Rác thải điện tử và những nguy hại khó lường

Rác thải điện tử là những sản phẩm điện hoặc điện tử đã hư hỏng, lỗi thời… Trong loại rác thải này có rất nhiều chất độc gây hại cho sức khỏe con người.

Rác thải điện tử tăng nhanh- mối lo ngại toàn cầu

Tình trạng rác thải điện tử tại khu vực châu Á đang hết sức nghiêm trọng, gây ra mối nguy hại lớn với sức khỏe và môi trường. Rác thải điện tử là những sản phẩm điện hoặc điện tử đã hư hỏng, lỗi thời… Loại rác này là mối lo ngại lớn trên toàn cầu. Nếu không có sự kiểm soát, các chất độc trong rác điện tử có thể ngấm vào đất hoặc các mạch nước ngầm, gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Châu Á hiện là thị trường thiết bị điện tử, gia dụng lớn nhất, chiếm gần một nửa doanh số toàn cầu, nhưng cũng là khu vực tạo ra nhiều rác thải điện tử nhất. Những yếu tố góp phần dẫn đến thực trạng này là thu nhập tăng, dân số trẻ bùng nổ, sản phẩm lỗi thời nhanh chóng do công nghệ cải tiến và mẫu mã không ngừng thay đổi và nạn buôn bán rác thải điện tử bất hợp pháp.

Mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 1 tỉ chiếc điện thoại di động và 300 triệu máy tính được đưa vào sản xuất. Chất thải điện tử toàn cầu dự kiến sẽ tăng 8% mỗi năm và có khoảng 80% số chất thải điện tử tạo ra ở Mỹ được “xuất khẩu” sang châu Á, phản ánh một luận điểm gây tranh cãi đáng kể khi người ta nhắc đến dòng chảy thương mại toàn cầu.

Tại Việt Nam, nhu cầu về thiết bị điện tử gia dụng trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự cải thiện mức sống người dân.


Rác thải điện tử đang là mối đe dọa toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo thời gian, do việc giảm liên tục giá thành mang tính cạnh tranh của thiết bị điện tử, cùng với những thay đổi về mẫu mã, loại hình và công năng sẽ tạo ra nhu cầu lớn thay đổi thiết bị điện tử gia dụng, dẫn đến phát sinh một lượng rác thải điện tử gia dụng lớn với tốc độ gia tăng nhanh chóng.

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3kg chất thải điện tử mỗi năm, tương đương 116.000 tấn. Chất thải điện tử hiện chiếm tới 2% trong tổng số toàn bộ chất thải hiện nay.

Số liệu thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy, năm 2010 nước ta có khoảng hơn 3,77 triệu thiết bị điện và điện tử gia dụng bị thải ra với trọng lượng ước tính khoảng 113 nghìn tấn. Hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là ti vi có thể lên tới 250 nghìn tấn.

Những chất độc từ rác thải điện tử

Rác thải điện tử chứa nhiều chất thải cực kì độc hại và hiện nay lượng rác này đang ngày càng tăng lên nhất là những nước đã và đang phát triển, đe dọa đến môi trường và sức khỏe con người.

Những rác điện tử như điện thoại, tủ lạnh… nhìn bề ngoài thì hoàn toàn thấy vô hại nhưng những chất cấu tạo nên nó mới thực sự độc hại. Những loại rác này thường được tạo bởi những kim loại nặng, những hợp chất hóa học dễ xâm nhập vào đất và nước.

Ở Việt Nam, các vựa ve chai thường thu mua loại rác này và họ tự tháo gỡ những bộ phận bên trong để bán lại. Chính vì sự vô tình này đã làm các chất độc hại bám vào đất và tích tụ dần thẩm thấu vào nguồn nước ngầm.

Không chỉ vậy, tay chân họ cũng dính những chất kim loại nặng đó, mặc dù rửa với xà bông nhưng nó vẫn sẽ còn bám lại và dễ gây bệnh cho họ về đường hô hấp, thậm chí ưng thư, suy giảm nhận thức…

Trong khi đó, hiện nay còn nhiều nhà máy xử lý rác điện tử còn thô sơ, không được vận hành một cách an toàn. Đốt cháy rác thải điện tử một cách bừa bãi, làm khí đốt độc hại lẫn vào không khí gây ô nhiễm không khí, trong đó có cả chất thải dioxin rất dễ gây ra quái thai, dị tật đối với thai nhi.

Rác thải điện tử là tivi, camera, màn hình máy tính thường có ống tia cực âm bên trong, ống chứa những chất như chì và baric dễ ngấm vào đất và nước ngầm nơi tái chế, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nơi đó khi sử dụng nước để nấu nướng, tắm rửa.

Rác thải điện tử nguy hiểm là thế, chính vì vậy không nên tái chế, đốt, xử lý một cách bừa bãi, không đúng quy định. Rác thải điện tử phải được phân loại và phải được xử lý đúng quy trình.

Hiện nay, thì không nhiều gia đình sử dụng nguồn nước ngầm thay vào đó là sử dụng nước máy, tuy nhiên nếu cứ tiếp tục xả rác thì không những nguồn nước ngầm mà cả nguồn nước biển, nước sông cũng chứa đầy kim loại nặng.

An Dương (T/h)

http://vietq.vn/rac-thai-dien-tu-va-nhung-nguy-hai-kho-luong-d184003.html

Định hướng nghiên cứu công nghệ mạng 6G và sự tham gia của Việt Nam

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tận dụng một số thế mạnh như nghiên cứu và sản xuất các thiết bị đầu cuối 6G; nghiên cứu chuyên sâu trong việc tối ưu, điều khiển trong hệ thống mạng 6G.

Công nghệ mạng 6G là một cuộc cách mạng lớn so với các thế hệ mạng trước đó, có thể biến các mạng di động ở các quốc gia trở thành một mạng di động duy nhất trên toàn thế giới.

Theo chu kỳ, mỗi thế hệ mạng di động mới thường được triển khai sau mỗi 10 năm, mạng di động thế hệ thứ 6 (6G) được dự đoán sẽ khai thác thương mại năm 2030.

Vì thế, Việt Nam cần định hướng nghiên cứu và tận dụng những thế mạnh hiện có để phát triển công nghệ mạng 6G ngay từ thời điểm này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: The Investor)

Ứng dụng tiềm năng của mạng 6G

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thanh Giang, Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), hệ thống mạng không dây nói chung và mạng di động nói riêng có sự phát triển đặc biệt nhanh, mang tính cách mạng trong vài thập kỷ gần đây. 5 thế hệ mạng di động đã và đang triển khai mang lại nhiều thông tin, tiện ích cho người dân ở khắp nơi trên thế giới.

Theo đó, công nghệ mạng 1G (thoại không dây) là mạng di động thế hệ đầu tiên được bắt đầu vào năm 1980.

Công nghệ mạng 1G chỉ hỗ trợ dịch vụ thoại, chất lượng thoại thấp, thường xuyên bị ngắt cuộc gọi, dung lượng pin kém và không hỗ trợ bảo mật. Tốc độ lý thuyết của mạng 1G là 2,4 Kbps.

Công nghệ mạng 2G (nhắn tin đa phương tiện) được thử nghiệm đầu tiên tại Phần Lan năm 1991, đây là một cải tiến lớn so với thế hệ 1G khi chuyển đổi từ truyền thông tương tự sang truyền thông số.

Mạng 2G không chỉ cung cấp dịch vụ thoại mà còn bắt đầu hỗ trợ dịch vụ dữ liệu như nhắn tin SMS, nhắn tin đa phương tiện MMS. Tốc độ mạng 2G ban đầu đạt khoảng 50 Kbps. Sau một vài cải tiến với các công nghệ như GPRS, EDGE… tốc độ mạng 2G có thể đạt tới 1,3 Mbps.

Tuy hiện nay mạng 2G đã được thay thế bởi các công nghệ mới, nhưng vẫn được sử dụng như một kênh dự phòng ở nhiều nơi trên thế giới.

Công nghệ mạng 3G (thoại truyền hình, Internet di động) được giới thiệu vào năm 1998, mở đầu cho mạng di động băng thông rộng với tốc độ truyền dữ liệu cao hơn.

Nhờ cải tiến về mặt tốc độ, các điện thoại di động có thể sử dụng được các dịch vụ như điện thoại truyền hình, truy cập internet.

Tốc độ mạng 3G đạt 2 Mbps khi không di chuyển và 384 Kbps khi di chuyển trên phương tiện. Sau một vài cải tiến với các công nghệ như HSPA, HSPA+… tốc độ mạng 3G có thể đạt tới 7,2 Mbps.

Công nghệ mạng 4G (ứng dụng Internet) được giới thiệu vào năm 2008, không chỉ hỗ trợ kết nối internet như mạng 3G, mà còn cung cấp các dịch vụ như game online, truyền hình HD, hội nghị truyền hình và các dịch vụ yêu cầu tốc độ cao khác. Tốc độ lý thuyết của mạng 4G đạt tới 1 Gbps và 100 Mbps khi di động.

Mới nhất, công nghệ mạng 5G (Internet vạn vật) đang được thử nghiệm giới hạn ở một số nơi trên thế giới. Mạng 5G hứa hẹn rất nhiều cải tiến như tốc độ nhanh hơn, mật độ kết nối cao hơn, độ trễ thấp hơn, tiết kiệm năng lượng. Tốc độ lý thuyết của mạng 5G đạt tới 20 Gbps.

Trong khi tốc độ mạng 5G đạt tới 20 Gbps, mạng 6G hướng tới tốc độ Tegabit (Tbps) nhanh hơn từ vài trăm đến vài nghìn lần mạng 5G. Mục tiêu của mạng 6G không chỉ ở tốc độ, mà còn nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại của mạng 5G và hướng tới giải quyết các yêu cầu của tương lai như khả năng kết nối không gian-khí quyển-mặt đất-dưới biển.

Bốn định hướng chính về kết nối đang được các nước trên thế giới nghiên cứu là: Kết nối thông minh, kết nối sâu, kết nối không đồng nhất và kết nối mọi nơi.

Hiện có nhiều công nghệ tiềm năng, kể cả các công nghệ của tương lai được xem xét đưa vào mạng 6G như truyền thông không dây quang, truyền thông lượng tử, thiết bị bay không người lái, vệ tinh tầng thấp… các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn cũng được đưa vào hỗ trợ mạng 6G nhằm đảm bảo các mục tiêu về chất lượng mạng.

Theo đó, những công nghệ của tương lai như trí tuệ nhân tạo sẽ được tích hợp vào hệ thống mạng 6G giúp mọi thành phần mạng như các thiết bị vật lý, xử lý tín hiệu, quản lý tài nguyên, dịch vụ kết nối sẽ được hợp nhất và quản lý sử dụng.

Từ đó, ứng dụng của mạng 6G giúp hướng đến một xã hội siêu thông minh bao gồm: Nhà thông minh sẽ được triển khai rộng rãi khi các thiết bị thông minh đều có khả năng kết nối và điều khiển từ xa; giao thông thông minh với hệ thống điều khiển, xe tự hành, taxi bay có thể được triển khai dựa trên công nghệ mạng 6G; thành phố thông minh được xây dựng dựa trên các hệ thống giám sát môi trường, hệ thống điều khiển tối ưu năng lượng nhằm nâng cao mức sống của người dân.

Công nghệ thực tại ảo mở rộng (là bước tiếp theo của thực tại ảo, thực tại ảo tăng cường, thực tại ảo hỗn hợp) cũng cần đến mạng 6G.

Ngoài việc các đối tượng được mô phỏng 3D và điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo, trải nghiệm người dùng sẽ được hỗ trợ bởi cả 5 giác quan nghe, nhìn, khứu giác, vị giác, xúc giác thông qua các cảm biến. Với băng thông tốc độ và ổn định cao, độ trễ thấp, mạng 6G sẽ đảm bảo chất lượng của trải nghiệm người dùng.

Các đặc tính của truyền thông không dây của mạng 6G cho phép thiết lập công nghệ của tương lai là hệ thống giao diện bộ não và máy tính (BCI) trong cuộc sống hàng ngày. BCI sẽ thu nhận các tín hiệu từ bộ não và chuyển đến các thiết bị số, phân tích và diễn dịch tín hiệu thành các lệnh điều khiển thiết bị.

Mạng 6G sẽ có thay đổi đột phá về mặt kiến trúc với thành phần như tích hợp mạng vệ tinh, cho phép mạng 6G khả năng di động toàn cầu; chuyển đổi và nâng cấp kết nối thông thường thành kết nối thông minh; tích hợp truyền thông tin và năng lượng, không chỉ cho phép truyền thông tin mà còn truyền năng lượng không dây nhằm sạc các thiết bị.

Xu thế kết nối di động

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thanh Giang nhận định trong vòng 10 năm trở lại đây, số lượng các thiết bị di động tăng rất nhanh, đồng thời khối lượng dữ liệu truyền thông trên mạng di động cũng tăng ở mức độ đột biến.

Theo dự đoán của các nhà khoa học, việc tăng trưởng theo hàm mũ của truyền thông di động với số lượng thiết bị đạt 17 tỷ vào năm 2030; lượng dữ liệu trên các thiết bị di động tăng 670 lần trong năm 2030 so với lượng dữ liệu năm 2010, đạt khoảng 5 Zettabyte (1021 bytes)/tháng.

Mặc dù hiện nay phần lớn các thiết bị di động chưa sử dụng hết băng thông của mạng 4G và mạng 5G vẫn còn là mới mẻ, các dự đoán tăng trưởng của truyền thông di động cho thấy các nước trên thế giới, các tập đoàn đa quốc gia đã và đang chuẩn bị cho “cuộc đua” 6G.

Nhiều nước và khu vực trên thế giới đã tham gia cuộc đua về nghiên cứu triển khai công nghệ mạng 6G như Hoa Kỳ, Phần Lan, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…

Các quốc gia, doanh nghiệp tham gia cuộc đua 6G sớm sẽ có lợi thế rất lớn khi sở hữu các bằng sáng chế liên quan đến các tiêu chuẩn truyền thông thì có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ thông qua việc bán thiết bị và phần mềm.

Hiện tại, Việt Nam chưa bắt đầu những nghiên cứu về hạ tầng với mục tiêu đưa đến dịch vụ mạng 6G nhưng trong sự nối tiếp của mạng 5G, Việt Nam đã có nhiều chuẩn bị nghiên cứu liên quan.

Hiện 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone bắt đầu thử nghiệm mạng 5G vào năm 2019 và hướng tới triển khai thương mại vào các năm tiếp theo.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thanh Giang cho biết: Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là một trong các đơn vị đưa Internet đầu tiên vào Việt Nam, việc nghiên cứu và triển khai công nghệ mạng mới luôn chú trọng.

Trong đề tài Nhà nước “Nghiên cứu phát triển một số dịch vụ đa phương tiện và giám sát các thông số môi trường sản xuất trên nền mạng viễn thông WiMAX tại khu vực Tây Nguyên,” mã số 19/KHCN-TN3/C07, năm 2011-2015, Viện Công nghệ thông tin đã triển khai thử nghiệm mạng 4G WiMAX trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phục vụ du lịch và giáo dục.

Việt Nam cũng đã từng bước xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh với khá nhiều nghiên cứu chuyên sâu về tối ưu và điều khiển mạng không dây thế hệ mới. Để chuẩn bị cho mảng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), hiện khá nhiều đơn vị mạnh hướng tới tập trung cho mảng nghiên cứu này như Tập đoàn Vin Group thành lập viện nghiên cứu VinAI năm 2019; Viện Công nghệ thông tin thành lập Trung tâm nghiên cứu AI, hướng tới đầu tư về con người, trang thiết bị cho các nghiên cứu về AI.

Trong việc triển khai các thế hệ mạng di động, Việt Nam thường đi sau thế giới từ 7-10 năm đối với các mạng di động 2G, 3G, 4G. Đối với mạng 5G, Việt Nam đã thực hiện các thử nghiệm từ năm 2019, kỳ vọng đưa Việt Nam vào các nhóm nước đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G, sau các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với thế giới về năng lực nghiên cứu và triển khai trong lĩnh vực viễn thông, trong khi đó, thời gian từ việc triển khai thử nghiệm đến khai thác thương mại thường kéo dài trung bình đến 5 năm đối với các mạng di động thế hệ trước.

Đối với mạng 6G, các nước hiện nay đều có cơ hội như nhau về mặt thời gian để có thể dẫn đầu về nghiên cứu, triển khai mạng 6G, nhưng không phải nước nào cũng đủ năng lực về khoa học và công nghệ cũng như tài chính để tham gia “cuộc đua” ngay từ thời điểm này.

Việt Nam cần tận dụng một số thế mạnh như nghiên cứu và sản xuất các thiết bị đầu cuối 6G; nghiên cứu chuyên sâu trong việc tối ưu, điều khiển trong hệ thống mạng 6G; nghiên cứu công nghệ AI cho hệ thống quản trị, xử lý dữ liệu trong hệ thống mạng 6G; nghiên cứu các bài toán an toàn, bảo mật blockchain để giải quyết bài toán an toàn trong hệ thống mạng mới./.

Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/dinh-huong-nghien-cuu-cong-nghe-mang-6g-va-su-tham-gia-cua-viet-nam/696363.vnp

Chế tạo thành công loại nhựa an toàn được làm từ dầu thực vật

Theo các nhà khoa học, loại nhựa mới này có khả năng tái chế, tái sử dụng nhiều lần hơn so với các loại nhựa thông thường khác, đặc biệt khá an toàn.

Các chuyên gia hóa học người Đức mới đây vừa phát triển thành công một loại vật liệu có thể thay thế được nhựa dẻo polyethulene. Bằng việc tái cấu trúc lại cách các phân tử nhựa kết hợp với nhau, nhóm nghiên cứu có được loại nhựa đem đến hiệu quả gấp 10 lần các sản phẩm cũ và chúng có thể tái chế dễ dàng hơn bằng phương pháp hóa học. Trong báo cáo khoa học mới đây được đăng tải trên tạp chí Nature, loại nhựa mới này có nguồn gốc từ dầu thực vật, chúng thân thiện với môi trường và có thể thay thế được chất liệu nhựa chúng ta vẫn đang sử dụng.

Hầu hết các quy trình tái chế ngày nay đều dựa trên dây chuyền cơ khí. Rác thải nhựa sẽ được cắt nhỏ và chế biến thành vật liệu nhựa mới. Tái chế hóa chất đòi hỏi nhiệt độ cao hoặc các chất phá vỡ chuỗi phân tử nhựa. Độ bền của nhựa cũng là một trong những trở ngại ngăn cản quá trình tái chế hóa học: chúng quá dẻo và chắc chắn. Polyethylene là loại nhựa phổ biến nhất, cấu trúc của nó sẽ bị phân rã ở nhiệt độ 600 độ C. Chưa hết, quá trình tái chế polyethylene bằng chất hóa học không đạt hiệu quả tốt.


Vỏ điện thoại nhựa làm từ dầu thực vật, in 3D do nhóm khoa học trường Đại học Konstanz.

Stegan Mecking, tác giả chính của nghiên cứu và cũng là người đứng đầu mảng khoa học vật chất tại Đại học Konstanz (Đức) cho biết: “Khả năng ổn định của các chuỗi hydrocarbon là vấn đề rất nan giải. Để có thể thực sự phân rã chúng thành những phân tử nhựa, ta cần một nhiệt độ đủ lớn, điều này tốn rất nhiều năng lượng. Kết quả thu lại cũng không được như những gì ta mong muốn”.

Được biết, loại nhựa mới do ông Mecking và cộng sự tạo ra mang những liên kết hóa học dễ bị phân rã hơn, do đó quá trình tái chế hóa học cũng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Nhúng loại nhựa mới vào ethanol hoặc methanol, thêm chất xúc tác và đặt vào trong mội trường ở nhiệt độ 120 độ C, nhựa sẽ ngay lập tức phân rã. Nếu không có chất xúc tác, quá trình tái chế cũng chỉ cần mức nhiệt 150 độ C là đã có thể đem đến kết quả tốt.

Sau khi có được sản phẩm sau tái chế, các nhà nghiên cứu làm nguội và tái tinh thể hóa thứ nhựa đã tan chảy rồi tiến hành lọc. Khi thử nghiệm với nhựa polycarbonate, nhóm nghiên cứu thu về được tới 96% lượng vật liệu tạo nên thứ nhựa tổng hợp. Trong nghiên cứu mới này, các nhà hóa học phát hiện ra rằng khi nhựa có chứa màu nhuộm hoặc các sản phẩm phụ (như sợi carbon) khiến việc tái chế cơ khí trở nên khó khăn. Họ chọn dầu thực vật làm nhựa vì trong dầu thực vật có một chuỗi phân tử dài, so với dầu thô được sử dụng trong sản xuất nhựa hàng loạt, dầu thực vật thân thiện với môi trường hơn.

Loại nhựa mới có độ bền tương đương với polyethylene đậm đặc và thích hợp cho in 3D hơn cả polyethylene. Sau khi tái chế, nhựa gốc dầu thực vật vẫn giữ được các đặc tính của nó. Trở ngại duy nhất ngăn việc đại chúng hóa thứ vật liệu mới là giá thành quá cao. Ethylene là “viên gạch nền móng rẻ nhất được dùng để xây nên ngành công nghiệp hóa học”, vậy nên việc có thể cạnh tranh được với nhựa polyethylene ở thời điểm hiện tại là không thể.

Hiện tại, Giáo sư Mecking và các đồng nghiệp của ông đang nghiên cứu tính khả thi của chất dẻo mới trong in 3D. Ông nói thêm về việc tiếp tục phát triển các loại nhựa mới và mở rộng quy mô sản xuất.

Bảo Linh
http://vietq.vn/che-tao-thanh-cong-loai-nhua-an-toan-duoc-lam-tu-dau-thuc-vat-d183984.html

Việt Nam nằm trong top 3 chuyển đổi năng lượng tái tạo tại châu Á-TBD

Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực và đứng đầu trong số các thị trường mới nổi khi Việt Nam đưa ra biểu giá điện tốt để thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời.

Trang energyvoice.com dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất của IHS Markit (Anh) cho thấy Australia, Nhật Bản và Việt Nam đang dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Chỉ số bổ sung năng lượng tái tạo của IHS, mạng lưới phát triển năng lượng tái tạo đã tăng vọt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khoảng 1/3 số dự án năng lượng đang được xây dựng (khoảng 80 gigawatt) để sản xuất điện gió và điện mặt trời, thủy điện và các loại năng lượng tái tạo khác ở 16 thị trường trọng điểm trong khu vực.


Nhà máy điện mặt trời Sao Mai-An Giang với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng hoàn thành sau 2 năm xây dựng. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Australia đứng đầu chỉ số với 89% công suất đang được xây dựng là điện gió, điện mặt trời hoặc điện sinh khối. Xếp thứ hai là Nhật Bản. Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực và đứng đầu trong số các thị trường mới nổi khi Việt Nam đưa ra biểu giá điện tốt để thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời. Tiếp theo là Hàn Quốc xếp thứ tư.

Phó Chủ tịch phụ trách năng lượng tái tạo và điện toàn cầu tại IHS Markit, Xizhou Zhou nhận xét: “Bảng xếp hạng của IHS cho thấy mức thu nhập không phải là yếu tố duy nhất quyết định mức độ sẵn sàng theo đuổi năng lượng sạch của một nước. Năng lượng tái tạo không còn là điều xa xỉ của nước giàu vì chi phí sẽ tiếp tục giảm.”

Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường năng lượng tái tạo lớn nhất, chiếm 58% năng lượng điện gió và 33% số dự án năng lượng điện mặt trời vẫn đang được xây dựng. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ đứng thứ tám vì mạng lưới phát triển điện đốt than và đốt khí rộng lớn.

Chính phủ nhiều nước trong khu vực đã công bố tham vọng năng lượng sạch, trong khi một số chính phủ khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, thậm chí cam kết mục tiêu trung hòa khí phát thải./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-nam-trong-top-3-chuyen-doi-nang-luong-tai-tao-tai-chau-atbd/695527.vnp

Hàn Quốc xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới

Các nhà chức trách Hàn Quốc đã ký hợp đồng trị giá 36 tỷ euro nhằm xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. 

Nghèo nàn về các nguồn năng lượng truyền thống, Hàn Quốc tích cực hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Hiện nay, Hàn Quốc đang sử dụng nhiệt điện từ than nhập khẩu, chiếm tỷ trọng 40%.

Ngoài mục tiêu trung hòa carbon, Tổng thống Moon Jae-in có dự định loại bỏ dần điện hạt nhân, khai thác chủ yếu năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện.

Ông Moon Jae-in đã giám sát việc ký kết hợp đồng trị giá 48 nghìn tỷ won (36 tỷ euro) để xây dựng một trang trại điện gió khổng lồ ngoài khơi bờ biển Sinan phía Tây Nam Hàn Quốc. Theo ông Moon, trang trại điện gió sẽ có công suất tối đa là 8,2GW, với kích thước rộng gấp 7 lần trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất hiện nay.

Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh vị trí địa lý độc đáo của bán đảo Triều Tiên. Ông khẳng định: “Hàn Quốc có tiềm năng vô tận về năng lượng gió ngoài khơi và công nghệ tốt nhất thế giới trong lĩnh vực này”.

Có 33 tổ chức khác nhau tham gia vào thỏa thuận này, bao gồm chính quyền địa phương, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc Kepco, các công ty tư nhân lớn như Công ty xây dựng và công nghiệp nặng Doosan hay công ty SK E&S. Theo Ông Moon Jae-in, dự án cần hơn 5 năm chuẩn bị trước khi bắt đầu xây dựng, tuy nhiên chính phủ cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ.

Năm ngoái, Seoul đặt mục tiêu lọt vào top 5 quốc gia sản xuất năng lượng gió hàng đầu thế giới vào năm 2030. Hàn Quốc có 24 nhà máy điện hạt nhân với mật độ cao nhất thế giới. Quốc gia này đặt mục tiêu giảm còn 17 nhà máy vào năm 2034, cũng như một nửa sản lượng điện hạt nhân.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/han-quoc-xay-dung-trang-trai-dien-gio-ngoai-khoi-lon-nhat-the-gioi-600050.html

Ngành hàng không sẽ thực hiện chuyển đổi sang năng lượng “xanh” như thế nào?

Trong tương lai, ngành hàng không phản lực thế giới có thể chuyển sang sử dụng nhiên liệu mới. Tuy nhiên hình dáng của máy bay sẽ thay đổi.

Chuyển đổi xanh toàn cầu: Thế giới sẽ vận hành như thế nào?

Cùng với những con số kỷ lục về tình trạng biến đổi khí hậu, thế giới cũng đã ghi nhận những kỷ lục trong lĩnh vực tài chính và công nghệ. Lĩnh vực đầu tư vào tài sản “xanh” đang phát triển mạnh và chứng tỏ vị trí quan trọng trong quá trình chuyển đổi “xanh” toàn cầu. Khối lượng trái phiếu “xanh” phát hành tăng mạnh so với năm 2019 và đạt kỷ lục 350 tỷ USD trong năm 2020.

Xu thế chung của thế giới hiện nay là loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và sử dụng năng lượng xanh. Để đạt được điều này, lối sống của người dân cần phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Vậy ngành hàng không sẽ thực hiện chuyển đổi sang năng lượng “xanh” như thế nào?

Các chuyến bay sử dụng nhiên liệu thay thế đã được thực hiện trên các máy bay không người lái. Nhiên liệu thay thế được sử dụng cho ngành hàng không, ví dụ, thay vì dầu hỏa, nhiên liệu hydro được sử dụng. Có dự báo đến năm 2035 máy bay sẽ có thể bay thực sự bằng nhiên liệu như vậy.

Theo Tổng giám đốc của Viện Động cơ Hàng không Trung ương Nga (CIAM), trong tương lai, ngành hàng không phản lực thế giới có thể chuyển sang sử dụng nhiên liệu mới. Tuy nhiên hình dáng của máy bay sẽ thay đổi.

Máy bay của tương lai sẽ sử dụng nhiên liệu hydro. Vấn đề không hề đơn giản. Điểm độc đáo là về hiệu suất trọng lượng, mật độ năng lượng trên một kilogram khối lượng. Theo Tổng giám đốc CIAM, Hydro lỏng là chất lưu trữ năng lượng tốt nhất, tốt hơn nhiều lần so với dầu hỏa. Do đó, sử dụng nó rất có lãi.

Nhiên liệu khác nhau có nghĩa là máy bay khác nhau

Tuy nhiên, nhiên liệu hydro có một điểm đặc biệt: nó chiếm thể tích lớn hơn dầu hỏa. Theo đó, để phù hợp với nó, sẽ phải được thiết kế các máy bay có hình dạng khác.

Theo ý kiến chuyên gia, trong sơ đồ khí động học của máy bay hiện đại cần có sự hợp lý giữa khối lượng nhiên liệu hydro cần thiết và thể tích dùng để chuyên chở hành khách.

Ngoài ra, những chiếc máy bay như vậy đòi hỏi phải tạo ra một cơ sở hạ tầng thích hợp để lưu trữ và tiếp nhiên liệu hydro đông lạnh, nhân viên sân bay cần dược đào tạo kỹ năng làm việc thích hợp.

Ngọc Linh

https://petrotimes.vn/nganh-hang-khong-se-thuc-hien-chuyen-doi-sang-nang-luong-xanh-nhu-the-nao-600125.html