Posts

Than sinh học vẫn thiếu cơ chế chính sách để “xanh hóa” ngành nông nghiệp

Với nguồn nguyên liệu sản xuất đa dạng và dồi dào, than sinh học có ứng dụng rất lớn trong ngành nông nghiệp, cũng như giúp hấp thụ CO2 trong khí quyển góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, song vẫn còn thiếu cơ chế chính sách để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm này.

Ngày 18/3/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PT NT) đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức “Hội thảo Tham vấn báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 30 đại biểu đến từ các đại diện của các Bộ ngành, đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các hiệp hội và các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước.

 Hội thảo Tham vấn báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, đã thu hút sự tham gia của gần 30 đại biểu.

Than sinh học: Nguyên liệu rẻ – lợi ích to

Tại hội thảo, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Than sinh học là sản phẩm thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích kinh tế cao khi sử dụng và được ví như “vàng đen” trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt, than sinh học còn có khả năng hấp thụ khoảng 50% CO2 trong khí quyển góp phần giảm đáng kể khí phát thải khí nhà kính nói chung và trong nông nghiệp nói riêng.

Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT)

Về nguyên liệu sản xuất than sinh học tại Việt Nam hiện rất phong phú và đa dạng, hầu hết các phụ phẩm từ nông nghiệp như vỏ lạc, bã mía, vỏ trấu, vỏ dừa, vỏ ca cao, vỏ sầu riêng… cho đến các phế phẩm khai thác rừng đều có thể sử dụng. Trong khi, trước đây các nguyên liệu này thường bị đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng với giá trị rất thấp.

Việc đưa các nguyên liệu này vào sản xuất than sinh học không chỉ quyết được vấn đề về môi trường, mà còn giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn. Quan trọng hơn, than sinh học còn là nguồn phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất và nâng cao năng suất cây trồng bền vững có thể thay thế cho phân bón hóa học.

Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam cũng cho biết: Trong năm 2022, UNIDO đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, VNCPC tổ chức 02 hội thảo giới thiệu về than sinh học và những lợi ích của than sinh học trong việc bảo vệ tài nguyên đất đai, môi trường sống và sức khỏe của con người, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Vẫn còn những rào cản

Theo đánh giá chung của các đại biểu: Lợi ích của than sinh học ngày càng được nhiều người biết đến và nhận được sự quan tâm của các bên liên quan, từ nghiên cứu, sản xuất, thương mại và ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên hiện vẫn thiếu  những quy định về tiêu chuẩn hóa và kiểm soát chất lượng sản phẩm than sinh học, thiếu sự hợp tác cũng như tương tác giữa các bên liên quan và công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học chưa được công nhận như một công nghệ xanh… để sản phẩm được ứng dụng rộng rãi hơn trong đời sống.

Đại diện Tổ chức UNIDO mong muốn rằng với những kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia, sẽ cung cấp các thông tin hữu ích, cập nhật về lĩnh vực than sinh học tại Việt Nam không chỉ về kỹ thuật và còn ở khía cạnh chính sách. Trên cơ sở này, đơn vị tổ chức sẽ cùng tiếp thu và đưa ra các ý kiến góp ý, tham vấn cho “Báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam”.

Bà Đỗ Thị Dịu – Cán bộ VNCPC chia sẻ thông tin về dự án và công nghệ nhiệt phân.

Tạo hội thảo các đại biểu cũng đã đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu thêm về ứng dụng của than sinh học, đóng góp thêm thông tin về chính sách, đưa ra các ý kiến đóng góp và đề xuất bổ sung thêm các nghiên cứu cung cấp thêm thông tin phục vụ xây dựng quy định về tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cho than sinh học. Các bộ ngành và cơ quan xúc tiến thương mại cũng rất quan tâm và đề xuất phát triển các mô hình thí điểm sử dụng công nghệ nhiệt phân tạo ra than sinh học hướng tới các doanh nghiệp nông nghiệp và các hợp tác xã.

Thông qua cuộc họp này Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành, tổ chức UNIDO và các đối tác sẽ phối hợp xây dựng mạng lưới than sinh học gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất/kinh doanh, các đơn vị xúc tiến thương mại/tổ chức chứng nhận, người sử dụng… với mục tiêu nâng cao sự tương tác giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường than sinh học, hướng tới xây dựng nên một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.

Cũng trong hội thảo này, website biocharvietnam.org là kho thông thông tin trực tuyến về than sinh học tại Việt Nam chính thức được giới thiệu. Trang web được thành lập dưới sự tài trợ tài chính từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) thông qua UNIDO để chia sẻ và phổ biến kiến thức, bài học kinh nghiệm và các sáng kiến trong các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và thương mại than sinh học trên cả nước.

Ông Lê Viết Hiền – Đại diện đơn vị nhận chuyển giao Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị duy nhất đã nhận chuyển giao công nghệ từ Thuỵ Sỹ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ thí điểm cho mô hình HTX. Với sự tài trợ của SECO và hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO, công nghệ này có tiềm năng chuyển đổi nhiều loại chất thải nông nghiệp thành năng lượng nhiệt và than sinh học, làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho nông dân và nhà chế biến nông sản, cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về khí thải.

VNCPC

Mỹ đang mất phương hướng và tụt hậu trong phát triển năng lượng tái tạo?

Vào cuối tháng 9/2020, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ giảm mức tối đa lượng khí thải vào năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060.

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ phải mở rộng thị trường nội địa cho các công nghệ năng lượng sạch, trong đó nhiều công nghệ được Trung Quốc tự sản xuất. Trung Quốc cũng hy vọng sẽ thúc đẩy các quốc gia khác tích cực hơn trong việc giảm phát thải, kêu gọi tham gia “Green Revolution”. Chính những quốc gia này cũng có thể là thị trường tốt cho công nghệ Trung Quốc. Nhờ những sáng kiến này, Trung Quốc hiện đang giành chiến thắng trong cuộc đua toàn cầu nhằm phát minh và sản xuất các công nghệ cho một thế giới low-carbon mới.

Với lĩnh vực công nghệ cao phát triển mạnh mẽ và lượng đầu tư tư nhân dồi dào, Mỹ có vị thế tốt để cạnh tranh, nhưng lại có nguy cơ tụt hậu. Hiện tại, Mỹ vẫn đang dựa vào sự bùng nổ năng lượng trên cơ sở cách mạng dầu đá phiến và dựa trên cách tiếp cận truyền thống để đổi mới năng lượng.

Hệ thống năng lượng của thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Thập kỷ qua đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời để sản xuất điện. Một số mốc quan trọng của quá trình chuyển đổi này đã được biết đến như vào năm 2019, mức tiêu thụ từ các nguồn năng lượng tái tạo đã vượt qua việc sử dụng than ở Hoa Kỳ lần đầu tiên sau hơn 130 năm.


Biểu đồ 1: So sánh tiêu dùng nhiên liệu than và năng lượng tái tạo của Mỹ từ năm 1776 – 2019.

Ở Anh và Tây Ban Nha, nhiệt điện than gần như bị loại bỏ, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo đã vượt mức tiêu thụ điện năng của Đức. Tuy quá trình chuyển đổi này vẫn chưa diễn ra ở khắp mọi nơi, nhưng nó đang diễn ra nhanh chóng và ngày càng lan rộng. Mặc dù vậy, so với những thách thức to lớn của việc đối phó với biến đổi khí hậu thì quá trình chuyển đổi này diễn ra khá chậm chạp.

Trung Quốc đã nổi lên là nhà cung cấp hàng đầu của quá trình chuyển đổi này. Vào năm 2018, các công ty Trung Quốc chiếm hơn 1/3 thị phần sản xuất tuabin gió trên thế giới. Năm 2019, Trung Quốc đã xây dựng hơn 70% công suất quang điện mặt trời trên thế giới. Trong lĩnh vực xe điện, ảnh hưởng của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn với sở hữu 3/4 năng lực sản xuất tế bào pin lithium ion trên thế giới và thậm chí còn kiểm soát chuỗi cung ứng trước khi lắp ráp cuối cùng. Trong số 3 công nghệ năng lượng xanh lớn đang phát triển trên khắp thế giới, 2 công nghệ phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc.

Châu Âu cũng đang chú ý đến thị trường đang phát triển này. Các nước châu Âu phụ thuộc vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió nhiều hơn hết các nước khác trên thế giới và các nhà sản xuất châu Âu nổi bật về năng lượng gió. Liên minh châu Âu đã công bố Chiến lược pin nhằm tạo ra một chuỗi giá trị sản xuất cạnh tranh ở châu Âu cho các công nghệ pin bền vững, và Europe’s Green Deal rõ ràng không chỉ là một chiến lược môi trường mà còn là một chiến lược công nghiệp. Ngoài việc khử carbon trong hệ thống năng lượng của lục địa, Green Deal hướng tới việc phát triển các ngành công nghiệp cần thiết. Để làm như vậy, cần đặc biệt tập trung vào hydro, một trong những mục tiêu lớn của EU và là lĩnh vực kỳ vọng sẽ được EU dẫn đầu.


Biểu đồ 2: Điện gió và điện mặt trời của các nước trên thế giới năm 2019.

Trung Quốc trong bối cảnh này đương nhiên sẽ trở thành đối tác được lựa chọn của bất kỳ quốc gia nào muốn giảm phát thải khí nhà kính. Bên đặt hàng sẽ không quan tâm nhiều đến việc nguyên liệu có nguồn gốc như thế nào hoặc liệu việc khai thác chúng có ảnh hưởng thế nào đến hệ thống chính trị. Trung Quốc cũng sẽ có thể kiểm soát các chuỗi cung ứng và can thiệp vào chuỗi cung ứng khi thuận tiện về mặt chính trị. Mỹ có thể sẽ phải đứng ngoài chuỗi hoạt động này nếu không thực sự xắn tay tham gia trực tiếp vào quá trình này.

Đối với Mỹ, thách thức công nghệ xanh thường được coi là nhu cầu đổi mới nhiều hơn. Tính theo tỷ trọng GDP, Mỹ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ít hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy vốn tư nhân cũng đã tham gia vào quá trình, nhưng sự chuyển dịch tiền R&D (nghiên cứu và phát triển) từ chính phủ sang các công ty tư nhân cũng đồng nghĩa với sự thay đổi về trọng tâm (hẹp hơn) và tham vọng (ngắn hạn hơn).

Trong lĩnh vực năng lượng, chi tiêu cho R&D của Mỹ vẫn ở trên mức trung bình so với các nền kinh tế tiên tiến khác, ở mức vừa đủ: Trong số 27 quốc gia được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) so sánh chi tiêu so với GDP, Mỹ xếp thứ 10 trong năm 2018. Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn. Ở những lĩnh vực mà Mỹ dẫn đầu về công nghệ như chăm sóc sức khỏe và quốc phòng, mức chi lớn hơn nhiều. Ví dụ R&D của Mỹ dành cho chăm sóc sức khỏe chiếm khoảng 1% tổng chi tiêu cho y tế, lớn hơn 4 lần so với đầu tư vào năng lượng, một lĩnh vực đòi hỏi nhiều chi phí hơn.

Một tương lai carbon thấp sẽ hiệu quả hơn và được điện khí hóa, nó dựa trên một số nền tảng công nghệ lưu trữ và cấp năng lượng cho các lĩnh vực khó điện khí hóa như ngành công nghiệp, vận tải hàng hóa, hàng không và liên quan đến loại bỏ carbon dioxide trong khí quyển. Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư nghiên cứu thì chưa đủ, để đi đầu trong lĩnh vực công nghệ xanh thì nghiên cứu phải kết hợp với triển khai sản xuất. Năm 2009, Mỹ có công suất điện gió cao gấp đôi Trung Quốc và gấp 5 lần công suất năng lượng mặt trời. Đến năm 2019, Trung Quốc đã dẫn đầu và triển khai lượng gió nhiều gấp đôi và gấp 3 lần năng lượng mặt trời so với Mỹ. Trong lĩnh vực xe chạy điện, sự đảo ngược diễn ra nhanh hơn: Mỹ có số lượng xe điện nhiều gấp 5 lần Trung Quốc vào năm 2013, nhưng hiện nay Trung Quốc đã gấp đôi Mỹ, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Vào cuối những năm 1990, Mỹ có 30% thị phần trong sản xuất quang điện mặt trời, hiện tại chỉ còn 1%.

Cơ chế khuyến khích tiêu dùng năng lượng tái tạo khá đơn giản, tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào tham vọng được đặt ra. Ở một khía cạnh nào đó, có thể khuyến khích người tiêu dùng chuyển từ thiết bị này sang thiết bị khác, thúc đẩy họ cắt giảm việc sử dụng năng lượng cá nhân; đưa ra các khoản tín dụng thuế và các gói hỗ trợ/chính sách mua xe điện hoặc trang bị thiết bị dân dụng, khuyến khích mua một lượng năng lượng tái tạo nhất định hoặc chế tạo ô tô đáp ứng tiêu chuẩn quãng đường nhất định. Ở khía cạnh khác, nhà nước đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra thị trường để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ. Phần lớn, đây là một thách thức chính trị, không phải chính sách hay kỹ thuật.

Dù sao, việc triển khai không thể tách rời khỏi sản xuất. Từ quan điểm khí hậu, một tấm pin mặt trời là một tấm pin mặt trời cho dù nó được sản xuất ở đâu. Nhưng từ góc độ kinh tế và an ninh quốc gia, vấn đề sản xuất có ý nghĩa đặc biệt. Ở góc nhìn từ nhà phân tích Mỹ, người ta lưu ý đến nơi được đầu tư xây dựng sản xuất và cần đặt ra câu hỏi về lý do tại sao các công ty sản xuất có xu hướng đặt nhà máy ở nước ngoài và đặt ra câu hỏi về vai trò của Mỹ không chỉ trong khâu tiêu thụ hay đầu tư, mà trong khâu tham gia chuỗi cung ứng.

Việc tăng gấp đôi R&D và khuyến khích triển khai công nghệ xanh sẽ đánh dấu sự đảo ngược các chính sách của Mỹ trong vài năm qua. Quốc gia này luôn đấu tranh để thực hiện chiến lược năng lượng xanh. Nhưng chính quyền Trump đã tiến xa hơn trong việc giảm gấp đôi nhiên liệu hóa thạch, đi ngược lại với xu thế, ưu tiên xuất khẩu hydrocarbon, cơ sở hạ tầng và kích thích tiêu dùng. Khi đường ống dẫn dầu khí gặp trục trặc, chính quyền có rất nhiều điều để nói, nhưng việc cho phép thực hiện một dự án điện gió ngoài khơi là điều không thể thực hiện được. Chính quyền đang cố gắng nới lỏng các tiêu chuẩn ô tô thay vì hợp tác với các nhà sản xuất để tạo ra chiếc ô tô của tương lai. Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang đã khiến việc triển khai năng lượng tái tạo trở nên khó khăn hơn bằng việc gây nghi ngờ về quyền hỗ trợ các ngành công nghiệp mới của một bang.

Dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá sẽ cạnh tranh trong một thế giới với những hạn chế chặt chẽ hơn về môi trường đối với việc sản xuất và sử dụng chúng. Các công ty năng lượng truyền thống, nếu không chuẩn bị cho tương lai, sẽ gặp bất lợi trong bối cảnh cạnh tranh mới. Chính sách của Mỹ trong thời gian qua thể hiện ý muốn làm bá chủ thế giới về xuất khẩu dầu khí, xong mong muốn này đang vượt quá xa thực tế. Hiện sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ đã tăng đến mức kỷ lục, khó có thể nhìn xa hơn trong ngắn hạn khả năng khai thác bền vững có thể nằm ở đâu đó ngoài quốc gia này. Tương lai Mỹ có thể tụt hậu trong khai thác dầu khí có thể sẽ đến sớm.

Nếu không từ bỏ ý định bá chủ về nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần và bắt đầu đuổi theo xu hướng, Mỹ có thể sẽ bị tụt hậu trong cuộc đua năng lượng mới mà EU và Trung Quốc đã bắt đầu.

HTM
https://petrotimes.vn/my-dang-mat-phuong-huong-va-tut-hau-trong-phat-trien-nang-luong-tai-tao-583301.html