SXSH có những giải pháp nào giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) giúp doanh nghiệp tiết giảm đáng kể chi phí trong quá trình vận hành. Vậy SXSH thường có những giải pháp nào nhằm giúp doanh nghiệp tránh được những lãng phí vô hình và tối ưu hóa quá trình sản xuất?

Các giải pháp của SXSH có thể phân ra thành 8 nhóm chính:

Quản lý nội vi: Áp dụng các biện pháp quản lý thích hợp nhằm ngăn ngừa thất thoát nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng. Ví dụ: khoá chặt các van và kiểm tra các đường ống nhằm tránh rò rỉ, tránh các sự cố do rò rỉ, rơi vãi do vận chuyển, bảo ôn đường ống và thiết kế các hệ thống phân phối hơi nước, điện hợp lý…

Kiểm soát quá trình tốt hơn: Thực hiện đúng và đầy đủ quy trình vận hành, hướng dẫn sử dụng thiết bị; duy trì chế độ công nghệ sản xuất, bảo trì, bảo dưỡng, ghi chép nhật ký sản xuất. Tổ chức rà soát, xây dựng, áp dụng và quản lý định mức sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu và năng lượng. Chẳng hạn như: Tối ưu hoá và kiểm soát các thông số vận hành (như pH, nhiệt độ, thời gian, nồng độ …), tối ưu hoá quá trình cháy trong lò hơi…

Kiểm soát quá trình tốt hơn là thực hiện đúng và đầy đủ quy trình vận hành, hướng dẫn sử dụng thiết bị; duy trì chế độ công nghệ sản xuất, bảo trì, bảo dưỡng, ghi chép nhật ký sản xuất.

Thay đổi nguyên liệu đầu vào: Thay thế nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu, năng lượng đầu vào đang sử dụng bằng các nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu, mang lại hiệu quả sản xuất tốt hơn, thân thiện hơn với môi trường. Cụ thể: thay thế dung môi hữu cơ bằng nước, thay thế axit trong tẩy rửa bằng peroxit, thay thế DBSA trong các chất tẩy giặt bằng LAS nhanh phân huỷ.

Thay đổi công nghệ: Thay đổi công nghệ hiện có để giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu và năng lượng hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm như: Thay thế quá trình làm sạch cơ học bằng dung môi, rửa ngược chiều nhiều bậc…

Thay thế thiết bị: Thay thế thiết bị mới tiên tiến nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu và năng lượng hay bổ sung các thiết bị đo để quản lý quá trình tốt hơn.

Thay thế thiết bị mới tiên tiến nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu và năng lượng cũng là một giải pháp trong SXSH.

Tái sử dụng hoặc tái chế tại chỗ: Sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu, năng lượng bị thải loại trong quá trình sản xuất để sử dụng cho mục đích có ích ngay tại cơ sở sản xuất. Đơn cử như: tái sử dụng nước làm mát, tuần hoàn dung dịch nhuộm, thu hồi nước ngưng và dùng lại cho nồi hơi, sử dụng rỉ đường để lên men cồn, sử dụng các mảnh vải vụn trong sản xuất thảm đệm, sử dụng FeCl3 từ tẩy rửa bằng axit như một chất tạo kết tủa trong xử lý nước thải chứa photphat…

Sử dụng có hiệu quả năng lượng: năng lượng là nguồn khởi phát các tác động môi trường rất quan trọng. Khai thác các nguồn năng lượng có thể gây các ảnh hưởng đối với đất, nước, khí và đa dạng sinh học, cũng như trong việc phát sinh một lượng lớn chất thải rắn. Các tác động lên môi trường gây bởi việc khai thác và sử dụng năng lượng có thể được làm giảm nhẹ bằng cách sử dụng hiệu qủa năng lượng cũng như qua việc sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo được như năng lượng mặt trời và gió.

Thay đổi sản phẩm: hoặc cải tiến thiết kế sản phẩm, bao bì và đóng gói sản phẩm nhằm giảm tác động xấu đến môi trường của quá trình sản xuất sản phẩm hoặc của bản thân sản phẩm. Việc dùng giấy xám (không tẩy) thay thế cho giấy trắng ở những nơi cho phép, sản phẩm pin theo công nghệ giấy tẩm hồ để thay thế các dung môi độc trong sản xuất thuốc bảo vệ thực vât bằng dung môi ít độc hoặc dung môi là nước.

Như vậy, các giải pháp mà SXSH đưa ra có nhiều cấp độ từ đơn giản đến phức tạp, từ không cần chi phí đến mức chi phí ở mức phù hợp mà doanh nghiệp có thể đầu tư để mang lại mức hiệu quả cao nhất.

VNCPC

Có thể lùi thời hạn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng

Việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít có thể sẽ được lùi thời hạn sang năm 2019, thay vì dự kiến ban đầu là năm 2018.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về thuế bảo vệ môi trường (BVMT) gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

Theo đó, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại Công văn số 12/BTC-CST ngày 2/1/2018 về việc dự án Nghị quyết về Biểu thuế Bảo vệ môi trường và dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ Báo cáo quốc hội xem xét, cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường sang Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội.

Như vậy, theo Dân Việt, việc Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó, có việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít có thể sẽ được lùi thời hạn, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019.

Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế BVMT trong thời gian qua đã góp phần hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường.

Có ý kiến trên Báo Tiền Phong đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế tối đa trong khung thuế bằng 1,5 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành, chỉ tăng từ 4.000 đồng/lít lên 6.000 đồng/lít (thay vì mức 8.000 đồng/lít). Có cơ quan đề nghị chỉ tăng mức thuế tối đa đối với xăng lên 5.000 đồng/lít, vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, do đó khi tăng mức thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến mọi mặt hoạt động của xã hội.

Tuy vậy, ý kiến về việc vẫn bảo lưu đề xuất mức tăng lên tối đa 8.000 đồng/lít xăng, Bộ Tài chính cho rằng, việc tính toán điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cắt giảm thuế nhập khẩu, đã xét các yếu tố khác như: Xăng dầu tác động xấu tới môi trường, nên cần có chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế; khung thuế mới nhằm chủ động ứng phó với tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tác động do giá dầu thế giới có biến động lớn.

Theo đánh giá của Bộ tài chính, chính sách thuế BVMT trong thời gian qua đã góp phần hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội.

Ngoài ra, chính sách thuế BVMT cũng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Theo đó, số thu thuế BVMT đối với xăng dầu, than đá qua các năm đã tăng dần, năm 2012 là 10.323 tỷ đồng; năm 2013 là 11.344 tỷ đồng; năm 2014 là 11.878 tỷ đồng; năm 2015 là 26.949 tỷ đồng và năm 2016 khoảng 41.868 tỷ đồng – Dân Trí cho hay.

Theo moitruong.com.vn

RECP giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng/năm

Thông qua hoạt động đánh giá Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) đã giúp doanh nghiệp tiết giảm hàng tỷ đồng/năm.

Đây là kết quả mà một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Đài Loan, tại Ninh Bình, chuyên sản xuất thanh nhôm hợp kim đã nhận được khi tham gia vào dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Theo các chuyên gia về sản xuất sạch hơn (SXSH) tại Trung tâm SXSH Việt Nam (VNCPC), mục đích của đánh giá RECP là giúp các doanh nghiệp công nghiệp có thể tăng năng suất và giảm tiêu thụ tài nguyên, cũng như ô nhiễm môi trường.

Hình minh họa.

Hợp phần thực hiện RECP trong doanh nghiệp của dự án là một bước đi ở cấp doanh nghiệp nhằm góp phần chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống hiện tại sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Hoạt động này bao gồm tư vấn và huấn luyện trực tiếp tại các doanh nghiệp được lựa chọn ở các khu công nghiệp về triển khai RECP trong thực tiễn.

Doanh nghiệp tiêu tốn hàng tỷ đồng/năm do những lãng phí “vô tình”

Qua tìm hiểu và đánh giá về quy trình sản xuất, các chuyên gia cùng đội ngũ kỹ thuật của doanh nghiệp đã xác định, tổn thất điện năng chủ yếu tại nhà máy là do: các động cơ điện, tủ điện bị bụi bám, lại không được bảo dưỡng thường xuyên; lớp vỏ cách điện dây cáp bị sun nóng, không có dây nối đất; quạt vẫn chạy dù không có công nhân làm việc; sụt áp đường dây lớn; cài đặt điều hòa khu văn phòng ở nhiệt độ thấp (~ 20oC),… Theo ước tính, khoảng 15% điện năng tiêu tại doanh nghiệp đã lãng phí do những “sự vô tình” trên.

Cài đặt điều hòa khu văn phòng ở nhiệt độ thấp cũng là nguyên nhân khiến điện năng tiêu thụ nhiều hơn.

Không chỉ lãng phí về điện, tổn thất nhiệt năng tại doanh nghiệp cũng rất lớn, chủ yếu là do một số nguyên nhân như mái che khu vực chứa than nhỏ hơn so với nhu cầu sử dụng; nhiều than chưa cháy trong xỉ than (10% lượng than cấp vào); cửa lò ở điều kiện vận hành không tốt (cửa chính hở, tấm chắn lò không hoạt động)… đã khiến cho mức tổn thất nhiên liệu tổng thể lên tới 20%.

Với sản lượng vào khoảng 10.000 tấn/năm, những lãng phí trên đã khiến doanh nghiệp đang bị “lãng phí” khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

RECP: nhiều giải pháp chi phí thấp nhưng hiệu quả thiết thực

Sau quá trình khảo sát, đã có 26 giải pháp RECP được các cán bộ sản xuất sạch hơn đưa ra, bao gồm 03 giải pháp liên quan tới quản lý nội vi, 12 giải pháp kiểm soát quá trình, 09 giải pháp về cải tiến thiết bị và 02 giải pháp thu hồi để tái sử dụng.

Hầu hết các giải pháp này đều có thể thực hiện ngay, nên doanh nghiệp cần rất ít, thậm chí là không cần chi phí đầu tư. Các giải pháp đã đem lại lợi ích cho doanh nghiệp rất lớn, thông qua các số liệu rất cụ thể về mức giảm tiêu thụ điện, than, nước giúp tiết kiệm  khoảng 1 tỷ đồng chi phí sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính trên 500 tấn CO2/năm.

VNCPC

Công bố đường dây nóng phản ánh về ô nhiễm môi trường

Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố đường dây nóng cấp trung ương để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường từ các tổ chức, cá nhân thông qua số điện thoại 086.900.0660.

Theo đó, khi phát hiện hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường; các vụ việc ô nhiễm, suy thoái môi trường, người dân có thể gọi ngay vào số 086.900.0660, phản ánh thông tin, để Tổng cục Môi trường kịp thời kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Đường dây nóng của Tổng cục Môi trường sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần (bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ).

Đường dây nóng của Tổng cục Môi trường sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.

Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường sẽ được chuyển tới cơ quan chức năng của Tổng cục Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của địa phương để xác minh, xử lý, phản hồi trong thời gian sớm nhất…

Ngoài đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường cũng sẽ tổng hợp để công bố đường dây nóng của các địa phương để người dân có thể phản ánh những bức xúc về ô nhiễm môi trường đến các cơ quan chức năng.

Theo TTXVN

Sản xuất nhựa sinh học tự phân hủy từ mỡ cá

Một nữ sinh viên sư phạm đã tận dụng nguồn phụ phẩm lớn từ ngành chế biến thủy sản như mỡ cá basa để tạo ra loại nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy và thân thiện với môi trường.

Vũ Thị Mai Anh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đã phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng chuyển hóa mỡ cá basa thành Polyhydroxyalkanoates, một loại nhựa sinh học.

Với kết quả nghiên cứu mang tính sáng tạo và tiên phong tại Việt Nam, đề tài của Mai Anh đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2017 do Thành đoàn TPHCM tổ chức.

Nhận thấy trong quá trình chế biến cá basa có thể tạo ra một lượng rất lớn mỡ cá phụ phẩm, đồng thời các loại nhựa chúng ta đang sử dụng chủ yếu có nguồn gốc từ dầu mỏ và có thời gian phân hủy rất lâu, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, Mai Anh đã bắt tay nghiên cứu để làm sao vừa tận dụng được nguồn phụ phẩm lớn từ ngành chế biến thủy sản, vừa có thể tạo ra loại nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy và thân thiện với môi trường.

Sinh viên Vũ Thị Mai Anh nhận giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2017. Ảnh: Báo Thanh niên

Mỡ cá basa được Mai Anh sử dụng làm nguồn carbon để vi khuẩn lên men sinh tổng hợp polyhydroxyalkanoate – nhựa sinh học (PHA). Vì PHA là một nhóm các polymer được tích lũy trong tế bào vi sinh vật ở điều kiện môi trường nuôi cấy dư thừa nguồn carbon.

Sau 2 năm, Mai Anh đã phân lập và tuyển chọn được chủng vi khuẩn M91 có khả năng chuyển hóa hiệu quả mỡ cá basa thành PHA.

Mai Anh cho biết: “PHA được tạo ra trong nghiên cứu có khả năng phân hủy trong điều kiện môi trường tự nhiên dưới tác dụng của các vi sinh vật (nếu chúng ta không sử dụng nó nữa). Vì đặc tính này mà nhựa sinh học nếu được ứng dụng rộng rãi sẽ không gây ô nhiễm môi trường”.

Không chỉ có khả năng tự phân hủy và thân thiện với môi trường, PHA còn không tan trong nước, không độc hại, chịu nhiệt tốt, có tính đàn hồi cao. Do đó, theo Mai Anh, PHA là vật liệu lý tưởng có thể thay thế polymer có nguồn gốc từ dầu mỏ trong tương lai.

Cũng theo nữ sinh này, nhựa sinh học thành phẩm có thể chế tạo ra hầu hết các sản phẩm nhựa thông thường, nhờ các đặc tính như không dẫn điện, dẫn nhiệt; không thấm nước; không cho không khí đi qua… Đặc biệt, hiện nay nhựa sinh học trên thế giới đã được ứng dụng để sản xuất chỉ phẫu thuật, đĩa xương, ống ghép mạch dùng trong y tế, chế tạo các sản phẩm có độ bền cao như: Linh kiện điện tử, vỏ điện thoại, vỏ máy tính hoặc được sử dụng để chế tạo vật dụng nội thất xe hơi…

Theo moitruong.com.vn

Doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ gì khi SXSH?

Mọi doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đều được khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH). Vì vậy, Nhà nước đã có khá nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp SXSH.

Để hỗ trợ việc thực hiện SXSH tại doanh nghiệp, nhà nước có một số chính sách công cụ nhằm khuyến khích như:

  • Xây dựng các quy định mang tính pháp lý: Luật, chỉ thị, quy định, tiêu chuẩn môi trường…
  • Các công cụ kinh tế như: phí xả thải, quy chế thưởng, phạt, bồi thường…
  • Các biện pháp hỗ trợ: thông tin, đào tạo, tư vấn kỹ thuật…
  • Thu hút sự giúp đỡ từ bên ngoài thông qua các dự án, vốn vay…
  • Hỗ trợ vốn…
  • Hướng dẫn xây dựng dự án SXSH.

Chi tiết cụ thể về các chính sách này, có thể tham khảo thêm tại Văn phòng Môi trường Công nghiệp – Vụ Khoa học Công nghệ – Bộ Công nghiệp tại địa chỉ 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc tham khảo thông tin tại địa chỉ http://www.mtcn.moi.gov.vn

Lập một dự án SXSH như thế nào?

Đối với các dự án dự kiến xin vay vốn hoặc tìm nguồn tài trợ, nhất thiết phải thể hiện được các nội dung:

  • Tính cấp thiết của dự án;
  • Hiệu quả của dự án;
  • Tính phù hợp của dự án;
  • Tính nhân rộng trong xã hội của dự án;
  • Đặc tính công nghệ môi trường;
  • Phân tích tài chính (Xác định chi phí và đánh giá chi phí, đánh giá khả năng sinh lời của dự án)

Tìm nguồn vốn cho dự án SXSH như thế nào?

Có nhiều nguồn vốn có thể tiếp cận ngoài nguồn vốn tự có của doanh nghiệp:

  • Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;
  • Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ;
  • Các ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư phát triển
  • Phát hành cổ phiếu trong công chúng
  • Quỹ xoay vòng vốn của chương trình SXSH – TP Hồ Chí Minh
  • Nguồn vốn tài trợ từ các dự án do quốc tế tài trợ
  • Nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ và dự án bảo vệ môi trường của Bộ Công nghiệp.

VNCPC