SXSH có phải là cơ chế phát triển sạch?

 Sản xuất sạch hơn (SXSH) và cơ chế phát triển sạch có giống nhau hay không; SXSH có mối liên hệ thế nào với kiểm toán môi trường… để làm rõ những vấn đề này, chớ bỏ qua những nội dung dưới đây.

Sự giống nhau và khác nhau giữa sản xuất trực tiếp và sản xuất sạch hơn?

Trước hết, sản xuất sạch hơn không phải là một phương pháp sản xuất khác.

Theo UNEP, “SXSH là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường”.

SXSH là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Đây là một hoạt động mang tính “hỗ trợ” hoạt động sản xuất bình thường (sản xuất trực tiếp) của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, giúp doanh nghiệp kiểm soát, sử dụng nguyên liệu, năng lượng, nhân công… một cách có hiệu quả thông qua đó giúp hài hòa lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường.

Mối quan hệ giữa kiểm toán môi trường và SXSH?

Trên thực tế, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau:

Kiểm toán môi trường là một quá trình đánh giá có tính định kỳ và khách quan được văn bản hoá về việc làm thế nào để thực hiện tổ chức môi trường, quản lý môi trường và trang thiết bị môi trường hoạt động tốt.

Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường…

Kiểm toán môi trường và SXSH có mục đích áp dụng, phạm vi thực hiện, cách thức thực hiện và việc sử dụng kết quả sau kiểm toán hoàn toàn khác nhau. Ví dụ: Báo cáo kiểm toán môi trường đánh giá mức độ tuân thủ về môi trường của đối tượng được kiểm toán; Báo cáo SXSH đánh giá hiện trạng các tổn thất trong dòng thải và đưa ra các giải pháp cải tiến nhằm giảm tiêu thụ nguyên liệu, nhiên liệu, nước qua đó giảm tổn thất trong dòng thải.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kết quả của kiểm toán môi trường có thể tạo ra động lực để thực hiện SXSH tại doanh nghiệp, do hai khái niệm có một vài điểm tương đồng như mục tiêu cắt giảm chi phí về rác thải; mục tiêu giảm chi phí về nhiên liệu và vật liệu; Phạm vi đánh giá đều có quan tâm đến tính hiệu quả trong sử dụng thiết bị, quản lý chất thải.

Mối quan hệ giữa SXSH và cơ chế phát triển sạch?

Cơ chế phát triển sạch (CDM – Clean Development Mechanism) là cơ chế hợp tác được thiết lập trong khuôn khổ nghị định thư Kyoto (Nhật Bản) tháng 12 năm 1997. Nghị định thư này đã gây dựng một khuôn khổ pháp lý mang tính toàn cầu cho các bước khởi đầu nhằm kiềm chế và kiểm soát xu hướng gia tăng phát thải khí nhà kính; trong đó đưa ra các mục tiêu giảm phát thải chính và thời gian thực hiện cho các nước phát triển. Theo đó, các nước phát triển (các nước công nghiệp) hỗ trợ, khuyến khích các nước đang phát triển thực hiện các dự án thân thiện với môi trường, nhằm phát triển bền vững.

SXSH nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất.

Mối quan hệ giữa SXSH và cơ chế phát triển sạch (CDM):

– Về bản chất đây là hai hoạt động độc lập:

SXSH thực hiện theo 6 bước, 18 nhiệm vụ của UNEP

CDM thực hiện theo khuôn khổ nghị định thư Kyoto

– Về mục đích:

SXSH nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất.

CDM nhằm kiềm chế và kiểm soát xu hướng gia tăng phát thải khí nhà kính.

CDM có đa dạng đối tượng áp dụng hơn với bất cứ hoạt động nào chính đáng mà giúp giảm phát thải khí nhà kính một cách trực tiếp hay gián tiếp. Như vậy, hoạt động áp dụng SXSH cho doanh nghiệp nếu như giúp làm giảm phát thải khí nhà kính thì cũng coi là CDM. Và khi đó, tổ chức đánh giá sẽ chúng nhận lượng khí nhà kính cắt giảm được và doanh nghiệp sẽ được kinh doanh chứng chỉ giảm phát thải đó trên thị trường CDM.

VNCPC