Posts

Cần thêm lực đẩy cho sản xuất và tiêu dùng bền vững

Theo TS. Lê Xuân Thịnh, hiện doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang thiếu “lực đẩy và lực kéo” để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững một cách hiệu quả.

Doanh nghiệp cần cả “lực đẩy và lực kéo”

Là Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), TS. Lê Xuân Thịnh cho biết sau hơn 20 năm chương trình sản xuất sạch hơn hiện diện tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã được thụ hưởng và có những chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần cả “lực đẩy và lực kéo” để có thể thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn một cách thực chất, hiệu quả và bền vững.


TS. Lê Xuân Thịnh trình bày điển hình sản xuất sạch hơn tại một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp do VNCPC tư vấn (Ảnh: Thu Hường)

Chia sẻ bên lề Hội nghị Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 19/9 vừa qua, TS. Lê Xuân Thịnh khẳng định: Nhận thức của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiện nay khá rõ nét và đầy đủ.

Sau hơn 20 năm Việt Nam thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn mà hiện nay chuyển thành Sản xuất và tiêu dùng bền vững, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chương trình hỗ trợ của Quốc gia thông qua Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (2009), Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021-2030 cũng đã phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực rất lớn cho các doanh nghiệp, việc nhận thức của doanh nghiệp hiện nay tương đối tốt.

“Đặc biệt là với sức ép của các nhãn hàng, người tiêu dùng, sự cạnh tranh của thị trường quốc tế, các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí tối đa mới có thể cạnh tranh, do đó nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn”- TS. Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên cũng theo Giám đốc VNCPC, từ việc nhận thức sang thực hiện của doanh nghiệp còn có một khoảng cách rất lớn.

TS. Thịnh cho rằng, đội ngũ kỹ thuật để thực hiện ở dưới các doanh nghiệp luôn bị dịch chuyển, nghĩa là sau đào tạo họ chỉ làm ở doanh nghiệp một thời gian lại dịch chuyển sang doanh nghiệp khác, và doanh nghiệp phải bắt đầu lại từ đầu.

Bên cạnh đó, việc quyết liệt thực hiện giao nhiệm vụ từ lãnh đạo doanh nghiệp xuống cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũng chưa được quyết liệt, khiến cho công tác trình các kế hoạch thực hiện từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật lên lãnh đạo nhà máy còn có độ trễ, dẫn đến nhiều cán bộ kỹ thuật không hào hứng trong thực hiện.

Ngoài ra, nhiều mô hình trình diễn đang thiếu, đặc biệt là ở một số ngành, từ việc phổ biến thông tin đến ngành đó còn chưa đầy đủ, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình thực hiện.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ lộ trình chuyển đổi xanh, sản xuất sạch, kinh tế tuần hoàn là con đường đi tất yếu phải thực hiện. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, nếu Nhà nước tiếp tục có các chương trình hỗ trợ về truyền thông, tư vấn, xây dựng mô hình mẫu… chắc chắn các doanh nghiệp sẽ triển khai nhanh và hiệu quả hơn.

“Để triển khai hiệu quả, phải vừa đẩy và kéo. Cụ thể “đẩy” ở đây phải có các mô hình trình diễn, có các hỗ trợ để doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Bên cạnh đó, cần có các tiêu chí thế nào là phát triển bền vững? thế nào sinh thái? thế nào là doanh nghiệp xanh? hiện chúng ta còn thiếu nhiều các tiêu chí, việc nhận diện các tiêu chí đó còn đang rất khó khăn, người tiêu dùng không biết các sản phẩm này xanh hay không xanh. Nên phải bằng nhãn mà nhãn xanh hiện nay mới chỉ có ở các sản phẩm thuộc Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, còn các nhãn khác đang vướng mắc”- TS. Lê Xuân Thịnh nhấn mạnh.

Cần thêm lực đẩy cho sản xuất và tiêu dùng bền vững

Cao su Đà Nẵng giới thiệu các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng tại Triển lãm sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ hội nghị SCP Quốc gia vào ngày 19/9 tại Đà Nẵng (Ảnh: Thu Hường)

Còn việc “kéo”, là phải gỡ bỏ các rào cản về khuôn khổ pháp lý, Luật đã có đã quy định nhưng chúng ta phải xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn,… hiện các văn bản này đang thiếu.

Giám đốc VNCPC khẳng định: “Doanh nghiệp khi thực hiện họ phải biết được việc họ đang làm theo hướng dẫn của Nghị định, Thông tư nào hay Chỉ thị nào… đây là vấn đề mà doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc”.

TS. Thịnh lấy ví dụ thực tế mà doanh nghiệp đã gặp phải khi thực hiện tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng ngay trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị vướng về Báo cáo môi trường, xin cấp lại giấy phép môi trường…, Từ đó, ông cho rằng, khi thực hiện tuần hoàn như vậy sẽ thay đổi thành phần chất thải, chất thải sẽ giảm đi, việc đó phải có hướng dẫn cho doanh nghiệp và giảm thiểu thủ tục cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp cấp lại giấy phép môi trường dễ dàng nhanh chóng chứ không phải cấp mới như hiện nay.

Doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là lợi ích “sát sườn”

Hiện còn nhiều doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch và báo cáo phát triển bền vững (ESG) mang tính chất đối phó, chỉ để làm “thương hiệu, tuyên truyền”.

Để hoạt động này được doanh nghiệp tuân thủ và đi vào thực chất, theo TS. Lê Xuân Thịnh, chỉ khi doanh nghiệp nhận rõ lợi ích thiết thực từ các hoạt động trên thì họ mới làm thực chất. Do đó, phải cho doanh nghiệp thấy họ đang đứng ở đâu trong quá trình phát triển bền vững và việc phát triển bền vững giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, được thị trường thừa nhận, khách hàng nhiều hơn thì lúc đó doanh nghiệp sẽ thay đổi cách làm.

Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, trong những năm qua, VNCPC đã tham gia tư vẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho hàng trăm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam về các giải pháp thực hiện sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn.

Trong đó có thể kể đến các giải pháp trong lĩnh vực sản xuất da giày, VNCPC đã tư vấn một doanh nghiệp sử dụng nước cấp 4.000m3/tháng, sau khi được xử lý nước đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp không xả ra môi trường mà tái sử dụng cho hoạt động vệ sinh của doanh nghiệp, nhờ đó doanh nghiệp đã tiết kiệm được 44,2 triệu đồng/tháng.

Hay đối với công ty dệt nhuộm, thông qua giải pháp đầu tư hệ thống RO để tái sử dụng nước, chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải loại A. Theo đó với công suất 5.000m3/ngày đêm, chi phí đầu tư 20,5 tỷ đồng, chi phí vận hành 9,5 tỷ đồng. Với việc tuần hoàn sử dụng nước thải sau khi được xử lý đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí mua nước và chi phí xả thải lên đến 14,4 tỷ đồng/năm.


Mô hình sản xuất bia, rượu có thể áp dụng giải pháp thu hồi khí CO2, tuần hoàn nước làm mát nhằm thực hiện sản xuất sạch hơn (Ảnh minh họa: Thu Hường)

Đối với mô hình sản xuất bia, với công suất nhà máy 24 triệu lít bia/năm, khí biogas sinh ra từ hệ thống xử lý nước thải 4.800m3/ngày, chi phí đầu tư 2,6 tỷ đồng, chi phí vận hành 616 triệu đồng, nhờ tái sử dụng nước thải và thu hồi khí biogas phục vụ cho lò hơi (lò hơi trước đó sử dụng sinh khối) đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí nước và năng lượng là 5,39 tỷ đồng, như vậy thời gian hoàn vốn của doanh nghiệp chỉ có 3 tháng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đã giảm tiêu thụ sinh khối với tỷ lệ 33% ( củi và trấu), qua đó giảm phát thải khí nhà kính là 17.044 tấn CO2.

Ông Lê Xuân Thịnh chia sẻ, với mô hình sản xuất bia, rượu thì giải pháp thu hồi khí CO2, tuần hoàn nước làm mát và ép vắt bã làm thức ăn gia súc sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về môi trường, kinh tế và xã hội.

Tương tự như vậy trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn, doanh nghiệp có thể sử dụng bã sắn, vỏ sắn để sản xuất phân vi sinh, thu hồi khí đốt để thay thế than, ép vắt bã làm thức ăn gia súc; hoặc đối với ngành mía đường doanh nghiệp có thể đầu tư hệ thống phát điện đồng phát từ bã mía, xây dựng hệ thống làm mát để tuần hoàn tái sử dụng, hơi dùng sấy đường, điện chạy nhà máy và hoàn toàn có thể đăng ký cơ chế phát triển sạch (CDM), bùn thải từ sản xuất mía đường có thể sản xuất phân vi sinh, bán CO2 để giảm thời gian hoàn vốn đầu tư.

“Như vậy, chỉ khi có những mô hình cụ thể, lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường cụ thể thì doanh nghiệp mới thực hiện và triển khai một cách thực chất, mang lại hiệu quả cao thay vì chỉ làm đối phó như hiện nay nhiều doanh nghiệp đang làm. Tất nhiên, để làm được điều đó đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự trợ lực từ Nhà nước”- TS. Thịnh khẳng định.

Thu Hường
https://congthuong.vn/can-them-luc-day-cho-san-xuat-va-tieu-dung-ben-vung-347594.html

Sắp diễn ra Khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Thực hiện nhiệm vụ năm 2023 thuộc Chương trình Hành động Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức khóa đào tạo cơ bản về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững cho cán bộ thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp các tỉnh, thành phố; các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể như sau:

  • Thời gian: Ngày 12 – 13/10/2023
  • Địa điểm: Khách sạn Eden Đà Nẵng, Số 294 Võ Nguyên Giáp, Bắc Phú Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
  • Chi phí đi lại, ăn ở của học viên do đơn vị cử người hoặc do học viên tự chi trả.

Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững đề nghị Quý cơ quan, đơn vị cử người tham dự khóa đào tạo. Để thuận tiện cho quá trình tổ chức, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững  đề nghị cơ quan, đơn vị gửi đăng ký về Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, số 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội trước ngày 06/10/2023 hoặc theo đường link sau: https://vncpc.org/dang-ky-dao-tao-kv3

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ cán bộ hỗ trợ: Ông Lê Văn Tùng, Email: [email protected], SĐT: 0971318892./.

VNCPC

Mời tham gia Khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững năm 2023

Căn cứ công văn số 5819/BCT-TKNL của Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương về việc: “Cử cán bộ tham gia khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững năm 2023 khu vực phía Bắc”.  

Thực hiện nhiệm vụ năm 2023 thuộc Chương trình Hành động Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức khóa đào tạo cơ bản về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững cho cán bộ thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp các tỉnh, thành phố; các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể như sau: 

Thời gian: Ngày 21 – 22/09/2023

Địa điểm: Khách sạn Adonis, Số 55 Quang Trung, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

Quý vị tham gia chương trình vui lòng đăng ký trước ngày 15/09/2023 tại đường link: https://vncpc.org/dang-ky-dao-tao-kv1/  

Thông tin chi tiết liên hệ cán bộ hỗ trợ: Ông Lê Văn Tùng, Số điện thoại: 0971.318.892, Email: [email protected] 

Xin trân trọng cảm ơn! 

VNCPC

 

Đã tìm ra cách giảm tổn thất điện năng trên đường dây cao thế

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một cách hoàn toàn mới để giảm tổn thất điện năng khi chúng truyền đi trên đường dây cao thế. Kết quả này sẽ có thể giúp việc sử dụng dây cáp tải điện hiện hữu trong 20 hoặc 40 năm mà không cần thay thế.

Các chuyên gia của Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Pháp (MEPhI) cùng với các đồng nghiệp người Kazakhstan và Mỹ đã tạo ra một cách mới để giảm tổn thất điện trên các đường dây cao thế: đó là bọc cáp điện bằng vật liệu nano-composit chứa các hạt nano carbon. Kết quả nghiên cứu của họ đã được công bố trên Tạp chí Journal of Physics D: Applied Physics.

Theo các chuyên gia, tổn thất năng lượng chính trên các đường dây cao thế ngày nay có liên quan đến hiệu ứng corona, sự tự phóng điện của các điện cực có độ cong đáng kể trong không khí, chủ yếu là trong thời tiết ẩm ướt. Theo ước tính, những thiệt hại trên lên tới 3 tỷ đô la mỗi năm. Vấn đề này đã được biết đến từ khi phát minh ra đường dây cao thế, nhưng vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.

“Chúng tôi đã có thể giảm tổn thất do hiệu ứng corona gây ra từ 20 đến 40%, bằng cách phủ lên cáp dẫn diện nhôm một lớp vật liệu bao gồm các hạt nano carbon”, Zinetoula Insepov, giáo sư tại Đại học MEPhI và đồng tác giả của nghiên cứu giải thích.

Theo các tác giả, công trình nghiên cứu của họ sẽ tạo ra một hiệu quả kinh tế đáng kể trong việc sử dụng các đường dây cao thế hiện có trong 20 hoặc 40 năm mà không cần thay thế cáp. Công nghệ phủ lớp chống phóng điện còn có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực cơ điện, vốn rất cần giảm tổn thất corona.

Các nhà khoa học có kế hoạch mở rộng phạm vi nghiên cứu và làm việc với các công ty sản xuất cáp điện cao thế.

Theo Nh.Thạch

https://nangluongquocte.petrotimes.vn/da-tim-ra-cach-giam-ton-that-dien-nang-tren-duong-day-cao-the-557625.html

Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam

Sáng kiến khu công nghiệp sinh thái (KCNST) phù hợp với kế hoạch chiến lược chung của Liên hợp quốc tại Việt Nam trong giai đoạn 2017 – 2021, đặc biệt ưu tiên 2 lĩnh vực trọng tâm là đảm bảo khả năng chống chịu với khí hậu và bền vững về môi trường.

Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao, triển khai, nhân rộng các công nghệ, giải pháp sạch để giảm thiểu rác thải độc hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nguồn nước và quản lý tốt hóa chất tại các KCN, từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án “Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”. Dự án được thí điểm tại các KCN Khánh Phú và Gián Khẩu (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ).

Khu công nghiệp sinh thái sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các khu công nghiệp.

Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các khái niệm, đặc điểm, lợi ích… của mô hình KCNST đã được phổ biến đến các bộ, ngành liên quan, địa phương, KCN thí điểm, doanh nghiệp tham gia Dự án.

Thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Dự án, mô hình KCNST lần đầu tiên được thể chế hóa tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, đặt nền móng pháp lý cho việc chuyển đổi các KCN thông thường sang KCNST, thực hiện các hoạt động liên quan và nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Việc triển khai mô hình KCNST đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, 72 doanh nghiệp tại 4 KCN thí điểm tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Dự án và hưởng lợi từ các kết quả hết sức cụ thể, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp. Dự án đã tư vấn hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch cho các doanh nghiệp.

Thông qua việc thực hiện các giải pháp này, các doanh nghiệp đã tiết kiệm tổng thể được hơn 76 tỉ đồng/năm, tương đương hơn 3 triệu USD/năm do cắt giảm lượng tiêu thụ tài nguyên và vật liệu. Cụ thể là giảm tiêu thụ hơn 22.000 Mwh điện, giảm 600.000 m3 nước sạch, giảm hơn 140TJ (Têrerun) nhiên liệu hóa thạch và giảm gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Về mặt môi trường, các cắt giảm này giúp giảm được 32kt (ki-lô-tấn) khí CO2 hàng năm.

Thông qua các hoạt động tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ của dự án, các doanh nghiệp trong KCN đã được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ thuật để thực hiện cải tiến quy trình sản xuất. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã đóng góp vào Dự án hơn 207 tỷ đồng, đầu tư thực hiện các giải pháp. Qua đó cho thấy, việc triển khai thực hiện các sáng kiến KCNST có thể huy động được nguồn lực to lớn từ khu vực kinh tế tư nhân nếu được triển khai đúng.

Tiếp nối các kết quả tích cực của giai đoạn 1 và mở rộng các hoạt động trên quy mô lớn hơn khi cơ sở pháp lý về KCNST đã được xác lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng, thực hiện Dự án giai đoạn 2, thời gian thực hiện tối thiểu 3 năm, gồm 6 hợp phần về tăng cường chính sách và hướng dẫn về KCNST, tăng cường năng lực, thể chế, nghiên cứu khả thi việc xây dựng công cụ quản lý KCNST, thúc đẩy tiếp cận tài chính đầu tư cho KCNST, thực hiện KCNST, quản lý Dự án và chia sẻ kiến thức.

Phạm Đình

http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=Tri%E1%BB%83n-khai-s%C3%A1ng-ki%E1%BA%BFn-khu-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-sinh-th%C3%A1i-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-t%E1%BB%9Bi-m%C3%B4-h%C3%ACnh-khu-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-b%E1%BB%81n-v%E1%BB%AFng-t%E1%BA%A1i-Vi%E1%BB%87t-Nam-50937

Đảo năng lượng mặt trời hút CO2 tạo ra Methanol

Mới đây, Tạp chí Học viện Khoa học quốc gia Hoa Kỳ đã đăng tải một báo cáo khoa học mới tới từ các nhà nghiên cứu tại Na Uy và Thụy Điển, được coi là tia hy vọng mới cho nhân loại khi ghép cả triệu tấm pin mặt trời để tạo thành những trang trại năng lượng mặt trời (NLMT) trên mặt nước.

Điều đặc biệt, những trang trại NLMT nổi sẽ giải quyết được 3 vấn đề: Năng lượng, khí nhà kính và việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Công nghệ này sẽ dùng để xây dựng những nhà máy sản xuất ethanol quy mô lớn trên mặt nước, vì thế được xây ở vùng biển lặng sóng và ít gặp bão. Họ đưa ra những vị trí “đắc địa” như ngoài khơi Nam Mỹ, phía Bắc Ôxtrâylia, Vịnh A Rập và các vùng biển Đông Nam Á.

Để giảm được hậu quả của việc nóng lên toàn cầu, cần phương pháp cắt giảm khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, trong tương lai gần, những nhiên liệu lỏng chứa các bon sẽ vẫn là phương thức sản xuất năng lượng quan trọng. Vậy nên nhóm nghiên cứu cho ra mắt sự kết hợp của những công nghệ có sẵn, sử dụng NLMT để tái chế CO2 thành nhiên liệu lỏng” – Báo cáo khoa học chỉ ra.


Các tấm NLMT tạo điện, cùng lúc đó điện phân nước để tách ra hydro.

Theo các nhà nghiên cứu, những trang trại NLMT nổi cũng tương tự như các bè nuôi cá. Họ tính ra con số tương đối của 70 trang trại như vậy sẽ phủ được khoảng 1,3 km2 diện tích mặt biển. Các tấm NLMT tạo điện, cùng lúc đó điện phân nước để tách ra hydro. Số hydro đó sẽ tương tác với carbon dioxide trong nước biển, tạo ra methanol.

Nhóm các nhà khoa học cho rằng, ở quy mô đủ lớn, phương pháp này sẽ khiến việc sản xuất năng lượng tái tạo cạnh tranh được với ngành tinh chế nhiên liệu hóa thạch. Thời điểm hiện tại, họ đang bắt tay vào chế tạo những nguyên mẫu đầu tiên, nhằm chứng minh những ý tưởng nằm sau báo cáo khoa học mới được đăng tải là khả thi. Dự tính, cần 3,2 triệu hòn đảo nổi như thế để bù lại được lượng CO2 thải ra từ nhiên liệu hóa thạch.

Một trang trại NLMT nổi có thể tạo ra được 15.000 tấn methanol/năm, từng đó là đủ để vận thành một chiếc Boeing 737 di chuyển được 300 chuyến khứ hồi trên quãng đường 3.400 km. “Chúng tôi muốn tận dụng nhiên liệu cho máy bay, xe tải đường dài, tàu thủy hạng nặng và các hệ thống tàu chạy ray không dùng điện. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp có thể giải quyết mọi thứ mà chỉ là một trong số rất nhiều cách thức nên làm để chống lạibiến đổi khí hậu. Do đó, cần phải tìm thêm phương thức cách nhiệt nhà riêng, tạo ra động cơ tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn và nên đi xe điện” – Bruce Patterson, nhà vật lý học tại Đại học Zurich – một trong số những tác giả của nghiên cứu cho hay.

Theo Đức Anh/tapchimoitruong.vn

Portfolio Items