Năm 2100 thế giới sẽ chạy bằng nguồn năng lượng nào?

Vấn đề lớn nhất đầu tiên cần giải quyết là ô nhiễm. Nếu không còn dùng nhiên liệu hóa thạch, thế giới năm 2100 sẽ chạy bằng nguồn năng lượng nào?

Trong năm 2018, vấn đề của hành tinh chúng ta là nỗi lo ngại về môi trường sau hai thế kỷ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, những mối lo mà đến giờ chúng ta đang dần hiểu rõ. Tuy nhiên bất chấp những cảnh báo xấu và những nguy cơ tiềm ẩn lâu nay, con người vẫn luôn có khả năng thích nghi.

Vấn đề lớn nhất đầu tiên cần giải quyết là ô nhiễm. Nếu không còn dùng nhiên liệu hóa thạch, thế giới năm 2100 sẽ chạy bằng nguồn năng lượng nào? Những lựa chọn dễ thấy là hydro, điện, gió, và hứa hẹn nhất là công nghệ mặt trời và điện nhiệt hạch.

Năng lượng nhiệt hạch sinh ra từ việc tổng hợp hạt nhân các hạt nhân nhẹ như hydro, deutrium, tritium, tương tự cơ chế sản sinh năng lượng của mặt trời và các vì sao.

Năng lượng điện nhiệt hạch là đối tượng theo đuổi của nhiều dự án tư nhân và được chính phủ hỗ trợ vì đây là nguồn năng lượng sạch, không phát thải carbon và sẽ tạo ra “ắc quy hoàn hảo” trong tương lai một cách hiệu quả.

Với con người trong tương lai, năng lượng mặt trời sẽ rất hữu ích, còn năng lượng carbon sẽ hầu như biến mất.

Trong trường hợp điện tổng hợp nhiệt hạch vẫn quá tầm với, chúng ta luôn có mặt trời, phần quan trọng trong mọi hệ thống năng lượng hiện đại. Năm 2100, mặt trời sẽ đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều.

Theo cựu kỹ sư John Mankins – Trưởng của bộ phận Khám phá Con người & Phát triển Không gian thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhiều thập kỷ tới, nguồn điện sạch trên hành tinh chúng ta sẽ là “các vệ tinh điện mặt trời với điện không dây tầm xa, vận chuyển vô khối năng lượng mặt trời vừa túi tiền tới các thị trường toàn cầu”

Về vấn đề lưu trữ năng lượng mặt trời, theo giám đốc thích ứng toàn cầu của AECOM, Josh Sawislak, vào năm 2100, việc này sẽ được giải quyết rất tốt bằng cách biến mọi thứ thành máy thu năng lượng mặt trời, từ sơn trên tường nhà tới nhựa trên đường phố. Sau đó, các nguồn năng lượng này sẽ được lưu giữ trong một thiết bị điện mặt trời nhỏ cầm tay có kích thước bằng một chiếc điện thoại thông minh hiện nay.

Với con người trong tương lai, năng lượng mặt trời sẽ rất hữu ích, còn năng lượng carbon sẽ hầu như biến mất.

“Năng lượng carbon năm 2100 sẽ giống như việc thắp sáng bằng khí gas hôm nay. Đến lúc đó, có lẽ chúng chỉ xuất hiện ở những địa điểm mang tính chất lịch sử”, Sawislak nói.

Cùng với năng lượng mặt trời, những công nghệ sau cũng có khả năng bảo vệ hành tinh xanh: các thành phố nổi, cống thủy lợi di động, đất tổng hợp, tòa nhà sinh học, công nghệ địa cầu (là các kỹ thuật can thiệp chỉnh sửa khí hậu trên quy mô lớn nhằm đối phó với biến đổi khí hậu)…

Năm 2007, các nhà nghiên cứu Harvard đã kết luận công nghệ địa cầu vẫn quá rủi ro. Nhưng đến thế kỷ 22 thì các loại máy chỉnh sửa khí hậu trông sẽ như thế nào? Theo Popular Mechanics, đó có thể là một hạm đội các xe tự lái lớn bao trùm lên thượng tầng khí quyển để phát tỏa hàng tấn vật chất cực sạch với kích thước nhỏ như hạt bụi lên bầu trời.

Hoặc có thể là những loại máy “có khả năng loại bỏ khí thải nhà kính một cách có hiệu suất, không chỉ từ các nguồn ô nhiễm riêng lẻ mà còn từ bầu không khí, trên quy mô lớn đủ để ngăn chặn và đảo ngược biến đổi khí hậu toàn cầu”, theo lời giáo sư Lisa Alvarez-Cohen – Khoa Công nghệ môi trường ở đại học Berkeley.

Theo moitruong.com.vn

Năng lượng và vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng

Năng lượng hết sức cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế. Song vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang gặp phải hiện nay chính là cách sử dụng hiệu quả năng lượng.

Ở các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương và một số khu vực khác, để tăng trưởng họ thường phải tăng công suất công nghiệp, tuy nhiên, điều này lại kéo theo sự tăng lên của nhu cầu sử dụng năng lượng.

Vấn đề liên quan tới tiêu thụ năng lượng tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nguyên nhân của mức độ sử dụng và nhu cầu năng lượng cao ở các nước đang phát triển được cho là do:

Nguyên nhân công nghệ: công nghệ trình độ thấp và hiệu quả sử dụng năng lượng kém do chất lượng năng lượng được cung cấp thấp và thiếu các công nghệ có hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng.

Việc sử dụng phổ biến các công nghệ cũ, kém hiệu quả đã dẫn tới tiêu thụ năng lượng và nguyên vật liệu rất lớn.

Nguyên nhân quản lý: các thủ tục và hệ thống chưa phù hợp đối với chương trình tiết kiệm năng lượng và quản lý năng lượng ở cả qui mô của công ty cũng như chính sách của Chính phủ.

Nguyên nhân kinh tế: nguồn vốn và biện pháp khích lệ về kinh tế không tương xứng.

Nguyên nhân cơ cấu: một di sản của ngành công nghiệp nặng để lại với mức tiêu thụ năng lượng lớn vốn dĩ đã là bản chất. Bản chất của nền công nghiệp của một quốc gia cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng. Ví dụ sự tăng nhanh cụm các cơ sở vừa và nhỏ được xem là một cột mốc của tăng trưởng.

Tuy nhiên, việc sử dụng phổ biến các công nghệ cũ, kém hiệu quả ở các cơ sở này đã dẫn tới tiêu thụ năng lượng và nguyên vật liệu rất lớn, gây ra ô nhiễm môi trường cao. Năng lượng là một đầu vào quan trọng của ngành công nghiệp và là một lĩnh vực cần quan tâm để giảm bớt chi phí sản xuất. Các sáng kiến tiết kiệm năng lượng có thể giúp bảo đảm cho ngành công nghiệp lớn mạnh và trở nên thịnh vượng.

Người ta ước tính rằng, với nguồn vốn hiện nay, có thể tiết kiệm được 20 – 25% chi phí cho năng lượng và có thể tiết kiệm tới 30 – 60% nếu đầu tư cho thiết bị mới có hiệu quả về vốn hơn.

Dưới đây là một vài ví dụ về vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng cần xem xét:

Các thiết bị có công suất phù hợp, thậm chí có hiệu suất hơi thấp một chút, nhìn chung cũng sẽ tiêu thụ ít năng lượng hơn so với các thiết bị lớn hơn và có hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn.

Ngoài vấn đề hiệu suất, tuổi thọ sử dụng của các thiết bị cũng rất quan trọng.

Chi phí ban đầu thấp dễ đánh lừa tâm lý người sử dụng. Ví dụ, chí phí vận hành hàng năm của một mô-tơ điện thường lớn hơn 8 – 10 lần so với chi phí ban đầu của nó. Vì thế việc lựa chọn các mô-tơ hiệu suất cao có thể sẽ tạo ra sự chênh lệch lớn về tiêu thụ điện.

Ngoài vấn đề hiệu suất, tuổi thọ sử dụng của các thiết bị cũng rất quan trọng. Chẳng hạn, một ngọn đèn dây tóc thoạt đầu dường như là sự lựa chọn tốt. Tuy nhiên, nếu tính đến việc thường xuyên phải thay và chi phí vận hành thì đèn tuýp huỳnh quang hoặc đèn compact tiết kiệm năng lượng sẽ được ưa dùng hơn.

Vì vậy, lựa chọn để đáp ứng được nhu cầu năng lượng đang tăng lên bao gồm: tăng công suất, phải cân nhắc vấn đề chi phí và môi trường đi kèm, hoặc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới đã cho thấy cải thiện hiệu quả sử dụng cuối sẽ là có ưu thế hơn hẳn xét từ khía cạnh kinh tế khi so sánh với tăng công suất.

Những tác động đến các doanh nghiệp, vấn đề tiêu thụ nhiều năng lượng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do:

Giảm lượng nguồn cung cấp năng lượng phục vụ cho doanh nghiệp;

Tài nguyên nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, giá cả năng lượng ngày càng cao sẽ tác động tới sự phát triển doanh nghiệp;

Gián đoạn sản xuất do bị cắt điện thường xuyên nên giảm lợi nhuận;

Mâu thuẫn nhà cung cấp năng lượng và doanh nghiệp sử dụng năng lượng cũng như cộng đồng dân cư xung quanh doanh nghiệp;

Các quy định ngày càng nghiêm ngặt của pháp luật về tiết kiệm năng lượng.

Tăng nhu cầu về các sản phẩm và công nghệ tiết kiệm năng lượng.

 Tiết kiệm năng lượng mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Việc sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt rủi ro và tăng lợi nhuận cho các công ty.

Việc sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt rủi ro và tăng lợi nhuận.

Lợi ích kinh tế:

Giảm chi phí vận hành;

Giảm các tác động do giá năng lượng tăng và thiếu điện;

Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm;

Nâng cao uy tín với các khách hàng, chính phủ và cộng đồng.

Lợi ích môi trường:

Nâng cao khả năng tuân thủ luật pháp và các mục tiêu của ISO 14001;

Cải thiện công tác bảo vệ môi trường;

Giảm phát thải khí nhà kính CO2;

Giảm phát thải bụi, khí độc do đốt nhiên liệu hóa thạch;

Cải thiện sức khoẻ, an toàn và tinh thần làm việc của người lao động do môi trường làm việc của công nhân do ít nóng, ít bụi hơn.

Theo VNCPC

Ra mắt gạch lát xuyên nước thân thiện môi trường

Sản phẩm gạch lát xuyên nước là loại vật liệu thân thiện với môi trường giúp giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm thiểu tình trạng ngập úng, dưỡng ẩm duy trì phát triển hệ sinh thái tự nhiên như cây xanh, thảm cỏ.

Những năm gần đây, quá trình bê tông hóa đô thị diễn nhanh chóng gây ra không ít hệ lụy cho môi trường tự nhiên và xã hội như: hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, ngập úng, ô nhiễm, sụt giảm nguồn nước ngầm, sụt lún nền đất đô thị, tiêu diệt sinh vật tự nhiên trong lòng đất – TS Nguyễn Quang Cung – Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, cho biết khi trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng.

Gạch lát xuyên nước bổ sung lượng nước ngầm tại các khu đô thị, dưỡng ẩm duy trì phát triển hệ sinh thái tự nhiên như cây xanh, thảm cỏ.

Để khắc phục vấn đề này, một số quốc gia phát triển tại Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã áp dụng sản phẩm gạch lát xuyên nước dùng làm đường giao thông, bãi đỗ xe, vỉa hè, sân công cộng và các công trình ngoài trời khác.

Theo TS Nguyễn Quang Cung, đây là loại vật liệu thân thiện với môi trường, đáp ứng được yêu cầu chịu tải trọng trong khi cho phép nước mưa xuyên qua, thẩm thấu xuống lòng đất tự nhiên, một mặt giúp giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm thiểu tình trạng ngập úng, duy trì nguồn nước ngầm, bảo vệ sự sống của sinh vật trong lòng đất…

Những tính năng nổi trội của gạch lát xuyên nước thế hệ mới.

“Hầu hết hệ thống thoát nước của các thành phố và đô thị lớn đều sử dụng vật liệu truyền thống như bê tông cho cống thoát nước, gạch block cho vỉa hè, bãi đỗ xe, là những loại vật liệu không giải quyết được vấn đề ngập úng trong mùa mưa do cấu trúc đặc chắc nên nước không thoát qua”, TS Nguyễn Quang Cung cho biết và đánh giá cao sản phẩm gạch lát xuyên nước mà Cty CP Gạch Khang Minh vừa giới thiệu ra thị trường mới đây.

Việc ứng dụng gạch lát xuyên nước sẽ góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra trong phát triển đô thị tại Việt Nam. Sau một thời gian nghiên cứu và đầu tư dây chuyền sản xuất, Cty CP Gạch Khang Minh đã sản xuất thành công sản phẩm gạch lát xuyên nước theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đa dạng sản phẩm cho nhiều công trình trong thi công xây dựng.

Cùng với việc thực hiện đầu tư nhà máy thứ 2 với công suất 180 triệu viên gạch xây không nung, nâng gấp đôi năng suất hiện tại, Cty CP Gạch Khang Minh cũng dự phóng đầu tư thêm dây chuyền sản xuất gạch lát xuyên nước với quy mô lớn. Khang Minh đang thực hiện chiến lược phát triển trở thành nhà sản xuất Vật liệu xây dựng xanh hàng đầu Việt Nam.

Theo moitruong.com.vn

Thiết bị thông minh giúp tạo ra nước uống từ không khí 

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, bạn hoàn toàn có thể tạo ra nước uống sạch ngay từ trong không khí nhờ thiết bị thông minh, thậm chí ở vùng sa mạc khô cằn nhất.

Ngay cả ở những nơi khô cằn nhất trên Trái đất thì phương pháp chiết xuất từ độ ẩm ít ỏi trong không khí là cách duy nhất để tồn tại trong hoàn cảnh thiếu nước trầm trọng. Và hiện nay, các nhà nghiên cứu tại MIT đã chứng minh rằng có một hệ thống có thể có tác dụng.

Thiết bị mới, dựa trên một nền tảng mà nhóm nghiên cứu đề xuất lần đầu tiên vào năm ngoái, đã được thử nghiệm trên thực tế trong điều kiện không khí khô khan tại thành phố Tempe, Arizona, khẳng định tiềm năng của phương pháp mới này. Mặc dù vậy, thiết bị vẫn còn nhiều chỗ cần phải cải thiện và nâng cấp.

Nghiên cứu mới được công bố ngày 22/3 trên tạp chí Nature Communications bao gồm một số cải tiến đáng kể so với khái niệm ban đầu mà đã được mô tả vào năm ngoái trong một bài báo trên tạp chí Science.

Các nhà nghiên cứu tại MIT đã phát triển một thiết bị mới có khả năng hút ẩm từ không khí rất khô. Ảnh: Theo Science Daily

Evelyn Wang, giáo sư Gail E. Kendall thuộc Bộ Cơ khí, tác giả cấp cao của cả hai bài báo, ông Sameer Rao thuộc MIT và cựu nghiên cứu sinh Hyunho Kim, là những tác giả chính của bài báo mới nhất, cùng với bốn người khác ở MIT và Đại học California tại Berkeley.

Bà Wang nói rằng bài báo năm ngoái đã thu hút rất nhiều sự chú ý. “Có khá nhiều ý kiến cường điệu và một số lời chỉ trích. Bây giờ, tất cả các câu hỏi được đặt ra từ thời gian qua đến nay đã được minh chứng rõ ràng trong bài báo này.”

Các nhà nghiên cứu cho biết, hệ thống, dựa trên các vật liệu công nghệ cao mới có tên là MOFs, có thể chiết xuất nước uống từ những vùng khô cằn nhất trong không khí sa mạc, với độ ẩm tương đối thấp tới 10%.

Các phương pháp chiết xuất nước từ không khí đòi hỏi mức độ cao hơn nhiều – độ ẩm 100% đối với phương pháp thu hái sương, và trên 50% đối với hệ thống làm lạnh nước thu hoạch từ sương, đòi hỏi phải có một lượng lớn năng lượng để làm mát. Vì vậy, hệ thống mới có khả năng đáp ứng nhu cầu về nước ngay cả ở những khu vực khô hạn nhất thế giới.

Bà Wang còn cho biết, nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm thực địa tại một nơi đại diện cho những khu vực khô cằn nhất và kết quả cho thấy rằng chúng ta có thể thu hoạch được nước, ngay cả ở các điểm sương mù dưới đáy biển.

Các nhà nghiên cứu cho biết thiết bị kiểm tra chỉ được cung cấp năng lượng bởi ánh sáng Mặt trời, và mặc dù nó là một thiết bị thử nghiệm, nếu tăng sản lượng thì sẽ tương đương với hơn một phần tư lít nước mỗi ngày.

Theo ông Hyunho Kim, với sự lựa chọn vật liệu tối ưu, sản lượng có thể gấp 3 lần so với phiên bản hiện tại. Bà Wang nói: “Không giống bất kỳ phương pháp nào khác để chiết xuất nước từ không khí với độ ẩm thấp, với cách tiếp cận này, bạn thực sự có thể làm được, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt.”

Nhưng những hệ thống này khiến máy bơm và máy nén có thể bị mòn, trong khi không có bộ phận chuyển động, nó có thể được vận hành một cách hoàn toàn thụ động ở những nơi có độ ẩm thấp nhưng lượng ánh sáng mặt trời lớn.

Trong khi nhóm nghiên cứu trước đây mô tả khả năng vận hành hệ thống một cách thụ động, ông Rao nói, “bây giờ chúng tôi đã chứng minh được rằng điều này thực sự có thể”. Phiên bản hiện tại chỉ có thể hoạt động trong một chu kỳ đêm và có ánh sáng Mặt trời, nhưng cũng có thể hoạt động liên tục bằng cách sử dụng các nguồn nhiệt độ thấp như sinh khối và nhiệt thải.

Ông Rao cho biết thêm: “Chúng tôi hy vọng sẽ có một thiết bị có khả năng sản xuất ra hàng lít nước”. Những hệ thống kiểm tra nhỏ ban đầu này chỉ được thiết kế để tạo ra một vài mililit. Hiện nay, ý tưởng là sản xuất các đơn vị đủ cung cấp nước cho các hộ gia đình cá nhân”.

Nhóm nghiên cứu kiểm tra nước từ thiết bị sản xuất và không tìm thấy dấu vết tạp chất. Thử nghiệm quang phổ khối cho thấy “không có gì khác lạ từ thiết bị rớt vào trong nước”, bà Wang nói. “Nó cho thấy thiết bị vận hành thực sự là rất ổn định, và chúng ta hoàn toàn có thể có được loại nước chất lượng cao.”

Theo moitruong.com.vn

Cạnh tranh và đổi mới: Doanh nghiệp cần sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu

Theo số liệu thống kê, các nước công nghiệp trên thế giới đang sử dụng từ 31 – 74 tấn vật liệu/người/năm. Trong tương lai, khả năng tiếp cận những nguồn tài nguyên này càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu được xem như một yếu tố quan trọng trong cạnh tranh và đổi mới. 

Tình hình sử dụng tài nguyên của nền kinh tế thế giới.

Từ năm 1980 đến năm 2005, 4 nhóm tài nguyên (bao gồm những vật liệu được sử dụng) là: nhiên liệu hóa thạch; quặng kim loại; khoáng sản công nghiệp, xây dựng; và sinh khối (từ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản).

Biểu đồ cho thấy việc khai thác những nguồn tài nguyên thay đổi đều trong vòng 25 năm, từ 40 tỷ tấn năm 1980 đến 58 tỷ tấn năm 2005, với tốc độ tăng trưởng tích lũy 45%. Tuy nhiên, tốc độ này phân bố không đều giữa các nhóm vật liệu chính. Khai thác quặng kim loại tăng nhiều nhất (hơn 65%), cho thấy tầm quan trọng liên tục của nhóm tài nguyên này đối với phát triển công nghiệp. Khai thác sinh khối tăng dưới đường cong của các nhóm khác. Do vậy, tỷ lệ những nguồn tài nguyên tái tạo trong tổng khai thác tài nguyên đang giảm trên toàn thế giới.

Hiệu quả sử dụng vật liệu trong sản xuất công nghiệp tập trung vào lượng vật liệu nhất định cần để sản xuất ra một sản phẩm nhất định. Hiệu quả sử dụng vật liệu có thể được nâng cao bằng cách giảm lượng vật liệu chứa trong sản phẩm cuối cùng (giảm trọng) hoặc giảm lượng vật liệu tham gia vào quá trình sản xuất nhưng lại bị thải bỏ.

 Ba thành phần của sử dụng hiệu quả vật liệu có thể được nhận định như sau:

  • Giảm trọng trong quá trình sản xuất;
  • Giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất;
  • Tái chế vật liệu trong chu trình sản xuất – tiêu thụ;

Theo chu trình sản xuất – tiêu thụ công nghiệp, hiệu quả sử dụng vật liệu liên quan tới lượng tài nguyên cần thiết để sản xuất ra một lượng sản phẩm nhất định, vật liệu thải sau khi tiêu thụ xong được tái chế và quay trở lại để sản xuất.

Vì sao sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu mang lại lợi ích cho doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Có rất nhiều ích lợi đem lại từ việc nâng cao hiệu quả sử dụng vật liệu:

Sử dụng hiệu quả sử dụng vật liệu liên quan tới lượng tài nguyên cần thiết để sản xuất ra một lượng sản phẩm nhất định, vật liệu thải sau khi tiêu thụ xong được tái chế và quay trở lại để sản xuất.

Đầu tiên, các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ được sử dụng một cách hiệu quả nhất kéo theo lượng tài nguyên được dự trữ tốt hơn, đảm bảo dễ tiếp cận trong việc sử dụng tài nguyên và có chi phí rẻ nhất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sống, do đó những nguồn tài nguyên này sẽ khả dụng cho các thế hệ sau. Việc cạn kiệt các nguồn tài nguyên cản trở sự phát triển, cho nên việc bảo tồn những nguồn tài nguyên này còn đem lại nhiều lợi ích khác.

Thứ hai, giảm nhu cầu sử dụng nguyên liệu thô sẽ làm giảm những tác động của việc khai thác nguyên liệu thô, bao gồm cả những ảnh hưởng về mặt môi trường và xã hội.

Thứ ba là tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải nhà kính. Việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thì lượng tài nguyên đi vào sản phẩm nhiều hơn dẫn đến định mức tiêu hao năng lượng và nhiên liệu để sản xuất ra một sản phẩm giảm xuống. Và, việc tái chế nguyên liệu có thể tiết kiệm hầu hết năng lượng cần thiết cho tinh chế và xử lý.

 Thứ tư, hiệu quả sử dụng nguyên liệu tăng dẫn đến giảm lượng nguyên liệu thải ra các bãi chôn lấp hoặc đốt, giảm diện tích đất sử dụng, giảm ô nhiễm nước, không khí và các tác động tiêu cực khác từ việc quản lý chất thải.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả thu gom và tái chế chất thải, đặc biệt đối với bao bì đồ uống và túi nhựa có thể làm giảm lượng rác thải ra đất và nước và trong một số trường hợp còn giảm sự tắc nghẽn của hệ thống thoát nước. Trên thực tế, giảm lượng rác vứt bừa bãi nhằm phục vụ cho nhu cầu mĩ quan là một động lực chính cho cơ chế tái chế chất thải đô thị ở nhiều khu vực.

Doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu bằng cách nào?

Phân tích dòng nguyên liệu là một cách tiếp cận hệ thống nhằm mục đích:

  • Đưa ra tổng quan về nguyên liệu được sử dụng trong doanh nghiệp
  • Xác định điểm đầu, thể tích và các nguyên nhân phát sinh chất thải và khí thải
  • Thiết lập cơ sở đánh giá và dự báo cho việc phát triển trong tương lai
  • Xác định chiến lược cải thiện tình hình chung

Cách tốt nhất để xác định mục tiêu là bắt đầu phân tích dòng nguyên liệu trong toàn bộ doanh nghiệp. Đầu tiên, phân tích đầu vào/đầu ra toàn diện sẽ trả lời các câu hỏi sau:

Cạn kiệt các nguồn tài nguyên cản trở sự phát triển, cho nên việc bảo tồn những nguồn tài nguyên này còn đem lại nhiều lợi ích khác.

  • Những nguyên liệu nào được sử dụng trong doanh nghiệp?
  • Bao nhiêu nguyên liệu được chế biến?
  • Giá trị về mặt kinh tế của chúng là gì?
  • Bao nhiêu chất thải và khí thải thải bỏ ra ở cuối quy trình sản xuất?

Mục tiêu là vẽ được một bản đồ rõ ràng về sơ đồ quy trình của công ty nhằm hiểu rõ cách hệ thống vận hành – nghĩa là, ai và cái gì tham gia vào quy trình và làm gì trong quy trình. Bản đồ sẽ giúp hiểu rõ nơi vật liệu được sử dụng và định vị. Dòng quy trình bao gồm cả chuỗi hoạt động thực hiện ở doanh nghiệp và những hoạt động bên ngoài có thể tác động tới công ty, từ những sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp mua, tới những sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

VNCPC

VNCPC hỗ trợ doanh nghiệp Myanmar thực hiện Chương trình Sử dụng hiệu quả tài nguyên và SXSH

Mới đây, 10 doanh nghiệp tại Myanmar đã được lựa chọn để tham gia Chương trình Sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP). Chương trình do Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) phối hợp cùng Sofies (Thụy Sỹ) thực hiện.

Các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở thủ đô Yangon và thành phố Mandalay, với các ngành nghề kinh doanh khác nhau như: chế biến thủy sản, chế biến sữa, nhựa, xi măng, rượu, chế biến gạo, bánh kẹo và khách sạn.

Từ năm 2013, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) bắt đầu xúc tiến hỗ trợ thực hiện Chương trình Sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn bằng các hoạt động như đào tạo, nâng cao năng lực cho các chuyên gia, cán bộ nhà nước và doanh nghiệp.

Chuyên gia VNCPC đánh giá hiệu quả chiếu sáng trong khu vực chế biến sản phẩm tại doanh nghiệp.

Sau khi đào tạo và nâng cao năng lực, dự án đã lựa chọn được 10 doanh nghiệp tại Myanmar để hỗ trợ đánh giá RECP chuyên sâu, do VNCPC phối hợp cùng Sofies (Thụy Sỹ) triển khai. Thời gian thực hiện, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2018, với 2 đợt đánh giá tại nhà máy và hoạt động tổ chức hội thảo phổ biến thông tin.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Myanmar, đây là lần đầu tiên được tiếp cận với chương trình RECP. Vì vậy, các chuyên gia đều đánh giá rằng: tiềm năng tiết kiệm năng lượng, hóa chất, nước và nguyên vật liệu của các doanh nghiệp là rất lớn.

Theo đó, ngay sau khi nhận được báo cáo tư vấn đợt 1 của các chuyên gia, các doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào việc thực hiện các giải pháp đơn giản, với chi phí đầu tư thấp như: bảo ôn, điều chỉnh thông số dây chuyền lạnh, vệ sinh dàn ngưng, điều chỉnh đầu đun nhựa… và đã thu lại được những kết quả rất tích cực. Thậm chí, không ít doanh nghiệp đã lên kế hoạch thay đổi dây chuyền, máy móc sang sử dụng thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng cao và hiệu quả hơn.

Chuyên gia VNCPC cùng cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hệ thống dàn ngưng lạnh.

Bà Naing Naing Linn – Giám đốc Ban Hiệu quả và Bảo tồn năng lượng – Tổng cục Hợp tác Công nghiệp (Bộ Công nghiệp Myanmar) sau chuyến đi thị sát cùng đoàn công tác đã đánh giá rất cao hiệu quả của chương trình và mong muốn rằng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều dự án tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp Myanmar trong việc Sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn.

VNCPC