Pin năng lượng mặt trời có thể lưu trữ cả điện và nhiệt

Đây là kết quả của dự án PV-Adapt, do công ty SINTEF có trụ sở đặt tại thành phố Trondheim, Na Uy, nghiên cứu thực hiện.

Thông thường, các tấm pin mặt trời sẽ lưu trữ năng lượng để sau đó chuyển hóa thành điện năng. Nhưng các tấm pin PV-Adapt lưu trữ được cả nhiệt, do đó con người có thể sử dụng song song cả năng lượng lẫn nguồn nhiệt này. Với một hệ thống ống tích hợp hoạt động như bộ trao đổi nhiệt, nguồn nhiệt sẽ có thể làm nóng nước, phục vụ cho nhu cầu của con người.

Nhà nghiên cứu Martin Bellmann giới thiệu tấm pin mặt trời PV-Adapt. Nguồn ảnh: SINTEF.

Giám đốc dự án, nhà nghiên cứu Martin Bellmann cho biết, các tấm pin mặt trời thường nóng ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài không quá cao. Theo thử nghiệm của SINTEF, vào một ngày trời đẹp, ít nắng, các tấm pin có thể nóng tới 60 độ C. Điều này khiến sản lượng năng lượng giảm từ 12-16%. Nhưng, các tấm pin PV-Adapt được gắn một hệ thống tự làm mát có thể làm tăng đáng kể sản lượng năng lượng thu được và lưu trữ.

Dự án PV-Adapt nằm trong chương trình Horizon (Chương trình về nghiên cứu và đổi mới, sáng tạo) của EU, được triển khai từ cuối năm 2018 và nhận được khoảng 10 triệu USD tài trợ.

Theo Hồng Minh/tietkiemnangluong.vn (20/03/2019)

Tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả trong nước bằng ánh sáng

Nguồn nước mà chúng ta uống và sinh hoạt hàng ngày là sự kết hợp của nhiều hợp chất và có nhiều phương pháp để lọc nước. Tuy nhiên, không phải phương pháp nào cũng đem lại hiệu quả với nhiều loại nước và tạp chất được lấy từ nhiều nguồn khác nhau.

Mới đây, các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu công nghệ thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc và Đại học Dương Châu đã phát minh ra chất xúc tác mới hiệu quả và không làm từ kim loại.

Sử dụng ánh sáng để làm sạch nước là phương pháp an toàn với môi trường.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các tấm graphitic carbon nitride, một vật liệu hai chiều siêu mỏng với các tính năng điện từ phù hợp để hấp thụ ánh sáng và giải phóng ra các chất hóa học có gốc ôxy. Kết cấu này tạo điều kiện cho phản ứng sản sinh ra nhiều hydrogen peroxide (ôxy già), giúp tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả. Kết quả cho thấy, với chất xúc tác này, nước mang nhiều mầm bệnh có thể được làm sạch nhanh chóng trong 30 phút và khử trùng hiệu quả đến 99% sau khi được chiếu sáng. Vật liệu này cũng không để lại cặn kim loại nặng hay gây ô nhiễm môi trường.

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển vật liệu này trước khi đưa ra sử dụng cho mục đích thương mại.

Theo Phương Linh/tapchimoitruong.vn

Phát minh ra cách tạo nhiên liệu hydro từ nước biển

Các nhà khoa học tại Đại học Stanford đã phát minh ra cách tạo nhiên liệu hydro từ nước biển khi sử dụng năng lượng mặt trời, mở ra khả năng tạo năng lượng sạch không thải khí CO2.

Các nhà khoa học tại Đại học Stanford đã phát minh ra cách tạo nhiên liệu hydro từ nước biển khi sử dụng năng lượng mặt trời, mở ra khả năng tạo năng lượng sạch không thải khí CO2.

Nghiên cứu trên được công bố ngày 18/3 trong tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences, mô tả phương pháp chống bào mòn khi tách nhiên liệu hydro và khí oxy với điện.

Nhiên liệu hydro đang được thế giới đầu tư nghiên cứu nhằm phục vụ các dự án trong tương lai. (Nguồn: HydroWorld)

Các biện pháp phân tách nước hiện nay sử dụng nước đã được thanh lọc vì chất clo trong muối nước biển (được tích điện âm) có thể ăn mòn cực dương, dẫn tới làm giảm tuổi thọ của hệ thống phân tách.

Theo các nhà nghiên cứu, khi tách hydro và oxy từ nước, khí hydro bay ra theo cực âm và khí oxy thoát ra theo cực dương.

Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Dai Hongjie đứng đầu đã phát hiện rằng nếu phủ cực dương bằng những lớp kim loại được tích nhiều điện âm, chính các tấm này sẽ đẩy clo ra và làm chậm quá trình ăn mòn kim loại bên trong đã được che phủ.

Nếu không có vỏ bọc đã tích điện âm, cực dương chỉ có thể làm việc trong khoảng 12 giờ trong môi trường nước biển mặn, nhưng với lớp bọc này, cực dương có thể hoạt động tốt trong hàng nghìn giờ.

Phòng thí nghiệm của nhà khoa học Dai Hongjie có thể tạo ra gấp 10 lần lượng điện thông qua thiết bị đa tầng của mình, giúp tạo hydro từ nước biển nhanh hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, trong tương lai, công nghệ này cũng có thể được sử dụng để tạo khí oxy có thể thở được từ đại dương.

Theo TTXVN/Vietnam+ (21/3/2019)

Phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Chương trình triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chương trình được ban hành thể hiện sự cam kết của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tiết kiệm năng lượng nói riêng, về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nói chung.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 được thực hiện thành 2 giai đoạn từ 2019 – 2025 và 2026 – 2030 với các nhiệm vụ chủ yếu: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ); Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về SDNL TK&HQ đối với các hoạt động như sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất,…; Xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và SDNL TK&HQ; Tăng cường năng lực về SDNL TK&HQ; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về SDNL TK&HQ.

Chương trình cũng tập trung truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về SDNL TK&HQ; Tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực SDNL TK&HQ; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về SDNL TK&HQ và Thành lập Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ.

Chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 – 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8 – 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.

Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019 – 2030 được triển khai trên phạm vi cả nước và áp dụng với mọi đối tượng bao gồm các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động sử dụng và quản lý năng lượng tại Việt Nam. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách Trung ương khoảng 600 tỷ đồng; nguồn viện trợ không hoàn lại khoảng 1.600 tỷ đồng; vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi khoảng 2.200 tỷ đồng.

Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019 – 2030 được xây dựng dựa trên sự kế thừa và phát huy những kết quả tích cực và khắc phục những hạn chế của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả các giai đoạn trước, phối hợp và lồng ghép với các Chương trình khác đang được triển khai thực hiện.

Theo Scp/Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (19/3/2019) 

VNCPC tham gia chuỗi hội thảo Công bố kết quả hỗ trợ kỹ thuật về KCNST

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng Ban quản lý các Khu công nghiệp thuộc thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Ninh Bình tổ chức chuỗi hội thảo Công bố kết quả hỗ trợ kỹ thuật về Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) cho doanh nghiệp và cộng đồng, tại mỗi tỉnh, thành phố.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ban, ngành và các doanh nghiệp tham gia dự án tại 3 địa phương. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Triển khai sáng kiến Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”. Tại hội thảo, VNCPC đại diện đơn vị tư vấn đã báo cáo các kết quả hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dự án sau gần 4 năm thực hiện.

Đại diện Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) báo cáo các kết quả hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dự án sau gần 4 năm thực hiện.

Theo đó, dự án đã đạt được kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức về KCNST, thúc đẩy các doanh nghiệp trong các KCN đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp sử dụng Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đặc biệt là vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả hơn… Trên cơ sở các kết quả tích cực của sáng kiến KCNST, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, ngày 22/5/2018 quy định về quản lý KCN và KKT, trong đó nêu rõ khái niệm, tiêu chí KCNST và phân công trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc hướng dẫn phát triển KCNST.

Đại diện của Ban quản lý KCN đã đánh giá cao những hỗ trợ của dự án.

Đại diện của Ban quản lý KCN đã đánh giá cao những hỗ trợ của dự án và khẳng định những giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) đã được hầu hết các doanh nghiệp thực hiện, mang lại nhiều lợi ích về sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên (điện, nước, nhiên liệu, nguyên liệu, hóa chất), giúp tăng lợi ích kinh tế và giảm phát thải ra môi trường, cũng như cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân.

Cụ thể, tại Ninh Bình, trong số 15 doanh nghiệp tham gia dự án, có 13 doanh nghiệp đã áp dụng và duy trì 185 trên tổng số 213 giải pháp RECP (chiếm 86,9%). Trong đó, các giải pháp liên quan đến tiết kiệm điện chiếm tới 50,2%, tiếp đó là các giải pháp về tiết kiệm nước, nhiên liệu, nguyên liệu, hóa chất, giảm thiểu tác động môi trường.

Chuỗi hội thảo đã thu hút được sự tham gia của BQL các khu công nghiệp và đông đảo các doanh nghiệp.

Kể từ cuối năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp tại Ninh Bình đã đầu tư thêm 5,56 tỷ đồng cho các giải pháp RECP, từ đó, giúp tiết kiệm khoảng 5.400 MWh điện; 11.715 m3 nước; 42 tấn LPG và 3.982 tấn than và 507 tấn củi, với tổng lợi ích về kinh tế khoảng 25 tỷ đồng…

Tại Đà Nẵng, 15 doanh nghiệp trong tổng số 25 doanh nghiệp tham gia dự án đã duy trì thực hiện 182 trên tổng số 208 các giải pháp RECP. Tính từ cuối năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư thêm 15,5 tỷ đồng cho các giải pháp RECP và đã tiết kiệm khoảng 4.555 MWh điện; 188.800 m3 nước; 2.108 tấn hóa chất; 3 tấn LPG và 1.288 tấn củi, với tổng lợi ích về kinh tế khoảng 13,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn giảm đáng kể lượng nước thải, CO2, chất thải rắn và các hợp chất phát thải nguy hiểm vào môi trường…

Tương tự, tại Cần Thơ, 26 doanh nghiệp đã đầu tư thêm số vốn là 17 tỷ đồng cho việc thực hiện và duy trì các giải pháp RECP từ cuối năm 2017 đến nay và lợi ích kinh tế thu về là khoảng 33,5 tỷ đồng, nhờ việc tiết kiệm đáng kể điện, nước, cũng như giảm phát thải…

VNCPC

WWF cảnh báo nguy cơ gia tăng rác thải nhựa vào năm 2030

Mới đây, Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã đưa ra Báo cáo về vấn đề rác thải nhựa, trong đó cảnh báo, đến năm 2030, sẽ có thêm 104 triệu tấn rác thải nhựa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, nếu như không có giải pháp hiệu quả. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia thải ra biển lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới.

Theo WWF, lượng rác thải nhựa hiện đang hủy hoại môi trường, tàn phá hệ sinh thái và các loài động, thực vật thủy sinh. Báo cáo cho biết, có hơn 270 loài bị tổn thương do vướng phải rác thải nhựa và 240 loài được ghi nhận là nuốt phải rác nhựa, nhất là các mẩu vụn. Đồng thời, Báo cáo cũng chỉ rõ, lượng rác thải ngày càng tăng, trong khi công tác quản lý rác thải chưa hiệu quả, càng làm gia tăng lượng phát thải khí ra môi trường. Dự đoán, đến năm 2030, tổng lượng phát thải khí CO2 theo vòng đời của nhựa sẽ tăng 50% và lượng khí CO2 thải ra cũng tăng gấp 3 lần do việc đốt rác thải.

Rác thải nhựa hiện đang hủy hoại môi trường, tàn phá hệ sinh thái và các loài động, thực vật thủy sinh.

Ngoài ra, Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hiện nay, trách nhiệm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa chủ yếu thuộc về người tiêu dùng và cơ quan quản lý rác thải, những nỗ lực này sẽ không hiệu quả trừ phi tất cả các bên liên quan đến hoạt động quản lý, sản xuất và thải bỏ các sản phẩm nhựa cùng hành động.

Tại cuộc họp UNEA, WWF sẽ kêu gọi các quốc gia đàm phán về một hiệp định quốc tế có tính pháp lý về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Hiệp định này cần xác định các mục tiêu quốc gia và có một hệ thống báo cáo minh bạch để các doanh nghiệp có thể áp dụng. Thêm vào đó, hiệp định cần có quy định về hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đối với các quốc gia có thu nhập thấp.

Phương Tâm/tapchimoitruong.vn