Cơ chế phát triển sạch (CDM): Xanh kinh tế, sạch môi trường

Việc tham gia quá trình CDM sẽ mở ra những cơ hội tốt cho việc giảm nhẹ vấn đề môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (KNK) định lượng  sẽ được cấp chứng nhận (CER) và có thể trao đổi mua bán trên thị trường như một hàng hoá thương mại.

Tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế Xanh

CDM là một cơ chế đối tác đầu tư giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. CDM cho phép và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của các nước phát triển đầu tư, thực hiện các dự án giảm phát thải các khí nhà kính tại các nước đang phát triển và nhận được Chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (CER). CER được tính vào chỉ tiêu giảm phát thải các khí nhà kính của các nước phát triển, giúp các nước này thực hiện cam kết giảm phát thải các khí nhà kính. Một CER bằng một tấn khí CO2 tương đương.

Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu chiến lược quốc gia về CDM trong thời gian qua và đã được xác định là một trong các nước có tiềm năng về xây dựng và thực hiện các dự án CDM, đặc biệt là các dự án CDM trong lĩnh vực năng lượng. Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối quốc gia về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và CDM. Bộ đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải KNK nói chung và các dự án CDM nói riêng nhằm tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp cũng như tích cực cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất.

Một số công nghệ được  triển khai giảm phát  thải KNK  trong một số  lĩnh vực đã có những hiệu quả rõ rệt. Công nghệ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng ở Nhà máy bia Thanh Hoá, công nghệ thu hồi khí đốt đồng hành mỏ Rạng Đông, công nghệ thu hồi nhiệt dư ở nhà máy Xi măng Hà Tiên II… được quốc tế đánh giá cao và coi là một trong những dự án thử nghiệm cho dạng cơ chế phát triển sạch ở Việt Nam.

Việt Nam đã có trên 50 dự án được Ban Chấp hành quốc tế về CDM (EB) công nhận là dự án CDM với tổng lượng khí nhà kính giảm được thông qua các dự án này vào khoảng 24,1 triệu tấn CO2 tương đương. Với kết quả đạt được nêu trên, nước ta được xếp thứ 7 trên thế giới về số lượng dự án CDM được EB công nhận và xếp thứ 8 trên thế giới (thứ nhất Đông Nam Á) về lượng CER được EB cấp cho các nước thực hiện dự án CDM với tổng lượng CER được cấp là 4.511.198 chứng chỉ.

Tiến tới thương mại hóa

Triển khai  thực hiện các dự án CDM không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo nguồn  thu không  nhỏ  về  tài  chính. Các  dự  án CDM  giảm  phát  thải KNK  được  công  nhận  và  cấp chứng chỉ sẽ có thể trao đổi, mua bán thương mại trên thị trường như một sản phẩm hàng hóa với giá  trị  thu được khoảng 250  triệu USD. Trước đây,  các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng năng  lượng  chưa  có hiệu quả, việc ứng dụng năng lượng tái tạo chưa thực sự được quan tâm. Nhưng khi các nhà đầu tư đưa vào áp dụng các công nghệ hiện đại thì lượng chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận qua các dự án CDM ở Việt Nam sẽ tăng lên.
Riêng dự án thu hồi khí đốt đồng hành mỏ Rạng Đông đã  thu  được  khoảng  6,7  triệu  tấn CO2  tương  đương. Sau  khi được  kiểm  định  và  chứng nhận, chứng chỉ này sẽ chia sẻ với các nhà đầu tư công nghệ và Việt Nam qua các biên bản thoả thuận quốc tế về mua bán quyền phát thải. Với giá thành trung bình trên thế giới từ 8-10 USD/tấn CO2, lợi nhuận mà mỏ Rạng Đông thu được từ “khí thải” là không nhỏ. Việc  lập chương trình nghiên cứu, tính  toán phát thải trong giai đoạn từ năm 2010-2020 ở Việt Nam  đã  được  tập  trung  chủ  yếu  vào  khí CO2, CH4, NO2. Quá  trình  dự  toán  theo phương thức “từ dưới lên”, tổng hợp các thành phần từ các lĩnh vực phát thải chính là năng lượng,  công  nghiệp  và  giao  thông,  rừng  và nông  nghiệp.
Có thể nói, hình thức của các dự án CDM đã thực hiện ở Việt Nam và đa số các nước khác  là các tổ chức, cơ quan, công ty ở các nước phát triển, thông qua các công ty cung cấp công nghệ, tìm đến các nước đang phát triển, có tiềm năng giảm phát thải KNK để thực hiện dự án. Phía các nước phát triển đầu tư vốn, công nghệ giảm phát thải và nhận được “chứng chỉ giảm phát thải”, thực hiện cam kết giảm lượng khí nhà kính đã ký trong nghị định thư Kyoto.

Như vậy, thị trường buôn bán phát thải có thể nói đang ở tình trạng một chiều, nghĩa là người mua chủ động tìm đến những địa chỉ có tiềm năng cung cấp sản phẩm mà họ cần. Trong thời gian tới, sự phát triển về quy mô và chất lượng của thị trường sẽ thay đổi, và theo đó, hình thức buôn bán phát thải sẽ thay đổi theo hướng cân bằng hơn, nghĩa là các nhà cung cấp sản phẩm chủ động tìm đến người tiêu dùng.

Theo tin môi trường, vea.gov.vn