Cần có cơ chế tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sạch hơn

Sản xuất sạch hơn (SXSH) là xu thế chung của nền sản xuất toàn cầu. Do đó, việc áp dụng các biện pháp SXSH không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn vì lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn có những hiểu biết chưa đúng về SXSH.

Nhiều DN chưa mặn mà với việc đầu tư cho SXSH, vì cho rằng, đầu tư SXSH làm tăng chi phí sản xuất, không đem lại lợi ích kinh tế mà còn làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm… Nhân dịp Xuân Nhâm Tuất 2018, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Trần Văn Nhân – Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm SXSH Việt Nam (VNCPC), đơn vị tư vấn, đào tạo và xây dựng mạng lưới các chuyên gia nòng cốt về SXSH trên cả nước để hiểu hơn việc thúc đẩy thực hiện Chiến lược SXSH trong thời gian tới.

PV: Xin ông cho biết đôi nét về hoạt động của VNCPC thời gian qua?

PGS. TS. Trần Văn Nhân: Là một đơn vị thành viên trong hệ thống DN khoa học công nghệ (BK Holdings) của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trong thời gian qua, VNCPC đã tập trung thúc đẩy áp dụng tiếp cận “Hiệu quả tài nguyên và SXSH” (RECP) vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam, nhằm góp phần vào hiện thực hóa mục tiêu “Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm” – mục tiêu thứ 12 trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững do Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc đưa ra. VNCPC đã hợp tác với các đối tác quốc tế và trong nước thành lập liên danh tham gia các đợt tuyển chọn Dự án hàng năm của các nhà tài trợ quốc tế.

Dự án “Sống và làm việc bền vững tại Việt Nam (GetGreen Vietnam)” đã giúp thay đổi hành vi của hàng triệu người tiêu dùng.

Trong những năm qua, chúng tôi đã hoàn thành tốt các dự án: Đổi mới sản phẩm bền vững (SPIN) ở Việt Nam, Lào và Campuchia do trường Đại học Công nghệ Delft chủ trì với sự hợp tác của UNEP, VNCPC, AITVN, LNCCI và CCPO tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) (4/2010 – 4/2014); Dự án “Sống và làm việc bền vững tại Việt Nam (GetGreen Vietnam)” do trường Đại học công nghệ Delft chủ trì với sự hợp tác của VNCPC và AITVN, tài trợ bởi EU (4/2012 – 4/2015); Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững do VNCPC/ĐHBKHN chủ trì với sự hợp tác của VASEP, WWF Việt Nam và WWF Áo, tài trợ bởi EU (4/2013 – 4/2017); Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì nền sản xuất phát thải các bon thấp ở Việt Nam, tập trung vào hai ngành chế biến gạo và cà phê VNCPC hợp tác với Sofies (Thụy Sỹ) do SECO Thụy Sỹ tài trợ thông qua UNIDO (2013 – 2016); Hợp phần “Xây dựng năng lực và đánh giá RECP tại các doanh nghiệp tham gia dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do SECO và GEF tài trợ thông qua UNIDO. Hợp đồng ký với UNIDO (2016 – 2018).

PV: Là đối tác tham gia thực hiện Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam tại các KCN đã được lựa chọn”, VNCPC đã triển khai các hoạt động như thế nào, thưa ông?

PGS. TS. Trần Văn Nhân: Thực hiện việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và SXSH là giải pháp cơ bản trong xây dựng mô hình KCN sinh thái. Sự tham gia tích cực của các DN trong KCN vào các hoạt động của Dự án là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công.

Do đó, việc đầu tiên là chọn đúng đối tượng có quan tâm đến hoạt động về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và SXSH trong số DN hoạt động trong các KCN tham gia. Dự án triển khai tại 3 địa phương, KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (TP. Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc (TP. Cần Thơ). Theo đó, các DN tham gia hoàn toàn tự nguyện dựa theo các tiêu chí: Mức độ hợp tác của DN; Tiềm năng về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và SXSH; Tác động môi trường do hoạt động của DN gây ra; Điều kiện cơ sở hạ tầng; Tài chính.

Cán bộ VNCPC trực tiếp thu thập các thông tin, dữ liệu từ nhà máy.

Hoạt động đầu tiên về RECP là tập huấn cho cán bộ quản lý và kỹ thuật của DN, cán bộ của ban quản lý KCN được tổ chức tập trung tại từng địa phương. Những cán bộ DN tham gia tập huấn sẽ đóng vai trò nòng cốt nhóm RECP của chính DN mình. Sau đó, các học viên sẽ triển khai thực hiện Chương trình đánh giá RECP tại DN của mình với sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia VNCPC. Dự án mong muốn họ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động thực hiện RECP tại DN.

Việc thực hiện Chương trình đánh giá RECP tại DN được chia thành 4 đợt, mỗi đợt cách nhau ít nhất 1 tháng. Các chuyên gia của VNCPC làm việc tại DN 2 ngày/đợt, hướng dẫn nhóm RECP thực hành các bước trong phương pháp luận đánh giá RECP một cách hệ thống, theo điều kiện thực tế của từng DN. Bắt đầu từ nhận diện vấn đề và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các vấn đề cần giải quyết → phân tích nguyên nhân → đề xuất giải pháp SXSH → phân loại các giải pháp và nghiên cứu khả thi → thực hiện các giải pháp SXSH → giám sát và đánh giá kết quả, cuối cùng nhân rộng – duy trì kết quả Chương trình.

Đến nay, Dự án đã đào tạo tập trung được 214 cán bộ của 89 DN, 3 Ban Quản lý KCN và đào tạo tại DN cho 240 người. Đồng thời, Dự án đã hoàn thành việc hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật giúp 46 DN hoàn thành Chương trình đánh giá RECP. Việc thực hiện các giải pháp SXSH mang lại những lợi ích đáng kể về giảm tiêu hao tài nguyên, tác động môi trường và kinh tế, đồng thời góp phần đáng kể vào cải thiện điều kiện làm việc, an toàn sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động. Về lâu dài, những kết quả trên sẽ giúp các DN nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Theo đánh giá RECP, tổng đầu tư của 46 DN trong 3 KCN thực hiện các giải pháp SXSH là khoảng 152 tỷ đồng. Trong đó, lợi ích kinh tế khi thực hiện các giải pháp SXSH giúp tiết kiệm 48 tỷ đồng, từ việc giảm suất tiêu thụ năng lượng, nước, nguyên vật liệu và hóa chất phục vụ sản xuất, cụ thể là giảm tiêu hao 9.992.418 kWh điện; 5.040 tấn than, 17 tấn gas và 74 tấn củi và trấu; 184.540 m3 nước; 2.669 tấn nguyên vật liệu; và 10,6 tấn hóa chất. Về mặt môi trường, giảm lượng chất thải phát sinh và phát thải hàng năm gồm 184.540 m3 nước thải; 40.737 kg COD; 14.162 tấn phát thải CO2; 2.669 tấn chất thải rắn…

Ngoài những lợi ích trên, kết quả đánh giá RECP cũng cho thấy hiện có các cơ hội tuần hoàn và tái sử dụng chất thải giữa các DN trong KCN (tái sử dụng nước thải sau khi đã được sử dụng đạt loại A của tiêu chuẩn xả thải, hoặc sử dụng nhiệt thải của DN này cấp cho DN khác; sử dụng chất thải rắn của Nhà máy giấy để sản xuất ra một sản phẩm phụ hữu ích…).

PV: Tuy nhiên hiện nay, rào cản lớn nhất đối với SXSH ở Việt Nam chính là do các DN chưa nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH vào sản xuất kinh doanh. Để các DN Việt Nam quan tâm hơn đến SXSH, theo ông Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi gì?

PGS. TS. Trần Văn Nhân: Để các DN quan tâm hơn đến SXSH, bên cạnh các cơ sở pháp lý, cần có biện pháp quảng bá rộng rãi các kết quả thực hiện SXSH của DN đi trước như một “tư liệu marketing”. Ngoài những giải pháp SXSH có thể thực hiện ngay do không đòi hỏi DN phải bỏ ra chi phí hoặc chi phí ít, Nhà nước cần quan tâm hơn đến việc xây dựng các nguồn tài chính và cơ chế hỗ trợ DN đầu tư thực hiện các dự án theo Chiến lược SXSH.

Từ thực tiễn hoạt động của Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) trong 10 năm qua, mà VNCPC là đơn vị tư vấn và điều phối, cho thấy đối với DN vừa và nhỏ thì thiếu nguồn tài chính là một trong các rào cản lớn nhất để đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện hơn với môi trường, được xem là loại giải pháp SXSH mang lại tác động dài hơi nhất. Đồng thời, Nhà nước cũng cần tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế như: thuế, phí… vào quản lý môi trường công nghiệp để tạo động lực mạnh mẽ hơn cho sự thay đổi từ phía doanh nghiệp.

PV: Nhân dịp này ông có đề xuất, kiến nghị gì đối với các cơ quan chức năng?

PGS. TS. Trần Văn Nhân: Theo tôi, để đẩy mạnh việc thực hiện SXSH, Bộ Công Thương cần giám sát và đôn đốc quyết liệt hơn các DN trong thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 và Kế hoạch hành động của ngành thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia. Đồng thời, yêu cầu các DN đưa nội dung thực hiện các Chiến lược này vào Báo cáo kết quả sản xuất – kinh doanh hàng năm. Về phía ngành TN&MT, cần đẩy mạnh việc thi hành nghiêm các quy định của luật pháp về BVMT, tạo ra động lực thúc đẩy các DN áp dụng các giải pháp SXSH, đặc biệt là giải pháp đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện hơn với môi trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phạm Đình (Thực hiện)

Ô nhiễm không khí còn nguy hiểm hơn cả bệnh di truyền

Mọi người thường sợ hãi trước nguy cơ gia tăng các chứng di truyền thừa kế từ các bậc cha mẹ, tuy nhiên, các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí nguy hiểm hơn nhiều so với nguy cơ mắc các chứng bệnh do di truyền.

Ô nhiễm không khí làm thay đổi biểu hiện của các gen chứ không phải làm biến đổi các gen. Gây hậu quả tai hại nhất là chất sulfur dioxide. Nó ảnh hưởng đến 170 gen liên quan đến bệnh hen suyễn và các bệnh về tim mạch – theo Motthegioi.

Các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu ung thư tại Ontario (Canada) đã đi đến kết luận trên sau khi phân tích mức độ ô nhiễm ở TP.Montreal và các khu vực kém đô thị hóa hơn ở Canada, cũng như hồ sơ di truyền của hơn 1.000 cư dân địa phương. Các nhà nghiên cứu cũng tính đến sự hiện diện của ni tơ dioxite, sulfur dioxide và ô zôn trong không khí cũng như các hạt rắn có thể xâm nhập sâu vào phổi.

Ô nhiễm không khí làm thay đổi biểu hiện của các gen chứ không phải làm biến đổi các gen.

Kết quả là ở các thành phố lớn tỷ lệ mắc bệnh cao hơn đáng kể so với ở vùng nông thôn. Và sự biểu hiện của các gen, đặc biệt là các gen liên quan đến chức năng của phổi, đã thay đổi nhiều hơn ở nhóm cư dân của các thành phố lớn nơi có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Hơn 5,5 triệu người chết mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí

Theo thống kê của Viện Max Planck trên tạp chí Nature, hơn 5,5 triệu người chết mỗi năm do bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí. Bắc Kinh cũng đã 2 lần phát đi báo động đỏ vì những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo thống kê của Viện Max Planck trên tạp chí Nature, hơn 5,5 triệu người chết mỗi năm do bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí.

Thông tin trên Trang Suckhoevadoisong cho rằng ở Việt Nam, với ngưỡng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, người dân đang phải đối mặt với những nguy hại trực tiếp đến sức khỏe, đặc biệt tại những khu vực đông dân cư như Hà Nội, TP.HCM. Vậy ô nhiễm không khí đang tiềm tàng gây ra những căn bệnh hiểm nghèo nào?

Tăng huyết áp: Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức tìm hiểu ảnh hưởng của không khí ô nhiễm lên huyết áp người dân năm 2000 – 2003 cho thấy loại ô nhiễm này đang là kẻ thù giấu mặt của bệnh tim – căn bệnh đang có xu hướng gia tăng ở cư dân đô thị. Khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong một thời gian dài, huyết áp tăng lên rõ rệt. Ở nữ giới, bệnh tăng huyết áp do ô nhiễm không khí cao hơn ở nam giới. Thống kê cho thấy có khoảng 10 triệu người Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp trong năm 2014 và con số này không ngừng tăng lên theo từng năm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng như xuất huyết não, suy thận, xuất huyết võng mạc…

Tự kỷ và bệnh tâm thần phân liệt: Theo một nghiên cứu mới đây thì việc tiếp xúc sớm với ô nhiễm không khí gây ra các biến đổi có hại ở não, tương tự như những gì chúng ta quan sát được ở bệnh tự kỷ hay tâm thần phân liệt. Một nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Rochester, Mỹ đã thí nghiệm trên 40 con chuột trong 270 ngày khi đặt chúng giữa môi trường ô nhiễm mức độ trung bình như mức độ ô nhiễm ở một thành phố. Kết quả cho thấy não chuột lớn dần lên, khiến tế bào não bị tổn thương, mà nguyên nhân có thể xuất phát từ ô nhiễm không khí, hậu quả dẫn đến căn bệnh tự kỷ và rối loạn tâm thần. Đối với con người, tâm thần phân liệt khiến người bệnh rối loạn khả năng tư duy, mất ý thức muốn làm việc, dần dần trở nên cách ly với xã hội.

Béo phì: Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây kết luận rằng hít thở thường xuyên không khí ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chuyển hóa gây ra các bệnh tiểu đường, béo phì. Một nghiên cứu được thực hiện trước đó tại miền Nam bang California cũng cho thấy nơi có mật độ dân số cao và không khí ô nhiễm nặng nề, chỉ số cân nặng của người dân thường cao hơn so với các khu vực khác. Một nghiên cứu khác được thực hiện tại New York cũng chỉ ra ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến việc mang thai cũng như chứng béo phì ở trẻ em. Tại Việt Nam khoảng 25% người trưởng thành mắc bệnh béo phì. Và tình trạng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành đang có xu hướng ngày càng phổ biến. Nguyên nhân có thể có nhiều nhưng không thể loại trừ nguyên nhân do ô nhiễm không khí.

Viêm tai giữa: Không khí ô nhiễm, bụi bẩn, sống trong môi trường khói thuốc là những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tai giữa, đặc biệt là ở trẻ em. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm tai giữa tăng lên từng năm, từ 441 trường hợp năm 1996 vào lên 1.999 trường hợp vào năm 2005.

Viêm tai giữa nếu không được điều trị có thể gây thủng màng nhĩ, nhiễm trùng, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch, gây tê liệt dây thần kinh số 7.

Làm gì để giảm ô nhiễm không khí?

Trước tình trạng “mở mắt đã ngửi thấy mùi ô nhiễm” tại các thành phố lớn, chúng ta cần làm gì để ô nhiễm không khí không còn là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu?

Hãy thực hiện những việc hết sức đơn giản như đeo khẩu trang khi ra ngoài, sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài.

Trước hết, hãy thực hiện những việc hết sức đơn giản như đeo khẩu trang khi ra ngoài, sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đại tiểu tiện, thay quần áo và tắm gội ngay khi về nhà.

Đóng cửa kính khi đi xe ô tô, đóng kín cửa tại các khu tập trung đông dân. Hạn chế ở ngoài trời vào giờ cao điểm, tránh tập thể dục ngoài trời khi mức độ ô nhiễm cao. Tận dụng không gian quanh nhà để trồng thêm cây xanh nếu có điều kiện. Trồng cây xanh ở nơi có mật độ dân cư đông sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí khi nó hấp thu khí độc như NO2, CO2, CO.

Ai cũng biết ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người. Nhưng dường như việc tự cá nhân đi khám chữa bệnh do ô nhiễm thì dễ dàng hơn toàn thể nhân loại chung tay bảo vệ môi trường. Con người chúng ta mới chỉ dừng ở mức nhận thức, đến lúc bắt đầu hành động thì có lẽ đã quá muộn rồi!

Theo moitruong.com.vn

Thử nghiệm thành công tàu không xả khí thải, thân thiện với môi trường

Đoàn tàu chở khách mang tên Coradia iLint, không xả khí thải của Đức đã đưa vào chạy thử nghiệm thành công và được kỳ vọng là một bước ngoặt thay đổi toàn bộ ngành đường sắt trên toàn thế giới.

Cụ thể, đầu tháng 3/2017, tàu hỏa Coradia iLint được hoàn thiện và bắt đầu các thử nghiệm ban đầu ngay tại nhà máy của công ty Alstom ở miền Bắc nước Đức, trên đường ray thử nghiệm Salzgitter với vận tốc khoảng 80 km/h. Sau đó, các kỹ sư của Alstom tiếp tục cải tiến và hoàn thiện để nó đạt vận tốc lên tới 140 km/h vào đầu năm 2018, trên tuyến đường sắt Buxtehude – Bremerhaven – Cuxhaaven.

Các nhà sản xuất cho biết, với bồn chứa đầy hiđrô, Coradia iLint có thể chạy được từ 600 – 800 km/ngày.

Trong suốt quá trình thử nghiệm ban đầu, Coradia iLint đã được kiểm tra an toàn đối với tất cả các hệ thống để xác định sự ổn định và kết hợp hoàn thiện giữa các hệ thống với nhau, giữa pin lithium ion và nhiên liệu, giữa hệ thống phanh bằng khí nén và điện.

Theo đó, Coradia iLint di chuyển được là nhờ những khối pin lithium ion rất lớn, nhận năng lượng từ thùng nhiên liệu hydro đặt trên nóc con tàu. Khi khí hiđrô được đốt cùng ôxi sẽ tạo ra một nguồn năng lượng lớn và sản phẩm cuối cùng của phản ứng cháy này là nước. Hydro là một sản phẩm phụ từ ngành công nghiệp, rất thích hợp để tái sử dụng. Trong tương lai, Alstom dự kiến sẽ thay thế khí hydro từ sản phẩm phụ công nghiệp bằng khí hydro được tạo ra bằng năng lượng tái tạo, từ gió tự nhiên.

Các nhà sản xuất cho biết, với bồn chứa đầy hiđrô, Coradia iLint có thể chạy được từ 600 – 800 km/ngày, tùy thuộc vào việc vận chuyển hành khách, hàng hóa, hay như có nhiều điểm dừng, độ dốc cao hoặc đặc điểm địa hình khiến mức tiêu thụ năng lượng nhiều hơn.

Ưu điểm nổi bật nhất của Coradia iLint là không xả khí thải mà chỉ có hơi nước và nước ngưng tụ, nên nó sẽ góp phần giảm tối đa các chất thải công nghiệp, góp phần BVMT. Ngoài ra, khi hoạt động, Coradia cũng không gây ra tiếng ồn, hiệu suất hoạt động rất cao và an toàn.

Theo tapchimoitruong.vn

Biến dầu ăn thành vật liệu cứng hơn thép

Các nhà khoa học Úc vừa tạo ra vật liệu Graphene từ dầu ăn có rất nhiều đặc tính ưu việt, nó cứng hơn thép 200 lần, cứng hơn cả kim cương nhưng lại vô cùng linh hoạt.

Tạp chí Science Alert dẫn một báo cáo của các nhà khoa học Úc cho biết, họ đã tìm ra cách biến dầu ăn mà con người vẫn dùng hàng ngày thành Graphene, một siêu vật liệu có cực kỳ nhiều ứng dụng. Dưới những điều kiện nhất định, graphene còn có thể biến thành một chất siêu dẫn điện với điện trở bằng không.

Những đặc tính đó của graphene khiến nó có thể được dùng để tạo ra những thiết bị điện tử tốt hơn, các tấm năng lượng mặt trời có hiệu suất cao hơn và thậm chí còn có thể được sử dụng trong y học.

Công nghệ mới của các nhà khoa học Úc cho phép tổng hợp ra được vật liệu Graphene trong điều kiện nhiệt độ phòng thông thường và với nguyên vật liệu chỉ là dầu ăn mà thôi.


Một mảnh graphene được tạo ra từ dầu ăn.

Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí để sản xuất Graphene so với cách thông thường trước kia. Chi phí để tạo ra loại vật liệu Graphene theo phương pháp cũ tương đối lớn vì chúng phải được tổng hợp trong các loại máy móc thiết bị đặc biệt, có khả năng tạo ra nhiệt độ cực lớn.

Chưa kể tới việc nguyên liệu tạo ra chúng cũng phải có độ tinh khiết rất lớn khiến cho giá thành của những loại vật liệu Graphene trở nên vô cùng đắt đỏ và khó có thể được ứng dụng rộng rãi trong tương lai gần.

Nói về công nghệ sản xuất Graphene bằng dầu ăn, nhà nghiên cứu Zhao Jun Han, đến từ CSIRO (Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation), tổ chức nghiên cứu độc lập của Chính quyền liên bang tại Australia đã cho biết: “Quy trình chế tạo ra loại vật liệu Graphene này rất nhanh chóng, đơn giản, an toàn và có tiềm năng mở rộng trên quy mô lớn. Chúng tôi hi vọng công nghệ duy nhất hiện nay mà chúng tôi đang nghiên cứu này sẽ giúp giảm giá thành sản xuất vật liệu Graphene, tăng tính ứng dụng thực tiễn của loại vật liệu này trong tương lai.”

Vật liệu Graphene với cấu trúc cacbon hình lục giác trải dải vô cùng bền chắc.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho công nghệ mới này là GraphAir và theo các nhà nghiên cứu mô tả một cách khái quát thì dầu ăn sẽ được nung nóng trong một ống thủy tinh chịu nhiệt trong khoảng 30 phút để chúng tự phân rã và hình thành các khối cacbon mới.

Những khối cacbon này sau đó sẽ được làm nguội và dàn đều trên những tấm kim loại nickel và tạo thành những tấm nguyên liệu Graphene với độ dày chỉ khoảng 1 nanometre mà thôi (nhỏ hơn 80,000 lần so với sợi tóc của con người).

Nhà nghiên cứu Dong Han Seo, một thành viên trong nhóm sáng chế, cho biết, công nghệ này không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình tạo ra vật liệu Graphene mà nó còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất rất nhiều: “Chúng ta nay đã có thể tái chế dầu thải và sử dụng chúng để tạo nên những loại vật liệu vô cùng hữu dụng.”

Theo moitruong.com.vn

Giải pháp nào cho Việt Nam khi không sử dụng túi nilon?

Trong khi nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng từ bỏ túi nilon thì, ở nước ta, việc sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong các hoạt động sinh hoạt xã hội, chủ yếu và đặc biệt là loại túi siêu mỏng, thể hiện sự dễ dãi của cả người cung cấp cũng như người sử dụng. Vậy có giải pháp nào để hạn chế việc sử dụng túi nilon?

Túi nilon cần bao nhiêu năm để phân hủy

Theo các nhà khoa học, túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất từ hàng chục năm cho tới một vài thế kỷ mới được phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên.

Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng.

Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Trong thực tế, nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi ngấm vào nguồn nước sẽ xâm nhập vào cơ thể người gây rối loạn chức năng và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.

Túi nilon làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, túi nilon còn gây mất mỹ quan và cảnh quan. Ô nhiễm môi trường do chất thải túi nilon hiện được các nhà môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

Nhiều quốc gia đang có xu hướng từ bỏ túi nilon.

Xu hướng từ bỏ túi nilon

Cùng với Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất trong những năm qua và ngày càng nhiều quốc gia có xu hướng từ bỏ túi nilon trong cuộc sống hàng ngày – theo VTV.

Ngày càng nhiều quốc gia có xu hướng từ bỏ túi nilon trong cuộc sống hàng ngày, tiến tới một tương lai hoàn toàn không có túi nilon.

Theo những đề xuất đầu năm mới 2018, Thủ tướng Anh Theresa May đang thúc đẩy xóa bỏ hoàn toàn sử dụng nhựa “có thể tránh” vào năm 2042. Thay thế tất cả những thứ có thể thay thế với các vật liệu khác không phải nhựa. Các siêu thị được động viên mở những dãy hàng “không nhựa” riêng. Kế hoạch mới của Chính phủ Anh được đưa ra với mục đích xây dựng một nước Anh xanh và sạch hơn.

Trên khắp châu Âu nói chung, thói quen sử dụng túi nilon cũng đang được thay đổi. Chính phủ nhiều quốc gia bao gồm Luxembourg, Đan Mạch đã áp thuế vào những loại túi sử dụng 1 lần, trong khi đó các siêu thị ở Đức đang tích cực loại bỏ túi nilon, nhựa và thay thế bằng những chất liệu tái sử dụng bền hơn.

Năm 2017, Kenya đã chính thức quy việc sản xuất, sử dụng túi nilon là bất hợp pháp. Điều luật được ban hành khi cả quốc gia Kenya đang sử dụng 24 triệu chiếc túi nilon 1 tháng. Bất cứ ai vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 4 năm tù và phạt 38.000 USD. Hành khách đáp máy bay xuống Kenya nếu có dùng túi miễn thuế mua ở sân bay cũng phải bỏ túi mới được nhập cảnh.

Trong khi đó Zimbabwe cũng có những thay đổi trong chính sách của mình khi cấm hoàn toàn các hộp xốp đựng thức ăn mua về, thay thế bằng những hộp giấy hoặc hộp làm từ bột ngô.

Còn Chính phủ Scotland cấm mua bán và sản xuất những que bông tai nhựa và những sản phẩm nhựa tương tự, vốn thường bị xả ra biển. Giải pháp thay thế là những vật liệu có thể phân hủy được.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Về giải pháp chính sách, xin trở lại với loại giải pháp hành chính là cấm lưu hành và sử dụng túi nilon như Trung Quốc hiện được áp dụng từ ngày 1/6/2008. Điều kiện để áp dụng giải pháp cấm đoán thường được nêu là có chế tài, bộ máy giám sát thực thi tốt, có vật dụng thay thế. Xin bổ sung thêm điều kiện nữa về kinh tế, điều kiện này là quan trọng, mang tính chất quyết định vì một khi thu nhập dân cư còn thấp thì hành vi của người tiêu dùng (cả người sản xuất, phân phối) tất yếu hướng nhiều vào loại hàng hóa, dịch vụ giá rẻ. Trong trường hợp túi nilon giá thì rẻ còn được khuyếch đại lên nhiều bởi tính tiện dụng, kết quả là người tiêu dùng thu nhập thấp lựa chọn túi nilon mặc dù nhận thức được tác hại tới môi trường và sức khỏe, sự cấm đoán sẽ ít tác dụng.

Như vậy, theo Tổng cục Môi trường, đối với chất thải túi nilon nên hướng chủ yếu vào các giải pháp kinh tế. Các loại giải pháp khác (kể cả hành chính) là bổ sung, hỗ trợ. Cần cả 2 loại giải pháp kinh tế là công cụ thị trường và trợ giá.

Về công cụ thị trường, đó là quan hệ cung – cầu và giá cả. Cần tăng cường cung cấp cho thị trường loại túi nilon thân thiện môi trường đồng thời hạn chế sản xuất và cung ứng loại túi nilon khó phân hủy. Năng lực sản xuất loại túi nilon thân thiện môi trường ở nước ta được đánh giá là có khả năng với công nghệ trong nước, đã đưa ra thăm dò thị trường một số năm gần đây nhưng kết quả chưa nhiều vì lý do chưa cạnh tranh được với loại túi nilon khó phân hủy đang thông dụng hiện nay về giá cả. Mặc dù đã có những cố gắng giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn còn cao hơn vài chục phần trăm so với sản xuất loại túi nilon khó phân hủy. Công ty ALTA ở TP Hồ Chí Minh đã sản xuất loại bao bì nhựa có thể tự phân hủy (từ 3 tháng đến lâu hơn tùy theo yêu cầu) từ năm 2003, đã đưa ra thăm dò thị trường và đang xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo người phụ trách kinh doanh Công ty, do giá thành của bao bì nhựa tự hủy cao hơn bao bì nhựa thường từ 15 – 20% nên chưa được các khách hàng trong nước lựa chọn.

Sự trợ giúp này về BVMT phù hợp với chức năng quản lý nhà nước và đã được luật định (Khoản 6, Điều 5; Mục c, khoản 2, Điều 111, Luật Bảo vệ môi trường 2005 và được cụ thể hóa tại Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/1/2009 về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT). Nhiều nước trên thế giới cũng đang trợ giá cho các bao bì thân thiện môi trường (một số siêu thị ở Thái Lan áp dụng giảm 15 -30% cho những khách hàng dùng túi xách của mình để đựng đồ). Sự trợ giúp này đối với trường hợp loại túi nilon khó phân hủy với giả định giá bán hiện nay ở nước ta khoảng 200 đ/túi thì trợ giúp của Nhà nước (trợ giá) khoảng 15% sẽ là 30 đ/túi. Với mức tiêu dùng hiện nay (khoảng 30 tỷ chiếc/năm) và giả định lộ trình thay thế trong một số năm trước mắt là 10% số lượng mỗi năm thì ước tính mức trợ giá của Nhà nước cho loại túi nilon thân thiện môi trường khoảng gần 100 tỷ đồng mỗi năm.

Cũng có thể đưa vào cân nhắc con số ngân sách sự nghiệp môi trường hàng năm dành cho kiểm soát, bao gồm cả xử lý ô nhiễm môi trường do chất thải và các khoản thu khác từ môi trường (thuế, phí, phạt…) cũng như các nguồn quốc tế (hỗ trợ chính thức và phi chính thức) cho môi trường cùng khả năng trích ra hỗ trợ sản xuất túi nilon thân thiện môi trường để có thêm cơ sở về kinh tế – tài chính cho việc lựa chọn giữa trợ giá với chấp nhận xử lý “theo cuối đường ống” như hiện nay. Cũng lưu ý thêm rằng, sự trợ giá này chỉ diễn ra trong một số năm nhất định để mang tính chất tạo đà vì theo quy luật thị trường, khi thị phần của sản phẩm mới đạt tới tỷ lệ nhất định (thường là điểm “hòa vốn”) thì doanh nghiệp tự cân đối mà không cần tới sự trợ giúp từ bên ngoài.

Theo quy định tại Khoản 3, Nghị định số 04/2009/NĐ-CP thì nguồn kinh phí hỗ trợ giá được lấy từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam còn hạn chế về nguồn vốn huy động thì cần thêm nguồn hỗ trợ khác có thể huy động theo quy định của pháp luật. Theo tính toán sơ bộ, bên cạnh khả năng hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thì với khoản ngân sách sự nghiệp môi trường hàng năm (1% tổng chi ngân sách – khoảng 5.000 tỷ đồng) và các khoản thu khác từ môi trường cùng các khả năng khác như khoản ngân sách sự nghiệp kinh tế của các Bộ, ngành, địa phương có thể chi cho BVMT, các nguồn quốc tế cho môi trường ước hàng nghìn tỷ đồng nữa thì việc cân nhắc khoản trợ giá khoảng một vài trăm tỷ đồng mỗi năm (trong vài năm) hỗ trợ sản xuất túi nilon thân thiện môi trường chắc không phải là khó khăn.

Các giải pháp khác được tiến hành đồng thời cũng sẽ góp phần hỗ trợ người phân phối và người tiêu dùng lựa chọn sử dụng túi nilon thân thiện môi trường và qua đó tăng nhanh tỷ phần thị trường của loại túi này, giúp giảm dần sự trợ giá cho sản xuất.

Theo moitruong.com.vn

Khởi động chiến dịch Giờ trái đất 2018: “Go more green”

Lễ khởi động chiến dịch Giờ Trái đất 2018 được tổ chức vào hồi 8h00, Thứ Bảy, ngày 3/3 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chương trình Phát động nghi thức Tắt đèn Giờ Trái đất 2018 sẽ diễn ra từ 20h30 – 21h30 ngày Thứ Bảy ngày 24 tháng 3 năm 2018 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội, với sự tham gia của 2.000-3.000 người.

Theo đó, khẩu hiệu cho Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam năm 2018 là “Hôm nay tôi sống xanh hơn” (“Go more green”).

Chương trình Phát động nghi thức Tắt đèn Giờ Trái đất 2018 sẽ diễn ra từ 20h30 – 21h30 ngày Thứ Bảy ngày 24 tháng 3 năm 2018 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Đây là Sự kiện quan trọng nhất để kết nối, thông tin, báo cáo xuyên suốt hoạt động về Giờ Trái đất 2018, tuyên truyền sâu rộng chi tiết đến hơn 90 triệu dân về hoạt động ý nghĩa này.

Giờ trái đất 2017 với thông điệp: Tắt đèn – Bật tương lai đã giúp hệ thống điện quốc gia tiết kiệm được 471.000 kWh, tương đương với giá trị khoảng 764 triệu đồng.

Bên cạnh đó, một loạt các hoạt động hưởng ứng tiếp theo cũng sẽ được thực hiện cho đến ngày diễn ra sự kiện chính vào ngày 24/3 như: Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: báo chí, trang thông tin điện tử, phát tờ rơi, video clip cổ động trên truyền hình, đài phát thanh, các trang mạng xã hội, fanpage để thu hút sự tham gia hưởng ứng của toàn xã hội.

Tuyên truyền về chiến dịch tại các trường Đại học và các trường Trung học phổ thông bao gồm: giao lưu với đại sứ chiến dịch; truyền tải thông điệp của chiến dịch năm 2018; giới thiệu, khuyến khích tham gia các hoạt động bên lề của chiến dịch; giáo dục các biện pháp tiết kiệm môi trường thực tế trong đời sống. Dự kiến tổ chức vào ngày 5/3 tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội và ngày 12/3 tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

Tổ chức chuỗi hoạt động Greener Garden tại các hộ gia đình tại Hà Nội nhằm mục đích tuyên truyền, thúc đẩy các hoạt động làm xanh hóa khu vực sinh sống trong các gia đình thành thị, giảm thiểu sử dụng túi nilon.

Tổ chức hoạt động đi bộ Vì Trái đất 2018 hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2018 tại các tuyến phố đi bộ hoặc phố cổ với sự tham dự của các đại sứ chiến dịch, dự kiến vào ngày 11/3.

Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Xanh dành cho đối tượng sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng về sáng tạo video, phim ngắn về đề tài môi trường, dự kiến vào ngày 18/3.

Việt Nam tham gia Giờ trái đất từ năm 2009. Đây là một trong những hành động của Chính phủ và người dân Việt Nam thể hiện cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030, chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu.

Giờ trái đất 2017 với thông điệp: Tắt đèn – Bật tương lai đã giúp hệ thống điện quốc gia tiết kiệm được 471.000 kWh, tương đương với giá trị khoảng 764 triệu đồng.

Theo baodautu.vn