Posts

Quy hoạch điện VIII chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo đó, Quy hoạch điện VIII quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. 

Trong đó, về mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050; Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy.

Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; Phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Đối với chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%; Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất; Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.

Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch điện VIII cũng xác định các phương án phát triển nguồn điện, phương án phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, định hướng phát triển sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, nhu cầu vốn đầu tư. Theo đó, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031-2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 – 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Quy hoạch điện VIII được phê duyệt nhất quán quan điểm: Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phát triển điện phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Phát triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí thấp nhất.

Quy hoạch phát triển điện phải dựa trên cơ sở khoa học, có tính kế thừa, mang tính động và mở nhưng không hợp thức hóa những sai phạm. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.

Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền.

Phát triển điện phải bám sát xu thế phát triển của khoa học – công nghệ trên thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp. Chuyển dịch năng lượng phải phù hợp với xu hướng quốc tế và đảm bảo bền vững, công bằng, công lý.

Theo Quyết định được phê duyệt, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ quy hoạch, bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định; Tổ chức công bố quy hoạch theo quy định và triển khai thực hiện Quyết định gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật, xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; Tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong năm 2024. Trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát kỹ quy định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Lê Kim Liên
https://vietq.vn/quy-hoach-dien-viii-chinh-thuc-duoc-thu-tuong-chinh-phu-phe-duyet-d210664.html

IEA: Năng lượng tái tạo là nguồn cung cấp điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn cung cấp điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025, trong giai đoạn 2022-2027, năng lượng tái tạo sẽ tăng gần 2.400 gigawatt (GW).

Trong báo cáo năng lượng tái tạo mới nhất, IEA cho biết giá nhiên liệu tăng cao trên toàn cầu đã tạo ra một cú hích đối với an ninh năng lượng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến một số quốc gia ngày càng phụ thuộc vào năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. IEA kỳ vọng công suất tái tạo toàn cầu sẽ tăng thêm 2.400 gigawatt (GW) trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2027.

Năng lượng tái tạo sẽ vượt qua than đá để trở thành nguồn phát điện hàng đầu toàn cầu vào đầu năm 2025. Tỷ trọng phát điện của năng lượng tái tạo từng năm sẽ tăng 10% trong suốt thời gian dự báo và đạt khoảng 38% vào năm 2027. Trong giai đoạn dự báo, năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 90% trong công suất điện bổ sung trên toàn cầu.

Năng lượng tái tạo cũng là nguồn phát điện duy nhất có tỷ trọng dự kiến tăng, trong khi tỷ trọng điện năng của than, khí đốt tự nhiên, năng lượng hạt nhân và dầu mỏ suy giảm.

Trong đó, sản xuất điện từ năng lượng gió và mặt trời sẽ tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm tới và chiếm gần 20% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2027. Trong giai đoạn dự báo, năng lượng gió và mặt trời chiếm 80% mức tăng toàn cầu về sản xuất năng lượng tái tạo trong yêu cầu bổ sung những nguồn linh hoạt cho hệ thống điện.

Công suất phát điện của hệ thống quang điện đã được lắp đặt sẽ vượt qua công suất phát điện của than đá vào năm 2027. Khi đó, đây sẽ là nguồn phát có công suất lớn nhất thế giới. Công suất lưu trữ quang điện cũng sẽ tăng gấp 3 lần theo dự báo của IEA, tăng gần 1.500 GW trong giai đoạn này, vượt qua khí đốt tự nhiên vào năm 2026 và than đá vào năm 2027.

Công suất quang điện bổ sung hàng năm sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới. Mặc dù hiện nay chi phí đầu tư cao do giá thành hàng hóa cao, nhưng điện mặt trời là lựa chọn hiệu quả nhất về chi phí để phát điện mới ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Việc lắp đặt các nguồn quang điện (PV) độc lập như tấm pin mặt trời trên mái nhà sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm tiền trên hóa đơn năng lượng do giá điện bán lẻ từ các nhà cung cấp điện lưới cao hơn và những chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng tăng.

Trong khi đó, công suất điện gió toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi, trong đó các dự án điện gió ngoài khơi chiếm 1/5 mức tăng trưởng. Các trang trại điện gió trên bờ mới, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2022-2027 sẽ cung cấp hơn 570 GW.

Tuy nhiên, việc bổ sung năng lượng điện gió trên bờ sẽ không phá vỡ kỷ lục hàng năm, được thiết lập vào năm 2020 cho đến khi kết thúc giai đoạn dự báo, nguyên nhân chính là do quy trình cấp phép kéo dài và cơ sở hạ tầng lưới điện không kịp thời được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu gia tăng nguồn cung điện năng.

Tăng trưởng công suất điện gió ngoài khơi đang tăng tốc trên toàn cầu, nhưng tỷ lệ công suất điện gió ngoài khơi của châu Âu trong tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu giảm từ 50% vào năm 2021 xuống còn 30% vào năm 2027 do các chính sách hỗ trợ cấp tỉnh của Trung Quốc được triển khai nhanh hơn, đồng thời Mỹ trở thành một thị trường quan trọng đối với điện gió ngoài khơi.

IEA cũng cho biết, số liệu dự báo công suất năng lượng tái tạo tăng chủ yếu là do Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Ấn Độ đã xây dựng các chính sách năng lượng tái tạo, đồng thời thực hiện cải cách các chính sách và thị trường nhanh hơn dự đoán.

Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng một nửa công suất năng lượng tái tạo toàn cầu bổ sung mới từ năm 2022 đến năm 2027 như một phần của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Tại Ấn Độ, các công trình lắp đặt năng lượng tái tạo mới sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn dự báo, dẫn đầu là điện mặt trời và được thúc đẩy bởi các cuộc đấu tranh giá cạnh tranh để đáp ứng mục tiêu của chính phủ là 500 GW công suất năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Trong khi đó, Đạo luật giảm thiểu lượng phát của Hoa Kỳ đã đưa ra các đề xuất hỗ trợ bổ sung và tầm nhìn dài hạn cho việc mở rộng năng lượng tái tạo được tạo ra ở Hoa Kỳ.

H.T
https://petrotimes.vn/iea-nang-luong-tai-tao-la-nguon-cung-cap-dien-lon-nhat-toan-cau-vao-dau-nam-2025-673515.html

Scotland vận hành trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất

Theo công bố ngày 23/8 của ông lớn dầu khí Pháp TotalEnergies và công ty năng lượng tái tạo SSE Renewables, trang trại gió Seagreen – trang trại lớn nhất toàn Scotland, đã đi vào hoạt động.

Trang trại có tổng cộng 114 tua bin. Vào sáng 22/8, tuabin gió đầu tiên đã được đưa vào vận hành cách bờ biển quận Angus khoảng 27 km.

Theo hai đối tác, trang trại gió có tổng công suất 1.075 MW, đủ khả năng cung cấp điện cho 1,6 triệu hộ gia đình. Dự kiến trang trại sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn trong nửa đầu năm 2023.

Dự án Seagreen có trị giá 4,3 tỷ USD sẽ là dự án trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất ở Scotland. Đồng thời, Seagreen sẽ là công trình điện gió có độ sâu nhất thế giới, với độ sâu 59 mét so với mặt nước biển.

Paul Cooley, Giám đốc dự án ngoài khơi thuộc SSE Renewables nhận xét: “Sau khi hoàn thành, Seagreen sẽ có đóng góp đáng kể vào kế hoạch năng lượng tái tạo đầy tham vọng của Scotland và Vương quốc Anh”.

Ông nói thêm: “Được nhìn thấy tuabin quay ở Biển Bắc và bắt đầu phát điện an toàn là một thành tựu tuyệt vời cho tất cả mọi người đã tham gia dự án. Seagreen sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và đóng góp vào chuỗi cung ứng của Vương quốc Anh”.

Đối với TotalEnergies, đây là dự án trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên đi vào hoạt động ở châu Âu (dự án trang trại gió đầu tiên đi vào hoạt động trên thế giới là dự án Yulin ở Đài Loan).

Vào tháng 6/2022, tập đoàn dầu khí Pháp đã đạt được thỏa thuận với SSE Renewables để mua 51% cổ phần của dự án Seagreen.

Theo ông Vincent Stoquart, Giám đốc mảng Năng lượng tái tạo tại TotalEnergies: “Chúng tôi rất vui mừng khi dự án Seagreen- đầu tiên ở Biển Bắc thuộc Vương quốc Anh, bắt đầu đi vào hoạt động. Đây sẽ là một bước tiến mới trong việc phát triển sản lượng điện gió ngoài khơi của TotalEnergies”. Được biết, ông lớn Pháp đặt mục tiêu công suất điện tái tạo đạt 35 GW vào năm 2025.

Ngọc Duyên/AFP
https://petrotimes.vn/scotland-van-hanh-trang-trai-dien-gio-ngoai-khoi-lon-nhat-663698.html

Chuyển dịch năng lượng: Khác biệt lớn giữa các khu vực trên thế giới

Chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển năng lượng nói riêng và kinh tế bền vững nói chung của các quốc gia. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này giữa các khu vực trên thế giới đang có khác biệt rất lớn.

Dự án điện gió ở Đan Mạch

Chuyển dịch năng lượng là sự chuyển đổi dần từ trạng thái năng lượng sơ cấp có thể cạn kiệt sang dạng năng lượng sạch, liên tục, có thể tái sử dụng vô hạn, với tỉ lệ lớn hơn nhằm bảo đảm đủ điện và yêu cầu của biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đã sớm nhận ra đây là con đường phát triển tất yếu và có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Những nước đi đầu trong chuyển dịch năng lượng, có khả năng tự chủ cung cấp nguồn điện tái tạo có thể điểm tên là Phần Lan, Kenya, Mỹ, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, New Zealand…

Trong đó, dẫn đầu là Phần Lan. Lý do để quốc gia này đứng đầu xếp đầu danh sách tính theo Chỉ số Hiệu suất Môi trường (EPI) hằng năm (của Đại học Yale, Mỹ) là sản xuất được khoảng 35% năng lượng từ các nguồn tái tạo, đặc biệt là điện gió. Dự kiến đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng trên 50%. Trong khi đó, lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch năm 2020 đã giảm tới phân nửa so với hồi năm 2005.

Phần Lan có kế hoạch loại bỏ dần than đá vào năm 2030, đồng thời giảm bớt việc nhập khẩu các loại nhiên liệu hóa thạch khác như dầu mỏ, dầu diesel, dầu nhiên liệu và các loại chất đốt khác. Với kế hoạch tham vọng này, Phần Lan sẽ sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào than đá và sẽ là một thành tựu đáng ghi nhận kể từ sau Thỏa thuận chung Paris hồi cuối năm 2015.

Còn với Đan Mạch – quốc gia đã cam kết không sử dụng hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong phát điện vào năm 2050 – đang là nước đứng đầu thế giới về sản xuất năng lượng gió. Theo chính phủ Đan Mạch, sản lượng điện gió tại quốc gia này hiện nhiều hơn gấp đôi so với bất kỳ quốc gia phát triển nào khác trên thế giới.

Na Uy – quốc gia vốn có truyền thống dựa vào thủy điện để sản xuất phần lớn điện từ những năm 1800, hiện có 98% sản lượng điện toàn quốc được sản xuất bởi các nguồn năng lượng tái tạo, dẫn đầu vẫn là thủy điện. Ngoài ra, các nguồn năng lượng xanh khác, như năng lượng gió và địa nhiệt cũng được quốc gia này chú trọng gia tăng tỉ trọng trong cơ cấu nguồn điện, nhằm phục vụ nhu cầu điện ngày càng tăng trong nước, đồng thời xuất khẩu điện sạch sang các nước láng giềng.

Tại Thuỵ Điển, ngay từ năm 2015, năng lượng tái tạo đã đảm nhận thị phần 57% nhu cầu tiêu dùng trong nước với khoảng và dự kiến sẽ tăng tiếp 100% vào năm 2040. Gió, hạt nhân và thủy điện là những nguồn năng lượng tái tạo chính ở quốc gia này và là một phần đáng kể trong chuyển dịch năng lượng thành công của quốc gia này.


Năng lượng tái tạo ở Mỹ

Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền vẫn duy trì nhiên liệu hóa thạch đồng thời có kế hoạch chuyển dùng năng lượng mặt trời và gió vì giá thành rẻ và thân thiện với môi trường. Với điện mặt trời, ngay từ năm 2014, Mỹ có tốc độ phát triển nhanh nhất, trung bình cứ 2,5 phút, lại có một mái nhà năng lượng mặt trời được hoàn thành. Về năng lượng gió, Texas là bang dẫn đầu. Nếu so sánh riêng bang này với các quốc gia trên thế giới, thì Texas sản xuất năng lượng gió lớn thứ 4 trên thế giới.

Trong những quốc gia tiên phong chuyển dịch năng lượng, nhiều nước có thế mạnh đặc biệt về năng lượng tái tạo. Như New Zealand, khi xác định nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2025, quốc gia này với ưu thế nằm ở những ngọn núi lửa đã có kế hoạch thay thế bằng 90% nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là địa nhiệt. Hay như Kenya nhờ có thung lũng Great Rift, đã tiếp cận được với nguồn nước nóng siêu nhiệt bởi macma trong lòng đất. Năng lượng địa nhiệt đã bùng nổ ở Kenya trong vòng 1 thập niên trở lại đây và hiện nay đủ để cung cấp cho một nửa dân trong nước.

Iceland – quốc gia xếp thứ 4 với danh hiệu quốc gia xanh, thân thiện nhất hành tinh – sử dụng 100% năng lượng từ các nguồn tái tạo, như thủy điện, khai thác lượng mưa dồi dào ở các vùng núi cao. Để làm ấm nhà cửa và nước, Iceland cũng khai thác cả nguồn địa nhiệt dồi dào từ những ngọn núi lửa bất tận.

Như vậy, trong công cuộc chuyển dịch năng lượng, hầu hết đối với các quốc gia đi đầu và có bước biến chuyển nhanh chóng là các quốc gia có đã khai thác triệt để thế mạnh về năng lượng tái tạo và tiềm lực tài chính. Kinh nghiệm của các nước này cũng cho thấy, quốc gia nào có thời gian triển khai chuyển dịch năng lượng sớm thì lợi ích mang lại sẽ lớn hơn.

Mặc dù chuyển dịch năng lượng được nhận định là con đường tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế bền vững song có sự khác biệt lớn giữa các khu vực trong xu hướng này nếu không muốn nói là có chiều hướng đối nghịch. Ngược lại với các khu vực, các quốc gia có bước chuyển dịch mạnh mẽ và hiệu quả, phần còn lại của thế giới vẫn đang loay hoay trong giải bài toán chuyển dịch năng lượng, thậm chí nhiều quốc gia hiện còn phải đối diện với nguy cơ thiếu điện.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu đã cao hơn nhiều so với trước đây vào thời điểm Thỏa thuận chung Paris được ký kết vào năm 2015. Theo đó tốc độ tăng trưởng đầu tư hàng năm vào năng lượng sạch trung bình trong 5 năm sau thỏa thuận khí hậu Paris chỉ hơn 2%. Năm 2020, tỉ lệ đã tăng lên 12%. Nhưng sự gia tăng tập trung ở các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc. Mức đầu tư năng lượng sạch cao nhất vào năm 2021 là Trung Quốc với 380 tỉ USD, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) với 260 tỉ USD và Hoa Kỳ với 215 tỉ USD.

Trong khi đó, đầu tư cho năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (trừ Trung Quốc) vẫn bị mắc kẹt ở mức năm 2015. Có một số điểm sáng như năng lượng tái tạo quy mô tiện ích ở Ấn Độ, năng lượng gió ở Brazil… Nhưng nhìn chung, tương đối yếu ở hầu hết các quốc gia đang phát triển.

Cũng theo IEA, cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách giữa 1/5 thị phần năng lượng sạch toàn cầu và 2/3 dân số toàn cầu của các nền kinh tế đang phát triển. Cũng bởi, nếu đầu tư vào năng lượng sạch không nhanh chóng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, thế giới sẽ phải đối mặt với ranh giới chính trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững khác.

H.Thanh
https://petrotimes.vn/chuyen-dich-nang-luong-khac-biet-lon-giua-cac-khu-vuc-tren-the-gioi-662668.html

Thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ tăng hơn 6.000% vào năm 2031

Theo nghiên cứu từ công ty Nghiên cứu Thị trường Minh bạch (TMR), lĩnh vực hydro xanh sẽ tăng trưởng khoảng 51,6% sau mỗi năm.

Cụ thể, thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ mở rộng từ 2,14 tỷ USD năm ngoái lên 135,73 tỷ USD vào năm 2031 với một tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) “phi thường” là 51,6%. Trong khoảng thời gian 10 năm, con số này thể hiện mức tăng trưởng của lĩnh vực này là 6.243%.

Đồng quan điểm với báo cáo của TMR, công ty Guidehouse Insights của Mỹ cũng dự báo mức tăng trưởng tương tự vào tháng 4, theo đó việc sản xuất máy điện giải toàn cầu – loại máy sản xuất hydro xanh từ điện tái tạo – sẽ tăng gần 8.000% từ cuối năm nay đến năm 2031.


Dự báo thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ tăng hơn 6.000% vào năm 2031

Báo cáo của TMR cho thấy “ngày càng nhiều quy định của chính phủ nhằm sản xuất năng lượng tái tạo ​​sẽ dự kiến khiến thị trường hydro xanh toàn cầu tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn dự báo. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách đang coi hydro xanh là một lựa chọn để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero) mà các chính phủ trên toàn thế giới đặt ra”.

Nghiên cứu cho biết thêm rằng năng lượng mặt trời sẽ là nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu cho hydro xanh trong giai đoạn dự báo, với công nghệ PEM thống trị thị trường điện phân.

Công ty TMR đăng ký tại Pune, Ấn Độ, có trụ sở chính ở Wilmington, Delaware, Hoa Kỳ. Hiện TMR, có hơn 300 nhân viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ năng lượng đến chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và quốc phòng.

Theo PV
https://petrotimes.vn/thi-truong-hydro-xanh-toan-cau-se-tang-hon-6000-vao-nam-2031-661963.html

Pháp công bố biện pháp điều chỉnh “khẩn cấp” đối với năng lượng tái tạo

Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Chuyển dịch năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher đã công bố gói điều chỉnh “khẩn cấp” đầu tiên nhằm đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng tái tạo, trước bối cảnh giá vật liệu xây dựng ngày càng tăng.

Theo Bộ Chuyển dịch năng lượng, một số dự án sản xuất năng lượng tái tạo hiện đang bị đe dọa bởi chi phí xây dựng tăng cao. Theo đó, nguồn tài trợ nhà nước cho ngành điện và khí sinh học sẽ không còn đủ cho các dự án năng lượng mặt trời có công suất 6-7 GW và năng lượng gió với công suất 5-6 GW.

Loạt biện pháp đầu tiên, được công bố trong những ngày tới, sẽ giúp giải phóng các dự án hoặc đẩy nhanh tiến độ trước mùa đông – giai đoạn căng thẳng ​​về nguồn cung năng lượng do ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraine.

Trong trường hợp đấu thầu thành công, biện pháp đầu tiên sẽ cho phép các dự án nhanh hoàn thành được bán điện với giá thị trường trong 18 tháng.

Biện pháp thứ hai tập trung vào việc lập bảng giá năng lượng bán lại, trong khi biện pháp thứ ba sẽ bãi bỏ kế hoạch giảm thuế ban đầu đối với dự án lắp đặt quang điện lên các tòa nhà.

Cuối cùng, loạt biện pháp sẽ cho phép các dự án đã được thầu đẩy công suất lên 40% trước khi đưa vào vận hành, còn các dự án xây dựng cơ sở sản xuất khí sinh học sẽ được phép kéo dài thời hạn hoàn thành để có thể đối phó với những khó khăn liên quan đến khủng hoảng dịch tễ và vấn đề cung ứng.

Các biện pháp điều chỉnh khác đối với điện tái tạo hoặc khí đốt dự kiến ​​sẽ được công bố vào cuối mùa hè, kèm theo đó sẽ là một đạo luật rộng hơn nhằm đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo.

Ngọc Duyên/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phap-cong-bo-bien-phap-dieu-chinh-khan-cap-doi-voi-nang-luong-tai-tao-661474.html

Portfolio Items