Posts

Turbine điện gió đạt kỷ lục “khủng” về chuyển hóa năng lượng

Một nguyên mẫu turbine gió của Siemens Gamesa đã thiết lập kỷ lục năng lượng là 359 Megawatt giờ (MWh) trong 24 giờ, đủ cung cấp năng lượng hàng ngày cho trung bình 12.414 ngôi nhà ở Mỹ.


SG 14-222 DD dự kiến được triển khai ngoài khơi tại các vùng biển có gió mạnh.

Turbine nói trên có tên gọi Siemens Gamesa SG 14-222 DD – là một trong những turbine gió lớn nhất thế giới, với công suất danh nghĩa là 14 MWh. Công suất này tương tự turbine Haliade-X lớn nhất của GE và chỉ xếp sau turbine Vestas (15 MWh) và nhà vô địch toàn cầu MingYang (16 MWh).

Siemens Gamesa SG 14-222 DD sử dụng 3 cánh quạt khổng lồ dài 108 mét, tạo ra một vòng tròn quét rộng 39.000 mét vuông. Và mặc dù được đánh giá trên danh nghĩa ở công suất 14 MWh, nhưng nó có thể khởi động chức năng “tăng sức mạnh” để có thể sản xuất mức năng lượng lên đến 15 MWh.

Turbine điện gió đạt kỷ lục

Theo Peter Esmann, Giám đốc Sản phẩm cấp cao của Siemens Gamesa, chức năng tăng cường công suất này sẽ theo dõi các điều kiện cụ thể của địa điểm và luôn hoạt động khoảng 98% thời gian. Tính năng chỉ tắt khi có gió bão hoặc nhiễu động quá mức, tại thời điểm đó công suất của turbine giảm trở lại là 14 MWh.

Mặc dù được thiết kế để triển khai ở ngoài biển, nhưng nguyên mẫu này được chế tạo trên đất liền vào cuối năm 2021 tại Østerild, Đan Mạch. Và đó cũng chính là nơi nó mà đạt được kỷ lục sản xuất năng lượng.


Nguyên mẫu được triển khai trên đất liền tại Østerild, Đan Mạch.

Con số được báo cáo chỉ thấp hơn 1 MWh so với lý thuyết tối đa là 360 MWh mà turbine này sẽ thu được nếu nó chạy ở công suất cao nhất trong 24 giờ liên tục. Và để so sánh, công suất 359 MWh mà turbine này tạo ra đủ cung cấp năng lượng hàng ngày cho trung bình 12.414 ngôi nhà ở Mỹ. Trong khi vòng đời sử dụng của mỗi turbine gió này có thể lên tới hàng chục năm nếu được bảo dưỡng tốt.

Theo Siemens Gamesa, mọi thế hệ mới của công nghệ turbine truyền động trực tiếp ngoài khơi của hãng sử dụng ít bộ phận chuyển động hơn turbine giảm tốc – những cải tiến về thành phần đã cho phép hiệu suất cao hơn trong khi vẫn duy trì độ tin cậy. Siemens Gamesa cũng cho biết, turbine này được lên kế hoạch sản xuất hàng loạt vào năm 2024.

Có thể thấy, những chiếc turbine được chế tạo ngày một lớn dần lên, bởi càng lớn chúng dường như càng hoạt động càng tốt và ít dự án lắp đặt tốn kém hơn cần được thực hiện để tạo ra cùng một lượng công suất.

Theo một báo cáo của Renew Economy, việc mở rộng quy mô ngành công nghiệp với những turbine khổng lồ này là lý do chính khiến các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng chi phí điện gió ngoài khơi sẽ giảm từ 37 đến 49% vào năm 2050.

H.T

https://petrotimes.vn/turbine-dien-gio-dat-ky-luc-khung-ve-chuyen-hoa-nang-luong-668511.html

Sẽ tối ưu phát triển năng lượng sạch?

Thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, việc bổ sung điện gió vào Quy hoạch điện VIII sẽ được dựa trên những tính toán hợp lý nhất, kèm theo các điều kiện về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại COP26.

Thực trạng phát triển nóng năng lượng tái tạo (NLTT) trong những năm vừa qua là chưa phù hợp với hạ tầng truyền tải của Việt Nam. Với hàng loạt đề xuất phát triển điện mặt trời, điện gió ngoài khơi tại các địa phương đang đặt ra cho Bộ Công Thương những thách thức lớn trong việc tính toán để NLTT phát triển bền vững, không để ảnh hưởng tiêu cực đến các nguồn điện còn lại.

Sẽ tối ưu phát triển năng lượng sạch?

Các địa phương đang để xuất phát triển 11.000 MW công suất điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Đánh giá về hiện trạng nguồn điện hiện nay, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT – cho biết, công suất năm 2020 đạt khoảng 69,3 GW, hệ thống điện cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tốc độ tăng trưởng bình quân nguồn điện giai đoạn 2011-2020 tương đương 12,9%/năm, so với tốc độ tăng trưởng phụ tải bình quân gần 10%/năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ ra các tồn tại và thách thức đối với việc phát triển nguồn điện trong thời gian qua chưa phù hợp với sự phân bố và phát triển phụ tải. Miền Bắc dự phòng giảm dần do tốc độ tăng trưởng phụ tải ở mức cao tương đương 9%/năm, nhưng tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4,7%/năm, dự phòng giảm xuống 31% năm 2020.

Ở miền Trung và miền Nam, tăng trưởng nguồn điện nhanh hơn nhiều tăng trưởng phụ tải, dự phòng tăng cao 237% tại miền Trung, 87% tại miền Nam. Do đó, dẫn tới tình trạng nghẽn mạch trên lưới truyền tải và cắt giảm công suất nguồn điện gió, điện mặt trời, do thời điểm điện mặt trời phát cao công suất truyền ngược ra phía Bắc gây quá tải liên kết Bắc – Trung.

Dự báo nhu cầu điện trong những năm tới, Cục Điện lực và NLTT thông tin, theo các chỉ tiêu dự báo phụ tải trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đã bám sát và phù hợp với các chỉ tiêu chính của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tốc độ tăng trưởng GDP trong kịch bản trung bình là 6,8% giai đoạn 2021-2025, 6,4% giai đoạn 2026-2030 và giảm dần về 5,5% giai đoạn 2041-2045.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, định hướng phát triển nguồn điện theo quan điểm phát triển sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã có những thay đổi, cụ thể, sẽ được xem xét lại việc phát triển nhiệt điện than; Tập trung phát triển điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi (ĐGNK). Đồng thời, tính toán cân đối nguồn – tải theo vùng miền, hạn chế truyền tải điện đi xa. Đảm bảo dự phòng từng miền ở mức độ hợp lý, đặc biệt là ở miền Bắc.

Theo đó, quy mô công suất phát triển ĐGNK vào năm 2030 là 5.000 MW và năm 2045 là 41.000 MW. Để ĐGNK trở thành một cột trụ quan trọng trong công cuộc chuyển dịch năng lượng quốc gia, việc nhanh chóng phát triển nguồn điện này là hết sức cấp thiết nhằm hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Do đó, việc cần làm hiện nay là xây dựng chính sách phát triển ĐGNK. Xây dựng lộ trình phát triển ĐGNK đến 2045. Đặc biệt, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho ĐGNK.

Được biết, hiện nhiều địa phương trong cả nước đang đề xuất phát triển ĐGNK với Bộ Công Thương và Chính phủ, với tổng công suất lên tới hơn 110.000 MW. Chia sẻ về các tiêu chí lựa chọn dự án, ông Tuấn Anh cho hay, sẽ dựa vào mô hình tính toán cực tiểu, chi phí và kèm theo các ràng buộc như về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam về giảm phát thải.

Cụ thể, tại mỗi vùng miền sẽ đưa ra cơ cấu nguồn điện trong từng giai đoạn. Trên cơ sở tính toán, quy mô có thể sẽ nhỏ hơn so với nhu cầu của một khu vực, nhưng đó là kết quả mô hình tính toán tối ưu mà quy hoạch đưa ra làm cơ sở lựa chọn.

P.V
https://petrotimes.vn/se-toi-uu-phat-trien-nang-luong-sach-637171.html

Bỉ sẽ xây dựng đảo năng lượng đa chức năng ở Biển Bắc

Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van de Straeten ngày 26/4 cho biết một trong những trụ cột chính của chính sách năng lượng của nước này là sản xuất điện gió ngoài khơi.

Trong chính sách năng lượng của kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Bỉ sẽ tập trung sản xuất năng lượng tại Biển Bắc. Theo đó, dự kiến Brussels sẽ xây dựng một hòn đảo năng lượng đa chức năng ở vùng biển này.

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh và truyền hình Cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ (RTBF), Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van de Straeten ngày 26/4 cho biết một trong những trụ cột chính của chính sách năng lượng của nước này là sản xuất điện gió ngoài khơi.

Bỉ dự kiến xây dựng một đảo năng lượng đa chức năng ở Biển Bắc – nơi sẽ kết nối các tuabin gió, đồng thời cho phép lưu trữ và sản xuất hydro xanh. Như vậy, Bỉ sẽ là quốc gia đầu tiên có đảo năng lượng như vậy ở Biển Bắc, trước cả Đan Mạch.

Về đổi mới năng lượng, châu Âu dự định tập trung vào hydro xanh và coi đó như một nhân tố chính trong quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon vào năm 2050.

Một trong những điểm chính của chính sách năng lượng của chính phủ Bỉ là duy trì loại bỏ điện hạt nhân vào năm 2025. Điều này đồng nghĩa với hàng nghìn việc làm bị đe dọa.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tinne Van der Straeten, những việc làm này có thể sử dụng trong các lĩnh vực khác ngoài năng lượng, đặc biệt là y học hạt nhân.

Hiện Bỉ có hai cơ quan nghiên cứu sáng tạo ở Flanders và Wallonia hoạt động với đồng vị phóng xạ. Các dự án sử dụng đồng vị phóng xạ bằng cách tạo ra ít chất thải hơn và với tham vọng chữa khỏi bệnh ung thư.

Để đảm bảo cung cấp năng lượng ở Bỉ mà không có nhà máy điện hạt nhân, Brussels đang xây dựng cơ chế trả công năng lực, nhằm hỗ trợ các “nhà cung cấp năng lực” bằng năng lượng.

Đây là nền tảng để bắt đầu quá trình chuyển đổi năng lượng, vì tương lai hậu năng lượng hạt nhân ban đầu sẽ là các nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Ngoài việc tập trung vào sản xuất năng lượng, Bỉ cũng chú trọng lưu trữ năng lượng.

Kể từ năm 2003, các chính phủ kế tiếp nhau tại Bỉ đã cố gắng thực hiện chính sách chuyển đổi năng lượng nhưng không đạt được nhiều thành công./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/bi-se-xay-dung-dao-nang-luong-da-chuc-nang-o-bien-bac/709054.vnp

Điện gió nổi ngoài khơi có thể là mặt trận lớn nhất của năng lượng gió ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Hãng phân tích Wood Mackenzie cho biết, điện gió nổi ngoài khơi có thể là mặt trận tiếp theo trong phát triển lĩnh vực điện gió ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chi phí vốn (CAPEX) sẽ giảm xuống trung bình 3 triệu USD/MW trong giai đoạn 2025-2030.

Theo Wood Mackenzie, một thị trường quan trọng cho công nghệ nổi ngoài khơi đang hình thành ở châu Á. Các nhà phát triển tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã công bố kế hoạch phát triển các dự án thử nghiệm trọng điểm, mặc dù quy mô triển khai vẫn còn hạn chế so với công nghệ xây dựng nền đáy cố định cho trụ gió. Điện gió nổi ngoài khơi được dự báo chỉ chiếm 6% trong tổng công suất 26 GW công suất gió ngoài khơi mới dự kiến được xây dựng trong thập kỷ này tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc.


Dự án giàn turbin đôi nổi 200MW ngoài khơi Hàn Quốc của Tập đoàn Shell.

Chuyên gia phân tích Robert Liew của Wood Mackenzie cho biết, việc lắp đặt thêm 1,56 GW công suất điện gió nổi ngoài khơi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ cần các khoản đầu tư trị giá ít nhất 8 tỷ USD. Nếu xem xét thêm dự án truyền dẫn trị giá 9 tỷ USD trong giai đoạn lập kế hoạch ban đầu, nhu cầu đầu tư có thể lên tới 58 tỷ USD. Duy trì nguồn cung cấp điện là một thách thức quan trọng đối với các thị trường này khi các nhà máy nhiệt điện lạc hậu sắp hết vòng đời dự án và cơ hội phát triển điện than, điện hạt nhân mới bị hạn chế đáng kể. Ba thị trường Đông Bắc Á phải đối mặt với việc ngừng hoạt động công suất nhiệt điện than và điện hạt nhân lên tới 89 GW trong giai đoạn 2020 – 2030.

Chuyên gia Liew cho biết, chính phủ các nước này đang tích cực tìm kiếm nguồn cung điện từ NLTT để lấp đầy khoảng trống cung cấp, nhưng do hạn chế về đất đai nên các lựa chọn mở rộng NLTT bị hạn chế. Điện gió nổi ngoài khơi đang được chú ý nhiều hơn nhưng chi phí cao vẫn là rào cản lớn đối với việc áp dụng rộng rãi công nghệ này. Để đảm bảo tính bền vững lâu dài của nguồn điện này, chi phí lắp đặt phải giảm đáng kể để ít nhất có thể cạnh tranh được với nguồn cung điện khí.


Thiết bị lắp đặt nổi Lidar cho dự án điện gió Ulsan 1,4GW ngoài khơi Hàn Quốc.

Với những thành quả hạn chế, quy mô điện gió nổi ngoài khơi mới có 21 MW công suất thử nghiệm, cho thấy tính không chắc chắn cao về khả năng giảm chi phí dự án tại các thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Hiện tại, chính phủ Nhật Bản ước tính rằng, chi phí đầu tư hiện tại đối với điện gió nổi ngoài khơi có thể hạ xuống 4 triệu USD/MW so với chi phí đầu tư điện gió trên bờ là 2-3 triệu USD/MW. Trong khi chi phí đầu tư điện gió trên bờ được dự báo sẽ giảm còn 1,5 triệu USD/MW đến năm 2030.

Wood Mackenzie dự báo, chi phí đầu tư trung bình của các nhà máy điện gió nổi ngoài khơi tại ba thị trường tiên phong nêu trên sẽ giảm khoảng 40% xuống còn 2,6-4 triệu USD/MW vào giai đoạn 2025-2030.

Bất chấp thách thức về chi phí, Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đã ban hành các chính sách hỗ trợ lĩnh vực này. Tại Nhật Bản, biểu thuế nhập khẩu áp dụng cho các dự án nổi so với các dự án ngoài khơi có chân đế đang chuyển sang mức giá thông qua đấu giá. Một cuộc đấu giá điện gió nổi quy mô 22 MW ở quần đảo Goto cũng đang thử nghiệm xem liệu giá trúng thầu có thể thấp hơn biểu giá được cấp vào hiện tại hay không. Tại Hàn Quốc, các dự án nổi ngoài khơi có thể được cấp chứng chỉ NLTT với nhiều ưu đãi hơn tùy thuộc vào khoảng cách giữa các cơ sở kết nối.

Chuyên gia Liew cho rằng, với đủ sự hỗ trợ của chính phủ, các nhà phát triển sẽ sẵn sàng đánh cược lớn hơn vào năng lượng gió nổi. Việc xây dựng một hệ thống các dự án nổi chắc chắn sẽ giúp lĩnh vực này có tầm nhìn xa hơn, do đó sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa. Những sự hỗ trợ của chính phủ là tầm nhìn dài hạn nhằm thiết lập một chuỗi cung ứng gió nổi ngoài khơi trong nước sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương. Điện gió nổi ngoài khơi đòi hỏi nhiều tàu lắp đặt tuabin hơn so với các dự án gió ngoài khơi có chân đế. Điều này sẽ thu hút sự quan tâm của các quốc gia có thế mạnh về ngành hàng hải hay giao thông thủy nội địa. Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc mong muốn thiết lập một trung tâm chuỗi cung cứng nổi ở nước ngoài cho khu vực và xuất khẩu tiềm năng trong tương lai sang các thị trường khác. Điều này cũng có thể góp phần đáng kể vào việc giảm chi phí.

Điện gió nổi ngoài khơi có lẽ sẽ là mặt trận lớn nhất cho năng lượng gió ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong dài hạn. Lĩnh vực này có tương lai triển vọng vì hầu hết các thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương đều có bờ biển dài và nguồn năng lượng gió ngoài khơi gần các thành phố ven biển có thể được khai thác, thậm chí ở cả những khu vực có tốc độ gió thấp. Mặc dù quy mô vẫn còn hạn chế, năng lượng gió nổi ngoài khơi có tiềm năng cung cấp điện gần như vô tận.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dien-gio-noi-ngoai-khoi-co-the-la-mat-tran-lon-nhat-cua-nang-luong-gio-o-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-601503.html

Hàn Quốc xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới

Các nhà chức trách Hàn Quốc đã ký hợp đồng trị giá 36 tỷ euro nhằm xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. 

Nghèo nàn về các nguồn năng lượng truyền thống, Hàn Quốc tích cực hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Hiện nay, Hàn Quốc đang sử dụng nhiệt điện từ than nhập khẩu, chiếm tỷ trọng 40%.

Ngoài mục tiêu trung hòa carbon, Tổng thống Moon Jae-in có dự định loại bỏ dần điện hạt nhân, khai thác chủ yếu năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện.

Ông Moon Jae-in đã giám sát việc ký kết hợp đồng trị giá 48 nghìn tỷ won (36 tỷ euro) để xây dựng một trang trại điện gió khổng lồ ngoài khơi bờ biển Sinan phía Tây Nam Hàn Quốc. Theo ông Moon, trang trại điện gió sẽ có công suất tối đa là 8,2GW, với kích thước rộng gấp 7 lần trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất hiện nay.

Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh vị trí địa lý độc đáo của bán đảo Triều Tiên. Ông khẳng định: “Hàn Quốc có tiềm năng vô tận về năng lượng gió ngoài khơi và công nghệ tốt nhất thế giới trong lĩnh vực này”.

Có 33 tổ chức khác nhau tham gia vào thỏa thuận này, bao gồm chính quyền địa phương, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc Kepco, các công ty tư nhân lớn như Công ty xây dựng và công nghiệp nặng Doosan hay công ty SK E&S. Theo Ông Moon Jae-in, dự án cần hơn 5 năm chuẩn bị trước khi bắt đầu xây dựng, tuy nhiên chính phủ cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ.

Năm ngoái, Seoul đặt mục tiêu lọt vào top 5 quốc gia sản xuất năng lượng gió hàng đầu thế giới vào năm 2030. Hàn Quốc có 24 nhà máy điện hạt nhân với mật độ cao nhất thế giới. Quốc gia này đặt mục tiêu giảm còn 17 nhà máy vào năm 2034, cũng như một nửa sản lượng điện hạt nhân.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/han-quoc-xay-dung-trang-trai-dien-gio-ngoai-khoi-lon-nhat-the-gioi-600050.html

Việt Nam có nên gia hạn biểu giá điện gió?

Hiệp hội Điện gió toàn cầu vừa gửi đề xuất tới Chính phủ – Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị gia hạn biểu giá điện gió.

Liên minh của ngành công nghiệp điện gió thế giới đứng đầu là Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) đã chính thức đề nghị Chính phủ Việt Nam khẩn trương gia hạn Biểu giá FiT áp dụng cho điện gió.


Điện gió ngoài khơi là tiềm năng lớn phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam.

Theo đó, GWEC phân tích ngành điện gió của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng giảm đà đầu tư trong năm 2020 do sự không chắc chắn xung quanh khuôn khổ đầu tư, trong đó sự chậm trễ gia hạn biểu giá FiT sẽ cản trở sự phát triển của chuỗi cung ứng và gây trở ngại cho việc giảm chi phí tại thị trường điện gió mới hình thành này. Và kết quả là sẽ đẩy lùi mục tiêu của Việt Nam về một tương lai có được nguồn điện sạch, đáng tin cậy và giá cả phải chăng.

Việt Nam là thị trường điện gió phát triển nhanh nhất trong khu vực, với công suất khoảng 500 MW trên bờ và ngoài khơi đang được lắp đặt và ít nhất 4 GW dự kiến sẽ được đưa vào vận hành vào năm 2025. Tuy nhiên, sự quan tâm của các nhà đầu tư đến phát triển dự án điện gió ở Việt Nam đã chậm lại đáng kể trong năm 2020, vì các dự án điện gió trên bờ thường yêu cầu 2 năm để phát triển trong khi đó biểu giá điện FiT hiện tại chỉ áp dụng cho các dự án hoàn thành trước tháng 11/2021.

Do chưa có sự rõ ràng về kế hoạch giá FiT từ năm 2022 trở đi nên các nhà đầu tư phải đối mặt với quá nhiều bất trắc khi cam kết đầu tư cho các dự án điện gió mới, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưới điện trong tương lai và dẫn tới cắt giảm việc làm.

Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC nhận định: “Việt Nam đã được công nhận rộng rãi là quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng sạch ở Đông Nam Á và thu hút cam kết đầu tư từ một số doanh nghiệp đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam cần tránh làm chậm lại các khoản đầu tư thực sự cần thiết cho ngành này bằng cách gia hạn thời gian áp dụng biểu giá FiT, từ đó đảm bảo các khoản đầu tư dài hạn được thực hiện, tạo ra hàng chục nghìn việc làm có tay nghề cao và cung cấp năng lượng sạch, cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam”.

Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã công nhận tiềm năng to lớn của năng lượng gió trong việc sản xuất điện sạch và tăng trưởng xanh. Vào tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung thêm gần 7 GW từ các dự án điện gió mới vào quy hoạch tổng thể ngành điện của Việt Nam điều chỉnh (PDP 7 Điều chỉnh). Tuy nhiên, thực tế là phần lớn trong số gần 7 GW này có thể không đạt được do không chắc chắn về việc gia hạn biểu giá FiT.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC cho rằng: “Việt Nam đang trên đà đạt được lợi thế về quy mô và giảm chi phí trong ngành điện gió và đà này cần được duy trì nếu muốn tránh chu kỳ phát triển bùng nổ và suy thoái. Do quy định về khuôn khổ thời gian thực hiện dự án nên chậm trễ trong gia hạn biểu giá FIT dẫn tới nguy cơ xảy ra giai đoạn “suy thoái” của ngành, khi đó rất ít dự án được kết nối với lưới điện trong giai đoạn 2022-2023. Về lâu dài, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới nỗ lực giảm chi phí nhờ phát triển chuỗi cung ứng nhất quán, quy mô lớn và kết quả là Việt Nam sẽ có ít năng lượng tái tạo hơn với giá thành cao hơn”.


Giá điện có ảnh hưởng đến toàn dân nên cần xem xét cẩn trọng đến mọi yếu tố.

Thực tế, có ít nhất 1,65 GW từ các dự án điện gió được dự báo sẽ được lắp đặt trước khi giá FiT hiện tại hết hạn vào tháng 11/2021. Năng lượng gió là nguồn năng lượng sạch, sẵn có, đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng. Hơn nữa, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang phát triển này có thể tạo ra hàng tỷ đô la vốn đầu tư và hàng trăm nghìn việc làm trong dài hạn.

Liên minh Công nghiệp điện gió thế giới cho rằng Chính phủ Việt Nam đang xem xét việc gia hạn giá FiT hiện hành và đưa ra một biểu giá FiT mới phù hợp để giải quyết tình trạng khó khăn, sự quan tâm của các nhà đầu tư bị trì hoãn trong năm 2020 cộng thêm với sự gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Do tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng điện gió toàn cầu và tỷ lệ CAPEX (chi phí vốn) kém thuận lợi tại các khu vực dành cho các dự án điện gió mới, đặc biệt là xung quanh Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó bài toán về đầu tư cho các dự án điện gió ở Việt Nam sẽ chịu thách thức đáng kể nếu không có một kế hoạch về biểu giá FiT minh bạch và thỏa đáng được công bố trong thời gian sớm nhất.

Cho đến nay, thị trường điện gió ở Việt Nam đã được hưởng lợi từ dòng vốn trong nước và nước ngoài ngày càng lớn. 4 GW dự kiến được lắp đặt vào năm 2025 có thể mang lại tới 65.000 việc làm và khoảng 4 tỷ USD vốn đầu tư. Để hiện thực hóa tiềm năng này, Chính phủ – Bộ Công Thương cần hành động ngay để gia hạn thời gian áp dụng giá FiT cho điện gió, tránh tình trạng chậm trễ kéo dài trong đầu tư và lắp đặt năng lượng sạch trong những năm tới. Nhưng ngược lại cũng cần phải tính toán lộ trình giá điện thương phẩm tương ứng trong vòng 5 năm tới để tránh những ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế vĩ mô cũng như sinh hoạt của người dân.

Ngành công nghiệp điện gió dự kiến sẽ mang lại 65.000 việc làm và khoảng 4 tỷ đô la Mỹ đầu tư vào Việt Nam từ nay tới năm 2025, nhờ đó giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và cải thiện nền kinh tế năng lượng.

Tùng Dương
https://petrotimes.vn/viet-nam-co-nen-gia-han-bieu-gia-dien-gio-579075.html