Posts

Than sinh học vẫn thiếu cơ chế chính sách để “xanh hóa” ngành nông nghiệp

Với nguồn nguyên liệu sản xuất đa dạng và dồi dào, than sinh học có ứng dụng rất lớn trong ngành nông nghiệp, cũng như giúp hấp thụ CO2 trong khí quyển góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, song vẫn còn thiếu cơ chế chính sách để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm này.

Ngày 18/3/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PT NT) đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức “Hội thảo Tham vấn báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 30 đại biểu đến từ các đại diện của các Bộ ngành, đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các hiệp hội và các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước.

 Hội thảo Tham vấn báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, đã thu hút sự tham gia của gần 30 đại biểu.

Than sinh học: Nguyên liệu rẻ – lợi ích to

Tại hội thảo, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Than sinh học là sản phẩm thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích kinh tế cao khi sử dụng và được ví như “vàng đen” trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt, than sinh học còn có khả năng hấp thụ khoảng 50% CO2 trong khí quyển góp phần giảm đáng kể khí phát thải khí nhà kính nói chung và trong nông nghiệp nói riêng.

Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT)

Về nguyên liệu sản xuất than sinh học tại Việt Nam hiện rất phong phú và đa dạng, hầu hết các phụ phẩm từ nông nghiệp như vỏ lạc, bã mía, vỏ trấu, vỏ dừa, vỏ ca cao, vỏ sầu riêng… cho đến các phế phẩm khai thác rừng đều có thể sử dụng. Trong khi, trước đây các nguyên liệu này thường bị đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng với giá trị rất thấp.

Việc đưa các nguyên liệu này vào sản xuất than sinh học không chỉ quyết được vấn đề về môi trường, mà còn giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn. Quan trọng hơn, than sinh học còn là nguồn phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất và nâng cao năng suất cây trồng bền vững có thể thay thế cho phân bón hóa học.

Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam cũng cho biết: Trong năm 2022, UNIDO đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, VNCPC tổ chức 02 hội thảo giới thiệu về than sinh học và những lợi ích của than sinh học trong việc bảo vệ tài nguyên đất đai, môi trường sống và sức khỏe của con người, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Vẫn còn những rào cản

Theo đánh giá chung của các đại biểu: Lợi ích của than sinh học ngày càng được nhiều người biết đến và nhận được sự quan tâm của các bên liên quan, từ nghiên cứu, sản xuất, thương mại và ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên hiện vẫn thiếu  những quy định về tiêu chuẩn hóa và kiểm soát chất lượng sản phẩm than sinh học, thiếu sự hợp tác cũng như tương tác giữa các bên liên quan và công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học chưa được công nhận như một công nghệ xanh… để sản phẩm được ứng dụng rộng rãi hơn trong đời sống.

Đại diện Tổ chức UNIDO mong muốn rằng với những kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia, sẽ cung cấp các thông tin hữu ích, cập nhật về lĩnh vực than sinh học tại Việt Nam không chỉ về kỹ thuật và còn ở khía cạnh chính sách. Trên cơ sở này, đơn vị tổ chức sẽ cùng tiếp thu và đưa ra các ý kiến góp ý, tham vấn cho “Báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam”.

Bà Đỗ Thị Dịu – Cán bộ VNCPC chia sẻ thông tin về dự án và công nghệ nhiệt phân.

Tạo hội thảo các đại biểu cũng đã đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu thêm về ứng dụng của than sinh học, đóng góp thêm thông tin về chính sách, đưa ra các ý kiến đóng góp và đề xuất bổ sung thêm các nghiên cứu cung cấp thêm thông tin phục vụ xây dựng quy định về tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cho than sinh học. Các bộ ngành và cơ quan xúc tiến thương mại cũng rất quan tâm và đề xuất phát triển các mô hình thí điểm sử dụng công nghệ nhiệt phân tạo ra than sinh học hướng tới các doanh nghiệp nông nghiệp và các hợp tác xã.

Thông qua cuộc họp này Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành, tổ chức UNIDO và các đối tác sẽ phối hợp xây dựng mạng lưới than sinh học gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất/kinh doanh, các đơn vị xúc tiến thương mại/tổ chức chứng nhận, người sử dụng… với mục tiêu nâng cao sự tương tác giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường than sinh học, hướng tới xây dựng nên một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.

Cũng trong hội thảo này, website biocharvietnam.org là kho thông thông tin trực tuyến về than sinh học tại Việt Nam chính thức được giới thiệu. Trang web được thành lập dưới sự tài trợ tài chính từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) thông qua UNIDO để chia sẻ và phổ biến kiến thức, bài học kinh nghiệm và các sáng kiến trong các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và thương mại than sinh học trên cả nước.

Ông Lê Viết Hiền – Đại diện đơn vị nhận chuyển giao Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị duy nhất đã nhận chuyển giao công nghệ từ Thuỵ Sỹ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ thí điểm cho mô hình HTX. Với sự tài trợ của SECO và hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO, công nghệ này có tiềm năng chuyển đổi nhiều loại chất thải nông nghiệp thành năng lượng nhiệt và than sinh học, làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho nông dân và nhà chế biến nông sản, cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về khí thải.

VNCPC

Biochar giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản

Với giá thành thấp hơn đáng kể so với phân bón hóa học, song ưu điểm nổi trội của biochar (than sinh học) không chỉ là cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản mà còn giúp duy trì hiệu quả trong thời gian dài.

Đó là nhận xét chung của các thành viên tham dự buổi tập huấn về “Ứng dụng than sinh trong cải tạo đất trồng” diễn ra vào ngày 19/3, tại xã Cư Suê huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Các thành viên tham gia buổi tập huấn chụp ảnh lưu niệm.

Theo bà Heloise Buckland- Giám đốc điều hành và là nhà đồng sáng lập Tổ chức HUSK (Tây Ban Nha): Biochar là sản phẩm đã được sử dụng từ hàng nghìn năm trước tại khu vực Amazon và những năm gần đây đã được các nước ở châu Á, Đông Nam Á sử dụng để cải tạo độ PH trong đất.

Biochar theo nghiên cứu của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) có thể giữ hàm lượng carbon trong đất lên tới cả trăm năm.  Chỉ 1 gam biochar có thể sử dụng để cải tạo cho 120 m2 đất. Còn với phân bón vi sinh được bà con nông dân làm theo cách truyền thống thường không giữ được carbon trong đất do dễ dàng bị nước mưa rửa trôi trong thời gian ngắn.

Bà Heloise Buckland- Giám đốc điều hành và là nhà đồng sáng lập Tổ chức HUSK (Tây Ban Nha) giải thích về cơ chế biochar giúp cải tạo đất.

Trong khi đó, cây trồng cần hàm lượng carbon trong đất lên tới 60% để duy trì bộ rễ phát triển khỏe mạnh. Nhưng theo ước tính, trên toàn cầu hiện có tới 30% diện tích đất nông nghiệp đã bị thoái hóa do quá trình canh tác thiếu bền vững. Vì vậy, biochar chính là “chìa khóa” giúp giải quyết vấn đề một cách triệt để. Khi được trộn vào đất, biochar sẽ giúp cải thiện cấu trúc của đất, giúp đất giữ được nước và các chất dinh dưỡng nhờ đó mà các hệ vi sinh phát triển, tạo sự cân bằng sinh thái trong đất. Cũng nhờ những ưu điểm này mà người dân không cần phải bón than sinh học liên tục như cách làm hiện nay đối với phân bón hóa học.

Bà Heloise hướng dẫn sử dụng biochar đối với cây trồng.

“Nhờ sử dụng biochar, tôi đã giảm được ½ lượng phân bón hóa học mỗi năm. Điều này không chỉ giúp tiết giảm chi phí mà đất vườn của tôi cũng tơi xốp hơn, cây cối xanh mướt, ít sâu bệnh, chất lượng nông sản tốt hơn nên giá bán cũng cao hơn”, Bà Đặng Thị Cúc –  xã viên Hợp tác xã Bình Minh chia sẻ.

Còn theo bà Triệu Thị Châu – Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh: Ưu điểm nổi trội  của hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ PPV300 đó là ngoài tạo ra than sinh học từ phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp, còn giúp người nông dân sấy nông sản như cà phê khi vào mùa thu hoạch gặp mưa trái mùa. Đặc biệt, nhờ quá trình đốt yếm khí không xả thải CO2 nên vấn đề môi trường cũng được xử lý một cách hiệu quả.

Thông tin về công nghệ nhiệt phân

Trong giai đoạn từ 2016 – 2019, công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) đã được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ về Việt Nam, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng nhiệt và than sinh học. Công nghệ này làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho người nông dân và người chế biến nông sản. Công nghệ lò đốt nhiệt phân cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và kịp thời mà vẫn đáp ứng được những tiêu chuẩn khí thải khắt khe. Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ (PPV300) để thí điểm cho mô hình HTX tại Việt Nam.

VNCPC