VNCPC báo cáo tổng kết nhiệm vụ về SXTDBV tại Bộ Công thương

Năm 2022, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã giao cho Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Chương trình đào tạo theo các cấp độ và tổ chức khóa đào tạo cho các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV)” thuộc Chương trình hành động quốc gia về SXTDBV giai đoạn 2021-2030.

Chương trình hành động Quốc gia về SXTDBV được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zezo) vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của các chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV tại Việt Nam thông qua hoạt động xây dựng tài liệu tập huấn và triển khai đào tạo về SXTDBV.

Với nhiệm vụ này, VNCPC đã biên soạn bộ tài liệu về SXTDBV gồm 6 chủ đề chính: Quản lý tài nguyên bền vững; Thiết kế theo hướng bền vững; Sản xuất bền vững; Phân phối bền vững; Tiêu dùng bền vững và Quản lý chất thải, cùng với khóa đào tạo ở cấp độ cơ bản và chuyên sâu cho các chuyên gia về SXTDBV.

Bìa của bộ tài liệu đào tạo.

Trong buổi báo cáo tổng kết nhiệm vụ tại Bộ Công Thương được tổ chức ngày 24/12, bộ tài liệu đã nhận được sự đánh cao về nội dung, sự cụ thể trong các hướng dẫn và mạch lạc trong trình bày từ các chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan.

Hình ảnh về buổi báo cáo tổng kết nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.

Theo kế hoạch, bộ tài liệu sẽ được sử dụng để trang bị kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV trên khắp cả nước. Đội ngũ này sẽ là lực lượng nòng cốt để triển khai Chương trình SXTDBV trong bối cảnh mới ở tất cả các tỉnh thành, theo cả bề rộng và chiều sâu trong những năm tiếp theo.

Cùng với các khóa đào tạo chuyên gia về SXTDBV sẽ được Bộ Công Thương triển khai trực tiếp ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, bộ tài liệu được xem là “cẩm nang” giúp các chuyên gia đưa SXTDBV vào trong thực tiễn.

VNCPC