Posts

Than sinh học vẫn thiếu cơ chế chính sách để “xanh hóa” ngành nông nghiệp

Với nguồn nguyên liệu sản xuất đa dạng và dồi dào, than sinh học có ứng dụng rất lớn trong ngành nông nghiệp, cũng như giúp hấp thụ CO2 trong khí quyển góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, song vẫn còn thiếu cơ chế chính sách để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm này.

Ngày 18/3/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PT NT) đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức “Hội thảo Tham vấn báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 30 đại biểu đến từ các đại diện của các Bộ ngành, đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các hiệp hội và các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước.

 Hội thảo Tham vấn báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, đã thu hút sự tham gia của gần 30 đại biểu.

Than sinh học: Nguyên liệu rẻ – lợi ích to

Tại hội thảo, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Than sinh học là sản phẩm thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích kinh tế cao khi sử dụng và được ví như “vàng đen” trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt, than sinh học còn có khả năng hấp thụ khoảng 50% CO2 trong khí quyển góp phần giảm đáng kể khí phát thải khí nhà kính nói chung và trong nông nghiệp nói riêng.

Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT)

Về nguyên liệu sản xuất than sinh học tại Việt Nam hiện rất phong phú và đa dạng, hầu hết các phụ phẩm từ nông nghiệp như vỏ lạc, bã mía, vỏ trấu, vỏ dừa, vỏ ca cao, vỏ sầu riêng… cho đến các phế phẩm khai thác rừng đều có thể sử dụng. Trong khi, trước đây các nguyên liệu này thường bị đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng với giá trị rất thấp.

Việc đưa các nguyên liệu này vào sản xuất than sinh học không chỉ quyết được vấn đề về môi trường, mà còn giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn. Quan trọng hơn, than sinh học còn là nguồn phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất và nâng cao năng suất cây trồng bền vững có thể thay thế cho phân bón hóa học.

Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam cũng cho biết: Trong năm 2022, UNIDO đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, VNCPC tổ chức 02 hội thảo giới thiệu về than sinh học và những lợi ích của than sinh học trong việc bảo vệ tài nguyên đất đai, môi trường sống và sức khỏe của con người, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Vẫn còn những rào cản

Theo đánh giá chung của các đại biểu: Lợi ích của than sinh học ngày càng được nhiều người biết đến và nhận được sự quan tâm của các bên liên quan, từ nghiên cứu, sản xuất, thương mại và ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên hiện vẫn thiếu  những quy định về tiêu chuẩn hóa và kiểm soát chất lượng sản phẩm than sinh học, thiếu sự hợp tác cũng như tương tác giữa các bên liên quan và công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học chưa được công nhận như một công nghệ xanh… để sản phẩm được ứng dụng rộng rãi hơn trong đời sống.

Đại diện Tổ chức UNIDO mong muốn rằng với những kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia, sẽ cung cấp các thông tin hữu ích, cập nhật về lĩnh vực than sinh học tại Việt Nam không chỉ về kỹ thuật và còn ở khía cạnh chính sách. Trên cơ sở này, đơn vị tổ chức sẽ cùng tiếp thu và đưa ra các ý kiến góp ý, tham vấn cho “Báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam”.

Bà Đỗ Thị Dịu – Cán bộ VNCPC chia sẻ thông tin về dự án và công nghệ nhiệt phân.

Tạo hội thảo các đại biểu cũng đã đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu thêm về ứng dụng của than sinh học, đóng góp thêm thông tin về chính sách, đưa ra các ý kiến đóng góp và đề xuất bổ sung thêm các nghiên cứu cung cấp thêm thông tin phục vụ xây dựng quy định về tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cho than sinh học. Các bộ ngành và cơ quan xúc tiến thương mại cũng rất quan tâm và đề xuất phát triển các mô hình thí điểm sử dụng công nghệ nhiệt phân tạo ra than sinh học hướng tới các doanh nghiệp nông nghiệp và các hợp tác xã.

Thông qua cuộc họp này Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành, tổ chức UNIDO và các đối tác sẽ phối hợp xây dựng mạng lưới than sinh học gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất/kinh doanh, các đơn vị xúc tiến thương mại/tổ chức chứng nhận, người sử dụng… với mục tiêu nâng cao sự tương tác giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường than sinh học, hướng tới xây dựng nên một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.

Cũng trong hội thảo này, website biocharvietnam.org là kho thông thông tin trực tuyến về than sinh học tại Việt Nam chính thức được giới thiệu. Trang web được thành lập dưới sự tài trợ tài chính từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) thông qua UNIDO để chia sẻ và phổ biến kiến thức, bài học kinh nghiệm và các sáng kiến trong các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và thương mại than sinh học trên cả nước.

Ông Lê Viết Hiền – Đại diện đơn vị nhận chuyển giao Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị duy nhất đã nhận chuyển giao công nghệ từ Thuỵ Sỹ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ thí điểm cho mô hình HTX. Với sự tài trợ của SECO và hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO, công nghệ này có tiềm năng chuyển đổi nhiều loại chất thải nông nghiệp thành năng lượng nhiệt và than sinh học, làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho nông dân và nhà chế biến nông sản, cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về khí thải.

VNCPC

VNCPC và UNIDO ký gói thầu rà soát, đánh giá chính sách và xây dựng kho thông tin trực tuyến về than sinh học tại Việt Nam

Trong tháng 10/2023, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp Quốc (UNIDO) đã ký gói thầu rà soát, đánh giá chính sách, đề xuất khuyến nghị và xây dựng kho thông tin trực tuyến về than sinh học tại Việt Nam. Gói thầu có thời gian triển khai trong 4 tháng kể từ ngày ký.

Cụ thể, VNCPC sẽ rà soát đánh giá các chính sách và chương trình quốc gia liên quan đến sản xuất và sử dụng than sinh học gồm: Xem xét và đánh giá các giải pháp than sinh học hiện có; Các chính sách và khuôn khổ quốc gia đang trong quá trình xây dựng liên quan đến tính bền vững, nông nghiệp, công nghiệp, mục tiêu khí hậu…; Danh sách mạng lưới các bên liên quan, tập trung vào các nhà hoạch định chính sách.

Song song với đó, VNCPC sẽ xây dựng website thông tin về than sinh học và đưa vào lưu trữ trực tuyến các tài liệu gồm: Tài liệu truyền thông về than sinh học bằng tiếng Anh và tiếng Việt (áp phích, tờ rơi, sách điện tử, báo cáo) do UNIDO và các đối tác thực hiện trong các năm qua cùng các dự án và sáng kiến khác về than sinh học đang được triển khai tại Việt Nam.

VNCPC cũng chịu trách nhiệm biên tập nội dung, góp phần xây dựng và duy trì kho lưu trữ. Nền tảng trực tuyến này sẽ cung cấp kiến thức cơ bản và kinh nghiệm thực tế về than sinh học cho các đối tượng quan tâm và kết nối họ thành mạng lưới. Các hoạt động quảng bá về than sinh học cũng sẽ được cập nhật tại website này.

Trong khuôn khổ gói thầu, VNCPC sẽ tổ chức tham vấn với sự tham gia của các bên liên quan nhằm thu thập các ý kiến phản hồi để hoàn thiện Báo cáo rà soát và khuyến nghị chính sách về than sinh học; Giới thiệu tới các bên liên quan về kho lưu trữ thông tin trực tuyến về than sinh học do UNIDO, VNCPC và các đối tác xây dựng.

VNCPC

VNCPC tham gia khởi động dự án Năng lượng tái tạo cho ngành chè Việt Nam

Mới đây (6-10/02/2023), đại diện Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng đoàn chuyên gia Thụy Sĩ đã khởi động dự án Năng lượng tái tạo cho ngành chè Việt Nam, tại tỉnh Nghệ An.

Dự án được triển khai từ tháng 01/2023 đến tháng 02/2025, nhằm mục đích đánh giá mức độ khả thi, khuyến nghị lộ trình thực hiện cho việc áp dụng hệ thống tích hợp quang nông-nhiệt phân-than sinh học thí điểm tại huyện Anh Sơn (Nghệ An), hướng tới xây dựng mô hình canh tác và sản xuất chè bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.

Sơ đồ mô tả Hệ thống tích hợp quang nông-nhiệt phân-than sinh học thí điểm

Với gồm 04 hợp phần chính, trong đó 03 hợp phần kỹ thuật và 01 hợp phần tích hợp, dự án hướng tới các mục tiêu cụ thể là: Đạt được mức tăng đáng kể về hiệu suất năng lượng của toàn bộ hệ thống; Tăng khả năng lưu giữ chất dinh dưỡng và nước của đất bằng cách bón than sinh học (biochar) được sản xuất từ công nghệ nhiệt phân, nhờ đó giúp giảm sự phụ thuộc của người trồng chè vào nhiên liệu hóa thạch (dầu để bơm nước), phân bón và nước; Tối đa hoá đóng góp tiềm năng của sinh kế nông nghiệp (canh tác chè) vào quá trình hấp thụ carbon, cũng như phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm; Đồng thời tối ưu hoá sản xuất chè dưới hệ thống sản xuất năng lượng mặt trời che bóng có kiểm soát (điện mặt trời), và xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp cho nông dân trồng chè.

Cũng trong chuyến công tác này, đoàn cán bộ dự án đã có buổi thăm và làm việc với huyện ủy Anh Sơn, Công ty CP Phát triển Chè Nghệ An, cũng như đi khảo sát các địa điểm sẽ triển khai mô hình thí điểm tại xã Hùng Sơn và Bình Sơn, huyện Anh Sơn.

Theo đánh giá chung, dự án đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo địa phương cũng như nhà máy và các hộ nông dân. Hoạt động tiếp theo của dự án sẽ tập trung vào chia sẻ thông tin và kết nối với các bên hữu quan trong nước.

Một số hình ảnh về chuyến công tác tại huyện Anh Sơn của đoàn cán bộ dự án:

VNCPC

Than sinh học: Tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học chính là giải pháp thông minh giúp ứng phó với biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Không chỉ có vậy, than sinh học còn có rất nhiều tiềm năng ứng dụng đang được triển khai tại Việt Nam

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng các đối tác đã phối hợp tổ chức  Sự kiện kết nối nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường than sinh học tại Việt Nam. Đây là hoạt động thuộc Dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Khu công nghiệp Sinh thái Toàn cầu (GEIPP) – Việt Nam do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Dự án nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam với 3 mục tiêu chính: Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; Thúc đẩy thị trường than sinh học.

Ông Hannes Zellweger – Trưởng nhóm thực hiện Dự án (ngồi phía bên trái)

Phát biểu tại sự kiện, ông Hannes Zellweger – Trưởng nhóm thực hiện Dự án cho biết: Phát triển và chuyển giao công nghệ xanh là yếu tố trọng tâm trong chiến lược giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ của Thụy Sĩ mà cả Việt Nam. Sự kiện lần này nhằm kết nối các bên hữu quan hoạt động trong lĩnh vực than sinh học để trao đổi về các khoảng trống và nhu cầu chính của ngành. Đây là bước đệm cho việc định hình và phát triển một diễn đàn cấp quốc gia về than sinh học. Qua đó, khuyến khích tất cả các bên liên quan cùng chia sẻ và trao đổi thông tin; tương tác, hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu; sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ nhiệt phân và than sinh học tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia sự kiện chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo còn góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giảm phát thải khí nhà kính, kết nối hợp tác để thúc đẩy việc chuyển đổi các phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học có giá trị, đồng thời thúc đẩy thị trường than sinh học.

Than sinh học: Giải pháp giúp ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo UNIDO, than sinh học có nguồn gốc từ sinh khối chất thải nông nghiệp là một công nghệ phát thải âm thông qua việc cô lập các-bon dài hạn và hiệu quả với những lợi ích tiềm năng to lớn trong thực hành nông nghiệp tái tạo. Than sinh học cũng được coi là một giải pháp sạch, hiệu quả và bền vững để khử các-bon trong ngành nông nghiệp, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, một số thành viên từ cộng đồng nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã tiên phong và phát triển các dự án than sinh học hơn 20 năm qua. Lợi ích rõ nét nhất của than sinh học đang được sử dụng là để cải tạo chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng.

TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam)

Tại sự kiện, TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cũng chia sẻ về lợi ích mà than sinh học mang lại đối với ngành nông nghiệp. Theo TS Lương Hữu Thành than sinh học có độ pH cao và có thể hoạt động giống như vai trò của vôi để tăng độ pH của đất. Khi vật chất hữu cơ và thành phần sét trong đất thấp và đất có kết cấu thô thì việc duy trì độ ẩm đất có thể giúp thành lập thảm thực vật và than sinh học có thể trợ giúp để làm điều này. Đặc biệt, việc rửa trôi chất dinh dưỡng cũng có thể giảm được bằng cách áp dụng bón than sinh học cho đất.

Đề cập đến lợi ích từ than sinh học, ông Võ Văn Quốc Bảo đến từ Trường Đại học Nông Lâm Huế cho hay: Với mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ổn định diện tích gieo trồng lúa nước khoảng 51.000 – 52.000 ha/năm. Ước tính cho khối lượng phụ phẩm rơm, trấu sau thu hoạch là 3.944.000 tấn rơm và 724.000 tấn trấu.

Ông Võ Văn Quốc Bảo – Trường Đại học Nông Lâm Huế

Phần lớn lượng phụ phẩm này bị đốt, bỏ trên đồng ruộng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, mất an toàn giao thông… Bên cạnh đó, việc đốt phế phẩm ngoài trời sẽ gây hiệu ứng nhà kính. Do đó, phương pháp để sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm này là ứng dụng công nghệ, thiết bị để sản xuất ra than sinh học, sử dụng để cải tạo đất trồng, giúp tăng năng suất cây trồng.

… Và những tiềm năng khác

Bà Đỗ Thị Dịu- Chuyên gia của VNCPC

Theo bà Đỗ Thị Dịu – Chuyên gia của VNCPC, hiện ngoài ứng dụng trong nông nghiệp, than sinh học còn được ứng dụng rất nhiều trong lọc nước và xử lý nước thải, trong y tế, trong làm đẹp và đời sống hằng ngày. Song các ứng dụng này vẫn chưa được triển khai rộng khắp. Vì vậy rất cần sự chung tay góp sức của các cơ quan, tổ chức, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp để than sinh học ngày càng phát huy được những tác dụng hữu ích của mình.

VNCPC

THƯ MỜI: Sự kiện kết nối nhằm thúc đẩy phát triển thị trường than sinh học tại Việt Nam

Từ năm 2017, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) với sự tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) đã giới thiệu và quảng bá công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học như một giải pháp thông minh về chống biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Sự kiện nhằm kết nối các bên hữu quan hoạt động trong lĩnh vực than sinh học và trao đổi về các khoảng trống và nhu cầu chính của ngành. Đây là bước đệm cho việc định hình và phát triển một diễn đàn cấp quốc gia về than sinh học. Qua đó khuyến khích tất cả các bên liên quan cùng chia sẻ và trao đổi thông tin; tương tác, hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu; sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ nhiệt phân và than sinh học tại Việt Nam.

Thời gian: 8.30 – 12.00, Thứ Sáu, ngày 16/09/2022 (Chương trình dự kiến xem ở phần dưới)

Địa điểm: Khách sạn Adonis, số 55 Quang Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Ngôn ngữ: Tiếng Anh và Tiếng Việt

Để tham gia hội thảo, Quý vị vui lòng đăng ký trước ngày 13/09/2022 theo đường dẫn sau: https://vncpc.org/biochar-networking-event/

Các chi phí liên quan đến vé máy bay, đi lại và ăn ở của Quý vị sẽ do dự án chi trả theo định mức quy định. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ Ms. Đỗ Thị Dịu, email: [email protected], ĐT: +84 243.8684.849 (máy lẻ 32) hoặc DĐ: +84 344.864.692.

Than sinh học có nguồn gốc từ sinh khối chất thải nông nghiệp được biết đến là một công nghệ phát thải âm thông qua việc cô lập các-bon dài hạn và hiệu quả với những lợi ích tiềm năng to lớn trong thực hành nông nghiệp tái tạo. Than sinh học cũng được coi là một giải pháp sạch, hiệu quả và bền vững để khử cacbon trong ngành nông nghiệp, qua đó hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, một số thành viên từ cộng đồng nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã tiên phong và phát triển các dự án than sinh học hơn 20 năm qua. Đến nay, phần lớn các hoạt động đã triển khai ở quy mô thí điểm trong lĩnh vực nông nghiệp với sự hỗ trợ của quốc tế. Cơ hội thương mại hấp dẫn nhất đối với than sinh học ở Việt Nam nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là ứng dụng than sinh học giúp nâng cao chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng. Các hoạt động nghiên cứu về ứng dụng lọc nước và than hoạt tính đang xuất hiện, trong khi đó hiện có rất ít nghiên cứu về quá trình cô lập các-bon. Có thể thấy rằng giữa các nghiên cứu về than sinh học và thực tế sản xuất, tiếp thị và sử dụng than sinh học trên phạm vi toàn quốc vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn.

CHƯƠNG TRÌNH DỰ KIẾN

Thời gian (VN)

Hoạt động

Phụ trách

08h30 – 09h00

Đăng ký đại biểu

09h00 – 09h10 Giới thiệu thành phần tham dự và mục tiêu của hội thảo VNCPC

Bà Nguyễn Lê Hằng

09h10 – 09h20 Phát biểu khai mạc và chào mừng dss+

Ông Hannes Zellweger

09h20 – 09h30 Dự án nhiệt phân quy mô nhỏ dss+

Ông Dominic Hafner

09h30 – 09h45 Các hoạt động nghiên cứu được thực hiện trên than sinh học Đại học/Viện nghiên cứu:

(Xác nhận sau)

09h45 – 10h00 Các tác động về mặt chính sách lên thị trường than sinh học ở Việt Nam Đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT

(Xác nhận sau)

10h00-10h20 Các dự án về than sinh học tại Việt Nam NGOs
10h20-10h30 Cách thức thúc đẩy thị trường than sinh học ở Việt Nam VNCPC

Bà Đỗ Thị Dịu

10h30 – 10h50 Nghỉ giải lao
10h50 – 11h50 Các cuộc thảo luận và sáng kiến để phát triển một nền tảng quốc gia về than sinh học:

–       Hình thức như thế nào? trang web/nền tảng trực tuyến với Hỏi & Đáp, chế độ tìm kiếm, tài liệu công khai (tài liệu báo cáo, chia sẻ và các đường dẫn, liên kết) …

–       Nội dung/tab chính là gì?

–       Nền tảng hoạt động như thế nào? Ngân sách, nguồn nhân lực, cơ chế tương tác

–       Loại đóng góp bằng hiện vật của các bên liên quan

–       Lợi ích và người thụ hưởng

VNCPC

Bà Nguyễn Lê Hằng

 

dss+

Ông Hannes Zellweger

Bà Grishma Jain

Ông Dominic Hafner

11h50 – 12h00 Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo VNCPC

Bà Nguyễn Lê Hằng

Rất hân hạnh được đón tiếp Quý vị tại sự kiện!

VNCPC

Sản xuất than sinh học giúp giảm phát thải

Tại Hội thảo trực tuyến “Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững” vừa diễn ra, các chuyên gia trong và ngoài nước đã giới thiệu tiềm năng sản xuất, ứng dụng than sinh học tại Việt Nam và đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp.

Hội thảo trực trực tuyến có sự tham dự của nhiều đại diện quốc tế, chia sẻ về các tiềm năng ứng dụng than sinh học.

Theo ông Nguyễn Hà Huế – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT), than sinh học được tạo ra từ các loại phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu này rất dồi dào, khoảng trên 120 triệu tấn/năm nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để.

Việc ứng dụng than sinh học tại Việt Nam sẽ giúp hướng đến mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020”, cùng với đó là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam, chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng sạch và than sinh học có giá trị cao – ông Huế khẳng định.

Tại Hội thảo, đại biểu được nghe các chuyên gia chia sẻ những nội dung về nhu cầu và xu hướng thế giới về than sinh học, cụ thể tại Việt Nam; than sinh học và các mô hình ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam; kinh tế tuần hoàn than sinh học từ vỏ cà phê ở Việt Nam; kinh nghiệm phát triển than sinh học trên thế giới.

Than sinh học còn được mệnh danh là “vàng đen”

Than sinh học còn được mệnh danh là “vàng đen” vì những tác dụng quý báu của nó đối với nông nghiệp và môi trường. Với đặc tính như một bể chứa Cacbon tự nhiên, than sinh học giúp cô lập và giữ khí CO2 trong đất và đặc tính xốp giúp đất giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất. Khi chôn dưới đất, sau phân hủy sẽ cho ra một loại phân bón hữu cơ, đây là một loại phân bón tốt và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, than sinh học còn có tác dụng khử mùi và khử trùng hoặc có thể sử dụng kết hợp với chế phẩm vi sinh để làm lớp thảm sinh học cho các trại chăn nuôi gia cầm.

Theo đó, than sinh học có đặc tính là cải thiện dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng; đẩy mạnh quá trình rửa trôi muối, ức chế sự xâm nhập của Na+ cải thiện và phục hồi đất nhiễm mặn, tăng sức chống chịu của cây trồng; tăng giữ nước, giữ dinh dưỡng trong đất. Đồng thời, việc sử dụng TSH trong trồng trọt cho thấy việc bón phân TSH sản xuất từ nguồn phụ phẩm rơm rạ, trấu, lõi bắp, thân, lá, cành các loại cây trồng… có sẵn làm tăng độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu tư phân bón, góp phần giảm phát thải nhà kính…

Hiện nay, nguồn nguyên liệu sản xuất than sinh học ở Việt Nam rất phong phú và giá thành rẻ như: Xương động vật, vỏ cua, vỏ ốc hến, tro bếp, xác của các loại động thực vật, các loại cây thủy sinh (tảo, bèo..), vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ đậu phụng, bã mía, vỏ dừa, vỏ ca cao cho đến cây tre, lau sậy, phế thải từ khai thác rừng, cùng rất nhiều các chất thải xanh khác. Tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú, sẵn có, rẻ tiền, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu sang các nước dựa trên yếu tố cạnh tranh về chi phí.

Đại diện UNIDO đã giới thiệu công nghệ nhiệt phân của Thụy Sĩ là giải pháp tiên tiến, chi phí thấp được thiết kế để sử dụng tại Viêt Nam, áp dụng cho mô hình hợp tác xã và nhà máy chế biến nông sản tại Đắk Lắk. Sản phẩm đầu ra của công nghệ nhiệt phân không chỉ là than sinh học mà còn cả năng lượng phục vụ quá trình sấy, sản xuất điện và tạo ra doanh thu cho các nông hộ.

Với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sĩ (SECO), giai đoạn 2020-2022, UNIDO ưu tiên tập trung nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.

https://baotainguyenmoitruong.vn/san-xuat-than-sinh-hoc-giup-giam-phat-thai-339458.html

Portfolio Items