Cần có cơ chế tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sạch hơn

Sản xuất sạch hơn (SXSH) là xu thế chung của nền sản xuất toàn cầu. Do đó, việc áp dụng các biện pháp SXSH không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn vì lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn có những hiểu biết chưa đúng về SXSH.

Nhiều DN chưa mặn mà với việc đầu tư cho SXSH, vì cho rằng, đầu tư SXSH làm tăng chi phí sản xuất, không đem lại lợi ích kinh tế mà còn làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm… Nhân dịp Xuân Nhâm Tuất 2018, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Trần Văn Nhân – Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm SXSH Việt Nam (VNCPC), đơn vị tư vấn, đào tạo và xây dựng mạng lưới các chuyên gia nòng cốt về SXSH trên cả nước để hiểu hơn việc thúc đẩy thực hiện Chiến lược SXSH trong thời gian tới.

PV: Xin ông cho biết đôi nét về hoạt động của VNCPC thời gian qua?

PGS. TS. Trần Văn Nhân: Là một đơn vị thành viên trong hệ thống DN khoa học công nghệ (BK Holdings) của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trong thời gian qua, VNCPC đã tập trung thúc đẩy áp dụng tiếp cận “Hiệu quả tài nguyên và SXSH” (RECP) vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam, nhằm góp phần vào hiện thực hóa mục tiêu “Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm” – mục tiêu thứ 12 trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững do Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc đưa ra. VNCPC đã hợp tác với các đối tác quốc tế và trong nước thành lập liên danh tham gia các đợt tuyển chọn Dự án hàng năm của các nhà tài trợ quốc tế.

Dự án “Sống và làm việc bền vững tại Việt Nam (GetGreen Vietnam)” đã giúp thay đổi hành vi của hàng triệu người tiêu dùng.

Trong những năm qua, chúng tôi đã hoàn thành tốt các dự án: Đổi mới sản phẩm bền vững (SPIN) ở Việt Nam, Lào và Campuchia do trường Đại học Công nghệ Delft chủ trì với sự hợp tác của UNEP, VNCPC, AITVN, LNCCI và CCPO tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) (4/2010 – 4/2014); Dự án “Sống và làm việc bền vững tại Việt Nam (GetGreen Vietnam)” do trường Đại học công nghệ Delft chủ trì với sự hợp tác của VNCPC và AITVN, tài trợ bởi EU (4/2012 – 4/2015); Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững do VNCPC/ĐHBKHN chủ trì với sự hợp tác của VASEP, WWF Việt Nam và WWF Áo, tài trợ bởi EU (4/2013 – 4/2017); Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì nền sản xuất phát thải các bon thấp ở Việt Nam, tập trung vào hai ngành chế biến gạo và cà phê VNCPC hợp tác với Sofies (Thụy Sỹ) do SECO Thụy Sỹ tài trợ thông qua UNIDO (2013 – 2016); Hợp phần “Xây dựng năng lực và đánh giá RECP tại các doanh nghiệp tham gia dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do SECO và GEF tài trợ thông qua UNIDO. Hợp đồng ký với UNIDO (2016 – 2018).

PV: Là đối tác tham gia thực hiện Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam tại các KCN đã được lựa chọn”, VNCPC đã triển khai các hoạt động như thế nào, thưa ông?

PGS. TS. Trần Văn Nhân: Thực hiện việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và SXSH là giải pháp cơ bản trong xây dựng mô hình KCN sinh thái. Sự tham gia tích cực của các DN trong KCN vào các hoạt động của Dự án là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công.

Do đó, việc đầu tiên là chọn đúng đối tượng có quan tâm đến hoạt động về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và SXSH trong số DN hoạt động trong các KCN tham gia. Dự án triển khai tại 3 địa phương, KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (TP. Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc (TP. Cần Thơ). Theo đó, các DN tham gia hoàn toàn tự nguyện dựa theo các tiêu chí: Mức độ hợp tác của DN; Tiềm năng về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và SXSH; Tác động môi trường do hoạt động của DN gây ra; Điều kiện cơ sở hạ tầng; Tài chính.

Cán bộ VNCPC trực tiếp thu thập các thông tin, dữ liệu từ nhà máy.

Hoạt động đầu tiên về RECP là tập huấn cho cán bộ quản lý và kỹ thuật của DN, cán bộ của ban quản lý KCN được tổ chức tập trung tại từng địa phương. Những cán bộ DN tham gia tập huấn sẽ đóng vai trò nòng cốt nhóm RECP của chính DN mình. Sau đó, các học viên sẽ triển khai thực hiện Chương trình đánh giá RECP tại DN của mình với sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia VNCPC. Dự án mong muốn họ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động thực hiện RECP tại DN.

Việc thực hiện Chương trình đánh giá RECP tại DN được chia thành 4 đợt, mỗi đợt cách nhau ít nhất 1 tháng. Các chuyên gia của VNCPC làm việc tại DN 2 ngày/đợt, hướng dẫn nhóm RECP thực hành các bước trong phương pháp luận đánh giá RECP một cách hệ thống, theo điều kiện thực tế của từng DN. Bắt đầu từ nhận diện vấn đề và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các vấn đề cần giải quyết → phân tích nguyên nhân → đề xuất giải pháp SXSH → phân loại các giải pháp và nghiên cứu khả thi → thực hiện các giải pháp SXSH → giám sát và đánh giá kết quả, cuối cùng nhân rộng – duy trì kết quả Chương trình.

Đến nay, Dự án đã đào tạo tập trung được 214 cán bộ của 89 DN, 3 Ban Quản lý KCN và đào tạo tại DN cho 240 người. Đồng thời, Dự án đã hoàn thành việc hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật giúp 46 DN hoàn thành Chương trình đánh giá RECP. Việc thực hiện các giải pháp SXSH mang lại những lợi ích đáng kể về giảm tiêu hao tài nguyên, tác động môi trường và kinh tế, đồng thời góp phần đáng kể vào cải thiện điều kiện làm việc, an toàn sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động. Về lâu dài, những kết quả trên sẽ giúp các DN nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Theo đánh giá RECP, tổng đầu tư của 46 DN trong 3 KCN thực hiện các giải pháp SXSH là khoảng 152 tỷ đồng. Trong đó, lợi ích kinh tế khi thực hiện các giải pháp SXSH giúp tiết kiệm 48 tỷ đồng, từ việc giảm suất tiêu thụ năng lượng, nước, nguyên vật liệu và hóa chất phục vụ sản xuất, cụ thể là giảm tiêu hao 9.992.418 kWh điện; 5.040 tấn than, 17 tấn gas và 74 tấn củi và trấu; 184.540 m3 nước; 2.669 tấn nguyên vật liệu; và 10,6 tấn hóa chất. Về mặt môi trường, giảm lượng chất thải phát sinh và phát thải hàng năm gồm 184.540 m3 nước thải; 40.737 kg COD; 14.162 tấn phát thải CO2; 2.669 tấn chất thải rắn…

Ngoài những lợi ích trên, kết quả đánh giá RECP cũng cho thấy hiện có các cơ hội tuần hoàn và tái sử dụng chất thải giữa các DN trong KCN (tái sử dụng nước thải sau khi đã được sử dụng đạt loại A của tiêu chuẩn xả thải, hoặc sử dụng nhiệt thải của DN này cấp cho DN khác; sử dụng chất thải rắn của Nhà máy giấy để sản xuất ra một sản phẩm phụ hữu ích…).

PV: Tuy nhiên hiện nay, rào cản lớn nhất đối với SXSH ở Việt Nam chính là do các DN chưa nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH vào sản xuất kinh doanh. Để các DN Việt Nam quan tâm hơn đến SXSH, theo ông Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi gì?

PGS. TS. Trần Văn Nhân: Để các DN quan tâm hơn đến SXSH, bên cạnh các cơ sở pháp lý, cần có biện pháp quảng bá rộng rãi các kết quả thực hiện SXSH của DN đi trước như một “tư liệu marketing”. Ngoài những giải pháp SXSH có thể thực hiện ngay do không đòi hỏi DN phải bỏ ra chi phí hoặc chi phí ít, Nhà nước cần quan tâm hơn đến việc xây dựng các nguồn tài chính và cơ chế hỗ trợ DN đầu tư thực hiện các dự án theo Chiến lược SXSH.

Từ thực tiễn hoạt động của Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) trong 10 năm qua, mà VNCPC là đơn vị tư vấn và điều phối, cho thấy đối với DN vừa và nhỏ thì thiếu nguồn tài chính là một trong các rào cản lớn nhất để đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện hơn với môi trường, được xem là loại giải pháp SXSH mang lại tác động dài hơi nhất. Đồng thời, Nhà nước cũng cần tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế như: thuế, phí… vào quản lý môi trường công nghiệp để tạo động lực mạnh mẽ hơn cho sự thay đổi từ phía doanh nghiệp.

PV: Nhân dịp này ông có đề xuất, kiến nghị gì đối với các cơ quan chức năng?

PGS. TS. Trần Văn Nhân: Theo tôi, để đẩy mạnh việc thực hiện SXSH, Bộ Công Thương cần giám sát và đôn đốc quyết liệt hơn các DN trong thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 và Kế hoạch hành động của ngành thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia. Đồng thời, yêu cầu các DN đưa nội dung thực hiện các Chiến lược này vào Báo cáo kết quả sản xuất – kinh doanh hàng năm. Về phía ngành TN&MT, cần đẩy mạnh việc thi hành nghiêm các quy định của luật pháp về BVMT, tạo ra động lực thúc đẩy các DN áp dụng các giải pháp SXSH, đặc biệt là giải pháp đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện hơn với môi trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phạm Đình (Thực hiện)

Chúc mừng ngày 8-3!

Nhân dịp Quốc tế Phụ nữ, xin gửi tới các bà, các mẹ, các chị, em những lời tri ân chân thành nhất. Chúc cho 1/2 thế giới luôn tràn đầy tình yêu và sức sống!

VNCPC

Lịch nghỉ Tết Nguyên Dán

Toàn bộ cán bộ, nhân viên VNCPC sẽ chính thức nghỉ Tết Nguyên Đán từ ngày 12/2/2018 đến hết ngày 25/2/2018 (tức từ ngày 27/12 đến 10/1 âm lịch).

Chúc mừng năm mới!

Thư cảm ơn từ doanh nghiệp gửi tới cán bộ VNCPC

Chỉ một thời gian ngắn tham gia dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững”, Công ty Phân bón và Hóa chất Cần Thơ đã tiết kiệm được rất nhiều năng lượng do vô tình lãng phí trong quá trình sản xuất.

Tổng giám đốc Công ty Phân bón và Hóa chất Cần Thơ đã có thư cảm ơn Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), đặc biệt là người phụ trách chính, ông Đinh Mạnh Thắng.

Dưới đây là nội dung của thư cảm ơn:

“Trước hết, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ cảm ơn Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam đã cho công ty tham gia vào dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững” tại công ty.

Vào ngày 04 – 05/10/2017, đoàn công tác của VNCPC đã đến và làm việc, sau thời gian hỗ trợ đào tạo cán bộ của công ty, ban lãnh đạo công ty chúng tôi đã cho thực hiện các yêu cầu của đoàn công tác, phụ trách chính là ông Đinh Mạnh Thắng. Đoàn công tác đã giúp đỡ nhiệt tình và phân tích cụ thể những tổn thất và lãng phí về năng lượng điện và  nhiệt từ hệ thống sản xuất của công ty.

Ban lãnh đạo Công ty chúng tôi đã cho cán bộ thực hiện ngay những tổn thất lớn và đang rà soát tiếp tục thực hiện những lãng phí nhỏ.

Công ty chúng tôi gửi đến Ban dự án và Trung tâm Sản xuất sạch hơn lòng biết ơn và hứa sẽ toàn tâm, toàn ý đầu tư, giải quyết sớm những đề xuất của đoàn công tác do các chuyên gia phân tích và gửi hình ảnh.

Hy vọng trong thời gian tới tiếp tục nhận được những ý kiến từ đoàn công tác VNCPC để phát triển tốt dự án “Triển khai sáng kiến khi công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khi công nghiệp bền vững”.

Trân trọng cảm ơn!

Tổng giám đốc”

VNCPC

Thư chúc mừng Giáng sinh và Năm mới 2018!

Nhân dịp đón mừng một mùa Giáng sinh an lành và Năm mới 2018, VNCPC xin gửi tới Quý vị lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!

Chúng tôi vô cùng cảm ơn sự hợp tác, cũng như những đóng góp vô cùng quý báu từ quý vị trong suốt thời gian qua đối với sự phát triển của VNCPC.

Một lần nữa xin chúc Quý vị và gia đình một mùa Giáng sinh hạnh phúc và một năm mới dồi dào sức khỏe, may mắn, thành công trong cuộc sống cũng như trong công việc!

Xin trân trọng cảm ơn!

PGS. TS. Trần Văn Nhân

Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam

Vì sao doanh nghiệp công nghiệp nên áp dụng SXSH?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) mang lại những lợi ích gì và vì sao doanh nghiệp nên tham gia tham gia SXSH? Đây  hẳn là câu hỏi đã được không ít doanh nghiệp đặt ra trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình.

Những lợi ích khi doanh nghiệp SXSH

Trong sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, việc áp dụng SXSH được xem là phương cách tốt nhất để kết hợp lợi ích kinh tế và môi trường. Mặt khác, khi tham gia thực hiện SXSH, doanh nghiệp công nghiệp sẽ nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước về tư vấn kỹ thuật, về nguồn tài chính thực hiện SXSH.

Cụ thể, nếu bỏ qua vấn đề ô nhiễm, doanh nghiệp sẽ gặp phải:

  • Rủi ro bị phạt
  • Rủi ro phải ngừng sản xuất hoặc bị di dời đi nơi khác
  • Giảm khả năng cạnh tranh và chịu nhiều áp lực từ cộng đồng

Nếu xử lý ô nhiễm, doanh nghiệp sẽ:

  • Tốn chi phí lắp đặt và vận hàng hệ thống xử lý
  • Không thu được lợi nhuận từ việc xử lý ô nhiễm ngoài việc tuân thủ pháp luật
  • Kinh phí để xử lý ô nhiễm được ví bằng hình ảnh tảng băng, ta chỉ nhìn thấy phần nổi trên mặt nước còn các chi phí khác tiềm ẩn là rất lớn

Nếu thực hiện SXSH, doanh nghiệp sẽ:

  • Giảm thiểu ô nhiễm
  • Giảm tổn thất năng lượng, nguyên liệu đầu vào, nước
  • Tăng lợi nhuận, hạ giá thành sản phẩm
  • Giảm chi phí lắp đặt hoặc giảm quy mô của hệ thống xử lý ô nhiễm
  • Tăng khả năng cạnh tranh
  • Tăng khả năng tuân thủ pháp luật tạo hình ảnh đẹp trước cộng đồng

Áp dụng SXSH có giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh?

Nền kinh tế nước ta đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, hơn lúc nào hết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp càng trở nên bức thiết. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, một trong những yếu tố quyết định là nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; mặt khác, cần có mối quan hệ tốt với các khách hàng, cộng đồng.

Có thể thấy rất rõ, khi áp dụng SXSH, doanh nghiệp sẽ đạt được những ích lợi như:

         – Giảm các chi phí cho đầu vào của sản phẩm, giảm chi phí cho việc xử lý môi trường (các khoản chi phí, thuế ngày càng trở thành sức ép lớn đối với doanh nghiệp);

        – Nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm do được quản lý tốt hơn, hiệu suất sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, nguồn lực cao hơn

          – Tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp do giảm chi phí sản xuất

          – Khích lệ đổi mới vì đó là thuộc tính của SXSH

         – Nâng cao tính cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường do chất lượng sản phẩm tốt hơn, uy tín doanh nghiệp trước cộng đồng

         – Nâng cao năng suất do cài tiến quá trình và lôi kéo được mọi người tham gia .Việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo cách tiếp cận này là một cách tiếp cận chủ động, làm thái độ của mọi thành viên của doanh nghiệp trở nên tích cực hơn;

Tất cả các yếu tố trên sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp một cách mạnh mẽ.

VNCPC