Posts

MỜI THAM GIA HỘI THẢO – Phổ biến tài liệu Hướng dẫn Áp dụng Kinh tế tuần hoàn cho chất thải rắn ngành Dệt May

Ngày 01/10/2024, Bộ Công Thương Công bố quyết định về việc giao nhiệm vụ: “Xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện Mô hình Kinh tế tuần hoàn cho chất thải rắn ngành Dệt May” thuộc Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021- 2030 của Bộ Công Thương cho Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam.
Hội thảo là một phần của nhiệm vụ với mục tiêu phổ biến và hoàn thiện tài liệu hướng dẫn thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn cho chất thải rắn ngành Dệt May.
Thời gian: 7h30 – 12h00, Thứ Năm, ngày 12/12/2024
Địa điểm: Khách sạn TQT= Số 01 phố Yết Kiêu, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hình thức tham gia hội thảo: Offline/Online
Đường link đăng ký tham gia hội thảo: https://vncpc.org/moit-huong-dan-ktth-12122024/
Thành phần đại biểu tham gia:
Cơ quan quản lý nhà nước (Đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đại diện Sở, Ban ngành các tỉnh/thành phố có liên quan)

Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ngành Dệt May (Lãnh đạo doanh nghiệp; Cán bộ phụ trách về môi trường, chất lượng, sản xuất…)

Giảng viên, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước; các tổ chức nghiên cứu độc lập về môi trường và bền vững
Đại diện các tổ chức trong và ngoài nước triển khai các sáng kiến bền vững, xanh hóa, kinh tế tuần hoàn ngành dệt may (WWF, GIZ, IDH, Aii, UNDP…)

Hiệp hội Dệt May Việt Nam
Đại diện các nhãn hàng thời trang
Xin trân trọng kính mời quý doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức quan tâm đăng ký tham gia!
VNCPC

THƯ MỜI THAM GIA KHẢO SÁT “HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRONG NGÀNH DỆT MAY”

Kính gửi: Quý Doanh nghiệp 

Lời đầu tiên, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) xin gửi đến  Quý Doanh nghiệp lời chào trân trọng nhất.

VNCPC là đơn vị tư vấn thuộc BK Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội) và là thành viên chính thức của mạng lưới toàn cầu về Sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP-net) của UNIDO – UNEP.

Căn cứ Quyết định số 1384 QĐ-VP ngày 01/10/2024 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Xây dựng Tài liệu Hướng dẫn Thực hiện Mô hình Kinh tế tuần hoàn cho Chất thải rắn ngành Dệt May” thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Vụ tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững đã giao cho VNCPC thực hiện nhiệm vụ trên.

Mục tiêu của nhiệm vụ là hỗ trợ các doanh nghiệp Dệt May áp dụng hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Nhằm thu thập số liệu để đánh giá đúng và đầy đủ về hiện trạng chất thải rắn trong ngành Dệt May, trên cơ sở đó xây dựng Tài liệu Hướng dẫn Thực hiện Mô hình Kinh tế tuần hoàn cho Chất thải rắn ngành Dệt May, VNCPC kính mong Quý Doanh nghiệp  tham gia cung cấp thông tin trong: “Khảo sát về hiện trạng quản lý chất thải rắn trong ngành Dệt May” tại đây.

Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác từ Quý Doanh nghiệp trong khảo sát này. Những thông tin và đóng góp của Quý Doanh nghiệp sẽ giúp chúng tôi xây dựng và hoàn thiện tài liệu  hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý chất thải một cách hiệu quả nhất.

Sau khi hoàn thành Tài liệu Hướng dẫn về Mô hình Kinh tế tuần hoàn cho Chất thải rắn ngành Dệt May, chúng tôi trân trọng kính mời Quý Doanh nghiệp tham gia Hội thảo giới thiệu và triển khai tài liệu hướng dẫn. Hội thảo sẽ là dịp để Quý Doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia trong  ngành.

Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm và tham gia của Quý Doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Để biết thêm thông tin xin vui lòng liên hệ:

Cán bộ hỗ trợ: Lê Văn Tùng, email: [email protected], di động: 0971.318.892.

Kinh tế tuần hoàn: Hướng đi giúp DN dệt may tối ưu hóa lợi nhuận

Dệt may là một trong những ngành sản xuất gia công có nhiều thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành dệt may đang sử dụng rất nhiều nguồn lực lao động và tài nguyên… Vì vậy, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp DN dệt may tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận.

Ngành dệt may và mục tiêu xanh hóa

Mới đây, EU, thị trường nhập khẩu trên 4 tỷ USD/năm hàng dệt may Việt Nam, đã đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại 27 nước thành viên. Theo đó, hàng dệt may vào EU phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế được. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm.

Nhằm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước. Đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng đây là hướng đi mới nhưng đòi hỏi cần có sự đầu tư bài bản, nguồn lực lớn. Lãnh đạo Vinatex cho biết sẽ tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới; sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Đối với ngành sợi, sẽ sử dụng ít nhất 20% xơ polyester tái chế, 15% bông organic để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên để phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo…

Tán đồng với quan điểm trên, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết doanh nghiệp cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu, khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại. “Hiện nay, toàn bộ hệ thống nhà máy của May 10 về xuất khẩu đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế và tự phân hủy sau 5 – 10 năm… Đó cũng chính là mục tiêu May 10 đang tập trung triển khai”, ông Việt nhấn mạnh.

H&M – nhà sản xuất hàng may mặc toàn cầu có 31 nhà cung cấp tại Việt Nam cũng cam kết phát triển chuỗi cung ứng trung hòa các-bon cho các nhà máy chế tạo và chế biến thuộc sở hữu của họ hoặc qua ký hợp đồng thầu phụ với các nhà cung cấp vải, chế biến vải, sản xuất sợi, thuộc da vào năm 2030. Nhãn hàng Nike đã công bố các kế hoạch tương tự, có ảnh hưởng đến trên 100 nhà cung cấp của Nike tại Việt Nam…

Ngành dệt may và những lợi ích khi triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS): Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2022 đạt hơn 10,6 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Ngành dệt may đang lấy lại đà tăng trưởng, với kịch bản tích cực nhất, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 42 – 43,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, muốn tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần phải tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA).

Đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam cần phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống với nguyên lý “khai thác, sản xuất và thải bỏ sau tiêu thụ”, đang làm cạn kiệt tài nguyên và tạo ra một lượng lớn chất thải.

Về cơ bản, nền kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng và khép kín chu trình sản xuất nhằm mục đích giảm nguyên liệu và năng lượng đầu vào, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm thiểu phát sinh chất thải và giảm tác động xấu đến môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn nhất quán với các nguyên tắc 3R: Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế.

Như vậy, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, các DN dệt may sẽ có nhiều lợi ích và cơ hội, đó là: Giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo như nước, năng lượng, nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thô; Giảm sự phụ thuộc vào các nước khác, sự phụ thuộc này có thể dẫn tới những căng thẳng về chính trị toàn cầu; Giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và mô hình; Gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, tiết kiệm cho người tiêu dùng; Tạo ra các cơ hội kinh tế; Tạo việc làm mới (trong lĩnh vực đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo).

Mặc dù có nhiều lợi ích và tiềm năng, song theo các chuyên gia việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không phải là một quá trình đơn giản, đặc biệt đối với ngành có chuỗi cung ứng phức tạp và rộng khắp trên thế giới như ngành dệt may.

Theo https://vinatex.com.vn/san-xuat-va-tieu-thu-hang-det-may-trong-nen-kinh-te-tuan-hoan; https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-det-may-xanh-hoa-hay-se-bi-tut-lai-phia-sau.htm