các giải pháp về cộng sinh công nghiệp cho các doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế sẽ nghiên cứu các giải pháp khả thi để cho các doanh nghiệp có lộ trình thực hiện và xây dựng được các dự án; hoặc các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận được với các nguồn tài chính, các quỹ tài chính xanh ở Việt Nam để có thể vay vốn hoặc vay gói hỗ trợ tài chính nhằm thực hiện các giải pháp này.

Các chuyên gia nhấn mạnh, với sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả này, các doanh nghiệp có thể nhân rộng được các mô hình cộng sinh công nghiệp ngay trong KCN hoặc trong các KCN khác nhau, hoặc các khu lân cận; sau đó sẽ tập hợp lại để đưa ra được đề xuất về cơ chế tài chính trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các Bộ, ngành liên quan và đề xuất lên cơ quan Chính phủ.

Tại KCN DEEP C, Dự án sẽ lựa chọn khoảng 20 doanh nghiệp trong KCN. Sau đó sẽ có buổi hướng dẫn cụ thể, chi tiết các kiến thức chuyên môn, kỹ thuật vận hành cộng sinh công nghiệp cho các cán bộ kỹ thuật tại 20 doanh nghiệp trong KCN DEEP C nhằm đảm bảo cho họ là lực lượng nòng cốt thực hiện cộng sinh công nghiệp hiệu quả tại doanh nghiệp. Trên cơ sở các thiết bị kỹ thuật đo đạc cũng như khảo sát tình hình thực tế, Ban Quản lý Dự án cũng sẽ đưa ra các giải pháp cốt lõi. nhằm mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp; đồng thời sẽ thông báo lộ trình cụ thể về kế hoạch triển khai gửi cho các doanh nghiệp trong KCN DEEP C để có các hoạt động triển khai cộng sinh công nghiệp.

Dự kiến Hợp phần này của Dự án dự kiến sẽ triển khai trong 14 tháng, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì dự kiến kết thúc vào tháng 6/2022.

Cơ hội triển khai KCN sinh thái tại KCN DEEP C Hải Phòng

Bà Melissa Slabbaert, KCN DEEP C Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo trực tuyến

Đánh giá về các KCN tại Việt Nam, ông Dick Van Beers-UNIDO cho rằng, DEEP C là một trong các ví dụ điển hình về KCN sinh thái tại Việt Nam. Mô hình hoạt động của KCN DEEP C giống KCN Kwinana là đều có nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực khác nhau nên có thể tận dụng cộng sinh công nghiệp cũng như sử dụng chung các tiện ích trong KCN. Đồng thời các chuyên gia cũng nhận định lợi thế của KCN DEEP C giống KCN Kwinana là xây dựng được các hội đồng công nghiệp nhằm tạo sân chơi cho các doanh nghiệp gắn kết với chính quyền địa phương; có sự đa dạng của các ngành nghề trong KCN nên có sự tương hỗ giữa các ngành, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, môi trường, xã hội, cơ sở pháp lý và quản trị doanh nghiệp.

Thảo luận về cơ hội cộng sinh công nghiệp có thể nhận diện tại KCN DEEP C, đại diện UNIDO và các chuyên gia dự đoán các ngành sẽ có nhiều cơ hội chiếm ưu thế như: Dịch vụ sửa chữa, bảo trì định kỳ thiết bị, kiểm toán năng lượng, chăm sóc cây xanh.

Về động lực để triển khai KCN sinh thái tại KCN DEEP C, UNIDO và các chuyên gia lưu ý các nhà quản lý KCN DEEP C cần tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với cộng đồng địa phương từ trước khi triển khai Dự án để tránh xung đột sau khi dự án được triển khai và đi vào hoạt động. Mặt khác nên tinh toán, cân nhắc đưa vào một số mô hình KCN có lợi ích cho cộng đồng để xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng.

Các chuyên gia cho rằng, KCN DEEP C cần thiết phải tổ chức các cuộc Hội thảo cho các bên trong KCN cũng như với các cộng đồng địa phương để tìm ra cơ hội hiệp lực công nghiệp (cộng sinh công nghiệp). Qua đó tạo sự kết nối giữa KCN với cộng đồng các doanh nghiệp xung quanh KCN, và tiến xa hơn là kết nối với các cộng đồng khác ngoài KCN (các KCN trong thành phố) để tạo thành một chu trình cộng sinh công nghiệp, qua đó mang lại lợi ích cho các bên liên quan.

Đại diện KCN DEEP C Hải Phòng, bà Melissa Slabbaert cho biết, thông điệp chính của KCN DEEP C là “Tự vận hành bền vững”. Hiện nay các doanh nghiệp trong KCN DEEP C đang có nhiều ưu thế để công sinh công nghiệp trong các lĩnh vực như: Hóa chất, cứu hỏa, Internet vạn vật (đo lượng điện sử dụng chung), dịch vụ xe buýt nội bộ trong KCN. Đồng thời cho rằng, KCN DEEP C cần thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn để trao đổi thông tin liên lạc trong các doanh nghiệp cũng như với cộng đồng địa phương nhằm biết rõ nhu cầu của mỗi bên, tránh được những rủi ro, xung đột sau khi Dự án triển khai và đi vào hoạt động.

Cần có chính sách và tiêu chí rõ ràng cho KCN sinh thái phát triển

Ông Dick Van Beers-UNIDO phát biểu tại Hội thảo trực tuyến

Chia sẻ về “Giấy thông hành” chứng nhận cho KCN đạt tiêu chuẩn KCN sinh thái hiện nay, ông Dick Van Beers-UNIDO nhấn mạnh, Khung quốc tế về KCN sinh thái trên thế giới thực tế hiện nay không có quy định, tiêu chuẩn cụ thể nào; mà thực chất đó chỉ là hướng dẫn để quản lý hiệu quả KCN về khía cạnh môi trường, kinh tế và xã hội (nên không có tính chất ràng buộc, chỉ là cách tiếp cận, tập chung vào tiêu chí với mục đích làm gì để biến các KCN được tốt hơn, cạnh tranh tốt để giảm chi phí sản xuất, phát triển hiệu quả bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội).

Tại Việt Nam, để khuyến khích các KCN sinh thái phát triển, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT, trong đó thể chế hóa các khái niệm KCN sinh thái, cộng sinh công nghiệp, đưa ra các tiêu chí xác định KCN sinh thái, khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp áp dụng và phát triển theo mô hình KCN sinh thái. Tuy nhiên thực tế về mặt luật pháp còn nhiều rào cản trong các quy định, thông tư (liên quan đến công sinh công nghiệp, thực hiện KCN sinh thái), nên chưa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Hợp phần của Dự án này có việc các chuyên gia kinh tế đến trực tiếp các KCN tìm hiểu các rào cản về mặt pháp lý; trên cơ sở đó UNIDO có kiến nghị, đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sửa đổi các chính sách và giải pháp phát triển KCN sinh thái tại Nghị định 82 để trình lên Chính phủ xem xét, quyết định cho định hướng phát triển KCN sinh thái.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Alessandro Flammini- Quản lý Chương trình của UNIDO tại Cộng hòa Áo khẳng định, hành trình chuyển đổi sang KCN sinh thái tại Việt Nam không phải là một bảng điểm làm núp (mang tính hình thức) để đánh dấu xem có đáp ứng được hay không, mà là xây dựng các mô hình trình diễn về các KCN sinh thái ở các vùng miền tại Việt Nam. UNIDO cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để hỗ trợ về kỹ thuật và các giải pháp cho phát triển kinh tế và công nghiệp bền vững tại Việt Nam. Đồng thời mong muốn sẵn sàng có các buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp KCN và các bên liên quan khác, để tìm kiếm cơ hội cộng sinh giữa đô thị và công nghiệp tại Việt Nam.

Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” được cụ thể hóa trong Chương trình KCN sinh thái toàn cầu thực hiện trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện từ nguồn tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO); thời gian thực hiện Dự án là 03 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2023; Dự án được triển khai thí điểm tại các địa phương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Hồ Chí Minh.

Dự án trên là sự kế thừa của Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường Toàn cầu và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện thành công tại Việt Nam trong giai đoạn năm 2014-2019 (kết thúc vào tháng 6/2019); Dự án được triển khai thí điểm tại các địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Nguyễn Hằng
https://kinhtevadubao.vn/nang-cao-nang-luc-ve-cach-tiep-can-khu-cong-nghiep-sinh-thai-tai-viet-nam-18615.html

Quản lý hóa chất và chất thải để giảm thiểu áp lực cho môi trường, biến đổi khí hậu

Hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh đặt ra nhiêu vấn đề áp lực lên môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, công nghiệp hóa chất có mặt ở khắp các ngành công nghiệp, từ các khâu sản xuất hay ở các xí nghiệp, nhà xưởng đến sản xuất lương thực thực phẩm.

Ngành này có đặc điểm chính là sự đa dạng các sản phẩm, có thể phục vụ cho tất cả các ngành công nghiệp khác. Chính vì thế, công nghiệp hóa chất khai thác các tài nguyên của đất nước từ khoáng sản, dầu khí cho đến sản phẩm, phụ phẩm và thậm chí là cả phế thải của công nghiệp, nông nghiệp.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh. Các ngành sản xuất hóa chất, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa dầu, hóa chất cơ bản, nguồn điện hóa học, khí công nghiệp, cao su, chất tẩy rửa, sơn, hóa dược đều đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển bền vững ở Việt Nam và đặt ra nhiêu vấn đề áp lực lên môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. Do vậy, chu trình quản lý hóa chất và chất thải bền vững là hết sức cần thiết để tối đa hóa các lợi ích, đóng góp vào sự thịnh vượng của nhân loại.

Kinh nghiệm cho thấy, quản lý chất thải được xem là trọng tâm của kinh tế tuần hoàn, hóa chất với kinh tế tuần hoàn là một nội dung lớn với những sáng kiến đang được áp dụng như “hóa chất cho một nền kinh tế tuần hoàn sạch để đảm bảo các hóa chất nguy hiểm và độc hại không tồn tại trong các sản phẩm tái chế; chuyển đổi từ việc bán hóa chất dưới dạng sản phẩm sang cho thuê dịch vụ; tái chế hóa chất thông qua chuyển đổi và xử lý chất thải; và thay thế hóa chất xanh cho các quá trình tuyến tính bằng áp dụng tuần hoàn hóa chất để bền vững hơn.


Cần quản lý hóa chất để phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Để giải quyết vấn đề quản lý hợp lý hóa chất và chất thải nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, cần chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất.

Việt Nam đã và đang phát động nhiều chương trình cung cấp thông tin và khuyến khích thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm mục tiêu thúc đẩy thiết kế sinh thái, thúc đẩy các quy trình kinh tế tuần hoàn, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững và nhằm đảm bảo rằng chất thải và ô nhiễm được ngăn chặn, các nguồn lực vốn tự nhiên được lưu giữ và sử dụng tối đa trong nền kinh tế.

Điều kiện kinh doanh hóa chất, trừ hóa chất bị cấm theo Công ước Quốc tế về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học

Theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất. Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương

Yêu cầu chung để đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất

Điều 4. Yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa

Nhà xưởng phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với tính chất, quy mô và công nghệ sản xuất, lưu trữ hóa chất.

Nhà xưởng, kho chứa phải có lối, cửa thoát hiểm. Lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng hiệu, đèn báo và được thiết kế thuận lợi cho việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.

Hệ thống thông gió của nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống thông gió.

Hệ thống chiếu sáng đảm bảo theo quy định để đáp ứng yêu cầu sản xuất, lưu trữ hóa chất. Thiết bị điện trong nhà xưởng, kho chứa có hóa chất dễ cháy, nổ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng, chống cháy, nổ.

Sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải chịu được hóa chất, tải trọng, không gây trơn trượt, có rãnh thu gom và thoát nước tốt.

Nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải có bảng nội quy về an toàn hóa chất, có biển báo nguy hiểm phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất, treo ở nơi dễ thấy. Các biển báo thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất phải có các thông tin: Mã nhận dạng hóa chất; hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì hình đồ cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó. Tại khu vực sản xuất có hóa chất nguy hiểm phải có bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình thao tác an toàn ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.

Nhà xưởng, kho chứa phải có hệ thống thu lôi chống sét hoặc nằm trong khu vực được chống sét an toàn và được định kỳ kiểm tra theo các quy định hiện hành.

Đối với bồn chứa ngoài trời phải xây đê bao hoặc các biện pháp kỹ thuật khác để đảm bảo hóa chất không thoát ra môi trường khi xảy ra sự cố hóa chất và có biện pháp phòng chống cháy nổ, chống sét.

Nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Yêu cầu đối với công nghệ, thiết bị, dụng cụ, bao bì

Công nghệ sản xuất hóa chất được lựa chọn đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây sự cố hóa chất, ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ.

Thiết bị kỹ thuật phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với chủng loại hóa chất và quy trình công nghệ, đáp ứng được công suất sản xuất, quy mô kinh doanh. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị.

Yêu cầu về bao bì

Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín, chắc chắn, có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển. Bao bì đã qua sử dụng phải bảo quản riêng. Trước khi nạp hóa chất, cơ sở thực hiện nạp phải kiểm tra bao bì, vật chứa hóa chất, làm sạch bao bì đã qua sử dụng để loại trừ khả năng phản ứng, cháy nổ khi nạp hóa chất. Các vật chứa, bao bì đã qua sử dụng nhưng không sử dụng lại phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

Vật chứa, bao bì chứa đựng hóa chất phải có nhãn ghi đầy đủ các nội dung theo quy định về ghi nhãn hóa chất. Nhãn của hóa chất phải đảm bảo rõ, dễ đọc và có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển.

Điều 6. Yêu cầu đối với bảo quản, vận chuyển hóa chất

Các hóa chất nguy hiểm phải được phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất. Không được bảo quản chung các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có yêu cầu về an toàn hóa chất, phòng, chống cháy nổ khác nhau trong cùng một khu vực.

Hóa chất trong kho phải được bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, đảm bảo yêu cầu an toàn, thuận lợi cho công tác ứng phó sự cố hóa chất.

Quá trình vận chuyển hóa chất phải thực hiện theo quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm.

Điều 7. Yêu cầu đối với hoạt động san chiết, đóng gói hóa chất

Hoạt động san chiết, đóng gói hóa chất phải được thực hiện tại địa điểm đảm bảo các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.

Thiết bị san chiết, đóng gói hóa chất phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị.

Bao bì, vật chứa và nhãn hóa chất sau khi san chiết, đóng gói phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.

Người lao động trực tiếp san chiết, đóng gói hóa chất phải được huấn luyện về an toàn hóa chất.

An Dương
https://vietq.vn/quan-ly-hoa-chat-va-chat-thai-de-giam-thieu-ap-luc-cho-moi-truong-va-suc-khoe-d189459.html

G20 cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Ngày 23/7, các bộ trưởng môi trường và năng lượng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ký một thỏa thuận tái cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ngày 23/7, các bộ trưởng môi trường và năng lượng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ký một thỏa thuận tái cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mặc dù các bộ trưởng chưa nhất trí về cách diễn đạt trong hiệp định về giới hạn sự ấm lên của Trái Đất.

Thỏa thuận trên được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng môi trường, khí hậu và năng lượng của G20, diễn ra trong các ngày 22-23/7 tại Naples, Italy.

Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái của Italy Roberto Cingolani cho biết thỏa thuận này là cơ sở cho việc mở đường cho Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: independent.org)

Tuy nhiên, các bộ trưởng vẫn chưa nhất trí về cách diễn đạt về giới hạn sự ấm lên của Trái Đất ở mức từ 1,5-2 độ C mà Hiệp định Paris đề ra và được gần 200 nước phê chuẩn. Hiệp định Paris kêu gọi giới hạn mức nhiệt của Trái Đất ở mức “dưới 2 độ C” và ở mức 1,5 độ C nếu có thể.

Thông cáo chung của hội nghị nêu rõ: “Các nước từ Trung Quốc tới Ấn Độ, Mỹ, Nga và các nước châu Âu đều nhất trí rằng việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhất là sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19, là công cụ thúc đẩy nhanh và toàn diện tăng trưởng kinh tế, xã hội, tạo việc làm và phải là một tiến trình chuyển đổi mà không ai bị bỏ lại phía sau.”

Hội nghị cấp bộ trưởng môi trường, khí hậu và năng lượng tại Naples là diễn đàn trực tiếp đầu tiên kể từ hội nghị tại Nhật Bản vào tháng 6/2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát khắp thế giới. Hội nghị thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Năm 2021 là một năm quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sinh thái và khí hậu, với một số sự kiện toàn cầu sẽ diễn ra trong những tháng tới: Hội nghị các bên (COP) của ba Công ước Rio về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và sa mạc hóa, khởi động Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh về các hệ thống lương thực của Liên hợp quốc và Hội nghị về đại dương của Liên hợp quốc./.

Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/g20-cam-ket-tuan-thu-hiep-dinh-paris-ve-bien-doi-khi-hau/728896.vnp

Chương trình hội thảo tập huấn nâng cao năng lực RECP và Cộng sinh công nghiệp

Sau hội thảo Giới thiệu tổng quan về Khu công nghiệp sinh thái và dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái Toàn cầu” được tổ chức mới đây, CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO TẬP HUẤN NÂNG CAO NĂNG LỰC HIỆU QUẢ TÀI NGUYÊN SẢN XUẤT SẠCH HƠN (RECP) VÀ CỘNG SINH CÔNG NGHIỆP sẽ diễn ra vào chiều ngày 27-28/7, qua hình thức zoom online.

Nội dung hội thảo:

• Lợi ích của KCN sinh thái, Mô hình KCN sinh thái theo khung khổ quốc tế; Quản lý KCN sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái.
• Khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp RECP
• Khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp;
• Mối quan tâm và mong đợi từ Ban quản lý KKT Hải Phòng, Công ty hạ tầng KCN Đình Vũ Hải Phòng và các doanh nghiệp trong KCN;
• Xây dựng mạng lưới liên lạc của dự án;
• Lập kế hoạch hoạt động của dự án và các bước hỗ trợ tiếp theo của Dự án với các Doanh nghiệp và các bên liên quan tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng)

Thành phần tham gia hội thảo:
• Cán bộ trong ban quản lý KCN;
• Các doanh nghiệp trong KCN và các bên liên quan (lãnh đạo, các cán bộ kỹ thuật trong doanh nghiệp và KCN), những người quan tâm tới dự án bên ngoài KCN.
Quý vị quan tâm xin vui lòng đăng ký tại form dưới đây: https://vncpc.org/dang-ky-hoi-thao-kcnst/

VNCPC

Công nghệ đặc biệt của máy bay điện nhanh nhất thế giới

Anh đang phát triển một loại máy bay điện Electric NXT có thể lập kỷ lục thế giới khi bay với tốc độ 480 km/h nhờ bộ pin nặng 300 kg.

Máy bay điện Electric NXT (E-NXT) là máy bay một chỗ ngồi do Electroflight và công ty Rolls-Royce đồng phát triển. Họ hy vọng mẫu máy bay sẽ phá kỷ lục nhanh nhất thế giới dành cho máy bay điện với tốc độ hơn 480 km/h.

Tuy nhiên, chế tạo máy bay điện là thách thức lớn hơn nhiều so với chế tạo xe điện. Đầu tiên, máy bay cần mang cả bộ pin lên không trung và duy trì trong thời gian dài. Hệ thống pin dành cho E-NXT nặng 300 kg, gần gấp đôi trọng lượng động cơ của chiếc máy bay. Vì vậy, phần lớn công việc của Electroflight là phát triển hệ thống pin, cân nhắc sự đánh đổi giữa trọng lượng và công suất.

Hình ảnh máy bay điện nhanh nhất thế giới đang được phát triển. Ảnh: Electroflight.

Mục tiêu đạt tốc độ kỷ lục sẽ đặt hệ thống pin dưới áp lực lớn. Trong khi nhiều xe thể thao có thể đạt công suất hơn 500 mã lực, những phương tiện đó chỉ cần công suất như vậy trong thời gian ngắn. Máy bay của Electroflight sẽ cần duy trì gần như tất cả công suất trong chuyến bay lập kỷ lục kéo dài khoảng 8 phút. Ngay cả ở tốc độ hành trình, bộ pin cần hoạt động ở 60% công suất tối đa.

Để giảm trọng lượng, các kỹ sư sẽ đặt toàn bộ hệ thống pin trong lớp vỏ bằng sợi carbon cứng. Lớp vỏ này cứng đến mức motor do đối tác Yasa ở Oxford cung cấp được lắp cố định vào đó. Bên trong lớp vỏ là 3 bộ pin riêng biệt, nhờ đó máy bay vẫn có năng lượng nếu một hoặc hai bộ pin còn lại bị hỏng.

Ba bộ pin có tổng cộng 6.400 viên pin, mỗi viên pin chỉ lớn hơn một chút so với pin AA dùng trong gia đình, cùng loại với pin dùng cho ôtô điện ngày nay. Toàn bộ hệ thống pin được làm mát bởi hệ thống đường ống phức tạp dẫn hỗn hợp nước và glycol quanh pin để hạ nhiệt độ.

Dù trọng tâm là lập kỷ lục, Electroflight hy vọng kỹ thuật mà họ tích lũy được sẽ biến họ thành công ty tiên phong trong thị trường pin dành cho máy bay. Ở thời kỳ đầu của máy bay điện, bộ pin sẽ cần thay thế thường xuyên, có thể để sạc lại hoặc khi thiết bị trở nên cũ kỹ và kém hiệu quả, vì vậy chi phí trở thành yếu tố lớn. Electroflight lên kế hoạch giải quyết vấn đề này thông qua hạ thấp giá cả bằng cách thành lập cơ sở sản xuất hàng loạt.

Electroflight cũng có nhiều sáng kiến khác, bao gồm chuyển từ pin hình trụ thành pin dạng túi với thành phần hóa chất tiên tiến hơn, làm tăng mật độ năng lượng đồng thời duy trì công suất cao.

Với vận tốc 480 km/h máy bay này đã phá kỷ lục hiện tại là 342 km/h. Đối với Rolls-Royce, dự án mang tên Accel này nằm trong nỗ lực lớn hơn nhằm phát triển công nghệ giúp giảm tác động của máy bay tới môi trường.

Rolls-Royce hợp tác với Electroflight để chế tạo E-NXT trong 3 năm qua, đầu tư 8,3 triệu USD nhằm phát triển công nghệ hàng đầu giúp lập kỷ lục.

Trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, điện khí hóa là một công nghệ hoàn toàn mới và khó phát triển từ nền tảng truyền thống. Tuy nhiên, nếu mọi người nhìn vào nước Anh và khả năng kỹ thuật của chúng tôi, chúng tôi là các nhà lãnh đạo thế giới về máy tự động thích hợp, đặc biệt là điện khí hóa phương tiện dùng trong các môn thể thao tốc độ, chẳng hạn giải đua ô tô điện Công thức E.

Song việc chế tạo máy bay chạy bằng pin là thử thách thậm chí còn lớn hơn so với việc chế tạo ô tô chạy bằng pin. Để bắt đầu, một chiếc máy bay phải kéo pin lên trời và giữ chúng ở đó một cách lý tưởng.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/cong-nghe-dac-biet-cua-may-bay-dien-nhanh-nhat-the-gioi-d189150.html

Vị vua mới trong ngành điện: Năng lượng mặt trời

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã công bố một số kịch bản phát triển năng lượng trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới thường niên của mình. Theo kịch bản Chính sách (STEPS), nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trở lại mức trước khủng hoảng vào năm 2023.

Trong kịch bản phục hồi chậm (DRS), ngành năng lượng toàn cầu sẽ phục hồi về mức trước khủng hoảng vào năm 2025. Theo kịch bản Phát triển bền vững (SDS), các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris sẽ đạt được đúng thời hạn. Báo cáo cũng bổ sung kịch bản không phát thải ròng carbon vào năm 2050, trong đó hầu hết các quốc gia và công ty sẽ đạt được trung hòa carbon.

Trang trại năng lượng mặt trời Solucar tại Tây Ban Nha. Ảnh: Michael Melford/National Geographic Society/Corbis.

Giá năng lượng mặt trời tiếp tục xu hướng giảm

Theo các chuyên gia của hãng tư vấn Wood Mackenzie, xu hướng trên thị trường năng lượng năm 2021 là giá điện mặt trời tiếp tục giảm. Trong 5 dự án điện mặt trời có giá trúng thầu thấp nhất, 4 dự án nằm ở khu vực Trung Đông. Khu vực này có điều kiện thuận lợi để sản xuất điện mặt trời giá rẻ. Đặc biệt là giá vốn thấp, doanh thu đảm bảo và nhiều bức xạ mặt trời. Wood Mackenzie cho rằng, hiện có hai quốc gia có thể chiếm vị trí nhà sản xuất năng lượng mặt trời rẻ nhất thế giới của UAE là Tây Ban Nha và Chile. Cả hai quốc gia này đều đã thiết lập các thị trường bán buôn điện, có thể kích hoạt đấu thầu tích cực đối với các nhà phát triển năng lượng. Theo Wood Mackenzie, các chủ sở hữu tài sản điện mặt trời đang ngày càng tinh vi hơn, sẵn sàng từ bỏ doanh thu theo hợp đồng, chấp nhận đòn bẩy thương mại một phần hoặc toàn bộ để giảm chi phí điện mặt trời và gia tăng thời gian hoạt động của dự án.

Mặt trái của sự phát triển

Khối lượng chất thải từ năng lượng mặt trời hiện nay vẫn còn thấp do lĩnh vực này còn mới và thời gian bảo hành các module thường từ 25 năm trở lên. Về vấn đề này, chất thải từ các nhà máy điện mặt trời chưa phải là một vấn đề toàn cầu vì khối lượng của chúng rất nhỏ, chỉ chiếm 1% chất thải điện tử toàn cầu mỗi năm.


Trung tâm năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum tại Du năng lượng mặt trời bai, UAE. Ảnh: Gulf News.

Tuy nhiên, cả IRENA và IEA có công bố các báo cáo về quản lý cuối vòng đời đối với các tấm pin mặt trời, công nghệ tái chế pin mặt trời, theo đó cho rằng, thế giới sẽ sản sinh ra 1,7-8 triệu tấn chất thải quang điện vào năm 2030, tùy thuộc vào các kịch bản được xem xét. Lượng rác thải từ các tấm pin mặt trời này tương ứng với 3-16% lượng rác thải điện tử hàng năm. Đến năm 2050, khối lượng pin mặt trời hết thời hạn sử dụng sẽ tăng lên từ 60-78 triệu tấn. Hiện nay có một số nhà sản xuất đã cung cấp dịch vụ tái chế module năng lượng mặt trời của mình, đồng thời thiết lập các cơ sở tái chế chuyên dụng. Ví dụ như nhà sản xuất First Solar đã triển khai chương trình toàn cầu về thu thập và tái chế module năng lượng mặt trời vào năm 2005. Công nghệ của hãng cho phép tái sử dụng 90% vật liệu bán dẫn và thủy tinh.

Module năng lượng mặt trời thường được làm bằng thủy tinh, nhôm, đồng và các vật liệu bán dẫn có thể thu hồi và tái sử dụng. Tấm silicon tinh thể thông thường bao gồm 76% khối lượng thủy tinh, 10% vật liệu polymer, 8% nhôm, 5% chất bán dẫn silicon, 1% đồng, dưới 0,1% bạc và các loại kim loại khác bao gồm thiếc và chì. Trong các loại module màng mỏng, tỷ lệ thủy tinh còn lên đến 89-97%. Đến năm 2050, thị trường tái chế module mặt trời sẽ có quy mô 15 tỷ USD/năm và khối lượng chất thải tích lũy có thể sản xuất 2 tỷ module mặt trời, tương đương với 630 GW. Do đó, việc tổ chức hợp lý, tái chế chất thải từ các nhà máy điện mặt trời có thể mang lại lợi ích lớn mà không cần các biện pháp bổ sung./.

Tiến Thắng
https://petrotimes.vn/vi-vua-moi-trong-nganh-dien-nang-luong-mat-troi-618179.html