Vệ sinh đúng cách cho điện thoại và máy tính để phòng tránh virus Covid-19

Trong bối cảnh tình hình virus Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, ngoài việc bảo vệ sức khỏe bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay, việc vệ sinh điện thoại, máy tính cũng thật sự cần thiết.

Trong bối cảnh virus corona diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn là vẫn chưa đủ. Bởi, theo thông tin từ các nhà khoa học Trung Quốc thì virus có thể nằm ở điện thoại di động, bàn phím máy tính và van nước. Do đó, việc vệ sinh điện thoại, máy tính,… cũng rất cần thiết để phòng tránh virus lây lan.

Trước khi muốn vệ sinh thiết bị, bạn phải tháo cáp kết nối và sạc ra khỏi thiết bị, đồng thời cần nhớ rằng chỉ vệ sinh thiết bị khi nó đã được tắt nguồn.

Vệ sinh điện thoại với chất diệt khuẩn để phòng virus corona

Để vệ sinh điện thoại tránh những vấn đề hỏng hóc không mong muốn, người dùng lưu ý không dùng cồn hoặc các chất khử trùng mạnh để sát khuẩn cho bề mặt kính hoặc mặt lưng. Ngoài ra, các chất tẩy trắng và giấm sẽ làm mòn lớp bảo vệ màn hình nên cũng tránh sử dụng.

Để tẩy rửa an toàn, người dùng được khuyến cáo nên sử dụng chất isopropyl alcohol (IPA) pha loãng với nước (tỷ lệ nước 60%) hoặc các dung dịch vệ sinh thiết bị công nghệ có pha sẵn IPA.

Trong quá trình thực hiện, cần tháo ốp lưng ra để có thể vệ sinh kỹ lưỡng hơn. Nếu ốp lưng chính hãng, cần tham khảo loại dung dịch được khuyến nghị sử dụng trên website của nhà sản xuất.


Điện thoại cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn vì vậy cần phải thường xuyên vệ sinh.

Hãy dùng vải mềm hoặc vải dệt bằng sợi microfiber, thấm một ít dung dịch để lau màn hình. Dùng tăm bông vệ sinh các vị trí khó làm sạch như khe, cổng sạc hay lỗ cắm tai nghe.

Vệ sinh máy tính đúng cách trong mùa dịch virus corona

Ngoài điện thoại, nên chú ý vệ sinh cho bàn phím máy tính hoặc laptop, chuột vì đây cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn có thể lây lan ảnh hưởng sức khỏe của bản thân.

Cũng giống như điện thoại, bạn nên dùng các loại khăn chuyên dụng kết hợp dung dịch rượu isopropyl pha loãng với nước (tỷ lệ nước 60%) để làm sạch bề mặt và màn hình máy tính.

Trong khi đó, bàn phím là nơi dễ bị bụi bẩn tấn công nhất, bởi đây là vị trí có nhiều khe hở do đó việc vệ sinh cũng khó khăn hơn. Bạn có thể chọn bình xịt khí nén (có thể tìm mua ở các cửa hàng tin học hoặc phụ kiện nhiếp ảnh) để vệ sinh bàn phím. Nếu là bàn phím với các phím rời có thể tháo phím thì hãy tiến hành rũ sạch bụi trong các khe. Tiếp đó, dùng dung dịch rượu isopropyl pha loãng với nước để lau sạch các bụi bẩn trên bề mặt bàn phím.

Đối với máy tính để bàn

Riêng việc vệ sinh máy PC có phần phức tạp hơn, do loại máy này có nhiều linh kiện nhỏ. Thùng máy là nơi chứa rất nhiều bụi bẩn, muốn vệ sinh cần bỏ những tấm màng lọc bụi tiến hành lau sạch với dung dịch và phơi khô. Sử dụng tăm bông thấm dung dịch để vệ sinh tiếp các linh kiện nằm bên trong thùng máy.

Người dùng nên tháo rời những bộ phận để vệ sinh như ổ cứng, RAM, card màn hình và bộ phận tản nhiệt. Tuy nhiên, do có cấu tạo phức tạp người dùng PC nên nhớ nhẹ nhàng, cẩn thận khi lau chùi. Không nên vệ sinh máy quá mạnh bởi điều này không những không “đuổi” được bụi bẩn mà còn ảnh hưởng tới các vi mạch trong máy tính.

Bảo Linh (t/h)

http://vietq.vn/ve-sinh-dung-cach-cho-dien-thoai-va-may-tinh-de-phong-tranh-virus-covid-19-d169492.html

Công bố chất lượng môi trường không khí trên nền tảng thiết bị di động

Ứng dụng Envisoft chạy ổn định trên cả 2 nền tảng di động phổ biến là Android và IOS sẽ công bố thông tin trực tuyến về chất lượng môi trường không khí trên phạm vi toàn quốc cho cộng đồng.

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa triển khai ứng dụng Envisoft công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí trên trên nền tảng thiết bị di động.

Thông tin từ Tổng cục Môi trường cho biết ô nhiễm môi trường không khí đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Tình trạng suy giảm chất lượng không khí đã và đang có những tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy, cung cấp thông tin về chất lượng không khí là yêu cầu chính đáng của người dân.

Một số hình ảnh về ứng dụng Envisoft. (Nguồn: TCMT)

Trước yêu cầu cấp thiết trên, thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã thực hiện việc công bố thông tin chất lượng môi trường trong đó có thông tin về chất lượng môi trường không khí trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử…

Tuy nhiên, để truyền tải thông tin hiệu quả hơn, Tổng cục Môi trường tiếp tục triển khai xây dựng ứng dụng Envisoft trên thiết bị di động để công bố thông tin trực tuyến về chất lượng môi trường không khí trên phạm vi toàn quốc cho cộng đồng.

“Với nguồn dữ liệu được khai thác từ kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục do Tổng cục Môi trường quản lý và các trạm quan trắc môi trường do các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương quản lý, sau khi đi vào khai thác, ứng dụng Envisoft sẽ là kênh thông tin chính thức của cơ quan quản lý môi trường cấp Trung ương,” Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Môi trường, ứng dụng Envisoft chạy ổn định trên cả 2 nền tảng di động phổ biến là Android và IOS; quá trình tải ứng dụng, cài đặt và nâng cấp dễ dàng nên người sử dụng có thể tự download, cài đặt và nâng cấp mọi lúc, mọi nơi.


Người sử dụng ứng dụng Envisoft có thể scan QR code để cài đặt ứng dụng. (Nguồn: TCMT)

Người sử dụng ứng dụng Envisoft có thể cài đặt phần mềm bằng cách vào ứng dụng App Store trên Iphone hoặc Play Store trên các điện thoại Android với từ khóa tìm kiếm là Envisoft. Hoặc có thể scan QR code để cài đặt ứng dụng.

Với giao diện trực quan, dễ sử dụng, ứng dụng Envisoft có chức năng hiển thị chỉ số chất lượng không khí (AQI) theo giờ và ngày hiện tại; cung cấp biểu đồ diễn biến giá trị AQI của các giờ trước, ngày trước; đưa ra các khuyến nghị về sức khỏe tương ứng với tứng giá trị AQI; lựa chọn các trạm quan trắc thường xuyên quan tâm theo khu vực địa lý; xếp hạng chất lượng không khí theo các trạm quan trắc.

Theo ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Envisoft là ứng dụng có tính tích hợp cao (công bố, giám sát, camera,…) có tính tuỳ biến đa dạng theo nhu cầu của người sử dụng; có đủ các tính năng để kiểm soát dữ liệu trước khi công bố.

Nếu phát triển tốt, ứng dụng Envisoft sẽ tạo ra hệ sinh thái trong quản lý dữ liệu quan trắc môi trường trong việc tiếp nhận, quản lý dữ liệu từ các doanh nghiệp về Sở Tài nguyên và Môi trường; truyền dữ liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường về Bộ Tài nguyên và Môi trường; cuối cùng là công bố dữ liệu ra cộng đồng.

Chính vì thế, việc cập nhật thường xuyên chỉ số chất lượng không khí thông qua ứng dụng Envisoft sẽ giúp người dân có những ứng phó kịp thời khi chất lượng không khí suy giảm như: Giảm thiểu các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa, sử dụng các loại khẩu trang có thể hạn chế ảnh hưởng của các chất ô nhiễm trong không khí, sử dụng các loại máy lọc không khí./.

Hùng Võ (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/cong-bo-chat-luong-moi-truong-khong-khi-tren-nen-tang-thiet-bi-di-dong/625890.vnp

Công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam 2.0

Việt Nam có nhiều tiềm năng về nước, gió và năng lượng Mặt Trời để phát triển điện sạch, cơ hội để xây dựng nhà máy khí và pin cho điện tái tạo là rất khả thi.

Sáng 27/2 tại Hà Nội, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) chính thức công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (Phiên bản 2.0).

Đại diện Liên minh VBF, bà Virginia Foote, cho biết trong khi năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và trở nên bức thiết đã đặt ra yêu cầu khai thác nguồn năng lượng tái tạo, sạch, an toàn để thay thế. Việc làm này còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường sống.

Vì lẽ đó, bằng nhiều biện pháp, các cơ quan chức năng nên khuyến khích việc sử dụng hệ thống pin Mặt Trời trên các tầng mái, thậm chí có thể lan tỏa thành các phong trào rộng khắp trong cộng đồng xã hội. Đó chính là lý do, VBF công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (Phiên bản 2.0).

Báo cáo được hoàn thành nhờ sự nỗ lực của tập thể các thành viên Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – một kênh đối thoại chính sách cấp cao giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm 15 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Hệ thống điện Mặt Trời áp mái được lắp đặt trên nóc trụ sở Công ty Điện lực Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Theo ông Rockhold, Trưởng nhóm nghiên cứu điện và năng lượng (VBF), Việt Nam có nhiều tiềm năng về nước, gió và năng lượng Mặt Trời để phát triển điện sạch. Cơ hội để xây dựng nhà máy khí và pin cho điện tái tạo là rất khả thi.

Cũng đã có nhiều nhà đầu tư rất quan tâm tới lĩnh vực này. Cơ bản là cần những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy họ từ chỗ chỉ quan tâm sang hiện thực hóa thành các quyết định đầu tư.

Nhu cầu sử dụng điện đang ngày càng tăng cao và việc hoàn thiện hệ thống truyền tải điện cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, trong khi đó, nguồn lực của Nhà nước lại có hạn.

Vì thế, rất cần động lực để thúc đẩy hợp tác đối tác công tư. Qua đó, đề cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong các khâu như quản lý, phân phối giá bán lẻ hợp lý…

“Thực tế cho thấy, khối tư nhân có thể thực hiện được nhiều việc đối với các dự án năng lượng và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Sau khi biểu giá bán điện FiT được ban hành vào tháng 9/2016, khối tư nhân đã lắp đặt được xấp xỉ 5,2 GW năng lượng Mặt Trời. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai khi việc chuyển sang sử dụng khí như một phụ tải nền để hỗ trợ hàng chục các dự án năng lượng tái tạo được đề xuất. Do đó, hơn lúc nào hết, thúc đẩy hợp tác đối tác công tư trong phát triển năng lượng tái tạo là việc làm cần thiết ở thời điểm này,” ông John Rockhold nhấn mạnh.

Ấn bản đầu tiên “Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam 1.0” đã hoàn thành trong năm 2016-2017./.

Thạch Huê (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/cong-bo-ke-hoach-nang-luong-san-xuat-tai-viet-nam-20/625447.vnp

Pin mặt trời có sản sinh điện vào ngày mưa?

Thực tế, các tấm pin mặt trời hấp thụ bức xạ từ ánh sáng mặt trời nên những ngày dù không có nắng, nhiều mây, mưa nhưng cường độ bức xạ tốt vẫn giúp pin mặt trời sản sinh được ra điện.

Theo các chuyên gia Công ty Cổ phần thương mại SolarGATES, trong một số trường hợp trời âm u nhưng bức xạ mặt trời cao vẫn sản sinh ra nhiều điện hơn trời nắng gắt do pin chịu hấp thụ kém hơn khi nhiệt độ tấm pin tăng cao quá 40 độ C.

Ngoài ra, hiểu lầm khác thường thấy về pin mặt trời là sau khi hết hạn sử dụng (khoảng 25 năm), pin mặt trời sẽ trở thành rác thải độc hại cho môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, thành phần cấu tạo của pin mặt trời gồm 76% thủy tinh, 10% plastic, 8% aluminium, 5% silicon, 1% kim loại.

Các vật liệu trên thường thấy trong sản xuất các đồ dùng trong đời sống hằng ngày, không phải rác thải độc hại như nhiều người vẫn nghĩ. Nguyên nhân dẫn đến nhận định trên có lẽ xuất phát từ hiểu lầm của tên gọi “pin” mặt trời làm nhiều người liên tưởng đến các loại pin tích điện thông thường và đưa sản phẩm vào diện nguy hiểm, cần được thu hồi gấp để xử lý.

Nhiều cơ quan kiểm soát ở các bang và liên bang Mỹ đã cho tiến hành thí nghiệm để kiểm tra tính nguy hại đến môi trường của pin mặt trời nhưng phần lớn các sản phẩm đều vượt qua các kiểm tra này và các cơ quan này không đưa pin mặt trời vào diện kiểm soát chất thải nguy hại.

Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời cũng đã và đang nghiên cứu quy trình tái chế tấm pin sau 25 năm, góp phần xây dựng phát triển năng lượng sạch bền vững.

M.P

https://petrotimes.vn/pin-mat-troi-co-san-sinh-dien-vao-ngay-mua-564933.html

Khám phá thiết bị đặc biệt có khả năng tạo ra điện từ không khí

Các khoa học tại Đại học Massachusetts tại Amherst (Mỹ) vừa phát triển thiết bị mới sử dụng protein tự nhiên để tạo ra điện từ độ ẩm trong không khí.

Thiết bị đặc biệt nói trên có tên Air-gen với cấu trúc tương tự một máy phát điện không khí bao gồm một màng mỏng dệt bằng các sợi dây protein (thin film of protein nanowires). Protein tự nhiên được nuôi cấy nhờ loài vi sinh vật Geobacter để tạo ra điện từ độ ẩm trong không khí.

Thiết bị này có thể hoạt động trong nhiều tháng và trong nhiều môi trường, kể cả trong bóng tối, trong nhà kín và thậm chí cả những nơi khô cằn như sa mạc Sahara. Trong tương lai, một công nghệ như vậy có thể sạc tất cả các thiết bị điện gia dụng. Việc tạo ra công nghệ này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu và tương lai của y học.

“Chúng tôi thực sự tạo ra điện từ không khí mỏng. Air-gen tạo ra năng lượng sạch 24/7. Đây là ứng dụng tuyệt vời”, kỹ sư điện Jun Yao từ Đại học Massachusetts nói.

Cũng theo các nhà khoa học, phương pháp tạo ra điện từ không khí là một trong các phương pháp tái tạo năng lượng sạch và rẻ tiền. Công nghệ mới cho thấy kết quả tốt hơn khi được sử dụng trong môi trường có độ ẩm tương đối 45%.

Ưu điểm của công nghệ nói trên so với việc sử dụng năng lượng Mặt trời hoặc năng lượng gió là nó độc lập với thời tiết và hoạt động ngay cả trong nhà. Air-gen chỉ cần một màng mỏng gồm các dây nano protein dày dưới 10 micron. Đế của màng bao gồm một điện cực, và một điện cực nhỏ hơn bao phủ một phần màng từ phía trên. Màng hấp thụ bụi nước từ không khí. Sự kết hợp giữa tính dẫn điện và hóa học của các dây protein, cũng như lỗ rỗng giữa các dây tạo ra điều kiện phát sinh điện áp trong thời gian ít nhất hai tháng.

Nhóm nghiên cứu cho biết, một máy phát điện như vậy có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện nhỏ. Do đó, nhóm đang có kế hoạch tạo ra một miếng dán nhỏ gồm các dây nano để có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị y tế gọn nhẹ, máy theo dõi thể dục và đồng hồ thông minh để giảm bớt dần việc sử dụng pin.


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của các nhà khoa học là tạo ra một hệ thống năng lượng quy mô lớn. Ví dụ, một lớp sơn có thể được phủ lên tường của một căn hộ để sạc lại tất cả các thiết bị điện gia dụng.

“Mục tiêu cuối cùng là tạo ra các hệ thống quy mô lớn. Ví dụ, công nghệ có thể được tích hợp vào sơn tường có thể giúp cung cấp năng lượng cho ngôi nhà của bạn. Hoặc chúng tôi có thể phát triển các máy phát điện chạy bằng không khí. Một khi chúng ta đạt đến quy mô công nghiệp để sản xuất dây protein, chúng ta hoàn toàn mong đợi rằng có thể tạo ra các hệ thống lớn đóng góp cho sản xuất năng lượng bền vững”, một nhà khoa học nhấn mạnh.

Liên quan tới các nỗ lực tận dụng năng lượng từ không khí để sản xuất điện, trước đó, vào năm 2011, một doanh nhân người Úc là Roger Davey có ý tưởng tạo ra nguồn điện sạch từ khí nóng để cung cấp cho các hộ gia đình với mục đích chính là tạo ra nguồn năng lượng sạch, an toàn và không phát thải cacbon vào môi trường.

Roger Davey đã xây dựng một ngọn tháp năng lượng mặt trời khổng lồ cao 2.600 feet ở sa mạc Arizona. Tháp có chức năng thu nhận các luồng không khí nóng làm quay 32 tuabin, từ đó tạo nguồn năng lượng cơ khí. Nguồn năng lượng cơ khí này sau đó sẽ được chuyển đổi thành điện năng.

Mỗi ngọn tháp như vậy có thể tạo ra trung bình 200 MW điện/ngày, đủ cung cấp cho 100.000 hộ gia đình. Được biết, tháp khí nóng sẽ được xây bằng xi măng và chỉ thấp hơn so với tòa nhà chọc trời Khalifa Burj ở Dubai, có thể hoạt động được đến 80 năm, lâu hơn rất nhiều so với tuổi thọ của một tấm pin mặt trời. Tổng chi phí cho toàn bộ dự án vào khoảng 750 triệu USD. Tới năm 2012, các nhà khoa học Nga cũng đã phát minh ra một phương pháp mới để sản xuất nguồn điện liên tục từ không khí nhiễm tĩnh điện.

Trưởng phòng thí nghiệm của Viện Nông nghiệp Leonid Yuferev khẳng định rằng các thành viên của Viện đã thành công trong việc chuyển đổi tĩnh điện thành dòng điện một cách hiệu quả.

“Thực tế khí quyển nhiễm điện thì người ta đã biết cách đây hơn 200 năm. Tất cả các nghiên cứu được thực hiện từ lâu, hơn 100 năm trước. Bây giờ chúng tôi đề xuất không triệt tĩnh điện từ khí quyển, bởi vì điều đó đã được rất nhiều người làm. Chúng tôi nghiên cứu chế tạo các thiết bị sẽ chuyển đổi tĩnh điện thành dòng điện. Trong đề án của chúng tôi tĩnh điện từ bầu không khí được chuyển đổi thành điện bằng cách sử dụng công nghệ Tesla để nhận được dòng thông thường điện áp thấp tiêu chuẩn, nhằm sử dụng trong các hộ gia đình và một số ứng dụng công nghiệp”, ông Yuferev giải thích.

Ông Leonid Yuferev cho biết thiết bị thí nghiệm rất nhỏ gọn: “Thiết bị công suất 50 watt có kích thước khoảng 20x20x10 cm, có nghĩa là nó khá nhỏ. Trọng lượng của nó khoảng 1kg. Các kích thước của thiết bị tương ứng với công suất của nó. Nếu làm cho công suất mạnh hơn, tất nhiên, nó sẽ có kích thước lớn hơn”.

Theo Leonid Yuferev, triển vọng áp dụng thiết bị mới sẽ hữu ích tại các vùng sâu vùng xa, nơi kéo đường dây điện thông thường là không khả thi vì không kinh tế, mà ở đó không khí lại mang rất nhiều tĩnh điện. Ví dụ, ở vùng núi hoặc tại Nam Cực. Các chuyên gia khẳng định rằng đây sẽ là cách rẻ nhất để tạo ra năng lượng ở những nơi như vậy. Bằng cách này có thể áp dụng để cấp điện cho các hải đăng xa xôi.

Bảo Lâm (Theo Phys.org)
http://vietq.vn/kham-pha-thiet-bi-dac-biet-co-kha-nang-tao-ra-dien-tu-khong-khi-d169867.html

Dịch COVID-19: Lượng khí thải CO2 của Trung Quốc giảm

Lượng khí thải carbon (CO2) của Trung Quốc đã giảm ít nhất 100 triệu tấn trong 2 tuần qua, vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến hoạt động sản xuất ở nước này đình trệ.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) ở Phần Lan công bố ngày 19/2, lượng khí thải carbon (CO2) của Trung Quốc đã giảm ít nhất 100 triệu tấn trong 2 tuần qua, vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến hoạt động sản xuất ở nước này đình trệ, kéo theo nhu cầu về than đá và dầu mỏ giảm.

Con số trên tương đương với 6% lượng khí thải toàn cầu trong cùng thời gian này năm 2019.

Theo một nghiên cứu khác của CREA sử dụng các dữ liệu vệ tinh, lượng khí thải nitrogen dioxide (NO2) của Trung Quốc – một sản phẩm phụ của việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong các xe ôtô và các nhà máy điện – trong tuần sau Tết Nguyên Đán cũng giảm 36% so với cùng kỳ năm 2019.

Một người dân đạp xe trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Các nhà nghiên cứu CREA đã ghi nhận rằng trong hai tuần qua, lượng phát điện hằng ngày của các nhà máy chạy bằng than đá đã ở mức thấp nhất trong 4 năm, trong khi sản xuất thép giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Trung Quốc là nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, nhưng hoạt động lọc dầu ở tỉnh Sơn Đông – vựa dầu của nước này – đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa Thu 2015.

Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc thường tăng mạnh sau dịp nghỉ Tết Nguyên Đán. Nhưng nhà chức trách đã phải kéo dài kỳ nghỉ năm nay thêm một tuần ở nhiều nơi nhằm nỗ lực kiềm chế dịch COVID-19.

Nghiên cứu trên nhận định: “Các biện pháp nhằm kiềm chế virus lây lan đã dẫn tới việc giảm 15-40% sản lượng trong các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt. Điều này có thể đã làm giảm 1/4 lượng khí thải CO2 trong hai tuần qua, giai đoạn mà lẽ ra các hoạt động sản xuất phải được nối lại bình thường sau kỳ nghỉ.”

Tuy nhiên, các nhà môi trường học cảnh báo rằng một gói kích thích kinh tế của chính phủ – nếu trực tiếp nhằm tăng sản xuất của các công ty thải khí nhiều – có thể đảo ngược thành quả về môi trường này.

Ông Li Shuo, một cố vấn chính sách cho tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) Trung Quốc cảnh báo: “Sau khi dịch COVID-19 thuyên giảm, nhiều khả năng chúng ta sẽ thấy một chu kỳ các nhà máy tối đa hóa sản xuất để bù vào những thiệt hại trong thời gian phải đóng cửa”./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/dich-covid19-luong-khi-thai-co2-cua-trung-quoc-giam/624070.vnp