Các khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế đất nước, là động lực quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển các KCN đang nảy sinh một số bất cập, hạn chế như tỷ lệ lấp đầy các KCN ở nhiều địa phương còn thấp, ô nhiễm môi trường,… gây bức xúc cho người dân địa phương. Điều đó đặt ra vấn đề, cần rà soát kỹ hơn quy hoạch cũng như các dự án KCN để có thể sớm khắc phục bất cập, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, đầu tư tại các KCN hiện nay.
Bài 1: Những khu công nghiệp bỏ hoang
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH – ĐT), đến hết năm 2014, cả nước có 295 KCN được thành lập, nhưng chỉ 212 KCN đi vào hoạt động, 83 KCN vẫn đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng cơ bản. Tổng diện tích đất có thể cho thuê lên đến 56 nghìn ha, nhưng các KCN chỉ cho thuê vỏn vẹn 26 nghìn ha; còn tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đã đi vào hoạt động mới đạt khoảng 65%.
Bờ xôi, ruộng mật để cỏ mọc
Năm 2007, Tập đoàn Compal (Đài Loan, Trung Quốc) được tỉnh Vĩnh Phúc chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) xây dựng nhà máy sản xuất máy tính xách tay, thiết bị hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số và điện thoại di động tại KCN Bá Thiện (huyện Bình Xuyên). Đây là một dự án công nghiệp công nghệ thông tin có quy mô hoành tráng nhất trong khu vực thời bấy giờ, với mức đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 500 triệu USD, mỗi năm cho ra đời bốn triệu sản phẩm với doanh thu hàng tỷ USD và tạo việc làm cho hơn 30 nghìn lao động tại địa phương,… Tuy nhiên, khi đến khảo sát tận nơi, chúng tôi mới hiểu không như những gì mô tả trong dự án. Trên tổng diện tích 327 ha đất của KCN Bá Thiện được tỉnh Vĩnh Phúc tự bỏ tiền GPMB, nằm trơ trọi duy nhất một nhà máy của Compal với diện tích gần 100 ha (tính cả “sân vườn”), còn lại phần lớn là đất hoang, được người dân tận dụng để thả bò hoặc đổ rác thải xây dựng.
Vừa xua bò trên chính khu đất của KCN, cô Vũ Thị Trầm, ngụ tại thôn Vinh Tiến, xã Bá Hiến (huyện Bình Xuyên) nói với vẻ chán chường: Trước kia, đây là ruộng “bờ xôi ruộng mật”, từ khi Nhà nước thu hồi đất làm KCN, đất ruộng bị san phẳng rồi bỏ hoang, nông dân chúng tôi thấy xót xa lắm! Cũng theo cô Trầm, mất nghề nông, nhà cô cũng như nhiều gia đình khác đều trông mong thời điểm KCN đi vào hoạt động để thanh niên trong thôn có việc làm, kinh tế dịch vụ trong vùng phát triển, người dân nhờ đó ổn định cuộc sống. Ầy vậy mà nhà máy xây xong chỉ hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa, cứ như được dựng lên chỉ để… giữ đất. “Miệng ăn, núi lở, mấy chục triệu đồng tiền đền bù cũng đã hết sạch từ lâu mà chồng tôi còn bị đau ốm, nhà tôi ngày càng khó khăn. Bây giờ còn sức, tôi còn thả được bò hay đi làm thuê để kiếm sống, chứ nay mai già yếu thì không biết sống bằng cái gì?”, cô Trầm thở dài.
Theo kết quả khảo sát, tình trạng đất các KCN được đưa vào sử dụng đạt thấp so với quy hoạch là hiện tượng không chỉ xảy ra ở Vĩnh Phúc, mà còn ở hầu hết các địa phương. Tại Đồng Nai, một trong những địa phương có nhiều KCN nhất cả nước, mặc dù tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đi vào hoạt động đạt mức khá cao (gần 76%), song tại một số nơi, nhất là các huyện miền núi, tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Cụ thể, KCN Tân Phú (huyện Tân Phú) được thành lập cách đây hơn tám năm với quy mô 54 ha, trong đó 35 ha làm công nghiệp, nhưng đến nay mới chỉ cho thuê được hơn sáu ha (khoảng 18%). Người dân trong vùng cho biết, một ha đất sản xuất nông nghiệp ở đây đem lại thu nhập gần một trăm triệu đồng mỗi năm, nay bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, trong khi người dân không có đất để sản xuất, cuộc sống khó khăn thêm bội phần.
Tương tự, KCN Sông Mây giai đoạn 2 (huyện Trảng Bom) được thành lập từ năm 2007, quy mô 224 ha, đến nay chưa có một nhà máy nào mọc lên. Đáng nói, KCN Nhơn Trạch 6, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) với quy mô 315 ha nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư nào vào tìm hiểu, thuê đất để sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê, riêng tại xã Long Thọ, có hơn một nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất làm các KCN.
Câu chuyện của cô Trầm ở Vĩnh Phúc, của những người dân ở Đồng Nai cũng chính là hoàn cảnh chung của nhiều gia đình nông dân nằm trong các dự án KCN bị thu hồi đất tại nhiều địa phương trên khắp cả nước đang trông chờ các KCN đi vào hoạt động để có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế nhiều hộ gia đình đã lâm vào cảnh “chạy ăn từng bữa”, hoặc rời bỏ quê hương lên thành phố mưu sinh, trong khi chính mảnh ruộng của mình bị bỏ hoang.
Ô nhiễm môi trường
Nhiều dự án KCN còn “ngắc ngoải” ngay từ đầu do gặp vướng mắc khâu GPMB và triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, điển hình như các dự án KCN Minh Quang, Vĩnh Khúc, Ngọc Long (Hưng Yên); các KCN Phú Mỹ 3, Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) hay KCN Đức Hòa III – Liên Thành và Đông Nam Á (Long An),… Trưởng ban Quản lư các KCN tỉnh Hưng Yên Phạm Thái Sơn chia sẻ: Các KCN Minh Quang, Vĩnh Khúc được thành lập và cấp GCNĐT trước năm 2009, nhưng do các quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất,… khiến chi phí bồi thường tăng cao so với thời điểm lập dự án, chủ đầu tư phải nghiên cứu, đánh giá lại dự án khiến thời gian kéo dài. Nhưng các dự án này phần lớn vẫn còn nằm trên giấy, vẫn là đất ruộng, nên không gây thiệt hại nhiều cho nông dân. Còn tại nhiều nơi khác, tình trạng GPMB theo kiểu “xôi đỗ” đang là nỗi bức xúc không chỉ của người dân địa phương, mà còn khiến chính chủ đầu tư các dự án “đau đầu”.
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, hiện dự án đã chậm tiến độ hai năm so với kế hoạch, nhưng không thể đẩy nhanh hơn vì vướng GPMB. Cụ thể, trong tổng số 999 ha đất của dự án, mới chỉ đền bù và thu hồi được hơn 688 ha. Phần diện tích đã đền bù không liền thửa cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc thi công san lấp mặt bằng, không thể giao thầu thi công các hạng mục kỹ thuật.
Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) bị bỏ hoang. (Ảnh: Nhân Dân)
Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường từ các KCN mới là tình trạng đáng báo động nhất, gây ra thiệt hại không nhỏ về kinh tế cũng như những hiểm họa khôn lường về sức khỏe cho người dân các địa phương có KCN. Theo báo cáo của Ban Quản lư các KCN tỉnh Đồng Nai, vấn đề giải quyết môi trường cho các KCN trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, nhất là KCN Biên Hòa 1 với quy mô 335 ha nằm dọc sông Đồng Nai. Hiện tại, trừ một số nhà đầu tư thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, còn rất nhiều nhà máy chưa quan tâm và chưa xử lư ô nhiễm triệt để, khiến tình trạng ô nhiễm do KCN Biên Hòa 1 gây ra hết sức nghiêm trọng, hàng loạt chỉ tiêu nước thải và khí thải xả vào môi trường tự nhiên vượt giới hạn cho phép hàng chục, hàng trăm lần. Theo thống kê, mỗi ngày, 97 DN đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1 xả ra hơn 9.000 m3nước thải; trong đó, chỉ có hơn 1.000 m3 nước thải được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lư, gần 8.000 m3 nước thải còn lại được DN tự xử lư, xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Nguồn nước sông Đồng Nai vì thế bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng việc cung cấp nước sạch cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, số liệu quan trắc quốc gia tại KCN Biên Hòa 1 (gần Nhà máy Vicasa) cho thấy, nồng độ ô nhiễm bụi dao động từ 0,42 đến 0,55 mg/m3, trung bình 0,496 mg/m3, vượt tiêu chuẩn cho phép; nồng độ khí độc SO2, NO2, CO cũng ở mức “báo động đỏ”. KCN Biên Hòa 1 được hình thành đã khá lâu và được xem là KCN hình thành sớm nhất cả nước, do quy hoạch không đồng bộ, hệ thống hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, việc sửa chữa chỉ được thực hiện một cách chắp vá. Bên cạnh đó, trong KCN Biên Hòa 1 còn nhiều vấn đề như việc sắp xếp các nhà máy lộn xộn, việc sản xuất của nhà máy này ảnh hưởng sản phẩm của nhà máy khác, việc xả khí thải của các nhà máy sản xuất khiến một số nhà máy sử dụng nhiều lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Đơn cử, tại KCN Biên Hòa 1, nhà máy sữa nằm kế bên nhà máy sản xuất bình ắc-quy, nhà máy sản xuất đường hoạt động gần nhà máy sản xuất gạch, bê-tông và hóa chất,…
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm khoảng 70%, nhiều KCN đi vào hoạt động chưa triển khai xây dựng hệ thống trạm xử lư cục bộ hoặc có nhưng không vận hành. Ước tính, khoảng 70% trong tổng số một triệu m3 nước thải mỗi ngày phát sinh từ các KCN đang được xả thẳng ra môi trường mà không qua bất kỳ một khâu xử lư nào.
Năm 2014, cả nước có năm KCN mới được thành lập với quy mô 655 ha, mở rộng bảy KCN với quy mô 1.007 ha, thu hồi giấy GCNĐT của hai KCN với quy mô 359 ha và chuyển đổi một KCN với quy mô 92 ha sang mô hình cụm công nghiệp. Tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN tăng thêm trong năm 2014 đạt 6.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm 4.300 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2014, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,525 tỷ USD và 184.370 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư đã thực hiện các dự án đạt 2,022 tỷ USD và 79.217 tỷ đồng, tương ứng 57% và 43% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.(Nguồn: Bộ KH – ĐT)
Năm 2014, cả nước khởi công xây dựng mới 14 nhà máy xử lý nước thải tập trung, hoàn thành và đưa vào hoạt động 32 nhà máy với tổng công suất tăng thêm 183 nghìn m3/ngày đêm so với năm 2013. Như vậy, đến hết năm 2014, đã có 177 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động, tổng công suất 728 nghìn m3/ngày đêm, 34 nhà máy đang trong quá trình xây dựng, công suất 116 nghìn m3/ngày. Trong khi đó, theo mục tiêu QH đề ra, đến hết năm 2015, 100% số KCN đang hoạt động sẽ có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn về môi trường.
(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường) |
Theo Báo Nhân Dân