Châu Âu quyết giành miếng bánh trong thị trường pin điện ôtô

Ủy ban châu Âu hôm 26/1 đã phê duyệt khoản viện trợ công 2,9 tỷ euro cho một dự án nghiên cứu lớn của châu Âu về pin thế hệ mới.

Châu Âu, đang tìm cách cạnh tranh với châu Á trong thị lĩnh vực pin điện dành cho ô tô, vào cuối năm 2019 đã phê duyệt khoản viện trợ 3,2 tỷ euro cho một dự án khác liên quan đến bảy quốc gia thành viên. Dự án đầu tiên này có sự tham gia của 17 công ty, bao gồm BMW, mà còn có các công ty hóa học Đức là BASF và Solvay của Bỉ.

Trong dự án mới được thông qua hôm 26/1, “Đức đã giữ vị trí hàng đầu trong việc điều phối nhiều hơn nữa các công ty công nghiệp và các quốc gia thành viên”, Ủy viên Cạnh tranh EU Margrethe Vestager cho biết tại một hội nghị.

Dự án mới, được đặt tên là “Sự đổi mới của châu Âu trong pin điện” quy tụ 42 công ty cho đến năm 2028, bao gồm các nhà sản xuất BMW, Fiat và Tesla (nằm gần Berlin), công ty hóa học Pháp Arkema và chuyên gia về pin Thụy Điển Northvolt.

Bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị từ nguyên liệu thô đến tái chế, dự án này cũng bao gồm các công ty khởi nghiệp và dự kiến sẽ hợp tác với nhiều tổ chức nghiên cứu và trường đại học.

Ủy ban EU cho biết viện trợ công sẽ mở ra khoảng 9 tỷ euro đầu tư tư nhân.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức, Peter Altmaier, nói: “Việc phê duyệt dự án sản xuất pin quy mô lớn thứ hai ở châu Âu này là một thành công rất lớn, và sẽ giúp bảo vệ hệ sinh thái ở Đức và châu Âu”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Ông nói thêm: “Đó là một triển vọng tốt để pin made in Germany và made in Europe trở thành thương hiệu quốc tế, được công nhận về chất lượng, hiệu suất và tôn trọng môi trường”.

Margrethe Vestager cho biết: “Trong những thách thức đổi mới lớn này đối với nền kinh tế châu Âu, rủi ro có thể là quá lớn đối với một quốc gia hoặc một công ty.

Thị trường pin ngày nay chủ yếu do các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chi phối.

Đặc biệt, Trung Quốc đang dẫn đầu với một nửa doanh số bán ô tô điện toàn cầu và 2/3 năng lực sản xuất pin điện toàn cầu.

Châu Âu, tụt hậu, chỉ chiếm 3% sản lượng toàn cầu, một thực tế gây lo ngại cho ngành công nghiệp ô tô của EU đang bị cạnh tranh từ Tesla và sự gia tăng của các nhà sản xuất Trung Quốc.

Nhưng EU có tham vọng bắt kịp và nhắm mục tiêu chiếm 25% thị trường pin điện vào cuối thập kỷ này, để duy trì và tạo việc làm cho tương lai, nhưng cũng để kiểm soát nguồn cung của mình trong một khu vực chiến lược.

Pin chiếm khoảng một phần ba giá trị của ô tô điện. Theo công ty tư vấn chiến lược BCG, thị trường pin ô tô toàn cầu có thể đạt 45 tỷ euro vào năm 2027.

“Bằng cách tập trung vào pin thế hệ mới, dự án toàn châu Âu này sẽ giúp cách mạng hóa thị trường. Nó cũng sẽ tăng cường quyền tự chủ chiến lược của chúng tôi trong một lĩnh vực quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sinh thái”, Maros Sefcovic, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách lĩnh vực này cho biết.

Nh.Thạch/AFP
https://petrotimes.vn/chau-au-quyet-gianh-mieng-banh-trong-thi-truong-pin-dien-oto-597579.html

Chuyển đổi xanh toàn cầu: Thế giới sẽ vận hành như thế nào?

Các chuyên gia Klaus Mike, Dmitry Belov, Agrafena Kotova, Evgeny Kuznetsov, Anita Mujumdar, Aleksei Shadrin đã trình bày báo cáo về chủ đề chuyển đổi năng lượng toàn cầu theo hướng “xanh” hơn bằng cách giảm phát thải carbon.

Các chuyên gia nhận định, chuyển đổi “xanh” toàn cầu đang ngày càng gia tăng bất chấp khủng hoảng đại dịch và mâu thuẫn giữa các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) trong các cuộc đàm phán thuộc khuôn khổ chương trình nghị sự về khí hậu của Liên hợp quốc.

Số lượng các thảm họa tự nhiên và nhân đạo do hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra đang gia tăng đều đặn theo từng năm. Tuy nhiên, thế giới vẫn còn đó những mâu thuẫn trong chính sách khí hậu toàn cầu. Năm 2019, trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị thứ 25 của UNFCCC, các nước đã không thể thống nhất về Điều 6 về các cơ chế tài chính của Thỏa thuận Paris 2015. Năm 2020, hội nghị khí hậu lần thứ 26 của UNFCCC đã bị hoãn lại đến năm 2021 do tác động của đại dịch Covid-19. Đồng thời, bất chấp đại dịch, chương trình nghị sự về khí hậu đã được củng cố đáng kể. Chuyển đổi “xanh” dựa trên nhiều khía cạnh như công nghệ kỹ thuật số đang trở thành đối tượng cạnh tranh giữa các quốc gia và tập đoàn. Nhiều quốc gia, ngân hàng và các tập đoàn quốc tế đã tham gia cuộc cạnh tranh này, tiêu biểu nhất là Liên minh châu Âu (EU).

Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 với mục tiêu giữ cho sự ấm lên toàn cầu trong khoảng 2 độ C và tìm cách hạn chế xuống 1,5 độ C vào năm 2100 đặt ra quỹ đạo mới cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới và hình thành xu hướng vĩ mô cho quá trình khử carbon. Bất chấp những bất đồng nói trên giữa các bên tham gia UNFCCC về một số vấn đề, nhiều quốc gia và tập đoàn hàng đầu thế giới đã tự nguyện công bố các mục tiêu về trung hòa hoàn toàn carbon vào giữa thế kỷ XXI. Điều này xuất phát chủ yếu từ áp lực của dân chúng, đòi hỏi chính phủ của họ phải hành động tích cực để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Các doanh nghiệp cũng theo đó để chạy đua nhằm chiếm lĩnh những cơ hội thị trường và công nghệ mới.

Biến đổi khí hậu và hậu quả của nó là mối đe dọa thực sự đối với GDP và sinh kế của người dân ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thiệt hại kinh tế hàng năm do thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan lên đến hàng tỷ USD. Tác động của biến đổi khí hậu cũng bao gồm việc băng vĩnh cửu tan chảy và sự xuất hiện của các loại bệnh mới. Để giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia, khu vực, doanh nghiệp đang tích cực thực hiện các chiến lược và biện pháp thích ứng với khí hậu. Một số biện pháp nổi bật như hiện đại hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe, đã được đưa vào các gói khắc phục khủng hoảng.

Cùng với những con số kỷ lục về tình trạng biến đổi khí hậu, thế giới cũng đã ghi nhận những kỷ lục trong lĩnh vực tài chính và công nghệ. Lĩnh vực đầu tư vào tài sản “xanh” đang phát triển mạnh và chứng tỏ vị trí quan trọng trong quá trình chuyển đổi “xanh” toàn cầu. Lĩnh vực này trong thời kỳ khủng hoảng ghi nhận thành công hơn các lĩnh vực kinh tế truyền thống, đồng thời chứng tỏ sự ổn định tài chính hơn. Khối lượng trái phiếu “xanh” phát hành tăng mạnh so với năm 2019 và đạt kỷ lục 350 tỷ USD trong năm 2020. Theo báo cáo của PwC, một phân khúc mới của thị trường đầu tư mạo hiểm đã xuất hiện trong năm 2020: công nghệ khí hậu. Phân khúc này hội tụ các tập đoàn, công ty lớn toàn cầu như Amazon, Tesla, Google, Microsoft đã và đang đầu tư. Những dữ kiện này cho thấy, loài người đang ở giai đoạn đầu của một xu hướng dài hạn hướng tới sự chuyển đổi “xanh” toàn cầu của nền kinh tế. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự cạnh tranh cho các thị trường chính và kiểm soát các dòng tài chính quốc tế. Câu hỏi đặt ra là: ai sẽ là người dẫn đầu và ai là người thua cuộc trong cuộc đua toàn cầu này.

Việc thông qua Thỏa thuận xanh châu Âu cho thấy sự tuân thủ chặt chẽ của EU đối với chiến lược trung hòa carbon vào năm 2050. Nó được lên kế hoạch chi ít nhất 1000 tỷ euro trong thập kỷ này. Mọi thứ chỉ ra rằng, EU đang trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua “xanh” nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và duy trì vị thế là trung tâm kinh tế toàn cầu có khả năng thiết lập các tiêu chuẩn tại các thị trường mới đầy hứa hẹn.

Đồng thời, để bảo vệ thị trường của mình và có thể bổ sung ngân sách, EU đã giới thiệu chính sách thuế carbon xuyên biên giới. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến các nhà cung cấp năng lượng, vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng cho EU như Nga, các quốc gia Trung Đông, Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác nếu các nền kinh tế này không kịp trung hòa carbon trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa của mình. Thật hợp ký khi cho rằng những người thua cuộc từ sự chuyển đổi “xanh” của EU nói riêng và trong nền kinh tế toàn cầu nói chung sẽ trở thành các quốc gia sản xuất hàng hóa với lượng khí thải carbon cao hơn đối thủ cạnh tranh của họ. Để không nằm trong số những người chạy đua hàng đầu, các quốc gia đang phát triển cần phải có hành động tương xứng, khéo léo sử dụng các lợi thế cạnh tranh hiện có và tiềm năng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực tế cho thấy, chúng ta đang ở trong quá trình đổi mới đang diễn ra với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế lẫn công nghệ.

Công nghệ số hóa đã thành công trong thời gian đại dịch, cho phép các chính phủ và doanh nghiệp hóa giải một số hậu quả tiêu cực từ cuộc khủng hoảng y tế. Trong thời gian đại dịch, tầm quan trọng của công nghệ nhằm tăng tính minh bạch, nhận dạng kỹ thuật số, giám sát và đánh giá rủi ro, nền kinh tế không tiếp xúc, đầu tư công, trí tuệ nhân tạo và máy học đã tăng lên. Số hóa trở thành một phần quan trọng không thể thiếu của nhiều gói khôi phục vượt khủng hoảng. Ví dụ, Trung Quốc đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 1.400 tỷ USD. Đáng chú ý, sự chú trọng đã được chuyển sang đầu tư kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng thế hệ tiếp theo. EU cũng đang ưu tiên số hóa và khử carbon như một phần của gói khôi phục kinh tế sau đại dịch với khẩu hiệu chính thức là “Phục hồi xanh và kỹ thuật số”.

Viễn Đông
https://petrotimes.vn/chuyen-doi-xanh-toan-cau-the-gioi-se-van-hanh-nhu-the-nao-597385.html

Cú hích cho ngành công nghiệp khí hydro của Pháp

Ngày 11/1, chính phủ Pháp thông báo thành lập Hội đồng khí Hydro Quốc gia, bao gồm khoảng 15 nhà sản xuất, chịu trách nhiệm “đóng góp” vào việc phát triển hydro không phát thải carbon ở Pháp.

“Cơ quan này là cầu nối trao đổi giữa nhà nước và các bên liên quan, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp, và đo lường các hành động đã được lên kế hoạch để xác định những trở ngại trong việc phát triển hydro”, Bộ Kinh tế, Chuyển đổi và Nghiên cứu sinh thái Pháp, giải thích.

Hội đồng này sẽ họp trong khuôn khổ của Hội đồng Công nghiệp Quốc gia và sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên trong tháng 1/2021.

Pháp có kế hoạch đầu tư 7 tỷ euro vào năm 2030 nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của ngành hydro không phát thải carbon, đồng thời giúp ngành công nghiệp và xe tải hạng nặng trở nên ít phát thải hơn.

Theo chính phủ Pháp, mục tiêu của việc thành lập này là đẩy nhanh tốc độ làm chủ công nghệ của chuỗi giá trị và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang quy mô công nghiệp, cho phép giảm chi phí sản xuất.

Khoảng 880.000 tấn hydro công nghiệp đã được sản xuất ở Pháp vào năm 2020 (được sử dụng để lọc dầu hoặc sản xuất phân bón hóa học), nhưng 95% là từ nhiên liệu hóa thạch, theo France Hydrogen. Đến năm 2030, ngành này đặt mục tiêu là 1,35 triệu tấn, cho các mục đích sử dụng mở rộng và 52% trong số đó được sản xuất từ năng lượng tái tạo, thậm chí là năng lượng hạt nhân hoặc hóa thạch có thu giữ carbon.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cu-hich-cho-nganh-cong-nghiep-khi-hydro-cua-phap-594994.html

Sử dụng sợi nấm làm vật liệu cách âm thân thiện với môi trường

Việc sử dụng nấm làm vật liệu trong sản xuất da và bao bì “xanh” đang cho thấy nhiều hứa hẹn.

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã sử dụng nấm để thiết kế một loại vật liệu thân thiện với môi trường và có khả năng hấp thụ âm thanh hiệu quả.


Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều vật liệu cách âm khác nhau. Vật liệu cách âm chủ yếu được làm bằng vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu gốc khoáng.

Tuy nhiên, việc xử lý và tái chế cả hai vật liệu này không hề đơn giản và đặc biệt là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Xuất phát từ thực tế trên, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Môi trường, An toàn và Năng lượng Fraunhofer của Đức đã sử dụng sợi nấm để chế tạo vật liệu thân thiện với môi trường có khả năng hấp thụ âm thanh.

Phần lớn nấm phát triển dưới dạng các sợi đa bào được gọi là sợi nấm. Sợi nấm là thành phần sinh dưỡng của nấm, được tạo thành từ các cấu trúc giống như sợi chỉ nên được gọi là sợi nấm.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu hoạch sợi nấm được trồng trong phòng thí nghiệm, sau đó bổ sung vào chất nền bao gồm rơm, sợi gỗ và chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất thực phẩm. Hỗn hợp này sau đó được in 3D thành hình dạng mong muốn.

Các sợi nấm tiếp tục phát triển trên khắp bè mặt ma trận ba chiều, tạo thành một chất rắn độc lập. Sau khi đạt độ rắn nhất định, vật liệu được sấy khô trong lò nung ở nhiệt độ cao nhằm ngăn chặn sự phát triển thêm của nấm. Kết quả là vật liệu có cấu trúc ô thoáng xốp “lý tưởng cho mục đích cách âm” ra đời.

Vật liệu mới không chỉ được làm hoàn toàn từ các thành phần tái tạo, có khả năng phân hủy sinh học. Một số thành phần có thể bị loại bỏ tuy nhiên vì được in 3D nên cấu trúc bên trong của vật liệu được tối ưu hóa để hấp thụ âm thanh.

Các nhà khoa học cho biết họ đang lên kế hoạch thực hiện những nghiên cứu sâu rộng hơn nhằm mục đích xác định dạng cấu trúc hoạt động hiệu quả nhất.

Theo Dân trí
https://petrotimes.vn/su-dung-soi-nam-lam-vat-lieu-cach-am-than-thien-voi-moi-truong-596004.html

Cá robot – Phương tiện mới cho hoạt động cứu hộ trên biển

Lấy cảm hứng từ hình ảnh đàn cá gồm hàng nghìn con chuyển động đều tăm tắp, các nhà khoa học của Đại học Harvard mới đây đã phát triển cá robot mini có khả năng tự bơi thành đàn ở dưới nước.

Cá robot có tên “Bluebot,” được trang bị 2 camera ở mắt và 3 đèn LED xanh trên thân. Chúng sử dụng những chiếc vây nhỏ thay vì chân vịt, nhờ đó chuyển động được dễ dàng và linh hoạt hơn so với các thiết bị không người lái ở dưới nước khác.

Cá Robot có tên “Bluebot” (Nguồn: AFP)

Nhờ đôi mắt camera phát hiện ánh sáng đèn LED và một thuật toán giúp xác định khoảng cách, phương hướng, khi thả xuống dưới bể nước, những cá robot này tự động bơi theo vòng tròn xung quanh một điểm và lặp lại những chuyển động mà không cần sự tác động của bên ngoài.

Người đứng đầu nghiên cứu Florian Berlinger cho hay phát minh mới này được đánh giá là hữu ích trong ứng dụng tương lai, ví dụ như tìm kiếm cứu hộ người bị nạn trên biển hoặc giám sát môi trường hoặc cơ sở hạ tầng.

Những con cá robot siêu nhỏ này được tạo ra bằng công nghệ in 3D, có chiều dài 10 cm và thiết kế của chúng một phần được lấy cảm hứng từ cá Bắp Nẻ xanh, vốn sinh sống ở những rặng san hô của Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương.

Trong một cuộc thử nghiệm, ông Berlinger mô tả những con cá robot được thả khắp bể nước để tìm kiếm nguồn sáng. Khi một con cá robots phát hiện ánh sáng, đèn LED gắn trên thân nó sẽ nhấp nháy, phát tín hiệu đến các con cá khác trong đàn để cùng tụ tập quanh ánh sáng đó./.

Lê Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ca-robot-phuong-tien-moi-cho-hoat-dong-cuu-ho-tren-bien/689574.vnp

IEA: Lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng trở lại trong năm 2021

Giám đốc điều hành IEA cảnh báo dữ liệu ban đầu cho thấy lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng trở lại vào năm 2021 khi đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 11/1, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol cảnh báo dữ liệu ban đầu cho thấy lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng trở lại vào năm 2021 khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lây lan.

Tuy nhiên, ông Birol cho biết thêm mối liên kết chính trị toàn cầu mới về khí hậu sẽ mở ra những khả năng mới để giải quyết thách thức về khí hậu.


Khói bốc lên tại một nhà máy ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành IEA cũng khẳng định chính phủ mới của Mỹ dưới thời ông Joe Biden sẽ đóng góp vào các cam kết toàn cầu.

Trước đó, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) ngày 8/1 cảnh báo hoạt động của con người trong năm 2021 sẽ đẩy nồng độ CO2 trong khí quyển lên mức cao hơn 50% so với trước cuộc cách mạng công nghiệp, vi phạm một ngưỡng mang tính biểu tượng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Ông Richard Betts, một nhà khoa học khí hậu tại Met Office cho biết sự tích tụ khí CO2 trong khí quyển do hoạt động của con người gây ra đang tăng tốc.

Trước đây, phải mất hơn 200 năm để lượng khí này trong khi quyển đạt mức tăng 25%. Nhưng bây giờ, thế giới chỉ cần hơn 30 năm để tiến tới mức tăng 50%./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/iea-luong-khi-thai-toan-cau-se-tang-tro-lai-trong-nam-2021/689107.vnp