Hà Nội: Sẽ xây dựng và vận hành trang tin điện tử về sản xuất sạch hơn

Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5768/QĐ-UBND, phê duyệt “Kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016 – 2020” nhằm khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm…

 Theo đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu: 90% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố áp dụng sản xuất sạch hơn; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm từ 8 – 13% mức tiêu thụ nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm; 90% doanh nghiệp lớn có cán bộ đủ năng lực hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; 100% các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố; ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố có cán bộ hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, UBND thành phố yêu cầu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trên phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao nhận thức lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cấp, các cơ sở sản xuất công nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn Thành phố.

Xây dựng, vận hành chuyên mục thông tin điện tử về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn thành phố; cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp các thông tin về chính sách phát triển công nghiệp; mô hình thí điểm; mô hình trình diễn thông qua các hình thức: Xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh, trang thông tin điện tử, tờ rơi và các hình thức thông tin truyền thông khác.

Hỗ trợ xây dựng thí điểm, nhân rộng các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp.

Nâng cao năng lực quản lý, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn đào tạo, hội thảo, hội nghị, diễn đàn; tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước; đối tượng là cán bộ quản lý, chuyên môn trong cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ kỹ thuật tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố…

Theo sxsh.vn

 

Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam

Sáng ngày 14/1/2016,Tổng cục Năng lượng – Bộ Công thương đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam”. 

Tham dự hội nghị có ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Năng lượng; ông Patrick Jean Gilabert, Trưởng đại diện – Văn phòng UNIDO tại Việt nam; ông Sanjaya Shrestha, Cán bộ phát triển công nghiệp, Trụ sở UNIDO tại Viên, Áo; Các chuyên gia trong linh vực tiết kiệm năng lượng cùng nhiều đại biểu là các đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội.

Các đại biểu tham dự hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam”. 

Sau phát biểu khai mạc hội thảo của Tổng cục Năng lượng và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), các đại biểu đã lần lượt trình bày những vấn đề liên quan đến dự án như các hợp phần hoạt động, kế hoạch công tác, kế hoạch giám sát và đánh giá, tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các bên. Bên cạnh đó, các đại biểu còn đưa ra những đánh giá về thực trạng sử dụng nồi hơi và công nghệ sản xuất nồi hơi tại Việt Nam, đánh giá các nguồn vốn hiện có hỗ trợ các dự án đầu tư hiệu quả năng lượng cũng như nhu cầu hỗ trợ kĩ thuật của các doanh nghiệp sản xuất nồi hơi Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Bùi Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Tiết kiệm năng lượng Bách Khoa, đã có những đánh giá về chính sách quốc gia hiện có về thúc đẩy nồi hơi hiệu quả năng lượng. Để minh họa cho phần trình bày của mình, ông đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy định về nồi hơi; quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách  về xây dựng năng lực và một số hoạt động đánh giá hiệu quả nồi hơi, hệ thống hơi nước. Song song với đó, ông Hùng cũng nêu lên những hạn chế về chính sách thúc đẩy nồi hơi hiệu quả năng lượng như: thiếu các hướng dẫn kĩ thuật để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp tuân thủ các yêu cầu về hiệu suất năng lượng, chưa có quy định về cấp chứng nhận hiệu suất năng lượng nồi hơi,…

Ông Bùi Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Tiết kiệm năng lượng Bách Khoa trình bày tại hội thảo.

Cuối buổi, các đại biểu tham dự đã có những thảo luận sôi nổi, đưa ra những ý kiến và kiến nghị mang tính xây dựng, góp ý rất xác đáng và thiết thực.

Với mục tiêu giảm mức năng lượng tiêu thụ và giảm lượng phát thải khí nhà kính thông qua việc thúc đẩy sử dụng và vận hành nồi hơi hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, dự án dự kiến sẽ được thực hiện trong 4 năm, bắt đầu từ tháng 11/2015 và kết thúc vào tháng 10/2019.

Dưới đây là một số hình ảnh về hoạt động diễn ra trong buổi hội thảo:

 

Các đại biểu theo dõi phần trình bày của các chuyên gia.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng (trái), và ông Sanja Shrestha, Cán bộ Phát triển công nghiệp, Trụ sở UNIDO tại Viên, Áo làm chủ tọa phiên chất vấn
Ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng Bộ môn Hệ thống năng lượng nhiệt, Đại học Bách Khoa đang trả lời câu hỏi của đại biểu.
Theo Hà Nguyễn – Hồng Hạnh – tietkiemnangluong.com.vn

Phê duyệt Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Công Thương xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

c4311fc00350db8306b5e6e68221afd5_ben-vung

 

Ảnh minh hoạ

Mục tiêu của chương trình là từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, xây dựng và thực hiện lộ trình áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch đạt 60 – 70%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đạt 50%; giảm đến khoảng 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến khoảng 50% tại các chợ dân sinh…

Chương trình cũng đặt ra nhiệm vụ về Phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường: Theo đóxanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Cụ thể, áp dụng sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động phân phối các sản phẩm, dịch vụ; giảm sử dụng các bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh; đẩy mạnh việc thay thế sử dụng các bao bì khó phân hủy bằng các loại bao bì thân thiện môi trường.

Nghiên cứu, hỗ trợ triển khai thí điểm, tổ chức phổ biến, nhân rộng một số mô hình phân phối các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và thực hiện cấp chứng nhận mô hình phân phối xanh, thân thiện môi trường.

Thúc đẩy liên kết bền vững giữa nhà cung cấp nguyên liệu – nhà sản xuất – nhà phân phối – người tiêu dùng trong việc sản xuất, phân phối và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các đối tượng tham gia vào hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng các sản phẩm.

Nhiệm vụ khác của chương trình là thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững. Cụ thể, tuyên truyền, vận động xây dựng lối sống thân thiện môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, các bon thấp, hài hòa, thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, tổ chức các kênh thông tin và thực hiện quảng bá sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường tới người tiêu dùng; tăng cường đào tạo và phổ biến các kiến thức, chính sách, pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho cán bộ, doanh nghiệp và người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thực hiện các hoạt động thực hành về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Nâng cao vai trò hỗ trợ của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho người tiêu dùng.

Tiếp tục thực hiện hoạt động dán nhãn xanh Việt Nam, nhãn tiết kiệm năng lượng và các loại nhãn sinh thái khác; đẩy mạnh hoạt động đánh giá, chứng nhận sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; thực hiện hoạt động mua sắm xanh, ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động về mua sắm công xanh; nghiên cứu triển khai áp dụng thí điểm và nhân rộng mô hình mua sắm công xanh; phát triển và phổ biến các mô hình thực hành lối sống bền vững.

 Theo Minh Kỳ – baocongthuong.com.vn

Doanh nghiệp Bình Dương trước bài toán tiết kiệm năng lượng

Điều 33 của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bắt buộc các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm doanh nghiệp (DN) phải kiểm toán năng lượng (KTNL) 3 năm một lần. Vậy KTNL là gì? Các DN ở Bình Dương đã thực hiện quy trình này ra sao? Và ngành chức năng có giải pháp gì đểthúc đẩy chương trình này?

Sản phẩm máy phát điện tiết kiệm điện của Công ty CP Sáng Ban Mai

KTNL là tổng hợp các hoạt động khảo sát, thu thập và phân tích năng lượng tiêu thụ của DN, tòa nhà, quy trình sản xuất hay một hệ thống… Mục tiêu của KTNL là xác định những khu vực sử dụng năng lượng lãng phí và các cơ hội tiết kiệm năng lượng, từ đó xây dựng các giải pháp để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, nhằm tránh lãng phí tài nguyên năng lượng quốc gia, giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả cạnh tranh của DN.

Tại Bình Dương, Trung tâm Khuyến công đã tích cực hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 3-9-2003. Trung tâm đã triển khai đến DN các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (ngày 17-6-2010); Nghị định số 21/2011/NĐ-CP (ngày 29-3-2011) của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thông tư số 09/2012/ TT-BCT (ngày 20-4-2012) của Bộ Công thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện KTNL đến các DN trên địa bàn tỉnh. Tuy triển khai các quy định pháp luật đã hơn 10 năm, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia được gần 5 năm, song đến nay, vẫn còn nhiều DN trên địa bàn vẫn chưa thực hiện KTNL.

Hiệu quả từ tiết kiệm năng lượng của một DN

Trong số hàng chục DN thực hiện KTNL tại Bình Dương, Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc là một đơn vị chuyên sản xuất gia công đồ gỗ trang trí nội thất, điêu khắc, tiện đã tham gia phối hợp với Trung tâm Khuyến công trong việc KTNL và bước đầu đạt hiệu quả. Ngành chức năng đã tổ chức thực hiện việc khảo sát đánh giá, đo đạc và tính toán chi tiết cho các khu vực của nhà máy của công ty, để tìm ra những vị trí sử dụng năng lượng chưa thực sự tiết kiệm, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục hiệu quả để nhà máy triển khai thực hiện. Sau khi thu thập số liệu, khảo sát và tiến hành đo đạc thực tế tại khu vực nhà máy, các giải pháp đưa ra tập trung ở các hệ thống tụ bù, hệ thống máy nén khí và hệ thống quạt hút gió.

Đối với hệ thống tụ bù, do nhà máy không lắp tụ bù tại các tủ phân phối các máy công cụ nên hệ số công suất trung bình tại các máy công cụ của xưởng khá thấp (khoảng 0,45 – 0,75). Chiều dài từ trạm biến áp đến các máy công cụ của xưởng là khá dài đến 90m nên gây tổn hao công suất và tổn hao điện áp, làm giảm điện áp ở cuối đường dây. Nếu di chuyển các tụ bù tổng từ trạm biến áp đến tủ điện gần khu vực bố trí các máy công cụ công suất lớn của xưởng thì tổng điện năng tiết kiệm được là 5.472 kWh/năm.

Đối với hệ thống máy nén khí, cho phép toàn hệ thống sau khi khắc phục rò rỉ tối ưu là 10%. Nâng cao nhận thức sự dụng khí nén của công nhân. Quy hoạch, tối ưu hóa hệ thống đường ống cung cấp khí nén, giúp giảm thiểu tổn thất áp suất trên đường ống. Định kỳ kiểm tra năng suất máy nén khí và rò rỉ khí nén trên hệ thống phân phối khí nén. Thường xuyên kiểm tra, thay thế các khớp nối đã cũ, rò rỉ khí bằng các khớp nối mới.

Đối với hệ thống quạt hút gió, cần khắc phục ngay các điểm rò rỉ tại các cửa hút, các điểm nối giữa đoạn ống cứng bằng tôn kẽm và ống ruột gà. Thay cơ cấu truyền động bằng puly hiện nay bằng cách truyền động trực tiếp. Nhắc nhở công nhân sau khi tắt máy phải đóng kín các cửa gió đồng thời hạ thấp các cửa gió vừa tầm với của công nhân để thuận tiện cho việc đóng mở các cửa gió. Với các giải pháp đưa ra, tổng chi phí đầu tư là 50 triệu đồng, nhà máy có thể tiết kiệm được 53.208kWh/năm, tương đương tiết kiệm được 94,14 triệu VNĐ/năm, đồng thời giảm thải CO2 ra môi trường là 22,88 tấn/năm. Qua số liệu thống kê, cho thấy điện năng tiêu thụ trong giờ cao điểm chiếm 22,54%, chi phí tiền điện chiếm 36,81%. Do đó việc quản lý vận hành tốt các phụ tải tránh giờ cao điểm sẽ giúp giảm chi phí điện năng đáng kể.

Bên cạnh công tác KTNL tại công ty, Trung tâm Khuyến công còn đưa ra các lưu ý về một số khó khăn có thể xảy ra trong quá trình triển khai như lựa chọn nhà cung cấp thiết bị đáng tin cậy, cần làm báo cáo đầu tư cho các giải pháp đầu tư. Ngoài ra, để duy trì hiệu quả của hoạt động tiết kiệm năng lượng, nhà máy nên thành lập Ban quản lý năng lượng. Nhà máy có thể phối hợp các tổ chức tài chính cho vay đầu tư giải pháp tiết kiệm năng lượng như Ngân hàng Vietinbank, các Công ty ESCO.

Đầu tư để tiết kiệm năng lượng, cơ hội cho DN

Bên cạnh việc thực hiện KTNL cho DN, Trung tâm Khuyến công còn tổ chức Hội thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư Xanh (GIF) cho các vừa và nhỏ (VVN) tại Bình Dương. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hội thảo được tổ chức tại 10 tỉnh, thành mục tiêu của Dự án LCEE. Dự án LCEE sẽ tiếp tục hỗ trợ Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với nguồn ngân sách cho Quỹ đầu tư lên tới 110 tỷ đồng.

Trong năm 2015 và 2016, Dự án đặt mục tiêu hỗ trợ từ 100 – 130 DNVVN trong 3 ngành gạch, gốm và chế biến thực phẩm. Tham gia dự án, các DN có cơ hội nhận được khoản vay trị giá từ 400 triệu đến 4 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư vào tiết kiệm năng lượng. Sau 800 giờ vận hành, DN đạt được mức tiết kiệm năng lượng và giảm lượng phát thải khí CO2 theo yêu cầu của dự án LCEE sẽ được trả thưởng từ 10 – 30% giá trị khoản vay.

Tại hội thảo ở Bình Dương, TS. Nguyễn Xuân Quang, Tư vấn quốc gia dự án, đã trình bày và giải đáp thắc mắc của các DN về chi tiết kỹ thuật và cách thức tính mức năng lượng theo yêu cầu của dự án. Đồng thời, chuyên gia và cán bộ dự án cũng đã hỗ trợ các DN thảo luận, lên ý tưởng cho các dự án tiết kiệm năng lượng tại DN và tính toán mức chi phí đầu tư. Theo số liệu từ Sở Công thương Bình Dương, toàn tỉnh có 430 DNVVN hoạt động trong 3 lĩnh vực gạch, gốm và chế biến thực phẩm. Số lượng DNVVN tại Bình Dương lớn thứ 4 trong danh sách 10 tỉnh mục tiêu của dự án LCEE, chỉ xếp sau Hà Nội, Vĩnh Long và TP.Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến công khẳng định: “KTNL quan trọng như kiểm toán tài chính, sử dụng năng lượng kém hiệu quả là sự lãng phí rất lớn. Nên Trung tâm Khuyến công đã và sẽ tích cực đồng hành cùng DN thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần xây dựng tỉnh Bình Dương giàu đẹp, phát triển bền vững”.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

 

Bà Rịa – Vũng Tàu: Lồng ghép hoạt động SXSH và xử lý nước thải vào chương trình năng suất chất lượng

Sản xuất sạch hơn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong những nội dung của Chương trình Khoa học – công nghệ Hỗ trợ doanh nghiệp (KHCN hỗ trợ DN) nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của tỉnh BR-VT giai đoạn 2014 -2020. Sở KH-CN luôn ưu tiên các đề án liên quan nội dung này.

Mới đây, UBND tỉnh đã xét duyệt đề án Xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 500m3/ngày-đêm tại Xí nghiệp chế biến hải sản – Công ty CP Thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex)”, với mức hỗ trợ là 400 triệu đồng. Đề án này thuộc Chương trình KHCN hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của tỉnh BR-VT năm 2015. Bà Trần Thị Hồng Châm, Giám đốc nhân sự và quản lý môi trường Công ty CP Coimex cho biết, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải 500m3/ngày-đêm với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo nước thải trong quá trình sản xuất được gom xử lý đạt tiêu chuẩn. Công trình đòi hỏi vốn lớn, do đó, Chương trình KHCN hỗ trợ DN có ý nghĩa rất thiết thực với DN trong thời kỳ khó khăn như hiện nay.

Tương tự, UBND tỉnh cũng hỗ trợ 170,648 triệu đồng cho đề án “Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt công suất 100m3/ngày – đêm” tại khách sạn GOLF Phú Mỹ, của công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh BR-VT (phường 8, TP. Vũng Tàu). Hệ thống xử lý nước thải này giúp giải quyết nguồn nước thải của khách sạn theo tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 14:2008.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đồng ý hỗ trợ 165 triệu đồng cho đề án “Xây dựng hệ thống nước thải công suất 70 m3/ngày – đêm tại DN tư nhân Bình Thanh (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền). DN này hoạt động trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Sau khi xây dựng thành công hệ thống xử lý nước thải với công suất 70m3/ngày – đêm, toàn bộ lượng nước thải được phát sinh đều được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường QCVN 11:2008/BTNMT.

Theo báo cáo của Sở KH-CN, đến thời điểm này, Chương trình KH-CN HTDN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2014-2020 đã hỗ trợ kinh phí cho 92 DN. Cụ thể, năm 2014 có 81 DN nộp đơn tham gia, đã xét hỗ trợ 49 DN với tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng; 10 tháng năm 2015 có 43 DN được hỗ trợ thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến… với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 4,26 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã (HTX) vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải, từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh cũng cho vay 6 dự án của DN hoạt động trong các lĩnh vực chế biến cao su, chế biến hải sản, du lịch… đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, với tổng số tiền 8,3 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ kinh tế tập thể cho 5 HTX vay vốn sản xuất kinh doanh với tổng số tiền vay khoảng 2,95 tỷ đồng; có 21 HTX còn dư nợ với tổng số tiền 7,2 tỷ đồng.

Theo sxsh.vn

Ngành công nghiệp sản xuất xi măng trở nên xanh hơn

Biến đổi khí hậu và đô thị hóa là hai trong số những ảnh hưởng quan trọng nhất định hình thế giới, đồng thời có ý nghĩa sâu sắc đối với các ngành công nghiệp xi măng. Những công nghệ mới hiện nay hứa hẹn sẽ đáp ứng mục tiêu giảm lượng carbon trong ngành công nghiệp này.

Xi măng là thành phần quan trọng của bê tông, vật liệu xây dựng được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, nhưng nó cũng là sản phẩm của một quá trình tốn nhiều năng lượng, đồng thời thải ra khoảng 6% lượng khí nhà kính trên toàn cầu. Có một mối đe dọa lớn đó là gia tăng lượng phát thải khi các nước phát triển đẩy mạnh đô thị hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa trong những thập kỷ tới. Để theo đuổi mục tiêu giảm lượng carbon, ngành công nghiệp xi măng cần phải áp dụng các công nghệ hiệu quả nhất, phát triển các sản phẩm sáng tạo và áp dụng công nghệ mới đầy hứa hẹn cho các loại nhiên liệu thay thế, bao gồm cả gió và năng lượng mặt trời.

Tổng công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới chuyên về phát triển khu vực tư nhân, đầu tư vào các ngành công nghiệp xi măng vì tầm quan trọng mang tính nền tảng cho phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển. Bê tông là vật liệu xây dựng chủ yếu cho lĩnh vực xây dựng, cực kỳ quan trọng đối với nhà ở và cơ sở hạ tầng cơ bản. Ngành xi măng đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn về tài chính và lợi nhuận. Tổ chức phát triển như IFC thường đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các dự án xi măng ở các nước đang phát triển, nơi mà 90% lượng xi măng được tiêu thụ. IFC có một danh mục đầu tư xi măng đang hoạt động trong khoảng 35 dự án, với giá trị hơn 1,1 tỷ $.

Chiến lược của IFC trong lĩnh vực xi măng nhằm khuyến khích sự thay đổi hướng tới sản xuất xi măng “xanh hơn”. Ngoài ra để tối đa hóa việc sử dụng xi măng phát thải ít carbon, IFC đang làm việc với những công ty muốn giảm mức tiêu thụ năng lượng và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. IFC tin rằng có tiềm năng phát triển đáng kinh ngạc trong việc giảm khí thải và giảm chi phí năng lượng trong ngành công nghiệp xi măng và các mục tiêu này có thể được hỗ trợ bằng cách sử dụng các cấu trúc tài chính thích hợp và khuyến khích về vốn đầu tư.

Một trong những trường hợp đầu tư mạnh vào công nghệ thay thế đó là việc áp dụng công nghệ thu hồi nhiệt thải (WHR). Điều này liên quan đến việc hấp thu nhiệt dư thừa của quá trình sản xuất và sử dụng nó để tạo ra năng lượng điện. Công nghệ này có thể nhanh chóng được áp dụng cho một số ngành công nghiệp nặng, trong đó có thép và hóa chất. Tuy nhiên, việc áp dụng cho ngành công nghiệp xi măng đã bị hạn chế, ngoại trừ ở Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc.

Một báo cáo mới đây của viện Năng suất Công nghiệp IFC ước tính rằng các khoản đầu tư cho WHR có thể giúp giảm chi phí vận hành và nâng cao lợi nhuận cho các nhà máy xi măng từ 10 đến 15%.

Tính trung bình, hạch toán chi phí điện năng lên đến 25% tổng chi phí hoạt động của một nhà máy xi măng. Công nghệ thu hồi nhiệt thải sử dụng nhiệt dư trong các chất khí thải trong quá trình sản xuất xi măng và có thể cung cấp cho nhu cầu sưởi ấm ở nhiệt độ thấp hoặc tạo ra đến 30% nhu cầu điện năng nói chung.

Nói cách khác, chúng ta có thể nhận được năng lượng đáng tin cậy hơn và rẻ hơn, trong khi đồng thời cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Theo sxsh.vn