Posts

Luật về năng lượng tái tạo của châu Âu có gì mới?

Theo những nguồn tin ngoại giao, các nước EU dự kiến sẽ thông qua luật về những mục tiêu năng lượng tái tạo mới vào hôm 14/6. Hiện họ đang xem xét một vài lựa chọn còn lại, trong đó có miễn trừ đối với một số nhà máy amoniac, nhằm thuyết phục những quốc gia vẫn còn hoài nghi về phiên bản cuối cùng của luật.

Liên minh châu Âu đang cố gắng hoàn thiện một yếu tố chủ chốt trong chương trình nghị sự về khí hậu của họ. Nếu các quốc gia và nhà lập pháp EU thông qua, luật năng lượng tái tạo sẽ chính thức hóa mục tiêu ràng buộc lên EU, là đạt tỷ trọng 42,5% năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện của năm 2030.

Công việc thông qua luật này đã bị trì hoãn trong nhiều tuần, do sự phản đối muộn màng từ Pháp, còn những quốc gia khác thì muốn dự luật đưa cách thức đối xử thuận lợi hơn đối với năng lượng hạt nhân, vì đấy là loại năng lượng ít carbon, nhưng không thể tái tạo.

Nhiều quốc gia, phần lớn là ở Đông Âu hay có hứng thú với năng lượng hạt nhân, cũng bày tỏ quan ngại về số phận của amoniac được sản xuất từ hydrogen nếu thông qua phiên bản luật hiện tại.

Thụy Điển – Chủ tịch luân phiên hiện tại của EU kiêm nước chủ trì những cuộc đàm phán giữa những nước EU, đã đưa luật này trở lại chương trình nghị sự của cuộc họp giữa đại sứ các nước EU. Đây là tín hiệu cho thấy họ tin rằng luật đã có đủ sự ủng hộ để được thông qua.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết, một số quốc gia không có lập trường rõ ràng. Slovakia dự kiến ​​sẽ ngừng phản đối và chuyển sang ủng hộ phiên bản cuối cùng. Như vậy, phiên bản luật này sẽ có lượng phiếu bầu đủ cao để được thông qua.

“Chúng tôi xác nhận, tiến trình thảo luận đang diễn ra và với một vài tiến triển. Tất nhiên, điều quan trọng là mọi người cùng hợp tác, vì chúng tôi cần họ đồng thuận. Chúng tôi đang xem xét lại những điều khoản về amoniac, điều này sẽ giúp chúng tôi có thêm tiến độ”. – Một quan chức Slovakia cho biết.

Một phiên bản dự luật cho thấy, điều khoản về amoniac có thể trở thành một lỗ hổng nhỏ để nhiều quốc gia sử dụng hydrogen có nguồn gốc năng lượng không thể tái tạo nhằm đạt được những mục tiêu về nhiên liệu tái tạo của họ.

“Một vài cơ sở tích hợp sản xuất amoniac có thể cần được xây dựng lại để dần dần tiêu thụ thêm nhiều hydrogen sản xuất từ quá trình điện phân.” – Trích nội dung dự luật.

Quá trình tính toán mục tiêu sử dụng nhiên liệu tái tạo của những quốc gia có thể sẽ loại trừ loại hydrogen được sản xuất tại những cơ sở này. Những nguồn tin cho biết thêm, những nhà máy sản xuất amoniac này nên có kế hoạch đạt trung hòa carbon vào năm 2035.

Ngọc Duyên/AFP
https://petrotimes.vn/luat-ve-nang-luong-tai-tao-cua-chau-au-co-gi-moi-687234.html

Lần đầu tiên năng lượng tái tạo ở Hoa Kỳ tạo ra nhiều điện hơn hạt nhân

Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), các nguồn năng lượng tái tạo tạo ra nhiều điện hơn năng lượng hạt nhân ở Hoa Kỳ vào năm 2021.

Năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, thủy điện, năng lượng mặt trời, sinh khối và địa nhiệt, đã tạo ra 795 triệu MWh điện vào năm 2021, trong khi năng lượng hạt nhân tạo ra sản lượng điện là 778 triệu MWh.

Năng lượng mặt trời và gió ở quy mô tiện ích mới góp phần tăng công suất phát điện cho năng lượng tái tạo. Dữ liệu do EIA công bố cũng không tính bất kỳ hoạt động phát điện mặt trời quy mô nhỏ hoặc phân tán nào.

Khí đốt tự nhiên vẫn là nguồn phát điện phổ biến nhất ở Hoa Kỳ với 1.474 MWh vào năm 2021. Sản lượng điện từ than tăng lần đầu tiên kể từ năm 2014 và tạo ra nhiều điện hơn cả năng lượng tái tạo và hạt nhân.

Năng lượng gió đã tăng 12% vào năm ngoái trong khi năng lượng mặt trời quy mô tiện ích tăng 28%. Cũng trong năm 2021, sản lượng điện từ thủy điện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 do điều kiện hạn hán ở miền Tây ảnh hưởng đến sản xuất.

PV
https://petrotimes.vn/lan-dau-tien-nang-luong-tai-tao-o-hoa-ky-tao-ra-nhieu-dien-hon-hat-nhan-649447.html

Bỉ phá kỷ lục về năng lượng tái tạo trong năm 2021

Việc sản xuất năng lượng tái tạo đã phá kỷ lục ở Bỉ vào năm 2021, trong khi hạt nhân vẫn chiếm một nửa cơ cấu năng lượng, theo số liệu hàng năm do Elia, công ty quản lý lưới điện cao thế công bố.

Sản lượng điên gió và năng lượng mặt trời đạt 15,2 TWh vào năm 2021, tăng 2% (15 TWh vào năm 2020), nhờ sự gia tăng công suất lắp đặt trên bờ (+11%) và năng lượng mặt trời (+ 17%). Mặt khác, sản lượng gió ngoài khơi vẫn ổn định do công suất không thay đổi.

Theo Elia, vào ngày 21 tháng 5 năm 2021, tổng sản lượng năng lượng mặt trời và gió ở Bỉ đạt mức cao nhất mọi thời đại với sản lượng 6.420 MW.

“Một nửa mức tiêu thụ của Bỉ được cung cấp bởi những nguồn năng lượng này, mặc dù tình trạng này chỉ kéo dài 2% thời gian trong năm 2021”, công ty quản lý của cơ sở hạ tầng điện cao thế của Bỉ cho biết.

Năng lượng mặt trời và năng lượng gió chiếm khoảng 16,7% trong cơ cấu sản xuất điện của Bỉ vào năm 2021. Năng lượng hạt nhân chiếm 52,4% vào năm 2021.

“Việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong hỗn hợp điện đã tăng 47% so với năm 2020. Điều này đã dẫn đến số lượng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt giảm xuống”, Elia lưu ý. Việc sử dụng khí đốt để phát điện là nguyên nhân dẫn giá khí đốt tăng cao vào năm 2021. Năm 2020, khí đốt chiếm gần 25% tổng sản lượng điện của Bỉ.

Nhà điều hành lưới điện cao áp chỉ ra rằng Bỉ, trong những năm gần đây, đã đi từ nước nhập khẩu ròng trở thành nước xuất khẩu ròng, phá kỷ lục xuất khẩu hàng năm vào năm 2021, với 21,7 TWh xuất khẩu, tức là tăng 59% so với năm 2020.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/bi-pha-ky-luc-ve-nang-luong-tai-tao-trong-nam-2021-638556.html

Đối mặt khủng hoảng năng lượng, châu Âu kêu gọi ủng hộ điện hạt nhân

10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu – gồm Pháp, Phần Lan, Ba Lan, CH Séc, Slovakia, Croatia, Slovenia, Rumani, Bulgaria và Hungary – ký một tuyên bố chung khẳng định năng lượng hạt nhân bảo vệ những người tiêu thụ châu Âu chống lại giá cả tăng vọt, đặc biệt nhấn mạnh rằng nó có vai trò chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Các bên ký kết tuyên bố rằng năng lượng hạt nhân “bảo vệ người tiêu dùng châu Âu khỏi sự biến động giá cả”, trong khi giá khí đốt đã tăng mạnh trong vài tháng qua. Do đó, họ cho rằng năng lượng hạt nhân phải được đưa vào khuôn khổ phân loại của châu Âu trước cuối năm nay”, nghĩa là trong danh sách các loại năng lượng được coi là tốt cho cả khí hậu và môi trường mà Ủy ban châu Âu phải đề xuất trong những tháng tới. Việc phân loại này sẽ mở ra khả năng tiếp cận nguồn tài chính “xanh” và tạo lợi thế cạnh tranh cho các lĩnh vực được công nhận.

Theo các nước này, năng lượng hạt nhân cần phải được đưa vào danh sách các năng lượng có lợi cho khí hậu và môi trường. Quan điểm này bị nhiều thành viên khác của liên minh, như Đức và Áo, cực lực phản đối, giống như nhiều tổ chức phi chính phủ coi đó là một công nghệ rủi ro.

Các thành viên ủng hộ điện hạt nhân cũng ca ngợi lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp hạt nhân. Theo họ, sự phát triển của ngành này có thể “tạo ra gần 1 triệu việc làm có trình độ cao ở châu Âu”.

Đối với Pháp, đây là cơ hội để một lần nữa khơi lại các cuộc tranh luận không ngừng nghỉ về năng lượng hạt nhân. Chủ đề này được đưa ra hai ngày trước khi Tổng thống Emmanuel Macron công bố kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ euro cho kế hoạch mang tên “Nước Pháp 2030”, trong đó ngành công nghiệp điện hạt nhân có một vị trí nổi bật. Nguyên thủ Pháp đặc biệt kỳ vọng vào việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân nhỏ, được gọi là SMR (“lò phản ứng mô-đun nhỏ”).

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/doi-mat-khung-hoang-nang-luong-chau-au-keu-goi-ung-ho-dien-hat-nhan-629214.html