Lần đầu tiên ra mắt hệ thống kết nối không dây não bộ con người và máy tính

Với hệ thống vừa ra mắt, con người có thể điều khiển máy tính qua suy nghĩ, điều mà trước đây chỉ được thấy trong các bộ phim viễn tưởng.

Các nhà khoa học tại Đại học Brown (Mỹ) lần đầu tiên tạo ra hệ thống kết nối không dây não bộ con người và máy tính. Hệ thống có tên BrainGate thiết lập “những giao tiếp không dây với độ phân giải đơn tế bào thần kinh trên băng thông rộng”, thông qua thiết bị phát đơn giản đặt trên đầu.

Nhóm các nhà khoa học cho hay, sau khi được sử dụng bởi hai người đàn ông 35 và 63 tuổi bị liệt do chấn thương tủy sống đã mang lại kết quả khả quan.

BrainGate hoạt động bằng cách kết nối thiết bị phát gắn trên đầu người dùng đến máy tính. Thiết bị phát này gồm một rơ le điện cực đi xuyên qua hộp sọ, đính với phần vỏ não vận động. Nhờ đó, người bệnh có thể điểu khiển trỏ chuột, thao tác với máy tính thông qua suy nghĩ.


Các nhà khoa học đã kết nối thành công bộ não người với máy tính. Ảnh minh họa

Trong bài kiểm tra với 2 bệnh nhân nói trên, họ có thể liên tục sử dụng hệ thống trong tối đa 24 giờ tại nhà riêng với mức hiệu suất cao. Trước đó, các giao tiếp tương tự giữa não bộ và máy tính mới chỉ được thực hiện bên trong phòng thí nghiệm.

“Các tín hiệu được ghi lại và truyền đi với tốc độ cao… Hệ thống không dây này hoạt động tương tự như có dây. Nhờ không còn ràng buộc về mặt vật lý, thiết kế này mở ra nhiều khả năng mới về cách hệ thống có thể được sử dụng. Điều này còn giúp các xét nghiệm thời Covid-19 có thể được thực hiện từ xa”, John Simeral, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Được biết, trong thời gian gần đây, Mark Zuckerberg và Elon Musk cũng bày tỏ sự quan tâm đến các loại công nghệ tương tự. Năm 2020, công ty về sinh học thần kinh Neuralink của Elon Musk giới thiệu chú lợn Getrude được cấy chip máy tính vào não bộ. Đầu 2021, công ty này tiếp tục thành công trong việc gắn chip vào não khỉ để con vật này có thể chơi game thông qua suy nghĩ.

Bảo Lâm
http://vietq.vn/lan-dau-tien-ra-mat-he-thong-ket-noi-khong-day-nao-bo-con-nguoi-va-may-tinh-d185475.html

Việt Nam đã có dịch vụ chứng thực điện tử cấp dấu thời gian

Dịch vụ TrustCA Timestamp sẽ bảo vệ tuyệt đối tài liệu trong chống giả mạo, gian lận khi giao dịch điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho lưu trữ điện tử lâu dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc vĩnh viễn.

Ngày 31/3, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS chính thức ra mắt dịch vụ chứng thực điện tử cấp dấu thời gian đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, có tên gọi TrustCA Timestamp.

Lễ ra mắt dịch vụ có sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y tế; Ngân hàng Nhà nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương cùng các tổ chức, doanh nghiệp… trên nhiều lĩnh vực.

Trong bối cảnh kinh tế số là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong 3-5 năm nữa, với tiềm năng tạo ra 10-13% GDP, việc Việt Nam cần có các công cụ giúp người dân tham gia kinh tế số dễ dàng hơn là hết sức quan trọng.

Chữ ký số từ 10 năm qua đã và đang là một công cụ hữu hiệu, giúp đảm bảo độ tin cậy khi giao dịch điện tử.


Ảnh minh họa. (Nguồn: trustca.vn)

Hiện nay, chữ ký số có ba tác dụng cơ bản là: văn bản số được ký có giá trị tương đương chữ ký tay, văn bản không bị thay đổi chỉnh sửa và khẳng định được người ký là ai. Tuy nhiên, một số giao dịch mà thời điểm ký có ý nghĩa quan trọng, chẳng hạn như các giao dịch chứng khoán, giao dịch ngân hàng.

Theo Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, dịch vụ cấp dấu thời gian là dịch vụ giá trị gia tăng để gắn thông tin về ngày, tháng, năm và thời gian vào thông điệp dữ liệu.

Dấu thời gian xác nhận thời điểm tạo, sửa đổi tài liệu điện tử: Ký số chứng từ, hóa đơn, tài liệu điện tử…, dấu thời gian gắn trên thông điệp dữ liệu được đồng bộ với thời gian của đồng hồ nguyên tử Cesium là nguồn thời gian chuẩn do Tổng Cục đo lường chất lượng quản lý. Không ai (kể cả chủ sở hữu) có thể thay đổi thời gian đã được gắn vào thông điệp dữ liệu.

Tại Việt Nam, dịch vụ chứng thực điện tử cấp dấu thời gian là dịch vụ tin cậy đầu tiên giúp đảm bảo tính xác thực về thời gian và toàn vẹn dữ liệu, loại bỏ rủi ro đối với tài liệu, giao dịch nhạy cảm về thời gian.

Kết hợp với công nghệ xác thực lâu dài LTV/LTANS, TrustCA Timestamp sẽ bảo vệ tuyệt đối tài liệu trong chống giả mạo, gian lận khi giao dịch điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho lưu trữ điện tử lâu dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc vĩnh viễn trong tổ chức.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá: TrustCA Timestamp tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu và Mỹ, đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ tin cậy đến khách hàng.

Với chức năng cơ bản là đảm bảo giá trị pháp lý cho các tài liệu điện tử đưa vào lưu trữ, cũng như chống gian lận, giả mạo trong giao dịch điện tử, dịch vụ chứng thực điện tử cấp dấu thời gian được coi là một mốc quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số doanh nghiệp.

TrustCA Timestamp sẽ là nền tảng quan trọng cho hệ sinh thái chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực gồm các dịch vụ y tế điện tử, dịch vụ công trực tuyến, giáo dục trực tuyến, tài chính số, ngân hàng số, nội dung – truyền hình số hay viễn thông.

Nhân dịp này, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS đã ký kết hợp tác cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian Timestamp Healthcare chuyên ngành Y tế./.

Ngọc Bích (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-da-co-dich-vu-chung-thuc-dien-tu-cap-dau-thoi-gian/703535.vnp

Nezzy – turbine điện gió đặc biệt nhất thế giới

Mùa thu năm 2020, turbine điện gió nổi trên nước mang tên “Nezzy2” đã được thử nghiệm trong 2 tháng rưỡi tại Vịnh Greifswald, biển Baltic. Công trình này có điểm đặc biệt gồm 2 cột buồm và sáu cánh quạt.

Turbine Nezzy2

Một nguyên mẫu dài 18 mét

Cấu trúc turbine gió nổi trên mặt nước “Nezzy2” do nhóm EnBW và Aerodyn (Đức) thiết kế bao gồm 2 turbine gió “được sắp xếp theo hình chữ Y và gắn vào cùng một phao”. Phao sẽ được giữ chìm một phần và được neo vào đáy biển bằng 6 dây xích.

Theo các nhà thiết kế, turbine gió đôi độc đáo này có thể “tự động điều chỉnh theo hướng gió” bằng cách “tăng gấp đôi năng suất trên mặt nước”. Ngoài ra, “điểm tiếp gió của turbine thấp hơn nhiều so với chỉ một turbine lớn duy nhất” – điều này mang lại cho mô hình “tính ổn định cao hơn trên mặt nước”. Nhưng nó cũng không đón được các luồng gió mạnh hơn như các turbine đơn cổ điển ngoài khơi.

Từng chiếc turbine đơn trong bộ đôi turbine gió của nguyên mẫu “Nezzy2” cao 18 mét (tỷ lệ 1:10 so với dự án hoàn thiện) được thử nghiệm ở biển Baltic với một rotor có đường kính 15m. Trong giai đoạn thử nghiệm, cấu trúc turbine được trang bị 180 cảm biến để đo đạc chuyển động của nó khi “tiếp xúc với các hướng và tốc độ gió khác nhau cũng như độ cao và hướng sóng khác nhau”.

Các cuộc thử nghiệm tại Trung Quốc “cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022”

Nhóm EnBW cho biết các cuộc thử nghiệm thực hiện vào mùa xuân 2020 tại biển Baltic đã thành công. Nguyên mẫu turbine được đặt trong điều kiện sóng và gió hoàn toàn khắc nghiệt, đối mặt với một cơn bão lớn vào giữa tháng 10/2020. Nhóm nghiên cứu cho biết : “Quy mô kích thước khi hoàn thiện của Nezzy2 có thể chịu được điều kiện sóng và gió tương đương với một cơn bão cấp 4 đến cấp 5 với những con sóng cao tới 30 mét”.

EnBW và Aerodyn hiện muốn thử nghiệm mô hình Nezzy2 ở mức 15MW. Các cuộc thử nghiệm sắp tới theo lịch trình hiện tại sẽ được lên kế hoạch tại Trung Quốc vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Tập đoàn EnBW của Đức thông báo muốn đầu tư 5 tỷ euro vào năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2025, đặc biệt dựa vào năng lượng gió ngoài khơi (chủ yếu thông qua công ty con Valeco của Pháp mà tập đoàn mua lại vào năm 2019).

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nezzy-turbine-dien-gio-dac-biet-nhat-the-gioi-606024.html