Tiết kiệm năng lượng để sống xanh, sống bền vững

Sống xanh Việt Nam (Get Green Vietnam) là Dự án về thúc đẩy tiêu dùng bền vững do Chương trình SWITCH-Asia của Liên minh Châu Âu tài trợ. Dự án được triển khai từ tháng 4-2012 với tổng ngân sách lên đến 1,4 triệu EUR ( tương đương 37,5 tỷ đồng).   

Dự án hướng đến các đối tượng là sinh viên, nhân viên văn phòng và cộng đồng dân cư tại 4 thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi “sống xanh” trong cộng đồng.

Sau 3 năm hoạt động, dự án đã đào tạo được 1.099 “hạt giống thay đổi”, giúp lan tỏa thói quen sống xanh, tập trung vào các chủ đề gồm: tiết kiệm năng lượng, giao thông thông minh, văn phòng xanh, rác thải sinh hoạt…

Dự án cũng đã cho ra mắt bộ Cẩm nang sống xanh, với những chỉ dẫn giúp người sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu sử dụng các nguồn tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường. Những giải pháp được đưa ra đều rất thiết thực và dễ thực hiện như: sử dụng phương tiên giao thông công cộng, đi ôtô hoặc taxi theo nhóm; rã đông thực phẩm trước khi nấu để tiết kiệm điện, tiết kiệm gas; để thực phẩm nguội trước khi cho vào tủ lạnh; mở điều hòa ở nhiệt độ từ 27-28 độ C; tắt nguồn các thiết bị điện khi không sử dụng…

Tiến sỹ. Marcel Crul – Đại diện Ban Điều phối Dự án, chia sẻ: “Đến tháng 5/2015, Dự án chính thức khép lại, nhưng 1.099 “Hạt giống Thay đổi” sẽ tiếp tục sứ mệnh lan tỏa hành vi sống xanh… Thông qua họ, hàng nghìn người khác cũng sẽ được truyền cảm hứng về hành vi xanh. Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Tôi tin rằng, chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy nhiều và nhiều hơn nữa những người dân Việt Nam “sống xanh” trong tương lai”.

Theo Mai Lan – tietkiemnangluong.com.vn

Lượng phát thải có thể lên đến 466 triệu tấn CO2 vào năm 2020

Ngày 28/7, Hội nghị tổng kết Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2015 do Bộ Công Thương tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục An toàn môi trường Trần Văn Lượng cho biết, tổng lượng phát thải nhà kính của Việt Nam năm 2010 là 246,8 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, lĩnh vực năng lượng phát thải 141,1 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 53%. Dự báo đến năm 2020 sẽ tiếp tục tăng nhanh, với tổng lượng phát thải lên đến 466 triệu tấn CO2; trong đó, lĩnh vực năng lượng là 381,1 triệu tấn, chiếm 81%.

Hiện các quốc gia trên thế giới có xu hướng sử dụng các công cụ thị trường liên quan đến định giá việc phát thải carbon. Cụ thể, việc phát thải carbon sẽ được định giá làm cơ sở hình thành thị trường carbon nội địa ở các quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đây chính là cơ hội nhưng cũng là rào cản kỹ thuật đối với các quốc gia chưa kịp chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon.

Theo báo cáo, với tổng số vốn hơn 32 tỷ đồng trong 5 năm, Bộ Công Thương đã triển khai 11 dự án về tuyên truyền đào tạo nhận thức, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, 14 dự án đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đề xuất giải pháp ứng phó, cùng với đó là nhiều dự án xây dựng cơ chế, lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển ngành Công Thương… Tuy nhiên, việc thí điểm áp dụng mô hình giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp vẫn chưa được thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất cho hay, sự phối hợp thực hiện giữa các đơn vị trong ngành Công Thương vẫn chưa tốt, do vậy mới chỉ thực hiện được ở các hoạt động về nghiên cứu, đào tạo. Bộ đã xây dựng các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu nhưng nguồn kinh phí yếu và chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể nên chưa được thực hiện.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, nguồn kinh phí cấp cho Chương trình còn hạn chế. Với 32 tỷ đồng trong 5 năm, như vậy, trung bình kinh phí cấp cho hoạt động chống biến đổi khí hậu mỗi năm chỉ khoảng 6 tỷ đồng.

Về giải pháp, ông Trần Văn Lượng cho rằng, cần huy động mọi nguồn lực từ ngân sách trung ương, địa phương và tài trợ quốc tế; lồng ghép thực hiện trong các chương trình hiện có như khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng… Đồng thời, về hợp tác quốc tế, cần tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các nước và tiếp nhận chuyển giao công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng hiệu quả…

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục rà soát kế hoạch của Bộ về chống biến đổi khí hậu, ngoài nhiệm vụ lâu dài là giảm phát thải nhà kính thì trong thời gian tới, phải tăng cường các giải pháp để chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, có cơ chế chính sách chống biến đổi khí hậu, đặc biệt xây dựng cơ chế quy hoạch cụ thể… Với nguồn kinh phí còn hạn chế, các đơn vị cần đưa ra các cơ chế, chính sách có lợi cho doanh nghiệp để khuyến khích và huy động doanh nghiệp tham gia chống biến đổi khí hậu.

Theo vietnamplus.vn

Tiết kiệm 1,6 tỷ đồng/năm nhờ sản xuất sạch hơn

Với những bước phát triển mạnh mẽ, chìa khoá thành công của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (gọi tắt Công ty Thiên Long) là nâng cao quản trị doanh nghiệp (DN), đổi mới sản phẩm theo xu hướng thị trường và sản xuất sạch hơn nhằm tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng đầu vào, tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp cũng như đảm bảo yếu tố môi trường và trách nhiệm xã hội của DN.

Tiết kiệm 1,6 tỷ đồng/năm nhờ sản xuất sạch hơn
Sản xuất bút bi tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long

Từ khi công ty được thành lập năm 1981 đến nay, ban lãnh đạo công ty luôn xác định rõ sứ mệnh của mình là xây dựng giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu Thiên Long trong lòng khách hàng với tiêu chí “Tiên phong trong công nghệ và sáng tạo để tạo ra những sản phẩm đột phá phục vụ người tiêu dùng, cùng nhau xây dựng cộng đồng Thiên Long phát triển vững mạnh, mang tính nhân đạo, nhân văn”.

Giữa năm 2011, công ty đã thành lập Ban cải tiến nhằm đề xuất các biện pháp cải tiến, kiểm tra và có chế độ khen thưởng cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) có hoạt động, thành tích cải tiến.

Ông Bùi Văn Huống – Phó Tổng giám đốc công ty cho biết: “Sau khi được thành lập, Ban cải tiến đã đưa ra nhiều giải pháp cải tiến công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng, kiểm soát ô nhiễm ngay từ đầu quá trình sản xuất, thay đổi thói quen sử dụng năng lượng sao cho hợp lý…. Các giải pháp này đã giúp công ty tiết kiệm mỗi năm trên 1,6 tỷ đồng”.

Công ty đã thay thế 13 máy ép nhựa loại truyền động thủy lực dùng bơm dầu không có biến tần bằng loại máy truyền động thủy lực dùng bơm dầu có biến tần, tiết kiệm 40% mức tiêu thụ điện năng so với máy cũ. Bên cạnh đó, công ty cũng mạnh dạn đầu tư 4 máy ép nhựa loại truyền động điện dùng động cơ servo, tiết kiệm đến 60% mức tiêu thụ điện năng.

Đối với hệ thống chiếu sáng tại phân xưởng ép, công ty đã thay thế đèn cao áp công suất 400W/bộ và mở suốt 24h/ngày bằng đèn huỳnh quang 16W cho mỗi máy ép, lắp công tắc riêng cho mỗi bộ đèn cao áp cũng như đèn huỳnh quang, mỗi ngày chỉ mở bình quân 3 bộ đèn cao áp và 30 đèn huỳnh quang. Đèn huỳnh quang T10 cũng được Ban cải tiến đề xuất thay thế bằng đèn huỳnh quang T8 và thay thế tôn sáng để hạn chế mở đèn vào ban ngày, nhằm tiết kiệm điện tại các phân xưởng sản xuất. Khối văn phòng cũng được quy định mở máy lạnh trễ 15 phút trước khi bắt đầu làm việc và tắt sớm hơn 15 phút trước khi hết giờ. Còn tại các kho, công ty cũng đã lắp tôn sáng để lấy ánh sáng tự nhiên, nhằm tiết kiệm điện….

Đặc biệt, công ty đã xây dựng Chương trình giảm thiểu chất thải trong sản xuất nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất xanh – tiêu dùng bền vững; 100% phế liệu trong quá trình ép bán thành phẩm của công ty đã được tái chế và trở thành nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất.

Ông Huống cho biết: “Phát triển theo hướng xanh hơn không những giúp Thiên Long tiết giảm chi phí sản xuất nhờ sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách hợp lý mà còn giúp công ty giảm chi phí hoạt động xử lý chất thải. Hiện nay, Thiên Long vẫn xác định áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn là một trong những chiến lược lâu dài của công ty, vừa giúp DN gia tăng lợi ích kinh tế, hiệu quả môi trường, trách nhiệm xã hội và nâng cao vị thế, uy tín và thương hiệu của DN trên thị trường trong và ngoài nước”.

Theo Minh Kỳ – baocungcau.vn

Ninh Bình: tập huấn sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp công nghiệp

Sáng nay, 6/8/2015, Sở Công Thương Ninh Bình đã tổ chức lớp tập huấn SXSH trong công nghiệp cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng các doanh nghiệp đã có mặt đông đủ tham gia lớp tập huấn. Hai diễn giả chính của lớp tập huấn là bà Kiều Nguyễn Việt Hà – Chuyên viên Văn phòng giúp việc Ban Điều hành Chiến lược SXSH trong công nghiệp, Bộ Công Thương và bà Tăng Thị Hồng Loan – Giám đốc Công ty CP Tư vấn Epro.

Khai mạc lớp tập huấn, ông Lương Xuân Bằng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình nhấn mạnh, mục tiêu của lớp tập huấn là giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và đảm bảo sự phát triển bền vững. Ông Bằng cũng mong muốn, các doanh nghiệp tích cực tham gia trong quá trình tập huấn, tranh thủ giải đáp mọi vướng mắc để sau đó triển khai trong đơn vị, doanh nghiệp mình.

Các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm như thế nào là SXSH, SXSH có lợi gì cho doanh nghiệp, tham gia SXSH doanh nghiệp có được hỗ trợ gì không… đã được các diễn giả giải đáp đầy đủ. Bên cạnh việc giới thiệu về Chiến lược SXSH trong công nghiệp với các mục tiêu cụ thể cho đến năm 2020, bà Kiều Nguyễn Việt Hà còn giới thiệu với các doanh nghiệp cách tiếp cận các nguồn vốn thông qua các Quỹ và các chương trình, dự án. Bà Tăng Thị Hồng Loan giới thiệu đến các doanh nghiệp lợi ích, hiệu quả của việc áp dụng các giải pháp SXSH và đưa ra những ví dụ rất cụ thể về các điển hình áp dụng SXSH thành công, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho doanh nghiệp.

Bà Kiều Nguyễn Việt Hà giới thiệu những mục tiêu chính trong Chiến lược SXSH trong công nghiệp

Bà Kiều Nguyễn Việt Hà giới thiệu những mục tiêu chính trong Chiến lược SXSH trong công nghiệp

Được biết, ngày 26/5/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 499/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Khuyến công tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, trong đó có Chương trình hỗ trợ áp dụng SXSH với kinh phí hỗ trợ 3,37 tỉ đồng. Riêng năm 2016, kinh phí cho hoạt động SXSH là 370 triệu đồng, trong đó 220 triệu đồng từ nguồn kinh phí địa phương và 150 triệu đồng từ các nguồn khác. Số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ tổ chức hội thảo, tập huấn về áp dụng SXSH trong công nghiệp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình tiên tiến, thí điểm về áp dụng SXSH để phổ biến nhân rộng. Hỗ trợ tư vấn và áp dụng các giải pháp SXSH để khuyến khích nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo phát triển bền vững.

Theo Hồ Nga – tapchicongthuong.vn

Bốn yếu tố quyết định đến sự thành công trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp thuỷ sản

Ngày 29/7/2015 tại TP. Cần Thơ, Dự án SUPA đã tổ chức thành công Hội thảo “Giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí sản xuất trong chế biến thủy sản”.
Hội thảo có sự tham gia của chuyên gia: ThS. Nguyễn Thị Truyền – Phó Giám Đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Xuân Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), ông Nguyễn Thành Trung – Chuyên gia về sử dụng HQTN & SXSH cùng hơn 60 đại biểu đại diện cho hơn 20 doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam.
Ảnh hội thảo
Tại hội thảo các chuyên gia đã giới thiệu về hiệu quả tài nguyên – sản xuất sạch hơn trong chế biến thủy sản và cung cấp thông tin về kết quả, bài học kinh nghiệm từ các doanh nghiệp thủy sản đã áp dụng, từ đó đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp: Tiết kiệm năng lượng (điện, than, dầu,…), nước, hóa chất,… tối ưu hóa các quá trình sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Theo chuyên gia ThS. Nguyễn Thị Truyền, có 04 yếu tố quyết định đến sự thành công trong việc áp dụng SXSH tại các doanh nghiệp thủy sản là:

– Phải có sự đồng ý tham gia của lãnh đạo nhà máy.

– Vai trò của lãnh đạo đưa ra các định hướng, tạo các đảm bảo và hỗ trợ thực hiện.

– Vai trò của cán bộ chủ chốt phải hình thành được một đội SXSH hoạt động hiệu quả.

– Trang bị kịp thời phương tiện làm việc: Máy tính, các phương tiện khác.

Tại hội thảo Ông Nguyễn Thành Trung – Chuyên gia về sử dụng HQTN & SXSH cũng đã chia sẻ kết quả hơn một năm triển khai gói hỗ trợ đánh giá và tư vấn về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại 13 doanh nghiệp với 36 nhà máy chế biến thủy sản với một số kết quả ban đầu như sau:

Theo ông Trung trong sự phát triển lâu dài, đây là một trong số những phương án tốt nhất để kết hợp các lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường trong công ty. RE-CP không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Nhằm tiếp tực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cá tra tối ưu hóa các quá trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng, nước, cắt giảm chi phí sản xuất, sáng tạo và đổi mới sản phẩm, cải thiện hình ảnh cho doanh nghiệp, dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA) sẽ tiếp tục nhận đăng ký tham gia gói hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cá tra với 02 hoạt động chính như sau:

1. Chương trình sử dụng hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP)

2. Chương trình đổi mới sản phẩm theo hướng bền vững (SPI).

Mọi câu hỏi liên quan đến chương trình hoặc Quý DN muốn tham gia hoạt động hỗ trợ của dự án vui lòng liên hệ Chị Nguyễn Thị Thanh; Tel: 04 3835 4496 (máy lẻ 205); Email: [email protected]; Hoặc xem tại: www.supa.vasep.com.vn; www.daotao.vasep.com.vn.

Theo www.daotao.vasep.com.vn

Hỗ trợ kinh phí cho 28 mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Ngày 4/8, Ban điều phối thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (dự án AMD – Trà Vinh) triển khai kế hoạch thực hiện dự án từ nay đến cuối năm 2015.

Hỗ trợ kinh phí cho 28 mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu
Thu hoạch tôm nuôi trong nhà kính ở Bạc Liêu. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Ông Huỳnh Nghĩa Thọ, Giám đốc Ban điều phối Dự án AMD-Trà Vinh, cho biết Ban điều phối Dự án tiếp tục xây dựng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và đầu tư sinh kế bền vững cho cộng đồng trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.Dựa vào kết quả do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh khảo sát tại 30 xã trên địa bàn tỉnh, Ban điều phối Dự án sẽ xây dựng và thống nhất mức trần kinh phí hỗ trợ cụ thể cho 28 mô hình; trong đó có 13 mô hình sản xuất trong các lĩnh vực trồng trọt, bảy mô hình chăn nuôi và tám mô hình thủy sản được đánh giá thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ở lĩnh vực trồng trọt, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như chuyên canh rau, màu trên đất trồng lúa kém hiệu quả, trồng ngô giống, trồng lạc và dưa hấu tiết kiệm nước có thể nhân rộng ở khu vực đất giồng cát và triền giồng ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải – các địa phương thường xuyên bị thiếu nước tưới trong mùa khô.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu được hỗ trợ, gồm chăn nuôi lợn sinh sản, chăn nuôi lợn thịt, nuôi bò cái sinh sản, nuôi bò thịt, chăn nuôi dê, nuôi vịt đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học kết hợp với thả cá và chăn nuôi gà thả vườn.

Ở lĩnh vực thủy sản, các mô hình hiệu quả được hỗ trợ gồm nuôi thủy sản kết hợp trồng rừng, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, nuôi tôm thẻ chân trắng ở các vùng sinh thái lợ và mặn, nuôi cá tai tượng trong mương vườn, nuôi sò huyết trên triền sông dưới tán rừng, nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi, nuôi cá thác lác, mô hình lúa-tôm.

Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất theo các mô hình trên được Ban quản lý Dự án AMD-Trà Vinh xét duyệt sẽ được Quỹ đồng tài trợ mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu (Quỹ CCA) hỗ trợ không hoàn lại tối đa 50% tổng chi phí kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Những hộ cá thể được hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/hộ; những tổ, nhóm được hỗ trợ tối đa 750 triệu đồng/tổ, nhóm; số tiền còn lại do người hưởng lợi đóng góp.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, các địa phương tham gia dự án còn được Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển giải ngân nguồn vốn gần 14 tỷ đồng cho các nhóm tiết kiệm tín dụng, nhằm giúp hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất đúng mục đích và hiệu quả để thoát nghèo bền vững.

Dự án AMD-Trà Vinh thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020 trên địa bàn 30 xã của bảy huyện trong tỉnh với 15.000 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi, do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ.

Tổng vốn đầu tư của dự án 521 tỷ đồng; trong đó vốn vay của IFAD hơn 233 tỷ đồng, vốn tài trợ không hoàn lại hơn 126 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 79 tỷ đồng và nguồn đóng góp của người dân được hưởng lợi hơn 81 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng thể của dự án là xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi; nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo TTXVN