VNCPC tham vấn ý kiến địa phương về thực hiện hoạt động thí điểm tại hai làng nghề tái chế nhựa

Ngày 04/12/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã tổ chức cuộc họp tham vấn Gói thầu “Cung cấp dịch vụ và kỹ thuật cho công nghệ tái chế nhựa thí điểm tại 2 làng nghề Minh Khai và Phan Bôi, tỉnh Hưng Yên”. Cuộc họp nhằm tham vấn ý kiến đại biểu thuộc các Sở, ngành, chính quyền địa phương về các hoạt động của dự án trong giai đoạn khởi động và triển khai kế hoạch thực hiện chi tiết, góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động thí điểm này.

Đây là gói thầu thuộc Hợp phần 3 của Dự án “Trình diễn áp dụng Phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và Kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, ủy thác thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO).

Toàn cảnh cuộc họp tham vấn.

Tại Việt Nam, Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là Ban quản lý Dự án.

Với vai trò là đơn vị thực hiện, liên danh gồm Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC – đơn vị chủ trì), Công ty TNHH Vinacolour và Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Việt Trung, đã trình bày cách thức thực hiện và kế hoạch triển khai Hợp phần dự án cụ thể tại 2 làng nghề Minh Khai và Phan Bôi trong 2 năm 2019 – 2020.

Đại diện VNCPC trình bày cách thức thực hiện và kế hoạch triển khai hợp phần dự án.

Các đại diện đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, thị trấn Như Quỳnh, xã Dị Sử và cơ quan quản lý môi trường các cấp tham gia cuộc họp đã chia sẻ, cập nhật tình hình hoạt động tái chế nhựa tại 2 làng nghề cũng như chiến lược bảo vệ môi trường của địa phương.

Ông Nguyễn Bật Khánh – Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến ủng hộ dự án tại cuộc họp.

Các đại biểu thuộc các ban ngành rất ủng hộ dự án và mong muốn dự án sớm được triển khai để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại làng nghề, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ dân. Ngoài ra, các đại biểu cũng mong muốn các dây chuyền thí điểm sẽ được xây dựng để các hộ gia đình có thể học hỏi và chuyển đổi nhằm hướng đến một nền sản xuất bền vững.

VNCPC

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam làm việc với VNCPC cùng các đối tác của dự án Low carbon

Ngày 7/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), bà Beatrice Maser Mallor – Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã có buổi làm việc với các đối tác thực hiện dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất các bon thấp” (Low carbon).

Dự án do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ thông qua Tổ chức UNIDO, với mục tiêu chung là cải thiện môi trường địa phương, giảm phát thải khí nhà kính và mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Tổ chức SOFIES (Thụy Sỹ), Công ty Cơ khí Viết Hiền là những đối tác đã làm nên thành công của dự án.

Đại diện Công ty Cơ khí Viết Hiền giới thiệu về kết quả của dự án với bà Beatrice Maser Mallor – Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thực hiện dự án đã báo cáo tình hình thực hiện dự án cũng như các kết quả mà dự án đã đạt được, đặc biệt là kết quả chuyển giao thành công công nghệ nhiệt phân từ Thụy Sỹ cho Công ty Cơ khí Viết Hiền.

Hiện tại, công nghệ đã được sản xuất thành công ở quy mô công nghiệp và đã có những đơn hàng xuất khẩu hệ thống nhiệt phân đầu tiên sang các nước bạn như Brazil, Campuchia, Serbia.

Bà Đại sứ đánh giá rất cao các kết quả mà dự án đã đạt được, đặc biệt là hiệu quả mang lại của công nghệ nhiệt phân được ứng dụng trong ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam.

Bà Đại sứ đánh giá rất cao các kết quả mà dự án đã đạt được, đặc biệt là hiệu quả mang lại của công nghệ nhiệt phân được ứng dụng trong ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam.

Trong buổi trao đổi, bà Beatrice Maser Mallor khẳng định: Việt Nam là một trong những nước ưu tiên trong chương trình hợp tác kinh tế của Chính phủ Thụy Sỹ và sẽ tiếp tục nhận được những chương trình hỗ trợ trong việc tăng cường bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Viết Vinh – Phó Giám đốc Công ty Cơ khí Viết Hiền cho biết, công nghệ nhiệt phân sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, vỏ trấu, dăm gỗ… ở nhiệt độ cao trong điều kiện không có oxy sẽ sinh ra hỗn hợp khí gas trong buồng phản ứng. Hỗn hợp khí này tiếp tục được đưa vào buống đốt để đốt ở nhiệt độ cao hơn 1000 độ C để tạo ra nguồn nhiệt sạch và ổn định cho quá trình sấy quả cà phê. Sở dĩ công nghệ nhiệt phân có thể thay thế cho công nghệ đốt lạc hậu, thải nhiều khói bụi và khí thải độc hại ra môi trường là do quá trình đốt nhiệt phân không tạo khói và mùi ra môi trường xung quanh.

Bên cạnh đó, công nghệ này còn giải quyết được một vấn đề đã tồn lại lâu nay đó là mâu thuẫn giữa việc sử dụng vỏ cà phê cho mục đích sấy quả tươi hoặc cho mục đích làm phân bón cải tạo đất. Công nghệ nhiệt phân được chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ, với việc sử dụng vỏ cà phê làm nhiên liệu tạo ra nguồn nhiệt ổn định để sấy quả cà phê. Không chỉ có vậy, quá trình nhiệt phân còn sinh ra một sản phẩm là than sinh học (biochar) được sử dụng như một loại phân bón để cải tạo đất.

Theo đó, than sinh học giúp cải thiện độ tơi xốp của đất với khả năng giữ nước rất cao, chống thất thoát, bay hơi nước hay ngấm vào tầng sâu sau khi tưới, chống xói mòn đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn có lợi sống trong đất, thu hút và giữ nguồn dinh dưỡng để bón cho cây trồng…

Nhân dịp đến Đắk Lắk, bà Đại sứ đã tới tham quan mô hình Hệ thống nhiệt phân được lắp đặt tại Hợp tác xã Bình Minh huyện Cư M’gar. Từ năm 2016, các thành viên của hợp tác xã đã sử dụng công nghệ nhiệt phân để chủ động quá trình sấy, giúp tránh được ảnh hưởng của thời tiết mưa kéo dài trong suốt thời gian thu hoạch cà phê, từ đó mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng cà phê và bảo vệ môi trường.

Theo đại diện của VNCPC – đơn vị thực hiện dự án, trải qua hơn 4 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ thực hiện đánh giá Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho 16 nhà máy chế biến gạo và 10 công ty chế biến cà phê, giúp tiết kiệm 1,08 triệu kWh/năm, tương đương hơn 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.

VNCPC

Đào tạo RECP chuyên sâu cho 26 cán bộ các địa phương

Trong 2 ngày 5-6/9, tại Hà Nội, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu “Đánh giá Sử dụng hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP)” cho 26 cán bộ tại các địa phương.

Các cán bộ tham gia khóa đào tạo RECP chuyên sâu chủ yếu đến từ các trung tâm tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến sản xuất sạch hơn và cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp FDI.

Phát biểu tại lễ khai mạc khóa học, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc VNCPC cho biết: Dự án triển khai sáng kiến khu Công nghiệp (KCN) Sinh thái hướng tới khu Công nghiệp Bền vững với sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) được tiến hành từ năm 2015 – 2019, trong đó có hoạt động đào tạo năng cao năng lực và đánh giá RECP cho doanh nghiệp ở các khu công nghiệp được lựa chọn: Đà Nẵng, Cần Thơ, Ninh Bình.

Ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC (ngồi giữa) cùng đại diện của UNIDO, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự lễ khai mạc khóa học. 

Trong 3 năm qua, VNCPC đã vinh dự được ban quản lý dự án lựa chọn là đơn vị tư vấn thực hiện các nhiệm vụ này. Tính đến nay, VNCPC đã đào tạo được 220 cán bộ cho doanh nghiệp.

Còn theo đánh giá của ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sau 25 năm phát triển, KCN ở Việt Nam cần một mô hình mới và cạnh tranh hiệu quả hơn.

Ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại lễ khai mạc.

Thứ hai là các doanh nghiệp trong KCN chưa quan tâm hoặc không có đủ kiến thức, thông tin để áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Thứ 3, vấn đề môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải, khí thải chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ tư, các doanh nghiệp trong KCN chưa có sự liên kết trong hợp tác sử dụng chung tài nguyên, nguyên vật liệu và tái sử dụng các chất thải công nghiệp.

Do vậy, mục tiêu của khóa đào tạo này là nâng cao kỹ năng tư vấn và đánh giá RECP chuyên sâu cho các cán bộ tư vấn về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng của các sở, ban ngành và các trường đại học. Sau khóa tập huấn, các cán bộ tham gia sẽ trở thành nguồn chuyên gia có thể đảm nhận những nhiệm vụ liên quan đến thực hiện chương trình RECP tại địa phương.

Về phần mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh/thành phố và Ban Quản lý các KCN địa phương đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi các KCN thành KCN sinh thái. Mong rằng các chuyên gia được tập huấn sẽ trở thành những cánh tay nối dài hỗ trợ các chương trình chuyển đổi này tại địa phương.

Theo đó, trong 2 ngày, các học viên đã được tiếp cận với các kỹ thuật RECP và các ví dụ trong thực tiễn; các kỹ năng đánh giá năng lượng; nguyên liệu; năng lượng nhiệt; kỹ năng đánh giá nước; quản lý hóa chất; chất thải; quan trắc.

Kết thúc khóa học, tất cả các học viên đều cho điểm 8-10/10 cho các chuyên đề do các cán bộ kỹ thuật của VNCPC hướng dẫn.

Trao chứng nhận cho học viên sau khi kết thúc khóa đào tạo

VNCPC

VNCPC tập huấn nâng cao năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp tại Quảng Bình

Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Quảng Bình đã phối hợp cùng Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức tập huấn nâng cao năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn  (SXSH) trong công nghiệp cho các doanh nghiệp tại địa phương.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được nghe PGS.TS Trần Văn Nhân, Giám đốc VNCPC giới thiệu về sản xuất sạch hơn và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện tiếp cận trong phát triển công nghiệp bền vững; đồng thời trao đổi các thông tin về những thách thức, lợi ích, bài học kinh nghiệm trong thực tiễn áp dụng sản xuất sạch hơn, thúc đẩy thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 tại Quảng Bình.

Hình minh họa.

Đây là dịp tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.

Được biết, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Quảng Bình cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức cho các cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ quản lý tại cơ sở doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn. Qua đó, tạo điều kiện cho đơn vị quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nắm vững những chính sách, thông tin liên quan về sản xuất sạch hơn, đồng thời tiếp cận, phổ biến nhân rộng mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

VNCPC

Thư ngỏ!

Lời đầu tiên, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) xin gửi tới Quý vị lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe và thành công!

VNCPC là sản phẩm của sự hợp tác giữa trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), trong khuôn khổ dự án VIE/96/063 và VIE/04/064, với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). Hiện VNCPC là thành viên chính thức trong mạng lưới toàn cầu của UNIDO – UNEP về “Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn” (RECPnet).

Là đơn vị hoạt động dựa trên nguyên tắc không vì lợi nhuận, VNCPC tập trung vào hoạt động thúc đẩy thực hiện sản xuất sạch hơn; chuyển giao công nghệ carbon thấp trong công nghiệp và dịch vụ cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Các dịch vụ chính của VNCPC gồm:

  • Đào tạo xây dựng năng lực và hướng dẫn thực hiện đánh giá “Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn”;
  • Tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sử dụng tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp;
  • Tư vấn tích hợp đánh giá SXSH với xây dựng hệ thống quản lý môi trường; quản lý an toàn hóa chất và chất thải công nghiệp; nâng cao năng suất và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp;
  • Tư vấn các giải pháp sản xuất xanh, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững…

Trong 20 năm qua, thông qua các hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật, VNCPC đã giúp hàng ngàn doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc các ngành sản xuất và dịch vụ tiếp cận, áp dụng các biện pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, nước, quản lý an toàn hóa chất, giảm thiểu phát sinh chất thải. Điều này đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những kết quả VNCPC đạt được trong năm qua đã được tóm tắt trong báo cáo thường niên 2017. Hy vọng ấn phẩm cung cấp cho Quý cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp những thông tin hữu ích, đồng thời mong rằng Quý vị sẽ cùng chúng tôi đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn, góp phần vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn!

PGS. TS Trần Văn Nhân

Giám đốc VNCPC

Báo cáo năm 2017 xem tại đây.

32 học sinh tiểu học trải nghiệm chương trình “Em sống xanh” cùng VNCPC

Ngày 11/4, 32 em học sinh lớp 5 trên địa bàn Hà Nội đã có dịp được trải nghiệm chương trình “Em sống xanh” tại Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC).

Tại buổi trải nghiệm các em học sinh đã có dịp tìm hiểu về vòng đời của các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như: giấy, chai nhựa, túi nylon… Thông qua trò chơi ghép hình, các em học sinh đã biết được nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm và sau khi sử dụng các sản phẩm này đều có thể tái chế thành những sản phẩm vô cùng hữu ích trong cuộc sống.

Các em học sinh rất hào hứng với trò chơi tìm hiểu vòng đời sản phẩm.

Các em học sinh cũng đã được hướng dẫn để tự đo “Dấu chân sinh thái” của chính mình, cũng như hiểu được mức độ tàn phá của loài người đối với trái đất. Theo các nhà khoa học, vào năm 1960 chỉ cần ½ diện tích trái đất đã đủ nuôi sống toàn bộ loài người. Nhưng chỉ 20 năm sau, vào năm 1980, loài người đã phải sử dụng toàn bộ diện tích trái đất mới có thể đảm bảo các nhu cầu trong cuộc sống. Và đến năm 2007, loài người phải cần thêm 1 trái đất nữa mới có thể đáp ứng các nhu cầu của mình.

Các em học sinh được hướng dẫn để tự đo “Dấu chân sinh thái” của chính mình.

Cũng trong buổi trải nghiệm, thông qua các clip vui nhộn, thú vị, ý nghĩa các em cũng đã nhận thức được sự lãng phí tài nguyên của con người, từ đó các cán bộ VNCPC đã giới thiệu tới các em cẩm nang sống xanh để góp phần bảo vệ trái đất, môi trường sống xung quanh như: hạn chế sử dụng túi nylon, sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, tắt đèn khi không sử dụng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp… Những cẩm nang sống xanh này là sản phẩm của dự án GetGreen Việt Nam. Dự án do Chương trình SWITCH-Asia của Liên minh châu Âu tài trợ, với các đối tác thực hiện gồm Đại học Công nghệ Delft (TUDelft, Hà Lan), VNCPC và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AITVN).

Getgreen.vn là website cung cấp những cẩm nang sống xanh vô cùng hữu ích.

VNCPC