Pin mặt trời có sản sinh điện vào ngày mưa?
Thực tế, các tấm pin mặt trời hấp thụ bức xạ từ ánh sáng mặt trời nên những ngày dù không có nắng, nhiều mây, mưa nhưng cường độ bức xạ tốt vẫn giúp pin mặt trời sản sinh được ra điện.
Theo các chuyên gia Công ty Cổ phần thương mại SolarGATES, trong một số trường hợp trời âm u nhưng bức xạ mặt trời cao vẫn sản sinh ra nhiều điện hơn trời nắng gắt do pin chịu hấp thụ kém hơn khi nhiệt độ tấm pin tăng cao quá 40 độ C.
Ngoài ra, hiểu lầm khác thường thấy về pin mặt trời là sau khi hết hạn sử dụng (khoảng 25 năm), pin mặt trời sẽ trở thành rác thải độc hại cho môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, thành phần cấu tạo của pin mặt trời gồm 76% thủy tinh, 10% plastic, 8% aluminium, 5% silicon, 1% kim loại.
Các vật liệu trên thường thấy trong sản xuất các đồ dùng trong đời sống hằng ngày, không phải rác thải độc hại như nhiều người vẫn nghĩ. Nguyên nhân dẫn đến nhận định trên có lẽ xuất phát từ hiểu lầm của tên gọi “pin” mặt trời làm nhiều người liên tưởng đến các loại pin tích điện thông thường và đưa sản phẩm vào diện nguy hiểm, cần được thu hồi gấp để xử lý.
Nhiều cơ quan kiểm soát ở các bang và liên bang Mỹ đã cho tiến hành thí nghiệm để kiểm tra tính nguy hại đến môi trường của pin mặt trời nhưng phần lớn các sản phẩm đều vượt qua các kiểm tra này và các cơ quan này không đưa pin mặt trời vào diện kiểm soát chất thải nguy hại.
Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời cũng đã và đang nghiên cứu quy trình tái chế tấm pin sau 25 năm, góp phần xây dựng phát triển năng lượng sạch bền vững.
M.P
https://petrotimes.vn/pin-mat-troi-co-san-sinh-dien-vao-ngay-mua-564933.html