Bến Tre nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, sản xuất sạch hơn (SXSH) được tỉnh Bến Tre xem là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao sức cạnh tranh, kiểm soát ô nhiễm tại nguồn.

Bến Tre nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Ông Trần Văn Đấu – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết: “Với lợi thế là địa phương được Hợp phần SXSH trong công nghiệp – Bộ Công Thương chọn là 1 trong 5 tỉnh để xây dựng các mô hình trình diễn, thông qua các mô hình này mà nhiều DN của Bến Tre đã hiểu và áp dụng SXSH, năng lực của đội ngũ cán bộ cũng được nâng lên, và sau khi hợp phần này kết thúc vào năm 2011 thì đến nay công tác SXSH của chúng tôi vẫn thường xuyên được duy trì, nhân rộng. Nhiều DN nhờ áp dụng SXSH đã nâng cao sức cạnh tranh, trở thành DN xuất khẩu uy tín không chỉ của địa phương mà của cả ngành công thương.”

Công ty TNHH MTV Chế biến dừa Lương Quới trong nhiều năm qua đã đi đầu trong việc áp dụng mô hình SXSH và nằm trong top I các DN xuất khẩu các sản phẩm dừa của Bến Tre và là DN xuất khẩu uy tín năm 2011 do Bộ Công Thương bình chọn.

Theo đó công ty đã áp dụng SXSH tại nhà máy nhằm đạt 6 mục tiêu: giảm tiêu thụ nước 30%; giảm tiêu thụ điện 4%; giảm tiêu thụ trấu nhiên liệu thông qua việc giảm tiêu thụ hơi từ 10-15%; đầu tư lò hơi đốt gáo dừa để tận thu than hoạt tính tiết kiệm được 1,4 tỷ đồng mỗi năm; cải thiện, nâng cấp nhà xưởng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng của hệ thống quản lý ISO 22.000: 2005, và cuối cùng là xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Sau hơn 3 năm triển khai (từ năm 2008) áp dụng mô hình SXSH, kết quả kinh doanh của công ty có nhiều chuyển biến tích cực nhờ việc cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất, môi trường làm việc và cả về tổ chức quản lý. Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc DN mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận… như Lương Quới cũng là một cách thay đổi mình để ứng phó với khủng hoảng tốt hơn.

Trong khi đó, Công ty CP Mía đường Bến Tre nhờ áp dụng các giải pháp SXSH đã giảm tiêu thụ điện năng là 94,77Mwh/năm, sản lượng đường tăng thêm 131,41 tấn đường/năm, đồng thời loại bỏ hoàn toàn lượng nước thải phát sinh tại công đoạn giặt vải sau lọc, nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Cũng theo ông Đấu, hiện rất nhiều DN của Bến Tre đã nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh nhờ tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu thông qua áp dụng các giải pháp SXSH như Công ty TNHH Ngọc Lan Bến Tre – giảm tiêu thụ 536m3 củi/năm và giảm phát thải CO2 ra môi trường, giảm thiểu 50% chất thải rắn do hết sản phẩm cháy khét, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân do giảm được nhiệt độ môi trường của xưởng cô đặc từ 38-450C xuống còn 30-350C; Công ty TNHH Vĩnh Tiến giảm tiêu thụ điện được 48.000kWh/năm – tương đương với giảm phát thải 34,5 tấn C02/năm, giảm tiêu thụ củi 540m3/năm – tương đương với 291 tấn C02/năm….

Có thể nhận thấy, thông qua SXSH, trình độ quản lý, quản trị DN và năng lực hoạt động của các DN đã từng bước được nâng lên. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm của DN đã được nâng cao, giá thành sản xuất giảm nhờ tiết kiệm chi phí nguyên nhiên vật liệu, năng lượng đầu vào cho sản xuất…

Theo Thu Hường – ven.vn

Trở ngại trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn

Thực hiện Quyết định số 1419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”, các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai các nội dung của Chiến lược và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ một số khó khăn trong việc đưa hoạt động Sản xuất sạch hơn (SXSH) tiếp cận với doanh nghiệp.

Sản xuất sạch hơn là một cách tiếp cận chủ động mang lại lợi ích về kinh tế, cải thiện môi trường làm việc, giảm ô nhiễm trong sản xuất. Từ những năm 1998, Việt Nam đã có những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và áp dụng thử nghiệm ở một số cơ sở sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như ngành sản xuất giấy, dệt may, thủy sản, mía đường….và đã thu được nhiều hiệu quả tích cực. Đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg. Đây là cơ sở pháp lý và là định hướng chỉ đạo quốc gia yêu cầu tất cả các địa phương trên cả nước áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.Thực hiện chỉ đạo này, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng sản xuất sạch hơn trong quá trình sản xuất và đã thu được nhiều kết quả tích cực như Công ty CP Dược phẩm Tipharco (tiết kiệm nước 28%, điện giảm 30%), doanh nghiệp tư nhân SD nhờ đổi mới công nghệ đã rút ngắn thời gian sản xuất 10%, giảm 60% điện sử dụng cho các thiết bị chiếu sáng, giảm 50% lượng nước thải công nghiệp. Mặc dù vậy, mức độ áp dụng SXSH tại các doanh nghiệp chưa cao. Theo báo cáo tổng kết của Sở Công Thương một số tỉnh, ước tính chỉ có khoảng 11% doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Ngay cả những địa phương có điều kiện thuận lợi tiếp cận về thông tin và công nghệ cũng như sẵn có nguồn lực hỗ trợ như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh thì cũng chỉ có 25% số doanh nghiệp thực sự áp dụng sản xuất sạch hơn vào sản xuất.

Thực tế khi triển khai Chiến lược, có khá nhiều trở ngại mà các địa phương đã nêu ra, có thể phân loại theo các nhóm như sau:

Thứ nhất, rào cản về nhận thức của doanh nghiệp: Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó tiếp cận SXSH đối với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng SXSH chỉ đơn thuần liên quan đến vệ sinh môi trường. Do đó lãnh đạo doanh nghiệp gần như không quan tâm thậm chí còn cho rằng SXSH có thể gây tốn kém thêm cho doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, một tâm lý nữa của các doanh nghiệp là không muốn thay đổi vì cho rằng doanh nghiệp của họ vẫn hoạt động tốt mà không cần bất cứ sự can thiệp nào khác.

Thứ hai, rào cản kỹ thuật: Hoạt động triển khai SXSH phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ. Vì vậy yếu tố kỹ thuật là một rào cản trong quá trình này đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với hạn chế về năng lực kỹ thuật, tiếp cận thông tin kỹ thuật và cập nhật công nghệ. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ này, hạn chế về mặt kỹ thuật không chỉ ở năng lực, kinh nghiệm của công nhân mà còn là trình độ kỹ thuật giám sát điều khiển và cải tiến công nghệ. Cùng với đó là tiếp cận thông tin kỹ thuật về những thành công về giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu và các kỹ thuật tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, các doanh nghiệp loại này vẫn sản xuất với công nghệ cũ, truyền thống dẫn đến không tối ưu hóa được nguyên liệu đầu vào mà lại phát thải cao. Mặt khác, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện SXSH cho các ngành sản xuất còn chưa đầy đủ (ví dụ: nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su, chế biến cà phê quan tâm đến SXSH nhưng hiện chưa có tài liệu hướng dẫn cho các ngành này), nên các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong vận dụng vào quy trình sản xuất.

Thứ ba, rào cản kinh tế: Đối với các doanh nghiệp sản xuất, họ thường có xu hướng tập trung vào công đoạn bán hàng hơn là đầu tư công nghệ, thiết bị mới để giảm chi phí trong sản xuất. Hơn nữa, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chi phí đầu tư cho công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu thường lớn so với khả năng của doanh nghiệp và thời gian hoàn vốn dài, vì vậy các doanh nghiệp cũng khó có thể áp dụng giải pháp đầu tư công nghệ mới.

Để giải quyết những rào cản này qua đó góp phần thực hiện thành công chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Trong giai đoạn 2016 -2010, Bộ Công Thương và các Sở Công Thương cần tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp như nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về SXSH trên bằng các hình thức tuyên truyền, nhân rộng áp dụng các mô hình điển hình thành công, khẩn trương xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật SXSH đặc thù cho từng ngành, cũng như bố trí, phân bổ kinh phí ở địa phương cho phù hợp vàcó cơ chế hỗ trợ phù hợp hơn cho các doanh nghiệp.

Theo sxsh.vn 

Đốt rác bằng công nghệ plasma

TPHCM hiện đang nghiên cứu, xem xét dự án đầu tư xử lý chất thải bằng công nghệ plasma của Công ty Trisun Green Energy (Úc), vốn đầu tư khoảng 520 triệu USD. Đây được coi là công nghệ tiên tiến, có khả năng xử lý triệt để các chất độc hại và tái sinh năng lượng.

 Công nghệ tiên tiến

Tuy nhiên, dự án chỉ được cho là khả thi nếu đáp ứng hiệu quả về mặt kinh tế cũng như phù hợp với khả năng ngân sách của thành phố. Trước đây, đã có không ít dự án đốt rác phát điện muốn đầu tư vào thành phố nhưng chưa thể triển khai vì lý do này. Theo tiến sĩ (TS) Trần Ngọc Đảm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, xử lý rác bằng công nghệ plasma là công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay (hiện Việt Nam chưa có công nghệ này): Dùng hệ thống đèn plasma đốt đưa nhiệt độ lên cao 3.000°C – 7.000°C trong điều kiện thiếu oxy tiêu hủy các loại chất thải. Trên thực tiễn, công nghệ plasma khắc phục được hầu hết các hạn chế trong các phương pháp xử lý chất thải khác trước đây như chôn lấp hay phương pháp đốt truyền thống.Ưu điểm dễ thấy nhất của công nghệ này là xử lý triệt để tất cả các loại chất thải mà không phát sinh khói hoặc chất thải khác phải xử lý tiếp. Sản phẩm sau khi xử lý có tính trơ (xỉ thải chứa 2% – 4% thủy tinh hóa lành tính), thỏa mãn hầu hết các yêu cầu của tiêu chuẩn môi trường thế giới. Sau khi đốt một tấn rác thải, lò đốt sẽ thu được khoảng 1.200m³ khí syngas trong khi lượng khí thải rất thấp, chỉ khoảng 120m³ CO2 so với 6.000m³ khi đốt bằng lò thường. Các loại nhiên liệu khí tổng hợp này có thể tạo ra năng lượng dùng cho nhà máy hoặc các nhu cầu công nghiệp khác. Ước tính, mỗi tấn rác sau quá trình khí hóa plasma sẽ tạo ra khoảng 815kW điện, cao hơn từ 20% – 50% sản lượng điện so với bất kỳ công nghệ mới nào tạo ra điện. Hơn nữa, năng lượng tái tạo có thể dùng để vận hành cơ sở khí hóa plasma và giảm được số lượng lớn khí CO2, góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.

Hơn nữa, các lò đốt plasma có thiết kế nhỏ gọn nên chỉ sử dụng quỹ đất rất nhỏ, bằng khoảng 1/10 so với một số nhà máy xử lý rác khác. Trong điều kiện đất đô thị ngày càng bị thu hẹp phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, các lò đốt plasma phát huy được tính hiệu quả cao. Do vậy, hiện lò đốt plasma đang được ưu tiên sử dụng tại các quốc gia như Mỹ, Israel, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan và bắt đầu được đưa vào châu Âu, Trung Quốc. Nước Mỹ dự tính, trong vòng 10 năm tới đây, nhờ công nghệ plasma sẽ đáp ứng được 50% nhu cầu về nhiên liệu lỏng nhân tạo và 20% năng lượng từ những nguồn tái tạo.

Cân nhắc tính hiệu quả

Trong xu thế đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài giới thiệu công nghệ plasma tại TPHCM đáng để thành phố xem xét. Bởi cho đến nay, TPHCM vẫn chưa có dự án nhà máy đốt rác phát điện nào triển khai, chỉ có bãi rác Gò Cát và Đa Phước là có hạng mục sản xuất điện từ khí phát sinh từ bãi rác. Đồng nghĩa, gần 80% rác thải được xử lý bước đầu và mang đi chôn lấp. Trong khi ở nước ngoài, rác lại là tài nguyên có thể tái chế được.

Theo TS Phan Minh Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TPHCM, rào cản lớn nhất hiện nay đối với các dự án đốt rác bằng công nghệ plasma khi đầu tư vào TPHCM nằm ở giá trị đầu tư ban đầu khá lớn, buộc các chủ đầu tư phải kéo chi phí xử lý rác lên cao. Đơn giá mà hầu hết các chủ đầu tư công nghệ plasma đưa ra là 32USD/tấn cho rác sinh hoạt và 60USD/tấn cho bùn thải. Mức giá này tuy bằng với mức giá chung của thế giới, nhưng cao hơn rất nhiều chi phí mà thành phố chi trả cho các dự án xử lý rác khác, vốn áp dụng mức giá chỉ 17 – 21USD/tấn.

Để gỡ nút thắt này, các chuyên gia kiến nghị thành phố có thể xem xét thực hiện Quyết định 31 của Thủ tướng Chính phủ (năm 2014) như là một phương cách để giải bài toán bù trừ chi phí xử lý. Cụ thể, đối với dự án đốt chất thải rắn trực tiếp, ngành điện sẽ có trách nhiệm ký hợp đồng mua điện liên tục trong 20 năm (với giá mua điện tương đương 2.114 đồng/kWh) đối với dự án đốt chất thải rắn trực tiếp. Theo tính toán, nếu thành phố thương lượng giữ kinh phí như hiện tại mà ngân sách trả cho chi phí xử lý rác (khoảng 20USD/tấn), đồng thời áp theo giá điện mới, một lò đốt có quy mô 1.000 tấn/ngày, sau khi trừ chi phí vận hành vẫn có khả năng thu lời gần 300 tỷ đồng/năm và hoàn vốn trong vòng 10 – 15 năm.

Tuy nhiên, ngược lại quá trình đầu tư vận hành lò đốt plasma, yếu tố an toàn cũng cần được các chủ đầu tư cam kết. Theo lý giải của một đại diện thuộc Sở KH-CN TPHCM, trong quá trình vận hành không phải không có những rủi ro. Công nghệ plasma còn rất mới mẻ và nhân lực trong nước hiểu về công nghệ này chưa nhiều. Chủ đầu tư phải có lộ trình đào tạo nhân lực trong nước có trình độ để tham gia vận hành lò đốt.

Vị chuyên gia này kỳ vọng, nếu giải quyết tốt bài toán đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư và nguồn nhân lực vận hành nhà máy như đã nói, thành phố hoàn toàn có thể xem xét cho phép đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ plasma. Bởi công nghệ plasma vẫn đang là công nghệ tiên tiến nhất trong xử lý rác thải hiện nay.

Theo sxsh.vn

Công nghiệp xanh, môi trường hưởng lợi

Biến đổi khí hậu hiện đã trở thành mối de dọa gây ra nhiều thiên tai bão, lũ, hạn hán… Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, vì thế sản xuất công nghiệp xanh là mục tiêu của cả nước. Tại Đồng Nai, sản xuất công nghiệp xanh đã được tỉnh triển khai và thực hiện.

Theo Sở Kế hoạch – đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 18 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Khoảng gần 3 năm trở lại đây, thu hút đầu tư của tỉnh có chọn lọc, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đều bị từ chối và tỉnh ưu tiên mời gọi các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện với môi trường để hướng đến nền công nghiệp xanh, sạch.

* Bắt đầu từ sản xuất sạch hơn

Trong sản xuất công nghiệp xanh, sản xuất sạch hơn chiếm vai trò rất quan trọng, vì đây là giải pháp giúp các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ hoạt động một cách hiệu quả nhất, cạnh tranh nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất đảm bảo sức khỏe cho người lao động, cộng đồng xung quanh nhà máy và môi trường. Sản xuất sạch hơn còn giúp đảm bảo trữ lượng tài nguyên, giảm thiểu các nguyên liệu độc hại, giảm chất thải và phát thải.

Trong quá trình Việt Nam tham gia hội nhập sâu với thế giới, thì sản xuất công nghiệp xanh là một yêu cầu bắt buộc phải thực hiện. Thực tế từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia sản xuất sạch hơn cho thấy ngoài giảm được ô nhiễm môi trường còn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, chi phí xử lý và thải bỏ chất thải và giảm trách nhiệm pháp lý. Trong một số ngành sản xuất sạch hơn đem lại kết quả về kinh tế, môi trường rất lớn. Cụ thể như ngành chế biến kim loại, các mảnh thép, nhôm thừa được thu hồi tái chế, dầu cũng được thu hồi lại và tái sử dụng làm nhiên liệu. Trong ngành giấy, các chất thải có thể tận dụng cho ra các sản phẩm khác tăng lợi nhuận. Ngành chế biến thực phẩm, phế thải được thu hồi và dùng làm thức ăn chăn nuôi, nước thải sau khi xử lý sẽ phát ra khí metan dùng cho việc phát điện và nhiệt…

Ở 5 doanh nghiệp: Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa tiềm năng tiết kiệm năng lượng tiêu thụ gần 12%, chi phí năng lượng hơn 9%;
 Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang tiềm năng tiết kiệm năng lượng tiêu thụ là 16,5%, chi phí từ tiết kiệm năng lượng hơn 17%;
Công ty TNHH Meiwa Việt Nam tiết kiệm 6,5% năng lượng tiêu thụ, giảm chi phí về năng lượng hơn 15%; 
Công ty TNHH xây dựng và trang trí nội thất số 7 tiết kiệm năng lượng tiêu thụ 17%, giảm gần 27% chi phí năng lượng;

 Công ty TNHH Phi Dung tiết kiệm 32% năng lượng, giảm 32% chi phí năng lượng.

Theo Sở Công Thương, từ năm 2011 được sự hỗ trợ của Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp của Bộ Công Thương, Đồng Nai đã triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2015 và thành lập Phòng Sản xuất sạch hơn trực thuộc Trung tâm Tư vấn công nghiệp. Bên cạnh công tác tuyên truyền, sở này hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Các công ty được hỗ trợ thực hiện thí điểm chương trình sản xuất sạch hơn đều đem lại hiệu quả cao, như: Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, Công ty cổ phần cơ khí Đồng Nai, Công ty cổ phần điện cơ Đồng Nai, Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa (TP. Biên Hòa)…

* Sử dụng năng lượng tiết kiệm

Trong sản xuất công nghiệp xanh thì sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được các doanh nghiệp rất coi trọng vì góp phần giảm giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường và làm chậm lại quá trình của biến đổi khí hậu. Tiết kiệm điện trong sản xuất là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai. Vì tiết kiệm điện đem lại lợi kép cho doanh nghiệp là giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm được ô nhiễm.

Ông Chu Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tư vấn công nghiệp (Sở Công Thương), cho biết: “Hàng năm, trung tâm đều có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện kiểm toán năng lượng, lập các báo cáo nghiên cứu khả thi và các báo cáo nghiên cứu đầu tư để thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình này thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, song tiềm năng tiết kiệm năng lượng dao động từ 6,5-32% năng lượng tiêu thụ nên chi phí cho nhiên liệu giảm được 9,3-32%”. Cũng theo ông Hiếu, hiệu quả tiết kiệm chi phí năng lượng lớn nhất tập trung ở các giải pháp cải tạo hệ thống nhiệt và tận dụng giờ thấp điểm, tránh giờ cao điểm.

Những doanh nghiệp trên áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tổng điện tiết kiệm được trên 2,8 triệu kWh/năm, 312 tấn dầu/năm, hàng trăm tấn gas và giảm gần 2.800 tấn CO2 phát thải ra môi trường. Các chi phí đầu tư cho những giải pháp tiết kiệm năng lượng của 5 doanh nghiệp trên khoảng 10,7 tỷ đồng, nhưng số tiền tiết kiệm được từ giảm sử dụng điện, gas, dầu là gần 14 tỷ đồng/năm nên thời gian hoàn vốn của các doanh nghiệp chỉ hơn 9 tháng.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn và vừa đều chú trọng đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng sử dụng, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất, giảm lao động, tiết kiệm năng lượng và giảm các xử lý ô nhiễm. Còn  doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa chú ý nhiều đến những giải pháp tiết kiệm năng lượng, đầu tư máy móc mới hiện đại vì năng lực về tài chính có hạn. Nhưng tham gia hội nhập, các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, hàng hóa có thể xuất khẩu qua nhiều nước thì đảm bảo về môi trường là một trong những tiêu chí không thể thiếu.

Theo sxsh.com.vn

Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy mạnh hiệu quả năng lượng trong doanh nghiệp sản xuất

Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh “nóng” về tiêu thụ năng lượng. Nằm trong Vùng kinh tế trong điểm phía Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu nổi tiếng với tiềm năng dầu khí với những mỏ dầu lớn và đồng thời là một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp nặng, du lịch, cảng biển của cả nước. Chính vì thế, vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả đang tích cực được triển khai, đặc biệt là trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất.

 Tập huấn đào tạo quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp

Ngày 9/10, Sở Công thương Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp cùng Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Năng lượng xanh tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý, vận hành hệ thống năng lượng cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động nằm trong chương trình hành động của Sở Công thương nhằm triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Mục tiêu của lớp tập huấn là nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, vận hành hệ thống thiết bị tiêu thụ năng lượng, tiếp cận các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiên tiến. Đồng thời thực hiện đúng quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả …

Áp dụng hiệu quả năng lượng trong các doanh nghiệp sản xuất

Các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm tại Bà Rịa-Vũng Tàu rất chú trọng tới việc áp dụng hiệu quả năng lượng trong sản xuất.

Nhà máy thép Pomina 3, doanh nghiệp trong danh sách tiêu hao năng lượng trọng điểm, đã mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu USD xây dựng hệ thống nhà máy tự động bằng công nghệ mới nhất của châu Âu, giúp tiết kiệm nhiên liệu đáng kể trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, Pomina 3 đã xây dựng hệ thống lọc khí, bụi và nước thải hiện đại, khép kín. Theo đó, tất cả các khí thải và bụi rắn trong quá trình sản xuất đều đi qua hệ thống lọc khí này và được giữ lại tại đây. Riêng nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn để tái sử dụng, không thải ra môi trường. Hiện tại, Nhà máy luyện thép xây dựng Pomina 3 với dây chuyền mới chỉ tiêu hao điện năng 350kWh/tấn, trong khi chỉ số tiêu hao điện của các nhà máy luyện thép khác ở Việt Nam hiện nay là 600kWh/tấn.

Điển hình áp dụng năng lượng hiệu quả thứ hai tại Bà Rịa-Vũng Tàu là nhà máy Nhựa và Hóa chất Phú Mỹ. Doanh nghiệp này đã làm một cuộc “cách mạng ánh sáng” bằng cách thay đổi toàn bộ đèn loại 250W thành đèn Compac 80W, đồng thời lắp biến tần cho các loại bơm, quạt… Với giải pháp này, mỗi năm doanh nghiệp tiết kiệm được 1.600W, tương đương hơn 2 tỷ đồng tiền điện.

Công ty CP May xuất khẩu Vũng Tàu, KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu), mỗi tháng tiết kiệm được 30-40% sản lượng điện so với trước đây, chi phí tiền điện từ 60 triệu đồng/tháng giảm còn 50 triệu đồng/tháng bằng việc thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng đèn compact, đèn Led, đổi mới toàn bộ máy may điện tử theo dạng cơ động, gắn thiết bị tiết kiệm điện vào tất cả các máy may. Ngoài ra, thay vì dùng máy lạnh, xung quanh tường bao của công ty đều được lắp đặt hệ thống làm mát tự động với công nghệ của Hoa Kỳ phun hơi nước và quạt vào trong xưởng sản xuất.

Cùng với việc tuyên truyền, quảng bá sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; thay đèn sợi đốt bằng đèn compact… tại các hộ gia đình, văn phòng làm việc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu được những kết quả rất khả quan. Bảy tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã tiết kiệm gần 37 triệu kWh. Với mục tiêu tiết kiệm ít nhất 2,1% điện thương phẩm, phấn đấu đạt kế hoạch đề ra trong năm 2015 tiết kiệm hơn 59 triệu kWh.

Từ nay đến cuối năm, mục tiêu mà Sở Công Thương và Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu đề ra là tiết kiệm ít nhất 30 triệu kWh điện. Đối với các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý, vận hành hệ thống năng lượng. Trong đó tập trung hướng dẫn quy định đối với DN sản xuất công nghiệp theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giới thiệu hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO50001, quy trình thực hiện kiểm toán năng lượng; giải pháp và công nghệ mới về hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm trong ngành công nghiệp.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

 

 

Việt Nam ứng dụng công nghệ cao sản xuất kính tiết kiệm năng lượng

Ngày 9/10, TCT Viglacera – CTCP đã tổ chức đón nhận Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng Công nghệ cao cho Dự án dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng.

 

55aKHPT_ky-ketĐại diện Viglacera và nhà thấu Von Ardenner GmbH (Đức) ký hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ

Đây là dự án “Công nghệ cao” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 13/01/2015 và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao theo quyết định số 2456/QĐ-BKHCN ngày 22/9/2015.

Dự án được cho là dấu mốc quan trọng tiếp tục đánh dấu vai trò tiên phong của Viglacera trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước về phát triển sản phẩm mới ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường đồng thời khẳng định bước tiến chủ động tái cơ cấu các chủng loại sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sử dụng sản phẩm xanh và bền vững của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Khoa, Giám đốc Công ty Kính nổi Viglacera cho biết, Dự án dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, trong đó phần lõi là dây chuyền sản xuất kính theo công nghệ Đức trị giá 11 triệu euro. Năng lực sản xuất dây chuyền này khoảng 2,3 triệu m2/năm và có thể vận hành đạt công suất lên 3,3 triệu m2/năm.

Để có được sản phẩm này Viglacera đã ký hợp đồng tư vấn, cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ (hợp đồng EP) với Tập đoàn Von Ardenne GmbH (Đức) gói cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ sản xuất kính tiết kiệm năng lượng để mở rộng nhà máy kính của Viglacera tại tỉnh Bình Dương.

“Sản phẩm kính TKNL Viglacera sẽ thay thế hàng nhập khẩu, chủ động đón đầu các ‘sân chơi’ hội nhập mới như TPP (hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và các hiệp định thương mại song phương và đa phương khác sẽ có hiệu lực trong thời gian tới…”, đại diện Viglacera kỳ vọng.

Theo hợp đồng đã ký kết giữa Viglacera và nhà thầu Von Ardenne GmbH, kính tiết kiệm năng lượng Viglacera sẽ được sản xuất theo công nghệ phủ mềm, bởi kính phủ mềm có những tính năng ưu việt hơn rất nhiều so với kính được phủ cứng, hơn nữa rất phù hợp với khí hậu của Việt Nam và xu hướng chung của thế giới. Hai loại kính là Solar Control và Low – E sẽ là sản phẩm của dự án này đảm bảo sử dụng hiệu quả cho khí hậu phân vùng Bắc – Nam.

Hiện Ngân hàng Phát triển Việt Nam hỗ trợ tín dụng đầu tư đối với dự án là 350 tỷ đồng; đồng thời nhà thầu Von Ardenne GmbH của Đức sẽ cung cấp thiết kế, tài liệu kỹ thuật, hàng hóa, lắp đặt dây chuyền sản xuất đúng với thiết kế, chuyển giao công nghệ, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho Viglacera.

Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng, việc sử dụng kính tiết kiệm năng lượng sẽ mang đến giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho các công trình xây dựng.

Cụ thể kính tiết kiệm năng lượng có tính năng phát xạ thấp, hệ số dẫn nhiệt nhỏ, dẫn tới giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và bên ngoài qua hệ thống vách kính, từ đó tiết kiệm chi phí năng lượng của hệ thống điều hòa không khí mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông.

Theo ông Khoa, dự kiến tháng 10/2016 sẽ cho ra lò mẻ kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Theo sxsh.vn