Chính thức ban hành tiêu chuẩn chất lượng mạng 5G tại Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Bộ chỉ tiêu chất lượng mạng 5G tại Việt Nam. Đây sẽ là căn cứ để hướng dẫn cơ quan, tổ chức xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, thiết lập mạng và đánh giá chất lượng dịch vụ trên mạng 5G.

Cụ thể, bộ chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ mạng 5G đặt ra yêu cầu, tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng xuống: ≥ 100 Mbit/s; Tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng lên: ≥ 50 Mbit/s; 95% số mẫu tải hướng xuống: ≥ 30 Mbit/s. Thời gian trễ truy nhập (khoảng thời gian (ms) từ lúc gửi gói tin tới khi đích xác nhận đã nhận được gói tin) trung bình: <= 50 ms.

Theo kế hoạch, mạng 5G sẽ được thương mại hóa tại Việt Nam trong năm nay và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới triển khai 5G. Hiện 3 nhà mạng là: Viettel, VinaPhone và MobiFone đã thử nghiệm thành công tại một số thành phố lớn trên cả nước. Bên cạnh đó, Vinsmart cũng đã công bố mẫu điện thoại 5G đầu tiên tại Việt Nam. Đây là tiền đề để thương mại hóa mạng 5G.

Được biết, so với mạng 4G, mạng 5G cho tốc độ nhanh hơn, băng thông lớn hơn và “độ trễ” thấp hơn. Nhưng những ưu điểm đó đòi hỏi phải xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng mới và đầu tư hàng tỷ đô la hàng năm.

Xét về mặt tốc độ, một trong những yếu tố được mong đợi nhất của mạng 5G. 5G dự kiến sẽ cho tốc độ nhanh hơn gần 100 lần so với 4G. Với tốc độ như vậy, người dùng có thể tải xuống một bộ phim dài 2 giờ trong chưa đầy 10 giây, trong khi đó với mạng 4G người dùng sẽ mất khoảng 7 phút.

Tốc độ cao sẽ mang lại cho người dùng trải nghiệm nhiều ứng dụng tiện ích hơn như xem trực tuyến phim, tải xuống và cài đặt các ứng dụng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất thì với tốc độ cao của mạng 5G, sẽ cho phép lắp đặt máy quay video trong toàn bộ nhà máy qua đó rất nhanh chóng thu thập và phân tích số lượng lớn cảnh quay để theo dõi chất lượng sản phẩm trong thời gian thực.

Hầu hết các mạng 5G được triển khai trên băng tần số cao nên sẽ cho tốc độ cao hơn và có thể truyền nhiều dữ liệu hơn so với mạng 4G. Nhưng ngược lại, với băng tần số cao này thì tín hiệu không thể truyền đi xa và khó để đi xuyên qua tường, cửa sổ, cột đèn và các bề mặt cứng khác. Điều đó không thuận tiện lắm khi chúng ta muốn những chiếc máy tính nhỏ bé mang theo khắp mọi nơi tiếp tục hoạt động khi chúng ta bước ra khỏi ga tàu điện ngầm, xuống phố và vào văn phòng.

Ảnh minh họa

Để bù đắp cho những thách thức đó, các nhà mạng vô tuyến xây dựng mạng 5G ở băng tần cao đang lắp đặt hàng loạt trạm phát sóng nhỏ (small cell) với kích thước chỉ bằng hộp bánh pizza trên các cột đèn, tường hoặc tháp. Vì lý do đó, hầu hết các nhà mạng đang triển khai 5G theo từng thành phố, để đảm bảo cho mạng hoạt động, các thành phố phải được lắp đặt rất nhiều các small cell. Trong các tòa nhà cũng cần được lắp đặt các small cell 5G riêng để đảm bảo phủ sóng cho toàn bộ tòa nhà đó.

Xét về mặt dung lượng, 5G dự kiến sẽ có dung lượng lớn hơn đáng kể so với 4G. Điều đó có nghĩa không chỉ có kết nối tốt hơn cho điện thoại của mọi người mà còn cho phép kết nối rất nhiều thiết bị với mạng. Các chuyên gia so sánh mạng 5G với đường cao tốc với nhiều làn đường hơn, cho phép nhiều xe lưu hành trên đó. Nó cho phép tăng băng thông của mạng để đáp ứng kỷ nguyên “internet vạn vật”.

Về độ trễ, tức là khoảng thời gian khi người dùng gửi tin nhắn đến điện thoại của một người bạn và khi điện thoại của họ xác nhận đã nhận được tin nhắn đó. Mặc dù độ trễ được đo bằng mili giây, nhưng tất cả các mili giây đó cộng lại khi gửi và nhận các gói thông tin khổng lồ cho một thứ phức tạp như video hoặc dữ liệu xe tự lái thì tạo ra một thời gian trễ khá lớn.

Với mạng 4G, độ trễ rất thấp nhưng mạng 5G sẽ có độ trễ gần như bằng 0. Điều đó sẽ tốt cho những cải tiến mới như chơi game thời gian thực từ xa, giúp mọi người ở nhiều nơi trên thế giới sử dụng các thiết bị kết nối internet vô tuyến chơi một trò chơi và tất cả đều chơi cùng một thời điểm.

Nó sẽ rất cần thiết cho các công nghệ khác, chẳng hạn như xe tự lái, sẽ cần gửi tín hiệu về môi trường của chúng qua internet đến một máy tính trên đám mây, để máy tính phân tích tình huống và trả lại tín hiệu cho xe biết trả lời. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tự lái và hành khách của họ, việc liên lạc đó cần phải được thực hiện ngay lập tức.

Bảo Linh
http://vietq.vn/chinh-thuc-ban-hanh-tieu-chuan-chat-luong-mang-5g-tai-viet-nam-d178323.html

Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện Mặt Trời vận hành với tổng công suất hơn 5.000 MWp. Các ưu đãi về giá bán điện, thuế… là động lực chính thu hút lượng lớn nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là sau nhiều năm sử dụng, liệu những tấm pin Mặt Trời sẽ được xử lý như thế nào, có ảnh hưởng tới môi trường hay không.

Cuộc đua vào điện Mặt Trời

Chỉ 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ trong đầu tư các dự án điện Mặt Trời. Đây là lĩnh vực nóng với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, như: Trung Nam (điện Mặt Trời Trung Nam tại Ninh Thuận 204 MWp và điện Mặt Trời Trung Nam Trà Vinh 140 MWp; BIM Energy với 330 MWp hay Trường Thành Việt Nam…).

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo-Bộ Công Thương cho hay có thể nói, các cơ chế khuyến khích của Chính phủ trong thời gian qua về điện gió, điện Mặt Trời, rác thải đã thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực này. Không chỉ các nhà đầu tư trong nước quan tâm, mà nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy, bởi giá điện rất hấp dẫn, giúp nhà đầu tư sinh lời.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, thời gian qua, cũng phải kể đến việc thẩm định, cải cách thủ tục, quy hoạch đã được Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan thực hiện thông thoáng hơn, nhanh hơn, giúp các chủ đầu tư tham gia mạnh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, ông Dũng cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo BIM Energy – thành viên Tập đoàn BIM Group, những định hướng, chính sách Nhà nước hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua như Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam rất là tốt. Trong những năm qua, chính sách này đã mang đến sự đột phá cho ngành năng lượng trong nước.

Thời điểm hiện tại, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi đó cùng với Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở cho doanh nghiệp phát triển. Những chính sách tiếp theo sẽ gần với thực tiễn hơn, có thể thay đổi để phù hợp với tình hình hiện tại.

“Với nhà đầu tư, có lợi nhuận hấp dẫn cùng cơ chế thuận lợi, ổn định, chúng tôi sẽ tích cực tham gia. Hiện nay, giá bán điện từ các dự án điện sạch là đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư điện sạch, yếu tố giá chỉ là một phần, còn rất nhiều yếu tố liên quan đến tiềm năng khu vực, thuế, phí… Do vậy, điều quan trọng hơn là một chính sách ổn định, định hướng rõ ràng và phù hợp thực tế để dựa trên cơ sở đấy có những đối sách, chương trình chiến lược phù hợp. Chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành công trình đúng hạn, đảm bảo chất lượng và đóng góp vào phát triển chung của đất nước,” ông Vinh nói.

ới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại – COD” cho các dự án điện tái tạo, trong đó quy định rõ các trình tự, thủ tục, các bước triển khai, trách nhiệm từng đơn vị trong việc đăng ký thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho các nhà máy điện Mặt Trời.

Nhờ đó, các chủ đầu tư có thể chủ động triển khai dự án, kịp vận hành thương mại trước 31/12/2020, để hưởng mức giá mua ưu đãi của Chính phủ.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ nay đến cuối năm 2020 còn khoảng 36 nhà máy sẽ đóng điện và vận hành thương mại.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết để tiếp tục thu hút mọi thành phần kinh tế vào các dự án điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo, cần các cơ chế chính sách thông thoáng hơn.

Bộ Công Thương cũng đang tham mưu, trình Chính phủ cơ chế đặc thù cho phát triển các dự án điện, nguồn điện giúp cho quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, thực hiện dự án thuận lợi hơn.

Không quên môi trường

Theo thông tin của Trung Nam Group, dự án điện Mặt Trời Trung Nam-Trà Vinh công suất 140 MWp sẽ sử dụng hơn 440.000 tấm pin, dự án điện Mặt Trời Trung Nam tại Ninh Thuận 204 MWp sẽ sử dụng hơn 700.000 tấm pin…

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều dự án điện Mặt Trời sẽ tiếp tục được đầu tư trong thời gian tới. Đầu tư điện Mặt Trời có lợi thế nhanh, hưởng nhiều ưu đãi… nhưng với sự tham gia ồ ạt của các dự án điện Mặt Trời, sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu tấm pin được lắp đặt khắp cả nước.

Điện Mặt Trời được coi là nguồn điện sạch khi sử dụng năng lượng từ Mặt Trời để chuyển hóa thành điện năng, thay vì sử dụng các nguồn nhiên liệu truyền thống như đốt than, dầu, khí và không có phát thải ra môi trường.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Hoàng Lương, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, để sản xuất ra được những tấm pin ấy, phải cần nhiều nguồn nguyên vật liệu. Trong quá trình sản xuất, nguyên vật liệu đó sẽ tác động đến môi trường. Đó là chưa kể đến việc xử lý sau khi thu hồi các tấm pin năng lượng Mặt Trời hết thời gian sử dụng.

 


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Do đó, Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành nên đặc biệt quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm từ các công trình nghiên cứu trên thế giới về vấn đề này.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xanh GreenID cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể tái chế những tấm pin nhưng chưa chủ động làm hoặc không có khả năng. Chúng ta sẽ làm được khi có các nghiên cứu đầy đủ.

Còn theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thời gian sử dụng các tấm pin năng lượng Mặt Trời là khá dài, khoảng 20-25 năm. Do đó, thời gian tới, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn. Nhưng trước mắt, phải tính tới việc bảo trì, bảo dưỡng các sản phẩm này để nâng cao tuổi thọ những tấm pin năng lượng Mặt Trời hiện hữu.

“Khi thay mới, những tấm pin cũ sẽ được tái tạo để sản xuất ra những tấm pin mới và có thể yên tâm về công nghệ pin Mặt Trời ngày nay,” ông Ngãi nói.

Đại diện doanh nghiệp điện Mặt Trời, ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch Công ty Mặt Trời đỏ cho rằng pin Mặt Trời nếu xử lý tốt sẽ không đáng lo ngại. “Pin này đều có thể tái chế từ silicon, pin, kính… Vấn đề là các doanh nghiệp phải có nguồn kinh phí dự trữ để tái chế, không để hình thành bãi thải khổng lồ, tạo gánh nặng cho xã hội,” ông Cánh khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng mặt công nghệ xử lý tấm pin Mặt Trời sau khi sử dụng đã có, tuy nhiên chi phí khá cao. Với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời gian tới, chi phí xử lý các tấm pin sẽ ngày càng giảm và phù hợp với chi phí mà các nhà đầu tư bỏ ra đầu tư các dự án điện Mặt Trời.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, hiện nay, theo quy định của Bộ Công Thương tại Thông tư số 18/2020/TT-BCT về quy định phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện Mặt Trời, Bộ Công Thương đã quy định rất rõ các chủ đầu tư phải có trách nhiệm thu gom, xử lý các tấm pin Mặt Trời, chất thải phát sinh sau quá trình sử dụng và khai thác. Vì vậy, vấn đề này sẽ được thực hiện nghiêm, đảm bảo quy định của pháp luật về môi trường./.

Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/xu-ly-nhung-tam-pin-mat-troi-da-het-han-su-dung-nhu-the-nao/661940.vnp

Công suất điện mặt trời toàn cầu tăng hơn 14 lần trong vòng 1 thập kỷ

BloombergNEF (BNEF) vừa công bố báo cáo xu hướng chuyển đổi điện năng 2020, bao gồm các dữ liệu chi tiết về công suất và sản lượng điện trong 1 thập kỷ qua.

Trong năm 2019, điện mặt trời lập kỷ lục về tốc độ phát triển công nghệ mới với tổng công suất lắp đặt đạt 118 GW tại hơn 1/3 số quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguồn điện mặt trời đã được bổ sung cho lưới điện ở hàng chục quốc gia tại khắp các châu lục. Theo báo cáo của BNEF, trong năm 2019, năng lượng mặt trời chiếm gần 50% tổng công suất phát điện mới được lắp đặt trên toàn cầu. Năm 2019 cũng ghi nhận có 81 quốc gia lắp đặt trên 1 MW công suất điện mặt trời.

Báo cáo của BNEF cũng nhấn mạnh những bước tiến to lớn mà năng lượng mặt trời đã đạt được trong 1 thập kỷ qua. Công suất lắp đặt điện mặt trời đã tăng từ 43,7 GW (2010) lên 651 GW (2019). Trong năm 2019, năng lượng mặt trời cũng đã vượt qua năng lượng gió (tổng công suất lắp đặt đạt 644 GW) để trở thành nguồn cung điện năng lớn thứ tư, sau than (2.089 GW), khí đốt (1.812 GW) và thủy điện (1.160 GW). Đồng thời, hai nguồn năng lượng gió và mặt trời chiếm hơn 2/3 tổng công suất lắp đặt mới trên toàn thế giới.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cong-suat-dien-mat-troi-toan-cau-tang-hon-14-lan-trong-vong-1-thap-ky-577492.html

Khơi thông tài chính cho điện mặt trời mái nhà

Hiện nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự sẵn sàng sử dụng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, đặc biệt vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ liên quan đến chính sách, tài chính nhằm thúc đẩy phát triển ĐMTMN.

Để hiểu hơn về những nút thắt liên quan đến chính sách, tài chính và các giải pháp tháo gỡ cho ĐMTMN phát triển trong thời gian tới, phóng viên Petrotimes ghi lại những chia sẻ của các chuyên gia về vấn đề này tại Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020 do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức mới đây.


Tiềm năng phát triển ĐMTMN rất lớn

Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tiềm năng cho cả thị trường bán buôn và bán lẻ của ngân hàng

ĐMTMN tại Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng. Tiềm năng thứ nhất là hiện kinh phí lắp ĐMTMN từ khoảng 15 đến 20 triệu đồng. Đến nay đã có các ngân hàng như HDBank, TPBank có các gói tài chính cho vay hỗ trợ các dự án ĐMTMN. Với gói 11.000 tỷ đồng của TPBank, mỗi hộ được hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng thì sẽ rất nhiều hộ lắp đặt được ĐMTMN. Có thể nói, ĐMTMN tiềm năng cho cả thị trường bán buôn và bán lẻ của ngân hàng.

Tiềm năng thứ hai, là giá của các tấm pin mặt trời đang giảm dần, với một hệ thống điện mặt trời có công suất 1MW tốn khoảng 11 tỷ đồng. Như vậy, giá đầu tư không quá cao. Tiềm năng thứ 3, là mỗi người dân đều có sẵn mái nhà để có thể lắp đặt ĐMTMN. Tiềm năng thứ 4, là giá mua điện. Nếu có mức giá Fit ổn định trong nhiều năm thì tôi tin chắc rằng điện gió, điện mặt trời cực kỳ phát triển tại Việt Nam. Vừa rồi có 82 nhà máy điện mặt trời được lắp đặt cùng lúc ở phía Nam khi có giá khuyến khích, việc này rất đúng với tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị là phải sử dụng chính sách giá, chính sách thuế, chính sách tín dụng một cách linh hoạt để thúc đẩy điện mặt trời.


Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tất nhiên cũng có những mặt rủi ro. Các ngân hàng thương mại khi cho vay thì cũng phải nhìn được khả năng thu hồi nợ, thấy được hướng dòng tiền quay trở về. Chính vì vậy, rủi ro lớn nhất là giá Fit. Ngành điện sẽ mua điện như thế nào, có ổn định hay không? Có đảm bảo hay không? Có duy trì được lợi ích khuyến khích cho người dân đầu tư hay không? Tuy nhiên, nếu khoảng 10 triệu hộ dân đầu tư điện áp mái thì phân tán rủi ro rất tốt bởi quy mô đầu tư mỗi hộ chỉ khoảng 20-30 triệu đồng và cho vay trong 10 năm thì mỗi năm trả nợ khoảng 3 triệu đồng cộng với mức lãi không đáng kể là bao nhiêu.

Như vậy có thể thấy, giá Fit rất quan trọng còn cơ chế mua hết bán hết hay mua theo bù trừ thì các bên có thể đưa ra và phân tích về mặt khoa học để làm sao khuyến khích người dân tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần có các tiêu chuẩn về kỹ thuật và hướng dẫn, quy trình vận hành điện áp mái như thế nào để người dân thấy việc này rất bình thường và không có gì khó khăn.

Một rủi ro nữa là về mặt tỷ giá. Kể cả người dân hay doanh nghiệp thì câu chuyện về tỷ giá Đồng Việt Nam tăng là bình thường và tăng theo chiều hướng ổn định thì cũng không có vấn đề gì lớn. Với doanh nghiệp đầu tư lớn vào ngành ĐMTMN thì phải sử đụng đến các bài toán, các công thức, sản phẩm phái sinh để hạn chế rủi ro. Nhà đầu tư phải tính đến rủi ro. Đó là về mặt tác nghiệp tài chính các nhà đầu tư phải làm.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID): Cần có giải pháp thu xếp tài chính, hỗ trợ cho hộ gia đình có thu nhập thấp


Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID)

Thực tế hiện nay người dân và nhà đầu tư chưa thực sự vào cuộc đầu tư cho ĐMTMN, bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn trong khi đó nhiều vấn đề liên quan đến chính sách, tài chính cần được tháo gỡ.

Về chi phí, giá thiết bị ĐMTMN trong 2 năm gần đây đã giảm đáng kể. Dù vậy, với vật tư thiết bị chất lượng cao, 1kWp công suất của hệ thống ĐMTMN có thể phải đầu tư 15-20 triệu đồng. Vẫn còn cao so với thu nhập bình quân của người Việt Nam, đặc biệt là với hộ gia đình đang có thu nhập thấp đến trung bình. Như vậy cũng đòi hỏi giải pháp thu xếp tài chính, hỗ trợ cho hộ gia đình có thu nhập thấp và muốn sử dụng năng lượng xanh để được đầu tư. Bên cạnh đó, quy định thế nào là “áp mái” lại chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều nhà đầu tư dùng các hình thức “núp bóng” điện mặt trời mái nhà gây nhiều vướng mắc. Đã có nhiều tranh chấp, kiến nghị về quy chế hòa lưới, thủ tục giấy tờ, quy trình hoàn thiện hồ sơ hòa lưới ĐMTMN.

Ông Hoàng Mạnh Tân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà: Liên kết với một số ngân hàng để khơi thông vốn


Ông Hoàng Mạnh Tân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà

Tiềm năng điện mặt trời mái nhà là vô cùng lớn để phát triển kinh tế xã hội trong khi giá điện ngày càng tăng, nhất là điện lũy tiến, lắp điện mặt trời để cắt được số điện lũy tiến giá cao cũng là một cách người dân đang tận dụng. Tuy nhiên, đây là nguồn năng lượng mới nên đòi hỏi chi phí phải cao hơn. Để khơi thông tài chính cho ĐMTMN cần có sự liên kết với một số ngân hàng và có những chương trình dành riêng cho phát triển năng lượng mặt trời, qua đó tư vấn cho người dân phát triển điện mặt trời trên từng mái nhà.

Để điện mặt trời áp mái tăng trưởng tốt trong thời gian tới cần phải có cơ chế giá riêng cũng như có chính sách để cổ vũ việc sử dụng năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, có chính sách phân loại công trình để xác định công trình sử dụng năng lượng tái tạo. Đối với các hộ gia đình, nếu như chương trình “gia đình văn hoá” tạo nên niềm tự hào cho mỗi hộ dân, thì tại sao không đưa thêm các yếu tố về năng lượng tái tạo, sử dụng điện mặt trời áp mái để dần phổ cập rộng rãi hơn. Việc sử dụng năng lượng tái tạo biến thành niềm tự hào đối với mỗi người.

Minh Lê – Xuân Hinh

https://petrotimes.vn/khoi-thong-tai-chinh-cho-dien-mat-troi-mai-nha-577431.html