Chuẩn bị khởi công dự án điện mặt trời Phước Hữu

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang vừa công bố bản báo cáo về dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu (dự kiến đặt tại thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sản lượng điện năm đầu tiên của Nhà máy khoảng 104,130 triệu kWh.

Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào tháng 3 tới và hoàn thành vào cuối năm 2018.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu được thiết kế gồm nhà máy điện mặt trời quang điện nối lưới trực tiếp với công suất lắp đặt 50MW và đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua cấp điện áp 110kV.

Công trình sử dụng công nghệ pin quang điện, inverter trung tâm với công suất lắp đặt khoảng 65MWp – 50MWac. Bao gồm 1 trạm biến áp nâng áp 22/110kV, công suất 1×63MVA. Cùng đường dây 110kV mạch đơn, dài khoảng 7,2km, từ trạm nâng áp 22/110kV của nhà máy đấu nối vào TBA 110kV Ninh Phước hiện có.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu được thiết kế gồm nhà máy điện mặt trời quang điện nối lưới trực tiếp với công suất lắp đặt 50MW và đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua cấp điện áp 110kV.

Theo Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang, vị trí xây dựng dự án có năng lượng bức xạ mặt trời trung bình năm là 2.021kW/m2/năm. Sản lượng điện năm đầu tiên 104,130 triệu kWh. Sản lượng điện đặc trưng của nhà máy 1.603 kWh/kWp/năm.

Dự án có tổng mức đầu tư là khoảng gần 1.500 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí thiết bị (hơn 930 tỷ), còn lại là chi phí xây dựng, đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo nangluongvietnam.vn

Tái khởi động dự án sản xuất pin mặt trời First Solar

Sau 5 năm dừng thi công, mới đây dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời First Solar tại KCN Đông Nam (TP. Hồ Chí Minh) do Công ty First Solar (Hoa Kỳ) đã khởi động trở lại và đầu tư thêm 360 triệu USD cho nhà máy sản xuất thứ hai công suất 1,2 GW, nâng tổng vốn đầu tư của công ty này tại Việt Nam lên đến 830 triệu USD/1,2 tỷ USD vốn cam kết đầu tư.

Dự án First Solar tại KCN Đông Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 1/2011 và khởi công ngay sau đó 2 tháng. Tuy nhiên, chỉ 8 tháng sau, dự án phải tạm dừng. Một trong những nguyên nhân First Solar tạm dừng dự án chính là do sự mất cân bằng cung – cầu về sản phẩm pin năng lượng mặt trời trên thị trường toàn cầu.

Công bố trên của First Solar khi đó được giới phân tích nhận định là nhà đầu tư này cũng chính thức rút khỏi dự án đầu tư nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng (một công nghệ hoàn toàn mới ở thị trường trung khu vực châu Á).

Một trong những nguyên nhân First Solar tạm dừng dự án chính là do sự mất cân bằng cung – cầu về sản phẩm pin năng lượng mặt trời trên thị trường toàn cầu.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, First Solar là công ty dẫn đầu thế giới về pin mặt trời màng mỏng. Đây được xem là vũ khí chính của công ty này đối phó với các đối thủ Trung Quốc vốn dựa vào công nghệ là pin đa tinh thể silicon (polycrystalline silicon).

Được biết, tại thời điểm tạm dừng dự án vào năm 2012, First Solar đã đầu tư xây dựng nhà xưởng 113.000 m2, trong đó có 107.000 m2 dành cho sản xuất, tổng số vốn đã đầu tư khoảng 50 triệu USD.

Theo thiết kế, sau khi đi vào hoạt động, 2 nhà máy của First Solar có thể sản xuất ra các tấm pin năng lượng mặt trời Series 6 có tổng công suất 2,4 GW mỗi năm. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành trong quý 4/2018.

Theo Tapchinangluong.vn

Lịch nghỉ Tết Nguyên Dán

Toàn bộ cán bộ, nhân viên VNCPC sẽ chính thức nghỉ Tết Nguyên Đán từ ngày 12/2/2018 đến hết ngày 25/2/2018 (tức từ ngày 27/12 đến 10/1 âm lịch).

Chúc mừng năm mới!

RECP: Hàng loạt giải pháp đã được doanh nghiệp áp dụng để giảm chi phí

Chỉ bằng những thay đổi nhỏ trong việc vận hành máy móc, thiết bị… doanh nghiệp đã tiết giảm được đáng kể năng lượng, nước… trong quá trình sản xuất nhờ áp dụng RECP (Sử dụng hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn).

Đó là những giá trị mà một công ty thủy sản tại Cần Thơ đã nhận được khi tham gia dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững”.

Tham gia dự án, doanh nghiệp đã nhận được những hướng dẫn và tư vấn cụ thể về sử dung hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) từ chuyên gia của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC): khảo sát theo quá trình sản xuất để đánh giá sử dụng nguyên vật liệu; xác định các cơ hội tiết kiệm nguyên vật liệu; tiến hành đo đạc năng lượng tiêu thụ điện và nhiệt để xác định tổn thất năng lượng và xác định các cơ hội tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu,  nước cũng như sử dụng an toàn hóa chất, quản lý chất thải tối ưu…

Chỉ bằng những thay đổi nhỏ trong việc vận hành máy móc, thiết bị… doanh nghiệp đã tiết giảm được đáng kể năng lượng, nước… trong quá trình sản xuất.

Sau quá trình làm việc giữa VNCPC và cán bộ phụ trách của công ty, các dòng tổn thất năng lượng và nước đã được hai bên phân tích nguyên nhân. Từ đó, các giải pháp để khắc phục các dòng tổn thất này đã được đưa ra. Theo đánh giá, hầu hết các giải pháp về SXSH đều có tính khả thi, một số giải pháp có thể thực hiện ngay và đã được công ty triển khai.

Một số những tổn thất năng lượng điện chủ yếu nằm tại khu vực hệ thống máy nén lạnh như áp suất bình chứa khí ngưng cao, dàn ngưng bị rêu cặn bám bẩn và các máy nén pít tông cũ có hiệu suất thấp. Bên cạnh đó, rò rỉ điện tại khu vực các máy nén cũng là nguyên nhân gây mất an toàn và tổn thất điện.

Ngay sau đó, công ty đã tiến hành lập kế hoạch định kỳ kiểm tra hệ thống máy nén lạnh, bình ngưng, dàn ngưng để khắc phục; kiểm tra vệ sinh thường xuyên đường dây, nhất trong ngày mưa ẩm; xiết các đầu cốt bị lỏng…

Đối với hệ thống nước vệ sinh nhà xưởng, tủ đông dù đã sử dụng ống ɸ21, nhưng một số chỗ thiếu trang bị van đầu vòi gây lãng phí nước cũng đã được lắp vòi tăng áp, van đầu vòi để giảm lãng phí.

Như vậy, SXSH đã giúp doanh nghiệp tiết giảm đáng kể những lãng phí vô tình trong quá trình sản xuất. Đây cũng chính là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

VNCPC

Cảm biến giấy có thể phát hiện nước ô nhiễm

Các nhà khoa học tại trường Đại học Bath đã phát triển một cảm biến giấy dựa trên vi sinh vật mà có thể phát hiện các hợp chất độc hại có trong nước.

Miếng giấy đơn giản này có thể cho biết nguồn nước sinh hoạt có bị nhiễm các chất độc hại hay không. Đây là sản phẩm đang được các nhà khoa học Anh thử nghiệm với mục tiêu cung cấp giải pháp thử độ tinh khiết của nước rẻ và tiện lợi cho các quốc gia đang phát triển.

Công nghệ này lấy cảm hứng từ sự đơn giản của giấy quỳ – thường được sử dụng để đánh giá nhanh tính axit trong nước. Thiết bị được tạo ra rẻ, bền vững và có thể tái chế.

Thiết bị này bao gồm một tế bào nhiên liệu vi sinh vật (MFC) thu được bằng cách in lưới điện cực carbon có khả năng phân hủy sinh học lên trên một mảnh giấy.

MFC là một thiết bị sử dụng các quá trình sinh học tự nhiên của “vi khuẩn điện”, mà được gắn vào các điện cực cacbon để tạo ra tín hiệu điện.

Miếng giấy đơn giản này có thể cho biết nguồn nước sinh hoạt có bị nhiễm các chất độc hại hay không.

Khi những vi khuẩn này tiếp xúc với nước bị ô nhiễm, sự thay đổi tín hiệu điện xảy ra và cung cấp cảnh báo rằng nước không an toàn để uống.

Các nhà nghiên cứu dự kiến nó sẽ có chi phí không quá £1 (31,000 VNĐ). Thiết bị này thân thiện với môi trường và dễ vận chuyển vì cảm biến giấy được làm từ các thành phần phân hủy sinh học và nặng dưới 1g.

Tiến sĩ Mirella Di Lorenzo, giảng viên cao cấp tại Khoa Kỹ thuật Hóa học của Đại học Bath, cho biết: “Công trình này có thể dẫn đến một cuộc cách mạng trong việc kiểm tra nước tại nơi sử dụng. Nó không chỉ thân thiện môi trường, dễ sử dụng và nhanh chóng mà còn cũng có giá cả phải chăng”.

“Nghiên cứu này sẽ có tác động tích cực đáng kể, đặc biệt là đem lại lợi ích cho những khu vực mà thậm chí việc tiếp cận các công cụ phân tích cơ bản cũng khó khăn”.

“Thiết bị này là một bước nhỏ trong việc giúp thế giới nhận ra lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm đảm bảo việc tiếp cận nước uống và vệ sinh an toàn như là một quyền con người.” Tiếp cận nước uống an toàn là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ.

Các nhà nghiên cứu đang xem xét cách kết nối cảm biến với một thiết bị điện như điện thoại di động, thông qua máy phát không dây. Điều này giúp nó thân thiện với người sử dụng trong việc xác định một nguồn nước có an toàn để sử dụng hay không.

Phát biểu với Independent, Tiến sĩ Janet Scott, giảng viên thuộc Khoa Hóa học tại Đại học Bath, cho hay: “Đây là một ví dụ điển hình về việc khi các nhà khoa học và kỹ sư làm việc chặt chẽ với nhau, họ có thể phát triển các công nghệ hữu ích có tiềm năng tác động tích cực đến cuộc sống của người dân trên toàn cầu – các nhà khoa học có thể thiết kế các vật liệu tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất các thiết bị và các đối tác kỹ thuật thiết kế các thiết bị đó. “

Dự án được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Cải tiến Nước, Trung tâm Công nghệ Hóa học Bền vững tại Đại học Bath. Nó cũng có sự tham gia của các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Cơ khí, Đại học Bath và hợp tác với Phòng thí nghiệm Quốc gia về Công nghệ nano Brazil ở Sao Paulo, Brazil.

Nghiên cứu này nhận được tài trợ từ Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu thông qua Hội đồng Nghiên cứu Kỹ thuật và Khoa học Vật lý.

Theo moitruong.com.vn

SXSH có những giải pháp nào giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) giúp doanh nghiệp tiết giảm đáng kể chi phí trong quá trình vận hành. Vậy SXSH thường có những giải pháp nào nhằm giúp doanh nghiệp tránh được những lãng phí vô hình và tối ưu hóa quá trình sản xuất?

Các giải pháp của SXSH có thể phân ra thành 8 nhóm chính:

Quản lý nội vi: Áp dụng các biện pháp quản lý thích hợp nhằm ngăn ngừa thất thoát nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng. Ví dụ: khoá chặt các van và kiểm tra các đường ống nhằm tránh rò rỉ, tránh các sự cố do rò rỉ, rơi vãi do vận chuyển, bảo ôn đường ống và thiết kế các hệ thống phân phối hơi nước, điện hợp lý…

Kiểm soát quá trình tốt hơn: Thực hiện đúng và đầy đủ quy trình vận hành, hướng dẫn sử dụng thiết bị; duy trì chế độ công nghệ sản xuất, bảo trì, bảo dưỡng, ghi chép nhật ký sản xuất. Tổ chức rà soát, xây dựng, áp dụng và quản lý định mức sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu và năng lượng. Chẳng hạn như: Tối ưu hoá và kiểm soát các thông số vận hành (như pH, nhiệt độ, thời gian, nồng độ …), tối ưu hoá quá trình cháy trong lò hơi…

Kiểm soát quá trình tốt hơn là thực hiện đúng và đầy đủ quy trình vận hành, hướng dẫn sử dụng thiết bị; duy trì chế độ công nghệ sản xuất, bảo trì, bảo dưỡng, ghi chép nhật ký sản xuất.

Thay đổi nguyên liệu đầu vào: Thay thế nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu, năng lượng đầu vào đang sử dụng bằng các nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu, mang lại hiệu quả sản xuất tốt hơn, thân thiện hơn với môi trường. Cụ thể: thay thế dung môi hữu cơ bằng nước, thay thế axit trong tẩy rửa bằng peroxit, thay thế DBSA trong các chất tẩy giặt bằng LAS nhanh phân huỷ.

Thay đổi công nghệ: Thay đổi công nghệ hiện có để giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu và năng lượng hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm như: Thay thế quá trình làm sạch cơ học bằng dung môi, rửa ngược chiều nhiều bậc…

Thay thế thiết bị: Thay thế thiết bị mới tiên tiến nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu và năng lượng hay bổ sung các thiết bị đo để quản lý quá trình tốt hơn.

Thay thế thiết bị mới tiên tiến nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu và năng lượng cũng là một giải pháp trong SXSH.

Tái sử dụng hoặc tái chế tại chỗ: Sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu, năng lượng bị thải loại trong quá trình sản xuất để sử dụng cho mục đích có ích ngay tại cơ sở sản xuất. Đơn cử như: tái sử dụng nước làm mát, tuần hoàn dung dịch nhuộm, thu hồi nước ngưng và dùng lại cho nồi hơi, sử dụng rỉ đường để lên men cồn, sử dụng các mảnh vải vụn trong sản xuất thảm đệm, sử dụng FeCl3 từ tẩy rửa bằng axit như một chất tạo kết tủa trong xử lý nước thải chứa photphat…

Sử dụng có hiệu quả năng lượng: năng lượng là nguồn khởi phát các tác động môi trường rất quan trọng. Khai thác các nguồn năng lượng có thể gây các ảnh hưởng đối với đất, nước, khí và đa dạng sinh học, cũng như trong việc phát sinh một lượng lớn chất thải rắn. Các tác động lên môi trường gây bởi việc khai thác và sử dụng năng lượng có thể được làm giảm nhẹ bằng cách sử dụng hiệu qủa năng lượng cũng như qua việc sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo được như năng lượng mặt trời và gió.

Thay đổi sản phẩm: hoặc cải tiến thiết kế sản phẩm, bao bì và đóng gói sản phẩm nhằm giảm tác động xấu đến môi trường của quá trình sản xuất sản phẩm hoặc của bản thân sản phẩm. Việc dùng giấy xám (không tẩy) thay thế cho giấy trắng ở những nơi cho phép, sản phẩm pin theo công nghệ giấy tẩm hồ để thay thế các dung môi độc trong sản xuất thuốc bảo vệ thực vât bằng dung môi ít độc hoặc dung môi là nước.

Như vậy, các giải pháp mà SXSH đưa ra có nhiều cấp độ từ đơn giản đến phức tạp, từ không cần chi phí đến mức chi phí ở mức phù hợp mà doanh nghiệp có thể đầu tư để mang lại mức hiệu quả cao nhất.

VNCPC