Thư chúc mừng Giáng sinh và Năm mới 2018!

Nhân dịp đón mừng một mùa Giáng sinh an lành và Năm mới 2018, VNCPC xin gửi tới Quý vị lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!

Chúng tôi vô cùng cảm ơn sự hợp tác, cũng như những đóng góp vô cùng quý báu từ quý vị trong suốt thời gian qua đối với sự phát triển của VNCPC.

Một lần nữa xin chúc Quý vị và gia đình một mùa Giáng sinh hạnh phúc và một năm mới dồi dào sức khỏe, may mắn, thành công trong cuộc sống cũng như trong công việc!

Xin trân trọng cảm ơn!

PGS. TS. Trần Văn Nhân

Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam

Vì sao doanh nghiệp công nghiệp nên áp dụng SXSH?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) mang lại những lợi ích gì và vì sao doanh nghiệp nên tham gia tham gia SXSH? Đây  hẳn là câu hỏi đã được không ít doanh nghiệp đặt ra trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình.

Những lợi ích khi doanh nghiệp SXSH

Trong sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, việc áp dụng SXSH được xem là phương cách tốt nhất để kết hợp lợi ích kinh tế và môi trường. Mặt khác, khi tham gia thực hiện SXSH, doanh nghiệp công nghiệp sẽ nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước về tư vấn kỹ thuật, về nguồn tài chính thực hiện SXSH.

Cụ thể, nếu bỏ qua vấn đề ô nhiễm, doanh nghiệp sẽ gặp phải:

  • Rủi ro bị phạt
  • Rủi ro phải ngừng sản xuất hoặc bị di dời đi nơi khác
  • Giảm khả năng cạnh tranh và chịu nhiều áp lực từ cộng đồng

Nếu xử lý ô nhiễm, doanh nghiệp sẽ:

  • Tốn chi phí lắp đặt và vận hàng hệ thống xử lý
  • Không thu được lợi nhuận từ việc xử lý ô nhiễm ngoài việc tuân thủ pháp luật
  • Kinh phí để xử lý ô nhiễm được ví bằng hình ảnh tảng băng, ta chỉ nhìn thấy phần nổi trên mặt nước còn các chi phí khác tiềm ẩn là rất lớn

Nếu thực hiện SXSH, doanh nghiệp sẽ:

  • Giảm thiểu ô nhiễm
  • Giảm tổn thất năng lượng, nguyên liệu đầu vào, nước
  • Tăng lợi nhuận, hạ giá thành sản phẩm
  • Giảm chi phí lắp đặt hoặc giảm quy mô của hệ thống xử lý ô nhiễm
  • Tăng khả năng cạnh tranh
  • Tăng khả năng tuân thủ pháp luật tạo hình ảnh đẹp trước cộng đồng

Áp dụng SXSH có giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh?

Nền kinh tế nước ta đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, hơn lúc nào hết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp càng trở nên bức thiết. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, một trong những yếu tố quyết định là nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; mặt khác, cần có mối quan hệ tốt với các khách hàng, cộng đồng.

Có thể thấy rất rõ, khi áp dụng SXSH, doanh nghiệp sẽ đạt được những ích lợi như:

         – Giảm các chi phí cho đầu vào của sản phẩm, giảm chi phí cho việc xử lý môi trường (các khoản chi phí, thuế ngày càng trở thành sức ép lớn đối với doanh nghiệp);

        – Nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm do được quản lý tốt hơn, hiệu suất sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, nguồn lực cao hơn

          – Tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp do giảm chi phí sản xuất

          – Khích lệ đổi mới vì đó là thuộc tính của SXSH

         – Nâng cao tính cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường do chất lượng sản phẩm tốt hơn, uy tín doanh nghiệp trước cộng đồng

         – Nâng cao năng suất do cài tiến quá trình và lôi kéo được mọi người tham gia .Việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo cách tiếp cận này là một cách tiếp cận chủ động, làm thái độ của mọi thành viên của doanh nghiệp trở nên tích cực hơn;

Tất cả các yếu tố trên sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp một cách mạnh mẽ.

VNCPC

Giảm đáng kể lượng điện, nước tiêu thụ nhờ áp dụng SXSH

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững” đã mang đến cơ hội tiếp cận với quy trình sản xuất sạch hơn, tiết giảm chi phí và phát triển sản phẩm bền vững cho doanh nghiệp.

Mục tiêu của dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) chủ trì là: Tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến áp dụng tiếp cận hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chất thải nguy hại cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Chương trình được triển khai từ 2015 đến 2019, với sự tài trợ của Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tham gia vào dự án, một công ty thủy sản tại Cần Thơ có tiềm năng giảm đáng kể lượng điện và nước tiêu thụ trong quá trình sản xuất.

Điện áp cao gây lãng phí, giảm tuổi thọ thiết bị

Theo khảo sát ban đầu của các chuyên gia thuộc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC) tại nhà máy, điện áp đo được ở hai trạm biến áp cao hơn điện áp tiêu chuẩn từ 6,6-7,2%.

Điện áp cao sẽ gây ra tổn thất năng lượng điện cao. Đồng thời, làm quá tải điện áp toàn hệ thống, khiến các thiết bị điện giảm tuổi thọ, đặc biệt là đèn chiếu sáng rất hay cháy vào lúc đêm muộn – khi mà điện áp tăng lên cao nhất.

Theo kinh nghiệm, điện áp cấp cao hơn tiêu chuẩn 10% sẽ gây ra những tổn thất như: tủ lạnh tăng tiêu thụ điện 5%; tủ đá tăng tiêu thụ điện thêm 10%; điều hòa nhiệt độ tăng tiêu thụ điện là 5%; đèn huỳnh quang (đèn tuýp) tăng tiêu thụ điện 8,1%; đèn halogen tăng tiêu thụ điện lên tới17%; đèn thủy ngân tăng tiêu thụ điện mức 20%; đèn compact không tăng tiêu thụ điện nhưng giảm tuổi thọ 45% (nhanh cháy đèn hơn)… Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn đẩy chi phí sản xuất tăng cao.

Từ đó, VNCPC đề xuất doanh nghiệp giảm điện áp về tiêu chuẩn sẽ tiết kiệm được khoảng 1-2% tổng điện năng tiêu thụ.

Giảm tiêu hao điện năng nhờ áp suất hút tối ưu

Chế độ máy nén lạnh hiện đang được cài đặt âm quá sâu cũng làm tăng tiêu hao điện năng. VNCPC khuyến cáo việc nâng nhiệt độ cài đặt tại nhà máy lên mức hợp lý có thể giúp giảm tới 20% tiêu hao điện năng so với hiện tại của dây chuyền IQF tương ứng.

Chế độ máy nén lạnh hiện đang được cài đặt âm quá sâu cũng làm tăng tiêu hao điện năng.

Giảm 30% lượng nước rửa tay nhờ điều chỉnh lưu lượng

Ngoài điện năng hao phí, qua khảo sát, vòi nước rửa tay tại nhà máy có lưu lượng lớn đã gây lãng phí nước không nhỏ. Bên cạnh đó, đường ống nước vệ sinh nhà xưởng tại một số điểm không có van đầu vòi cũng làm tăng tổn hao nước.

Theo đó, nếu điều chỉnh giảm lưu lượng nước trong vòi rửa tay, doanh nghiệp đã có thể giảm lượng nước rửa khoảng 30%. Việc lắp van đầu vòi để giảm lãng phí nước (có thể lắp loại vòi tăng áp giúp tăng hiệu quả vệ sinh thiết bị nhà xưởng lên tới 70%) cũng sẽ giúp lượng nước tiêu thụ giảm đáng kể.

Ngoài ra, trong suốt quá trình tham gia cùng dự án, doanh nghiệp còn nhận được rất nhiều những tư vấn hữu ích về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức lao động cho đội ngũ công nhân và cán bộ quản lý nhằm hướng tới tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển sản phẩm bền vững.

VNCPC

Sản xuất sạch hơn: Thêm cơ hội tiết kiệm năng lượng

Tham gia dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững”, các nhà máy, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội tiết kiệm năng lượng từ sự tư vấn của các chuyên gian sản xuất sạch hơn (SXSH).

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững” do Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) tài trợ.

Mục đích của dự án là tăng cường chuyển giao, ứng dụng, phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Một nhà máy sữa hiện có 150 công nhân. Tham gia dự án, nhà máy đã được đánh giá việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.

Doanh nghiệp có thể tiết kiệm được từ 170 – 181 triệu đồng/năm tiền điện nhờ áp dụng sản xuất sạch hơn. 

Không chỉ có vậy, trong thời gian đánh giá tại nhà máy, các chuyên gia cũng giúp nâng cao năng lực về RECP cho các cán bộ kỹ thuật và quản lý để có thể duy trì kết quả dự án sau khi hỗ trợ kỹ thuật kết thúc.

Theo các chuyên gia Trung tâm sản xuất sạch hơn (VNCPC): Mặc dù nhà máy đã thay phần lớn đèn chiếu sáng sang sử dụng là đèn LED, nhưng vẫn còn một số vị trí đang dùng bóng đèn 250W để chiếu sáng. Việc này đang gây lãng phí không cần thiết.

Tiếp đến, nhà máy chỉ có một hệ thống cung cấp khí nén với áp suất 8 kgfG/cm2; trong khi đó hộ tiêu thụ là 6 và 1,53 kgfG/cm2.

Trên thực tế với cùng một năng suất, máy nén tiêu thụ nhiều điện hơn ở áp suất cao hơn. Do đó, không nên vận hành máy nén ở mức áp suất vượt quá áp suất vận hành tối ưu vì không chỉ lãng phí năng lượng mà còn dẫn đến mòn nhanh, gây thêm các lãng phí năng lượng khác. Hiệu suất thể tích của một máy nén cũng giảm khi áp suất cấp cao hơn.

Hướng giải quyết được các chuyên gia VNCPC đưa ra là nên tách hệ thống hiện tại thành hai hệ thống đều sử dụng máy nén khí (compessor) một hệ thống phát áp suất cao 8 kgfG/cm2 như hiện tại; một hệ thống là 2 kgfG/cm2 phục vụ các nhu cầu áp suất thấp.

Điều này giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm được từ 170 – 181 triệu đồng/năm nhờ giảm áp suất trong máy nén. Theo ước tính, chỉ cần giảm áp suất 1 bar trong máy nén là đã giảm tiêu thụ điện từ  6 – 10 %. Đây chính là những yếu tố giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hiệu quả khi áp dụng sản xuất sạch hơn.

VNCPC

Áp dụng sản xuất sạch hơn giúp doanh nghiệp nhỏ tránh lãng phí

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn được xem là “xương sống” của các hoạt động kinh tế và công nghiệp ở nước ta. Song với quy mô nhỏ, lại chưa thực hiện sản xuất sạch hơn (SXSH), các doanh nghiệp này đã vô tình gây lãng phí tài nguyên không nhỏ.

Nhà máy Gạch Nam Sơn được thành lập năm 2011. Lúc đầu chỉ có 01 dây chuyền gạch mộc và 02 lò nung vòng với công suất trung bình 24 triệu viên/năm.

Đến năm 2017, công ty đầu tư thêm 01 dây chuyền sản xuất gạch mới hiện đại với công nghệ lò nung tuynen. Công suất trung bình 30 triệu viên/năm.

Khi tham gia dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, doanh nghiệp đã được các chuyên gia của Trung tâm sản xuất sạch hơn (VNCPC) chỉ ra những lãng phí rất điển hình mà doanh nghiệp đang hàng ngày gặp phải.

Điện áp trên hệ thống phân phối điện nội bộ của công ty đang cao hơn điện áp tiêu chuẩn 6,3 – 11,6 %. “Điện áp cao sẽ gây ra tổn thất năng lượng điện cao, đồng thời làm quá tải điện áp toàn hệ thống và các thiết bị điện sẽ bị giảm tuổi thọ vì quá nóng. Đặc biệt, hệ thống đèn và các thiết bị điện tử như biến tần, máy tính, điều hòa nhiệt độ, hệ thống điều khiển thiết bị… rất dễ bị cháy, nổ”, ông Đinh Mạnh Thắng – chuyên gia của VNCPC – cho biết.

Một số động cơ có dây cu-roa chùng là một yếu tố làm giảm hiệu suất sử dụng điện rất hay gặp ở các nhà máy, vì lúc này năng suất vận hành thiết bị thấp, trong khi lượng điện tiêu thụ vẫn không đổi. Như vậy, chi phí điện theo sản phẩm sẽ tăng cao.

Áp dụng sản xuất sạch hơn vào quá trình sản xuất không chỉ nâng cao hiệu suất sinh thái, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường, mà còn tiết kiệm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.

Việc kiểm soát vận hành không tốt (bavia quá nhiều) cũng đã gây lãng phí điện năng tiêu thụ khoảng 5-6% (tương đương khoảng 3% điện toàn nhà máy).

Theo ông Đinh Mạnh Thắng, chỉ cần sự thay đổi nhỏ như điều chỉnh lại điện áp, mỗi năm công ty đã có thể tiết kiệm tới 50 triệu đồng.

Tương tự, khi thay đường ống nước có đường kính phù hợp hơn với mục đích rửa tay sinh hoạt, cùng với việc chỉnh lưu lượng nước về khoảng 7 lít/phút…, mỗi năm công ty cũng tiết kiệm thêm được những khoản tiền không nhỏ.

Không chỉ có vậy, ý thức của công nhân cũng cần được nâng cao trong thao tác sản xuất và thu gom rác thải hàng ngày đúng quy định để tạo được tác động tổng lực nâng cao hiệu quả cho toàn nhà máy.

Như vậy, áp dụng sản xuất sạch hơn vào quá trình sản xuất không chỉ nâng cao hiệu suất sinh thái, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường, mà còn tiết kiệm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.

VNCPC

Sản xuất sạch hơn cần hiểu thế nào cho đúng?

Khái niệm mặc dù “sản xuất sạch hơn” đã được giới thiệu vào nước ta từ năm 1995. Song đến thời điểm hiện nay, không ít doanh nghiệp người vẫn chưa hiểu đúng về khái niệm này.

Sản xuất sạch hơn là gì?

Theo định nghĩa của UNEP (Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc): Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

       – Đối với quá trình sản xuất: Sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại và giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải.

       –  Đối với sản phẩm: Sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ.

       –  Đối với dịch vụ: Sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

Các khái niệm tương tự với sản xuất sạch hơn là: Giảm thiểu chất thải; Phòng ngừa ô nhiễm; Năng suất xanh…

Các khái niệm tương tự với sản xuất sạch hơn là: Giảm thiểu chất thải; Phòng ngừa ô nhiễm; Năng suất xanh… Về cơ bản, các khái niệm này đều giống với sản xuất sạch hơn; đều cùng có ý tưởng cơ sở là làm cho các doanh nghiệp hiệu quả hơn và ít ô nhiễm hơn.

Mục tiêu hướng tới của sản xuất sạch hơn

Mục tiêu của sản xuất sạch hơn là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Điều này có nghĩa là thay vì bị thải bỏ sẽ có thêm một tỷ lệ nguyên vật liệu nữa được chuyển vào thành phẩm.

Khác với suy nghĩ truyền thống về môi trường là tập trung vào vấn đề phải làm gì với các chất thải và phát thải đã phát sinh. Sản xuất sạch hơn hướng tới việc tránh hay giảm thiểu được các chất thải và ô nhiễm trước khi chúng được sinh ra.

Sự khác nhau cơ bản giữa kiểm soát ô nhiễm và sản xuất sạch hơn là thời điểm thực hiện. Kiểm soát ô nhiễm được thực hiện sau khi đã có các chất thải, hay nói cách khác là tiếp cận “phản ứng và xử lý”. Trong khi đó, sản xuất sạch hơn là tiếp cận chủ động, theo hướng “dự đoán và phòng ngừa” theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Mục tiêu của sản xuất sạch hơn là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất.

Bên cạnh việc giảm thiểu các chất thải và ô nhiễm thông qua sản xuất sạch hơn, giảm nguyên liệu và năng lượng tiêu thụ. Sản xuất sạch hơn phấn đấu đạt hiệu suất sử dụng nguyên liệu trong phạm vi khả thi kinh tế cao sao cho càng gần 100% càng tốt.

Trên thực tế, sản xuất sạch hơn không chỉ là vấn đề thay đổi thiết bị mà còn là thay đổi thái độ, áp dụng bí quyết công nghệ và cải thiện quá trình sản xuất và sản phẩm.

Như vậy, sản xuất sạch hơn mang lại các lợi ích kinh tế song song với giảm tải lượng ô nhiễm. Sản xuất sạch hơn đồng nghĩa với giảm thiểu chất thải và phòng ngừa ô nhiễm. Sản xuất sạch hơn cũng là một bước hữu ích cho hệ thống quản lý môi trường như ISO14000.

VNCPC