Cơ chế phát triển sạch (CDM): Xanh kinh tế, sạch môi trường

Việc tham gia quá trình CDM sẽ mở ra những cơ hội tốt cho việc giảm nhẹ vấn đề môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (KNK) định lượng  sẽ được cấp chứng nhận (CER) và có thể trao đổi mua bán trên thị trường như một hàng hoá thương mại.

Tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế Xanh

CDM là một cơ chế đối tác đầu tư giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. CDM cho phép và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của các nước phát triển đầu tư, thực hiện các dự án giảm phát thải các khí nhà kính tại các nước đang phát triển và nhận được Chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CER). CER được tính vào chỉ tiêu giảm phát thải các khí nhà kính của các nước phát triển, giúp các nước này thực hiện cam kết giảm phát thải các khí nhà kính. Một CER bằng một tấn khí CO2 tương đương.

Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu chiến lược quốc gia về CDM trong thời gian qua và đã được xác định là một trong các nước có tiềm năng về xây dựng và thực hiện các dự án CDM, đặc biệt là các dự án CDM trong lĩnh vực năng lượng. Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối quốc gia về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và CDM. Bộ đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải KNK nói chung và các dự án CDM nói riêng nhằm tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp cũng như tích cực cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất.

Một số công nghệ được  triển khai giảm phát  thải KNK  trong một số  lĩnh vực đã có những hiệu quả rõ rệt. Công nghệ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng ở Nhà máy bia Thanh Hoá, công nghệ thu hồi khí đốt đồng hành mỏ Rạng Đông, công nghệ thu hồi nhiệt dư ở nhà máy Xi măng Hà Tiên II… được quốc tế đánh giá cao và coi là một trong những dự án thử nghiệm cho dạng cơ chế phát triển sạch ở Việt Nam.

Việt Nam đã có trên 50 dự án được Ban Chấp hành quốc tế về CDM (EB) công nhận là dự án CDM với tổng lượng khí nhà kính giảm được thông qua các dự án này vào khoảng 24,1 triệu tấn CO2 tương đương. Với kết quả đạt được nêu trên, nước ta được xếp thứ 7 trên thế giới về số lượng dự án CDM được EB công nhận và xếp thứ 8 trên thế giới (thứ nhất Đông Nam Á) về lượng CER được EB cấp cho các nước thực hiện dự án CDM với tổng lượng CER được cấp là 4.511.198 chứng chỉ.

Tiến tới thương mại hóa

Triển khai  thực hiện các dự án CDM không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo nguồn  thu không  nhỏ  về  tài  chính. Các  dự  án CDM  giảm  phát  thải KNK  được  công  nhận  và  cấp chứng chỉ sẽ có thể trao đổi, mua bán thương mại trên thị trường như một sản phẩm hàng hóa với giá  trị  thu được khoảng 250  triệu USD. Trước đây,  các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng năng  lượng  chưa  có hiệu quả, việc ứng dụng năng lượng tái tạo chưa thực sự được quan tâm. Nhưng khi các nhà đầu tư đưa vào áp dụng các công nghệ hiện đại thì lượng chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận qua các dự án CDM ở Việt Nam sẽ tăng lên.
Riêng dự án thu hồi khí đốt đồng hành mỏ Rạng Đông đã  thu  được  khoảng  6,7  triệu  tấn CO2  tương  đương. Sau  khi được  kiểm  định  và  chứng nhận, chứng chỉ này sẽ chia sẻ với các nhà đầu tư công nghệ và Việt Nam qua các biên bản thoả thuận quốc tế về mua bán quyền phát thải. Với giá thành trung bình trên thế giới từ 8-10 USD/tấn CO2, lợi nhuận mà mỏ Rạng Đông thu được từ “khí thải” là không nhỏ. Việc  lập chương trình nghiên cứu, tính  toán phát thải trong giai đoạn từ năm 2010-2020 ở Việt Nam  đã  được  tập  trung  chủ  yếu  vào  khí CO2, CH4, NO2. Quá  trình  dự  toán  theo phương thức “từ dưới lên”, tổng hợp các thành phần từ các lĩnh vực phát thải chính là năng lượng,  công  nghiệp  và  giao  thông,  rừng  và nông  nghiệp.
Có thể nói, hình thức của các dự án CDM đã thực hiện ở Việt Nam và đa số các nước khác  là các tổ chức, cơ quan, công ty ở các nước phát triển, thông qua các công ty cung cấp công nghệ, tìm đến các nước đang phát triển, có tiềm năng giảm phát thải KNK để thực hiện dự án. Phía các nước phát triển đầu tư vốn, công nghệ giảm phát thải và nhận được “chứng chỉ giảm phát thải”, thực hiện cam kết giảm lượng khí nhà kính đã ký trong nghị định thư Kyoto.

Như vậy, thị trường buôn bán phát thải có thể nói đang ở tình trạng một chiều, nghĩa là người mua chủ động tìm đến những địa chỉ có tiềm năng cung cấp sản phẩm mà họ cần. Trong thời gian tới, sự phát triển về quy mô và chất lượng của thị trường sẽ thay đổi, và theo đó, hình thức buôn bán phát thải sẽ thay đổi theo hướng cân bằng hơn, nghĩa là các nhà cung cấp sản phẩm chủ động tìm đến người tiêu dùng.

Theo tin môi trường, vea.gov.vn

Rơm… đắt hơn lúa

Giá rơm 700.000 đ/sào nhưng vẫn không đủ để bán. Người mua rơm về cho bò ăn, mua về lót dưa hấu đi buôn, khiến rơm cháy hàng, có lúc bán được tới 1.000.000 đ/sào.

Những ngày qua, tại một số vùng nông thôn Phú Yên, người dân đổ xô ra đồng hỏi mua rơm khô về trữ làm thức ăn cho bò. Còn tư thương buôn dưa thì lái xe tải thẳng ra đồng tranh mua rơm, dẫn đến rơm đắt hàng.

Ra đồng mua rơm khô còn phải nhọc công phụ chủ ruộng bó lúa (Ảnh: nongnghiep.vn)

RƠM CÓ GIÁ HƠN LÚA

Những ngày lúa thu hoạch rộ, tại cánh đồng ở các xã An Định, An Dân (huyện Tuy An, Phú Yên), nhiều người dân quanh vùng đổ xô đến mua rơm.

Ông Trần Thanh Hùng, một người đi mua rơm cho hay: “Tôi ở xã An Hiệp đi xa gần 30 cây số lên đây mua rơm. Để mua được rơm phải nhọc công phụ chủ ruộng bó lúa vì không chỉ mình tôi mà trên các cánh đồng người mua rơm đi “đụng” đầu nhau hoài”.

Ông Trần Văn Sơn, ở xã An Nghiệp (Tuy An) cho biết: “Nhà tôi có 2 sào ruộng, vừa rồi 1 sào bị chín ép do thiếu nước tưới, cắt cho bò ăn non, còn lại 1 sào gặt xong đem rơm về nhà vun nọc trữ.

Nhà có 3 con bò, sợ sắp đến không đủ rơm cho bò ăn, vậy mà có người mua rơm ngoài đồng không thấy, đến tận nhà tôi hỏi mua nọc rơm. Giá rơm 700.000 đ/sào, trong xóm tôi nhiều gia đình canh tác 8- 10 sào, họ bớt 2 sào để trữ cho bò ăn, còn lại bán rơm sắm vàng”.

Rơm khô bán chạy hơn lúa (Ảnh: nongnghiep.vn)

Rảo ra đồng hỏi mua rơm, có người chịu bán, nhưng ông Nguyễn Tình, ở xã Hòa Phú (Tây Hòa) đành bỏ về vì số tiền người bán “thách” giá quá cao đến mức không tưởng tượng.

“Nhà có 4 con bò nhưng chỉ có 1 sào lúa. Nắng hạn, vụ hè thu đến sợ không có nước xuống giống gieo sạ lúa dẫn đến thiếu rơm trữ cho bò ăn nên tôi đi hỏi mua rơm.

Ban đầu bà con chỉ bán 700.000 đ/sào, nhưng gần đây mấy người chở dưa hấu lái xe tải chạy thẳng ra đồng hỏi mua rơm lót thùng vận chuyển dưa (hiện nay ở một số vùng nông thôn nông dân đang thu hoạch vụ dưa hấu trồng muộn).

Do rơm khan hiếm họ mua phá giá, lên đến 1 triệu đ/sào. Từ ngày cha sanh mẹ đẻ tôi mới thấy rơm đắt giá như vậy”, ông Tình nói.

Cũng chính vì rơm khan hiếm, tại xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) đã xảy ra tình trạng mất cắp rơm vào ban đêm.

Bà Nguyễn Thị Lan, ở xã Xuân Thọ 1 (TX Sông Cầu), buồn bã nói: “Ở quê tôi không có ruộng lúa nước, tôi xuống dưới này đặt hàng hỏi mua rơm từ khi lúa mới chín đỏ đuôi. Hôm qua gặt xong, máy phun rơm tại ruộng. Chiều tối không có xe chở, sáng ra tôi thuê xe đến nơi thì đống rơm to bằng cái nhà hôm qua giờ chỉ sót lại vài cọng”, bà Lan nói.

Cạnh đó ông Trương Bắc, cho hay hôm trước phun rơm xong, trời tối nên ông để lại tại ruộng. Nhà ở cạnh cánh đồng, nửa đêm nghe tiếng xe tải chạy ra ruộng, thấy thế ông theo ra, thấp thoáng bóng mấy người thanh niên hốt rơm ông hô hoán, họ thoát lên xe bỏ chạy.

RƠM KHÔ KHAN HIẾM

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, đàn trâu bò toàn tỉnh hiện có gần 183.000 con. Tình hình nắng hạn đang diễn ra rất gay gắt, nguồn thức ăn gia súc cạn kiệt nên gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.

Tại huyện miền núi Sơn Hòa, lần đầu tiên người trồng lúa bán 200.000 đ/sào rơm, trước đây rơm thường rải ra ruộng đốt. Sơn Hòa là “thủ phủ” của mía đường (gần 10.000ha mía), chính vì vậy ngoài chăn thả bò ngoài đồng ăn cỏ tự nhiên thì đọt mía là nguồn thức ăn cho bò.

Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng NN- PTNT huyện Sơn Hòa, thời gian qua có 200ha mía bị đốt cháy, trụi lá dẫn đến đọt mía không có cho bò ăn.

Ông Trương Tấn Hòa, ở xã Sơn Phước cho hay, mấy năm trước đến mùa thu hoạch mía thì dùng ngọn mía cho bò ăn, nay mía cháy lá, đi hỏi mua rơm không có, gia đình bỏ công đi mót rơm khô vương vãi về cho bò ăn.

Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho hay: Tổng đàn bò của huyện 20.130 con, trước tình trạng nắng hạn kéo dài nguồn thức ăn cạn kiệt, bò ốm mất sức đề kháng dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Vì thế, người dân đổ xô đi mua rơm, nhưng đồng ruộng ở đây nhỏ nên rơm bán chạy hơn lúa.

Đối với người dân miền núi, nuôi bò là nguồn thu nhập chính, giúp không ít gia đình thoát nghèo. Thế nhưng thời gian qua nắng hạn nên cỏ khô, gốc rạ không còn, rơm không có, bò thiếu thức ăn dẫn đến gầy ốm, chết đói nhiều.

Mấy ngày qua, bà La Lang Thị Xinh (dân tộc thiểu số Chăm H’ Roi, ở xã Ea Bá, huyện Sông Hinh) sáng nào cũng lùa đàn bò gần 20 con vượt qua 2 cây số chăn thả vùng gò đồi, nơi trước đây trồng lúa 1 vụ thu hoạch rồi bỏ hoang. “Ngày nào cũng thả bò ăn qua ăn lại, riết không còn gốc rạ nào. Thiếu thức ăn bò mẹ ốm kiệt sức không đủ sữa nên nghé con mới sinh ra vài ngày là chết” – bà Xinh buồn rầu nói.

Theo La Hai, Nông nghiệp Việt Nam

Để công nghiệp than thân thiện môi trường

Là đối tượng chính trong chiến lược dịch chuyển nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhận thức rõ ràng về vị trí và khối lượng công việc của mình cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới…

Năng lượng Mới số 320

Thay đổi tư duy trong người lao động

Trên thực tế, môi trường vẫn là mối quan tâm thường trực của nhiều thế hệ lãnh đạo. Tuy nhiên, từ ý tưởng và quyết tâm của lãnh đạo đến thực hiện là cả một vấn đề. Điều này cực khó với một ngành “đông” quân như TKV, lên tới 12,5 vạn người lao động.

Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch HĐQT TKV từng tâm sự: Để một thương hiệu bay cao, để xã hội và nền kinh tế chấp nhận, thậm chí ủng hộ khuyến khích thì yếu tố bền vững phải được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Lâu nay, khái niệm “xanh hóa” nền công nghiệp than đã không còn “mới” trong các buổi giao ban, hội nghị, hội thảo nữa rồi.

Chắc mọi người vẫn chưa quên cách đây 20-30 năm, những cung đường, những ngôi nhà mặt phố… ở Cẩm Phả, Uông Bí đen ngòm vì bụi than. TKV đã nhận trách nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên, với vai trò là đối tượng chính của thực trạng trên, Tập đoàn đã tích cực khắc phục và phối hợp cùng chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm “hình ảnh” không mấy đẹp mắt.

Hệ thống phun sương trên đường vào mỏ than Hòn Gai

Dẫu vậy, ông Kiển cho rằng, trước hết phải xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường trong xã hội và của mỗi người dân. “Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý quyết liệt, giải quyết dứt điểm các vụ việc về môi trường, các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, đồng thời cần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức sang hành động cụ thể và đầu tư cho môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường, kết quả bảo vệ môi trường cụ thể để đánh giá”, ông Kiển thể hiện quan điểm.

Mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp và vấn đề môi trường phát sinh nhiều thập niên qua đã tác động đáng kể cả về cách tiếp cận cũng như quan điểm quản lý. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, phong trào áp dụng các công cụ quản lý môi trường trong quá trình sản xuất đã trở nên toàn diện hơn, ngành công nghiệp đã quan tâm hơn đến việc giảm nguyên liệu đầu vào trên một đơn vị sản phẩm nhằm giảm nhu cầu về nguyên liệu sản xuất. Vào những năm của thập niên 2000, với những chứng cứ xác đáng về nguyên nhân và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, công nghiệp phải đối mặt với việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua các chính sách tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.

“Xanh hóa” từ đâu?

Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Trưởng ban Môi trường – TKV khá tự tin với những biện pháp đồng bộ và đi vào thực chất các đơn vị trong Tập đoàn đang triển khai. Đáng chú ý có thể kể đến động tác tiến hành cải tạo các bãi thải, nhất là các bãi thải nằm trong lòng thành phố Hạ Long và từ QL 18 nhìn lên. Ông Điệp giải thích, giải pháp công nghệ tối ưu là cho cắt tầng để giảm độ dốc, đảm bảo an toàn cho bãi thải. Sau đó ổn định sườn bãi thải bằng nhiều cách, nhưng cách thành công nhất là sử dụng biện pháp sinh học, phủ xanh bãi thải bằng cỏ Vetiver vừa có tác dụng ngăn bụi vừa bảo vệ sườn bãi thải.

Cùng với biện pháp phủ xanh bãi thải, TKV còn xây dựng hệ thống mương dẫn nước tại các bãi thải để thu gom nước và xử lý trước khi thải ra môi trường và chống sạt lở bãi thải. Vấn đề bụi cũng khá nan giải trong khai thác, vận chuyển than. Giải pháp mà Tập đoàn thực hiện là chấm dứt vận chuyển than bằng ôtô trên QL 18A từ Đông Triều tới Mông Dương và Tỉnh lộ 337 Quảng Ninh; thay vào đó bằng các tuyến đường chuyên dụng, băng tải, đường sắt… và bắt buộc các lái xe khi vận chuyển than cắt qua quốc lộ hoặc ngang qua khu dân cư phải phủ bạt thùng xe.

Đối với hệ thống xử lý nước thải, hiện các mỏ than ở Quảng Ninh đã được áp dụng công nghệ hiện đại, từ hố lắng kết hợp sữa vôi đến phương pháp hóa – lý và lọc cơ học có áp lực. Các trạm xử lý nước thải thuộc thế hệ đầu tiên được áp dụng công nghệ bể lắng ngang, lọc áp lực là Hà Ráng, Hà Khánh, +260 và +320 Đồng Vông, +41 Lộ Trí, +131 Tràng Khê, Khe Chàm… Cùng đó, các trạm xử lý thế hệ thứ hai như: Cọc Sáu, Vàng Danh, Mạo Khê đã được áp dụng công nghệ tấm lắng nghiêng nhằm tăng tốc độ lắng, đồng thời hạn chế diện tích bể lắng sử dụng so với công nghệ bể lắng ngang. Nhờ những công nghệ mới có tính ưu việt nên các mỏ than ở Quảng Ninh ngoài lượng than được tận thu triệt để tăng 20-30% sản lượng so với công nghệ cũ thì còn giảm đáng kể ô nhiễm môi trường và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Năm 2009-2010, TKV giao cho một đơn vị thử nghiệm xây dựng hệ thống rửa xe ở hai đầu trước khi ra khỏi mỏ và trước khi rời khỏi cảng quay trở lại mỏ để giảm thiểu bụi. Tại các khu vực chế biến than, nhất là các khâu công nghệ trong nhà máy tuyển, trạm sàng trên mỏ, các trạm chuyển tải là những ổ bụi dễ phát tán; chúng tôi buộc các đơn vị phải đầu tư thiết bị phun sương, bê tông hóa nền các kho chứa than trên công trường, xây tường bao quanh và có lưới chống bụi. Tập đoàn cũng đã thành lập một đơn vị chuyên trách lo việc xử lý nước thải của các mỏ. Từ đó đến nay đã xây dựng và đưa vào gần 30 trạm xử lý nước thải, cải thiện một bước công tác xử lý nước thải. Để giảm thiểu bụi, ô nhiễm về nước trên bề mặt lâu dài tại các kho than, từ nay đến 2020, TKV sẽ di dời tất cả các kho than rải rác, nhỏ lẻ, số còn lại trên các bến cảng sẽ được quy hoạch lại, hiện đại hóa các cảng, chứa than trong xilô và vận chuyển tới cảng bằng băng tải để các tàu vào “ăn than”.

Ông Nguyễn Mạnh Điệp khẳng định, dù trong điều kiện khó khăn về tài chính, nhưng hiện tại TKV vẫn đầu tư khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó khoảng 60-70% dành cho các dự án sử dụng nguồn Quỹ Môi trường tập trung, phần còn lại sử dụng cho các công việc bảo vệ thường xuyên và các dự án BVMT của các đơn vị thành viên. Nhiều đơn vị thành viên của TKV đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và tổ chức quan trắc môi trường theo định kỳ.

Trong cam kết với tỉnh Quảng Ninh, hai bên đã thống nhất nhiều giải pháp về quản lý, khai thác, chế biến, vận chuyển than, chống gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại, TKV đã xử lý xong nước thải hầm lò, đến năm 2015 cơ bản xử lý xong nước thải mỏ lộ thiên và đến 2020 cải thiện đáng kể môi trường tại Quảng Ninh. Đi cùng với nước thải là vấn đề bụi, vấn đề bãi thải và cảnh quan, xử lý chất thải nguy hại… Thực hiện mục tiêu này, Tập đoàn tiếp tục cải tạo các bãi thải cao và phủ xanh để đến năm 2015-2020 giải quyết xong vấn đề bãi thải mỏ. Lập hệ thống thu gom toàn bộ nước thải bề mặt và xử lý cùng với nước thải mỏ và tuần hoàn phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các mỏ.

“Hơn 50 năm qua, công nghiệp khai thác than đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của đất nước cũng như Quảng Ninh. Tuy nhiên, do hầu hết các mỏ đều áp dụng hệ thống khai thác xuống sâu dọc một hoặc hai bờ công tác, đất đá chủ yếu được đổ ra bãi thải ngoài, cũng như sử dụng các loại thiết bị có công suất thấp nên đã làm ô nhiễm nguồn nước và đất đai quanh mỏ.

Nhờ những công nghệ mới có tính ưu việt nên năm qua các mỏ than ở Quảng Ninh ngoài lượng than được tận thu triệt để tăng 20-30% sản lượng so với công nghệ cũ thì còn giảm đáng kể ô nhiễm môi trường và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Hy vọng, những công nghệ này sẽ được các doanh nghiệp ngành than cả nước áp dụng rộng rãi để mang lại hiệu quả kinh tế lớn và bảo vệ môi trường cho chính các doanh nghiệp và xã hội” – Phó bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long.

 

Theo Petrotimes.vn

VNCPC và dự án SUPA tham dự Hội chợ Thủy sản Châu Âu tại Brussels Bỉ từ 6-8/5/2014

Hàng năm cứ vào dịp tháng 5, Hội chợ Thủy sản Châu Âu lại diễn ra với sự tham dự của hơn 100.000 người từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam – SUPA” do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự chủ trì của Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và các đối tác khác là VASEP, WWF-Việt Nam và WWF-Áo đã tham gia và có một gian hàng tại hội chợ nhằm giới thiệu dự án tới các tổ chức, các nhà nhập khẩu, các nhà buôn quốc tế.

Dự án cũng đã tài trợ cho 5 doanh nghiệp tham gia Hội chợ thủy sản Châu Âu nhằm kết nối thị trường. Trong buổi khai mạc, gian hàng Thủy sản Việt Nam đã có sự tham dự của ông Phạm Sanh Châu đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ kiêm nhiệm tại Ủy ban Châu Âu, đại diện Tổng Cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đại diện Đài truyền hình Việt Nam tại Châu Âu, các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu, cơ quan báo chí quốc tế và doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi Họp báo khai mạc gian hàng Việt Nam, Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Thủy sản đối với cơ cấu kinh tế Việt Nam và cam kết với quốc tế về một định hướng phát triển bền vững cho thủy sản  nói chung và cá tra nói riêng.

1

 Họp báo Khai mạc gian hàng Thủy sản Việt Nam

Sau buổi Họp báo, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã tới thăm gian hàng và nghe giới thiệu về dự án cũng như kết quả đạt được bước đầu. Đại sứ rất hoan nghênh nỗ lực của các tổ chức tham gia thực hiện dự án và mong muốn có nhiều hợp tác hơn nữa giữa các cơ quan Việt Nam và tổ chức Châu Âu nhằm quảng bá thủy sản Việt Nam cũng như giúp doanh nghiệp Việt Nam hướng tới một nền sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường.

2

Đại sứ Phạm Sanh Châu thăm gian hàng của dự án

3

Cơ quan thường trú Đài TH VN tại Bỉ đến đưa tin

4

Chuyên gia dự án Carson Ropper đưa các doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường tại các chuỗi siêu thị ở Châu Âu

Admin VNCPC