Sản xuất sạch hơn: Thay đổi nhỏ, tiết kiệm lớn

Chỉ cần những thay đổi nhỏ trong việc bảo quản, sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng… theo ý kiến tư vấn của các chuyên gia về sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp sẽ có được những khoản tiết kiệm lớn.

Đó là những lợi ích dễ dàng nhận thấy khi các doanh nghiệp tham gia vào dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững”.

Mục tiêu của dự án là: Tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Một doanh nghiệp sản xuất vật liệu từ tại Ninh Bình là minh chứng rất rõ nét cho hiệu quả của việc triển khai sản xuất sạch hơn. Hiện sản phẩm chính của công ty là bột từ và nam châm định hình (nam châm chưa có từ tính).

Lãng phí lớn chỉ từ những sơ suất nhỏ

Tháng 12 vừa qua, thực hiện khảo sát toàn bộ quy trình sản xuất, chuyên gia của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC) cùng với nhóm cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp đã nhận thấy rằng nguyên liệu chính đang được doanh nghiệp sử dụng là mạt sắt, dù được đóng trong bao tải, lưu giữ trong kho, song không được xếp lên giá kệ nên dễ bị hút ẩm từ mặt đất, dẫn đến tốn thời gian phơi sấy và ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tỷ lệ sản phẩm phải làm lại tương đối cao, khoảng 20-50%.

Nguyên liệu sản xuất không được bảo quản tốt cũng là nguyên nhân gây ra lãng phí lớn.

Đối với nhiên liệu là than dùng cho lò nung sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối, hiện công ty đang có mức tiêu thụ khoảng 1.000 tấn/năm. Tuy nhiên liệu này đã được bảo quản trong kho có mái che, nhưng diện tích mái lại không đủ che phủ hết lượng than được trữ để phục vụ cho việc sản xuất. Theo đó, khi trời nắng chất bốc bay hơi có thể làm mất 3-5% năng lượng, còn nếu mưa than bị ướt, sẽ làm tốn nhiệt khi đưa vào lò đốt, năng lượng hao phí có thể lên tới 5-10%.

Qua số liệu thu thập về tình trạng sử dụng nước, các chuyên gia cũng nhận thấy, lượng tiêu thụ nước tại công ty khá thất thường, dù sản lượng không có nhiều thay đổi. Như vậy, tiềm năng tiết kiệm nước của công ty là khá lớn, theo ước tính có thể giảm từ 30-50%. Chỉ tính theo mức giá trung bình 14.000đ/m3 nước, số tiền công ty tiết kiệm được không hề nhỏ.

Điện áp cao vừa gây tổn thất lại tăng nguy cơ cháy nổ

Điện áp cấp của công ty đo được đang ở mức rất cao, trên mức tiêu chuẩn từ 10,3 – 13,0%.

Điện áp cao sẽ gây ra tổn thất năng lượng điện cao, đồng thời làm quá tải điện áp toàn hệ thống và các thiết bị điện sẽ bị giảm tuổi thọ vì quá nóng. Đặc biệt, bóng đèn và các thiết bị điện tử (máy tính, điều hòa nhiệt độ, hệ thống điều khiển thiết bị…) sẽ tăng nguy cơ bị cháy hỏng.

Khi hạ điện áp về mức tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ giảm được rất nhiều chi phí do những tổn thất không đáng có gây ra.

Bên cạnh đó, việc công ty đang sử dụng dây cáp nhôm 3 pha làm dây truyền tải trục chính cho mạng phân phối điện nội bộ cũng gây tổn hao lớn trong quá trình truyền tải.

Theo khuyến nghị của chuyên gia sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, với hiện trạng hệ thống điện tại công ty, việc sử dụng dây cáp truyền tải bằng đồng sẽ có thể giảm được khoảng 40% tổn thất đường dây, cũng như đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống.

Bảo ôn tốt để giảm tổn thất nhiệt

Đối với lò sấy sản phẩm sau định hình bằng lò đốt khí hóa than, do lò sấy chưa được cách nhiệt tốt, nhiệt độ vỏ lò cao, nên gây thất thoát nhiệt rất lớn. Để xử lý vấn đề này, doanh nghiệp cần thực hiện lắp đặt lớp bảo ôn hợp lý ở hai bên tường lò sấy và nóc lò.

Như vậy, chỉ cần doanh nghiệp thực hiện triệt để theo ý kiến tư vấn của các chuyên gia về sản xuất sạch hơn, khoản tiền hàng năm doanh nghiệp tiết kiệm được sẽ không hề nhỏ, dù mức đầu tư không quá lớn.

VNCPC

Hà Nội “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc

Đồng hành cùng với người dân trong cuộc chiến chống lại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, Hà Nội sẽ tăng cường duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 200 – 500 vụ ngộ độc thực phẩm. Riêng năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 3.800 người mắc. Mặc dù số vụ ngộ độc thực phẩm trong năm này có giảm so với những năm trước đây, tuy nhiên số trường hợp tử vong lại tăng cao gấp đôi. Ngộ độc thực phẩm do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó không thể không kể đến nguyên nhân do thực phẩm không rõ nguồn gốc có chứa các chất độc hại….

Cuộc chiến với thực phẩm không rõ nguồn gốc nói chung và nông sản nói riêng là một cuộc chiến khốc liệt của người tiêu dùng cũng như của các cơ quan quản lý, đặc biệt khi trên thị trường đang tràn ngập các loại sản phẩm, hàng hóa với nhiều nguồn gốc và chất lượng khác nhau.

Đồng hành cùng với người dân trong cuộc chiến chống lại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố.


Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc để chống lại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc.

Việc sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe, niềm tin cho người tiêu dùng. Theo đó, trong năm 2018, chỉ bằng việc quét mã QR trên smartphone hoặc máy đọc mã vạch, người tiêu dùng sẽ biết được nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời thấy được các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm, từ đó tránh được việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi, hàng kém chất lượng.

Việc phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm cũng giúp người tiêu dùng được tham gia, phát huy quyền giám sát, kiểm tra của mình đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước thông qua việc sử dụng, chia sẻ và được cung cấp thông tin về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm.

Đáng chú ý, cùng với việc thí điểm ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm trái cây tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn nội thành, Thành phố cũng sẽ thí điểm ứng dụng quy trình mã xác thực chống hàng giả; đồng thời hỗ trợ thí điểm ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm như rau, thịt, thủy sản.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ xây dựng quy định và thiết lập mã số định danh với các cơ sở trong chuỗi nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố, thử nghiệm hệ thống theo dõi luồng di chuyển của sản phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm cho phép truy cập trực tuyến trên Internet thông qua mã QR của sản phẩm bằng điện thoại thông minh; hỗ trợ thiết bị truy xuất công cộng tại các điểm kinh doanh nông sản thực phẩm; tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho người sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng.

Theo lộ trình, đến năm 2019, mở rộng ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc ở các sản phẩm nông sản thực phẩm khác, tập trung tại các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, trang trại, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở sơ chế, chế biến quy mô lớn, các chuỗi sản xuất, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị, chợ đầu mối.

Năm 2020, phấn đấu 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30% – 50%.

Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm quét mã vạch trên điện thoại di động (viết tắt là Scan & Check) đáp ứng nhu cầu thực tế của các cơ quan chức năng, của người tiêu dùng, của các đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là của hơn 25 ngàn doanh nghiệp thành viên GS1 Việt Nam về xác thực nguồn gốc thông tin chủ sở hữu và hàng hóa sử dụng mã số mã vạch.

Scan & Check được sử dụng để quét kiểm tra tính hợp pháp của mã số mã vạch cũng như thông tin chính hãng về sản phẩm trước khi người tiêu dùng ra quyết định mua hàng!

Tổng cục TCĐLCL thông báo đường dẫn cài đặt Scan & Check trên Android (bản cho iPhone sẽ được thông báo tiếp khi đăng kí xong với Apple) như sau https://play.google.com/store/apps/details?id=com.gs1vn.scanandcheck&hl=vi.

Theo Vietq

Sản xuất sạch hơn giúp doanh nghiệp “lấp” những khoảng trống gây lãng phí

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thường vô tình có những lãng phí mà hầu hết đều không nhận ra cho đến khi họ tiếp cận với khái niệm và phương pháp luận sản xuất sạch hơn (SXSH).

Khi tham gia vào dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững”, các doanh nghiệp trong nhiều ngành sản xuất khác nhau đã được tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước…

Từ tháng 11 đến tháng 12/2017, đoàn công tác của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC) đã có 2 đợt làm việc với các doanh nghiệp ở Ninh Bình. Đơn cử tại một nhà máy sản xuất xi măng, qua khảo sát và thảo luận, chuyên gia của VNCPC đã cùng với nhóm SXSH của doanh nghiệp nhận diện các lãng phí tồn tại trong quá trình hoạt động thường nhật cũng như đề xuất các cơ hội tiết kiệm đầu vào sản xuất để doanh nghiệp có thể áp dụng.

Tiết kiệm lớn chỉ từ những điều chỉnh nhỏ

Qua số liệu đo được từ 4 máy nén khí và các số liệu thu thập được từ phòng điều kiển trung tâm, các chuyên gia VNCPC nhận thấy: Các máy nén khí đang bị đặt trong phòng kín, không có thông gió nên phòng khí nén rất nóng.

Nhiệt độ khí cấp nóng sẽ làm giảm hiệu suất của máy nén khí. Theo đánh giá của chuyên gia VNCPC, khi phòng máy nén khí quá nóng sẽ gây ra tổn thất năng lượng máy nén khí khoảng 3%. Giả thiết hệ thống máy nén khí chạy 18 giờ/ngày (nghỉ 6 giờ/ngày để tránh giờ cao điểm; hoạt động 300 ngày/năm và giá điện trung bình là 1700 VNĐ/kWh) chỉ riêng yếu tố này đã gây lãng phí không nhỏ cho nhà máy.

Tiếp đến, chuyên gia VNCPC còn quan sát thấy, hiện công ty đang đặt mức độ và thời gian xả nước ngưng trong khí nén cao hơn mức cần thiết, gây tổn thất năng lượng khí nén rất cao. Ước tính việc xả nước ngưng này gây tổn thất khoảng 8% năng lượng khí nén.

Chưa kể tới, khoảng thời gian máy đóng bao không hoạt động nhưng vẫn sử dụng khí nén liên tục, gây tổn thất khá nhiều năng lượng.

Sử dụng khí nén để “phủi bụi” là rất lãng phí

Tại công ty còn có tình trạng: Công nhân đóng bao xi măng mỗi khi rời khu vực sản xuất đều sử dụng khí nén để loại bỏ lớp bụi bám trên quần áo và các vật dụng. Điều này gây ra tổn thất năng lượng quá lớn do khí nén áp suất cao có chi phí rất cao.

Cách giải quyết hợp lý cho vấn đề này là sử dụng quạt thổi (Blower) do khí nén của blower có lưu lượng lớn, rẻ tiền và có áp suất đủ cho mục đích vệ sinh cá nhân. Một giải pháp đơn giản hơn là mua riêng 01 máy nén khí cỡ nhỏ dùng cho mục đích giúp công nhân làm sạch lớp bụi trước khi rời nhà xưởng.

Hệ thống quạt phụ trợ sản xuất đang tổn thất năng lượng rất lớn

Toàn công ty có rất nhiều quạt công suất lớn đang hoạt động. Song chỉ có một vài quạt được điều khiển bằng biến tần, còn lại được điều chỉnh lưu lượng bằng van gió (Damper), với độ mở khá ổn định từ 25-55% nên tổn thất năng lượng là rất lớn.

Ngoài ra, cán bộ của VNCPC cũng quan sát thấy, công ty đang có nhiều lãng phí trong việc sử dụng nước. Mặc dù chỉ quan sát trong một khu vực rất nhỏ của công ty: từ văn phòng chính ra đến khu nhà máy nghiền đóng bao xi măng đã thấy có 3 vị trí nước bị chảy tràn gây lãng phí.

Theo đó, khi công ty có những điều chỉnh để khắc phục những vấn đề đã được các chuyên gia SXSH đưa ra là có thể tiết giảm đáng kể chi phí năng lượng trong quá trình sản xuất.

VNCPC

SXSH có phải là cơ chế phát triển sạch?

 Sản xuất sạch hơn (SXSH) và cơ chế phát triển sạch có giống nhau hay không; SXSH có mối liên hệ thế nào với kiểm toán môi trường… để làm rõ những vấn đề này, chớ bỏ qua những nội dung dưới đây.

Sự giống nhau và khác nhau giữa sản xuất trực tiếp và sản xuất sạch hơn?

Trước hết, sản xuất sạch hơn không phải là một phương pháp sản xuất khác.

Theo UNEP, “SXSH là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường”.

SXSH là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Đây là một hoạt động mang tính “hỗ trợ” hoạt động sản xuất bình thường (sản xuất trực tiếp) của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, giúp doanh nghiệp kiểm soát, sử dụng nguyên liệu, năng lượng, nhân công… một cách có hiệu quả thông qua đó giúp hài hòa lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường.

Mối quan hệ giữa kiểm toán môi trường và SXSH?

Trên thực tế, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau:

Kiểm toán môi trường là một quá trình đánh giá có tính định kỳ và khách quan được văn bản hoá về việc làm thế nào để thực hiện tổ chức môi trường, quản lý môi trường và trang thiết bị môi trường hoạt động tốt.

Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường…

Kiểm toán môi trường và SXSH có mục đích áp dụng, phạm vi thực hiện, cách thức thực hiện và việc sử dụng kết quả sau kiểm toán hoàn toàn khác nhau. Ví dụ: Báo cáo kiểm toán môi trường đánh giá mức độ tuân thủ về môi trường của đối tượng được kiểm toán; Báo cáo SXSH đánh giá hiện trạng các tổn thất trong dòng thải và đưa ra các giải pháp cải tiến nhằm giảm tiêu thụ nguyên liệu, nhiên liệu, nước qua đó giảm tổn thất trong dòng thải.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kết quả của kiểm toán môi trường có thể tạo ra động lực để thực hiện SXSH tại doanh nghiệp, do hai khái niệm có một vài điểm tương đồng như mục tiêu cắt giảm chi phí về rác thải; mục tiêu giảm chi phí về nhiên liệu và vật liệu; Phạm vi đánh giá đều có quan tâm đến tính hiệu quả trong sử dụng thiết bị, quản lý chất thải.

Mối quan hệ giữa SXSH và cơ chế phát triển sạch?

Cơ chế phát triển sạch (CDM – Clean Development Mechanism) là cơ chế hợp tác được thiết lập trong khuôn khổ nghị định thư Kyoto (Nhật Bản) tháng 12 năm 1997. Nghị định thư này đã gây dựng một khuôn khổ pháp lý mang tính toàn cầu cho các bước khởi đầu nhằm kiềm chế và kiểm soát xu hướng gia tăng phát thải khí nhà kính; trong đó đưa ra các mục tiêu giảm phát thải chính và thời gian thực hiện cho các nước phát triển. Theo đó, các nước phát triển (các nước công nghiệp) hỗ trợ, khuyến khích các nước đang phát triển thực hiện các dự án thân thiện với môi trường, nhằm phát triển bền vững.

SXSH nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất.

Mối quan hệ giữa SXSH và cơ chế phát triển sạch (CDM):

– Về bản chất đây là hai hoạt động độc lập:

SXSH thực hiện theo 6 bước, 18 nhiệm vụ của UNEP

CDM thực hiện theo khuôn khổ nghị định thư Kyoto

– Về mục đích:

SXSH nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất.

CDM nhằm kiềm chế và kiểm soát xu hướng gia tăng phát thải khí nhà kính.

CDM có đa dạng đối tượng áp dụng hơn với bất cứ hoạt động nào chính đáng mà giúp giảm phát thải khí nhà kính một cách trực tiếp hay gián tiếp. Như vậy, hoạt động áp dụng SXSH cho doanh nghiệp nếu như giúp làm giảm phát thải khí nhà kính thì cũng coi là CDM. Và khi đó, tổ chức đánh giá sẽ chúng nhận lượng khí nhà kính cắt giảm được và doanh nghiệp sẽ được kinh doanh chứng chỉ giảm phát thải đó trên thị trường CDM.

VNCPC

Doanh nghiệp đánh giá cao ý kiến tư vấn từ các chuyên gia SXSH

Đó là ý kiến chung của các doanh nghiệp tham gia vào dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững”, tại Ninh Bình.

Tại Ninh Bình hiện có 7 doanh nghiệp thuộc cách lĩnh vực sản xuất khác nhau, tham gia vào dự án. Trong số này có một doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất đồ trang sức mỹ ký xuất khẩu.

Ngày 19/12/2017, đoàn công tác của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tiếp tục tới làm việc với công ty để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP). Đoàn công tác đã đo đạc, đánh giá tại hiện trường về hiện trạng sử dụng nguyên vật liệu, hóa chất, nước, năng lượng điện; thảo luận các cơ hội và đưa ra giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên đối với doanh nghiệp.

Cần tối ưu hóa hệ thống chiếu sáng để tiết kiệm điện năng

Qua khảo sát, đoàn công tác nhận thấy: Hệ thống chiếu sáng của công ty bộc lộ một số bất hợp lý, gây lãng phí điện năng cả ở khu vực sản xuất và khuôn viên, liên quan tới loại bóng đèn đang sử dụng, sắp xếp vị trí chiếu sáng và phân khu chiếu sáng và cả ý thức của người sử dụng.

Hệ thống chiếu sáng của công ty bộc lộ một số bất hợp lý gây lãng phí điện năng.

Theo đề xuất của các cán bộ VNCPC, doanh nghiệp có thể thay thế loại đèn chiếu sáng bảo vệ khuôn viên công ty bằng đèn loại tối ưu hơn, sắp xếp lại hệ thống chiếu sáng theo cách thức hợp lý để tiết giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo về ánh sáng trong quá trình làm việc và lưu ý công nhân tắt đèn chiếu sáng không cần thiết khi không có người làm việc.

Thay đổi nhỏ ở xưởng mạ sẽ giúp tiết kiệm đáng kể hóa chất

Đối với xưởng mạ, thời gian róc nước là thông số quan trọng nhất trong việc sử dụng hiệu quả hóa chất và xử lý nước thải. Thời gian róc nước thích hợp sẽ giảm lượng dung dịch/nước bám theo chi tiết cần mạ (giảm tới 50%) và giảm tiêu thụ hoá chất xử lý bề mặt, nhờ đó giảm nhẹ công việc xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, hệ thống rửa sau mạ của công ty lại không có bể rửa thu hồi mà chỉ là hệ thống rửa 4 bậc ngược chiều nên chỉ có tác dụng rửa sạch chi tiết mạ mà không tận thu được hóa chất. Điều này không chỉ khiến chi phí hoá chất tăng lên mà còn sử dụng nhiều nước hơn khiến chi phí sản xuất bị đội lên.

Mặt bằng xưởng mạ cũng cần được bố trí lại tối ưu để giảm thời gian di chuyển của công nhân cũng như giảm thiểu hoá chất độc hại rơi vãi xuống sàn nhà xưởng.

Mặt bằng xưởng mạ cũng cần được bố trí lại tối ưu để giảm thời gian di chuyển của công nhân cũng như giảm thiểu hoá chất độc hại rơi vãi xuống sàn nhà xưởng.

Tiếp thu những đề xuất của chuyên gia, theo cán bộ phụ trách tại nhà máy, các ý kiến trên sẽ giúp công ty khắc phục những lãng phí rất lớn về năng lượng, hóa chất. Vì vậy, công ty rất mong sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý để  có thể tiết giảm chi phí cho kế hoạch sản xuất năm 2018.

VNCPC

3 lợi ích của công trình xanh

Phát triển công trình xanh đang được đánh giá là xu hướng tất yếu không chỉ ở các nước phát triển, mà tại Việt Nam cũng đang nở rộ. Những lợi ích công trình xanh mang lại vô cùng đa dạng, có thể xếp vào 3 loại chính, đó là: môi trường, kinh tế và xã hội.

Hoạt động phát triển công trình xanh được khởi đầu từ Anh Quốc năm 1990, sau đó là Mỹ (1993), Canada (năm 1998). Năm 2000, Hội đồng Công trình Xanh thế giới (WorldGBC) được thành lập. Đến nay, phát triển công trình xanh đã lan rộng và trở thành xu hướng tại nhiều nước trên thế giới.

“Trong nhịp sống năng động, sau những giờ làm việc căng thẳng, người ta cần nơi nghỉ ngơi, yên tĩnh, nhưng cũng không quá đơn điệu. Sống gần thiên nhiên không bị lệ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhân tạo sẽ giúp chủ nhân sống khoẻ, tâm hồn thư thái để tái tạo sức lao động”, TS. Nguyễn Đăng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, chia sẻ trên Báo Đầu tư Bất động sản, rằng công trình xanh và đô thị xanh chính là cơ sở tăng trưởng kinh tế xanh, đảm bảo phát triển bền vững.

Tòa nhà văn phòng Homebase Unilever – Vietnam sử dụng năng lượng hiệu quả.

Lợi ích môi trường

Giảm khí thải. Chất gây ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện là một phần nguyên nhân của biến đổi khí hậu, gây nên các vấn đề về chất lượng không khí như mưa a-xít hay sương khói và đe dọa sức khỏe con người. Các giải pháp công trình xanh như sử dụng năng lượng mặt trời, chiếu sáng tự nhiên và các tiện ích giao thông công cộng làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm khí thải độc hại.

Lợi ích kinh tế

Tiết kiệm năng lượng và nước. Hiệu quả sử dụng tài nguyên nhờ vào thiết kế và công nghệ xanh giúp giảm thiểu đáng kể chi phí vận hành, nhanh chóng bù lại cho các chi phí phụ trội của dự án cũng như tiết kiệm về lâu dài. Số tiền trước đây dành cho chi phí tiện ích có thể được sử dụng cho những mục đích khác.

Lợi ích xã hội

Cải thiện sức khỏe. Chất lượng môi trường bên trong công trình không đảm bảo do các nguyên nhân như thiếu sự không khí, thiếu ánh sáng, ẩm mốc, chênh lệch nhiệt độ, chất liệu đồ nội thất, thuốc trừ sâu, chất kết dính và sơn độc hại, nồng độ chất ô nhiễm cao (thường cao hơn ngoài trời 10 đến 100 lần) góp phần gây ra các bệnh về hô hấp, dị ứng, buồn nôn, đau đầu và phát ban. Công trình xanh chú trọng đến hệ thống thông gió và các vật liệu không độc hại, ít phát thải nhằm tạo nên môi trường sống và làm việc tiện nghi và an toàn cho sức khỏe con người.

Theo moitruong.com.vn