Thách thức về môi trường từ chất thải thiết bị điện và điện tử

Trong 5 năm qua, ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình 45,5% năm.

ttxvn_dieuhoa150107

(Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN)

Riêng năm 2012, tổng doanh thu đạt 25,5 tỷ USD, trong đó doanh thu từ các thiết bị điện tử và phần cứng chiếm hơn 94% tổng doanh thu toàn ngành.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhưng cũng bộc lộ những thách thức ngày càng lớn về môi trường.

Gia tăng chất thải điện tử

Theo nghiên cứu của Nhóm các tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với doanh số tăng trưởng của ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam hơn 100% mỗi năm, sự gia tăng nhu cầu về thiết bị phần cứng ngày càng làm tăng số lượng thiết bị điện và điện tử thải bỏ (WEEE) hằng năm.

Trong khi đó, hoạt động thu gom và xử lý thiết bị điện và điện tử thải bỏ không đúng cách, đã và đang gây những tác động không nhỏ đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy giai đoạn 2004-2010, tỷ lệ sử dụng máy tính cá nhân tại mỗi hộ gia đình đạt 0,17 chiếc. Tỷ lệ sử dụng máy giặt, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ và tivi màu lần lượt tăng 183%, 139%, 32% và 23%.

Ước tính đến năm 2020, riêng thành phố Hà Nội sẽ phải thải bỏ tới 161.000 chiếc tivi, 97.000 PC, 178.000 tủ lạnh, 136.000 máy giặt và 97.000 chiếc điều hòa nhiệt độ.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính sẽ có 700.000 tivi, 290.000 PC, 424.000 tủ lạnh, 339.000 máy giặt và 330.000 chiếc điều hòa nhiệt độ bị thải bỏ.

Trong khi số lượng thải bỏ thiết bị điện và điện tử gia tăng nhanh chóng nhưng mức độ nhận thức của cộng đồng còn rất hạn chế.

Qua khảo sát của Nhóm các tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Đại học Bách khoa Hà Nội tiến hành tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thì có tới 81% đến 100% số người được hỏi không tán thành với việc áp dụng thu phí thu gom.

Vì họ cho rằng hoạt động xử lý chất thải điện tử mang lại lợi nhuận cho đơn vị thu gom xử lý. Do đó đa số người dùng đều bán thiết bị thải bỏ cho người thu gom đồng nát, hoặc các cửa hàng sửa chữa điện tử tư nhân.

Bất cập trong thu gom xử lý

Theo quy định thì việc thu gom chất thải điện và điện tử được các Công ty Môi trường đô thị và một số đơn vị có giấy phép thực hiện. Nhưng trên thực tế, mạng lưới thu gom chất thải này phần lớn chịu sự chi phối của các cơ sở không chính thức, thay vì các cơ sở được cấp phép hoặc do nhà nước quản lý. Nên tỷ lệ chất thải điện, điện tử được các cơ sở có chức năng thu gom được không đáng kể.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đối với các hoạt động thu gom, xử lý và tái chế chất thải điện và điện tử cũng còn nhiều hạn chế, do khung pháp lý thiếu minh bạch và hiệu quả thực hiện chưa cao. Quá trình xử lý chất thải điện và điện tử chủ yếu do 13 cơ sở tư nhân được cấp phép thực hiện.

Những chất thải này thường được các làng nghề và trung tâm tháo dỡ bằng cánh giữ lại những linh kiện có giá trị rồi chuyển tới các cơ sở lắp ráp, tân trang lại và tái chế để tái sử dụng. Số chất thải không thể sử dụng được đốt đi và loại bỏ ra môi trường một cách tự phát.

Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng và công nghệ tái chế chất thải thiết bị điện và điện tử đạt chuẩn ở Việt Nam còn rất hạn chế. Quá trình khảo sát cho thấy chỉ có 3/15 cơ sở được cấp phép có đầy đủ công nghệ, trang thiết bị tái chế. Đồng thời có khả năng phục hồi và tái sử dụng nguyên liệu và xử lý đúng quy cách chất thải phát sinh trong quá trình tái chế. Nhưng quy mô tái chế của các cơ sở này chỉ đạt khoảng 25-30 tấn/ngày, trong khi ước tính số lượng chất thải thiết bị điện và điện tử phát sinh từ 61.000 đến 113.000 tấn/năm.

Ngoài ra tất cả các cơ sở tái chế chất thải thiết bị điện và điện tử đều cho rằng chi phí tái chế cao và thiếu sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, nên hoạt động tái chế hiện không mang lại lợi nhuận. Vì vậy dẫn đến phần lớn thiết bị điện tử thải bỏ thường được lắp ráp lại, tái sử dụng, xuất khẩu hay thải bỏ một cách tùy tiện gây ô nhiễm môi trường.

Chính hoạt động tái chế thiếu kiểm soát ở Việt Nam đang gây áp lực cho doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong việc xây dựng và triển khai hệ thống thu gom chất thải thiết bị điện và điện tử theo đúng quy trình, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường./.

Theo Vietnamplus.vn

Việt Nam cần 30 tỷ USD cho Chiến lược tăng trưởng xanh năm 2020

Việt Nam sẽ cần 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh vào năm 2020; trong đó, 70% sẽ từ khu vực ngoài Nhà nước. Ngoài ra, dự báo, Việt Nam mất 2-6% của GDP để khôi phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

08012014_kinh_thanh_Hue

Kinh thành Huế. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Thông tin này được Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo duc, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Phạm Hoàng Mai cho biết tại Hội thảo Kết quả rà soát khung thể chế và pháp lý về kế hoạch và đầu tư, năng lượng, công nghiệp và môi trường theo hướng tăng trưởng xanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 8/1.

Số tiền trên dùng để thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ với 66 hoạt động theo các chủ đề: thể chế; rà soát các quy hoạch; chuyển giao công nghệ; tạo cơ hội kinh doanh cho phát triển doanh nghiệp và tài chính.

Mặc dù vậy, theo ông Phạm Hoàng Mai, hiện Việt Nam còn thiếu chính sách để huy động nguồn tài chính, đặc biệt là các quỹ Khí hậu Quốc tế; đồng thời, khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo QĐ 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 theo QĐ 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014. Đây là những chính sách hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là rà soát khung thể chế và các quy hoạch ngành, lĩnh vực theo hướng tăng trưởng xanh.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, những kết quả quan trọng này thể hiện sự hợp tác rất chặt chẽ và hiệu quả giữa Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Việt Nam thông qua sự hỗ trợ của KOICA Hàn Quốc cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện dự án này.

Ông Dr Taeho Ro, Giám đốc điều hành Trung tâm Chiến lược Quốc tế, Viện Môi trường Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam đang cố gắng áp dụng chiến lược tăng trưởng xanh và kinh nghiệm, kiến thức từ một số quốc gia để đối phó với những thay đổi xã hội và môi trường đa dạng là kết quả của công nghiệp hóa nhanh chóng và phát triển kinh tế.

Ông Dr Taeho Ro cũng nhấn mạnh, các tập đoàn cần tăng cường hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở pháp lý và thể chế góp phần bảo vệ cơ sở hạ tầng môi trường, xã hội và kinh tế hơn nữa.

Trong khuôn khổ hội thảo có 3 Báo cáo khái quát về Tăng trưởng xanh ở Việt Nam và 4 báo cáo kết quả cụ thể rà soát khung pháp lý trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, công nghiệp, năng lượng và môi trường đã được báo cáo…/.

Theo Vietnamplus.vn

Xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính

Ngày 6/1, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp (IPSI), Quỹ Châu Á (The Asia Foundation) và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính cho Khu công nghiệp và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.”

khi_thai_nha_kinh

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Dự án do Bộ Ngoại Giao Vương Quốc Anh tài trợ và Quỹ Châu Á hỗ trợ quản lý từ năm 2013.

Kế hoạch hành động được IPSI xây dựng dựa trên kết quả khảo sát, tham vấn ý kiến của 20 doanh nghiệp trong hai Khu công nghiệp nói trên nhằm tập hợp các giải pháp kỹ thuật, các chính sách hỗ trợ, trong đó đặt ra các mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính gắn liền với lộ trình thực hiện và trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp.

Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính của Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng được xây dựng trong giai đoạn 2013-2014 và được Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng thông qua vào tháng 8/2014.

Hiện tại, các bên đang nỗ lực triển khai các hoạt động đề ra trong bản kế hoạch hành động cho khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp – Sở Công Thương và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng – Sở Khoa học Công nghệ.

Dự án đã hỗ trợ 6 doanh nghiệp trong khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và dự kiến tiếp tục hỗ trợ một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Liên Chiểu triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đang xây dựng và thí điểm Hệ thống quản lý phát thải khí nhà kính trực tuyến cho hai khu công nghiệp nói trên, đồng thời tổ chức chương trình truyền thông về giảm phát thải khí nhà kính đối với các doanh nghiệp và hàng trăm cán bộ công nhân viên làm việc trong khu công nghiệp.

Việc triển khai Dự án nói chung, xây dựng và thực hiện các giải pháp đề ra trong Kế hoạch hành động nói trên vừa góp phần giúp Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng thực hiện Đề án “Thành phố môi trường” vào năm 2020 vừa đem lại những lợi ích thiết thực cho nhiều bên đặc biệt là các doanh nghiệp trực tiếp tham gia.

Ông Nguyễn Trí Thanh, cán bộ chương trình cấp cao của Quỹ Châu Á cho biết, dự án là một trong những nỗ lực ít ỏi giúp cơ quan quản lý cấp địa phương có công cụ quản lý phát thải khí nhà kính ở quy mô khu công nghiệp một cách hiệu quả, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về môi trường.

Bên cạnh đó, dự án tập trung giúp doanh nghiệp đánh giá được hiện trạng phát thải, thúc đẩy họ thực hiện các giải pháp giảm tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng, nhờ đó các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để doanh nghiệp và các khu công nghiệp thực hiện các giải pháp nêu ra trong kế hoạch hành động là thiếu vốn và năng lực kỹ thuật hạn chế.

Do đó, dự án đang phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (ICF) để kết nối hiệu quả hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho những doanh nghiệp quan tâm thuộc hai khu công nghiệp này trong nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Trần Thu Hằng, Phòng Môi trường và Phát triển bền vững IPSI, để Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính cho Khu công nghiệp đạt hiệu quả cần ưu tiên tập trung hỗ trợ về tài chính – kỹ thuật, thông tin kiến thức về Kỹ thuật năng lượng đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như Công ty thép Đà Nẵng, Công ty hóa chất, công ty ximăng Hải Vân tại Khu công nghiệp Liên Chiểu, từ nguồn kinh phí ngân sách, từ nguồn khoa học công nghệ và sự nghiệp môi trường. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính quốc tế và nguồn vay vốn trong nước với lãi suất ưu đãi.

Các tổ chức tài chính trong nước, Quỹ đầu tư phát triển thành phố cũng cần chủ động nghiên cứu và đề xuất cơ chế cho vay ưu đãi đặc biệt đối với các dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu tại các doanh nghiệp khu công nghiệp Liên Chiểu. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong khu công nghiệp Liên Chiểu thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng mô hình, hệ thống năng lượng ISO 50001, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 thông qua các chương trình, dự án của Bộ và tại địa phương.

Ngoài ra, cũng xem xét đến việc phân bổ, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động hỗ trợ một vài doanh nghiệp trong khu công nghiệp Liên Chiểu xây dựng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001…/.

Theo Vietnamplus.vn

Tương lai nào cho thủy sản Việt Nam năm 2015?

Năm 2014 xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ở mức cao ở hầu hết các thị trường. Nhưng, yêu cầu kiểm soát dư lượng kháng sinh, khó khăn ở đoạn đầu của chuỗi giá trị sẽ là “con sóng lớn” của ngành trong năm 2015.

ca tra

Cá tra cắt khúc (Ảnh từ lenhu.vn)

Với mức vượt kế hoạch 1 tỷ USD, lọt top 5 các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất cả nước, và là nhóm mặt “hàng thuần Việt” – hàm lượng FDI rất thấp duy nhất lọt top 10 nhóm mặt hàng chủ lực của Việt Nam, nhu cầu thủy sản đang cao ở các thị trường xuất khẩu, liệu ngành thủy sản có thể duy trì được đà tăng trưởng cao trong năm 2015?

Về nội tại doanh nghiệp: Chi phí nhiên liệu giảm, lãi suất đang ở mức thấp, lạm phát được kiểm soát là những yếu tố vĩ mô quan trọng giúp các doanh nghiệp “yên tâm” hoạch định kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phục vụ cho chiến lược phát triển trong năm 2015 và các năm tới.

Xét về dòng sản phẩm: Năm 2014, xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhờ Tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Mặc dù năm qua diện tích nuôi tôm tăng mạnh, vượt kế hoạch nhưng thực tế cho thấy người nuôi tôm đang phải đối mặt với dịch bệnh ở Tôm, tình trạng “5 ăn 5 thua”, cũng như Việt Nam đang phải nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.

Tương lai nào cho thủy sản Việt Nam năm 2015? (1)
  Cá tra là mặt hàng đóng góp vào giá trị xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Nhưng diện tích nuôi cá giảm;  giá cá tra nguyên liệu luôn biến động, đạt được mức giá mà người nuôi có lãi không cao và chỉ trong thời gian ngắn rồi lại giảm làm cho người nuôi điêu đứng trong vòng lãi – lỗ khiến một số hộ nuôi phải treo ao, doanh nghiệp liên tục gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động nguồn nguyên liệu.

Mặc dù vậy, tương lai ngành cá tra có thể vẫn lạc quan hơn nhờ: (i) giá dầu giảm giúp cho giá thức ăn cá giảm (chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng rất lớn – khoảng 70% trong cơ cấu giá thành cá tra), chi phí vận chuyển giảm; (ii) “Nội hóa ngoại tác” khi hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động diện tích nuôi cá nguyên liệu bằng việc tự nuôi toàn bộ hoặc giao cho các hộ nuôi gia công, vì vậy có một số doanh nghiệp có thể tự chủ tới 70% nguyên liệu sản xuất qua đó chủ động điều tiết để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi.

Xét về thị trường: Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và EU năm 2014  đóng góp đến 40% giá trị xuất khẩu của ngành, tăng trưởng hơn 16% và hơn 22%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào đẩy mạnh xuất khẩu tôm. Điều này thể hiện thách thức lớn cho năm 2015 về khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng giá trị cao hay không, khi mà các rào cản thương mại phi thuế quan như thuế chống bán phá giá, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày một nghiêm ngặt hơn.

Tương lai nào cho thủy sản Việt Nam năm 2015? (2)
 Bên cạnh việc áp thuế chống bán phá giá với cá tra, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ – DOC trong tuyên bố mới nhất đã tiếp tục giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam điều này đã ảnh hưởng đến giá tôm nguyên liệu và ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Ngay như Cà Mau hiện có 8 doanh nghiệp bị áp thuế bình quân 6,37% đã tác động xấu đến xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ; giá tôm sú nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giảm 3-5%; thẻ chân trắng giảm 12-14% so với thời điểm trước khi Mỹ công bố áp thuế.

Thêm vào đó, việc kiểm soát dư lượng kháng sinh ở Tôm đang trở thành rào cản lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm.

Mới đây, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng – Ủy ban Châu Âu (EC) đã có thông báo tình hình các lô hàng thủy sản Việt Nam  bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất kháng sinh khi xuất vào EU. Có 16 cơ sở chế biến có liên quan trong đó có mặt của cả những ông lớn trong ngành thủy sản đang niêm yết CP trên Sở Giao dịch Chứng khoán. Cơ quan thẩm quyền của EU đề nghị Việt Nam phải có giải thích và biện pháp khắc phục cho tình trạng trên trước ngày 09/01/2015. Sau thời hạn này EU có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn: Cấm nhập khẩu từ 16 doanh nghiệp bị cảnh báo này hoặc mạnh hơn ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU.

Năm 2014, xuất khẩu tôm sang EU tăng đến 72% so với cùng kỳ năm trước và là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 3 của Việt Nam.

Áp thuế chống bán phá giá và kiểm soát chặt dư lượng kháng sinh đang là thách thức cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào các thị trường truyền thống khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU. Nhưng bức tranh xuất khẩu thủy sản tương lai vẫn có những vùng sáng khi tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường mới là khá mạnh.

Tương lai nào cho thủy sản Việt Nam năm 2015? (3)

Xuất khẩu thủy sản vào các thị trường Canada, Hàn Quốc, Úc, Asean và các thị trường khác đang có mức tăng trưởng rất cao từ hơn 21% đến gần 74% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng của các thị trường này có thể bù đắp sự sụt giảm (nếu có) đến từ 3 thị trường truyền thống nói trên. Tuy nhiên, điều quan trọng chắc chắn các thị trường đều hướng đến buộc các nhà sản xuất/chế biến thủy sản Việt Nam phải cải tiến là  chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.  Nếu làm tốt được điều này, chúng ta có quyền hy vọng vào duy trì mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu 2 con số trong tương lai của ngành.

Theo Infonet

Infonet

Tranh chấp môi trường: Cần lấp đầy những lỗ hổng chính sách

Trong thập kỷ qua, suy thoái môi trường đã gây những ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng về chất lượng cuộc sống, sinh kế và sức khỏe. 

Tuy nhiên đang tồn tại một nghịch lý là cộng đồng dân cư rất ít có cơ hội được tham vấn, tham gia trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, dẫn đến xung đột môi trường ngày càng gia tăng.

Story (1)
Một nhà máy hoạt động, xả nước thải tràn lan, gây ô nhiễm môi trường

Tồn tại cùng những lỗ hổng chính sách

Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Phương, Trường Đại học Luật Hà Nội, tuyệt đại bộ phận các vụ giải quyết tranh chấp môi trường thành công đều thông qua phương thức hòa giải.

Có nhiều trường hợp, doanh nghiệp chấp nhận đối thoại, thương lượng với dân nhưng khi được yêu cầu bồi thường thiệt hại, doanh nghiệp lại giơ cái “phao” cứu sinh yêu cầu chứng cứ, kết luận… và từ chối bồi thường thiệt hại cho người dân khi khẳng định chấp nhận đền bù khi có kết luận của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, khung pháp luật và chính sách đã, đang và hướng tới đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững nhưng thực thi lại chưa hiệu quả.

Hậu quả của công tác hỗ trợ không triệt để, hoạt động hỗ trợ không thường xuyên, liên tục, thiếu tính gắn kết với người dân. Ý thức của người dân về quyền và lợi ích hợp pháp về môi trường còn hạn chế.

Cộng đồng thiếu hỗ trợ về chuyên môn trong công tác giám sát. Mối quan hệ lợi ích phức tạp trong quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội làm mất đi lợi thế của tiếng nói người dân và công cụ pháp lý.

Có hiệu lực từ 1/1/2015, nhưng Luật Bảo vệ môi trường vẫn thiếu cơ chế để thực hiện quyền của các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, cộng đồng dân cư, và cơ chế buộc công chức, cơ quan nhà nước thực hiện nghĩa vụ của mình.

Luật chưa có quy định quyền được yêu cầu cung cấp thông tin môi trường của người dân. Luật mới quy định về giám định thiệt hại về môi trường mà chưa có quy định về giám định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị thiệt hại.

Pháp luật cũng chưa có quy định về phương thức chi trả tiền bồi thường đối với những người bị thiệt hại khi xác định được tổng mức thiệt hại và bên gây thiệt hại chấp nhận bồi thường với mức này.

Cải tổ quy định pháp luật

Tiến sỹ Nguyễn Văn Phương cũng cho rằng những lỗ hổng chính sách trên cần được lấp đầy. Bởi từ thực tiễn giải quyết tranh chấp môi trường thời gian vừa qua cho thấy số lượng các vụ tranh chấp trong lĩnh vực này được giải quyết thành công chủ yếu thông qua hoạt động hòa giải, có sự tham gia của cơ quan nhà nước.

Đây có thể là minh chứng cho tính ưu việt của hoạt động hòa giải trong thời gian qua so với hoạt động xét xử tại tòa án. Bởi vậy, cần quy định hòa giải tranh chấp môi trường, đặc biệt là tranh chấp bồi thường thiệt hại là một thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện tại tòa.

Trong trường hợp không thể đòi bồi thường thiệt hại cần xây dựng quy định hỗ trợ chủ thể bị thiệt hại theo nguyên tắc trách nhiệm cộng đồng.

Cơ quan chức năng cũng cần xây dựng quy định về giám định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị thiệt hại, nguyên tắc, trình tự xác định thiệt hại đối với từng chủ thể bị thiệt hại trong tổng thiệt hại, hoặc cơ chế để thực hiện việc “phân bổ” tiền bồi thường cho những người bị thiệt hại trên nguyên tắc minh bạch, dân chủ, công bằng, công khai. Quyền được yêu cầu cung cấp thông tin môi trường của người dân có thể được xem xét khi xây dựng Luật về Thông tin.

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cũng cần xem xét xây dựng những quy định nhằm bảo đảm cho người dân – những người bị thiệt hại, có thể tiếp cận công lý thông qua việc vận động tẩy chay hàng hóa, dịch vụ và phản đối trong hòa bình với những doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và hành vi này đã được chứng minh.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững Đặng Đình Bách nhấn mạnh cần phát triển mạng lưới luật sư cộng đồng phục vụ hỗ trợ xử lý tranh chấp môi trường./.

Theo vietnamplus.vn

Nhật Bản xây “làng hydrogen” chuẩn bị Olympic Tokyo 2020

Nhằm chuẩn bị cho thế vận hội Olympic-Paralympic 2020, thành phố Tokyo ngày 4/1 đã quyết định xây dựng “thị trấn hydrogen” gồm các làng vận động viên sử dụng năng lượng hydrogen để cung cấp điện năng.

05012015_Tokyo

Cơ sở vật chất hiện đại là ưu thế lớn nhất của Tokyo. (Nguồn: Reuters)

Vị trí các làng vận động viên này được đặt tại khu vực Harumi, quận Chuo ở Tokyo.

Theo kế hoạch, thị trấn hydrogen sẽ được lắp các trạm hydrogen, cung cấp điện và nước ấm cho các tòa nhà có vận động viên tham dự. Sau khi kết thúc thế vận hội, các trạm hydrogen này sẽ dùng để cung cấp điện và nước ấm cho các trường học và cơ sở thương mại xung quanh.

Thành phố Tokyo xác định kế hoạch xây dựng thị trấn hydrogen này có quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử, do đó đây cũng là một cơ hội để thúc đẩy xây dựng một xã hội hydrogen vốn đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế nhân dịp thế vận hội Olympic 2020.

Theo tính toán cụ thể, trạm hydrogen sẽ có khả năng cung cấp khí hydro cho các làng vận động viên thông qua hệ thống đường ống dẫn khí.

Kết hợp với các trạm năng lượng khác sử dụng ắc quy nhiên liệu, khí hydro kết hợp với không khí để tạo ra dòng diện cung cấp ra điện năng và làm nóng nước sinh hoạt, cung cấp cho các vị trí ăn ngủ, nấu nướng, vận động của vận động viên trong làng thể thao.

Ngoài ra, các tuyến xe bus chở vận động viên cũng có thể được cung cấp hydrogen để kết hợp với pin gắn trên xe tạo ra dòng năng lượng mới thân thiện môi trường.

Thành phố Tokyo dự kiến làng thể thao sẽ đón nhận khoảng 17.000 vận động viên. Các tuyển thủ sẽ ở trong 22 tòa nhà cao từ 14 đến 17 tầng. Sau khi kết thúc thế vận hội, các tòa nhà này sẽ được chuyển đổi thành nhà cho thuê, nhà bán.

Đặc biệt, hai tòa nhà 50 tầng sẽ được xây dựng cùng các trung tâm thương mại, trường học để trở thành một khu đô thị có quy mô dân số khoảng 10.000 người.

Hiện tại, kế hoạch xây dựng chi tiết làng vận động viên đã được các doanh nghiệp xây dựng đệ trình lên thành phố. Thành phố Tokyo cũng đã nhất trí với việc kết hợp xây dựng khu đô thị kết hợp với việc sử dụng năng lượng hydrogen cho việc phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, vấn đề đang được Tokyo cân nhắc kỹ là tính bền vững của nguồn năng lượng này trong tương lai khi nhu cầu về hydrogen là rất lớn, song vấn đề giá thành vẫn chưa được đảm bảo. Bên cạnh đó, các vấn đề về kỹ thuật cũng như khả năng cung cấp ổn định nguồn khí hydro cũng cần phải được tính toán kỹ.

Theo chiến lược phát triển năng lượng của chính phủ Nhật Bản, năng lượng hydrogen không tạo hiệu ứng nhà kính, ngoài khả năng sản sinh ra điện năng còn được xem là nguồn năng lượng mới và đóng vai trò vị trí trung tâm trong các nguồn năng lượng sạch thay thế năng lượng truyền thống hiện nay.

Công nghệ về nguồn năng lượng này của Nhật Bản đang được sử dụngcho việc phát triển các dòng xe ô tô chạy pin nhiên liệu và Nhật Bản cũng đang dẫn đầu thế giới về công nghệ này cũng như việc ứng dụng trên các dòng xe hơi đời mới.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Nhật Bản, việc xây dựng được một xã hội sử dụng năng lượng hydrogen có ý nghĩa rất quan trọng đối với một đất nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản.

Với việc nắm bắt hầu hết các kỹ thuật sử dụng nguồn năng lượng này, Olympic Tokyo 2020 sẽ là cơ hội để Nhật Bản hiện thực hóa ứng dụng năng lượng hydrogen vào cuộc sống./.

Theo Vietnamplus.vn