SXSH được các nước trên thế giới triển khai như thế nào?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) là chương trình sản xuất đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, trong đó có Việt Nam. Thậm chí, SXSH còn được luật hóa tại một số quốc gia từ khá sớm.

Các tổ chức quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển SXSH là:

  1. Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hiệp Quốc (UNIDO);
  2. Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã phối hợp xây dựng các Trung tâm SXSH ở 26 quốc gia trên thế giới. Các trung tâm được thành lập với mục đích thúc đẩy SXSH thông qua việc đào tạo SXSH, cung cấp các thông tin và tư vấn kỹ thuật, thiết lập các trình diễn kỹ thuật tại các doanh nghiệp được lựa chọn;
  3. Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD);
  4. Uỷ ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu (UNECE) và một số tổ chức quốc tế khác.

Hầu hết các nước đều đã có chương trình SXSH

Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và chính quyền nước sở tại, hầu hết các nước trên thế giới đều có chương trình SXSH. Ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Canada, Hà Lan, Thuỵ Điển, Đan Mạch từ những năm 1985-1990 đã áp dụng SXSH, các nước ở châu Á và Đông Âu như Ấn độ, Singapore, Thái lan, Ba lan, Tiệp Khắc, Hungari… từ 1993 trở lại đây.

SXSH tại Việt Nam

Ở Việt Nam, khái niệm SXSH được đưa vào từ những năm 1996. Đến năm 1998, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đặt tại Viện Khoa học Công nghệ & Môi trường trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã chính thức được thành lập.

Ở Việt Nam, khái niệm SXSH được đưa vào từ những năm 1996.

SXSH tại Thái Lan

Tại Thái Lan, kế hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng và thông qua năm 2000, với mục tiêu chung là đưa SXSH vào thực tiễn và áp dụng hiệu quả tại tất cả các ngành nhằm ngăn ngừa, giảm và giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, tăng cường bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường song song với phát triển kinh tế.

Kế hoạch này có 3 mục tiêu cụ thể:

  • Giới thiệu các nguyên tắc của SXSH có thể áp dụng và thực hiện tại tất cả các ngành (Công nghiệp, Nông nghiệp, Du lịch và Dịch vụ, Tài chính và Ngân hàng, Giáo dục, nghiên cứu và phát triển)
  • Xác định các giải pháp và công cụ để hỗ trợ thực hiện SXSH; và
  • Tạo cơ cấu tổ chức thực hiện để các hoạt động của các cơ quan khác nhau được đồng bộ và tổng thể.

SXSH tại Australia

Hội đồng Bảo tồn và Môi trường Australia, NewZealand (ANZECC) đã xây dựng một chiến lược để thúc đẩy SXSH.

Họ đã tổ chức các cuộc thảo luận giữa các bên liên quan chính như chính phủ, doanh nghiệp công nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các bên quan tâm khác và áp dụng SXSH.

Chính phủ Liên bang đã cho triển khai chương trình SXSH trên toàn nước Australia. Hầu hết các Bang đều có chương trình SXSH, các nhóm/đội SXSH đã tiến hành các chương trình trình diễn bao gồm 10 công ty trên khắp đất nước, với sự hỗ trợ của chính quyền, các hoạt động này khá thành công.

Ngoài ra họ rất tích cực trong việc tổ chức hội thảo, xuất bản tạp chí và nâng cao nhận thức cộng đồng, làm việc với các ngành công nghiệp để thúc đẩy SXSH.

SXSH tại Trung Quốc           

Tại Trung Quốc, xúc tiến SXSH đã được đưa thành Luật vào tháng 6 năm 2002.

Luật Thúc đẩy SXSH của Trung Quốc bao gồm 6 chương, 42 điều với nội dung khuyến khích thúc đẩy sản xuất sạch hơn, tăng cường hiệu quả sử dụng các tài nguyên quý hiếm, giảm và tránh thải các chất ô nhiễm nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo sức khoẻ con người và thúc đẩy phát triển bền vững.

Tại Trung Quốc, xúc tiến SXSH đã được đưa thành Luật vào tháng 6 năm 2002.

Luật Thúc đẩy SXSH của Trung Quốc quy định Uỷ ban Nhà nước và các chính quyền nhân dân địa phương cấp huyện trở lên phải đưa SXSH vào các chương trình phát triển kính tế và xã hội quốc gia, các kế hoạch và chương trình bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, phát triển công nghiệp và phát triển vùng.

Luật này cũng quy định các chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi và cho vay vốn tại các cấp đối với doanh nghiệp thực hiện SXSH. Trong Luật cũng quy định cụ thể các doanh nghiệp phải làm gì khi xây mới, sửa chữa, mở rộng, nâng cấp công nghệ. Các nội dung khác bao gồm quy định về sản phẩm, đóng gói sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hoá chất, thăm dò khai thác khoáng sản, việc loại bỏ theo hạn định các công nghệ, sản phẩm lạc hậu, các biện pháp tổ chức thực hiện cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan; quy định việc xử phạt, mức phạt v.v… cũng được quy định chặt chẽ trong luật.

SXSH tại Nhật Bản

Tại Nhật Bản, công nghệ SXSH được chia thành làm hai loại hình chính, loại hình công nghệ thông thường cho mỗi biện pháp hay còn gọi là “công nghệ cứng” và công nghệ quản lý “công nghệ mềm”, dựa trên các ý tưởng về giảm tác động môi trường của tất cả các công đoạn từ khai thác nguyên liệu đầu vào đến thải bỏ hoặc tái chế các sản phẩm sau khi dụng SXSH. Hình thức SXSH phổ biến nhất được thể hiện thông qua các chính sách về tiết kiệm năng lượng, với mục tiêu làm giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện nay đã có 190 công nghệ SXSH của Nhật Bản được Trung tâm Công nghệ môi trường Liên hợp quốc xây dựng thành một cơ sở dữ liệu mà có thể chuyển giao vào các nước đang phát triển (được đánh giá và tổng hợp bởi “Uỷ ban xúc tiến Công nghệ SXSH ” của Trung tâm Môi trường toàn cầu)

Công nghệ SXSH được chia theo loại hình công nghệ (các loại hình công nghệ khác nhau như thay đổi nguyên liệu đầu vào, đơn giản hoá quy trình, cải tiến kiểm soát quá trình, thay đổi công nghệ v.v.) cho các loại hình công nghiệp khác nhau như ngành công nghiệp dệt, ngành công nghiệp hoá chất, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm…

Thực tế cho thấy, SXSH là một hướng đi đúng đắn đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới triển khai để đảm bảo sự phát triển bền vững, cũng như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

VNCPC

Thư chúc mừng Giáng sinh và Năm mới 2018!

Nhân dịp đón mừng một mùa Giáng sinh an lành và Năm mới 2018, VNCPC xin gửi tới Quý vị lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!

Chúng tôi vô cùng cảm ơn sự hợp tác, cũng như những đóng góp vô cùng quý báu từ quý vị trong suốt thời gian qua đối với sự phát triển của VNCPC.

Một lần nữa xin chúc Quý vị và gia đình một mùa Giáng sinh hạnh phúc và một năm mới dồi dào sức khỏe, may mắn, thành công trong cuộc sống cũng như trong công việc!

Xin trân trọng cảm ơn!

PGS. TS. Trần Văn Nhân

Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam

SXSH đã được triển khai tại Việt Nam từ khi nào?

Với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, năm 1998, Việt Nam đã có Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC) đặt tại Viện Khoa học Công nghệ & Môi trường, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trung tâm này đã có những hoạt động như đào tạo các giảng viên tiềm năng, tiến hành thí điểm trình diễn sản xuất sạch hơn (SXSH) tại một số cơ sở sản xuất, đào tạo nâng cao trình độ về SXSH cho các cán bộ kỹ thuật. Thông qua các hoạt động thực tế, trung tâm đã đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc áp dụng SXSH nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trung tâm còn có chương trình trình diễn các dự án SXSH tại 15 công ty đồng thời đào tạo cho cán bộ của cơ sở trong quá trình thực hiện.

Từ năm 2000, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) cũng đã có những hoạt động triển khai thực hiện SXSH.

Hiện số doanh nghiệp tiếp cận và tham gia vào dự án sản xuất sạch hơn đã không ngừng tăng lên theo thời gian, tuy nhiên con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với những lợi ích mà áp dụng SXSH mang lại.

Bộ Công Thương đã tham gia vào dự án “Những chiến lược và cơ chế khuyến khích đầu tư SXSH tại các nước đang phát triển“ của UNEP và là đầu mối tổ chức hợp phần “Quá trình đầu tư cho SXSH“ của dự án này.

Bộ cũng đã tổ chức 5 khoá đào tạo cho các cán bộ chủ chốt của ngành công nghiệp trong cả nước về SXSH, cách lập dự án đầu tư và khai thác nguồn vốn. Một số cơ quan khoa học trong Bộ đó tổ chức nghiên cứu và tham gia các hoạt động đào tạo, phổ biến thông tin, điều tra, khảo sát tiềm năng SXSH của số cơ sở được lựa chọn.

Đến năm 2005, đã có khoảng 180 doanh nghiệp công nghiệp tại 34 tỉnh thành đã tham gia vào các hoạt động đánh giá/trình diễn SXSH, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như: Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Nam Định, Phú Thọ, Việt Trì, Thái Nguyên, Hà Nội…

Hiện số doanh nghiệp tiếp cận và tham gia vào dự án sản xuất sạch hơn đã không ngừng tăng lên theo thời gian, tuy nhiên con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với những lợi ích mà áp dụng SXSH mang lại cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

VNCPC

Công nghệ sạch khác SXSH như thế nào?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) và công nghệ sạch là những khái niệm đang dần trở nên phổ biến trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Song không phải ai cũng hiểu được sự khác nhau cơ bản giữa chúng.

Công nghệ sạch là thuật ngữ được tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xây dựng: “Các công nghệ sạch được sử dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau để giảm hoặc thậm chí loại bỏ tại nguồn, bất cứ sự phát sinh thiệt hại hay ô nhiễm chất thải nào và để tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên và năng lượng”.

Công nghệ sạch có thể được áp dụng ngay ở giai đoạn thiết kế với những thay đổi căn bản trong quy trình sản xuất hoặc áp dụng vào trong dây truyền hiện có bằng việc phân riêng và tận dụng các sản phẩm thứ cấp mà có thể bị loại bỏ nếu không áp dụng loại công nghệ này”.

Khác với công nghệ sạch, SXSH là thực hiện một cách liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm để cải thiện từng bước công nghệ hiện tại, hướng tới công nghệ mới tốt hơn và sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanhn của doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

SXSH và xử lý cuối đường ống có gì khác nhau?

So sánh dưới đây thể hiện sự khác nhau về cách tiếp cận, biện pháp tiến hành, hiệu quả đầu tư của từng biện pháp:

Sản xuất sạch hơn

Cải tiến liên tục về nhận thức, cách quản lý và khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật
Chủ động phòng ngừa và tránh ô nhiễm do chất thải
Mọi người trong doanh nghiệp đều có vai trò
Loại trừ tác động môi trường tại nguồn
Tiến tới sử dụng quy trình khép kín và liên tục
Mang lại lợi ích kinh tế cho cơ sở sản xuất, đồng thời giải quyết các vấn đề môi trường

Xử lý cuối đường ống

Giải pháp một lần cho vấn đề đơn lẻ
Bị động phản ứng với ô nhiễm và chất thải sau khi chúng đã phát sinh
Giải pháp do chuyên gia phát triển lên một cách độc lập
Chất ô nhiễm được kiểm soát bằng thiết bị và phương pháp xử lý chất thải
Dựa vào công nghệ hiện có

Tăng chi phí sản xuất do:

• Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải;
• Chi vận hành hệ thống (nhân công, hoá chất, bảo dưỡng …)

Có thể thấy rõ hơn kỹ thuật SXSH thông qua hình dưới đây:

Lưu ý: Một số hoạt động dưới đây không được xem là SXSH:

• Hoạt động làm loãng để giảm độc tố và tính nguy hại của chất thải.
• Xử lý chất thải.
• Xử lý hoá chất thải nguy hại sang dạng ít hoặc không nguy hại.
• Tạo sản phẩm khác bên ngoài nhà máy (Chất thải của nhà máy này là nguyên liệu cho nhà máy khác).
• Tái sinh bên ngoài nhà máy.

VNCPC

Vì sao doanh nghiệp công nghiệp nên áp dụng SXSH?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) mang lại những lợi ích gì và vì sao doanh nghiệp nên tham gia tham gia SXSH? Đây  hẳn là câu hỏi đã được không ít doanh nghiệp đặt ra trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình.

Những lợi ích khi doanh nghiệp SXSH

Trong sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, việc áp dụng SXSH được xem là phương cách tốt nhất để kết hợp lợi ích kinh tế và môi trường. Mặt khác, khi tham gia thực hiện SXSH, doanh nghiệp công nghiệp sẽ nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước về tư vấn kỹ thuật, về nguồn tài chính thực hiện SXSH.

Cụ thể, nếu bỏ qua vấn đề ô nhiễm, doanh nghiệp sẽ gặp phải:

  • Rủi ro bị phạt
  • Rủi ro phải ngừng sản xuất hoặc bị di dời đi nơi khác
  • Giảm khả năng cạnh tranh và chịu nhiều áp lực từ cộng đồng

Nếu xử lý ô nhiễm, doanh nghiệp sẽ:

  • Tốn chi phí lắp đặt và vận hàng hệ thống xử lý
  • Không thu được lợi nhuận từ việc xử lý ô nhiễm ngoài việc tuân thủ pháp luật
  • Kinh phí để xử lý ô nhiễm được ví bằng hình ảnh tảng băng, ta chỉ nhìn thấy phần nổi trên mặt nước còn các chi phí khác tiềm ẩn là rất lớn

Nếu thực hiện SXSH, doanh nghiệp sẽ:

  • Giảm thiểu ô nhiễm
  • Giảm tổn thất năng lượng, nguyên liệu đầu vào, nước
  • Tăng lợi nhuận, hạ giá thành sản phẩm
  • Giảm chi phí lắp đặt hoặc giảm quy mô của hệ thống xử lý ô nhiễm
  • Tăng khả năng cạnh tranh
  • Tăng khả năng tuân thủ pháp luật tạo hình ảnh đẹp trước cộng đồng

Áp dụng SXSH có giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh?

Nền kinh tế nước ta đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, hơn lúc nào hết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp càng trở nên bức thiết. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, một trong những yếu tố quyết định là nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; mặt khác, cần có mối quan hệ tốt với các khách hàng, cộng đồng.

Có thể thấy rất rõ, khi áp dụng SXSH, doanh nghiệp sẽ đạt được những ích lợi như:

         – Giảm các chi phí cho đầu vào của sản phẩm, giảm chi phí cho việc xử lý môi trường (các khoản chi phí, thuế ngày càng trở thành sức ép lớn đối với doanh nghiệp);

        – Nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm do được quản lý tốt hơn, hiệu suất sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, nguồn lực cao hơn

          – Tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp do giảm chi phí sản xuất

          – Khích lệ đổi mới vì đó là thuộc tính của SXSH

         – Nâng cao tính cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường do chất lượng sản phẩm tốt hơn, uy tín doanh nghiệp trước cộng đồng

         – Nâng cao năng suất do cài tiến quá trình và lôi kéo được mọi người tham gia .Việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo cách tiếp cận này là một cách tiếp cận chủ động, làm thái độ của mọi thành viên của doanh nghiệp trở nên tích cực hơn;

Tất cả các yếu tố trên sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp một cách mạnh mẽ.

VNCPC

Giảm đáng kể lượng điện, nước tiêu thụ nhờ áp dụng SXSH

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững” đã mang đến cơ hội tiếp cận với quy trình sản xuất sạch hơn, tiết giảm chi phí và phát triển sản phẩm bền vững cho doanh nghiệp.

Mục tiêu của dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) chủ trì là: Tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến áp dụng tiếp cận hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chất thải nguy hại cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Chương trình được triển khai từ 2015 đến 2019, với sự tài trợ của Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tham gia vào dự án, một công ty thủy sản tại Cần Thơ có tiềm năng giảm đáng kể lượng điện và nước tiêu thụ trong quá trình sản xuất.

Điện áp cao gây lãng phí, giảm tuổi thọ thiết bị

Theo khảo sát ban đầu của các chuyên gia thuộc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC) tại nhà máy, điện áp đo được ở hai trạm biến áp cao hơn điện áp tiêu chuẩn từ 6,6-7,2%.

Điện áp cao sẽ gây ra tổn thất năng lượng điện cao. Đồng thời, làm quá tải điện áp toàn hệ thống, khiến các thiết bị điện giảm tuổi thọ, đặc biệt là đèn chiếu sáng rất hay cháy vào lúc đêm muộn – khi mà điện áp tăng lên cao nhất.

Theo kinh nghiệm, điện áp cấp cao hơn tiêu chuẩn 10% sẽ gây ra những tổn thất như: tủ lạnh tăng tiêu thụ điện 5%; tủ đá tăng tiêu thụ điện thêm 10%; điều hòa nhiệt độ tăng tiêu thụ điện là 5%; đèn huỳnh quang (đèn tuýp) tăng tiêu thụ điện 8,1%; đèn halogen tăng tiêu thụ điện lên tới17%; đèn thủy ngân tăng tiêu thụ điện mức 20%; đèn compact không tăng tiêu thụ điện nhưng giảm tuổi thọ 45% (nhanh cháy đèn hơn)… Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn đẩy chi phí sản xuất tăng cao.

Từ đó, VNCPC đề xuất doanh nghiệp giảm điện áp về tiêu chuẩn sẽ tiết kiệm được khoảng 1-2% tổng điện năng tiêu thụ.

Giảm tiêu hao điện năng nhờ áp suất hút tối ưu

Chế độ máy nén lạnh hiện đang được cài đặt âm quá sâu cũng làm tăng tiêu hao điện năng. VNCPC khuyến cáo việc nâng nhiệt độ cài đặt tại nhà máy lên mức hợp lý có thể giúp giảm tới 20% tiêu hao điện năng so với hiện tại của dây chuyền IQF tương ứng.

Chế độ máy nén lạnh hiện đang được cài đặt âm quá sâu cũng làm tăng tiêu hao điện năng.

Giảm 30% lượng nước rửa tay nhờ điều chỉnh lưu lượng

Ngoài điện năng hao phí, qua khảo sát, vòi nước rửa tay tại nhà máy có lưu lượng lớn đã gây lãng phí nước không nhỏ. Bên cạnh đó, đường ống nước vệ sinh nhà xưởng tại một số điểm không có van đầu vòi cũng làm tăng tổn hao nước.

Theo đó, nếu điều chỉnh giảm lưu lượng nước trong vòi rửa tay, doanh nghiệp đã có thể giảm lượng nước rửa khoảng 30%. Việc lắp van đầu vòi để giảm lãng phí nước (có thể lắp loại vòi tăng áp giúp tăng hiệu quả vệ sinh thiết bị nhà xưởng lên tới 70%) cũng sẽ giúp lượng nước tiêu thụ giảm đáng kể.

Ngoài ra, trong suốt quá trình tham gia cùng dự án, doanh nghiệp còn nhận được rất nhiều những tư vấn hữu ích về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức lao động cho đội ngũ công nhân và cán bộ quản lý nhằm hướng tới tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển sản phẩm bền vững.

VNCPC