Posts

Sản xuất thành công than sinh học từ vỏ sắn phế phẩm

Nhóm giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã nghiên cứu chế tạo thành công than sinh học từ vỏ sắn phế phẩm ứng dụng làm chất hấp phụ màu xanh methylene trong nước thải.

TS. Đỗ Quý Diễm, thành viên nhóm cho biết, than sinh học (biochar) là khoáng chất dạng rắn giàu carbon, có thể thu được khi nhiệt phân yếm khí sinh khối (biomass) các phụ phẩm nông nghiệp. Tùy thuộc vào nhiệt độ nhiệt phân và loại sinh khối mà sản phẩm biochar thu được có thành phần, tính chất khác nhau.

Phế phẩm cây trồng như rơm rạ, vỏ trấu, sắn, dừa, cà phê, phế thải gỗ… là một trong những nguồn sinh khối tiềm năng để phục vụ nhu cầu sản xuất biochar. Trong đó, vỏ sắn (khoai mì) có hai dạng cấu trúc là vỏ gỗ và vỏ cùi. Vỏ gỗ chiếm 0,5 – 3% khối lượng củ, gồm các tế bào có cấu tạo từ cellulose và hemicellulose, hầu như không có tinh bột.

Vỏ cùi dày hơn vỏ gỗ, chiếm khoảng 8 – 20% khối lượng củ, gồm các tế bào được cấu tạo bởi cellulose và tinh bột. Với loại này, tại các nhà máy sản xuất tinh bột sắn phải thải bỏ một lượng lớn, lượng vỏ sắn trực tiếp thải bỏ gây lãng phí, độc hại và ô nhiễm cho môi trường.


Nhóm giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã nghiên cứu chế tạo thành công than sinh học từ vỏ sắn phế phẩm.

Một trong những loại nước thải gây ô nhiễm môi trường nặng nhất là nước thải dệt nhuộm, sản xuất da, gỗ, mực in… Màu hữu cơ xanh methylene (MB) là hóa chất được sử dụng rộng rãi trong các ngành nhuộm vải, nilon, da, gỗ; sản xuất mực in,… MB có thể gây ra các bệnh về mắt, da, đường hô hấp, tiêu hóa, thậm chí là ung thư.

Do tính tan cao, MB nói riêng và các thuốc nhuộm nói chung là tác nhân gây ô nhiễm các nguồn nước, độc hại đến con người và các sinh vật sống. Hơn nữa, thuốc nhuộm trong nước thải rất khó loại bỏ vì chúng ổn định với ánh sáng, nhiệt và các tác nhân gây oxy hóa.

Thực tế đã có nhiều công trình nghiên cứu phương pháp để xử lý thuốc nhuộm trong nước thải như phương pháp hấp phụ, trao đổi ion, keo tụ…, trong đó phương pháp hấp phụ tỏ ra có nhiều ưu việt bởi tính kinh tế, hiệu quả, thao tác đơn giản và dễ thực hiện. Nhóm nghiên cứu lựa chọn vỏ sắn để tạo than sinh học sử dụng như một chất hấp phụ methylene trong nước thải.

Mẫu vỏ sắn sau khi thu gom được rửa sạch, cắt nhỏ và đem sấy khô ở nhiệt độ 105 độ C trong 3 giờ. Tiếp theo, mẫu được nung yếm khí ở nhiệt độ 600 độ C trong 1 giờ, thu được sản phẩm mẫu than BC-S, có màu đen, không mùi. Kết quả phân tích cho thấy hình thái bề mặt của BC-S ở dạng các hạt phẳng xếp chồng lên nhau, chứa nhiều hóc được biết như là các tâm hấp phụ, kích thước hạt trung bình 10µm.

Xen giữa các hạt phẳng là các rãnh mao quản, hạt phẳng tương đối đều nhau, các lỗ trống xen kẽ nhiều và sâu làm tăng diện tích bề mặt riêng, vì vậy sẽ làm tăng khả năng hấp phụ. Cấu trúc BC-S tồn tại dạng tinh thể carbon graphite chứa các nhóm đặc trưng của than sinh học có diện tích bề mặt riêng là 2,66 m2/g. Các kết quả phân tích cho thấy trong cấu trúc của sản phẩm là một dạng khoáng chứa nhiều nhóm chức hữu cơ và carbon, làm cho than sinh học có khả năng hấp phụ hóa học.

Nghiên cứu khả năng ứng dụng BC-S làm chất hấp phụ MB, tại nồng độ 15ppm, thời gian hấp phụ là 25 phút, cho thấy khả năng hấp phụ cực đại là 5,10 mg MB/g BC-S. Các kết quả cho thấy có thể sử dụng BC-S làm chất hấp phụ xử lý nước thải mang màu rộng rãi ở quy mô công nghiệp.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/san-xuat-thanh-cong-than-sinh-hoc-tu-vo-san-phe-pham-d217942.html

 VNCPC và đối tác tổ chức thăm thực địa Hệ thống Nhiệt phân quy mô nhỏ

Trong 2 ngày từ 12-14/10/2020, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng Công ty Cơ khí – Cơ điện Cà phê Viết Hiền đã tổ chức chuyến thăm thực địa Hệ thống công nghệ Nhiệt phân quy mô nhỏ (PPV 300), tại tỉnh Đăk Lăk.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam (Pyrolysis Việt Nam, 7/2020 – 6/2022)”, thuộc Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu (GEPP), được tài trợ bởi Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO), thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

VNCPC là đơn vị triển khai các hoạt động trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác liên danh thực hiện dự án bao gồm: Công ty Cơ khí – Cơ điện Cà phê Viết Hiền, Công ty tư vấn Sofies SA (Thụy Sỹ), Tổ chức Oekozentrum (Thụy Sỹ) và Husk Ventures S.L (Tây Ban Nha).

Đại diện Công ty Cơ khí – Cơ điện Cà phê Viết Hiền giới thiệu về hệ thống nhiệt phân PPV300

Công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) từ Thụy Sỹ đã được UNIDO chuyển giao thành công cho công ty Viết Hiền, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng nhiệt và than sinh học (biochar). Đây được xác định là một giải pháp giúp nâng cao chất lượng nông sản và cải thiện độ màu mỡ của đất, đồng thời giảm thiểu phát thải khí CO2.

Dự án được thực hiện nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam thông qua 3 hợp phần cụ thể là: Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; Thúc đẩy thị trường than sinh học (biochar).

Tham quan vùng trồng cà phê

Tham dự chuyến thăm lần này, bà Đỗ Thị Dung – Đại diện Chương trình Hỗ trợ Quốc tế (ISG) thuộc Vụ Hợp tác Quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, khảo sát và thu thập ý kiến, thông tin về công nghệ nhiệt phân từ đơn vị sản xuất trong nước là công ty Viết Hiền và người sử dụng. Từ đó, có cái nhìn toàn diện và trực quan về những ưu điểm nổi trội của công nghệ nhiệt phân để đẩy mạnh truyền thông (bao gồm khuyến nghị chính sách) giúp thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam.

VNCPC