Mỗi người Việt Nam đã tiêu thụ tới 41kg nhựa trong năm 2019

Mỗi năm, Việt Nam thải ra biển khoảng 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa (6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới), đứng thứ 4 trong danh sách các quốc gia có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất.

Chất thải nhựa đang gây những tác hại cho hệ sinh thái và môi trường biển trên thế giới và cả Việt Nam.

Để thực hiện việc giảm thiểu chất thải nhựa vào môi trường và duy trì sự quản lý bền vững chất thải nhựa, Việt Nam cần có các chiến lược và hành động về quản lý nhựa thải; đồng thời cần tham khảo cách quản lý và xử lý của các quốc gia trên thế giới để hướng đến tái sử dụng, nhất là tạo ra các sản phẩm thay thế có nguồn gốc sinh học, hoặc có thể phân hủy sinh học.

Gia tăng cả về nguồn thải và lượng

Ở Việt Nam, lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa đang tăng lên nhanh chóng. Hiệp hội Nhựa Việt Nam (2019) thống kê lượng sản xuất và tiêu thụ nhựa khoảng 5 triệu tấn năm 2015, trong đó 80% nguyên liệu sản xuất nhựa là nhập khẩu.

Lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người năm 2019 là 41kg/người, gấp hơn 10 lần so với lượng tiêu thụ 3,8kg/người vào năm 1990.

Hiện, các thống kê và nghiên cứu ở Việt Nam vẫn chưa cung cấp các thông tin cụ thể về lượng, loại và thành phần của nhựa thải ra biển, mà chỉ có một số nghiên cứu về chất thải nhựa nói chung ở một số địa phương.

Nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả Lê Thị Hoàng Oanh, Trần Thị Lan Anh và Nguyễn Thị Phương Loan thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội, cho thấy tại Việt Nam, ước tính lượng nhựa thải ra biển khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm (chiếm 6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới), đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn, trong đó có nhựa thải là 80-100% tại các đô thị, 40-55% tại các khu vực nông thôn, trong cả nước 81% được xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Phân tích các thành phần chất thải đô thị có thể tái chế được ở thành phố Hội An, chất thải nhựa chiếm 8,4-14%.

Lượng chất thải nhựa tại các nhà hàng chiếm số phần trăm thấp nhất (8,4%), trong khi tỷ lệ này trong chất thải từ hộ gia đình, khách sạn và đường phố tương đương nhau và xấp xỉ 14%.

Tại thành phố Cần Thơ, lượng chất thải nhựa chiếm tỷ lệ ít hơn so với Hội An, với 6,13%. Cũng tại thành phố này, trong lượng chất thải nhựa, túi nylon mua hàng chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 45,72%.

Nghiên cứu chất thải nhựa cỡ lớn trên sông Sài Gòn trong năm 2019 cho thấy, nhựa PO mềm và PS-E thường xuyên chiếm tỷ lệ cao nhất.

Nhựa thải chiếm 6% trong chất thải rắn đô thị tại Huế và 8% trong chất thải nhựa tại Hà Nội. Lượng chất thải nhựa chiếm khoảng 3,2-8,3% tổng lượng chất thải trên sông Sài Gòn và thấp hơn tỷ lệ chất thải nhựa (16%) trong chất thải rắn đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ thu gom nhựa thải có mối liên hệ với tỷ lệ thu gom chất thải rắn.

Tỷ lệ thu gom này đạt 80-100% ở các khu vực đô thị và 40-55% tại các khu vực nông thôn, tỷ lệ xử lý đạt tiêu chuẩn quy chuẩn đạt 81%. Trong đó, tỷ lệ chất thải rắn thu gom được xử lý cao nhất ở Đông Nam Bộ (99,4%), tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (88,9%) và mức 57,5% đối với các khu vực Tây Nguyên, 56,4% ở Trung du và miền núi phía Bắc.

Các công nghệ áp dụng xử lý chất thải rắn phổ biến là sản xuất phân compost, đốt và chôn lấp.

Phần lớn chất thải rắn tiếp nhận tại các bãi chôn lấp không được phân loại tại nguồn. Một lượng đáng kể chất thải nhựa được tái chế tại các làng nghề Việt Nam, như Trung Văn, Tân Triều, Tiên Dược (Hà Nội) và Minh Khai (Hưng Yên).

Tại các làng nghề này, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các nguồn nước mặt. Không chỉ tái chế nhựa thải lấy từ các nguồn trong nước, các làng nghề này còn nhập khẩu phần lớn nguyên liệu nhựa thải từ nước ngoài.

Một số thành phố ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chất thải nhựa trôi nổi trên biển từ các nguồn chất thải đô thị, sinh hoạt, nông nghiệp, bệnh viện, nuôi trồng thủy sản và giao thông vận tải biển.

Chỉ tính riêng tại thành phố Hạ Long, mỗi ngày cơ quan chức năng thu gom khoảng 7 tấn chất thải rắn để đưa vào bờ xử lý. Sau 3 chiến dịch thu gom rác từ năm 2016 đến 2019, tại 4km của Vịnh Hạ Long đã thu được 4 tấn rác thải, chủ yếu là chất thải nhựa và túi nylon.

Tại Cát Bà, trên 50% số lượng phao xốp nuôi trồng hải sản trong tình trạng cũ hỏng, rách vụn, trôi nổi xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản; 4,1% chất thải nhựa từ các nhà hàng và 7,9% chất thải nhựa từ các khách sạn không thể tái chế.

Huyện Cát Hải thu vớt lượng 10m3/ngày rác trôi nổi trên Vịnh, trong đó có 70% là nhựa.

Tại thành phố Đà Nẵng, năm 2019, 8-10% số rác thải rắn được thu gom là túi nylon và chai nhựa. Chính quyền thành phố đã nghiêm cấm người dân, du khách đem thức ăn xuống bãi biển, từ đó hạn chế túi nylon, chai nhựa tràn ra biển.

Hầu hết các nguồn thải từ nước mưa đều xả ra biển, sông hoặc ao hồ. Ngoài ra, chất thải do các hoạt động dịch vụ ven bờ biển thải trực tiếp xuống bãi cát và được cuốn ra biển khi thủy triều lên.

Giải pháp hàng đầu là giảm thiểu và tái sử dụng

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Lê Thị Hoàng Oanh, Trần Thị Lan Anh và Nguyễn Thị Phương Loan thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, những biện pháp tái chế chất thải nhựa được chia thành 4 nhóm là sơ cấp, thứ cấp, tam cấp và tứ cấp.

Sơ cấp là xử lý cơ học mảnh nhựa có lịch sử rõ ràng để tạo thành sản phẩm có tính chất tương đương; thứ cấp là xử lý cơ học nhựa đã sử dụng, tạo ra sản phẩm có chất lượng thấp hơn ban đầu; tam cấp thu hồi những thành phần của nhựa và phụ gia; tứ cấp tức là thu hồi năng lượng từ nhựa thải.

Tái chế sơ cấp rất đơn giản, chi phí thấp, nhưng chỉ áp dụng cho loại nhựa nhất định, vừa sạch vừa không nhiễm các hóa chất.

Việc sản xuất chai nhựa mới từ chai nhựa cũ là một ví dụ. Cụ thể, tái chế thứ cấp là quá trình xử lý vật lý nhựa thải, tạo ra các hạt theo phương pháp đùn thông thường sau khi tách nhựa ra khỏi các tạp chất khác.

Quá trình này liên quan đến việc thu gom, phân loại, làm sạch, sấy khô, làm nhỏ, tạo màu hoặc kết dính, ép viên, đùn nhựa để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Tái chế tam cấp, hay tái chế hóa học, hoặc tái chế nguyên liệu nhằm phân hủy nhựa thành các đơn vị cấu trúc hay các mảnh có khối lượng phân tử thấp khác, sau đó tái tạo.

Tái chế tam cấp rất hữu ích vì nó tuần hoàn vật chất, giảm sử dụng năng lượng và nguyên liệu cho quá trình sản xuất nhựa. Tuy vậy, tái chế tam cấp không phổ biến rộng rãi do tốn năng lượng và chưa bền vững về mặt kinh tế.

Còn tái chế tứ cấp hay thu hồi năng lượng là phương pháp hiệu quả nhất để giảm thể tích nhựa thải, tuy nhiên lại phát thải ra các chất độc trong khí thải và tro thải nên đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ và không được ủng hộ theo quan điểm sinh thái.

Tiến sỹ Lê Thị Hoàng Oanh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định, về khía cạnh kỹ thuật, kinh tế, môi trường và xã hội, Việt Nam cần ưu tiên hàng đầu nhóm biện pháp giảm thiểu và tái sử dụng chất thải nhựa. Đặc biệt, chúng ta có cơ hội áp dụng các biện pháp thân thiện sinh thái trong quản lý nhựa.

Các biện pháp tái chế nhựa sơ cấp, thứ cấp và tứ cấp đã và đang được thực hiện tại Việt Nam, nhưng cần đầu tư lớn về công cụ kiểm soát ô nhiễm thứ cấp và các công cụ khác, như pháp lý, kinh tế và giao tiếp.

Việt Nam là quốc gia có lượng phát thải nhựa ra biển lớn hàng đầu thế giới, do hoạt động quản lý và xử lý chất thải nhựa còn nhiều bất cập.

Nhựa thải ở khu vực ven biển do các hoạt động đánh bắt cá và du lịch là nguồn thải trực tiếp vào đại dương, bên cạnh nguồn từ đất liền được vận chuyển theo các con sông ra biển.

Giống với các nước trên thế giới, hình thức tái chế sơ cấp, thứ cấp và tứ cấp được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, nhưng khả năng kiểm soát ô nhiễm thứ cấp còn hạn chế.

Việt Nam nên đẩy mạnh việc khuyến khích tái sử dụng và tạo ra các vật liệu thay thế nhựa có nguồn gốc sinh học hoặc có thể phân hủy sinh học./.

Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/moi-nguoi-viet-nam-da-tieu-thu-toi-41kg-nhua-trong-nam-2019/621752.vnp

Máy tính, điện thoại cũng có thể là nơi chứa mầm bệnh virus corona

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát hiện virus corona trên tay nắm cửa tại nhà của một bệnh nhân nhiễm bệnh.

Tin tức trên báo Tuổi Trẻ, công bố thông tin này là ông Trương Chu Bân (Zhang Zhou Bin), Phó chủ nhiệm Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Quảng Châu.

Theo tờ Nhân Dân Nhật báo của Trung Quốc (People’s Daily), đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tại Quảng Châu phát hiện virus corona xuất hiện ở môi trường bên ngoài.

Cũng theo Trương Chu Bân, ngoài tay nắm cửa, những nơi khác có thể chứa mầm bệnh virus corona là điện thoại di động, bàn phím máy tính và van nước.

Theo ông Trương, những gì chúng ta biết về virus corona chủng mới đó là loại virus này chủ yếu lây nhiễm thông qua những giọt nước bọt và tiếp xúc. Tuy nhiên, với phát hiện mới này người dân có thể bị nhiễm bệnh do tiếp xúc gián tiếp.

Virus corona có thể có ở nhiều nơi như tay nắm cửa, máy tính, điện thoại. Ảnh minh họa

Phó chủ nhiệm Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Quảng Châu cho biết: “Chằng hạn khi chạm tay vào bề mặt có virus, sau đó dùng tay ăn uống hoặc dụi mắt của mình. Phát hiện này cho thấy, chúng ta nhất định phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, trong đó việc rửa tay là vô cùng quan trọng”.

Theo tờ Tân Hoa xã, các nhà khoa học đã tìm thấy acid nucleic của virus corona trong chất bài tiết và trực tràng sau khi phát hiện dấu hiệu ban đầu của một số ca nhiễm bệnh lại chỉ là tiêu chảy chứ không phải sốt như các trường hợp phổ biến.

Nhóm nghiên cứu cho rằng ngoài truyền nhiễm qua tiếp xúc hoặc đường hô hấp, chủng mới của virus corona còn có khả năng truyền nhiễm qua đường phân-miệng nhất định.

Cũng trong một diễn biến liên quan tới tình hình dịch virus corona, trên trang web chính thức, Tổ chức Y tế Thế giới WHO khẳng định: “Kháng sinh không có tác dụng chống các loại virus, mà chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn”, đồng thời nêu rõ 2019-nCoV là một loại virus, do đó sử dụng kháng sinh để phòng hay điều trị không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu một bệnh nhân nhập viện do nhiễm virus nCoV, vẫn có thể điều trị bằng kháng sinh vì bệnh nhân có thể đồng nhiễm vi khuẩn.

Theo WHO, cho tới nay chưa có loại thuốc đặc trị nào có thể phòng ngừa hoặc điều trị chủng virus nói trên, tuy nhiên, một số biện pháp chữa trị đang được nghiên cứu và sẽ được thử nghiệm lâm sàng. Hiện WHO đang phối hợp với các đối tác để đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển các phương pháp phòng chống.

WHO khẳng định mọi người ở tất cả các độ tuổi đều có thể bị nhiễm nCoV, trong đó người cao tuổi và người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường và bệnh tim là những đối tượng dễ bị nhiễm nhất.

Về thông tin các vật nuôi như chó, mèo có thể nhiễm nCoV, WHO cho biết, hiện chưa có bằng chứng nào về việc này. Mặc dù vậy, WHO khuyến cáo mọi người nên rửa tay bằng nước và xà phòng sau khi tiếp xúc với vật nuôi để tránh nhiễm những loại vi khuẩn như E.coli và Salmonella có thể lây từ động vật sang người.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/may-tinh-dien-thoai-cung-la-noi-tru-ngu-cua-virus-corona-d169055.html

Cảnh báo đường liên kết giả tin tức về virus corona để phát tán mã độc

Các chuyên gia an ninh mạng đã phát đi cảnh báo về việc tin tặc đang phát tán các đường dẫn (link) mạo danh tin tức về virus corona để cài mã độc vào máy tính, điện thoại.

Tin tặc đang sử dụng các đường dẫn mạo danh các hãng truyền thông đưa tin về virus corona để dụ mọi người vô tình tải phần mềm độc hại.

Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo rằng một số liên kết độc hại được ngụy trang dưới hình thức các bài báo hoặc video tin tức về sự bùng phát của virus corona mới, thực sự có chứa mã độc được thiết kế để đánh cắp thông tin cá nhân.

Tin tặc cũng phát tán các bài viết, bài đăng và video gắn mã độc được che dấu dưới định dạng tệp hợp pháp, chẳng hạn như PDF hoặc MP4.

Nếu nhấp vào và tải xuống điện thoại hoặc máy tính, tin tặc có thể truy cập vào thông tin được lưu trữ của người dùng và có thể phá hủy, chặn hoặc sao chép dữ liệu theo ý muốn.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới bùng phát toàn cầu, bắt nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc) đã nhận được một lượng lớn sự chú ý của giới truyền thông. Theo thống kê của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến hết ngày 1/2, nước này có tổng cộng 14.411 ca nhiễm bệnh, tăng 2.590 người so với trước đó một ngày, trong đó 304 người đã tử vong. Tới nay, dịch bệnh nguy hiểm này không có vắcxin hoặc thuốc chữa.

Lợi dụng nhu cầu thông tin về dịch bệnh của người dùng tăng cao, nhiều trang truyền thông xã hội đã tràn ngập những tin tức giả mạo và thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh.

Facebook, Google và Twitter đều đã ban hành các điều khoản đặc biệt để kiểm soát vấn đề này, nhưng tội phạm mạng đang lợi dụng sự hoảng loạn để bẫy những người dùng Internet không nghi ngờ.

“Chủ đề virus corona, đang được thảo luận rộng rãi như một câu chuyện tin tức lớn, đã bị tội phạm mạng sử dụng làm mồi nhử,” Anton Ivanov, nhà phân tích phần mềm độc hại của hãng bảo mật Kaspersky cho biết.

“Cho đến nay, chúng tôi chỉ phát hiện có 10 tệp, nhưng vì loại hoạt động này thường xảy ra với các chủ đề truyền thông phổ biến nên chúng tôi cho rằng rằng xu hướng này có thể phát triển.” – ông Ivanov nhận định.

“Khi mọi người tiếp tục lo lắng cho sức khỏe của mình, chúng tôi có thể thấy ngày càng nhiều phần mềm độc hại ẩn bên trong các tài liệu giả mạo đang lan truyền về virus corona.”

Để tránh dính bẫy các liên kết này, các chuyên gia an ninh mạng khuyên người dùng nên trực tiếp tìm đến một nguồn tin tức chính thống.

Bên cạnh đó, một cách chính để phát hiện phần mềm độc hại là bằng cách nhìn vào cuối địa chỉ của đường liên kết. Nếu nó có phần mở rộng không phải là .docx., .Pdf hoặc .mp4 thì đó có thể là một “cãi bẫy.”

Các tài liệu và tệp video cũng không tạo với các định dạng .exe hoặc .lnk./.

Việt Đức (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/canh-bao-duong-lien-ket-gia-tin-tuc-ve-virus-corona-de-phat-tan-ma-doc/621047.vnp

Năm 2019 là năm nóng kỷ lục thứ 2 trong vòng 140 năm qua

WMO cho biết nhiệt độ cao có thể là nguyên nhân gây ra các hiện trượng thời tiết cực đoan như các vụ cháy rừng nghiêm trọng đang hoành hành tại Australia.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 15/1 khẳng định năm 2019 đã trở thành năm nóng kỷ lục thứ 2 của thế giới trong vòng 140 năm qua, kể từ khi các kỷ lục được ghi nhận.

WMO cho biết nhiệt độ cao có thể là nguyên nhân gây ra các hiện trượng thời tiết cực đoan như các vụ cháy rừng nghiêm trọng đang hoành hành tại Australia.

Theo WMO, nhiệt độ trung bình trong năm 2019 đã cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo ông Omar Baddour – chuyên gia thuộc WMO, 2019 là năm nóng kỷ lục thứ 2. Năm nóng nhất là năm 2016 do ảnh hưởng của El Nino.

Nhưng nếu như không có năm 2016, thì 2019 thực sự là năm nóng nhất mà không có hiện tượng El Nino. Theo đó, 2019 cũng là năm kết thúc giai đoạn 5 năm nóng nhất 2015-2019.

Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu dường như đã góp phần khiến thời tiết trong năm 2019 trở nên khắc nghiệt mà điển hình là đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu, hay siêu bão Dorian cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 người khi đổ bộ vào Bahamas tháng 9 năm ngoái.

Trước đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới từng đưa ra cảnh báo về nguy cơ nhiệt độ Trái Đất có thể tăng từ 3-5 độ C nếu các quốc gia không tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng lượng khí thải vốn đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2018./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nam-2019-la-nam-nong-ky-luc-thu-2-trong-vong-140-nam-qua/618751.vnp

Màn hình tinh thể lỏng và những nguy cơ rò rỉ hóa chất độc hại

Theo nghiên cứu mới đây nhất tại Mỹ cho thấy, các màn hình tinh thể lỏng đã rò rỉ hóa chất ra môi trường sau quá trình sử dụng.

Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa kỳ mới đây đã khẳng định, chưa biết đây có phải là vấn đề rắc rối không, nhưng chúng tôi biết rằng mọi người đang bị phơi nhiễm (với các hóa chất rò rỉ – PV), và những hóa chất này có khả năng gây hại.

Trong nghiên cứu này, nhóm khoa học đã thu thập các mẫu bụi tại 7 tòa nhà tại Trung Quốc gồm quán ăn tự phục vụ, ký túc xá sinh viên, lớp học, khách sạn, nhà, phòng thí nghiệm và một cửa hàng sửa chữa đồ điện tử.


Màn hình tinh thể lỏng có thể gây rò rỉ hóa chất độc hại gây hại sức khỏe con người. Ảnh minh họa

Gần một nửa trong số 53 mẫu bụi kiểm tra cho kết quả dương tính với các hạt tinh thể lỏng, vốn là phần phải được bịt kín hoàn toàn bên trong màn hình sau khi sản xuất. Các hạt tinh thể lỏng thậm chí còn được tìm thấy trong cả những mẫu bụi thu thập ở những nơi mà tại thời điểm thu thập không có các thiết bị LCD.

Nhóm nghiên cứu quốc tế đã phân tích 362 loại vật liệu hóa chất được sử dụng trong công nghệ sản xuất màn hình tinh thể lỏng và nhận thấy gần 100 loại có khả năng là chất độc hại. Những hạt này không phân rã nhanh và có khả năng di chuyển linh động trong môi trường.

Cũng theo nghiên cứu, khi hít phải hay ăn vào, các hạt tinh thể này có thể tích tụ lại theo thời gian trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe, tiềm ẩn khả năng gây ra các bệnh về tiêu hóa cũng như những trục trặc sức khỏe khác.

Thông tin thêm về vụ nghiên cứu, ông John Giesy – chủ trì nghiên cứu, chuyên gia về lĩnh vực chất độc hại trong môi trường của Đại học Saskatchewan (Canada) – cho biết: “Những hóa chất này là loại bán dung dịch, có thể xâm nhập môi trường tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình sản xuất, tái chế. Chúng cũng sẽ bốc hơi khi bị đốt nóng”.

Bản thân nghiên cứu này chưa thể đánh giá chi tiết những hậu quả tiêu cực cụ thể với sức khỏe con người ở tình huống các tinh thể lỏng tích tụ lại bên trong cơ thể theo thời gian. Họ chỉ mới dừng ở kết luận trên thực tế, các tinh thể lỏng đã rò rỉ từ những thiết bị sử dụng công nghệ LCD ngay trong điều kiện sử dụng bình thường và các thành phần hóa chất bị rò rỉ đó có khả năng gây hại cho sức khỏe con người.

Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh các chất độc hại có trong điện thoại cũng tương tự như chất chống cháy. Đây là những chất đã được chứng minh là độc hại với cơ thể sống, gây trục trặc hệ tiêu hóa của động vật và ngăn cản hấp thụ dinh dưỡng. Chúng cũng gây rối loạn hoạt động của túi mật và tuyến giáp.

Vì lẽ đó, theo tác giả chủ trì nghiên cứu Giesy, nhiệm vụ đặt ra tiếp theo với họ là hiểu và làm rõ ảnh hưởng của những hóa chất rò rỉ từ màn hình LCD với sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường.

Nói tới màn hình tinh thể lỏng, các nhà nghiên cứu cho biết, công nghệ màn hình tinh thể lỏng (LCD) đã và đang được ứng dụng rất phổ biến trong các thiết bị như điện thoại thông minh, tivi, máy tính bảng và thậm chí là các tấm thu điện mặt trời.

LCD là một loại vật chất phản xạ ánh sáng khi điện thế thay đổi. Nó hoạt động dựa trên nguyên tắc ánh sáng nền (Back Light). Nó bao gồm một lớp chất lỏng nằm giữa 2 lớp kiếng phân cực ánh sáng.

Bình thường, khi không có điện áp, các tinh thể này được xếp thẳng hàng giữa hai lớp cho phép ánh sáng truyền qua theo hình xoắn ốc. Hai bộ lọc phân cực, 2 bộ lọc màu và 2 bộ cân chỉnh sẽ xác định cường độ ánh sáng đi qua và màu nào được tạo ra trên một pixel. Khi có điện áp cấp vào, lớp canh chỉnh sẽ tạo một vùng điện tích, canh chỉnh lại các tinh thể lỏng đó. Nó không cho phép ánh sáng đi qua để hiện thị lên hình ảnh tại vị trí điểm ảnh đó. Các điểm ảnh trong màn hình LCD là một transistor cực nhỏ ở 1 trong 2 chế độ cho phép ánh sáng đi qua hoặc không. Điểm ảnh bao gồm 3 yếu tố màu: đỏ, xanh lá, xanh dương.

Các màn hình LCD trước đây thường tiêu thụ điện năng nhiều, độ tương phản thấp cho đến khi các nhà khoa học người Anh tìm ra “Biphenyl” – vật liệu chính của tinh thể lỏng, thì LCD mới thực sự phổ biến. LCD xuất hiện đầu tiên trong các máy tính cầm tay, trò chơi điện tử cầm tay, đồng hồ điện tử, … LCD ngày nay được thiết kế nhỏ gọn, nhẹ, chiếm ít không gian, chất lượng hình ảnh tốt, tiêu thụ ít năng lượng và đang thay thế dần màn hình CRT truyền thống.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/man-hinh-tinh-the-long-va-nhung-nguy-co-ro-ri-hoa-chat-doc-hai-d168146.html

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa có thông điệp xoay quanh sự kiện Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”, xin giới thiệu toàn văn thông điệp này.

Ngày 26/4 hằng năm, chúng ta đều kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới để tìm hiểu về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020 đặt đổi mới sáng tạo và các quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ đổi mới sáng tạo là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh. Tại sao? Bởi vì những lựa chọn chúng ta đưa ra hôm nay sẽ định hình tương lai của chúng ta mai sau. Trái đất là nhà của chúng ta. Chúng ta cần quan tâm đến Trái đất.

Xác định một lộ trình đến tương lai xanh là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Tất cả chúng ta đều chia sẻ thử thách này và mỗi người có một vai trò trong việc xây dựng một tương lai xanh. Điều này đòi hỏi nỗ lực lớn lao và đa chiều, nhưng như nhà tự nhiên học nổi tiếng David Attenborough đã lưu ý “với tư cách là một giống loài, chúng ta là những chuyên gia giải quyết vấn đề”. Chúng ta có thể tạo ra một tương lai xanh.

Chúng ta có trí tuệ, sự khéo léo và khả năng sáng tạo tập thể để đưa ra những cách thức mới, hiệu quả hơn nhằm định hình một tương lai ít carbon. Nhưng chúng ta phải hành động ngay!

Chiến dịch cũng tôn vinh nhiều nhà sáng chế và sáng tạo truyền cảm hứng trên khắp thế giới đang đánh cược vào một tương lai xanh. Họ những phụ nữ, nam giới và những người trẻ tuổi đang làm các công việc nhằm tạo ra sự thay thế sạch hơn cho các công nghệ dựa trên nhiên liệu hóa thạch, các hệ thống kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thực phẩm hiệu quả và bền vững hơn và cả những người đang sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để hỗ trợ công việc của họ cũng như tiếp thu và sử dụng trong cộng đồng.


Ngày Sở hữu trí tuệ 2020 sẽ có chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”. Ảnh: WIPO

Chúng ta khám phá cách thức mà một hệ thống sở hữu trí tuệ cân bằng và mạnh mẽ có thể thúc đẩy sự xuất hiện của một nền kinh tế xanh cùng cộng sinh với các hệ thống hỗ trợ sự sống của Trái đất. Chúng ta xem xét cách thức mà hệ thống bảo hộ bằng độc quyền sáng chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển và phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường, cho phép chúng ta giải quyết khủng hoảng khí hậu và xây dựng một tương lai xanh; cách thức mà tư duy sáng tạo và quyền đối với kiểu dáng cùng nhau khuyến khích việc sử dụng tối ưu các nguồn lực, cho phép các nhà thiết kế đầu tư thời gian và tài năng vào việc tạo ra cho người tiêu dùng các sản phẩm hữu ích, hấp dẫn và thân thiện với môi trường.

Chúng ta xem xét cách thức mà các nhãn hiệu và các chỉ dẫn khác hỗ trợ vào việc hình thành và phát triển của các doanh nghiệp dựa trên các nguyên tắc bền vững về môi trường, cho phép họ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường đa dạng hơn.

Chúng ta nhận thấy cách thức mà các quyền như chỉ dẫn địa lý đang khuyến khích sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững hơn và quyền đối với giống cây trồng đang thúc đẩy sự phát triển của các loại cây trồng mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.

Và chúng ta thấy được cách thức mà những nhà sáng tạo – những người thông qua hệ thống quyền tác giả có thể kiếm sống từ những tác phẩm của họ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra tầm nhìn về một tương lai xanh và những lợi ích chưa từng thấy.

Như Einstein đã từng lưu ý, chúng ta không thể liên tục làm một việc lặp đi lặp lại và mong đợi những kết quả khác nhau. Nếu chúng ta muốn có kết quả khác nhau, chúng ta cần phải đổi mới trong cách tiếp cận, trong suy nghĩ và mô hình kinh doanh của mình.

Cam kết của chúng ta, những lựa chọn mà chúng ta thực hiện mỗi ngày, những sản phẩm chúng ta mua, những nghiên cứu chúng ta tài trợ, những công ty chúng ta hỗ trợ và những chính sách và luật pháp chúng ta thiết lập sẽ quyết định tương lai của chúng ta xanh như thế nào. Với tư duy đổi mới sáng tạo cùng chiến lược sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững là trong tầm tay.

Hãy cùng chúng tôi khám phá vai trò của đổi mới sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ trong việc mở ra một con đường dẫn đến một tương lai xanh. Chia sẻ những thành quả đổi mới sáng tạo xanh yêu thích của bạn và cho chúng tôi biết bạn sẽ thúc đẩy năng lực xanh của mình như thế nào.

Bảo Lâm (Theo WIPO)
http://vietq.vn/ngay-so-huu-tri-tue-the-gioi-2020-doi-moi-sang-tao-vi-mot-tuong-lai-xanh-d168078.html