Vai trò của các công ty dầu khí quốc gia trong giảm thải carbon

Một số chuyên gia cao cấp của hãng phân tích Wood Mackenzie mới đây đã có bài phân tích về vai trò của các công ty dầu khí quốc gia (NOCs) đến mục tiêu trung hòa carbon toàn cầu.

Có thể thấy, NOCs đang thống trị không gian dầu khí toàn cầu khi sản xuất 50% nhiên liệu lỏng và 48% khí đốt toàn cầu. Và một khi các công ty dầu khí quốc tế (IOCs) đa dạng hóa danh mục đầu tư và giảm tỷ trọng đầu tư vào dầu khí trong khuôn khổ chiến lược chuyển đổi năng lượng, tỷ trọng của NOCs trong sản xuất dầu khí có khả năng sẽ tăng lên.

Top 20 NOCs thải CO2 từ 1965-2017 (đơn vị Megaton tương đương 1 triệu tấn CO2)

Mức độ sản xuất cao trong lĩnh vực thượng nguồn dẫn đến gia tăng lượng phát thải tuyệt đốt các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Kết quả đo điểm chuẩn phát thải đối với 100 NOCs năm 2021, Wood Mackenzie ghi nhận có gần 10/20 dầu khí công ty khai thác dầu khí hàng đầu gia tăng tuyệt đối phát thải khí. Do đó, NOCs cần phải đóng một vai trò nào đó trong sứ mệnh khử carbon toàn cầu và năm 2021 có thể là một năm cho những sự thay đổi tích cực.

Đối với nhiều NOCs, vai trò chính của họ là tạo ra doanh thu và tối đa hóa việc khai thác các nguồn tài nguyên giàu có cho chính phủ các nước. Thông thường, NOCs được tiếp cận một số nguồn tài nguyên có chất lượng tốt nhất với chi phí thất nhất. NOCs là “động cơ tiền mặt” cho các nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ. Theo các chuyên gia của Wood Mackenzie, NOCs sẽ tạo ra trung bình 8,2 USD dòng tiền tự do cho mỗi thùng dầu tương đương (boe) trong năm 2021, cao hơn mức trung bình là 6,6 USD/boe của các công ty dầu khí không thuộc NOCs. Một số chính phủ có mức độ phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ lên tới hơn 90%. Vì vậy, những nỗ lực toàn cầu để giảm lượng khí thải hoặc đánh thuế carbon là mối đe dọa lớn đối với NOCs.

Mặc dù có mức phát thải tuyệt đối cao, 11 NOCs được đề cập trong bộ công cụ đo điểm chuẩn phát thải của Wood Mackenzie lại có cường độ phát thải thấp hơn mức trung bình. Tuy nhiên, không phải tất cả NOCs đều giống nhau. Những công ty có danh mục đầu tư thông thường lớn, tuổi đời cao như Saudi Aramco và Rosneft có cường độ phát thải thấp hơn so với nhiều NOCs khác. Mặt khác, các công ty có tỷ trọng đầu tư lớn vào LNG lại có cường độ phát thải cao.

Xu hướng thực hiện các chính sách carbon như thuế carbon và các mục tiêu giảm phát thải đang tăng lên. Wood Mackenzie nhận định, rủi ro đối với nhiều NOCs sẽ thấp, ít nhất là đối với các hoạt động trong nước. Hầu hết các chính phủ sẽ không thực hiện các chính sách carbon mà ảnh hưởng đến doanh thu dầu khí trong nước.

Tuy nhiên, sau Hiệp định khí hậu Paris 2015, áp lực toàn cầu ngày càng tăng đối với tất cả các quốc gia trong việc đặt ra mục tiêu và chính sách giảm phát thải. Các cơ chế chính sách đó có thể tác động đến các sản phẩm nhập khẩu cũng như các sản phẩm sản xuất trong nước. Cơ chế đánh thuế carbon xuyên biên giới theo Thỏa thuận xanh châu u là một trong những cơ chế như vậy. Ngoài ra còn có áp lực ngành càng tăng từ các nhà đầu tư đối với các công ty trong việc giảm phát thải.

Sản lượng khai thác cao và lượng khí thải tuyệt đối lớn khiến NOCs có lượng phát thải tuyệt đối cao đối mặt với những rủi ro nếu chính sách thuế carbon được thực hiện. Khoảng 40 tỷ USD giá trị sẽ gặp rủi ro đối với hai NOCs có lượng phát thải carbon hàng đầu nếu mức thuế carbon đối với hoạt động thượng nguồn ở mức 40 USD/tấn. Nói chung, cường độ phát thải thấp hơn và dòng tiền tự do cao có nghĩa là nhiều NOCs có thể phải chịu thuế carbon cao.

Hầu hết NOCs đang nằm ngoài các mục tiêu giảm phát thải ròng về mức 0. Chỉ có ba NOCs đặt tham vọng trung hòa carbon là PetroChina, Petronas và Sinopec. Nhiều công ty có mục tiêu ngắn hạn, ít tham vọng hơn và một số ít như Saudi Aramco và Gazprom thì chưa đặt bất kỳ mục tiêu giảm phát thải nào. Ngoài ra, một số NOCs có các mục tiêu tăng trưởng sản xuất đầy tham vọng. Điều này sẽ khiến cho bất kỳ mục tiêu giảm phát thải tuyệt đối nào cũng trở thành thách thức.

Trong năm 2020, thế giới đã chứng kiến sự thay đổi trọng tâm đối với công ty dầu khí hàng đầu châu Âu. Các công ty này tuyên bố các mục tiêu tham vọng về giảm phát thải tuyệt đối khí gây hiệu ứng nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Vậy NOCs có đi theo không? Một số tập trung cho sự thay đổi như vậy. Rủi ro tài chính do định giá carbon không phải là rủi ro chính, nhưng áp lực của các bên liên quan và nhà đầu tư ngày càng tăng; tính thị trường ngày càng tăng của các sản phẩm phát thải carbon thấp và những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đều là những động lực chính cho NOCs.

Và việc giảm lượng khí thải có thể hình thành những cơ hội kinh doanh hấp dẫn với nhiều NOCs chủ động tận dụng. Các lĩnh vực mới như LNG “xanh”, thu gom và lưu trữ carbon cũng như các công cụ giảm lượng khí thải và tránh phát thải đang được một số NOCs xem xét tích cực.

Các chuyên gia của Wood Mackenzie cho rằng, năm 2021 có thể là một năm bản lề với hội nghị COP 26 ở Glasgow, Ireland vào tháng 11/2021. Hội nghị sẽ hướng tới thông qua các mục tiêu giảm phát thải hơn nữa. Đặt mục tiêu giảm phát thải carbon ròng về 0 có thể không đạt được hoặc không là mong muốn đối với tất cả NOCs nhưng những NOCs chủ động trước có thể gặt hái được những thành quả bền vững. Các nhà hoạch định chính sách của chính phủ có nhiệm vụ khó khăn trong việc cân đối dòng tiền của NOCs để phân bổ cho chi tiêu công, tối đa hóa khai thác tài nguyên, đồng thời giải quyết các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu.

Viễn Đông
https://petrotimes.vn/vai-tro-cua-cac-cong-ty-dau-khi-quoc-gia-trong-giam-thai-carbon-609148.html

Bỉ sẽ xây dựng đảo năng lượng đa chức năng ở Biển Bắc

Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van de Straeten ngày 26/4 cho biết một trong những trụ cột chính của chính sách năng lượng của nước này là sản xuất điện gió ngoài khơi.

Trong chính sách năng lượng của kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Bỉ sẽ tập trung sản xuất năng lượng tại Biển Bắc. Theo đó, dự kiến Brussels sẽ xây dựng một hòn đảo năng lượng đa chức năng ở vùng biển này.

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh và truyền hình Cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ (RTBF), Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van de Straeten ngày 26/4 cho biết một trong những trụ cột chính của chính sách năng lượng của nước này là sản xuất điện gió ngoài khơi.

Bỉ dự kiến xây dựng một đảo năng lượng đa chức năng ở Biển Bắc – nơi sẽ kết nối các tuabin gió, đồng thời cho phép lưu trữ và sản xuất hydro xanh. Như vậy, Bỉ sẽ là quốc gia đầu tiên có đảo năng lượng như vậy ở Biển Bắc, trước cả Đan Mạch.

Về đổi mới năng lượng, châu Âu dự định tập trung vào hydro xanh và coi đó như một nhân tố chính trong quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon vào năm 2050.

Một trong những điểm chính của chính sách năng lượng của chính phủ Bỉ là duy trì loại bỏ điện hạt nhân vào năm 2025. Điều này đồng nghĩa với hàng nghìn việc làm bị đe dọa.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tinne Van der Straeten, những việc làm này có thể sử dụng trong các lĩnh vực khác ngoài năng lượng, đặc biệt là y học hạt nhân.

Hiện Bỉ có hai cơ quan nghiên cứu sáng tạo ở Flanders và Wallonia hoạt động với đồng vị phóng xạ. Các dự án sử dụng đồng vị phóng xạ bằng cách tạo ra ít chất thải hơn và với tham vọng chữa khỏi bệnh ung thư.

Để đảm bảo cung cấp năng lượng ở Bỉ mà không có nhà máy điện hạt nhân, Brussels đang xây dựng cơ chế trả công năng lực, nhằm hỗ trợ các “nhà cung cấp năng lực” bằng năng lượng.

Đây là nền tảng để bắt đầu quá trình chuyển đổi năng lượng, vì tương lai hậu năng lượng hạt nhân ban đầu sẽ là các nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Ngoài việc tập trung vào sản xuất năng lượng, Bỉ cũng chú trọng lưu trữ năng lượng.

Kể từ năm 2003, các chính phủ kế tiếp nhau tại Bỉ đã cố gắng thực hiện chính sách chuyển đổi năng lượng nhưng không đạt được nhiều thành công./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/bi-se-xay-dung-dao-nang-luong-da-chuc-nang-o-bien-bac/709054.vnp

Hiểm họa cháy nổ từ gas rình rập các gia đình, đâu là nguyên nhân?

Bộ Công an cho biết, một trong những nguyên nhân gây cháy nổ trong các gia đình hiện nay chính là do sử dụng gas.

Nguyên nhân khiến gas trở thành hiểm họa gây cháy nổ trong các gia đình

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ – Bộ Công an, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 627 vụ cháy nhà dân (chiếm 57% số vụ cháy trong năm 2020). Một trong những nguyên nhân trực tiếp gây cháy là do sơ suất, bất cẩn khi sử dụng lửa, nhiệt, trong đó có việc sử dụng gas.

Hiện nay, phần lớn các hộ gia đình đều có 1 bình gas (loại 12kg) trong nhà để nấu ăn. Với các nhà hàng, quán ăn, số lượng bình gas này sẽ nhiều hơn. Chính các bình gas nói trên có thể trở thành hiểm họa cháy, nổ nếu chẳng may khí gas bị rò rỉ hoặc người dùng quên tắt lửa sau khi nấu ăn. Đặc biệt với các gia đình có người lớn tuổi, trẻ em thì việc để quên lửa trên bếp rất dễ xảy ra.

Chị V.M.T. (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) kể, gia đình chị suýt gặp họa vì bếp gas. Khi đi làm về, chị ngửi mùi gas nồng nặc trong nhà. Chị vội mở toang cửa cho khí gas thoát ra ngoài. Sau này mới biết nguyên nhân là do ông nội của chị lớn tuổi tắt bếp gas chưa hết, tắt lửa nhưng khí gas vẫn còn xì ra ngoài.

“Nếu tôi không về kịp, chẳng may ông nội vô tình bật bếp gas hay bật công tắc điện thì không biết sẽ nguy hiểm như thế nào. Tới giờ nghĩ đến mà tôi còn run” – chị T. nói.


Cháy nổ từ gas luôn rình rập các gia đình. Ảnh minh họa

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, bình gas không thể phát nổ trừ khi có khí gas rò rỉ và tác động của tia lửa. Khi đó thực chất thứ bị nổ chính là khí gas bên trong chứ không phải bình gas. Với các trường hợp nổ khí gas gây sập đổ công trình là do sự ngưng tụ khí gas trong không gian kín nhất định và khi có tác động từ tia lửa do các nguồn lửa hoặc tia lửa điện rất nhỏ phát ra khi bật công tắc cũng khiến khí gas phát nổ, tạo sức công phá lớn”.

Nguy cơ cháy nổ không chỉ đến từ những bình gas loại lớn mà cả bình gas mini thường dùng cho các bữa tiệc. Bình gas mini vốn được sản xuất để dùng một lần nhưng thực tế lại thường xuyên được nạp gas (trái phép) và đưa vào sử dụng nhiều lần. Dù lượng khí gas trong các bình này không nhiều nhưng do vỏ bình mỏng, sự cố lại xảy ra ngay khi đang có bếp nóng, nhiều người tụ tập xung quanh nên dễ gây tai nạn thương tích cho người gần đó.

Một trong những nguyên nhân khiến bình gas cháy nổ tiếp theo có thể chính do sau khi đun không khóa gas hoặc khóa sai quy trình. Đa số các gia đình đều khóa bình gas theo kiểu tắt bếp rồi mới khóa van bình gas vô tình khiến cho gas vẫn còn trong đường ống dẫn mà không biết. Quy trình khóa gas chuẩn chính là khóa van bình lại, chờ phần gas còn lại được đốt hết sau đó mới tắt bếp

Nguyên nhân tiếp theo có thể do dây nối bình gas với bếp bị rò rỉ. Hãy chú ý đến dây dẫn bình gas với bếp trải qua thời gian sử dụng bị nứt, hở… cũng có thể do chuột cắn, gập xoắn. Gas bị rò rỉ ra ngoài do dây dẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến cháy nó. Vậy nên hãy thường xuyên kiểm tra dây dẫn khi đun nấu để đảm bảo an toàn.

Cách phòng tránh cháy nổ từ gas trong các gia đình

Theo chủ một cửa hàng kinh doanh gas tại Hà Nội, các bình gas hiện đều có van an toàn hoạt động tự động nên việc người dùng quên khóa van gây thoát khí là rất hiếm. Tuy nhiên, sự cố có thể xảy ra nếu các van này hư hoặc có các vết nứt tại điểm nối bình gas với bếp hoặc trên đường ống dẫn tới rò rỉ khí gas.

Do đó, để an toàn khi sử dụng bình gas tại nhà, người dân không nên dùng bếp quá cũ, có các vết gỉ sét và phải sửa chữa, thay thế ngay khi hư hỏng. Đặc biệt chú ý sử dụng bình gas mini mới phải còn tem, niêm phong có xuất xứ rõ ràng. Không dùng bình sang chiết lại, bình cũ đã gỉ sét, bị biến dạng vì lớp vỏ mỏng sẽ dễ hình thành vết nứt nhỏ làm thoát khí gas gây cháy, nổ.

Hiện nay, trên thị trường có các thiết bị cảm biến báo động rò rỉ khí gas hoặc bóng chữa cháy, các gia đình có thể tự lắp đặt tại khu vực bếp, gần bình gas. Khi xảy ra sự cố rò rỉ khí gas, thiết bị cảm biến sẽ báo động để cảnh báo người trong nhà. Bóng chữa cháy có thể tự động xử lý bước đầu đám cháy do khí gas vừa thoát ra. Tuy nhiên, khi sự cố cháy vừa được phát hiện và dập tắt, vẫn cần phải có người khóa van, đưa bình gas ra ngoài, đến khu vực thoáng đãng, an toàn.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/hiem-hoa-chay-no-tu-gas-luon-rinh-rap-trong-cac-gia-dinh-sang-25-d186152.html

Sơn phản xạ nhiệt làm mát tòa nhà tốt hơn máy điều hòa

Các vật liệu dùng phủ lên các tòa nhà có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng phản xạ nhiệt từ ánh nắng và hiệu quả sử dụng năng lượng tổng thể. Các kỹ sư vật liệu tại Ðại học Purdue (Mỹ) đã đi đầu trong lĩnh vực này và vừa sản xuất loại sơn trắng nhất thế giới, mà theo họ có thể phản xạ 98,1% ánh nắng và đạt hiệu quả làm mát tương đương hệ thống điều hòa không khí.

Trước đó, với mục tiêu làm cho không gian sống mát mẻ hơn và giảm phụ thuộc vào máy điều hòa và các hệ thống làm mát tiêu tốn nhiều năng lượng khác, các nhà khoa học của Ðại học Purdue đã phát triển một loại sơn trắng có khả năng phản chiếu 95,5% ánh sáng Mặt trời. Vật liệu này vượt xa các loại sơn phản xạ nhiệt có trên thị trường, vốn chỉ loại bỏ 80-90% ánh nắng. Nhưng nay, nhờ sự pha trộn cẩn thận các hạt vật liệu làm từ bari sulfat (BaSO4) – một hợp chất hóa học được sử dụng trong giấy ảnh trắng và mỹ phẩm – loại “sơn siêu trắng” mới còn đạt hiệu suất tuyệt vời hơn.

Cụ thể, bằng cách thay đổi kích thước của các hạt bari sulfat, nhóm nghiên cứu đã làm tăng khả năng tán xạ ánh sáng của chúng, tạo nên một loại sơn có thể tán xạ nhiều hơn quang phổ ánh sáng đến từ Mặt trời. Hiện nhóm nghiên cứu đã tìm ra công thức phù hợp để tạo ra loại sơn trắng nhất từ trước đến nay và là loại sơn tuyệt vời nhất được ghi nhận.

Sơn mới đã được đưa vào thử nghiệm ngoài trời và được phát hiện là giữ cho các bề mặt mát hơn 10,5 °C so với môi trường xung quanh vào ban đêm và mát hơn 4,5°C dưới ánh nắng gắt giữa ngày.

“Nếu bạn sử dụng loại sơn này để phủ một diện tích mái khoảng 93 mét vuông, chúng tôi ước tính bạn có thể tiết kiệm 10 kilowatt điện mỗi ngày, tốt hơn so với máy điều hòa không khí mà hầu hết các ngôi nhà sử dụng” – Xiulin Ruan, Giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Ðại học Purdue, cho biết.

HOÀNG ÐIỂU (Theo New Atlas, Daily Mail)
https://baocantho.com.vn/son-phan-xa-nhiet-lam-mat-toa-nha-tot-hon-may-dieu-hoa-a132372.html

Năm 2030, công nghệ 6G sẽ có mặt trên thị trường?

Theo ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, công nghệ 6G sẽ có mặt trên thị trường vào khoảng năm 2030.

Cụ thể, tại một hội nghị phân tích toàn cầu của Huawei, ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei cho rằng, công nghệ 6G sẽ có mặt trên thị trường vào khoảng năm 2030.

“Chúng tôi nghĩ rằng 6G sẽ có mặt trên thị trường vào khoảng năm 2030, nhưng chúng tôi vẫn chưa thực sự biết 6G là gì. Ngành công nghiệp của chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa ra thứ gì đó nhằm đóng góp cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng vào khoảng năm 2030, giống như chúng tôi đã làm cho 4G và 5G”, ông Eric Xu nói.

Ông Eric Xu cũng lưu ý rằng, Huawei hiện đang làm việc để xác định các thông số kỹ thuật chính của công nghệ 6G, đồng thời công ty có thể sớm phát hành sách trắng về 6G.

“Chúng tôi đang làm việc với những người chơi khác trong ngành công nghiệp di động để xác định 6G thực sự là gì. Có thể trong tương lai gần, chúng tôi sẽ tung ra sách trắng 6G của mình”, ông Eric Xu cho biết thêm.


Công nghệ 6G được dự đoán sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2030.

Ông Eric Xu nhận định rằng, sự phát triển trong tương lai của 6G sẽ phụ thuộc vào các trường hợp sử dụng tiềm năng cần sự hỗ trợ của công nghệ này.

“Nếu Huawei hoặc ngành công nghiệp toàn cầu có trí tưởng tượng hạn chế và nếu chúng ta không thể đưa ra một trường hợp sử dụng hấp dẫn cho 6G, thì có lẽ 6G sẽ không cần thiết. Nếu tất cả các trường hợp sử dụng cho 6G mà ngành công nghiệp sẽ đưa ra có thể được hỗ trợ bởi 5G hoặc 5.5G thì chúng ta sẽ không cần đến 6G. Sau đó, chúng ta có thể cần đợi thế hệ tiếp theo của mình, những người có thể thông minh hơn chúng ta và có những nhu cầu khác nhau. Họ có thể đưa ra một số trường hợp sử dụng mà chỉ 6G mới có thể giải quyết được. Đó sẽ là nơi mà 6G có thể tìm thấy giá trị của nó… Chúng tôi chắc chắn mong đợi những gì 6G sẽ mang lại. Chúng tôi vẫn cần nghiên cứu và đầu tư cần thiết để chuẩn bị cho chính mình”, ông Eric Xu phân tích.

Được biết, để chuẩn bị cho công nghệ di động thế hệ tiếp theo, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ 6G. Theo báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc, các cơ quan của chính phủ và viện nghiên cứu đã có các cuộc họp ban đầu với mục đích thành lập nhóm nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G cấp quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết sẽ thành lập hai nhóm công tác để thực hiện các hoạt động nghiên cứu 6G.

Trong khi đó, Chính phủ Đức cũng đã có kế hoạch cung cấp tài chính lên tới 700 triệu euro (833 triệu USD) cho nghiên cứu về các công nghệ 6G đến năm 2025. Trong một thông cáo, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF) cho biết bắt đầu sáng kiến nghiên cứu đầu tiên của Đức về công nghệ 6G trong tuần này.

Bên cạnh Trung Quốc và Đức thì nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã lên kế hoạch và đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp và Phần Lan.

Bảo An
http://vietq.vn/nam-2030-cong-nghe-6g-se-co-mat-tren-thi-truong-d185927.html

Liên minh châu Âu sắp công bố dự thảo quy định về trí tuệ nhân tạo

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã chuẩn bị đề xuất này suốt hơn một năm qua, và các tập đoàn công nghệ lớn lo ngại rằng EU sẽ có định nghĩa quá rộng về AI.

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ công bố một đề xuất về các quy định đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) vào tuần tới.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã chuẩn bị đề xuất này suốt hơn một năm qua, và các tập đoàn công nghệ lớn lo ngại rằng EU sẽ có định nghĩa quá rộng về AI.

Những quy định này nằm trong nỗ lực của EU trong việc quản lý lĩnh vực AI và bắt kịp Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực trải dài từ nhận diện giọng nói đến bảo hiểm và thi hành luật pháp này.

Quy định dự thảo này sẽ cấm việc giám sát chung đối với người dân, cũng như bất cứ công nghệ nào được dùng để thao túng hành vi, quan điểm hay quyết định của công dân.

Ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự không nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy định này.

Các hành vi vi phạm quy định nói trên, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có thể khiến các doanh nghiệp bị phạt lên đến 4% doanh thu toàn cầu.

Để khuyến khích đổi mới, Brussels cũng muốn cung cấp một khung pháp lý rõ ràng cho các công tỷ ở cả 27 nước thành viên của khối.

Để đạt được điều này, quy định dự thảo cho biết các công ty sẽ yêu cầu có một sự thẩm định đặc biệt đối với các ứng dụng được cho là “có nguy cơ cao” trước khi được phép tung ra thị trường.

Các hệ thống có nguy cơ cao là những hệ thống có “chức năng nhận diện người dân ở những nơi công cộng từ khoảng cách xa thông qua các đặc điểm sinh trắc học,” cũng như “những yếu tố về an ninh trong các cơ sở hạ tầng công cộng quan trọng.”

Ngoài ra, các ứng dụng không được xem là “có nguy cơ cao” sẽ không phải chịu thêm các quy nào khác ngoài các quy định hiện hành.

Google và các tập đoàn công nghệ lớn khác đang rất quan tâm đến chiến lược AI của EU, vì châu Âu thường là nơi đặt ra tiêu chuẩn về cách thức quản lý công nghệ trên toàn thế giới.

Năm ngoái, Google cảnh báo định nghĩa của EU về AI là quá rộng và Brussels phải tránh việc kiểm soát quá mức đối với một công nghệ quan trọng nào đó.

Dự thảo quy định nói trên phải được các nước thành viên phê chuẩn và có được sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu mới có thể được áp dụng./.

Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/lien-minh-chau-au-sap-cong-bo-du-thao-quy-dinh-ve-tri-tue-nhan-tao/705987.vnp