“Gió đang đổi chiều” trong hệ thống năng lượng tại Việt Nam

Năm 2020 là một năm đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành năng lượng của Việt Nam. Đây là năm mà năng lượng sạch có vị trí vững chắc hơn và được coi là ngành có tiềm năng lợi nhuận, định hướng phát triển tốt. Lĩnh vực điện khí cũng đang được chú trọng phát triển.

Vừa qua, Chương trình Phát triển bền vững, Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển (MDI) công bố một báo cáo cập nhật về lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, nhiệt điện than không còn giữ vị trí là lĩnh vực được ưu ái phát triển ở Việt Nam mà thay vào đó là các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và sạch.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng hàng đầu phát triển điện gió ngoài khơi.

Từ chỗ chỉ được coi là lĩnh vực thứ yếu, năng lượng sạch – bao gồm điện mặt trời và điện gió – đang có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia và trở thành một trong những ưu tiên trong định hướng phát triển năng lượng của đất nước. Nhiệt điện khí, nhất là lĩnh vực điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, cũng là một lĩnh vực mới có tiềm năng phát triển. Hai kho cảng nhập khẩu khí đầu tiên đang được triển khai xây dựng và hàng loạt các dự án nhà máy điện khí lớn đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất đầu tư.

Trong khi đó, chủ trương hạn chế phát triển nhiệt điện than mới của Đảng và Chính phủ, sự phản đối của các địa phương và những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án cho thấy lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch này sẽ không thể có được sự tăng trưởng như trước đây.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 sửa đổi (Quy hoạch Điện VII sửa đổi) ban hành năm 2016 đặt mục tiêu nâng tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng sản lượng điện quốc gia lên 49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 53.2% vào năm 2030. Tỷ trọng nhiệt điện khí thiên nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng được xác định chiếm dưới 20% tổng sản lượng điện cho đến năm 2030. Trong đó, điện mặt trời và điện gió chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng điện của cả nước.

Tuy nhiên, qua thực tế 4 năm triển khai thực hiện quy hoạch, nhiệt điện than đã bộc lộ những hạn chế nội tại của nó, làm ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của lĩnh vực này.

Báo cáo của MDI đã chỉ ra ít nhất 6 tỉnh trên cả nước đã đề xuất không tiếp tục phát triển các dự án nhiệt điện than trên địa bàn các tỉnh đó do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có Quảng Ninh – cái nôi của ngành than Việt Nam. Các tỉnh như Bạc Liêu, Long An, Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh và Tiền Giang mong muốn thay thế các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch bằng các dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng.


Điện mặt trời ở Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao.

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung gần 7.000 MW điện gió vào quy hoạch do sự chậm trễ trong triển khai xây dựng nhiều dự án điện than lớn.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức đưa ra chỉ đạo giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; xây dựng các cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.

Theo Viện Năng lượng Việt Nam, những quan điểm chỉ đạo đó sẽ được cụ thể hóa trong Quy hoạch Điện VIII mà cơ quan này đang soạn thảo để trình Chính phủ trong tháng 10/2020.

Thực tế, ở Việt Nam hiện không còn những đề xuất dự án nhiệt điện than mới rầm rộ như những năm trước đây. Thay vào đó, hàng loạt dự án nhiệt điện khí và điện gió quy mô lớn và rất lớn đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất với các cơ quan chức năng.

Bà Trần Lệ Thùy, Thạc sĩ chuyên ngành khoa học phát triển, Đại học Oxford, Giám đốc Trung tâm MDI, phát biểu: “Con đường phát triển bền vững mà Việt Nam lựa chọn hiện nay là rất rõ ràng và nhất quán. Việt Nam cũng mới nâng mức đóng góp do quốc gia tự quyết định nhằm chung tay với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Những lĩnh vực không có lợi cho xu hướng phát triển đó sẽ bị thay thế bằng những lựa chọn mang tính bền vững hơn”.


Cần đầu tư nhanh và mạnh hơn nữa cho hệ thống truyền tải điện.

Bà Laurence Tubiana, Tổng giám đốc Quỹ Khí hậu châu Âu ECF, cựu Đại sứ về Biến đổi khí hậu của Pháp và Đại diện đặc biệt cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP21 2015 tại Paris và được công nhận là kiến ​​trúc sư chính của Thỏa thuận Paris, bình luận riêng về Báo cáo Cập nhật năng lượng Việt Nam 2020 của Trung tâm MDI: “Trong năm qua, Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với thành công trong lĩnh vực năng lượng sạch. Mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn dài, nhưng việc chuyển đổi từ sử dụng than đá sang các năng lượng tái tạo nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong những đất nước dẫn đầu tại Đông Nam Á và cũng là tấm gương cho các đất nước khác muốn chuyển đổi giữa hai dạng năng lượng này”.

Có thể thấy rằng, Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tựu, không chỉ có khí hậu trở nên an toàn hơn, không khí trong lành hơn mà bên cạnh đó còn là cơ hội việc làm và những khoản đầu tư. Trên thế giới, năng lượng tái tạo đang chứng tỏ là một lựa chọn sáng suốt hơn, rẻ hơn và việc Việt Nam nắm bắt cơ hội để thay đổi thực sự sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nước khác trên thế giới.

Tùng Dương
https://petrotimes.vn/gio-dang-doi-chieu-trong-he-thong-nang-luong-tai-viet-nam-578712.html

VNCPC đồng hành cùng chương trình “Chuyển đổi xanh”

“Chuyển đổi xanh” là Chương trình thí điểm phân phối xanh và sử dụng túi sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco, với sự đồng hành của VNCPC và các tổ chức, doanh nghiệp Việt nhằm chung tay giảm thiểu túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững theo Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 06 năm 2020 và hưởng ứng thực hiện Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 20 tháng 08 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, do Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các đơn vị thực hiện là Tập đoàn An Phát Holdings (sở hữu thương hiệu AnEco), Công ty TNHH Bán lẻ BRG (quản lý hệ thống siêu thị BRGMart), các đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và Trung tâm Marketing và Thương hiệu – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tham gia chương trình, VNCPC đảm nhiệm vai trò khảo sát, đo đạc tại hiện trường để tư vấn cho cơ sở phân phối được lựa chọn làm thí điểm cách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quản lý rác thải, thiết kế gian hàng xanh… Đây chính là tư liệu để VNCPC xây dựng sổ tay hướng dẫn về phân phối xanh cho các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước.

Cũng trong chương trình, từ ngày 18/9/2020 đến ngày 4/10/2020 còn có 2 hoạt động được diễn ra tại siêu thị BRGMart (174 Lạc Long Quân, Hà Nội):

  • Từ ngày 18 – 20/9/2020: Người tiêu dùng trải nghiệm dùng thử miễn phí túi sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco khi mua sắm tại siêu thị.
  • Từ ngày 21/9 – 4/10/2020: Chỉ với 1.000 đồng người tiêu dùng có ngay một chiếc túi AnEco để sử dụng thay thế cho túi nilon thông thường, góp phần giảm rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Thông qua chương trình, Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng Bền vững (thuộc Bộ Công Thương), AnEco, hệ thống siêu thị BRGMart và các đơn vị đồng tổ chức mong muốn mỗi người tiêu dùng hãy hành động để giảm lượng rác thải túi nilon hướng tới nền sản xuất và tiêu dùng bền vững, bảo vệ môi trường.

VNCPC

Năng lượng sạch là xu thế toàn cầu

IEA nhấn mạnh, hydro đóng vai trò lớn và đa dạng trong việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố báo cáo “Triển vọng công nghệ năng lượng 2020”, nhấn mạnh hydro sẽ có vai trò quan trọng trong chuyển đổi nhiên liệu đầu vào đối với các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon. Theo IEA, thế giới cần nỗ lực lớn để phát triển và triển khai các công nghệ sạch ở quy mô toàn cầu nhằm đáp ứng các mục tiêu quốc tế về năng lượng và khí hậu, đặc biệt là trong các lĩnh vực ngoài ngành điện như giao thông, xây dựng và công nghiệp. Tiến sĩ Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA cho biết, bất chấp những khó khăn từ đại dịch Covid-19, một số phát triển gần đây cho thấy cơ sở lạc quan về tốc độ chuyển đổi sang năng lượng sạch và đạt được các mục tiêu khí hậu và năng lượng.

Theo kịch bản phát triển bền vững của IEA – lộ trình đạt được các mục tiêu quốc tế về năng lượng và khí hậu, công suất điện phân nước toàn cầu sẽ tăng từ 300 MW hiện nay lên 3.300 GW vào năm 2080. Vào năm 2070, tổng điện năng tiêu thụ cho quá trình điện phân nước sẽ gấp đôi lượng điện năng tiêu thụ của Trung Quốc hiện nay. Cũng theo báo cáo của IEA, các chính phủ cần đóng một vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, hướng tới đáp ứng các mục tiêu quốc tế.

Các tập đoàn dầu khí châu Âu cũng gia tăng tài sản trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Hãng tin Reuters đưa tin, lĩnh vực điện gió ngoài khơi đang có đồ thị phát triển đi lên ấn tượng, góp phần giúp các công ty dầu khí mở rộng quy mô hoạt động. Một số hãng dầu khí thời gian gần đây đã công bố mục tiêu tham vọng về sản xuất điện tái tạo khi nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Equinor và Công ty phát triển điện lực Jera của Nhật Bản (J-Power) đã thành lập liên doanh để tham gia đấu thầu các dự án điện gió ngoài khơi khu vực Akita, phía bắc Nhật Bản.

Shell và Công ty năng lượng Eneco (Hà Lan) đã trúng thầu phát triển dự án điện gió ngoài khơi Hà Lan với công suất 750 MW, dự kiến khởi công vào năm 2023.

Total hợp tác với tập đoàn đầu tư Macquarie’s Green (Anh) phát triển 5 dự án điện gió nổi ngoài khơi quy mô lớn tại Hàn Quốc. Tổng công suất thiết kế của các dự án đạt 2,3 GW. Total dự kiến khởi công xây dựng dự án đầu tiên với công suất 500 MW vào cuối năm 2023. Cũng trong năm nay, Total đã mua lại 51% cổ phần trong dự án điện gió ngoài khơi SSE’s Seagreen tại Anh.

Chính phủ Pháp đã công bố Chiến lược phát triển hydro không carbon quốc gia với tổng kinh phí triển khai đạt 7 tỷ euro đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và xây dựng một khu vực công nghiệp hydro. 3 mục tiêu cụ thể của chiến lược gồm: Lắp đặt đủ số lượng các máy điện phân nước nhằm đóng góp đáng kể vào nền kinh tế khử carbon; Phát triển vận tải sạch, nhất là đối với các phương tiện vận tải hạng nặng; Xây dựng khu vực công nghiệp hydro tại Pháp, đảm bảo các lợi thế công nghệ, góp phần tạo ra từ 50.000 – 150.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động Pháp.

Công suất điện phân nước tại Pháp dự kiến sẽ tăng lên 6,5 GW vào năm 2030, cao hơn so với mục tiêu 5 GW của Đức. Pháp có ngành công nghiệp điện hạt nhân lớn nhất thế giới và nhiều khả năng điện nguyên tử sẽ được dùng để sản xuất hydro không phát thải carbon. Pháp hiện tiêu thụ khoảng 900.000 tấn hydro mỗi năm, chủ yếu trong ngành công nghiệp lọc dầu và hóa chất của nước này, được sản xuất từ các nguồn năng lượng hóa thạch.

Viễn Đông

https://petrotimes.vn/nang-luong-sach-la-xu-the-toan-cau-578456.html

Năng lượng thế giới hậu khủng hoảng “xanh” hay “bẩn”?

Về tổng thể, có hai kịch bản phục hồi cho nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng có thể xảy ra: “Xanh” với mức phát thải CO2 rất thấp cho đến năm 2050 và ngược lại, “bẩn” với các nền kinh tế vẫn sử dụng nhiều năng lượng có lượng khí thải CO2 theo quỹ đạo trước khủng hoảng.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) có dự báo đánh giá về tác động của cuộc khủng hoảng này đối với các khoản đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng năm 2020, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ, nơi giá cả giảm mạnh.


95% năng lượng điện được lưu trữ dưới dạng đập thủy điện.

IEA đưa ra giả thuyết suy thoái gây ra bởi những hạn chế về đi lại và những hạn chế đối với hoạt động kinh tế sẽ gây ra hậu quả trong suốt cả năm 2020: Nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ giảm 6%, điện giảm 5%. Việc giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2020 (-8% đối với than) sẽ dẫn đến việc giảm đáng kể lượng khí thải CO2 toàn cầu (8%), gấp 6 lần so với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

IEA dự đoán lượng đầu tư vào tất cả các lĩnh vực sản xuất và phân phối điện sẽ giảm, ngoại trừ thủy điện và điện gió ngoài khơi. Sự sụt giảm sẽ rất mạnh đối với điện mặt trời (gần 20%) và mạng lưới điện (9%).

IEA cũng thống kê về mức độ chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực năng lượng ở các nước. So với GDP, chi tiêu công toàn cầu cho R&D sau khi giảm mạnh trong những năm 80 của thế kỷ trước, đã ổn định trong thập niên qua và tăng 3% vào năm 2019. Ngân sách R&D dành cho năng lượng có lượng phát thải carbon thấp chiếm 80% tổng chi tiêu trong tất cả các lĩnh vực năng lượng. Chi tiêu cho R&D của các công ty đạt 90 tỉ USD vào năm 2019; chi tiêu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tăng 74% kể từ năm 2010; chi tiêu cho lĩnh vực điện và sản xuất hydro cũng tăng lên, trong khi những chi tiêu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và lưu trữ CO2 bị đình trệ…

Về tổng thể, có hai loại kịch bản phục hồi cho nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng có thể xảy ra: “Xanh” với mức phát thải CO2 rất thấp cho đến năm 2050 và ngược lại, “bẩn” với các nền kinh tế vẫn sử dụng nhiều năng lượng có lượng khí thải CO2 theo quỹ đạo trước khủng hoảng.

Sau khi lượng khí thải giảm mạnh (8%) trong năm 2020, kịch bản “xanh” sẽ là: Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong đầu tư sẽ giúp sản xuất năng lượng carbon thấp (chủ yếu là điện) với chi phí thấp và sử dụng chúng trong các lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng như nhà ở, giao thông, công nghiệp.

Tạp chí Nature ước tính rằng, vào năm 2050, kịch bản “bẩn” là sự gia tăng lượng khí thải CO2 tích lũy của nhiên liệu hóa thạch (230 Gt CO2) trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2050 so với kịch bản “xanh”.


Báo cáo về tác động của Covid-19 với ngành năng lượng thế giới.

Tuy nhiên, kịch bản “xanh” sẽ không cho phép trái đất đạt được tính trung hòa carbon vào năm 2050 và hơn thế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Âu cũng như ở Mỹ đang kêu gọi giảm tiêu chuẩn khí thải trong một số lĩnh vực nhất định (đặc biệt là ngành công nghiệp ôtô). Tổng thống Trump tuyên bố hưởng ứng những lời kêu gọi này. Còn Trung Quốc tuyên bố sẽ không hạ ngay tỷ lệ than trong sản xuất điện của mình. Ở Pháp, lĩnh vực nhà ở chiếm 43% năng lượng tiêu thụ cuối cùng và 20% phát thải khí nhà kính. Việc cải tạo để nâng cao hiệu suất năng lượng ở lĩnh vực này được Chính phủ Pháp coi là ưu tiên, vì nó cho phép tiết kiệm năng lượng đáng kể và tạo ra việc làm.

Việc gia tăng đáng kể tỷ trọng năng lượng carbon thấp trong hỗn hợp năng lượng đòi hỏi nền kinh tế ngày càng “điện khí hóa”, đặc biệt là giao thông, một giả định được hầu hết các kịch bản áp dụng trước cuộc khủng hoảng và sự gia tăng của năng lượng tái tạo là ưu tiên cho các tình huống “sau khủng hoảng”.

Đối với việc sản xuất điện, có hai lưu ý quan trọng.

Thứ nhất, trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo không liên tục, dự trữ sản xuất sẽ là cần thiết, chi phí của khâu này lại hiếm khi được tính đến trong các kịch bản. Nó đặt ra một vấn đề kỹ thuật mà chúng ta vẫn thường thảo luận. Ngoài lựa chọn lưu trữ trong các đập (95% năng lượng điện được lưu trữ ngày nay), kỹ thuật dùng pin là giải pháp thay thế thường được xem xét nhất hiện nay với lĩnh vực lithium-ion. Nó cũng là kỹ thuật quan trọng để cơ giới hóa xe cộ và nếu chi phí của chúng giảm mạnh, cần phải tăng mật độ năng lượng của chúng (150 Wh/kg đối với pin lithium-ion), các lĩnh vực khác (lithium-air hoặc Zinc-air) đang được xem xét.

Lưu trữ hydro là một giải pháp thay thế thường được đề cập đến cho pin (kỹ thuật chuyển điện thành khí). Kỹ thuật này nhằm sản xuất hydro bằng cách điện phân nước, sau đó phản ứng với oxy trong pin nhiên liệu, với bạch kim làm chất xúc tác, điện được tái tạo. Kỹ thuật này có thể được sử dụng để bảo quản tĩnh tại nơi sản xuất hoặc trong xe điện.

Hydro “xanh” (được sản xuất bằng điện không phát thải carbon), một động lực năng lượng được xem xét trong một số kịch bản, gần đây đã trở thành cơn sốt thực sự. Các tập đoàn lớn sản xuất khí công nghiệp này từ khí tự nhiên đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất hydro. Họ thậm chí không ngần ngại xem xét việc chế tạo một chiếc máy bay chạy bằng hydro.

Lưu ý thứ hai liên quan đến sự cân bằng của hỗn hợp điện. Sẽ không thực tế khi đặt mục tiêu vào năm 2050, hỗn hợp điện hoàn toàn do năng lượng tái tạo cung cấp. Điều này là không khả thi nếu tính đến những rủi ro mà sự gián đoạn của chúng gây ra đối với an ninh nguồn cung điện. Nói cách khác, nên để ngỏ lựa chọn hạt nhân cho các nước có năng lực (Pháp, Trung Quốc…), có thể dự phòng năng lượng bằng các nhà máy điện khí hiệu suất cao.

S.Phương
https://petrotimes.vn/nang-luong-the-gioi-hau-khung-hoang-xanh-hay-ban-577838.html

Điều kiện “cần” và “đủ” để Việt Nam tái khởi động chương trình điện hạt nhân

Như chúng ta đều biết, trong dự thảo Báo cáo Quy hoạch điện VIII, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã đưa ra phương án xem xét phát triển nhà máy điện hạt nhân sau năm 2030, để cập nhật thêm thông tin, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học Công nghệ) về những nhận định xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, chủ trương dừng dự án điện hạt nhân đã được Quốc hội thông qua vào năm 2016, vì vậy, TS. Trần Chí Thành trả lời với tư cách là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ và an toàn điện hạt nhân 1.

Xin ông cho biết hiện trạng các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) và xu thế phát triển loại nguồn điện này trên thế giới trong hai thập kỷ tới?

TS. Trần Chí Thành: Có thể thấy rằng, từ sau khi sự cố Fukushima xảy ra năm 2011, ngành điện hạt nhân thế giới tuy có bị ảnh hưởng, nhưng nhìn chung vẫn tiếp tục phát triển. Hiện nay trên thế giới có 442 lò đang vận hành, tổng công suất lắp đặt gần 392.000 MWe, chiếm khoảng 11% sản lượng điện của cả thế giới, mặc dù điện hạt nhân chỉ có ở hơn 30 quốc gia. Có 53 lò hạt nhân đang được xây dựng, nhiều lò đã lên kế hoạch và nhiều nước bắt đầu triển khai chương trình điện hạt nhân.

Có thể thấy, về tổng công suất lắp đặt, hay số lò vận hành vẫn được giữ ở mức cao hơn trước khi có sự cố một chút. Sau khi sự cố Fukushima xảy ra, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, một lần nữa thế giới đánh giá lại và đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn về an toàn đối với các nhà máy đang vận hành và các thiết kế mới. Điều này làm kinh phí đầu tư cao hơn một ít so với trước.

Trong vài thập kỷ tới, theo dự báo của các tổ chức quốc tế và chuyên gia ngành năng lượng, điện hạt nhân sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng bền vững, mặc dù tăng trưởng không nhanh và quá nóng. Lý do chính liên quan đến biến đổi khí hậu, xu thế nóng ấm toàn cầu và ô nhiễm môi trường đang làm thay đổi xu thế của cơ cấu nguồn điện. Năng lượng tái tạo được ưu tiên, nhiệt điện than đang giảm dần và bị hạn chế mạnh, đặc biệt ở các nước tiên tiến, và ngay cả Trung Quốc, Ấn Độ… điện hạt nhân vận hành an toàn là nguồn điện không phát thải khí nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, do tăng cường về an toàn, dẫn đến suất đầu tư cao, nên các quốc gia phát triển điện hạt nhân cần xem xét kỹ lưỡng về năng lực kỹ thuật, hạ tầng cơ sở đảm bảo an toàn, nguồn nhân lực, vấn đề giá thành điện… Vì vậy, các dự án hạt nhân thường được phát triển dài hạn, nhiều năm hơn. Điện hạt nhân góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời, điện hạt nhân vận hành trong hệ thống điện với cơ chế chạy nền, rất cần thiết để đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện quốc gia. Do đó điện hạt nhân là một lựa chọn tốt trong thời gian tới, cùng với năng lượng tái tạo (NLTT).

Những nhận xét của ông về lý do chính mà nhiều nước đang dần từ bỏ ĐHN, trong khi có nhiều nước đang tiếp tục phát triển nguồn điện này?

TS. Trần Chí Thành: Thực tế chỉ một số nước hiện nay có quyết định và chính sách từ bỏ điện hạt nhân, điển hình là Đức. Chính sách bỏ điện hạt nhân của Đức có từ lâu, chủ yếu do liên quan đến chính trị. Hiện nay điện hạt nhân ở Đức vẫn đảm bảo khoảng 12% điện năng. Kế hoạch khoảng vài năm nữa sẽ đóng cửa hết các tổ máy, tuy nhiên có thực hiện được hay không còn chưa rõ. Hiện nay giá thành điện ở Đức cao nhất châu Âu, gần như hơn gấp đôi giá điện ở Pháp. Khi thiếu điện (ví dụ khi nguồn điện NLTT phát không đủ), Đức vẫn mua điện từ Pháp. Một số nước như Thuỵ Điển, hay Thuỵ Sỹ vẫn tiếp tục duy trì điện hạt nhân. Pháp là nước có điện hạt nhân với tỷ trọng khoảng 80%, do yêu cầu thực tế về an ninh năng lượng (không nên có một loại hình phát điện chiếm tỷ trọng lớn), nên họ sẽ xem xét giảm tỷ lệ điện hạt nhân xuống (dự kiến giảm xuống 50%).

Bên cạnh đó, Pháp đang triển khai mạnh các dự án tại nước ngoài, đặc biệt tại Anh Quốc. Nhật Bản sau khi có sự cố Fukushima đã đóng cửa tất cả 54 tổ máy điện hạt nhân để kiểm tra chặt chẽ các vấn đề an toàn, cấp phép lại.

Nhật Bản không bỏ điện hạt nhân. Hiện nay Nhật Bản đã tái khởi động và đang vận hành 9 lò hạt nhân (9 tổ máy). Năm 2020-2021 sẽ tiếp tục khởi động lại thêm 6 lò. Theo Chiến lược Năng lượng hiện nay của Nhật Bản, điện hạt nhân sẽ duy trì ở mức 20-25% (khoảng hơn 20 tổ máy). Năm 2021 Nhật Bản sẽ cập nhật Chiến lược Năng lượng mới, trong đó sẽ hạn chế tối đa nhiệt điện than, đến 2030 sẽ đóng cửa khoảng 100 tổ máy nhiệt điện than. Điện tái tạo, điện khí hoá lỏng (LNG) và điện hạt nhân sẽ là thành phần chính trong hệ thống điện. Tuy nhiên, tỷ lệ bao nhiêu sẽ được đưa ra vào năm 2021.

Các quốc gia đẩy mạnh phát triển điện hạt nhân cũng có nhiều lý do, tùy từng nước. Các nước châu Âu đã có điện hạt nhân sẽ tiếp tục duy trì, và phát triển ở mức độ cần thiết, vì thấy rằng điện hạt nhân ở các nước đó an toàn, kinh tế, không ảnh hưởng môi trường, và cũng được người dân ủng hộ. Rất nhiều quốc gia khi phát triển điện hạt nhân thành công đã xây dựng được nền tảng, năng lực khoa học và công nghệ, công nghiệp… để đất nước của họ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trước đây là các nước châu Âu, gần đây điển hình là Hàn Quốc, hay Ấn Độ.

Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều tổ máy điện hạt nhân nhất thế giới hiện nay (gần 100 tổ máy), đóng góp khoảng 20% sản lượng điện toàn quốc. Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phát triển điện hạt nhân, gần đây đã bắt đầu xây dựng các tổ máy mới công nghệ tiên tiến III+ (AP1000). Mặc dù việc xây dựng có bị chậm trễ do nhiều thập kỷ họ không xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới, do cải tổ các công ty làm điện hạt nhân, tuy nhiên cho đến nay, việc xây dựng đang đến giai đoạn kết thúc, và sẽ vận hành thương mại trong thời gian sắp tới.

Đặc biệt, gần đây, Hoa Kỳ đã có Chiến lược Năng lượng hạt nhân mới (Bộ Năng lượng – DOE), trong đó chú trọng nghiên cứu phát triển công nghệ mới (ví dụ SMR), thúc đẩy phát triển điện hạt nhân, xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân, ưu tiên bố trí tài chính cho các dự án điện hạt nhân… với mục tiêu đưa ngành hạt nhân của Hoa Kỳ trở lại vị trí số 1 (Nga và Trung Quốc là các nước cạnh tranh với Hoa Kỳ).

Liên bang Nga là nước có công nghệ nguồn về điện hạt nhân. Liên Xô (cũ) đã phát triển các công nghệ lò VVER, lò RBMK, lò nơtron nhanh. Nga hiện nay vẫn là nước tiếp tục phát triển điện hạt nhân trong nước, và đẩy mạnh xuất khẩu điện hạt nhân ra nước ngoài. Trong nước Nga, tỷ lệ điện hạt nhân chiếm khoảng 20% sản lượng điện. Về xuất khẩu, Nga là nước đi đầu trong xuất khẩu điện hạt nhân, kể cả thời kỳ Liên Xô (cũ) còn tồn tại. Liên Xô trước đây đã xây nhiều lò hạt nhân ở Đông Âu, và các lò VVER-440 hiện nay vẫn vận hành an toàn và rất kinh tế. Hiện nay Liên bang Nga đang triển khai nhiều dự án điện hạt nhân ở nhiều nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, và sắp tới là Phần Lan, Slovakie, Hungary, Ai Cập v.v…

Thiết kế VVER của Nga rất tốt, an toàn, và đã được kiểm chứng thực tế qua nhiều nơi và qua thời gian. Thiết kế VVER 1200 mới thế hệ III+ đã đi vào vận hành. Liên bang Nga có lợi thế về khoa học công nghệ tiên tiến, đội ngũ cán bộ giỏi, hùng hậu, nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hạt nhân. ROSATOM là tập đoàn Nhà nước về Năng lượng nguyên tử đang triển khai nhiều dự án trên thế giới, trong đó có Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam với lò phản ứng nghiên cứu mới.

Trung Quốc là nước phát triển điện hạt nhân mạnh nhất, và có chương trình điện hạt nhân nhiều tham vọng. Hiện nay Trung Quốc có 47 lò hạt nhân đang vận hành. Theo kế hoạch, đến năm 2030 số lò hạt nhân của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ (hiện nay Mỹ có gần 100 lò hạt nhân), đến 2050 Trung Quốc sẽ có khoảng gần 280 lò. Ngoài công nghệ điện hạt nhân dân dụng phổ biến, Trung Quốc còn phát triển công nghệ lò nhanh, điện hạt nhân nổi, và công nghệ lò nhỏ mục đích dân sự và quốc phòng (tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay dùng năng lượng hạt nhân).

Như vậy, mục tiêu phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc ngoài lý do cung cấp điện năng, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu… còn những lý do khác liên quan đến tiềm lực đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng, cạnh tranh quốc tế và cạnh tranh vị trí cường quốc. Trung Quốc đang rất muốn xuất khẩu công nghệ hạt nhân ra các nước, và đã xuất khẩu sang Pakistan. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh nghiệm, trình độ khoa học, về tái chế nhiên liệu hạt nhân (chu trình nhiên liệu khép kín), về cam kết trách nhiệm trong trường hợp sự cố (thành viên của Công ước IAEA), so với Liên bang Nga, nên hiện nay Trung Quốc chưa xuất khẩu được nhiều lò hạt nhân sang các nước.

Các nước khác phát triển điện hạt nhân để cung cấp điện năng, đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy các lĩnh vực khoa học, công nghệ và công nghiệp nền tảng cơ bản. Ấn Độ đang đẩy mạnh điện hạt nhân. Gần đây một số nước đã bắt đầu phát triển điện hạt nhân như: Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, UAE, Bangladesh, Ai Cập, Ba Lan… UAE vừa vận hành tổ máy điện hạt nhân đầu tiên công suất 1.400 MWe (được hòa vào lưới điện ngày 19/8/2020). Ngoài mục tiêu phát điện, phát triển khoa học công nghệ cũng là nhiệm vụ quan trọng của UAE, họ đồng thời thúc đẩy chương trình hạt nhân và chương trình vũ trụ (lên Sao Hoả).

Công nghệ ĐHN hiện nay và những công nghệ mới dự kiến áp dụng trong tương lai gần như thế nào, thưa ông?

TS. Trần Chí Thành: Công nghệ điện hạt nhân là công nghệ phức tạp, được đưa ra dựa trên nhiều lĩnh vực nền tảng và cơ bản như vật lý hạt nhân, cơ học dòng chảy, cơ khí, vật liệu, luyện kim, tự động điều khiển, hoá học… Do đó, công nghệ điện hạt nhân (bao gồm cả thiết kế) không dễ thay đổi trong một thời gian ngắn. Trong gần 50 năm lại đây, công nghệ nền tảng của điện hạt nhân hầu như không thay đổi. Trên thế giới công nghệ phổ biến hiện nay (các lò đang vận hành) chủ yếu là lò nước áp lực, lò nước sôi, lò nước nặng và lò nơtron nhanh (tải nhiệt bằng kim loại lỏng). Đa số các lò đang vận hành hiện nay là công nghệ lò nước áp lực, với thiết kế của thế hệ II, III và III+.

Trong khi nhiều lò hạt nhân thiết kế thế hệ II và III vẫn vận hành an toàn ở nhiều nước và mang lại hiệu quả kinh tế cao, các lò vừa mới đưa vào vận hành trong những năm gần đây, hoặc các lò đang xây dựng đều dựa trên thiết kế mới, tiên tiến của thế hệ III+. Các thiết kế mới đều đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất, cao nhất về an toàn mới đưa ra, đảm bảo vận hành an toàn kinh tế, và không ảnh hưởng đến con người, môi trường ngay cả trường hợp có sự cố xảy ra. Do đó, trong vài thập niên tiếp theo, công nghệ chủ yếu được triển khai vẫn là lò làm mát bằng nước (lò áp lực là chính), thiết kế tiên tiến thế hệ III+.

Công nghệ lò mô đun nhỏ (SMR) đang được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu và triển khai. SMR chủ yếu áp dụng biện pháp làm mát bằng kim loại lỏng, chỉ có vài thiết kế làm mát bằng nước (như Nuscale). Công nghệ làm mát bằng nước đã được nghiên cứu nhiều và thuần thục trên thế giới, trong khi công nghệ lò làm mát bằng kim loại lỏng là lĩnh vực chưa được nghiên cứu nhiều, còn nhiều vấn đề khoa học mà ta chưa nắm rõ. Do đó, triển vọng sử dụng SMR vào mục đích phát điện là không cao trong vài chục năm tới (ngoại trừ Nuscale có khả năng cao hơn).

Về an toàn của các nhà máy ĐHN, xin ông cho biết những bài học về các sự cố nghiêm trọng trong quá khứ và những giải pháp công nghệ, quản lý về phòng ngừa sự cố hạt nhân hiện nay, cũng như trong tương lai? Việt Nam có thể học hỏi gì về các giải pháp an toàn ĐHN?

TS. Trần Chí Thành: Trong ngành điện hạt nhân, các sự cố lớn xảy ra là Three Miles Irland (TMI) năm 1979, Chernobyl năm 1986 và Fukushima năm 2011. TMI xảy ra sau thời kỳ triển khai mạnh xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, an toàn chưa được chú trọng, pháp quy hạt nhân chưa đầy đủ như hiện nay. Sự cố xảy ra đã thúc đẩy cải tiến thiết kế, tăng cường an toàn và kiểm soát an toàn. Chernobyl xảy ra do con người là chính (ý chí chính trị). Thiết kế của lò này (RBMK) cũng có nhiều hạn chế và lỗi. Vấn đề con người, đào tạo kỹ lưỡng, và vấn đề pháp quy chặt chẽ được chấn chỉnh mạnh mẽ sau sự cố đó. Sự cố Fukushima xảy ra do con người và hệ thống pháp quy là chính. Sau khi sự cố Fukushima xảy ra, Nhật Bản đã thay đổi và cải tổ Cơ quan Pháp quy hạt nhân (trước là NISA, nay là NRA). Tất nhiên Fukushima xảy ra cũng do yếu tố thiên tai (sóng thần), hiếm khi xảy ra.

Bài học có thể thấy là, ngoài đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân đảm bảo chất lượng, xây dựng hệ thống pháp quy hạt nhân chặt chẽ, thực hiện tốt, đầy đủ và trách nhiệm các nhiệm vụ kiểm tra giám sát liên quan đến đánh giá an toàn, thiết kế, liên quan đến xây dựng và giám sát vận hành nhà máy (cũng như các hệ thống thiết bị), quản lý dự án cũng là lĩnh vực cần con người giỏi và kinh nghiệm. Về công nghệ, do thiết kế điện hạt nhân được đưa ra bởi các tổ chức hoặc công ty về hạt nhân của các nước tiên tiến, của các nước làm chủ công nghệ, nên vấn đề ở Việt Nam, nếu có, là kiểm tra đánh giá tính phù hợp của thiết kế trong điều kiện thực tế Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về giá thành và xu thế giá thành sản xuất điện từ ĐHN?

TS. Trần Chí Thành: Do các yêu cầu về an toàn, nên trong các thiết kế III+ hiện nay có thêm nhiều hệ thống an toàn, hệ thống làm mát. Do đó giá thành đầu tư tăng lên. Tuy nhiên, các hệ thống thiết bị của nhà máy điện hạt nhân đều được thiết kế chế tạo với chất lượng cao, đảm bảo độ tin cậy lớn, và có thể vận hành lâu dài. Lò hạt nhân thế hệ mới có thể vận hành 60 năm, sau đó có thể kéo dài thêm 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Với thời gian dài như vậy, cho nên giá điện thực tế của điện hạt nhân hiện nay tuy cao nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ chấp nhận được.

Tại Việt Nam, theo tính toán (đã có), giá thành điện hạt nhân đắt hơn nhiệt điện than nội địa, nhưng rẻ hơn nhiệt điện than nhập. Giá điện cũng rẻ hơn nhiệt điện khí hoá lỏng (LNG). Các nhà máy khi đã hết tuổi thọ (ví dụ trước đây là 30-40 năm), nếu vẫn tốt và qua được đánh giá an toàn, được cấp phép tiếp tục vận hành, phát điện, thì giá thành điện là rẻ (nhiều tổ máy hiện nay trên thế giới đang vận hành ở thời kỳ sau khi hết tuổi thọ ban đầu, mang lại hiệu quả kinh tế lớn).

Xin ông cho biết vài nét chính về sự cần thiết và vai trò của ĐHN trong hệ thống điện của Việt Nam trong tương lai? Theo ông, Việt Nam còn thiếu những điều kiện gì để có thể tái khởi động chương trình phát triển ĐHN?

TS. Trần Chí Thành: Như mọi người đã biết, điện hạt nhân là nguồn điện ổn định, công suất lớn (1.000 MWe hoặc hơn). Điện hạt nhân là nguồn điện ổn định như thuỷ điện, nhiệt điện than. Hiện nay Việt Nam đang đầu tư phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Hiện nay tổng công suất điện mặt trời, điện gió Việt Nam có khoảng 6.000 MWe, nhưng hệ số sử dụng công suất thấp, có tính không ổn định, nên sản lượng điện sản xuất ra từ các nguồn này ít hơn khoảng 4 lần so với các nguồn điện ổn định nói trên. Tính không ổn định sẽ làm cho hệ thống điện mất cân bằng, và có thể dẫn đến sự cố, nếu mất điện sẽ làm cho các cơ cở cần dùng điện ổn định bị thiệt hại nhiều.

Trong bối cảnh thuỷ điện ở Việt Nam đã được khai thác gần như hết, nhiệt điện than đang bị hạn chế do ô nhiễm môi trường, do bụi mịn (PM2.5), và mục tiêu giảm tác động biến đổi khí hậu (CO2), việc đưa vào hệ thống điện các nguồn điện ổn định sẽ góp phần làm tốt việc cung cấp điện năng, đảm bảo phát triển kinh tế, và thu hút đầu tư nước ngoài (cung cấp điện năng ổn định là yếu tố đầu tiên để các nhà đầu tư xem xét khi lựa chọn để đầu tư).

Ngoài ra, điện than phụ thuộc nhiều vào cung cấp than (than nhập), và dự trữ than khó hơn nhiều cho một nhà máy nhiệt điện than so với nhà máy điện hạt nhân dự trữ nhiên liệu hạt nhân (có thể dự trữ nhiều năm). Do đó, theo tôi, phát triển điện hạt nhân là cần thiết cho một hệ thống điện ổn định.

Theo suy nghĩ của tôi, việc dừng điện hạt nhân năm 2016 tuy là cần thiết, nhưng ảnh hưởng khá đáng kể đến tâm lý, con người, xây dựng năng lực, đào tạo đội ngũ cán bộ trong ngành hạt nhân v.v… Việt Nam đã có nhiều kết quả trong chuẩn bị và triển khai chương trình điện hạt nhân, việc dừng lại, trước hết sẽ làm mất dần đội ngũ cán bộ và mất dần những gì chúng ta đã làm. Do đó, nếu không có chủ trương chính sách gì để quay lại chương trình điện hạt nhân, trong vài ba năm nữa, sẽ mất hết toàn bộ những gì Việt Nam đã có về điện hạt nhân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ.

Cũng như bao ngành khác, đội ngũ cán bộ là chìa khoá thành công cho chương trình điện hạt nhân. Dự án điện hạt nhân thực hiện lâu, nhiều năm, nhưng đào tạo con người làm điện hạt nhân còn cần thời gian lâu dài hơn. Do đó, cần sớm có chủ trương để bắt đầu lại, vì theo tôi, điện hạt nhân là cần thiết cho Việt Nam trong tương lai. Đó không chỉ là điện năng, mà là tiềm lực của một đất nước.

Ông có thể cho biết, nhiên liệu cho ĐHN được cung cấp như thế nào? Khi Việt Nam phát triển ĐHN, việc nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân có được cho là phụ thuộc lớn vào bên ngoài hay không?

TS. Trần Chí Thành: Nhiên liệu cho điện hạt nhân hiện nay cũng phổ biến trên thế giới. Nhiên liệu tuỳ thuộc vào loại lò. Các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga hay Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có thể chế tạo và cung cấp nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân. Nga cũng đang nghiên cứu chế tạo nhiên liệu cho lò của các nước phương Tây, và ngược lại, Mỹ cũng đã và đang chế tạo nhiên liệu cho lò VVER của Nga.

Tôi không cho rằng, nếu làm điện hạt nhân là phụ thuộc vào bên ngoài. Vì có nhiều đối tác có thể cung cấp nhiên liệu, và nó như các hàng hoá dân dụng đặc biệt khác.

Tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và kỹ thuật khi phát triển ĐHN trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng như thế nào, thưa ông?

TS. Trần Chí Thành: Như trên đã nêu, khi phát triển các dự án điện hạt nhân, một lĩnh vực đa ngành, do yêu cầu và đòi hỏi khi triển khai, nên nhiều nước đã rất thành công trong thúc đẩy và phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ, và công nghiệp nền tảng, cơ bản. Tiềm lực khoa học công nghệ, năng lực công nghiệp của các nước đó đã thực sự phát triển sau khi triển khai thành công dự án điện hạt nhân. Về pháp quy, nguồn nhân lực cũng được phát triển theo. Ví dụ điển hình là các nước châu Âu thời kỳ chiến tranh lạnh, Hàn Quốc gần đây, và Ấn Độ bây giờ.

Ấn Độ đang làm rất tốt việc thúc đẩy các ngành khoa học, ngành công nghiệp nền tảng, như cơ khí, chế tạo, vật liệu (thép và hợp kim…), hoá học, tự động điều khiển… Chính vì thế, gần đây khi chúng tôi sang Ấn Độ, họ tự hào về ngành hạt nhân, họ đã tự thiết kế, chế tạo và xây dựng vận hành nhà máy điện hạt nhân. Và họ cũng tự hào việc Ấn Độ có thể phóng vệ tinh với chi phí rẻ nhất thế giới.

Tôi nghĩ Việt Nam có thể thực hiện, thúc đẩy và “lan toả” khoa học công nghệ cơ bản, công nghiệp nền tảng từ chương trình điện hạt nhân.

Gần đây, một số nước đang phát triển mô hình ĐHN nổi trên biển. Ông đánh giá như thế nào về loại mô hình này?

TS. Trần Chí Thành: Hiện nay Nga đang vận hành nhà máy điện hạt nhân nổi (mang tên Lomonoxop). Trung Quốc đang có chương trình lớn thiết kế chế tạo khoảng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi để sử dụng trên biển. Có thể năm nay, hoặc năm sau Trung Quốc có thể đưa ra sử dụng tại các đảo ở biển.

Điện hạt nhân nổi là công nghệ mới, tiềm ẩn rủi ro liên quan đến tính kiểm chứng, an toàn, liên quan đến yếu tố thiên tai, yếu tố con người trên biển… Tuy nhiên, điện hạt nhân nổi vừa có thể phục vụ dân dụng và quốc phòng, hay gây ảnh hưởng địa chính trị, tuỳ vào mục đích của mỗi nước.

Vâng, xin cảm ơn ông!

[1] TS. Trần Chí Thành sinh ngày 15/8/1965 tại xã Đức Giang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1983 đến năm 1989 ông theo học và tốt nghiệp kỹ sư ngành Điện hạt nhân tại Trường Đại học Năng lượng Maxcơva, Liên Xô (trước đây). Sau khi tốt nghiệp đại học, ông về Việt Nam làm cán bộ nghiên cứu và sau đó là Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Nhiệt điện, Điện hạt nhân và Môi trường – Viện Năng lượng.

Từ năm 2006 – 2009, ông giành được học bổng nghiên cứu sinh chuyên ngành An toàn Điện hạt nhân tại Đại học Công nghệ Hoàng gia (Thụy Điển). Sau đó, chính luận án Tiến sỹ “Mô hình đối lưu hiệu quả dùng để mô phỏng và phân tích quá trình truyền nhiệt của bể nhiên vật liệu nóng chảy ở đáy thùng áp lực lò nước nhẹ” của ông được trao Giải thưởng Sigvard Eklund (Thụy Điển) vào năm 2011 dành cho Luận án Tiến sỹ xuất sắc nhất giữa các trường đại học của Thụy Điển liên quan đến công nghệ hạt nhân.

Trong những năm từ 2009 – 2011, TS. Trần Chí Thành đã cùng các cộng sự tham gia lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, đồng thời là cộng tác viên khoa học của khoa An toàn Điện Hạt nhân – Đại học Công nghệ Hoàng Gia (Thụy Điển) trong nghiên cứu liên quan đến phân tích an toàn lò nước sôi.

Từ năm 2012 đến nay, TS. Trần Chí Thành là Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam – Bộ KH&CN./.

Theo Năng lượng Việt Nam

https://petrotimes.vn/dieu-kien-can-va-du-de-viet-nam-tai-khoi-dong-chuong-trinh-dien-hat-nhan-578192.html

Lĩnh vực năng lượng tái tạo châu Á – Thái Bình Dương có thể thu hút 1.000 tỷ USD đầu tư trong thập kỷ tới

Theo báo cáo mới nhất của hãng phân tích thị trường Wood Mackenzie, năng lượng mặt trời và năng lượng gió khu vực châu Á – Thái Bình Dương có cơ hội thu hút 1.000 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 khi nhiều nước trong khu vực chuyển dần khỏi sản xuất nhiên liệu hóa thạch sang sản xuất năng lượng sạch, ít phát thải ra môi trường.

Theo báo cáo, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời trong cơ cấu các nguồn điện năng tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng gấp 2 lần lên 17% vào năm 2030, trong đó hơn 51/81 quốc gia ghi nhận tỷ trọng này đạt trên 10%. Khí đốt và năng lượng phân tán sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp linh hoạt năng lượng cho các hệ thống điện lưới ở khu vực với khả năng thu hút đầu tư 500 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Báo cáo của Wood Mackenzie cũng cho biết, đầu tư vào than đá sẽ giảm từ mức đỉnh 57 tỷ USD (năm 2013) xuống còn 18 tỷ USD vào năm 2030. An ninh năng lượng và giá thành rẻ của nhiên liệu than vốn là động lực chính thúc đẩy đầu tư năng lượng ở châu Á. Tuy nhiên, tâm lý đầu tư vào nguồn nhiên liệu phát thải carbon cao đang suy yếu trước những mục tiêu kinh tế xanh và bền vững hơn.

Cũng theo Wood Mackenzie, đại dịch Covid-19 sẽ khiến tăng trưởng công suất điện tái tạo chậm lại trong vòng 5 năm tới. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ bổ sung hơn 170 GW công suất điện mới mỗi năm trong vòng 10 năm tới. Khả năng lưu trữ năng lượng cũng được dự báo tăng gấp 2 lần do công suất lưu trữ điện năng bằng hệ thống pin điện đang phát triển mạnh.

Viễn Đông
https://petrotimes.vn/linh-vuc-nang-luong-tai-tao-chau-a-thai-binh-duong-co-the-thu-hut-1000-ty-usd-dau-tu-trong-thap-ky-toi-578092.html