Posts

Châu Á dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo

Các đập thủy điện, năng lượng địa nhiệt, và hơn hết là năng lượng mặt trời và năng lượng gió… năng lượng tái tạo đã chứng kiến ​​năng lực sản xuất toàn cầu tăng 9,1% vào năm 2021, đặc biệt là ở châu Á, khác xa so với khối lượng cần thiết để khử carbon trên thế giới, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho biết hôm 11/4.


Đến cuối năm 2021, công suất phát điện tái tạo toàn cầu ở mức 3.064 gigawatt (GW), theo báo cáo thống kê hàng năm của IRENA.

Thủy điện vẫn ở vị trí đầu tiên (1.230 GW), và vào năm 2021 một số dự án thủy điện lớn đã được đưa vào vận hành. Nhưng quang điện và năng lượng gió đang phát triển nhanh nhất và chiếm 88% trong số các công trình năng lượng tái tạo vào năm ngoái.

Công suất sản xuất năng lượng mặt trời đã tăng 19%. Năng lượng gió ở mức + 13% (+93 GW vào năm 2021, so với +111 GW vào năm 2020).

Khoảng 60% công suất mới liên quan đến châu Á và trên hết là Trung Quốc (với 121 GW được bổ sung). Châu lục này hiện sở hữu gần một nửa công suất tái tạo trên thế giới (48%).

Vào năm 2021, Châu Âu và Bắc Mỹ đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba về các dự án mới, với mức bổ sung tương ứng là 39 và 38 GW.

Công suất địa nhiệt còn kém xa, nhưng đã ghi nhận mức tăng trưởng đặc biệt vào năm 2021, với + 1,6 GW.

Trong bối cảnh toàn cầu khó khăn, “sự tăng trưởng bền vững này là minh chứng thêm cho khả năng phục hồi của năng lượng tái tạo”, Francesco La Camera, Tổng giám đốc IRENA cho biết. Tuy nhiên, ông cho biết thêm, công bố của IRENA cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng còn lâu mới đủ nhanh hoặc đủ tổng thể để tránh những hậu quả tai hại của biến đổi khí hậu.

Nhìn chung, năng lượng tái tạo chiếm hơn 80% công suất điện mới vào năm 2021, nhưng than đá nói riêng cũng tăng trưởng.

Ở nhiều quốc gia, nhu cầu về năng lượng đang tăng nhanh hơn so với năng lượng xanh. Do đó, IRENA kêu gọi tăng cường hợp tác, đặc biệt ủng hộ khu vực châu Phi và Trung Mỹ-Caribe: vào năm 2021, năng lực sản xuất năng lượng tái tạo ở các khu vực này chỉ tăng lần lượt là 3,9% và 3,3%.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chau-a-dan-dau-the-gioi-ve-nang-luong-tai-tao-647731.html

Việt Nam ưu tiên dự án năng lượng sạch phù hợp quy hoạch chung

Đó là một trong những nội dung chính trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với ông Alok Kumar Sharma Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP 26) ngày 14/2.

Thông tin về những nỗ lực tích cực của ngành năng lượng trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tổng vốn đầu tư nguồn và lưới điện của phương án tháng 12/2021 là 135,9 tỷ USD giai đoạn 2021-2030 (121,79 tỷ USD cho nguồn; 14,12 tỷ USD cho lưới). Với phương án điều hành tháng 12/2021, ngành năng lượng đã tiết kiệm được khoảng 28,9 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 so với phương án điều hành tháng 3/2021.

Với mục tiêu lâu dài đến năm 2030, ngành năng lượng phấn đấu đạt quy mô điện than là 38,8 GW, tăng so với hiện nay 18GW và gần như không tăng thêm đến năm 2045.

Giai đoạn 2031-2045, tổng vốn đầu tư nguồn và lưới điện của phương án tháng 12/2021 là 241,51 tỷ USD (230,07 tỷ USD cho nguồn; 11,44 tỷ USD cho lưới). Như vậy phương án điều hành tháng 12/2021 đã tiết kiệm được khoảng 4,2 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2031-2045 so với phương án điều hành tháng 3/2021.

Nói về những nỗ lực phát triển năng lượng sạch, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngay sau Hội nghị COP 26, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án cập nhật lại dự thảo Quy hoạch điện VIII.


Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (Đông Hải, Duyên Hải, Trà Vinh) với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, công suất 100 MW vừa khánh thành ngày 16/1.

Trong đó chú trọng phát triển nguồn điện theo hướng: Đánh giá lại tính khả thi các nguồn nhiệt điện than để tiếp tục giảm điện than; phát triển mạnh điện khí, nhất là điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng khả năng hấp thụ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo quy mô lớn; phát triển mạnh mẽ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời; bố trí nguồn điện đảm bảo cân đối vùng miền, tránh truyền tải xa và đảm bảo dự phòng hợp lý ở từng miền.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII để phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Tuyên bố chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần sự hỗ trợ của quốc tế về nguồn vốn ưu đãi để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các giải pháp vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa đóng góp có hiệu quả mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bộ Công Thương luôn ưu tiên hỗ trợ trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, phù hợp quy hoạch chung, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

https://petrotimes.vn/viet-nam-uu-tien-du-an-nang-luong-sach-phu-hop-quy-hoach-chung-641974.html

Bỉ phá kỷ lục về năng lượng tái tạo trong năm 2021

Việc sản xuất năng lượng tái tạo đã phá kỷ lục ở Bỉ vào năm 2021, trong khi hạt nhân vẫn chiếm một nửa cơ cấu năng lượng, theo số liệu hàng năm do Elia, công ty quản lý lưới điện cao thế công bố.

Sản lượng điên gió và năng lượng mặt trời đạt 15,2 TWh vào năm 2021, tăng 2% (15 TWh vào năm 2020), nhờ sự gia tăng công suất lắp đặt trên bờ (+11%) và năng lượng mặt trời (+ 17%). Mặt khác, sản lượng gió ngoài khơi vẫn ổn định do công suất không thay đổi.

Theo Elia, vào ngày 21 tháng 5 năm 2021, tổng sản lượng năng lượng mặt trời và gió ở Bỉ đạt mức cao nhất mọi thời đại với sản lượng 6.420 MW.

“Một nửa mức tiêu thụ của Bỉ được cung cấp bởi những nguồn năng lượng này, mặc dù tình trạng này chỉ kéo dài 2% thời gian trong năm 2021”, công ty quản lý của cơ sở hạ tầng điện cao thế của Bỉ cho biết.

Năng lượng mặt trời và năng lượng gió chiếm khoảng 16,7% trong cơ cấu sản xuất điện của Bỉ vào năm 2021. Năng lượng hạt nhân chiếm 52,4% vào năm 2021.

“Việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong hỗn hợp điện đã tăng 47% so với năm 2020. Điều này đã dẫn đến số lượng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt giảm xuống”, Elia lưu ý. Việc sử dụng khí đốt để phát điện là nguyên nhân dẫn giá khí đốt tăng cao vào năm 2021. Năm 2020, khí đốt chiếm gần 25% tổng sản lượng điện của Bỉ.

Nhà điều hành lưới điện cao áp chỉ ra rằng Bỉ, trong những năm gần đây, đã đi từ nước nhập khẩu ròng trở thành nước xuất khẩu ròng, phá kỷ lục xuất khẩu hàng năm vào năm 2021, với 21,7 TWh xuất khẩu, tức là tăng 59% so với năm 2020.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/bi-pha-ky-luc-ve-nang-luong-tai-tao-trong-nam-2021-638556.html

Đức đầu tư 1 tỷ USD vào Hydro xanh

Bộ Kinh tế Đức thông báo rằng nước này sẽ đầu tư 900 triệu euro vào một chương trình tài trợ để hỗ trợ hydro xanh.

Cụ thể, Đức đang lập dự án H2Global để thúc đẩy sự gia tăng của thị trường hydro xanh. Dự án này cho phép mua hydro và các dẫn xuất của nó với giá cạnh tranh trước khi bán lại cho người trả giá cao nhất trong EU.

Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức, nhấn mạnh tầm quan trọng của hydro tái tạo. Ông khẳng định rằng năng lượng này rất quan trọng trong nhiệm vụ khử carbon của đất nước.

Thật vậy, ông giải thích trong một thông cáo báo chí rằng dự kiến ​​sẽ có “nhu cầu mạnh mẽ về hydro xanh”. Vì vậy, để đáp ứng điều này cần phải sản xuất, nhưng cũng phải dựa vào nhập khẩu.

H2Global trở thành công cụ của “sự gia tăng quyền lực (của) nền kinh tế hydro quốc tế”. Do đó, Đức đang tạo ra một chuỗi “giá trị và cung ứng” dài hạn để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai.

Dự án do HINT.CO quản lý sẽ dẫn đến thua lỗ trong ngắn hạn do giá hydro xanh vẫn còn cao. Các quỹ của chính phủ sẽ bù đắp điều này trong thời gian tối đa là mười năm.

Bộ Kinh tế Đức cho rằng “tổn thất sẽ được giảm bớt khi mức độ sẵn sàng chi trả cho các nguồn năng lượng bền vững tăng lên”.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/duc-dau-tu-1-ty-usd-vao-hydro-xanh-637353.html

Sẽ tối ưu phát triển năng lượng sạch?

Thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, việc bổ sung điện gió vào Quy hoạch điện VIII sẽ được dựa trên những tính toán hợp lý nhất, kèm theo các điều kiện về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại COP26.

Thực trạng phát triển nóng năng lượng tái tạo (NLTT) trong những năm vừa qua là chưa phù hợp với hạ tầng truyền tải của Việt Nam. Với hàng loạt đề xuất phát triển điện mặt trời, điện gió ngoài khơi tại các địa phương đang đặt ra cho Bộ Công Thương những thách thức lớn trong việc tính toán để NLTT phát triển bền vững, không để ảnh hưởng tiêu cực đến các nguồn điện còn lại.

Sẽ tối ưu phát triển năng lượng sạch?

Các địa phương đang để xuất phát triển 11.000 MW công suất điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Đánh giá về hiện trạng nguồn điện hiện nay, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT – cho biết, công suất năm 2020 đạt khoảng 69,3 GW, hệ thống điện cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tốc độ tăng trưởng bình quân nguồn điện giai đoạn 2011-2020 tương đương 12,9%/năm, so với tốc độ tăng trưởng phụ tải bình quân gần 10%/năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ ra các tồn tại và thách thức đối với việc phát triển nguồn điện trong thời gian qua chưa phù hợp với sự phân bố và phát triển phụ tải. Miền Bắc dự phòng giảm dần do tốc độ tăng trưởng phụ tải ở mức cao tương đương 9%/năm, nhưng tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4,7%/năm, dự phòng giảm xuống 31% năm 2020.

Ở miền Trung và miền Nam, tăng trưởng nguồn điện nhanh hơn nhiều tăng trưởng phụ tải, dự phòng tăng cao 237% tại miền Trung, 87% tại miền Nam. Do đó, dẫn tới tình trạng nghẽn mạch trên lưới truyền tải và cắt giảm công suất nguồn điện gió, điện mặt trời, do thời điểm điện mặt trời phát cao công suất truyền ngược ra phía Bắc gây quá tải liên kết Bắc – Trung.

Dự báo nhu cầu điện trong những năm tới, Cục Điện lực và NLTT thông tin, theo các chỉ tiêu dự báo phụ tải trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đã bám sát và phù hợp với các chỉ tiêu chính của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tốc độ tăng trưởng GDP trong kịch bản trung bình là 6,8% giai đoạn 2021-2025, 6,4% giai đoạn 2026-2030 và giảm dần về 5,5% giai đoạn 2041-2045.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, định hướng phát triển nguồn điện theo quan điểm phát triển sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã có những thay đổi, cụ thể, sẽ được xem xét lại việc phát triển nhiệt điện than; Tập trung phát triển điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi (ĐGNK). Đồng thời, tính toán cân đối nguồn – tải theo vùng miền, hạn chế truyền tải điện đi xa. Đảm bảo dự phòng từng miền ở mức độ hợp lý, đặc biệt là ở miền Bắc.

Theo đó, quy mô công suất phát triển ĐGNK vào năm 2030 là 5.000 MW và năm 2045 là 41.000 MW. Để ĐGNK trở thành một cột trụ quan trọng trong công cuộc chuyển dịch năng lượng quốc gia, việc nhanh chóng phát triển nguồn điện này là hết sức cấp thiết nhằm hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Do đó, việc cần làm hiện nay là xây dựng chính sách phát triển ĐGNK. Xây dựng lộ trình phát triển ĐGNK đến 2045. Đặc biệt, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho ĐGNK.

Được biết, hiện nhiều địa phương trong cả nước đang đề xuất phát triển ĐGNK với Bộ Công Thương và Chính phủ, với tổng công suất lên tới hơn 110.000 MW. Chia sẻ về các tiêu chí lựa chọn dự án, ông Tuấn Anh cho hay, sẽ dựa vào mô hình tính toán cực tiểu, chi phí và kèm theo các ràng buộc như về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam về giảm phát thải.

Cụ thể, tại mỗi vùng miền sẽ đưa ra cơ cấu nguồn điện trong từng giai đoạn. Trên cơ sở tính toán, quy mô có thể sẽ nhỏ hơn so với nhu cầu của một khu vực, nhưng đó là kết quả mô hình tính toán tối ưu mà quy hoạch đưa ra làm cơ sở lựa chọn.

P.V
https://petrotimes.vn/se-toi-uu-phat-trien-nang-luong-sach-637171.html

Năng lượng địa nhiệt: năng lượng của tương lai

Năng lượng địa nhiệt có thể là một giải pháp tiềm năng trong số các các công nghệ carbon thấp? Câu hỏi được đặt ra khi các nguồn năng lượng gió và mặt trời có chi phí cạnh tranh đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng nguồn cung điện năng cho quá trình điện khí hóa toàn cầu đến năm 2050.

Sử dụng năng lượng địa nhiệt đã được chứng minh là có ít rủi ro hơn so với các công nghệ phát thải carbon thấp khác là hydro và công nghệ thu gom, lưu trữ carbon (CCS), vốn có chi phí tương đối cao và còn nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật cần chứng minh. Hãng phân tích Wood Mackenzie mới đây đã có bài phân tích về triển vọng của năng lượng địa nhiệt trong tiến trình giảm phát thải carbon toàn cầu.

Theo giám đốc dịch vụ chuyển tiếp năng lượng của Wood Mackenzie Prakash Sharma, các nguồn năng lượng địa nhiệt sẽ góp phần tăng cường an ninh năng lượng ở khu vực địa phương. Thế giới hiện đã phát triển các giải pháp mới, tiên tiến để có thể khai thác năng lượng địa nhiệt, trở thành trung tâm trong xu hướng không phát ròng carbon toàn cầu.

Giàn khoan thử nghiệm Thor tại Hverahlid, Iceland. Nguồn: Iceland Drilling.

Năng lượng địa nhiệt: năng lượng của tương lai

Thứ nhất, năng lượng mặt trời và năng lượng gió không thể tự vận hành hoàn toàn. Khả năng gián đoạn, thay đổi theo thời tiết là một rủi ro lớn. Trong hệ thống điện năng tương lai, các dự án điện gió, điện mặt trời cần được bổ sung hệ thống pin lưu trữ năng lượng để đáp ứng nhu cầu điện lúc cao điểm và giảm tải công suất cho hệ thống lưới điện. Đây là lý do mà năng lượng địa nhiệt thu hút sự quan tâm của dư luận khi địa nhiệt là nguồn năng lượng 24/7 và có khả năng linh hoạt.

Thứ hai, năng lượng địa nhiệt đã được biết đến và đưa vào sử dụng từ lâu. Theo dữ liệu của Wood Mackenzie Lens tại 38.000 mỏ dầu và khí đốt, nguồn năng lượng này sử dụng nhiệt năng tự nhiên của Trái Đất, tỏa ra từ vùng lõi – nơi có nhiệt độ 5.500 độ C. Tính từ mặt đất trở xuống, nhiệt độ tăng trung bình khoảng 30 độ C/km. Năng lượng địa nhiệt bề mặt hoặc gần bề mặt đã được con người sử dụng cung cấp nhiệt và điện năng trong nhiều thập kỷ qua. Máy bơm nhiệt từ lòng đất đã được sử dụng rộng rãi và phổ biến trên thị trường đại chúng. Trong chương trình “Fit for 55” của Liên minh châu Âu (EU), máy bơm nhiệt được coi là công cụ trung tâm nhằm sử dụng nguồn địa nhiệt thay thế khí và dầu cho mục đích sưởi ấm trong sinh hoạt và thương mại.

So sánh tiết kiệm chi phí của các loại hình năng lượng: than, hydrogen và địa nhiệt. Nguồn: Wood Mackenzie

Các hệ thống năng lượng địa nhiệt thông thường khai thác nguồn nước nóng, hơi nước ở độ sâu lên đến 200 m, cung cấp cho tuabin sản xuất điện. Những dự án địa nhiệt thông thường vận hành tại các địa điểm như Iceland và khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương. Khả năng mở rộng quy mô, khai thác nguồn nhiệt sâu hơn đối với năng lượng địa nhiệt là rất triển vọng. Hệ thống địa nhiệt tiên tiến (EGS/AGS) có thể khai thác nguồn nhiệt than ở độ sâu lên tới 3 km và hơn thế nữa. Trong các hệ thống phức tạp, các nhà điều hành có thể xây dựng thêm giếng khoan ngang, kết nối hai giếng thẳng đứng, tạo hình chữ “U” khép kín. Nước trên bề mặt sẽ được bơm vào hệ thống giếng chữ “U” mang theo nguồn nhiệt năng cung cấp cho tuabin sản xuất điện và tiếp tục tuần hoàn. Hệ thống phức tạp này phụ thuộc vào các kỹ thuật khoan và hoàn thiện giếng tiên tiến, vốn được sử dụng phổ biến trong ngành dầu khí. Sự chênh lệch nhiệt độ có thể tính toán được, qua đó thiết kế được quy mô dự án, phục vụ các trung tâm tiêu thụ năng lượng lớn.

Thứ ba là chi phí khai thác năng lượng địa nhiệt đang giảm. Bản thân nguồn năng lượng này là vô tận, miễn phí và chi phí chuyển đổi năng lượng thấp. Phần chi tiêu vốn chủ yếu tập trung vào công tác khoan và hoàn thiện giếng để khai thác nhiệt năng. Mặc dù công tác khoan hệ thống giếng phức tạp và tốn kém, nhưng lợi ích thu được khi giếng đi vào vận hành là rất kể: nguồn năng lượng phát thải carbon thấp và sử dụng được trong nhiều thập kỷ. Theo Wood Mackenzie, chi phí năng lượng (LCOE) của các dự án địa nhiệt thử nghiệm hiện nay vào khoảng 180 USD/MWh. Wood Mackenzie kỳ vọng với sự hỗ trợ từ các chính phủ, tiến bộ khoa học công nghệ trong kỹ thuật khoan và tăng trưởng đầu tư trong lĩnh vực này sẽ giúp LCOE giảm đáng kể như những gì đã trải qua đối với năng lượng gió và mặt trời.

Theo quan điểm của Wood Mackenzie, LCOE của năng lượng địa nhiệt có thể giảm xuống 75 USD/MWh vào năm 2030 và 55 USD/MWh vào năm 2050, giúp loại hình này hoàn toàn cạnh tranh với các điện than, điện khí mới áp dụng công nghệ CCS hoặc với các lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR). Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể kết hợp khai thác nguồn nước ngầm giàu lithium để phục vụ cho sản xuất pin điện, pin nhiên liệu hydro, góp phần cải thiện kinh tế hơn nữa của dự án.

Hiện nay, các tập đoàn Chevron, BP, EnBW và Mitsui đang hợp tác với các công ty chuyên ngành về năng lượng địa nhiệt như EavorLoop, Greenfire và Causeway GT trong các dự án khai thác nước nóng ở New Zealand, Canada (Alberta), Mỹ (California, Utah, Nevada), Đức, Iceland, Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Theo các kịch bản năng lượng 1,5 độ C và 2 độ C (AET-1,5 và AET-2) của Wood Mackenzie, nhu cầu điện năng toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Trong đó, công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió sẽ chiếm phần lớn mức tăng trưởng 10.000 GW đến năm 2050, còn năng lượng địa nhiệt được dự báo sẽ đạt 100 GW. Yếu tố quyết định đến triển vọng của loại hình năng lượng mới này sẽ là LCOE. Wood Mackenzie kỳ vọng, LCOE địa nhiệt sẽ tiếp tục giảm, giúp nâng tổng công suất năng lượng địa nhiệt toàn cầu lên 1.000 GW vào năm 2050, vượt qua công suất hạt nhân và thủy điện toàn cầu.

Tiến Thắng
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nang-luong-dia-nhiet-nang-luong-cua-tuong-lai-626941.html