4 xu hướng công nghệ sắp thay đổi cuộc sống

Công nghệ luôn phát triển không ngừng với tốc độ mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Trong số đó, có 4 xu hướng công nghệ nổi bật đang rất gần với thực tế và sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong thời gian tới.

1. Trí tuệ nhân tạo (AI)

Tương lai của mọi ngành công nghiệp đều đang hướng đến ứng dụng AI. Công nghệ thông minh này đang được xem là động lực của nhiều công nghệ mới nổi khác như dữ liệu lớn, tự động hóa, Internet Vạn vật (IoT). AI có mặt trong mọi thiết bị công nghệ mà chúng ta sử dụng sẽ là một xu hướng tất yếu và sắp trở thành hiện thực.

Một số lĩnh vực mà AI sẽ nhanh chóng xuất hiện là: xử lý tự động (RPA), trò chuyện tự động (AI chatbot) và dữ liệu lớn. AI được kỳ vọng sẽ giúp các công ty ít tốn thời gian, nhân sự và đạt hiệu quả cao đối với các khối lượng công việc lớn, mang tính chất cố định.

2.Thực tế ảo (Virtual Reality – VR) và thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR)

Xu hướng hấp dẫn tiếp theo là sự nổi lên của VR và AR. VR “nhúng” người sử dụng vào môi trường ảo, trong khi AR cải tiến môi trường đó. Mặc dù công nghệ này cho đến nay chủ yếu được sử dụng cho các trò chơi điện tử, song nó cũng đã được sử dụng trong các phần mềm huấn luyện của Hải quân Mỹ.

Sắp tới, chúng ta sẽ sớm bắt gặp các công nghệ này khi chúng được tích hợp nhiều hơn vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. AR và VR có tiềm năng lớn trong huấn luyện, giải trí, giáo dục, quảng cáo và thậm chí là hồi phục sau chấn thương.

Cả hai cũng có thể được sử dụng để đào tạo bác sĩ thực hiện phẫu thuật, cung cấp cho khách tham quan bảo tàng trải nghiệm sâu hơn, cải tiến các công viên chủ đề, hay thậm chí cải tiến quảng cáo, như màn hình quảng cáo Pepsi Max ở các nhà chờ xe buýt ở Anh.

3. Internet Vạn vật (IoT)

Mặc dù IoT đã xuất hiện kể từ những năm 1980, song nó chỉ phát triển rầm rộ sau khi có nhiều tiến triển trong công nghệ không dây và nhiều đồ vật được tích hợp kết nối WiFi – có nghĩa là chúng có thể được kết nối Internet và kết nối với nhau. IoT đã cho phép nhiều thiết bị, đồ dùng gia đình, xe hơi và nhiều đồ vật khác, kết nối và trao đổi dữ liệu qua Internet.

Ví dụ rõ ràng nhất về ứng dụng IoT trong cuộc sống của chúng ta là cửa hàng Amazon Go được khai trương ở Seattle (Mỹ) hồi tháng 2-2020. Nó được trang bị công nghệ mua sắm tiên tiến nhất thế giới cho phép mua hàng mà không cần phải đợi thanh toán tiền.

IoT cũng ngày càng phát triển nhờ sự giúp sức của điện toán biên. Thay vì gởi toàn bộ dữ liệu từ thiết bị IoT lên đám mây, dữ liệu trước tiên sẽ được truyền tới một thiết bị lưu trữ tại chỗ, gần với thiết bị IoT hay ở biên của mạng, để xử lý nhanh hơn.

Số thiết bị IoT cũng được dự báo sẽ tăng cao. Theo nghiên cứu của Cisco, sẽ có 27,1 tỉ thiết bị kết nối mạng vào cuối năm nay và 43% trong số đó kết nối di động. Trên toàn cầu, sẽ có 3,5 thiết bị kết nối mạng/người.

4. Y tế số và y tế từ xa

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và y tế từ xa đã tăng cao đáng kể trong đại dịch COVID-19 khi người dân trên khắp thế giới có nhu cầu tư vấn không tiếp xúc. Ðiều này đặt ra yêu cầu y tế từ xa không phải là sáng tạo mà là cần thiết.

Trí tuệ nhân tạo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chuyển đổi số của ngành Y tế. Hiện tại, một số bệnh nhân có thể đã tương tác hay nghe nói đến một hình thức nào đó của AI, như robot trị liệu PARO cho các bệnh nhân tâm thần, hay robot trò chuyện như Woebot Health cung cấp một bộ chương trình trị liệu chuẩn lâm sàng để xử lý các vấn đề về sức khỏe tâm thần của bệnh nhân.

Các quốc gia trên khắp thế giới cũng đang nỗ lực xây dựng các hồ sơ sức khỏe điện tử toàn diện và có thể truy cập. Ðiển hình là Thụy Ðiển, khi tất cả người dân ở đây có một số nhận dạng cá nhân Swedish PIN, được sử dụng cho mọi hồ sơ sức khỏe. Những y, bác sĩ truy cập được vào các cổng y tế số này sẽ biết được rất nhiều thông tin về bệnh nhân, để từ đó có phương cách trị bệnh tốt nhất.

Với y tế từ xa phụ thuộc 100% vào công nghệ, an ninh mạng đã trở thành một vấn đề rất quan trọng, vì nó sẽ gây ra thiệt hại rất lớn. Do đó, y tế từ xa vẫn đang được tiếp tục phát triển để tăng cường an ninh.

Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều bệnh nhân quan tâm nhiều hơn đến y tế từ xa và nhiều lựa chọn của nó, thế giới cũng sẽ nhanh chóng chuyển đổi sang xu hướng này.

LÊ PHI (Theo MUO)
https://baocantho.com.vn/4-xu-huong-cong-nghe-sap-thay-doi-cuoc-song-a130090.html

Đức tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải

Chính phủ Đức đã nhất trí về lộ trình đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải trong 10 năm tới, hướng tới mục tiêu chiếm 28% năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Chính phủ Đức ngày 3/2 đã thông qua dự luận tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải lên 28% vào năm 2030.

Dự luật do Bộ Môi trường, Bảo vệ tự nhiên và An toàn hạt nhân liên bang soạn thảo nhằm mục tiêu gia tăng sử dụng nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải cũng như đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng sạc cho ô tô điện.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức đã nhất trí về lộ trình đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải trong 10 năm tới, hướng tới mục tiêu chiếm 28% năng lượng tái tạo trong lĩnh vực này vào năm 2030.

Bộ trưởng Môi trường liên bang Đức Svenja Schulze khẳng định mục tiêu mà Đức đặt ra cao gần gấp đôi mục tiêu của EU (14%), và đây là mục tiêu “rất tham vọng.”

Tuabin điện gió tại một ngôi làng ở Đức. (Nguồn: dw.com)

Theo bà Schulze, điều này là cần thiết do Đức chưa đạt được mục tiêu về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát trong lĩnh vực giao thông kể từ năm 1990.

Với kết hoạch tham vọng mới, các công ty dầu khoáng có nghĩa vụ giảm mức phát thải bằng cách sử dụng các sản phẩm năng lượng thân thiện với môi trường như nhiên liệu sinh học tiên tiến, hydro xanh hoặc điện, với hạn ngạch tăng từ 6% hiện nay lên 22% vào năm 2030.

Dự luật cũng quy định cụ thể loại nhiên liệu tái tạo được sử dụng để đáp ứng hạn ngạch. Trong khi tỷ trọng của nhiên liệu sinh học tiên tiến (nhiên liệu từ các phế phẩm như rơm rạ và phân bón) sẽ tăng từ 0 lên ít nhất 1,75% vào năm 2030, thì tỷ trọng nhiên liệu sinh học từ thực phẩm và cây lương thực sẽ được giữ ở mức trần 4,4%.

Việc sử dụng dầu cọ trong bể chứa (hiện chiếm 20% nhiên liệu sinh học) sẽ bị loại bỏ dần vào năm 2026.

Ngoài ra, để có thể sử dụng nhiên liệu tái tạo trong lĩnh vực hàng không, dự luật lần đầu tiên đề cập hạn ngạch nhiên liệu điện trong hàng không, theo đó nhiên liệu cho máy bay phản lực phải đạt ít nhất 2% nhiên liệu lỏng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo thông qua điện phân vào năm 2030.

Theo Bộ trưởng Schulze, Đức cần có nhiều công nghệ sạch, hiện đại hơn để đạt được các mục tiêu về khí hậu trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Với luật khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với khí hậu, Chính phủ liên bang Đức đang tạo ra một công cụ hiệu quả để thực sự giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Việc điều chỉnh luật nêu trên nhằm thực hiện chỉ thị của EU về năng lượng tái tạo trong giao thông (RED II), theo đó đến năm 2030 phải chiếm 14% tổng năng lượng tiêu thụ trong lĩnh vực giao thông.

Ngành giao thông vận tải bị tụt hậu so với lĩnh vực điện và sưởi ấm, những lĩnh vực đã đạt mức độ khử cácbon cao hơn do các nguồn năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Sau khi được nội các thông qua, dự luật trên phải được Quốc hội (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện) phê chuẩn để có hiệu lực. Việc xem xét điều chỉnh luật có thể được tiến hành muộn nhất vào năm 2024./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/duc-tang-ty-trong-nang-luong-tai-tao-trong-linh-vuc-giao-thong-van-tai/693467.vnp

Ô tô điện có thể gây ô nhiễm môi trường tồi tệ hơn ô tô chạy xăng và dầu diesel

Nhiều người cho rằng xe ô tô điện, không có ống xả, hẳn sẽ ít gây ô nhiễm không khí hơn so với xe chạy xăng tuy nhiên theo nghiên cứu mới đây cho thấy, những hạt tạo ra trong quá trình lăn bánh của xe điện ô nhiễm hơn.

Theo tin tức trên báo VnExpress, xe điện được các Chính phủ và hãng xe coi là giải pháp hữu hiệu để giảm ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông. Tuy vậy, việc sản xuất, vận hành xe điện vẫn gặp luồng ý kiến trái chiều, vì những nguồn ô nhiễm khác mà loại xe này gây ra.

Pin ô tô điện nặng hơn đồng nghĩa với việc ô nhiễm hạt nhiều hơn

Tuy nhiên, một nghiên cứu gây tranh cãi năm 2016 cho biết ô nhiễm dạng hạt từ ô tô điện có thể còn tồi tệ hơn. Do trọng lượng của pin, ô tô điện nặng hơn khoảng 200 – 300 kg so với các ô tô có kích thước tương tự sử dụng nhiên liệu làm từ dầu. Nặng hơn đồng nghĩa với ô nhiễm hạt nhiều hơn từ sự hao mòn phanh, lốp và mặt đường.

Những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh chỉ ra rằng, ô tô điện có thể gây ra ô nhiễm với hàng ngàn tấn chất thải pin chưa được xử lý, có khả năng làm rò rỉ các hóa chất nguy hiểm vào môi trường.

Số lượng pin xe điện bị loại bỏ đang tạo ra một núi rác thải khổng lồ. Việc này có thể gây ra cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường trong tương lai.

Chính vì vậy, trong một báo cáo mới đây, các nhà khoa học của Đại học Birmingham đã kêu gọi chính phủ các nước phải “hành động ngay để phát triển một kế hoạch tái chế mạnh mẽ, có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai”.

Các nhà nghiên cứu nhận định nếu không đẩy mạnh phát triển công nghệ tái chế thì hàng triệu chiếc xe điện được bán trong năm 2017 sẽ tạo ra 250.000 tấn chất thải pin chưa được xử lý trong suốt tuổi đời của chúng.


Ô tô điện vẫn có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Autoexpress

Thời gian phanh trên ô tô điện lâu hơn nên việc thải ra nhiều ô nhiễm dạng hạt hơn

Một phân tích mới của Đại học Birmingham (Anh), gợi ý rằng phanh tái sinh, dùng động cơ điện làm giảm tốc độ của ô tô, sẽ khiến xe điện ít gây ô nhiễm hơn ở các khu vực thành thị.

Nghiên cứu ở Los Angeles cho thấy thời gian phanh trên ô tô điện được sử dụng chỉ bằng 1/8 lần so với phanh trên xe chạy nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên, trọng lượng trội hơn của xe điện đồng nghĩa với việc chúng có xu hướng thải ra nhiều ô nhiễm dạng hạt hơn trên đường cao tốc.

Đâu là giải pháp?

Theo thông tin từ VietNamnet, các nhà nghiên cứu cho biết, việc tái chế pin xe điện không hề đơn giản vì có sự đa dạng về hóa học, hình dạng và thiết kế của pin lithium-ion. Để tái chế một cách hiệu quả, số pin này phải được tháo rời và phải phân tách được các dòng chất thải trong các bộ phận cấu thành của chúng. Giống như lithium, pin cũng chứa một số kim loại có giá trị khác như coban, niken và mangan. Những kim loại này có thể được tái sử dụng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, đến năm 2040, nước Anh có thể có 8 nhà máy Gigafactory, tương tự như nhà máy Tesla được thấy ở đây, để sản xuất và tái chế pin xe điện.

Trong khi đó, Viện Faraday – viện nghiên cứu lưu trữ năng lượng điện hóa của Anh – cho biết, nhu cầu về pin xe điện có thể là cơ hội cho nước Anh. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vào năm 2040, nước Anh có thể cần phải xây dựng 8 nhà máy Gigafactory (nơi sản xuất pin và động cơ xe điện) để phục vụ nhu cầu về pin xe điện.

Tiến sĩ Harper cũng cho hay nước Anh sẽ cần phát triển các nguồn cung cấp cho những vật liệu cần thiết cho các loại pin này và vật liệu tái chế có thể đóng vai trò quan trọng.

Còn Giáo sư Andrew Abbott, Đại học Leicester, thông tin nếu điện khí hóa chỉ 2% của đội xe ô tô toàn cầu hiện nay thì số lượng xe điện trên thế giới sẽ đạt 140 triệu chiếc.

Theo Giáo sư Abbott, việc tái chế pin sẽ làm giảm đáng kể gánh nặng cho các bãi rác và giúp đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu quan trọng cần thiết cho sản xuất pin trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị phát triển các phương pháp sửa chữa và tái chế nhanh chóng, đặc biệt là việc lưu trữ pin điện quy mô lớn có khả năng không an toàn.

Giáo sư Paul Christensen, Đại học Newcastle, đang hợp tác với ngành dịch vụ cứu hỏa và cứu hộ của Anh để phát triển các biện pháp đối phó với các vụ cháy pin lithium-ion. Giáo sư Christensen nói: “Những pin này chứa lượng điện năng lớn và hiện chúng tôi vẫn chưa có phương án xử lý khi chúng được sử dụng hết”.

“Một trong những lĩnh vực nghiên cứu ở dự án này là xem xét tự động hóa và làm thế nào để có thể tháo dỡ pin một cách an toàn, hiệu quả và thu hồi các vật liệu có giá trị như lithium và coban. Song cũng cần tính đến vấn đề an toàn công cộng khi pin EV đời thứ 2 trở nên phổ biến hơn. Chúng ta cần nhanh chóng có cái nhìn thấu đáo về toàn bộ vòng đời của pin – từ việc đào các vật liệu lên khỏi mặt đất cho đến việc xử lý chúng một lần nữa ở khâu cuối cùng”, Giáo sư Christensen cho biết.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/o-to-dien-co-the-tao-ra-cac-hat-lam-o-nhiem-moi-truong-hon-o-to-chay-xang-va-dau-diesel-d183385.html

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng gió toàn cầu

Công ty Rethink Energy mới đây công bố báo cáo về triển vọng phát triển năng lượng gió toàn cầu đến năm 2030 với chủ đề: Năng lượng gió sẽ vượt năng lượng hạt nhân và thủy điện tại các thị trường điện hậu Covid-19.

Theo báo cáo, công suất lắp đặt điện gió toàn cầu tính đến hết năm 2020 ước tính đạt 756 GW và đến năm 2030 được dự báo tăng gấp 3 lần lên 2.126 GW. Phân khúc tăng trưởng nhanh nhất sẽ là năng lượng gió ngoài khơi, ước tính sẽ tăng từ 35 GW lên 248 GW vào năm 2030. Sự gia tăng các cam kết quốc gia đối với mục tiêu trung hòa carbon của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Kazakhstan thời gian gần đây, cũng như việc chính quyền của Tổng thống Mỹ J.Biden đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng là những yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng gió trong thập kỷ này.

Rethink Energy nhận định, Trung Quốc sẽ chiếm 36% tăng trưởng điện gió toàn cầu trong thập kỷ này và tổng công suất điện gió của nước này sẽ đạt 789 GW vào năm 2030. Mỹ và Ấn Độ sẽ lần lượt xếp ở vị trí thứ hai và ba. Năng lượng gió dự kiến sẽ vượt qua thủy điện và năng lượng hạt nhân về sản lượng điện trong thập kỷ 20. Đồng thời, tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện sẽ tiếp tục giảm.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/su-tang-truong-manh-me-cua-nang-luong-gio-toan-cau-597903.html

Châu Âu quyết giành miếng bánh trong thị trường pin điện ôtô

Ủy ban châu Âu hôm 26/1 đã phê duyệt khoản viện trợ công 2,9 tỷ euro cho một dự án nghiên cứu lớn của châu Âu về pin thế hệ mới.

Châu Âu, đang tìm cách cạnh tranh với châu Á trong thị lĩnh vực pin điện dành cho ô tô, vào cuối năm 2019 đã phê duyệt khoản viện trợ 3,2 tỷ euro cho một dự án khác liên quan đến bảy quốc gia thành viên. Dự án đầu tiên này có sự tham gia của 17 công ty, bao gồm BMW, mà còn có các công ty hóa học Đức là BASF và Solvay của Bỉ.

Trong dự án mới được thông qua hôm 26/1, “Đức đã giữ vị trí hàng đầu trong việc điều phối nhiều hơn nữa các công ty công nghiệp và các quốc gia thành viên”, Ủy viên Cạnh tranh EU Margrethe Vestager cho biết tại một hội nghị.

Dự án mới, được đặt tên là “Sự đổi mới của châu Âu trong pin điện” quy tụ 42 công ty cho đến năm 2028, bao gồm các nhà sản xuất BMW, Fiat và Tesla (nằm gần Berlin), công ty hóa học Pháp Arkema và chuyên gia về pin Thụy Điển Northvolt.

Bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị từ nguyên liệu thô đến tái chế, dự án này cũng bao gồm các công ty khởi nghiệp và dự kiến sẽ hợp tác với nhiều tổ chức nghiên cứu và trường đại học.

Ủy ban EU cho biết viện trợ công sẽ mở ra khoảng 9 tỷ euro đầu tư tư nhân.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức, Peter Altmaier, nói: “Việc phê duyệt dự án sản xuất pin quy mô lớn thứ hai ở châu Âu này là một thành công rất lớn, và sẽ giúp bảo vệ hệ sinh thái ở Đức và châu Âu”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Ông nói thêm: “Đó là một triển vọng tốt để pin made in Germany và made in Europe trở thành thương hiệu quốc tế, được công nhận về chất lượng, hiệu suất và tôn trọng môi trường”.

Margrethe Vestager cho biết: “Trong những thách thức đổi mới lớn này đối với nền kinh tế châu Âu, rủi ro có thể là quá lớn đối với một quốc gia hoặc một công ty.

Thị trường pin ngày nay chủ yếu do các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chi phối.

Đặc biệt, Trung Quốc đang dẫn đầu với một nửa doanh số bán ô tô điện toàn cầu và 2/3 năng lực sản xuất pin điện toàn cầu.

Châu Âu, tụt hậu, chỉ chiếm 3% sản lượng toàn cầu, một thực tế gây lo ngại cho ngành công nghiệp ô tô của EU đang bị cạnh tranh từ Tesla và sự gia tăng của các nhà sản xuất Trung Quốc.

Nhưng EU có tham vọng bắt kịp và nhắm mục tiêu chiếm 25% thị trường pin điện vào cuối thập kỷ này, để duy trì và tạo việc làm cho tương lai, nhưng cũng để kiểm soát nguồn cung của mình trong một khu vực chiến lược.

Pin chiếm khoảng một phần ba giá trị của ô tô điện. Theo công ty tư vấn chiến lược BCG, thị trường pin ô tô toàn cầu có thể đạt 45 tỷ euro vào năm 2027.

“Bằng cách tập trung vào pin thế hệ mới, dự án toàn châu Âu này sẽ giúp cách mạng hóa thị trường. Nó cũng sẽ tăng cường quyền tự chủ chiến lược của chúng tôi trong một lĩnh vực quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sinh thái”, Maros Sefcovic, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách lĩnh vực này cho biết.

Nh.Thạch/AFP
https://petrotimes.vn/chau-au-quyet-gianh-mieng-banh-trong-thi-truong-pin-dien-oto-597579.html

Chuyển đổi xanh toàn cầu: Thế giới sẽ vận hành như thế nào?

Các chuyên gia Klaus Mike, Dmitry Belov, Agrafena Kotova, Evgeny Kuznetsov, Anita Mujumdar, Aleksei Shadrin đã trình bày báo cáo về chủ đề chuyển đổi năng lượng toàn cầu theo hướng “xanh” hơn bằng cách giảm phát thải carbon.

Các chuyên gia nhận định, chuyển đổi “xanh” toàn cầu đang ngày càng gia tăng bất chấp khủng hoảng đại dịch và mâu thuẫn giữa các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) trong các cuộc đàm phán thuộc khuôn khổ chương trình nghị sự về khí hậu của Liên hợp quốc.

Số lượng các thảm họa tự nhiên và nhân đạo do hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra đang gia tăng đều đặn theo từng năm. Tuy nhiên, thế giới vẫn còn đó những mâu thuẫn trong chính sách khí hậu toàn cầu. Năm 2019, trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị thứ 25 của UNFCCC, các nước đã không thể thống nhất về Điều 6 về các cơ chế tài chính của Thỏa thuận Paris 2015. Năm 2020, hội nghị khí hậu lần thứ 26 của UNFCCC đã bị hoãn lại đến năm 2021 do tác động của đại dịch Covid-19. Đồng thời, bất chấp đại dịch, chương trình nghị sự về khí hậu đã được củng cố đáng kể. Chuyển đổi “xanh” dựa trên nhiều khía cạnh như công nghệ kỹ thuật số đang trở thành đối tượng cạnh tranh giữa các quốc gia và tập đoàn. Nhiều quốc gia, ngân hàng và các tập đoàn quốc tế đã tham gia cuộc cạnh tranh này, tiêu biểu nhất là Liên minh châu Âu (EU).

Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 với mục tiêu giữ cho sự ấm lên toàn cầu trong khoảng 2 độ C và tìm cách hạn chế xuống 1,5 độ C vào năm 2100 đặt ra quỹ đạo mới cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới và hình thành xu hướng vĩ mô cho quá trình khử carbon. Bất chấp những bất đồng nói trên giữa các bên tham gia UNFCCC về một số vấn đề, nhiều quốc gia và tập đoàn hàng đầu thế giới đã tự nguyện công bố các mục tiêu về trung hòa hoàn toàn carbon vào giữa thế kỷ XXI. Điều này xuất phát chủ yếu từ áp lực của dân chúng, đòi hỏi chính phủ của họ phải hành động tích cực để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Các doanh nghiệp cũng theo đó để chạy đua nhằm chiếm lĩnh những cơ hội thị trường và công nghệ mới.

Biến đổi khí hậu và hậu quả của nó là mối đe dọa thực sự đối với GDP và sinh kế của người dân ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thiệt hại kinh tế hàng năm do thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan lên đến hàng tỷ USD. Tác động của biến đổi khí hậu cũng bao gồm việc băng vĩnh cửu tan chảy và sự xuất hiện của các loại bệnh mới. Để giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia, khu vực, doanh nghiệp đang tích cực thực hiện các chiến lược và biện pháp thích ứng với khí hậu. Một số biện pháp nổi bật như hiện đại hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe, đã được đưa vào các gói khắc phục khủng hoảng.

Cùng với những con số kỷ lục về tình trạng biến đổi khí hậu, thế giới cũng đã ghi nhận những kỷ lục trong lĩnh vực tài chính và công nghệ. Lĩnh vực đầu tư vào tài sản “xanh” đang phát triển mạnh và chứng tỏ vị trí quan trọng trong quá trình chuyển đổi “xanh” toàn cầu. Lĩnh vực này trong thời kỳ khủng hoảng ghi nhận thành công hơn các lĩnh vực kinh tế truyền thống, đồng thời chứng tỏ sự ổn định tài chính hơn. Khối lượng trái phiếu “xanh” phát hành tăng mạnh so với năm 2019 và đạt kỷ lục 350 tỷ USD trong năm 2020. Theo báo cáo của PwC, một phân khúc mới của thị trường đầu tư mạo hiểm đã xuất hiện trong năm 2020: công nghệ khí hậu. Phân khúc này hội tụ các tập đoàn, công ty lớn toàn cầu như Amazon, Tesla, Google, Microsoft đã và đang đầu tư. Những dữ kiện này cho thấy, loài người đang ở giai đoạn đầu của một xu hướng dài hạn hướng tới sự chuyển đổi “xanh” toàn cầu của nền kinh tế. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự cạnh tranh cho các thị trường chính và kiểm soát các dòng tài chính quốc tế. Câu hỏi đặt ra là: ai sẽ là người dẫn đầu và ai là người thua cuộc trong cuộc đua toàn cầu này.

Việc thông qua Thỏa thuận xanh châu Âu cho thấy sự tuân thủ chặt chẽ của EU đối với chiến lược trung hòa carbon vào năm 2050. Nó được lên kế hoạch chi ít nhất 1000 tỷ euro trong thập kỷ này. Mọi thứ chỉ ra rằng, EU đang trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua “xanh” nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và duy trì vị thế là trung tâm kinh tế toàn cầu có khả năng thiết lập các tiêu chuẩn tại các thị trường mới đầy hứa hẹn.

Đồng thời, để bảo vệ thị trường của mình và có thể bổ sung ngân sách, EU đã giới thiệu chính sách thuế carbon xuyên biên giới. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến các nhà cung cấp năng lượng, vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng cho EU như Nga, các quốc gia Trung Đông, Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác nếu các nền kinh tế này không kịp trung hòa carbon trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa của mình. Thật hợp ký khi cho rằng những người thua cuộc từ sự chuyển đổi “xanh” của EU nói riêng và trong nền kinh tế toàn cầu nói chung sẽ trở thành các quốc gia sản xuất hàng hóa với lượng khí thải carbon cao hơn đối thủ cạnh tranh của họ. Để không nằm trong số những người chạy đua hàng đầu, các quốc gia đang phát triển cần phải có hành động tương xứng, khéo léo sử dụng các lợi thế cạnh tranh hiện có và tiềm năng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực tế cho thấy, chúng ta đang ở trong quá trình đổi mới đang diễn ra với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế lẫn công nghệ.

Công nghệ số hóa đã thành công trong thời gian đại dịch, cho phép các chính phủ và doanh nghiệp hóa giải một số hậu quả tiêu cực từ cuộc khủng hoảng y tế. Trong thời gian đại dịch, tầm quan trọng của công nghệ nhằm tăng tính minh bạch, nhận dạng kỹ thuật số, giám sát và đánh giá rủi ro, nền kinh tế không tiếp xúc, đầu tư công, trí tuệ nhân tạo và máy học đã tăng lên. Số hóa trở thành một phần quan trọng không thể thiếu của nhiều gói khôi phục vượt khủng hoảng. Ví dụ, Trung Quốc đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 1.400 tỷ USD. Đáng chú ý, sự chú trọng đã được chuyển sang đầu tư kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng thế hệ tiếp theo. EU cũng đang ưu tiên số hóa và khử carbon như một phần của gói khôi phục kinh tế sau đại dịch với khẩu hiệu chính thức là “Phục hồi xanh và kỹ thuật số”.

Viễn Đông
https://petrotimes.vn/chuyen-doi-xanh-toan-cau-the-gioi-se-van-hanh-nhu-the-nao-597385.html