Điều kỳ lạ từ dự án xây dựng thành phố thông minh trên sa mạc

Ai Cập đang tích cực xúc tiến việc xây dựng một thành phố thông minh trên vùng sa mạc của nước này. Đây cũng sẽ là trung tâm hành chính mới của của quốc gia Bắc Phi.

Theo tin tức trên ZDNet, Ai Cập đang tập trung các nguồn lực quốc gia vào việc xây dựng một đô thị thông minh (hay thành phố thông minh)- nơi sẽ trở thành trung tâm hành chính mới của đất nước này với 6,5 triệu cư dân sinh sống. Thủ đô mới của Ai Cập sẽ bao phủ diện tích 700 km2, tương đương với diện tích của Singapore và cách thủ đô Cairo 35 km về phía Đông.

Thủ đô mới sau khi xây dựng sẽ là nơi đặt tòa nhà Quốc hội, dinh Tổng thống mới, sân bay lớn nhất Ai Cập, tòa tháp cao nhất châu Phi, nhà hát lớn nhất Trung Đông, khu giải trí trị giá 20 tỷ USD và một công viên đô thị khổng lồ lớn hơn Công viên Trung tâm ở New York.

Chính quyền Ai Cập cho biết, việc xây dựng thủ đô mới nhằm đối phó với sự gia tăng dân số chóng mặt tại quốc gia này. Được biết, cứ 15 giây, ở Ai Cập lại có một em bé chào đời. Điều này có nghĩa là Ai Cập sẽ có thêm khoảng 2 triệu người dân mỗi năm. Trong khi đó, Cairo- thủ đô của Ai Cập cũng đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn, ô nhiễm và quá đông đúc, được dự báo dân số sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, tức là thêm 40 triệu người. Đến lúc đó, dân số Ai Cấp dự báo đạt 150 triệu dân, tăng từ mức hơn 100 triệu hiện nay.

Bên cạnh những thách thức về dân số tăng nhanh, kế hoạch xây dựng nên một thành phố thông minh cũng là cơ hội để Tổng thống Sisi (lên nắm quyền vào năm 2011) ghi dấu ấn trong việc thúc đẩy nền kinh tế vẫn còn chậm chạp của đất nước này.


Thủ đô mới của Ai Cập sẽ cách phía Đông Cairo 35 km.

Mất bao nhiêu tiền để dự án hoàn thành?

Chi phí dự kiến cho dự án xây dựng thành phố thông minh cho Ai Cập sẽ mất từ 45 tỷ đến 58 tỷ USD. Dù dự án có những người ủng hộ, nhưng vẫn có không ít người đã đặt câu hỏi về khả năng trang trải chi phí cho dự án. Bởi hiện tại, Ai Cập vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức tài chính như lạm phát nhanh, thất nghiệp, ngành du lịch suy thoái, cơ sở hạ tầng tồi tàn và tình trạng thiếu việc làm.

Mặc dù vậy, chính quyền Ai Cập cho biết, dự án này vẫn đang có những bước tiến về phía trước. Đầu tiên là các bộ, ngành thuộc chính phủ có kế hoạch chuyển đến thủ đô mới vào giữa năm 2020 và một loạt hợp đồng được ký kết hợp tác xây dựng thủ đô mới gần đây như: một khu kinh doanh mới trị giá 834 triệu USD, một hệ thống an ninh kỹ thuật số toàn thành phố và Honeywell lắp đặt hơn 6.000 camera không dây trên toàn thành phố.

Trong khi đó, nhà mạng Viễn thông Ai Cập (Telecom Egypt) do nhà nước sở hữu hồi tháng 9/2019 đã cho biết sẽ xây dựng một mạng lưới viễn thông trị giá 2,44 tỷ USD trong vòng 6 tháng tới. Nhà sản xuất xe lửa và máy bay Bombardier đã được ký hợp đồng xây dựng một đường ray 21 ga tại thành phố mới, cũng như một tuyến mới để kết nối Đông Cairo với thủ đô mới.

Daniel Di Perna, Chủ tịch của Bombardier Transport, cho biết: “Giải pháp di chuyển thông minh cho tương lai đô thị của Cairo có chiều dài 54 km có thể chở 45.000 hành khách mỗi giờ. Thời gian di chuyển ước tính từ Đông Cairo đến thủ đô mới là khoảng 60 phút”.

Công nghệ thông minh giữ vai trò tiên phong

Trong phần giới thiệu về dự án nhấn mạnh, thủ đô mới được phát triển với tầm nhìn chiến lược trở thành một thành phố thông minh tích hợp cơ sở hạ tầng thông minh để cung cấp nhiều dịch vụ cho người dân. Tầm nhìn này bao gồm giám sát thông minh việc tắc nghẽn và tai nạn giao thông, các tiện ích thông minh để giảm mức tiêu thụ và chi phí. Các tòa nhà thông minh và quản lý năng lượng bao gồm tập trung vào năng lượng tái tạo và sử dụng IoT để tiết kiệm điện năng, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cáp quang kết nối mọi tòa nhà sử dụng công nghệ. Kế hoạch cho một nhà máy năng lượng mặt trời 90 km2 cũng là một phần của dự án.

Cùng kế hoạch này, chính phủ đã tuyên bố đưa thủ đô hành chính mới thành thành phố không tiền mặt đầu tiên trên cả nước. Sự phát triển của thương mại điện tử, được kỳ vọng sẽ phát triển nhờ dự án này và thanh toán tiền qua điện thoại di động (mobile money) là ưu tiên mang tính chiến lược lớn của chính phủ. Hiện tại, có khoảng 20 triệu tài khoản thanh toán di động đang hoạt động ở nước này, nhưng Ngân hàng Trung ương Ai Cập muốn tăng gấp đôi con số này trong hai năm tới.

Những rào cản cần vượt qua

Mặc dù các kế hoạch xây dựng thành phố thông minh đang tiến triển, nhưng cũng đã có một số thách thức. Dự án đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí và cần phải vượt qua những thách thức khác sau khi các nhà đầu tư rút lui.

“Chúng tôi cần nguồn tài chính rất lớn. Nhà nước không có tiền để rót cho chúng tôi. Kết quả là khoảng 20% đầu tư cho đến nay là từ nguồn nước ngoài. Trung Quốc đã đóng góp tới 4,5 tỷ USD cho các chi phí và China State Construction Engineering cũng đang đào tạo 10.000 công nhân xây dựng Ai Cập”, Ahmed Zaki Abdeen, một vị tướng đã nghỉ hưu, người đứng đầu công ty xây dựng thành phố mới cho biết.

Đáng chú ý, theo tờ Daily News, Ai Cập năm ngoái, Matt Walker của MTN Consulting đã tuyên bố rằng phần lớn đóng góp của Trung Quốc là dưới dạng các khoản vay, và “các ngân hàng Trung Quốc chỉ cho vay tiền để mua thiết bị Trung Quốc”. Bên cạnh đó, xây dựng đô thị thông minh trên sa mạc cũng mang đến những thách thức khác. Thành phố mới sẽ tiêu thụ khoảng 650.000 mét khối nước mỗi ngày từ các nguồn tài nguyên khan hiếm của quốc gia Bắc Phi này.

Thủ đô mới sau khi xây dựng sẽ là nơi đặt tòa nhà Quốc hội, dinh Tổng thống mới, sân bay lớn nhất Ai Cập, tòa tháp cao nhất châu Phi, nhà hát lớn nhất Trung Đông, khu giải trí trị giá 20 tỷ USD và một công viên đô thị khổng lồ lớn hơn Công viên Trung tâm ở New York.

Liệu dự án có thành công?

Tờ The economist nhận định rằng, việc xây dựng thủ đô mới như là “một con voi trên sa mạc” và lưu ý rằng mặc dù thủ đô mới sẽ là một trung tâm việc làm, thì cũng rất ít công chức có thể đủ đáp ứng cuộc sống ở đó. Bởi trung bình một công chức thu nhập 1,247 EGP (70 USD)/tuần, trong khi năm ngoái, Bộ nhà ở niêm yết giá căn hộ trong thành phố ở mức hơn 11.000 EGP (698 USD)/m2″.

Ngoài ra là những lo ngại về tác động có thể đối với thủ đô Cairo lịch sử. Một bài báo trên AP đã từng đặt câu hỏi: “Với một thủ đô Ai Cập mới được xây dựng, Cairo sẽ trở thành gì?”. Amar Ali Hassan, một chuyên gia chính trị- xã hội bày tỏ quan điểm cho rằng Cairo – thủ đô của Ai Cập trong hơn 1.000 năm có thể bị “ghẻ lạnh và dần bị lãng quên”.

Do đó, Khaled Fahmy, giáo sư lịch sử tại Đại học Mỹ ở Cairo, cho rằng cần nguồn kinh phí cho thủ đô mới có thể được sử dụng tốt hơn, khắc phục các vấn đề vốn có hiện nay.

Phong Lâm (Theo ZDNet)
http://vietq.vn/dieu-ky-la-tu-du-an-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-tren-sa-mac-d169787.html

Trí tuệ nhân tạo sẽ tác động đến cuộc sống như thế nào?

Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay, các nhà lãnh đạo công nghệ như Microsoft, IBM, Huawei và Google đang tập trung và dành nguồn lực để xây dựng các giải pháp AI tốt nhất.

Không thể phủ nhận tác động mạnh mẽ của công nghệ AI trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt khi cuộc sống ngày càng tiến bộ thì công nghệ đã giúp ích cho con người ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất.

1. Hỗ trợ người khuyết tật

Hiện nay có hơn 1 tỷ người bị khuyết tật trên toàn thế giới. Trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để giúp họ cải thiện các hoạt động trong cuộc sống. Nó cũng có thể tạo việc làm, cải thiện cuộc sống hàng ngày và giúp những người khuyết tật giao tiếp.

Ứng dụng công nghệ AI có thể mở ra thế giới sách cho trẻ em khiếm thính và gia đình của chúng, giúp để đọc sách cho trẻ em và dịch chúng sang ngôn ngữ ký hiệu, tạo ra một trải nghiệm đọc xác thực và giúp các gia đình có trẻ em khiếm thính có thể tận hưởng thời gian kể chuyện phong phú. Các ứng dụng và công cụ được cung cấp bởi trí tuệ nhân tạo đang cải thiện khả năng tiếp cận với thế giới của họ.

2. Giúp cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu, ứng dụng trong bảo tồn sinh học và vấn đề môi trường

Một trong những vấn đề rắc rối và cấp bách nhất mà hành tinh phải đối mặt ngày nay là biến đổi khí hậu. Các nhà đổi mới trong lĩnh vực AI đang phát triển bằng nhiều cách khác nhau để công nghệ được áp dụng nhằm giúp cải thiện vấn đề biến đổi khí hậu từ mô phỏng đến giám sát, đo lường và quản lý tài nguyên.

Ngoài ra, AI đã được triển khai trong bảo tồn sinh học. Các công cụ AI giúp giám sát động vật hoang dã chính xác và hiệu quả hơn và phân tích dữ liệu được sắp xếp hợp lý. Máy bay không người lái cũng được sử dụng để theo dõi các quần thể động vật hoang dã và đếm động vật cũng như bắt những kẻ săn trộm.

3. Cải thiện nạn đói trên thế giới

Để nuôi sống dân số thế giới vào năm 2050, Liên Hợp quốc ước tính chúng ta sẽ cần tăng 70% sản lượng lương thực của thế giới. Nhiệm vụ khổng lồ này có vẻ hợp lý hơn với sự hỗ trợ của AI. Ngoài việc phát triển hạt giống tốt, AI có thể được sử dụng để tự động hóa các nhiệm vụ đơn giản, phát hiện bệnh, áp dụng chính xác thuốc diệt cỏ và nói chung là tối đa hóa sản xuất cây trồng.

4. Cải thiện quyền con người

AI làm cho nhiệm vụ xác định các vi phạm nhân quyền như buôn người nhanh hơn và toàn diện hơn. Sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt được cung cấp bởi hình ảnh AI có thể được phân tích để tìm người mất tích và hình ảnh có thể được xem xét để phát hiện các vi phạm nhân quyền khác.

Công nghệ AI góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

5. Chống tin giả

Mặc dù AI tạo ra rất nhiều chiến dịch không rõ ràng và nội dung tin tức giả nhưng nó cũng có thể được sử dụng để chống lại tin tức giả. AI có thể được sử dụng để xác minh sự thật của các bài báo. Vì lượng nội dung được tạo ra hàng ngày là quá nhiều để con người giám sát một cách hiệu quả, AI cung cấp một giải pháp giúp xác định tin tức giả. Việc sử dụng AI trong cuộc chiến chống lại tin tức giả là một bước đi đúng hướng.

6. Cải thiện chất lượng giáo dục

Áp lực ngày càng gia tăng cho các nhà giáo trong việc đào tạo học sinh nhằm giúp cho học sinh đạt được kết quả cao, AI cung cấp các công cụ có giá trị để có thể hỗ trợ việc học của học sinh cả trong và ngoài giờ lên lớp. Ở cấp độ tổng thể, AI có thể giúp xử lý số liệu thống kê giáo dục để cho phép ra quyết định cho các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo giáo dục.

7. Hỗ trợ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

AI đã cách mạng hóa ngành chăm sóc sức khỏe, giúp hỗ trợ chẩn đoán và phát hiện bệnh trước khi có sự tham gia của các chuyên gia y tế cũng như hỗ trợ nhân viên y tế một khi bệnh nhân được chăm sóc. Các hệ thống chăm sóc sức khỏe tạo ra khối lượng dữ liệu sẽ không được sử dụng nếu không có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo và học máy. AI không chỉ được sử dụng để phát triển các liệu pháp thuốc tân tiến mà robot cũng ngày càng được sử dụng để hỗ trợ phẫu thuật.

8. Giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

AI không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, theo dõi và tìm hiểu về các thảm họa thiên nhiên như bão và động đất, mà còn thúc đẩy nghiên cứu để làm cho xã hội của chúng ta trở nên kiên cường hơn khi gặp thảm họa. Các nhà nghiên cứu hiện đang sử dụng AI để tìm ra các giải pháp giúp cho cơ sở hạ tầng ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong mọi trường hợp, AI đều có thể chạy nhiều kịch bản và mô hình máy tính khác nhau để xác định các giải pháp tốt nhất cho các vấn đề xảy ra.

Không thiếu những thách thức cần phải giải quyết hôm nay để tạo ra một ngày mai tốt đẹp hơn cho hành tinh, văn hóa và xã hội của chúng ta. Khi con người hợp tác với AI sẽ cung cấp những giải pháp sáng tạo để giải quyết những vấn đề cực kỳ thách thức đồng thời cung cấp những giải pháp nhằm cải thiện đáng kể cuộc sống của chúng ta.

Bảo Linh (t/h)
http://vietq.vn/tri-tue-nhan-tao-se-tac-dong-den-cuoc-song-nhu-the-nao-d169731.html

Mẫu xe tay ga nào tiết kiệm xăng nhất hiện nay tại Việt Nam?

Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chính thức công khai mức tiêu thụ và dán nhãn năng lượng của gần 200 mẫu môtô, xe máy được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe máy trong nước.

Cụ thể, sau khi Thông tư 59/2018/BGTVT có hiệu lực (từ ngày 1/1/2020), Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo đã có gần 200 mẫu mô tô, xe máy được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe máy trong nước công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của hàng loạt mẫu xe máy hiện có trên thị trường.

Theo đó, mẫu xe tay ga tiết kiệm nhiên liệu nhất hiện nay là Yamaha Grande chỉ với 1,69 lít xăng/100 km. Xe số và xe côn tay sử dụng ít nhiên liệu nhất là Honda MSX125 với 1,48 lít xăng/100 km (không tính xe 50cc).


Mẫu xe tay ga tiết kiệm nhiên liệu nhất hiện nay là Yamaha Grande chỉ với 1,69 lít xăng/100 km.

Theo quy định của thông tư mới, trước khi thực hiện việc dán nhãn năng lượng, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe. Đồng thời, đăng tải mức tiêu thụ nhiên liệu trên trang thông tin điện tử của mình (nếu có) và duy trì thông tin trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe máy đó ra thị trường.

Cục Đăng kiểm cũng sẽ thực hiện việc kiểm tra đột xuất để giám sát quá trình thực hiện việc dán nhãn nhiên liệu cho xe máy; trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm (liên quan mức tiêu thụ nhiên liệu đã công khai) sẽ yêu cầu các cơ sở phải thử nghiệm lại mức tiêu thụ nhiên liệu.


Xe mô tô, xe máy bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1/1/2020.

Mức tiêu hao nhiên liệu cho 2 hãng xe máy lớn là Yamaha và Honda với các mẫu xe phổ biến được công bố như sau:

Honda:

– Honda SH125 2,46 lít/100 km;

– Honda LEAD 2,02 lít/100 km;

– Honda Air Blade 1,99 lít/100 km;

– Honda SH Mode 1,9 lít/100 km;

– Honda Vision 1,87 lít/100 km.

Yamaha

– Yamaha NVX 2,23 lít/100 km;

– Yamaha FreeGo 1,97 lít/100 km;

– Yamaha Janus 1,87 lít/100 km;

– Yamaha Latte 1,8 lít/100 km.

Hiện nay, trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa có một số thương hiệu nhập khẩu xe môtô khác như BMW Motorrad, Ducati, Kawasaki, Benelli, KTM… hay các thương hiệu khác như Kymco, Brixton, Suzuki…

Thu Hà

http://vietq.vn/khi-nao-vaccine-phong-ngua-virus-corona-duoc-dieu-che-thanh-cong-d169694.html

Tìm giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế nhựa tại Việt Nam

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp cả về pháp lý và kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng.

Ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn, nhu cầu cho nguyên liệu phế liệu gia tăng hằng năm từ 15-20%. Mặc dù có nhiều tiềm năng song ngành công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.

Hiện trạng tiêu thụ và tái chế

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, mỗi năm con người thải ra lượng rác nhựa đủ để bao quanh Trái Đất 4 lần.

Nếu không thay đổi thói quen, đến năm 2050, con người sẽ phải chung sống với 12 tỷ tấn rác thải nhựa. Hiện có 192 quốc gia bị ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, trong đó một số nước châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam là nặng nề nhất.

Vì vậy, việc tái chế sẽ làm giảm lượng chất thải nhựa cần xử lý, giảm áp lực đối với vật liệu nhựa nguyên sinh, giảm sự tiêu thụ năng lượng và nước cũng như giảm phát thải các loại khí và hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất vật liệu nguyên sinh…

Uớc tính việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm 3,8 thùng dầu thô sẽ tạo ra những lợi ích kinh tế-môi trường đáng kể.

Trên quy mô toàn cầu, chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế. Riêng ở Mỹ, tỷ lệ tái chế chai nhựa chỉ đạt khoảng 30%, ở Anh từ 20 đến 45%.

Hiện nay, châu Âu đang đi đầu trong các giải pháp xử lý rác thải. Na Uy hiện là quốc gia đi đầu trong phong trào tái chế chất thải nhựa, với 97% chai nhựa đước tái chế. Một chai nhựa ở Na Uy có thể trải qua hơn 50 lần tái chế.

Năm 1991, Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên đánh thuế trên các nguồn năng lượng hóa thạch. Sau nhiều năm liền đi đầu về tái chế, hiện nay, Thụy Điển thậm chí phải nhập khẩu rác từ những nước khác để các nhà máy tái chế trong nước có thể tiếp tục hoạt động.

Nhiều nước trên thế giới đã đạt được một số thành tựu trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa và ứng dụng thành công vào thực tiễn, giải quyết thách thức về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa.

Các biện pháp tận dụng, tái chế rác nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến.

Chuyên gia Nguyễn Đình Đáp, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tại Việt Nam, nguồn phế liệu nhựa thải ra tới gần 18.000 tấn/ngày, giá phế liệu rất thấp. Do đó, hạt nhựa tái chế từ chất thải nhựa sinh hoạt có giá thấp hơn nhiều so với hạt nhựa nguyên sinh. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa theo thống kê tăng trung bình 20%/năm.

Điều này cho thấy tiềm năng phát triển ngành nhựa tái chế là rất lớn, đồng thời kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất…

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế.

50-70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới, song chỉ có gần 10% được tái chế sử dụng.

Hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh có tới 50.000 tấn chất thải nhựa đang chôn lấp, nếu số chất thải này được tái chế, Thành phố Hồ Chí Minh có thể tiết kiệm được khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm.

Dựa trên tốc độ tiêu thụ nhựa bình quân hiện tại, sự phát triển kinh tế, dân số tăng nhanh, ước tính đến năm 2020, lượng tiêu thụ, chất thải nhựa phát sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 400.000 tấn/năm. Điều này cho thấy cơ hội phát triển cho ngành tái chế nhựa là rất lớn.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35-50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%.

Trong khi đó, theo Quỹ Tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh, rác thải nhựa chiếm tỷ trong cao, chỉ sau rác thực phẩm trong chất thải rắn đô thị.

Những giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế

Tại Việt Nam, số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí.

Các chuyên gia môi trường cho rằng có 2 nguyên nhân chính: việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả; chưa có những chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào tái chế rác thải.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Muốn tái chế và phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đưa rác thải quay lại phục vụ đời sống, phải làm tốt phân loại rác thải tại nguồn, khâu này là quan trọng nhất.

Tuy vậy, hiện trạng của Việt Nam là nhựa phế liệu tuy có, nhưng phần lớn đều trộn lẫn với rác thải sinh hoạt và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, số ít thu gom được từ hoạt động ve chai, nhưng không đáng kể.

Từ năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hướng chuyển đổi xử lý rác thải thành đốt phát điện. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu không có chủ trương khuyến khích, phân loại rác thải tái chế, việc chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư.

Mặt khác, tỷ lệ rác thải có khả năng tái chế được tận dụng cũng sẽ không cao.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, với các phân tích về tỷ trọng, thành phần chất thải rắn, có thể thấy rằng việc đốt hỗn hợp chất thải rắn sinh hoạt để sinh nhiệt và tạo năng lượng không mang lại giá trị kinh tế, trừ khi các chất có nhiệt trị cao hơn và có độ ẩm thấp hơn, như thành phần nhựa, gỗ, vải, giấy, cao su, da… được tách riêng để đốt.

Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng rào cản gặp phải hiện nay là định kiến của lãnh đạo địa phương đối với đầu tư lĩnh vực này, đồng thời vấp phải sự phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng do gây ảnh hưởng chung chất lượng sống của người dân.

Chuyên gia Nguyễn Đình Đáp cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả là biến rác thải nhựa thành nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp.

Thu gom rác thải nhựa trên vùng biển xóm Nhà Rầm, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Các ngành công nghiệp như ximăng, sắt thép và ngành điện đang phải tiêu thụ một lượng than khổng lồ. Rác thải nhựa không thể tái chế có thể được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy bằng phương pháp đồng xử lý. Từ đó, các nhà máy sẽ cắt giảm được lượng than tiêu thụ nhờ thu hồi năng lượng từ việc đốt rác thải nhựa không thể tái chế. Hiệu quả năng lượng sẽ cao hơn nhiều so với các nhà máy chuyển đổi rác thải thành năng lượng thông thường.

Phương pháp đồng xử lý hiệu quả về chi phí và không làm phát sinh các chất tồn dư, trong khi đó, phát thải khí nhà kính sẽ giảm đáng kể so với hình thức chôn lấp và đốt rác thải.

Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất, tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 10% của tổng chất thải nhựa tồn lưu mỗi năm, bị phát tán vào môi trường.

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp cả về pháp lý và kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa; cần có cơ chế chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa Việt Nam đầu tư hơn về công nghệ để tái chế rác thải nhựa. Điều này có thể giúp hạn chế tình trạng nhập khẩu phế liệu và xử lý tốt nguồn thải nhựa trong nước./.

Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tim-giai-phap-thuc-day-nganh-cong-nghiep-tai-che-nhua-tai-viet-nam/623127.vnp

Hà Nội sẽ hoàn thiện 81 trạm quan trắc không khí trong quý 1

Sau khi được UBND Hà Nội chấp thuận, Sở Tài nguyên-Môi trường sẽ thông báo cho đơn vị tài trợ là Công ty THT tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến, sớm đưa vào vận hành phục vụ người dân Thủ đô.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang điều chỉnh Dự án đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động (bao gồm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 1 trạm quan trắc không khí lưu động), đảm bảo tiến độ trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt trong tháng Hai này, triển khai dự án hoàn thành trong năm nay.

Đặc biệt, với hiện trạng 11 trạm quan trắc hiện có, 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định đang thực hiện đầu tư, mục tiêu đến hết năm 2020 thành phố sẽ hoàn thiện đồng bộ hệ thống 81 trạm quan trắc không khí trên toàn địa bàn, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí của người dân Thủ đô.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã và đang phối hợp đơn vị tư vấn khảo sát, lựa chọn 50 địa điểm trên nguyên tắc phù hợp với Quy hoạch mạng lưới quan trắc, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành khác.

Sau khi được Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ thông báo cho đơn vị tài trợ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển THT tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến, sớm đưa vào vận hành phục vụ người dân, dự kiến hoàn thành trong quý 1 này./.

Thanh Trà (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/infographics-se-hoan-thien-81-tram-quan-trac-khong-khi-trong-quy-1/622602.vnp

Hành trình “thần tốc” tạo ra bộ kit test nhanh virus corona “made in Vietnam”

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Quang Hòa, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã chế tạo thành công bộ kit test nhanh virus corona cho kết quả trong vòng 70 phút.

Mới đây, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Quang Hòa, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ quốc tế Innogenex đã thông báo kết quả nghiên cứu chế tạo thành công bộ kit thử nhanh chủng virus corona mới (2019-nCoV) dựa trên kỹ thuật RT-LAMP.

Theo ghi nhận đến lúc này, Việt Nam cũng chính là quốc gia đầu tiên chế tạo thành công kit RT-LAMP phát hiện nhanh 2019-nCoV, giúp rút ngắn thời gian xét nghiệm và đơn giản hóa được quy trình phân tích để có thể ứng dụng ngay tại các bệnh viện tuyến huyện. Để làm rõ hơn thông tin về quá trình tạo ra bộ sản phẩm nói trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Quang Hòa, Trưởng nhóm nghiên cứu bộ kit thử nhanh chủng virus corona mới dựa trên kỹ thuật RT-LAMP.


TS Lê Quang Hoà cùng đồng nghiệp làm việc tại phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội). Ảnh: HUST

Được biết, bộ kit test nhanh virus corona đã được chế tạo trong vòng chưa đầy một tháng kể từ khi khởi phát ý tưởng. Tiến sĩ có thể cho biết động lực nào giúp ông cùng các đồng nghiệp có thể cho ra một sản phẩm test virus nhanh đến vậy?

Ngay kể từ khi có tin tức về việc Trung Quốc gửi báo cáo lên WHO về một số trường hợp viêm phổi không xác định nguyên nhân, chúng tôi đã theo dõi sát sao những diễn biến liên quan. Tới ngày 13/1/2020 Trung Quốc công bố đã xác định được tác nhân và công bố trình tự hệ gen của chủng corona virus mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp thì chúng tôi cũng nhanh chóng tiến hành so sánh các trình tự và tiến hành thiết kế mồi.

Thiết kế mồi là khâu quan trọng nhất trong kỹ thuật RT-LAMP này bởi đảm bảo độ đặc hiệu, độ nhạy, cũng như tốc độ phản ứng. Ngay trước Tết, chúng tôi đã thiết kế xong mồi, rồi tiến hành tổng hợp gen nhân tạo, trình tự gen đích mà mình muốn khuếch đại. Sau chưa đầy một tháng thì chúng tôi chế tạo thành công kit thử nhanh chủng virus corona mới (2019-nCoV) dựa trên kỹ thuật RT-LAMP.

Ngay từ khi các nhà khoa học trên thế giới xác định được tác nhân gây ra bệnh viêm phổi cấp ở Vũ Hán (Trung Quốc) là do virus corona chủng mới, tôi cùng các đồng nghiệp của mình đã nuôi ý tưởng tạo ra một bộ kit test nhanh virus corona trong thời gian nhanh nhất có thể. Bởi nếu bộ kit này được chế tạo và ứng dụng thành công sớm, nó có thể góp phần làm giảm quy mô cũng như tốc độ lây lan của virus corona từ người sang người. Bởi trên thực tế, một người mắc virus corona có thể lây cho nhiều người và nếu không nhanh chóng xác định các trường hợp đã nhiễm bệnh để cách ly, số người tiếp xúc với người bệnh có thể sẽ lớn hơn rất nhiều, khiến cho công tác khoanh vùng, ngăn chặn dịch ngày càng khó khăn.

Ngoài việc giúp rút ngắn thời gian xét nghiệm từ khoảng 3-4 tiếng (theo phương pháp tiêu chuẩn) xuống còn 70 phút, bộ kit test nhanh virus corona do nhóm của Tiến sĩ phát triển còn có ưu điểm gì đặc biệt?

Trước đây, để xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm 2019-nCoV, Việt Nam áp dụng phương pháp xét nghiệm giải trình tự gene mất 3-5 ngày. Sau đó, với mẫu thử của WHO kết hợp với phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử, thời gian xét nghiệm virus corona ở Việt Nam rút xuống dưới 9 giờ. Còn trên thế giới, phương pháp tiêu chuẩn real-time RT-PCR được WHO khuyến cáo thì mất khoảng 3 tiếng để thu nhận kết quả.

Nguyên lý của kỹ thuật RT-LAMP mà nhóm áp dụng là kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic, trong đó giai đoạn phiên mã ngược và giai đoạn khuếch đại đều được thực hiện tại một nhiệt độ duy nhất với khả năng khuếch đại DNA lên đến trên một tỷ lần. Đặc biệt, phản ứng dương tính được phát hiện trực tiếp bằng mắt thường dựa trên việc đổi màu dung dịch, giúp rút ngắn và đơn giản hóa quy trình phân tích. Tổng thời gian phân tích chỉ mất 70 phút, trong đó bao gồm hai giai đoạn: Tách chiết RNA của virus (30 phút), chuẩn bị và tiến hành phản ứng RT-LAMP (40 phút).

Ngoài việc rút ngắn thời gian xét nghiệm từ 3-4 giờ xuống còn 70 phút, một ưu điểm nổi bật khác của sinh phẩm RT-LAMP so với quy trình real-time RT-PCR tiêu chuẩn là tính đơn giản, không yêu cầu trang thiết bị phức tạp. Điều này giúp sinh phẩm RT-LAMP có thể được sử dụng ngay từ bệnh viện tuyến huyện và các bệnh viện dã chiến khi dịch bùng nổ, giúp khoanh vùng dịch, hạn chế sự lây lan.

Bên cạnh đó, có một ưu điểm nữa là phản ứng RT-LAMP này là chỉ phát hiện chủng virus corona mới và không cho kết quả dương tính giả với các chủng virus corona khác như SARS CoV, MERS-CoV, HKU4, HKU1, OC43 và 229E.

Tiến sĩ có thể giải thích rõ hơn về quá trình phát hiện nhanh chủng virus corona mới bằng kỹ thuật RT-LAMP trong 70 phút hay không?

Quy trình sẽ gồm hai bước chính. Đầu tiên là tách chiết RNA: trong giai đoạn này, hạt vi rút có trong mẫu sẽ bị ly giải dưới tác dụng của dung dịch đệm tách chiết để giải phóng RNA của vi rút, tiếp đó dung dịch này sẽ được đưa qua cột silica để RNA bám lên cột. Sau quá trình rửa, RNA sẽ được hòa tan trong nước để được sử dụng trong giai đoạn tiếp theo. Toàn bộ giai đoạn tách chiết RNA diễn ra trong vòng 30 phút.

Bước thứ hai là khuếch đại vùng gen đích của vi rút bằng kỹ thuật RT-LAMP: đầu tiên RNA sẽ được phiên mã ngược thành DNA để thực hiện phản ứng khuếch đại LAMP dưới tác dụng của enzym Bst DNA polymerase và 6 mồi hướng đến 8 vùng trình tự đặc hiệu của chủng nCoV. Sau khi ủ ở 63ºC trong 30 phút, vùng trình tự gen đích này sẽ được khuếch đại đến hàng tỷ lần, kết quả là làm thay đổi màu dung dịch của phản ứng. Các mẫu dương tính có màu đổi từ hồng sang vàng trong khi đó mẫu âm tính vẫn giữ màu hồng. Quá trình chuẩn bị và thực hiện phản ứng LAMP diễn ra trong vòng 40 phút.


Bộ sinh phẩm BK-LAMP- nCoV hoàn thiện chờ thử nghiệm với mẫu bệnh phẩm thực. Ảnh: HUST

Nhóm nghiên cứu của ông đã có kế hoạch ra sao để đưa bộ kit này vào ứng dụng rộng rãi trong thực tế? Sản phẩm có cần hoàn thiện hay phát triển thêm chức năng nào hay không?

Bộ sinh phẩm của chúng tôi được xây dựng trên những mẫu RNA được tổng hợp nhân tạo. Do vậy để đảm bảo độ chính xác về mặt khoa học thì chắc chắn bộ sinh phẩm sẽ phải được thử nghiệm trên các mẫu RNA được tách chiết từ mẫu bệnh phẩm thực, cũng như thực hiện quá trình tách chiết từ mẫu bệnh phẩm thực để có khả năng so sánh với phương pháp tiêu chuẩn hiện nay là phương pháp real-time RT-PCR. Từ đó có khả năng so sánh kết quả 2 phương pháp thì chúng ta sẽ kết luận được là liệu bộ sinh phẩm có đạt được độ chính xác cần thiết để sử dụng trong thực tiễn hay không.

Để ứng dụng rộng, nhóm chúng tôi mong muốn có tối thiểu 12 mẫu RNA của chủng virus corona để nội kiểm và cần thử nghiệm liên phòng trước khi đăng ký sản phẩm và sản xuất hàng loạt. Khi có mẫu, sau 3 ngày nhóm sẽ có kết quả.

Một bộ kit test nhanh virus corona do nhóm chế tạo có giá thành là bao nhiêu? Tiến sĩ đánh giá ra sao về tiềm năng thương mại hóa của sản phẩm này?

Giá thành sản xuất mỗi test là 350.000 đồng, còn giá sản xuất bộ test RT-PCR là một triệu đồng. So với các kỹ thuật sinh học phân tử khác, RT-LAMP có thiết bị đơn giản, khả năng ứng dụng tại hiện trường, độ nhạy và độ đặc hiệu cao (tương đương với real-time RT-PCR).

Muốn được thương mại hóa, chấp nhận trên thị trường thì bắt buộc phải so sánh kết quả của bộ sinh phẩm mà nhóm chúng tôi phát triển với bộ sinh phẩm được tiến hành bằng phương pháp tiêu chuẩn RT-PCR để xem độ tương hợp giữa 2 phương pháp ra sao. Để có thể ứng dụng vào thực tế, bộ sinh phẩm, bộ kit cũng cần phải kiểm định bởi các cơ quan chuyên trách của Bộ Y tế. Thông thường quy trình kiểm định này thường mất từ 3 đến 6 tháng.

Do vậy, chúng tôi mong có sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để nhóm có thể hợp tác được với một số bệnh viện, cơ quan chuyên trách để tiến hành thử nghiệm, kiểm định bộ sinh phẩm trong thời gian sớm nhất, sẵn sàng hỗ trợ cho việc phòng chống dịch. Chúng tôi hy vọng rằng trong 2 tuần tới, với sự giúp đỡ của các Cơ quan ban ngành, bộ sinh phẩm có thể được sản xuất ứng dụng vào thực tiễn.

Xin cảm ơn ông!

Phong Lâm
http://vietq.vn/hanh-trinh-than-toc-tao-ra-bo-kit-test-nhanh-virus-corona-made-in-vietnam-d169409.html