Posts

Điện gió sẽ dẫn đầu ngành năng lượng toàn cầu

Dự kiến năm 2020 công nghiệp điện gió ngoài khơi thế giới sẽ đạt mức tăng công suất hơn 6 GW, bất chấp tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19. Công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 sẽ vượt 234 GW, dẫn đầu là các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngày 5/8, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) công bố báo cáo về điện gió ngoài khơi toàn cầu cho thấy công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ tăng vọt từ 29.1 GW vào cuối năm 2019 lên đến mức hơn 234 GW vào năm 2030, nhờ sức tăng trưởng theo cấp số nhân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đà phát triển mạnh vẫn được duy trì ở châu Âu.

Hôm nay GWEC phát hành số thứ hai bản Báo cáo Điện gió ngoài khơi toàn cầu. Tài liệu cung cấp bức tranh toàn diện về ngành điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới, với dữ liệu và phân tích mới nhất về tăng trưởng thị trường, cùng dự báo ngành đến năm 2030 và những đánh giá dựa trên dữ liệu về các thị trường mới nổi. Báo cáo cũng bao gồm các bài học kinh nghiệm về các chương trình hỗ trợ, phát triển ngành và tạo việc làm, kết nối lưới điện, giảm chi phí và chuỗi cung ứng, cũng như đảm bảo sức khỏe và an toàn để thúc đẩy tăng trưởng thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu.

Báo cáo chỉ ra năm 2019 là năm phát triển mạnh mẽ nhất ngành điện gió ngoài khơi từng ghi nhận, với mức tăng 6,1 GW công suất mới trên toàn thế giới, nâng tổng lắp đặt tích lũy toàn cầu lên 29,1 GW. Trung Quốc hai năm liên tiếp đứng ở vị trí số một về công suất lắp đặt mới, đạt công suất lắp đặt kỷ lục 2,4 GW, theo sau là Vương quốc Anh ở mức 1,8 GW và Đức ở mức 1,1 GW. Trong khi châu Âu tiếp tục là khu vực đi đầu về điện gió ngoài khơi, các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, như Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với thị trường Mỹ cũng đang nhanh chóng tăng tốc và sẽ là khu vực tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tới.

Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng mới của công nghiệp điện gió ngoài khơi.

GWEC Market Intelligence dự báo đến năm 2030, hơn 205 GW công suất điện gió ngoài khơi mới sẽ được bổ sung trên toàn cầu, trong đó sẽ có ít nhất 6,2 GW điện gió nổi ngoài khơi. Con số này cao hơn 15 GW so với mức triển vọng mà GWEC Market Intelligence dự báo thời kỳ tiền Covid, chứng minh khả năng phục hồi có thể giúp ngành này đóng vai trò làm động lực chính cho cả công cuộc phục hồi xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC đánh giá: “Điện gió ngoài khơi đang thực sự mở rộng trên toàn cầu, đó là nhờ chính phủ các nước trên thế giới nhận ra vai trò của công nghệ trong việc khởi động phục hồi kinh tế hậu Covid thông qua đầu tư quy mô lớn, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế cho các cộng đồng ven biển. Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ thấy các thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam được triển khai một cách toàn diện, đồng thời sẽ chứng kiến các turbine ngoài khơi đầu tiên được lắp đặt tại một số quốc gia khác ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi.

Báo cáo cho thấy khu vực điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra 900.000 việc làm trong thập kỷ tới – và con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên nếu các nhà hoạch định chính sách đưa ra các chiến lược phục hồi giúp đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng của ngành. Hơn nữa, 1 GW năng lượng gió ngoài khơi đồng nghĩa chúng ta tránh được 3,5 triệu tấn CO2 – cho thấy đây là công nghệ quy mô lớn có hiệu quả nhất hiện có giúp tránh phát thải khí carbon và thay thế nhiên liệu hóa thạch tại nhiều nơi trên thế giới”.

Thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu mỗi năm tăng trưởng trung bình 24% kể từ năm 2013. Châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất cho điện gió ngoài khơi tính đến cuối năm 2019, chiếm 75% tổng công suất lắp đặt toàn cầu. Châu lục này sẽ tiếp tục dẫn đầu về điện gió ngoài khơi, với mục tiêu đầy tham vọng 450 GW vào năm 2050, đến từ các dự án lắp đặt mới tại Anh, Hà Lan, Pháp, Đức, Đan Mạch và Ba Lan, với một số thị trường EU khác cũng đạt sản lượng hai chữ số.

Bắc Mỹ hiện chỉ có 30 MW công suất điện gió ngoài khơi đang hoạt động vào cuối năm 2019, nhưng khu vực này sẽ tăng tốc triển khai trong những năm tới, với 23 GW dự báo sẽ được lắp đặt vào năm 2030. Phần lớn của mức tăng trưởng này sẽ đến từ Hoa Kỳ nơi ngành công nghiệp này vừa chớm nở, và chúng ta có thể hy vọng được chứng kiến các dự án quy mô lớn sẽ hoà lưới vào năm 2024 tại quốc gia này.

Báo cáo nhấn mạnh ngành công nghiệp này phát triển sôi động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhờ các quốc gia nâng tham vọng, dẫn đầu là Trung Quốc, với 52 GW công suất điện gió ngoài khơi mới dự kiến ​​sẽ được lắp đặt vào năm 2030. Đài Loan sẽ trở thành thị trường điện gió ngoài khơi lớn thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc đại lục, với mục tiêu 5,5 GW vào năm 2025 và thêm 10 GW vào năm 2035. Các thị trường khác trong khu vực cũng bắt đầu mở rộng quy mô, với Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ lắp đặt lần lượt là 5,2 GW, 7,2 GW và 12 GW công suất điện gió ngoài khơi.

Thành Công
https://petrotimes.vn/dien-gio-se-dan-dau-nganh-nang-luong-toan-cau-575523.html

Bùng nổ đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu

Theo báo cáo của Bloomberg NEF, trong nửa đầu năm 2020, tổng đầu tư toàn cầu cho phát triển năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) đạt 132,4 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi tăng kỷ lục 319% lên 35 tỷ USD. Ngược lại, đầu tư vào lĩnh vực điện gió trên đất liền giảm 21% xuống còn 37,5 tỷ USD; đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời giảm 12%, xuống còn 54,7 tỷ USD. Một số lĩnh vực khác như: đầu tư cho năng lượng sinh khối và năng lượng rác giảm 34% xuống còn 3,7 tỷ USD; đầu tư vào năng lượng địa nhiệt tăng 594% lên 676 triệu USD.

Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, Trung Quốc chiếm vị trí số 1 với 41,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Báo cáo cũng cho biết, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo trong nửa đầu năm nay. Nhiều dự án bị hoãn, hủy huy động tài chính và chương trình đấu thầu. Tuy nhiên, lĩnh vực điện gió ngoài khơi chứng kiến hoạt động đầu tư bùng nổ, chủ yếu do triển vọng phát triển các nhà máy điện gió ngoài khơi quy mô lớn và những thành tựu công nghệ phát triển tuabin gió thời gian gần đây.

Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch đầu tư 94,6 tỷ USD cho các dự án “xanh” giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tạo thêm 1,9 triệu việc làm mới cho nền kinh tế đến năm 2025. Mục tiêu của kế hoạch là đưa nền kinh tế nước này giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, bao gồm: sản xuất ô tô điện và ô tô hydro, hệ thống lưới điện thông minh. Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt 1,13 triệu xe điện và 200.000 xe hydro vào năm 2025 và mở rộng hệ thống trạm sạc điện và hydro trên toàn quốc.

Chính phủ Kuwait thông báo hủy kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời Al-Dabdaba – dự án sẽ cung cấp 15% nhu cầu năng lượng điện của ngành công nghiệp dầu mỏ Kuwait. Nguyên nhân hủy bỏ kế hoạch là do sự lây lan đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và dầu mỏ toàn cầu nói chung và nền kinh tế Kuwait nói riêng. Theo kế hoạch, dự án được Công ty Dầu khí Quốc gia Kuwait (KNPC) triển khai và sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 2/2021. Chính phủ nước này cho biết, quyết định trên sẽ hỗ trợ KNPC tập trung vào các hoạt động ưu tiên và duy trì vị thế trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Kuwait có kế hoạch tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn năng lượng lên 15% vào năm 2030.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ John Biden tuyên bố sẽ chuyển đổi ngành năng lượng Mỹ sang năng lượng tái tạo vào năm 2035 nếu trúng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 sắp tới. Theo ông Biden, Mỹ sẽ thu hút được khoảng 2.000 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, ông Biden cũng ủng hộ kế hoạch của lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer về khuyến khích người dân Mỹ chuyển đổi xe ô tô chạy xăng, dầu sang động cơ hybrid, chạy điện hoặc nhiên liệu hydro. Hiện tại, chính quyền Mỹ của Tổng thống Trump cam kết mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

China Daily cho biết, Trung Quốc sẽ đưa vào vận hành từ 6-8 lò phản ứng hạt nhân mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022 và sẽ tăng công suất điện hạt nhân lên 70 GW. Theo Ủy ban Năng lượng Trung Quốc, tính đến tháng 5/2020, tổng công suất điện hạt nhân của nước này hiện đạt 48,8 GW, chiếm 2,5% tổng công suất phát điện. Công suất điện hạt nhân Trung Quốc được dự báo tăng lên 52 GW (51 tổ máy phát điện) vào cuối năm 2020. Theo Trung tâm phát triển năng lượng hạt nhân Trung Quốc, tổng công suất phát điện hạt nhân nước này sẽ tăng lên 130 GW vào năm 2030, 170 GW vào năm 2035 và 340 GW vào năm 2050. Phát triển năng lượng hạt nhân tại Trung Quốc đã bị đóng băng, nhất là triển khai các dự án lớn do lệnh cấm 4 năm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới sau thảm họa hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011.

Viễn Đông
https://petrotimes.vn/bung-no-dau-tu-nang-luong-tai-tao-toan-cau-574305.html

Điện gió ngoài khơi – Năng lượng tương lai

Phần lớn công nghệ để thế giới đạt mục tiêu trung hòa carbon đều có triển vọng khá xa vời. Công nghệ sản xuất hydro “xanh”, công nghệ thu gom và lưu trữ carbon đều cần những khoản đầu tư nghiên cứu phát triển lớn và trợ cấp nhà nước trước khi các công nghệ này có thể đóng góp và các nguồn năng lượng toàn cầu.

Trong khi đó, năng lượng gió ngoài khơi đang sẵn sàng hơn cho thị trường tiêu thụ điện sạch và chuẩn bị “cất cánh”. Chuyên gia nghiên cứu năng lượng gió ngoài khơi Soren Larsen và đội ngũ của mình tại Wood Mackenzie đã xác định 5 lý do vì sao phát triển điện gió ngoài khơi trở thành trung tâm trong kế hoạch của các công ty năng lượng.

Thứ nhất là tốc độ cải tiến công nghệ theo cấp số nhân trong lĩnh vực điện gió. Kích thước các trạm điện gió ngày càng lớn hơn, chi phí lắp đặt trung bình cho mỗi MW điện gió và cho sản xuất điện 1 MWh giảm dần. Công suất trung bình của tuabin gió đã tăng gấp đôi lên 8 MW trong vòng 5 năm và tiếp tục đạt những kỷ lục mới khi xuất hiện các tua bin công suất lên tới 14 – 15 MW.

Trong khi hiệu suất sản sinh điện đối với điện gió trên bờ đạt trung bình trên 30% ở nhiều khu vực thì điện gió ngoài khơi đạt hiệu suất trung bình 41%, thậm chí có nhiều dự án đạt hiệu suất tới 50%. Phạm vi phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đã được mở rộng đến các vùng nước sâu để bắt tốc độ gió lớn hơn. Chân đế của trạm điện gió đã đạt tới độ sâu 50 m nước trong khi công nghệ xây dựng các trạm điện gió nổi đang mở ra những cơ hội mới cho phát triển điện gió ngoài khơi ở các vùng nước rất sâu.

Thứ hai là chính sách hỗ trợ. Chính phủ các nước châu u đã bắt đầu định hướng phát triển điện gió là một phần quan trọng trong mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính từ hơn một thập kỷ nay. Anh, Đức, Đan Mạch là các quốc gia dẫn đầu, trong khi Trung Quốc cũng nhanh chóng đón đầu xu thế này.

Điện năng được tính theo giá feed (Feed-in Tariffs) đảm bảo cho các nhà phát triển mức giá cố định trong vòng 20 năm. Với chi phí sản xuất giảm và sự quan tâm đầu tư ngày càng tăng, các điều khoản hỗ trợ đang thay đổi theo hướng thị trường hơn. Các quy trình đấu thầu điện gió được thực hiện nhanh hơn với giá thành cạnh tranh hơn giúp giảm dần các khoản trợ cấp đối với loại hình này. Theo Wood Mackenzie, một số dự án điện gió ngoài khơi có thể hòa trong vòng 5 năm tại một số thị trường mà không cần trợ cấp.

Thứ ba, điện gió ngoài khơi có tiềm năng tăng trưởng không giới hạn. Điện gió ngoài khơi có thể hoạt động ở bất cứ nơi nào có nguồn tài nguyên gió đủ cho thị trường tiêu thụ. Hiện nay, đã có 28 GW điện gió ngoài khơi được lắp đặt (bằng khoảng 1/3 tổng công suất phát điện quy đổi tại Vương quốc Anh) và trải rộng ở nhiều quốc gia từ bờ Biển Bắc đến Trung Quốc. Mỹ, Ba Lan, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã cam kết phát triển điện gió ngoài khơi.

Liên doanh OREAC giữa các tập đoàn năng lượng Orsted và Equinor dự kiến đạt công suất thiết kế 1.400 GW vào năm 2050 (bằng tổng công suất phát điện của Mỹ), đủ để cung cấp 10% nhu cầu điện toàn cầu. Wood Mackenzie dự báo, công suất điện gió ngoài khơi sẽ tăng 8 lần lên 219 GW vào năm 2035.

Để tăng trưởng bền vững, lĩnh vực này đòi hỏi đầu tư vốn lớn. Nhóm tác giả kỳ vọng tổng mức đầu tư cho lĩnh vực này sẽ tăng từ 20 tỷ USD (2020) lên 60 tỷ USD (2025) và duy trì đà tăng. Mục tiêu này là rất khả thi khi hơn 80% công suất lắp đặt mới đã được các chính phủ phê duyệt hỗ trợ đến năm 2024. Điều đó tương phản với lĩnh vực thượng nguồn của ngành công nghiệp dầu khí, nơi mà chi tiêu và đầu tư giảm trong điều kiện giá dầu thấp hiện nay. Đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi chỉ chiếm 10% trong lĩnh vực thượng nguồn ngoài khơi hiện nay, song có thể chiếm tỷ trọng cao hơn vào cuối thập kỷ tới.

Thứ tư là yếu tố kinh tế. Lợi nhuận trong lĩnh vực năng lượng tại châu Âu có thể tăng đáng kể bằng các công cụ tài chính. Tuy mức lợi nhuận khiêm tốn nhưng ưu điểm lớn mà các dự án điện gió ngoài khơi mang lại là dòng tiền ổn định, lâu dài. Tài chính dự án hiệu quả và quản lý danh mục đầu tư chủ động có thể giúp các chủ đầu tư tăng đáng kể lợi nhuận.

Thứ năm là nguồn vốn dồi dào. Thị trường vốn cho lĩnh vực này vốn bị chi phối bởi những người chơi tiên phong như Orsted đang thay đổi khi có sự tham gia của các nhà đầu tư mới, bao gồm cả các nhà đầu tư tài chính an toàn. Các công ty dầu khí hàng đầu thế giới cũng đang tăng đầu tư vào lĩnh vực này. Lĩnh vực điện gió ngoài khơi đang thu hút đầu tư dài hạn ngày càng tăng trong xu hướng toàn cầu về sản xuất phát thải carbon thấp hoặc không phát thải carbon. Bên cạnh dòng vốn, các công ty dầu khí hàng đầu cũng mang đến kỹ năng quản trị dự án và sự tích hợp năng lượng tái tạo với năng lượng từ khí thiên nhiên và thương mại năng lượng toàn cầu.

Các tập đoàn dầu khí như Equinor, Total và Shell đã tiên phong trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi kéo theo những người chơi khác trên thị trường.

Phạm TT/Theo: Wood Mackenzie
https://petrotimes.vn/dien-gio-ngoai-khoi-nang-luong-tuong-lai-573447.html