Bốn yếu tố quyết định đến sự thành công trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp thuỷ sản

Ngày 29/7/2015 tại TP. Cần Thơ, Dự án SUPA đã tổ chức thành công Hội thảo “Giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí sản xuất trong chế biến thủy sản”.
Hội thảo có sự tham gia của chuyên gia: ThS. Nguyễn Thị Truyền – Phó Giám Đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Xuân Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), ông Nguyễn Thành Trung – Chuyên gia về sử dụng HQTN & SXSH cùng hơn 60 đại biểu đại diện cho hơn 20 doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam.
Ảnh hội thảo
Tại hội thảo các chuyên gia đã giới thiệu về hiệu quả tài nguyên – sản xuất sạch hơn trong chế biến thủy sản và cung cấp thông tin về kết quả, bài học kinh nghiệm từ các doanh nghiệp thủy sản đã áp dụng, từ đó đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp: Tiết kiệm năng lượng (điện, than, dầu,…), nước, hóa chất,… tối ưu hóa các quá trình sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Theo chuyên gia ThS. Nguyễn Thị Truyền, có 04 yếu tố quyết định đến sự thành công trong việc áp dụng SXSH tại các doanh nghiệp thủy sản là:

– Phải có sự đồng ý tham gia của lãnh đạo nhà máy.

– Vai trò của lãnh đạo đưa ra các định hướng, tạo các đảm bảo và hỗ trợ thực hiện.

– Vai trò của cán bộ chủ chốt phải hình thành được một đội SXSH hoạt động hiệu quả.

– Trang bị kịp thời phương tiện làm việc: Máy tính, các phương tiện khác.

Tại hội thảo Ông Nguyễn Thành Trung – Chuyên gia về sử dụng HQTN & SXSH cũng đã chia sẻ kết quả hơn một năm triển khai gói hỗ trợ đánh giá và tư vấn về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại 13 doanh nghiệp với 36 nhà máy chế biến thủy sản với một số kết quả ban đầu như sau:

Theo ông Trung trong sự phát triển lâu dài, đây là một trong số những phương án tốt nhất để kết hợp các lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường trong công ty. RE-CP không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Nhằm tiếp tực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cá tra tối ưu hóa các quá trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng, nước, cắt giảm chi phí sản xuất, sáng tạo và đổi mới sản phẩm, cải thiện hình ảnh cho doanh nghiệp, dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA) sẽ tiếp tục nhận đăng ký tham gia gói hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cá tra với 02 hoạt động chính như sau:

1. Chương trình sử dụng hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP)

2. Chương trình đổi mới sản phẩm theo hướng bền vững (SPI).

Mọi câu hỏi liên quan đến chương trình hoặc Quý DN muốn tham gia hoạt động hỗ trợ của dự án vui lòng liên hệ Chị Nguyễn Thị Thanh; Tel: 04 3835 4496 (máy lẻ 205); Email: [email protected]; Hoặc xem tại: www.supa.vasep.com.vn; www.daotao.vasep.com.vn.

Theo www.daotao.vasep.com.vn

Hỗ trợ kinh phí cho 28 mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Ngày 4/8, Ban điều phối thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (dự án AMD – Trà Vinh) triển khai kế hoạch thực hiện dự án từ nay đến cuối năm 2015.

Hỗ trợ kinh phí cho 28 mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu
Thu hoạch tôm nuôi trong nhà kính ở Bạc Liêu. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Ông Huỳnh Nghĩa Thọ, Giám đốc Ban điều phối Dự án AMD-Trà Vinh, cho biết Ban điều phối Dự án tiếp tục xây dựng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và đầu tư sinh kế bền vững cho cộng đồng trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.Dựa vào kết quả do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh khảo sát tại 30 xã trên địa bàn tỉnh, Ban điều phối Dự án sẽ xây dựng và thống nhất mức trần kinh phí hỗ trợ cụ thể cho 28 mô hình; trong đó có 13 mô hình sản xuất trong các lĩnh vực trồng trọt, bảy mô hình chăn nuôi và tám mô hình thủy sản được đánh giá thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ở lĩnh vực trồng trọt, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như chuyên canh rau, màu trên đất trồng lúa kém hiệu quả, trồng ngô giống, trồng lạc và dưa hấu tiết kiệm nước có thể nhân rộng ở khu vực đất giồng cát và triền giồng ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải – các địa phương thường xuyên bị thiếu nước tưới trong mùa khô.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu được hỗ trợ, gồm chăn nuôi lợn sinh sản, chăn nuôi lợn thịt, nuôi bò cái sinh sản, nuôi bò thịt, chăn nuôi dê, nuôi vịt đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học kết hợp với thả cá và chăn nuôi gà thả vườn.

Ở lĩnh vực thủy sản, các mô hình hiệu quả được hỗ trợ gồm nuôi thủy sản kết hợp trồng rừng, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, nuôi tôm thẻ chân trắng ở các vùng sinh thái lợ và mặn, nuôi cá tai tượng trong mương vườn, nuôi sò huyết trên triền sông dưới tán rừng, nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi, nuôi cá thác lác, mô hình lúa-tôm.

Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất theo các mô hình trên được Ban quản lý Dự án AMD-Trà Vinh xét duyệt sẽ được Quỹ đồng tài trợ mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu (Quỹ CCA) hỗ trợ không hoàn lại tối đa 50% tổng chi phí kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Những hộ cá thể được hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/hộ; những tổ, nhóm được hỗ trợ tối đa 750 triệu đồng/tổ, nhóm; số tiền còn lại do người hưởng lợi đóng góp.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, các địa phương tham gia dự án còn được Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển giải ngân nguồn vốn gần 14 tỷ đồng cho các nhóm tiết kiệm tín dụng, nhằm giúp hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất đúng mục đích và hiệu quả để thoát nghèo bền vững.

Dự án AMD-Trà Vinh thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020 trên địa bàn 30 xã của bảy huyện trong tỉnh với 15.000 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi, do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ.

Tổng vốn đầu tư của dự án 521 tỷ đồng; trong đó vốn vay của IFAD hơn 233 tỷ đồng, vốn tài trợ không hoàn lại hơn 126 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 79 tỷ đồng và nguồn đóng góp của người dân được hưởng lợi hơn 81 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng thể của dự án là xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi; nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo TTXVN

Trên 70.000 tỷ đồng đầu tư xây nhà máy điện gió tại Cà Mau

Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, cho biết theo đề nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng – thương mại – du lịch Công Lý, lãnh đạo địa phương đã nhất trí ủng hộ để doanh nghiệp này đầu tư phát triển nhà máy điện gió tại bãi biển Khai Long thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Trên 70.000 tỷ đồng đầu tư xây nhà máy điện gió tại Cà Mau
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)
Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng-thương mại-du lịch Công Lý là đơn vị đã có kinh nghiệm trong xây dựng nhà máy điện gió tại tỉnh Bạc Liêu thời gian qua.Dự án có tổng kinh phí ước tính trên 70.000 tỷ đồng với quy mô 150 trụ tuabin, công suất thiết kế 300MW, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000ha. Ngoài ra, diện tích dành để xây trạm biến áp và nhà điều hành lên tới 20ha.

Hiện tỉnh Cà Mau cùng với nhà đầu tư khẩn trương làm dự toán chi tiết, giải phóng mặt bằng, đồng thời tiến hành các thủ tục theo quy định để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt để dự án triển khai trong thời gian sớm nhất.
Đây là dự án có quy mô lớn thuộc chương trình phát triển năng lượng sạch, phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo TTXVN

Sản xuất sạch hơn – Giải pháp phát triển cho doanh nghiệp công nghiệp

Theo các chuyên gia về sản xuất sạch hơn (SXSH) trên thế giới, các giải pháp SXSH không chỉ đơn thuần là thay đổi thiết bị, mà còn là các thay đổi trong vận hành và quản lý của một doanh nghiệp (DN).

Nhà máy sản xuất sữa bột hiện đại của Vinamilk tại Bình Dương

Nhà máy sản xuất sữa bột hiện đại của Vinamilk tại Bình Dương

Các giải pháp sản xuất sạch hơn

Giải pháp SXSH gồm giảm chất thải tại nguồn, về cơ bản, ý tưởng của SXSH là tìm hiểu tận gốc của ô nhiễm bằng quá trình Quản lý nội vi nhằm kiểm soát quá trình sản xuất của DN. Quản lý nội vi là một loại giải pháp đơn giản nhất của SXSH. Quản lý nội vi không đòi hỏi chi phí đầu tư và có thể được thực hiện ngay sau khi xác định được các giải pháp, các ví dụ của quản lý nội vi có thể là khắc phục các điểm rò rỉ, đóng van nước hay tắt thiết bị khi không sử dụng dễ tránh tổn thất. Mặc dù quản lý nội vi là đơn giản nhưng vẫn cần có sự quan tâm của ban lãnh đạo cũng như việc đào tạo nhân viên. Đây là giải pháp nhằm kiểm soát quá trình tốt hơn, để bảo đảm các điều kiện sản xuất được tối ưu hóa về mặt tiêu thụ nguyên liệu, sản xuất và phát sinh chất thải. Đối với giải pháp này, các thông số của quá trình sản xuất như nhiệt độ, thời gian, áp suất, pH, tốc dộ… cần được giám sát và duy trì càng gần với điều kiện tối ưu càng tốt. Cũng như với quản lý nội vi, việc kiểm soát quá trình tốt hơn, đòi hỏi các quan tâm của ban lãnh đạo cũng như việc giám sát ngày một hoàn chỉnh hơn.

Sau giải pháp quản lý nội vi, giải pháp thay đổi nguyên liệu cũng được các chuyên gia nhấn mạnh. Đây là việc thay thế các nguyên liệu đang sử dụng bằng các nguyên liệu khác thân thiện với môi trường hơn. Thay đổi nguyên liệu còn có thể là việc mua nguyên liệu có chất lượng tốt hơn để đạt được hiệu suất sử dụng cao hơn. Thông thường lượng nguyên liệu sử dụng, chất lượng của nguyên liệu và sản phẩm có mối quan hệ trực tiếp với nhau.

Giải pháp quan trọng không kém là cải tiến thiết bị là việc thay đổi thiết bị đã có để nguyên liệu tổn thất ít hơn. Việc cải tiến thiết bị có thể là điều chỉnh tốc độ máy, là tối ưu kích thước kho chứa, là việc bảo ôn bề mặt nóng, lạnh, hoặc thiết kế cải thiện các bộ phận cần thiết trong thiết bị. Một ví dụ của mạ điện là lắp đặt cẩu vớt để thu hồi phần rơi vãi từ các chi tiết được mạ. Công nghệ sản xuất mới là việc lắp đặt các thiết bị hiện đại và có hiệu quả hơn, ví dụ như lắp đặt nồi hơi hiệu suất cao hơn hay lắp đặt máy nhuộm Jet sử dụng dung tỷ thấp hơn. Giải pháp này yêu cầu chi phí đầu tư cao hơn các giải pháp sản xuất sạch khác, do đó cần phải được nghiên cứu cẩn thận. Mặc dù vậy, tiềm năng tiết kiệm và cải thiện chất lượng có thể cao hơn so với các giải pháp khác.

Giải pháp tuần hoàn cũng được xem là một giải pháp hay. Các loại dòng thải không thể tránh được trong khu vực sản xuất hoặc bán ra như một loại sản phẩm phụ, hoặc được tận thu và tái sử dụng tại chỗ là việc thu thập “chất thải” và sử dụng lại cho quá trình sản xuất. Một ví dụ đơn giản của giải pháp này là sử dụng lại nước giặt từ một quá trình cho quá trình giặt khác. Tạo ra các sản phẩm phụ là việc thu thập (và xử lý) “các dòng thải” để có thể trở thành một sản phẩm mới hoặc bán ra cho các cơ sở sản xuất khác. Lượng men bia dư thừa có thể được sử dụng làm thức ăn cho lợn, cho cá hay làm các chất độn thực phẩm.

Và giải pháp cuối cùng cũng là giải pháp cơ bản của SXSH là: thay đổi sản phẩm, cải thiện chất lượng sản phẩm để làm giảm ô nhiễm. Thay đổi sản phẩm là việc xem xét lại sản phẩm và các yêu cầu đối với sản phẩm đó. Cải thiện, thiết kế sản phẩm có thể đem lại tiết kiệm về tiêu thụ nguyên liệu và lượng hóa chất độc hại sử dụng.

Trong thực tế, các nền công nghiệp hiện đại trên thế giới đều đã thực hiện thành công các giải pháp SXSH, để đạt các tiêu chí của sự phát triển bền vững.

Và việc ứng dụng giải pháp SXSH ở Bình Dương

Đến nay, tỉnh Bình Dương có khoảng 13.000 DN trong nước đăng ký kinh doanh và 2.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng DN thuộc các thành phần kinh tế có khuynh hướng tăng qua các năm. Tuy nhiên, việc áp dụng SXSH vẫn còn hạn chế, một số cơ sở, DN tuy có triển khai SXSH nhưng chưa đồng bộ, vì vậy hiệu quả mang lại chưa cao. Theo khảo sát một số DN trên địa bàn tỉnh thì tiềm năng áp dụng SXSH trong các DN còn rất lớn, có thể tiết kiệm được các nguyên liệu, nhiên liệu, nước, hóa chất,… đặc biệt có thể tiết kiệm đến 25% năng lượng trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, hiện các DN chỉ mới chú trọng tới giải pháp xử lý môi trường của các chất thải cuối nguồn (xử lý cuối đường ống) mà chưa quan tâm sâu tới việc phòng ngừa, ứng phó sự cố về môi trường vào các quá trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Để thực hiện có hiệu quả nội dung của Chiến lược quốc gia về SXSH trong công nghiệp đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2012-2015 ở Bình Dương, theo kế hoạch này, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên & Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghiệp VSIP, báo, đài, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các DN sản xuất công nghiệp, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về SXSH đến tổ chức, cơ quan và DN nhằm nắm được lợi ích của việc SXSH, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc áp dụng SXSH. UBND tỉnh cũng giao các ngành nhiệm vụ đào tạo, tập huấn về SXSH cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các cơ quan cấp tỉnh, huyện, thị xã và DN về công tác SXSH, để triển khai sâu rộng trên toàn địa bàn. Tỉnh cũng giao các ngành xây dựng các đề tài, dự án về quản lý, áp dụng SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng và cải tiến công nghệ nhằm phục vụ SXSH trong công nghiệp. Xây dựng, phổ biến các cơ sở dữ liệu theo ngành về suất tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng trên đơn vị sản phẩm nhằm triển khai, áp dụng SXSH trong công nghiệp. Xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia SXSH cho các tổ chức tư vấn và đội ngũ cán bộ kỹ thuật về SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm, nhân rộng các mô hình áp dụng SXSH trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án áp dụng SXSH như đầu tư thay đổi, cải tiến dây chuyền công nghệ.

Với việc triển khai kế hoạch SXSH trên địa bàn, đến nay, việc áp dụng SXSH trong các cơ sởsản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Một số DN đã nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH và đã từng bước cải tiến quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm vàhiệu quả, sử dụng nguyên liệu thay thế phát sinh ít chất thải,… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo baocungcau.vn