Thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thông qua hoạt động tiêu chuẩn hóa

Nhằm đạt được sự phát triển bền vững từ các quốc gia, trước hết toàn bộ các ngành nghề, cơ sở hạ tầng đều phải thông qua và thực hiện một tiêu chuẩn thống nhất.

Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững là lời kêu gọi hành động để giúp thế giới trở nên an toàn hơn, hòa bình và thịnh vượng.

Để đạt được điều này, năm 2015, các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Dựa trên các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) trước đây, chương trình nghị sự là nơi sẽ hướng dẫn các quyết định cấp cao khi đưa ra các giải pháp nhằm nỗ lực xóa đói giảm nghèo, cải thiện y tế và tạo ra một hành tinh xanh, sạch hơn. Đồng thời, chương trình cũng sẽ cố gắng xây dựng các thành phố và cộng đồng bền vững, đảm bảo chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, công việc ổn định và tăng trưởng kinh tế, cũng như cơ sở hạ tầng kiên cố và công nghiệp hóa bền vững.


Phát triển bộ Tiêu chuẩn quốc tế nhằm phát triển bền vững đối với mọi quốc gia

Liên Hợp Quốc cho rằng đây là một chiến lược đầy tham vọng vì nó mang tính chuyển đổi và nhấn mạnh sự cần thiết của tất cả các bên liên quan – chính phủ (quốc gia và địa phương), chính quyền, các tổ chức quốc tế, ngành công nghiệp, doanh nghiệp và xã hội dân sự – tham gia vào quá trình này. Không thể phủ nhận rằng các hoạt động của các tổ chức phát triển tiêu chuẩn đã đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình này.

Nguồn năng lượng, và đặc biệt là điện, là mục tiêu chung tại SDGs, và hơn thế nữa, là sự phát triển của mọi quốc gia và nền kinh tế. Công việc của IEC là cung cấp nền tảng kỹ thuật cho toàn bộ chuỗi năng lượng và tất cả các thiết bị được điều khiển bằng năng lượng điện. Nó cải thiện sự an toàn cho các thiết bị, cho công nhân lao động sử dụng, cũng như cho phép tăng hiệu quả năng lượng và tăng khả năng phục hồi và khả năng tồn tại lâu dài tại các cơ sở hạ tầng.

IEC cũng vận hành bốn chương trình đánh giá sự phù hợp, kiểm tra và chứng nhận rằng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn của IEC. Các sơ đồ bao gồm các thiết bị và linh kiện điện (IECEE), thiết bị sử dụng trong môi trường nổ (IECEx), đánh giá chất lượng cho các thành phần điện tử (IECQ) và thiết bị cho năng lượng tái tạo (IECRE).

Trong vấn đề này, IEC sẽ xem xét cách tiêu chuẩn hóa đã đóng góp như thế nào cho quá trình để đạt được mục tiêu phát triển bền vững như đã đề ra.

Ví dụ, công nghệ thực tế ảo (AR/VR) được sử dụng ngày càng nhiều trong giáo dục như khoa học, toán học và ngôn ngữ, vvv… và được sử dụng cho đào tạo tại nơi làm việc (phẫu thuật, ứng phó thảm họa và bảo trì các nhà máy điện). Hiện nay các tiêu chuẩn cho phép khả năng tương tác của các hệ thống phần cứng và phần mềm, cho phép các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và giảng viên điều chỉnh việc giảng dạy theo nhu cầu và sở thích của người học, cũng như mở rộng tiếp cận giáo dục (Giáo dục chất lượng SDG 4).

Khi dân số thế giới ngày càng tăng và đòi hỏi nhiều nguồn năng lượng thiết yếu như điện hơn, các nhà cung cấp năng lượng phải nỗ lực tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo sạch hơn với mức chi phí hợp lí. IEC đang xem xét một số thách thức phải đối mặt và cách chứng nhận IECRE của hệ thống PV năng lượng mặt trời hạn chế rủi ro, khuyến khích đầu tư và tạo niềm tin cho toàn ngành (SDG 7 Chi phí hợp lí và năng lượng sạch).

Năm ngoái, bão và thời tiết khắc nghiệt đã tàn phá nhiều châu lục, khiến các khu vực thành thị và nông thôn không có điện và nhiều dịch vụ thiết yếu khác. Trong bài viết trước của IEC “Khắc phục hậu quả sau thảm họa thiên nhiên”, IEC hiện đang tìm hiểu cách các tiêu chuẩn IEC giúp tăng cường khả năng phục hồi thảm họa của cơ sở hạ tầng, thông qua các cơ chế và quy trình an toàn tích hợp, ví dụ, bằng cách đưa các điều kiện môi trường bên ngoài vào các yêu cầu thiết kế (hành động vì khí hậu SDG 13).

Bảo Linh
http://vietq.vn/thuc-day-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-thong-qua-hoat-dong-tieu-chuan-hoa-d174715.html

Tạo nguồn thu từ việc bán năng lượng tái tạo từ đốt rác

Công nghệ xử lí chất thải rắn (CTR) thu hồi năng lượng, giảm thiểu chôn lấp CTR đang là xu thế chung của thế giới và cần được quan tâm, phát triển tại Việt Nam.

Quá tải chất thải rắn

Theo Báo cáo Môi trường quốc gia 2016, lượng CTR phát sinh trong cả nước tăng trung bình khoảng 12%/năm. Hiện nay, trên cả nước chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn/ngày. Trong đó phát sinh tại các đô thị khoảng hơn 37.000 tấn/ngày, nông thôn 24.000 tấn/ngày.

Toàn quốc hiện có khoảng 1.230 cơ sở xử lý CTR, trong đó 860 bãi chôn lấp CTR tập trung (kể các bãi chôn lấp nhỏ rải rác ở các xã), 330 cơ sở đốt CTR kể cả lò đốt nhỏ quy mô cấp xã), 37 cơ sở ủ phân hữu cơ, còn lại là kết hợp. Khối lượng chất thải được tái chế, tái sử dụng rất thấp, không được phân loại tại nguồn, độ ẩm cao, nhiệt trị thấp.


Xử lý chất thải nhằm chuyển chất thải sang một dạng khác ít độc hại hơn

Với khối lượng CTR ngày càng lớn, nhiều phương án xử lý chất thải đã được đưa ra. Xử lý chất thải nhằm chuyển chất thải sang một dạng khác ít độc hại hơn, dễ kiểm soát hơn, chuyển chất thải thành chất khác có thể sử dụng có ích, làm giảm thể tích hoặc khối lượng nhằm lưu giữ được nhiều hơn và lưu giữ tạm thời để chờ đợi công nghệ phù hợp.

Tùy theo công nghệ áp dụng, chi phí xử lý sẽ khác nhau. Có công nghệ xử lý với chi phí thấp nhưng trong quá trình xử lý lại phát sinh ra ô nhiễm thứ cấp. Có công nghệ xử lý hiện đại, chi phí vận hành cao nhưng xử lý an toàn, không gây mùi, không phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Tuy nhiên, việc quản lý chất thải rắn làm sao cho hiệu quả, hạn chế phát sinh chất thải, tái sử dụng và tái chế chất thải.

Tại toạ đàm “Ô nhiễm rác thải và các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam” vừa mới diễn ra, GS.TS. Đặng Kim Chi – Hội Đồng Khoa học Công nghệ Giáo dục và Môi Trường (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho biết, ở Việt Nam phương pháp xử lý CTR bằng cách chôn lấp chiếm mất diện tích đất lớn, hiện đang quá tải ở nhiều thành phố lớn. Việc chôn lấp không phân loại gây khó khăn cho khả năng phục hồi môi trường.

Bên cạnh đó, việc chôn lấp cũng gây ô nhiễm môi trường: khí thải, mùi hôi, GHG, nước rỉ rác, các chất ô nhiễm tồn lưu như POP, KLN,… Các lò đốt chất thải công suất nhỏ, không đáp ứng nhu cầu xử lí chất thải đô thị, chất thải nguy hại và chất thải y tế, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường cao. Không tận dụng được nguyên liệu, năng lượng trong CTR.

Vì vậy, công nghệ xử lí CTR thu hồi năng lượng, giảm thiểu chôn lấp CTR đang là xu thế chung của thế giới và cần được quan tâm, phát triển tại Việt Nam.

Định hướng phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn ở Việt Nam

Chia sẻ về định hướng phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn ở Việt Nam, GS.TS. Đặng Kim Chi cho biết, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt bởi Quyết định số 2068/QD-TTg ngày 25/11/2015 nhằm nâng tỷ lệ xử lý chất thải thành phố cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.

Theo chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 sẽ có 100% CTR đô thị, CTR công nghiệp không nguy hại, 50% CTR khu dân cư nông thôn và 50% CTR tại các làng nghề được thu gom để tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuát phân hữu cơ, hoặc xử lý đảm bảo không ô nhiễm môi trường.

Còn theo quy hoạch phát triển nguồn điện sử dùng CTR (dự thảo) đến năm 2035 có khoảng 65 điểm (Khu XL) thuộc 30 tỉnh và thành phố TW có khả năng phát triển dự án nhà máy điện sử dụng CTR với tổng công suất lắp đặt khoảng 1290 MW trên toàn quốc.

Về tiêu chí lựa chọn Công nghệ xử lý chất thải rắn, GS.TS. Đặng Kim Chi cho biết, có 5 nhóm tiêu chí chung được sử dụng để đánh gía công nghệ xử lý chất thải rắn là: Hiệu quả xử lý ô nhiễm; Chi phí kinh tế; Trình độ hiện đại của thiết bị và công nghệ xử lý, vận hành, tiện lợi; Phù hợp với điều kiện Việt Nam; An toàn về mặt môi trường. Tùy thuộc từng loại hình công nghệ xử lý mà mức độ ưu tiên các tiêu chí sẽ khác nhau.

Về kinh tế, “đốt chất thải phát điện cần vốn đầu tư lớn nhất tuy nhiên, việc đầu tư ban đầu sẽ tạo ra lợi ích kinh tế từ việc thiết kế, xây lắp, lắp đặt nhà máy đốt rác tạo năng lượng. Làm đa dạng nguồn cung cấp năng lượng, tạo nguồn thu từ việc bán năng lượng tái tạo từ đốt rác. Giảm chi phí chiếm dụng đất dành cho chôn lấp. Không phát sinh nhiều chi phí xử lý nước rỉ rác, mùi hôi sinh ra từ chôn lấp”.

Đối với xã hội, công nghệ xử lý CTR sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân địa phương. Tạo nguồn cung cấp năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Giảm mối nguy hiểm đến sức khỏe của cộng đồng từ tác động tiêu cực của bãi rác gây ra. Giảm tác động tiêu cưc do xung đột với cộng đồng dân cư quanh bãi rác. Đem lại cơ hội tiếp cận những công nghệ mới tiên tiến của thế giới, gop phần đào tạo nguồn nhân lực chuyển giao công nghệ môi trường trong tương lai.

Đối với môi trường, bà Kim Chi cho rằng, phương án điện rác sẽ xử lý triệt để các chất ô nhiễm trong chất thải rắn, đặc biệt hiệu quả với chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại. Giảm đáng kể thể tích và trọng lượng chất thải phải xử lý: tro xỉ thu được sau khi đốt, tùy thuộc vào công nghệ, giảm trung bình 80% trọng lượng và hơn 90% thể tích so với lượng chất thải ban đầu sẽ làm giảm diện tích đất sử dụng cho chôn lấp.

M.T
https://petrotimes.vn/tao-nguon-thu-tu-viec-ban-nang-luong-tai-tao-tu-dot-rac-571868.html

Bảo vệ môi trường nhờ nhựa phân hủy sinh học

Rác thải, nhựa thải tồn tại lâu hơn tính hữu dụng của chúng đã trở thành vấn đề không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của chính chúng ta. Loạt tiêu chuẩn về nhựa phân hủy sinh học đã ra đời.

Nhựa đã trở thành một phần phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu, các nhà sản xuất đã cho ra đời từ ​​270 đến 360 triệu Mg (300 đến 400 triệu tấn) nhựa trên toàn thế giới mỗi năm để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của con người. Tuy nhiên, rác thải, nhựa thải lại tồn tại lâu hơn tính hữu dụng của chúng đã trở thành vấn đề không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của chính chúng ta.

Theo báo cáo từ Royal Statistical Society, tính đến năm 2017, chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế, 12% được tiêu hủy trong khi có tới 79% còn lại thải ra môi trường tự nhiên. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học, khoảng tám triệu tấn rác thải nhựa, bao gồm túi nylon sẽ dừng chân cuối cùng ở các đại dương trên toàn thế giới.

Chính vì vậy, một tiểu ban của ASTM Quốc tế- tiểu ban D20.96, được thành lập để ngăn chặn và hỗ trợ xử lý nhựa an toàn dựa trên các sản phẩm nhựa và sản phẩm phân hủy sinh học.

Hiện nay, Tiểu ban D20.96 giám sát 18 tiêu chuẩn hoạt động đối với các sản phẩm nhựa, túi nylon và sản phẩm tự phân hủy sinh học. Các tiêu chuẩn cho sản phẩm tự phân hủy sinh học liên quan đến sản phẩm có nguồn gốc carbon hữu cơ từ nguồn gốc tái tạo như thực vật, động vật hoặc vật liệu biển thay vì nguồn gốc không thể tái chế như từ nhiên liệu dầu.

Quá trình phân hủy của rác thải từ nhựa phân hủy sinh học so với nhựa thông thường được rút ngắn từ hàng trăm năm xuống còn một vài năm. Điều đặc biệt, loại vật liệu này chỉ phân hủy khi tiếp xúc với đất hoặc được chôn lấp trong đất, khi phân hủy chúng sinh ra các thành phần “sạch” như nước, khí cacbonic (CO2), các sinh khối. Bên cạnh đó, do không chứa kim loại nặng, không chứa độc tố nên vật liệu này thân thiện với hệ sinh thái và con người.

Hiện có ba tiêu chuẩn về nhựa phân hủy sinh học đang được ứng dụng trong ngành công nghiệp phân bón như:

Tiêu chuẩn ASTM D6400: Yêu cầu ghi nhãn cho chất dẻo có khả năng tạo compost hiếu khí tại các cơ sở xử lý chất thải đô thị hoặc công nghiệp;

Tiêu chuẩn ASTM D5338: Phương pháp xác định sự phân hủy sinh học hiếu khí của vật liệu chất dẻo dưới điều kiện tạo compost có kiểm soát, kết hợp các nhiệt độ;

Tiêu chuẩn ASTM D6691: Phương pháp xác định sự phân hủy sinh học hiếu khí của vật liệu chất dẻo trong môi trường biển bằng vi sinh vật đã được xác định hoặc bằng nước biển tự nhiên.

Trong số ba tiêu chuẩn trên, tiêu chuẩn ASTM D6400 là tiêu chuẩn được sử dụng phổ biến, rộng rãi nhất và có được chứng nhận toàn cầu.

Trong thời gian tiếp theo, tiểu ban D20.96 với số lượng thành viên từ khắp nơi trên thế giới sẽ nghiên cứu, làm việc để đạt được những thành tựu mới. Họ sẽ tiếp tục tạo ra các tiêu chuẩn toàn cầu cho sản phẩm nhựa phân hủy sinh học không những đảm bảo an toàn sức khỏe con người mà còn đảm bảo hệ sinh thái trên toàn cầu.

Hà My
http://vietq.vn/bao-ve-moi-truong-nho-nhua-phan-huy-sinh-hoc-sang-25-d174348.html

Bộ Công Thương: Giá điện mặt trời có thể thay đổi

Gần đây, có một số ý kiến cho rằng giá bán điện mặt trời cố định (FIT) trong 20 năm là quá cao cần phải xem xét điều chỉnh theo hướng có lợi đối với người tiêu dùng.

Giải thích nguyên nhân về cơ chế giá bán FIT điện mặt trời, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương cho biết, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài chỉ đầu tư khi các dự án mang lại hiệu quả, lợi ích cho họ vì vậy giá điện phải được thiết kế để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư thì chúng ta mới hy vọng thu hút được đầu tư.

Công nghệ điện mặt trời phát triển nhanh chóng sẽ giúp giảm giá bán điện.

Về giá bán điện, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng giá bán điện FIT vừa qua nếu nói là hấp dẫn sẽ chuẩn xác hơn giá cao. Theo đó, chi phí dự án điện mặt trời trong thời gian 10 năm gần đây do tiến bộ của khoa học công nghệ đã giảm rất nhanh.

Vào năm 2016, Việt Nam bắt đầu xây dựng cơ chế giá FIT và đến 2017 giá FIT (9,35 UScent/kWh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017. Vào thời điểm đó giá FIT 9,35 UScent/kWh là hợp lý. Tuy nhiên, sau một năm do những biến động của thị trường năng lượng điện mặt trời, giá FIT trở nên hấp dẫn hơn và đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư.

Do lường trước được xu thế phát triển của điện mặt trời nên Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 cũng đã đưa ra thời hạn giá FIT chỉ có hiệu lực tới hết ngày 30/6/2019. Sau thời gian này, giá FIT đã giảm từ 9,35 UScent/kWh xuống chỉ còn 7,09 UScent/kWh (đối với các dự án điện mặt trời mặt đất).

Việc các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các nhà đầu tư trong nước để tham gia các dự án đầu tư là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư đối với ngành điện. Các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới ít khi trực tiếp đi phát triển dự án để tránh, giảm các rủi ro, thời gian và chi phí ở giai đoạn phát triển dự án như đền bù giải phóng mặt bằng, xin phê duyệt của chính quyền, đối tác địa phương, trung ương. Các nhà đầu tư trong nước hiểu biết về luật pháp trong nước, cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục… tốt hơn nên thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy… Kết hợp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho dự án và cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài cũng thường tham gia vào dự án quy mô công suất lớn hoặc gom nhiều dự án quy mô công suất nhỏ. Điều này cũng giúp giảm chi phí vận hành chung cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong giai đoạn trước đây, khi thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn mới mẻ, chi phí phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, để thúc đẩy phát triển thị trường điện năng lượng tái tạo, Việt Nam áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định (FIT) là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng bởi hầu hết các nước trên thế giới.


Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu giá điện mặt trời theo cơ chế đấu thầu.

Thực tế đã chứng minh cơ chế giá FIT là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với những thị trường mới như Việt Nam, nhờ có những ưu điểm sau: giá ưu đãi với thời gian dài hạn (20 năm) tạo tính minh bạch trong đánh giá tính khả thi và huy động nguồn vốn cho dự án; cam kết của chính phủ về ưu tiên huy động điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo; rút ngắn thời gian đàm phán hợp đồng mua bán điện, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, thông qua chính sách FIT, hiện đã có khoảng gần 6.000 MW điện năng lượng tái tạo vào vận hành phát điện, đảm bảo cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Việc phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cũng đã góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và dịch vụ về điện mặt trời; khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; thu hút được lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào hạ tầng ngành điện.

Tuy nhiên, cơ chế FIT cũng có một số hạn chế như các dự án tập trung phát triển tại khu vực có tiềm năng tốt dẫn đến quá tải lưới điện tại một số khu vực, gia tăng cạnh tranh về đất đai. Mặt khác, giá điện FIT khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường nên thường dẫn tới sự phát triển “nóng” ngoài mong muốn.

Trong giai đoạn tới, khi thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam phát triển ổn định, đồng thời công nghệ năng lượng tái tạo đã có những tiến bộ vượt bậc, chi phí công nghệ giảm mạnh, năng lượng tái tạo có thể cạnh tranh với nguồn năng lượng truyền thống, nên giá bán điện năng lượng mặt trời cũng cần chuyển sang cơ chế mới để khắc phục các hạn chế nêu trên theo hướng có lợi cho tổng thể giá điện quốc gia, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất áp dụng cơ chế đấu thầu cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho cơ chế FIT.

Thành Công
https://petrotimes.vn/bo-cong-thuong-gia-dien-mat-troi-co-the-thay-doi-571302.html

Tiết kiệm năng lượng tại tòa nhà cao tầng: Khắc phục 3 điểm yếu

Tại Việt Nam, năng lượng tiêu thụ của các tòa nhà cao tầng như khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại… chiếm tỷ trọng 35-40% tổng năng lượng tiêu thụ. Nhưng có tới 90% tòa nhà không tích hợp tính hiệu quả sử dụng năng lượng trong thiết kế và vận hành.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hiến (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam), nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là chưa có sự quan tâm đầu tư công nghệ trong hệ thống chiếu sáng, thông gió, làm mát, sưởi ấm, chưa sử dụng vật liệu cách nhiệt tiết kiệm năng lượng. Đây là một sự lãng phí rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng xây dựng cao, tổng diện tích sàn của các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tăng 6-7%/năm.

Để tiết kiệm năng lượng tại các công trình nhà cao tầng, TS Nguyễn Mạnh Hiến cho rằng, có hai giải pháp gồm công nghệ và thiết bị.

Về công nghệ, thứ nhất có thể lắp đặt cửa sổ các tòa nhà bằng kính năng lượng thấp để giảm truyền nhiệt từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong tòa nhà, hoặc kính khống chế ánh nắng, phản xạ hầu hết bức xạ mặt trời. Loại kính này giúp tiết kiệm được 5% năng lượng; thứ hai là sử dụng phim cách ly khống chế cho ánh nắng đi qua, phản xạ lại các tia cực tím (UV), ánh sáng chói và hơi nóng; thứ ba là sử dụng sơn phản xạ nhiệt để giúp cải thiện cách nhiệt của các tòa nhà theo hướng thân thiện với môi trường. Loại sơn này có thể phản xạ tới 80% bức xạ mặt trời, nếu sơn lên mái hoặc các bề mặt của tòa nhà thì chúng sẽ phản xạ nhiệt mặt trời và giữ mát cho ngôi nhà.

Về thiết bị, có thể sử dụng máy biến áp hiệu quả năng lượng với lõi thép silic được sử dụng cho lưới điện phân phối nhằm giảm tổn thất trong máy đến 50% so với máy biến áp thông thường. Cùng với đó, có thể dùng hệ thống quản lý thông minh tòa nhà (BMS) tiết kiệm 12% lượng điện tiêu thụ. Chiếu sáng bằng đèn LED T5 tiết kiệm điện năng khoảng 30-40% so với đèn huỳnh quang T8, T10. Bên cạnh đó, dùng cảm biến quang điện để điều khiển hệ thống chiếu sáng trong tòa nhà, tự động bật, tắt đèn khi có hoặc không có đối tượng chuyển động. Sử dụng thu hồi nhiệt từ các hệ thống thông gió và điều hòa không khí để tiết kiệm 5-20% điện năng. Đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện năng 70-85% so với sử dụng điện trở…

Tuy nhiên, để thực hiện triệt để được các giải pháp tiết kiệm năng lượng, theo TS Nguyễn Mạnh Hiến, cần khắc phục 3 điểm yếu: công nghệ, vốn và đặc biệt là sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào giải pháp tiết kiệm năng lượng. Cần có cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này để không chỉ tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sử dụng năng lượng nói chung mà tại cả các công trình nhà cao tầng nói riêng.

Nguyễn Bách
https://petrotimes.vn/tiet-kiem-nang-luong-tai-toa-nha-cao-tang-khac-phuc-3-diem-yeu-571124.html

Hà Nội: Phấn đấu 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon khó phân hủy

UBND TP Hà Nội phấn đấu 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon khó phân hủy; đến ngày 31/12/2020, hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa…

UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND triển khai hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2020.

Theo kế hoạch này, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020 đạt các chỉ tiêu: Tỷ lệ các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đạt 50%; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh; 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon khó phân hủy; đến ngày 31/12/2020, hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa.

Ảnh minh họa

Phấn đấu tỷ lệ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường đạt 70%. Gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, phấn đấu 100% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong GDP đạt 45%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đúng quy định đạt 100% đối với khối lượng được thu gom, ưu tiên xử lý bằng các phương pháp tái chế, đốt thu hồi năng lượng. Chất thải rắn xây dựng được ưu tiên tái chế, tái sử dụng bằng công nghệ nghiền; tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ đạt 75%.

Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; giới thiệu các mô hình về đối mới sinh thái, mô hình về thiết kế sinh thái, thiết kế bền vững, các chuỗi cung ứng, các mô hình điển hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững, các cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường; giới thiệu kiến thức về chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững cho người tiêu dùng Thủ đô thông qua phát hành cẩm nang, tin, bài, phóng sự, phát clip và các phương tiện thông tin truyền thông khác.

Xuân Hinh
https://petrotimes.vn/ha-noi-phan-dau-100-trung-tam-thuong-mai-sieu-thi-khong-dung-tui-nilon-kho-phan-huy-571137.html