Phát triển kinh tế xanh: Cần chính sách hỗ trợ thiết thực

Áp dụng khoa học kỹ thuật cao, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên… là giải pháp quan trọng để hướng tới phát triển bền vững trên cả ba phương diện kinh tế – xã hội – môi trường. Tuy nhiên, muốn làm được việc này ngoài cơ chế chính sách của nhà nước, sự tham gia của xã hội thì doanh nghiệp (DN) phải giữ vai trò trung tâm.

Diễn đàn CEO Kinh doanh xanh (Ảnh: Báo Công Thương)

Chìa khóa để phát triển bền vững

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 20 năm qua, tăng trưởng kinh tế đã giúp hơn 660 triệu người thoát nghèo, nâng mức thu nhập của hàng triệu người khác nhưng tăng trưởng thường đi kèm với tổn thất về môi trường. Nguồn tài nguyên bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường… là những yếu tố đe dọa tính bền vững của tăng trưởng và những tiến bộ về mặt phúc lợi xã hội. Thực tế cho thấy, trên thế giới vẫn còn cả tỷ người sống trong tình trạng thiếu điện và nước sạch cùng với những tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu.

Ông Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT): Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất đưa chỉ số môi trường trở thành một phần trong báo cáo đánh giá DN. Đề nghị nhà nước ưu đãi các DN có chỉ số môi trường tốt được vay vốn để mở rộng sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch.

Ở Việt Nam, sau gần 30 năm đổi mới, nền kinh tế – xã hội đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường, tài nguyên không tái tạo đang dần cạn kiệt,khoảng cách giàu nghèo gia tăng và các vấn đề do biến đổi khí hậu gây nên như thiên tai lũ lụt, hạn hán… Thêm vào đó nhiều ngành hỗ trợ, giải quyết vấn đề môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo… còn chưa phát triển.

Tại diễn đàn CEO cùng với chủ đề “Kinh doanh xanh” vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để phát triển kinh tế bền vững thì con đường duy nhất là phải tập trung cho kinh tế xanh. Theo đó, sự tăng trưởng kinh tế phải gắn với giảm phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên. Đây cũng là chìa khóa để phát triển bền vững. Vì vậy, các DN cần phải thay đổi tư duy nhằm phát triển chiến lược kinh doanh xanh gắn quản trị cả tài chính, tài nguyên, con người một cách hiệu quả.

Cần lộ trình hỗ trợ cụ thể

Theo các chuyên gia, để phát triển kinh tế xanh, DN phải giữ vai trò trung tâm bởi chính họ là người quyết định đến đầu tư, lựa chọn công nghệ sản xuất, sử dụng tài nguyên và lao động. Tuy nhiên, các DN lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi để cải tiến công nghệ, thiếu bộ chỉ số tiêu chuẩn và cơ quan chức năng xác thực được mức độ bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm của DN; cũng như các vấn đề tuyên truyền nâng cao nhận thức của DN, người lao động và cộng đồng.

Bà Laura Altinger – chuyên viên cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới WorldBank – cho biết: Tại Việt Nam, tỷ lệ đầu tư trên GDP cho tăng trưởng xanh chỉ khoảng 0,2%. Do vậy, điều quan trọng nhất là nhà nước phải có các chính sách hỗ trợ với lộ trình cụ thể theo từng bước phát triển của nền kinh tế để các DN mặn mà với kinh tế xanh. Bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, DN sẽ lựa chọn sử dụng nguồn năng lượng ít hơn, hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng không tái tạo.

Theo Đình Dũng/Báo Công Thương

 

Thách thức giảm phát thải khí CO2

Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để giảm phát thải khí CO2 trong khu vực công nghiệp từ nay đến năm 2020, đây là một thách thức không nhỏ trên con đường phát triển kinh tế bền vững.

Thách thức giảm phát thải CO2

Chính doanh nghiệp là người có lợi nhiều nhất khi tham gia vào tăng trưởng xanh. Nguồn: Internet

Chiến lược phù hợp

Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững và ứng phó với suy thoái môi trường. Hiện nhiều quốc gia ở châu Á đang bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế theo hướng bền vững hơn và Việt Nam cũng đang hướng tới.

Trong “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ năm 2011 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Chính phủ phê duyệt, nêu rõ: Mục tiêu từ nay tới năm 2020, Việt Nam sẽ giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8%-10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1%-1,5%/năm. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10-20% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện khoảng 10%, 10% còn lại mức phấn đấu khi có thêm hỗ trợ quốc tế.

Định hướng đến năm 2030 giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5-2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20-30% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó, mức tự nguyện khoảng 20%, 10% còn lại là mức khi có thêm hỗ trợ quốc tế. Định hướng đến năm 2050 giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 1,5-2%.

Cũng theo chiến lược này, Việt Nam sẽ xanh hóa sản xuất, thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường. Đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm…

Giải pháp tài chính

Hơn thập kỷ qua, biến đổi khí hậu hàng năm đã gây thiệt hại khoảng 2-6% GDP của Việt Nam. Mỗi năm Chính phủ Việt Nam đã dành khoảng 1 tỷ USD cho các chương trình và dự án biến đổi khí hậu, trong đó có tăng trưởng xanh thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, chương trình liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Từ năm 1993 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã dành khoảng 2 tỷ USD vốn ODA cho các dự án, chương trình liên quan đến tăng trưởng xanh. Ngoài ra, các tổ chức, các quỹ quốc tế cũng tham gia cung cấp tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật, như Chương trình giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (REDD+), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Cơ chế phát triển sạch (CDM)…

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam được đánh giá cao, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguồn tài chính phân bổ cho các dự án, chương trình liên quan đến tăng trưởng xanh còn rải rác, chưa tập trung, trong khi để giảm phát thải khí nhà kính 8% đến 10% so với mức 2010 như mục tiêu đề ra, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần 30 tỷ USD. Đây là khoản kinh phí không nhỏ đối với Việt Nam và để huy động được nguồn lực này cần tích hợp nhu cầu tăng trưởng xanh và bền vững vào khung phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, 10 năm, và sử dụng cơ chế thích hợp để huy động vốn, nhất là từ khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế.

Tại hội thảo “Tiếp cận tài chính cho tăng trưởng xanh và chiến lược phát triển ít phát thải” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện những hình thức tiếp cận tài chính cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng và đa dạng nhưng chủ yếu là từ đầu tư công của Chính phủ, nguồn vốn ODA và các tổ chức, các quỹ quốc tế mà chưa có sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân. Do đó, trong tương lai, cần triển khai một số dự án thí điểm cho các nhà đầu tư sinh lợi, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn vào tăng trưởng xanh.

Đại diện Bộ Công Thương tại hội thảo “Tăng cường năng lực xây dựng và thực thi chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh ở Việt Nam”, đã đề xuất: Cần thiết lập và tăng cường cơ chế điều phối, phối hợp thường xuyên giữa cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu và các đầu mối Ủy ban quốc gia tại các Bộ; Ban hành, thể chế hóa yêu cầu lồng ghép biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược. Nhà nước đảm bảo kinh phí và mức độ kinh phí cho thực hiện tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính… để các Bộ, ngành chủ động trong ưu tiên hóa và lập kế hoạch thực hiện, đặc biệt là phân bổ kinh phí cho các hạng mục đầu tư thí điểm các mô hình và công nghệ giảm phát thải./.

Theo ven.vn

 

Việt Nam tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 103/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu tại phiên họp thứ tư Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu.

Theo đó, trong năm 2014, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tuyên truyền sâu, rộng Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường để các cấp, các ngành và mọi người dân đều nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm cao trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để thích nghi, phát triển bền vững.

Riêng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, cập nhật, công bố bản đồ về nguy cơ ngập, lún, nhất là các khu vực ven biển, hải đảo do nước biển dâng để làm cơ sở cho các ngành, các địa phương xây dựng các phương án chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai….

Với Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ giao tiếp tục đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nghiên cứu phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo tiết kiệm điện, giảm ô nhiễm môi trường; thực hiện lộ trình giá điện theo nguyên tắc giá thị trường…/.

Theo ven.vn

Giải thưởng SEED 2014 kêu gọi đề xuất

Chúng tôi xin vui mừng thông báo, Sáng kiến SEED vừa khởi động Giải thưởng SEED Awards 2014 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.

Giải thưởng hướng tới các doanh nghiệp mới thành lập có mục đích tạo lập giá trị môi trường, xã hội và kinh tế tại địa phương ở các nước đang phát triển hoặc mới nổi.

 

 

Hệ thống giải thưởng SEED năm nay bao gồm:

• 30 Giải SEED tại châu Phi dành cho các doanh nghiệp tại Ethiopia, Malawi, Morocco, Mozambique, Namibia, Tanzania và Uganda;
• 12 Giải SEED tại Nam Phi dành cho các doanh nghiệp tại Nam Phi, trong đó có 4 giải dành cho các doanh nghiệp đến từ các tỉnh Free State, Limpopo và KwaZulu Natal;
• 10 Giải SEED trong lĩnh vực phát triển xanh dành cho các doanh nghiệp tại  Colombia, India, Tanzania, Uganda và Việt Nam;
• 3 Giải SEED trong lĩnh vực bình đẳng giới dành cho các doanh nghiệp tại các nước không nằm trong khối OECD hoặc không là thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Các doanh nghiệp quan tâm có thể nộp hồ sơ từ ngày 11/02/2014 đến hết ngày 08/04/2014 (giờ GMT+1).

Mọi thông tin thêm về SEED và giải thưởng, xin mời tìm hiểu tại www.seedinit.org

Theo spark.org.vn

Đền bù Carbon để chống biến đổi khí hậu

Những năm gần đây, thế giới ngày càng xuất hiện nhiều hơn các hiện tượng thời tiết cực đoạn như bão tuyết ở Hàn Quốc, Nhật Bản làm nhiều người chết; cơn bão Haiyan tàn phá Philipines trong khi Nam Bán cầu lại có những đợt nóng kỷ lục; ngay ở Việt Nam, tuyết rơi cả những vùng chưa bao giờ có tuyết như Kỳ Sơn – Nghệ An… Tất cả hiện tượng thời tiết cực đoan này do sự biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra, trong đó có nguyên nhân trực tiếp từ con người.

 Việt Nam đang nỗ lực thực hiện chống biến đổi khí hậu

Một trong nhiều nỗ lực đang được thực hiện tại Việt nam để chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu là việc đền bù carbon. Sự đền bù các-bon (carbon offset) được hiểu đơn giản là khi một cá nhân hay tổ chức nào đó triển khai một dự án như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả hoặc tái sinh rừng, và họ chỉ ra được rằng dự án của mình đã giảm phát thải một cách hiệu quả, như vậy họ đã tạo ra các tín chỉ các-bon (carbon credit).  Sau đó các tín chỉ các-bon này sẽ được bán cho các chính phủ, tổ chức, cá nhân có nhu cầu giảm dấu ấn các-bon (carbon footprint) và trở thành các-bon trung tính (carbon neutral).

Nguồn: VietQ.vn

Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất xanh để bảo vệ môi trường

“Cùng với sự gia tăng dân số và sự gia tăng về tiêu dùng của xã hội, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang đứng trước những thách thức to lớn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, việc triển khai và áp dụng các chính sách mua sắm xanh ở Việt Nam nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững là một nhu cầu bức thiết”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – Bùi Cách Tuyến đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Khởi động Dự án thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất sản phẩm xanh thông qua mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái “(SPPEL) – hợp phần Việt Nam, do Tổng cục Môi trường phối hợp với Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức ngày 18/2, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Minh Cường – Tổng cục Môi trường cho biết: “Dự án SPPEL sẽ được thực hiện trong 3 năm (2014-2016) tại Hà Nội và một số tỉnh/thành phố của Việt Nam. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ các cơ quan chính phủ có thẩm quyền tại Việt Nam xây dựng năng lực và kỹ thuật về xây dựng các chính sách thúc đẩy tiêu dùng (SPP) và sản xuất sản phẩm xanh (NST). Ngoài ra dự án còn hỗ trợ Việt Nam thực thi các chính sách về SPP & NST nhằm đạt hiệu quả cao nhất của việc sử dụng hai công cụ này; tạo ra diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, các khu vực tư nhân về xây dựng chính sách nhằm đảm bảo lồng ghép SPP & NST trong quá trình ra quyết định. Nguồn kinh phí để thực hiện dự án sẽ  từ nguồn vốn ODA là 248.691 USD, vốn đối ứng là 15.000 USD (bao gồm cả tiền mặt và hiện vật)”.

Dự án sẽ được chia làm 4 hợp phần: Sắp xếp tổ chức thực hiện dự án; Đánh giá thực hiện SPP; Lập kế hoạch xây dựng và thông qua nhóm hành động ưu tiên về SPP và NST được xây dựng và lồng ghép Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững; Triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động quốc gia về SPP. Các hợp phần này được thực hiện dưới sự quản lý của Ban điều phối chung giữa UNEP và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đánh giá về sự cần thiết của việc thực hiện dự án SPPEL, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, tham gia dự án Việt Nam sẽ có được các quyền như: Năng lực cán bộ về xây dựng chính sách mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái của các Bộ: Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Công Thương được tăng cường. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân (doanh nghiệp) cũng được tiếp nhận tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia UNEP và Việt Nam thông qua các hội thảo nâng cao nhận thức về xây dựng chính sách về mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái.

Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và các văn bản pháp quy khác đều có những quy định khuyến khích áp dụng sản xuất và tiêu thụ bền vững. “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh” được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngày 25/9/2012 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg đã nêu rõ: Một trong những giải pháp nhằm đảm bảo tăng trưởng xanh là thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh, trong đó những nhiệm vụ cần triển khai bao gồm ban hành quy chế chi tiêu công xanh, chi đầu tư và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước phải ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa dãn nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế; thúc đẩy dán nhãn sinh thái và phổ biến các thông tin sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội; xây dựng lộ trình từ nay đến 2020 áp dụng mua sắm xanh.

Để triển khai thực hiện tốt Hợp phần dự án SPPEL tại Việt Nam, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan đầu mối của Việt Nam sẽ tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện các hoạt động của dự án, bao gồm: Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính. Bộ Tài Nguyên Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa lý, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc, lập bản đồ, biển và hải đảo. Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm thực hiện, triển khai Chương trình Nhãn xanh Việt Nam và phối hợp với các đơn vị nòng cốt là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính./.

Theo ven.vn