Các nước rót cả tỷ USD vào hydro, “mỏ vàng” nhiên liệu mới của tương lai

Hydro đang đứng đầu danh sách những nguồn năng lượng có thể thay thế dầu mỏ. Thị trường hydro xanh có trị giá 676 triệu USD vào năm 2022 và được dự đoán có thể đạt 7,3 tỷ USD vào năm 2027.

Nhiên liệu của tương lai thay thế dầu mỏ

Dầu mỏ được ví như “vàng đen” vì mức độ quan trọng của nhiên liệu này đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, dầu mỏ không phải là nguồn tài nguyên vô hạn và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Chính vì vậy, chúng ta buộc phải tìm kiếm những nguồn năng lượng sạch và đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn để thay thế cho dầu mỏ.

Theo khảo sát của LiveScience, hydro đang đứng đầu danh sách những nguồn năng lượng có thể thay thế dầu mỏ. Hydro có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống như thay thế cho xăng làm nhiên liệu cho động cơ tên lửa và ô tô.

Ngoài ra, hydro còn được sử dụng trong pin nhiên liệu, cung cấp năng lượng cho động cơ điện, làm nguyên liệu để sản xuất nhiều hợp chất hữu cơ… Sử dụng loại năng lượng này cũng góp phần lớn vào việc giảm ô nhiễm môi trường.


Hydro đang đứng đầu danh sách những nguồn năng lượng có thể thay thế dầu mỏ (Ảnh: Emerson).

Với nhiều ứng dụng, hydro đang được kỳ vọng trở thành nguồn nhiên liệu sạch của tương lai và có thể chiếm từ 12% đến 20% nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2050.

Hiện có nhiều loại hydro khác nhau. Trong đó, hydro xám là dạng hydro phổ biến nhất, được tạo ra từ khí methane và hiện chiếm phần lớn sản lượng trên toàn thế giới đạt 90 triệu tấn. Tuy nhiên, hydro xám lại là dạng hydro kém bền vững nhất.

Hydro xanh được xem là loại khí hydro thương mại thân thiện với môi trường, được tạo ra bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, nước… Tuy nhiên, sản xuất loại khí này vẫn ở quy mô nhỏ và tốn kém nhiều chi phí.

Loại năng lượng này vẫn ở giai đoạn sơ khai nhưng sở hữu tiềm năng phát triển lớn bởi có lượng khí thải carbon rất thấp. Không những vậy hydro xanh còn có nhiều ứng dụng tiềm năng trong việc giảm thiểu khí thải carbon trong các ngành công nghiệp, góp phần hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia trong ngành đánh giá, hydro xanh là giải pháp nhiên liệu sạch. Các chuyên gia dự kiến sản lượng hydro xanh sẽ tăng lên đáng kể trong tương lai khi các nước tập trung đầu tư để giải quyết bài toán năng lượng và vấn đề biến đổi khí hậu.

“Chìa khóa” trong quá trình chuyển dịch năng lượng

Lợi ích hàng đầu của việc sử dụng hydro làm nhiên liệu là không phát thải khí CO2. Khi phản ứng với oxy, hydro chỉ tạo ra điện, nước và nhiệt. Bên cạnh đó, hydro cũng tạo ra mật độ năng lượng cao và mở ra tiềm năng sử dụng hydro như một nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu năng lượng lâu dài trong tương lai.

Hydrogen có hàm lượng năng lượng cao hơn 300% so với xăng, khi được sử dụng trong pin nhiên liệu, “chất thải” duy nhất được tạo ra là nước. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách đang xem xét đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhiên liệu này trong cuộc đua đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Không chỉ vậy, hydro còn có tiềm năng lưu trữ lớn. Lượng năng lượng được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió có thể bị ảnh hưởng do điều kiện thời tiết.


Nhà máy điện phân tại thành phố Lingen, Đức (Ảnh: RWE)

Việc chuyển đổi năng lượng tái tạo thành hydro giúp lưu trữ đồng thời giúp ổn định mạng lưới năng lượng. Hydro cũng có thể được lưu trữ trong thời gian dài mà không bị thất thoát như các loại năng lượng khác.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công suất sản xuất hydrogen toàn cầu vào năm 2022 là 95 triệu tấn/năm, tập trung vào công nghiệp và lọc dầu. Theo kịch bản của IEA, sản lượng hydro hàng năm sẽ cần tăng khoảng 350% vào năm 2050, lên 430 triệu tấn/năm.

Thị trường tỷ USD

Với tiềm năng phát triển lớn, nhiều nước đang tăng cường đầu tư vào hydro. Thị trường sản xuất hydrogen dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 9,2% cho đến năm 2030.

Theo cơ sở dữ liệu các dự án hydro của IEA, thị trường hydro xanh có trị giá 676 triệu USD vào năm 2022. Các chuyên gia dự đoán con số này có thể đạt 7,3 tỷ USD vào năm 2027.

Nhờ những tiến bộ về công nghệ điện phân và pin nhiên liệu, việc sản xuất hydro xanh đang dần trở thành nguồn năng lượng của hiện tại và tương lai. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) ở Mỹ cũng đưa ra các khoản trợ cấp để sản xuất hydro xanh và tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Theo báo cáo về địa chính trị của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), từ năm 2022 đến 2030 sẽ có khoảng 160 tỷ USD được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và một nửa trong số đó dành cho hydro xanh.

IRENA cũng ước tính mức tiêu thụ hydro hàng năm sẽ tăng từ 100 triệu tấn lên mức hơn 600 triệu tấn vào năm 2050. Cơ quan này ước tính quy mô thị trường có thể lên tới khoảng 700 tỷ USD.

Ông Francesco La Camera, Tổng giám đốc IRENA, từng khẳng định rằng: “Hydro xanh sẽ đa dạng hóa nguồn cung, dẫn đến việc chia sẻ quyền lực cho nhiều bên hơn. Với sự hợp tác quốc tế, thị trường có thể mở rộng hơn nữa”.


Xưởng đóng tàu Myklebust tại Na Uy đã đóng tàu chạy bằng hydro lớn nhất thế giới (Ảnh: Myklebust).

Năm 2017, chỉ có Nhật Bản lên kế hoạch đầu tư cho hydro nhưng hiện nay đã có khoảng 40 quốc gia có kế hoạch phát triển loại năng lượng này. Chính phủ các nước và các công ty đã cùng tập hợp để thúc đẩy phát triển nền kinh tế dựa trên hydro.

Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu (EU) đều đang xây dựng các chiến lược và dự án sử dụng hydro. Các công ty cũng đang tìm cách phát triển nguồn năng lượng này. Trung tâm hydro xanh công nghiệp đầu tiên trên thế giới đang được xây dựng tại bang Utah (Mỹ) và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.

Đối với lĩnh vực khai thác mỏ, hydro xanh sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng tái tạo.

“Hydro còn nhiều hứa hẹn trong tương lai. Các công ty khai thác mỏ đang tích cực khám phá và thúc đẩy một loạt sáng kiến nhằm ứng dụng hydro xanh trong chiến lược năng lượng và kinh doanh mới của mình”, ông Andrew Wilson, Giám đốc phụ trách Úc và New Zealand của công ty dịch vụ tư vấn dss+ Consulting, chia sẻ với Green Review.

Tuy nhiên, IEA cho rằng việc khai thác loại tài nguyên này vẫn chưa đủ. IEA cảnh báo nhu cầu năng lượng sẽ sớm đạt đỉnh và kêu gọi các nước, các công ty khai thác hành động nhanh hơn.


Thị trường hydro xanh có thể đạt 7,3 tỷ USD vào năm 2027 (Ảnh: Track insight).

Ông Geoffrey Ellis, chuyên gia của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính rằng hiện có hàng chục tỷ tấn hydro trên toàn cầu. Ông cho biết hầu hết các mỏ hydro tự nhiên thường ở rất xa ngoài khơi hoặc nằm rất sâu dưới lòng đất nên sẽ tốn nhiều chi phí để khai thác. Tuy nhiên nếu biết cách khai thác thì nó sẽ mang lại một lượng khí hydro tự nhiên lớn và có giá trị cao.

Năng lượng tái tạo là trụ cột chính để loại bỏ carbon cho nền kinh tế thế giới. ING kỳ vọng công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Trong 2 thập kỷ qua, chi phí năng lượng tái tạo đã giảm mạnh và năng lượng tái tạo đang chuyển sang một thị trường rộng lớn hơn. Theo IEA, công suất điện năng lượng tái tạo toàn cầu đã liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 22 năm qua.

IEA ước tính rằng thế giới có thể đạt được 4.700 GW công suất năng lượng tái tạo vào cuối năm 2024 so với mức tăng công suất từ hơn 4.100 GW của năm 2023. Cơ quan này cho rằng nếu theo chính sách và điều kiện thị trường dự kiến hiện nay thì công suất năng lượng tái tạo toàn cầu có thể tăng gấp 2,5 lần vào năm 2030.

Theo Dân trí
https://petrotimes.vn/cac-nuoc-rot-ca-ty-usd-vao-hydro-mo-vang-nhien-lieu-moi-cua-tuong-lai-711360.html

Bê tông carbon thấp tuổi thọ cao chuyển 80% xi măng thành tro than

Các nhà nghiên cứu của RMIT đã phát triển loại “bê tông xanh” mới sử dụng lượng tro than tái chế nhiều gấp đôi so với bê tông carbon thấp hiện có, giảm một nửa lượng xi măng cần thiết, thậm chí còn có tuổi thọ cao hơn bê tông xi măng Portland thông thường.

Tro than có rất nhiều xung quanh các nhà máy nhiệt điện than. Trên thực tế, đó có thể là một sự đánh giá thấp đáng kể trên toàn cầu, các nhà máy điện sản xuất khoảng 1,2 tỷ tấn mỗi năm và ở Úc, tro than chiếm gần 20% tổng lượng chất thải. Đó là con số đáng kinh ngạc và cũng có thể đặt cược an toàn rằng những thứ này sẽ vẫn còn dồi dào trong thời gian dài trong quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo.

Do đó, đây là nguồn nguyên liệu tiềm năng to lớn và các nhà sản xuất bê tông có hàm lượng carbon thấp đã sử dụng nó làm chất thay thế xi măng, thường thay thế tới 40% lượng xi măng. Về mặt môi trường, tận dụng lượng lớn chất thải trong khi cắt giảm xi măng – bản thân nó chiếm khoảng 8% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu.

Một nhóm từ RMIT đã làm việc với Hiệp hội Phát triển Tro của Úc và Nhà máy điện AGL Loy Yang để tận dụng tốt hơn tài sản đáng ngờ này, cố gắng nâng hàm lượng tro lên để thay thế hơn 80% xi măng. Để làm như vậy, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hỗn hợp tro bay có hàm lượng canxi thấp, với 18% vôi ngậm nước, 3% nano-silica đóng vai trò là chất tăng cường, sau đó đổ một ít bê tông và bắt đầu thử nghiệm các tính chất cơ học của nó.

Bê tông tro bay thể tích lớn (HFVA-80) thu được đã chứng tỏ cường độ nén tăng từ 22 lên 71 MPa trong khoảng thời gian từ ngày thứ 7 đến ngày 450. Nó đạt cường độ uốn 2,7-8,7 MPa, cường độ kéo tách 1,6–5,0 MPa và độ đàn hồi mô đun 28,9–37,0 GPa. Nó tồn tại lâu hơn xi măng Portland thông thường theo thời gian khi tiếp xúc với axit và sunfat trong hai năm.

Tiến sĩ Chamila Gunasekara, từ Trường Kỹ thuật của RMIT cho biết: “Việc bổ sung các chất phụ gia nano để điều chỉnh tính chất hóa học của bê tông cho phép bổ sung nhiều tro bay hơn mà không ảnh hưởng đến hiệu suất kỹ thuật”.


Tiến sĩ Chamila Gunasekara cầm mẫu bê tông ít carbon.

Tốt hơn nữa, nhóm nghiên cứu cho biết họ nhận thấy kỹ thuật này không yêu cầu “tro bay” mịn và dường như cũng hoạt động tốt với “tro ao” cấp thấp, hiện họ đã tạo và thử nghiệm các dầm bê tông kết cấu từ loại sau đã đạt chứng nhận Tiêu chuẩn Úc về hiệu suất kỹ thuật.

Gunasekara cho biết: “Thật thú vị khi kết quả sơ bộ cho thấy hiệu suất tương tự với tro ao có chất lượng thấp hơn, có khả năng mở ra nguồn tài nguyên hoàn toàn mới chưa được sử dụng đúng mức để thay thế xi măng. So với tro bay, tro ao hồ ít được khai thác trong xây dựng do đặc tính khác nhau. Có hàng trăm megaton chất thải tro nằm trong các con đập trên khắp nước Úc và nhiều nơi khác trên toàn cầu. Những ao chứa tro này có nguy cơ trở thành mối nguy hiểm cho môi trường và khả năng tái sử dụng tro này làm vật liệu xây dựng ở quy mô lớn sẽ là một thắng lợi lớn”.

Nhóm RMIT cũng làm việc với Đại học Hokkaido để phát triển một hệ thống mô hình máy tính thí điểm dự báo hiệu suất của các hỗn hợp bê tông mới theo thời gian và nhóm hy vọng có thể sử dụng phần mềm này để phân tích và tối ưu hóa các hỗn hợp mới hơn nữa.

An Hạ
https://vietq.vn/be-tong-carbon-thap-co-tuoi-tho-cao-chuyen-80-xi-mang-thanh-tro-than-d221600.html

Mekong Capital và HUSK ký khoản đầu tư 5 triệu USD thúc đẩy nông nghiệp tái tạo

Quỹ Mekong Enterprise Fund IV Và HUSK ký thỏa thuận đầu tư 5 triệu USD nhằm thúc đẩy nông nghiệp tái tạo tại Đông Nam Á.

Ngày 15/5, Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV) thông báo đã ký kết thỏa thuận đầu tư trị giá 5 triệu đô la Mỹ với HUSK, một công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất than sinh học và phân bón sinh học cam kết các ứng dụng thực tiễn về nông nghiệp tái tạo tại Đông Nam Á.

Đây là minh chứng cho cam kết của MEF IV trong việc mang lại cả lợi nhuận tài chính lẫn các tác động có ý nghĩa về xã hội và môi trường trên toàn khu vực.

HUSK được thành lập vào năm 2017 bởi hai doanh nhân nữ Heloise Buckland và Carol Rius. Sau đó, khi Richard Kendall tham gia vào năm 2019, công ty đã nhanh chóng phát triển thành một công ty dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tận dụng công nghệ tiên tiến, HUSK sản xuất than sinh học, phân bón có chứa carbon hữu cơ (carbon based fertilizer) và các sản phẩm bảo vệ cây trồng hướng đến giải quyết các thách thức mà nông dân đang phải đối mặt, như hiệu suất thu hoạch không đều, không ổn định, sâu rầy, dịch bệnh, và các cách thức canh tác đất làm cạn dinh dưỡng đất. Những vấn đề này ngày càng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Bà Heloise Buckland, CEO và đồng sáng lập của Husk, cho biết, sứ mệnh của HUSK là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp tái tạo. Để đạt được điều này, chúng tôi đã phát triển một hệ thống công nghệ và sản phẩm độc đáo giúp cải thiện chất lượng đất, hấp thụ carbon và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

“Nông dân lựa chọn sản phẩm của chúng tôi vì chúng mang lại giá trị vượt trội so với các loại phân bón thông thường, hỗ trợ sức khỏe đất lâu dài, bảo vệ cây trồng và cải thiện hiệu quả sử dụng nước và dưỡng chất. Cam kết của Mekong Capital trong việc hỗ trợ tầm nhìn của chúng tôi đến vào thời điểm vô cùng quan trọng, khi nhu cầu về các giải pháp bền vững có thể nhân rộng và có ảnh hưởng đối với việc chống thoái hóa đất đang ở mức cấp bách nhất”, bà Heloise Buckland nói.

Cũng theo bà Bà Heloise Buckland, việc ký kết khoản đầu tư trên không chỉ là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển nhanh chóng của HUSK với tư cách là nhà sản xuất hàng đầu về phân bón hữu cơ, mà còn là phần thiết yếu trong việc thúc đẩy sự áp dụng than sinh học như một nền tảng quan trọng trong việc gia tăng các thực hành nông nghiệp tái tạo trên khắp Đông Nam Á. Đội ngũ của HUSK rất mong chờ được hợp tác cùng Mekong Capital trong giai đoạn tiếp theo của hành trình đầy triển vọng này”.

Bà Ellen Văn, Trưởng nhóm Tư vấn Đầu tư tại Mekong Capital và là người phụ trách khoản đầu tư vào HUSK, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với HUSK trong việc kết hợp tri thức và sự đổi mới để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp tái tạo. Tại Mekong Capital, chúng tôi luôn tin tưởng vào việc đầu tư vào những công ty không chỉ mang lại những con số lợi nhuận mà còn tạo ra tác động tích cực đối với xã hội và môi trường. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ sứ mệnh của HUSK và mong muốn hỗ trợ sự phát triển của họ trong những năm tới, là minh chứng cho mối quan hệ tương hỗ giữa tác động xã hội và lợi nhuận tài chính.”

Được thành lập vào năm 2017 bởi Heloise Buckland và Carol Rius, HUSK là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tái tạo tại Đông Nam Á. Khi Richard Kendall gia nhập vào năm 2019, công ty ưu tiên về lãnh đạo nữ và các giải pháp đổi mới. Theo đó, HUSK chú trọng đào tạo phụ nữ làm đại sứ nông nghiệp carbon, tạo động lực cho họ để thúc đẩy các hoạt động bền vững và phổ cập cho mọi người về ‘sức khỏe’ của đất. Phương pháp này, kết hợp với các nỗ lực bán hàng được trực tiếp dẫn dắt bởi các nữ lãnh đạo tại Campuchia, đã đóng góp 27% doanh số bán hàng trong năm 2023.

Tại Việt Nam, HUSK tiếp thị sản phẩm của mình chủ yếu ở các vùng trung du cho cây rau và cà phê, và các vùng đồng bằng sông Cửu Long cho việc canh tác lúa. Công ty đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về phân bón hữu cơ tại Việt Nam theo mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhằm nâng tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được đăng ký lên 25% vào năm 2025. HUSK cũng có kế hoạch đầy tham vọng để đưa Việt Nam lên vị trí dẫn đầu trong việc giảm thiểu carbon trong các chuỗi giá trị quan trọng như cà phê và lúa gạo, bằng cách cải tạo đất, hấp thụ carbon và giảm sử dụng phân bón tổng hợp.

Là Quỹ thứ năm do Mekong Capital tư vấn, MEF IV, là quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân với quy mô quỹ là 246 triệu USD. MEF IV sẽ tiếp tục chiến lược thành công của Mekong Capital trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, tập trung vào các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng đang tăng trưởng tốt nhờ vào sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và việc ứng dụng các phương thức kinh doanh hiện đại.

Theo đó, Quỹ sẽ đặc biệt tập trung vào các ngành bán lẻ, giáo dục, nhà hàng, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và chăm sóc sức khỏe như Entobel, Rever, LiveSpo, Tập đoàn HSV , Mutosi , Marou, Gene Solutions và F88.

Với cách tiếp cận Đầu tư vốn cổ phần tư nhân mang tính chuyển hóa và mô hình Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng, MEF IV hướng đến thực hiện cam kết đồng hành cùng các công ty hiện thực hóa tầm nhìn của họ.

https://baodautu.vn/mekong-capital-va-husk-ky-khoan-dau-tu-5-trieu-usd-thuc-day-nong-nghiep-tai-tao-d215224.html

Doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi xanh để xuất khẩu lâu bền sang EU

“Để có thể xuất khẩu lâu bền sang EU, doanh nghiệp bắt buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với các tiêu chuẩn về môi trường”, TS. Lê Xuân Thịnh – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chia sẻ.

TS. Lê Xuân Thịnh

PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành Dệt may Việt Nam?

TS. Lê Xuân Thịnh: Ngành Dệt may đã phát triển rất nhanh trong hơn 20 năm qua. Tính đến nay, sản phẩm của ngành Dệt may đã xuất khẩu sang 66 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng thị trường EU, chúng ta đã xuất khẩu vào 26/27 quốc gia.

Các doanh nghiệp, tiêu biểu là các thương hiệu quốc gia của dệt may Việt Nam đã có những đổi mới để bắt kịp xu hướng dệt may thế giới. Bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp đã chuyển đổi công nghệ để tiết kiệm năng lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mặc dù vậy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành Dệt may còn nhiều, khoảng 20%. Con số này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí đầu vào, gia tăng các lợi thế cạnh tranh.

PV: Theo ông, có thể áp dụng những giải pháp nào để thực hành tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp trong ngành Dệt may?

TS. Lê Xuân Thịnh: Tôi cho rằng, về chính sách, cần xây dựng định mức sử dụng năng lượng cho ngành Dệt may, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, cũng cần các chương trình ưu đãi để doanh nghiệp tiếp cận vốn cho đổi mới công nghệ. Kiểm toán năng lượng cũng là một bước tiếp theo để giúp doanh nghiệp nhìn ra vấn đề của mình để xác định mức đầu tư cho tiết kiệm điện, nước, than…

Trên thực tế, tiêu thụ năng lượng của ngành Dệt may chủ yếu do việc vận hành các thiết bị như: lò hơi và hệ thống hơi, hệ thống chiếu sáng, máy may và các máy chuyên dụng, hệ thống nước và máy nén khí. Do đó, khi doanh nghiệp tìm ra đúng khâu gây lãng phí năng lượng, sẽ có được sơ đồ chi tiết và dùng đúng giải pháp để tiết kiệm năng lượng.

Tôi lấy ví dụ, một doanh nghiệp có công suất thiết kế hơn 2 triệu mét vải/năm, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 50.000kWh điện, 60 tấn than. Nhưng khi cải tạo hệ thống lò hơi, lắp thêm bộ tụ bù cho các máy dệt, quản lý phụ tải thì lượng điện tiêu thụ có thể giảm xuống còn 30.000-33.000 kWh/tháng.

Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho các doanh nghiệp; tổ chức các triển lãm về công nghệ xanh cho ngành Dệt may gắn với mục tiêu xuất khẩu.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may đã vào cuộc tiết kiệm năng lượng hiệu quả, chủ động dành nguồn tiền để kiểm toán năng lượng, thay mới thiết bị, cập nhật công nghệ tiết kiệm điện của hệ thống chiếu sáng… bên cạnh thực hiện quy trình quản trị doanh nghiệp tinh gọn.

Hiện nay, VNCPC với sự hỗ trợ của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH – Hà Lan) và Viện Dệt may toàn cầu (Aii) đang hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may thực hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên – sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng thông qua chương trình “Vươn tới đỉnh cao” (Race to the Top) nay gọi là “Clean By Design”. Nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình đã mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, năm 2022, bốn doanh nghiệp dệt nhuộm đã tiết kiệm tới 1,97 triệu kWh điện, 3.150 tấn than, 203.400 Sm3 khí CNG, 595.000 kg gỗ, 228.450 m3 nước và qua đó giảm được 10.480 tấn CO2 tương đương.

Một loạt giải pháp tiết kiệm năng lượng mà các doanh nghiệp đã áp dụng như: Cải tạo thông gió phòng máy nén khí, khắc phục rò rỉ khí nén, giảm áp suất cài đặt máy cho nén khí; Cải thiện hiệu suất lò dầu, lắp hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để gia nhiệt cho không khí cấp lò dầu; tối ưu hóa chế độ vận hành các máy móc thiết bị tiêu thụ điện của hệ thống lò hơi /lò dầu; Tăng cường bảo ôn nhiệt bề mặt nóng hệ thống dầu tải nhiệt, hệ thống hơi tải nhiệt; Thay thế máy nhuộm Jet (dung tỷ 1:10; tiêu thụ nước 45 lít/kg vải) bằng máy nhuộm tròn tiết kiệm nước (dung tỷ 1:5; tiêu thụ nước 24 lít/kg vải).

Như vậy, không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn định hình con đường chuyển đổi phương thức từ “nâu” sang “xanh” cho mỗi doanh nghiệp. Qua đó, sản phẩm dễ dàng tiếp cận được với khách hàng ngày càng đòi hỏi khắt khe về tính thân thiện, bền vững với môi trường.

Doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi xanh để xuất khẩu lâu bền sang EU. Nguồn ảnh: congthuong.vn

PV: Ngành Dệt may Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, mở rộng biên độ thị trường rất lớn. Nhưng các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải chuyển đổi sản xuất như thế nào, thưa ông?

TS. Lê Xuân Thịnh: Để tận dụng các cơ hội mà FTA mang lại, theo tôi, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nỗ lực hơn để đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Bởi chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được xem là giấy thông hành của hàng hóa xuất nhập khẩu trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức về phát triển bền vững, kết nối, hợp tác: tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ trợ để tận dụng được các thành phẩm của nhau làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may.

Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế, tiếp cận thị trường, chuẩn bị tâm thế, nội lực để bước vào sân chơi lớn toàn cầu. Cần chuyển đổi từ phương thức gia công CMT (cắt, may, hoàn thiện sản phẩm) sang phương thức OEM (phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (phương thức bao gồm cả sản xuất và thiết kế), tiến tới là phương thức OBM (phương thức sản xuất có thương hiệu riêng), từ đó sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Để có thể xuất khẩu lâu bền sang EU, doanh nghiệp buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với các tiêu chuẩn về môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ quy trình sản xuất xanh để có được các sản phẩm xanh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, qua đó cũng giúp phát triển xuất khẩu bền vững hơn.

PV: Vốn đầu tư cho chuyển đổi sản xuất xanh cũng là một thách thức. Các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn như thế nào, thưa ông?

TS. Lê Xuân Thịnh: Hiện nay, có nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh gồm cả nguồn trong nước và ngoài nước. Các nguồn vốn trong nước gồm các nguồn vay ưu đãi của các định chế tài chính cho tín dụng xanh theo Chỉ thị 03/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước năm 2015 và đến nay đã có nhiều các ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp. Một số nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế khác như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Pháp (AFD), Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO),…

Trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó có giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng các cơ chế huy động và hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn thay đổi công nghệ, sản xuất xanh. Một trong những ưu tiên của Chiến lược là xây dựng thị trường tín chỉ các bon để các doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn thông qua cơ chế buôn bán, trao đổi tín chỉ khi đầu tư công nghệ cho giảm sử dụng năng lượng qua đó giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, để có thể tham gia vào việc tiếp cận các nguồn vốn này, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ cả thông tin tài chính của dự án đầu tư lẫn thông tin về công nghệ để dễ dàng đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của các bên cho vay vốn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

https://www.evn.com.vn/d6/news/Doanh-nghiep-det-may-can-chuyen-doi-xanh-de-xuat-khau-lau-ben-sang-EU-100-653-124048.aspx

Nhật Bản phát triển thành công nhựa sinh học có thể hòa tan trong nước biển

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát triển thành công loại nhựa sinh học mới không chỉ bền mà còn có khả năng phân hủy nhanh chóng trong nước biển và có thể sản xuất hàng loạt trong tương lai.

Tạp chí khoa học ACS Bền vững Hóa học và Kỹ thuật Mỹ công bố, các nhà khoa học tại Đại học Kobe (Nhật Bản) và một số tổ chức khác đã thành công trong việc tạo ra loại nhựa sinh học mới được làm từ axit polylactic, một loại polyester có nguồn gốc từ các loại tinh bột như mía và ngô.

Axit polylactic còn được biết đến là polylactide có thể làm vật liệu thay thế cho nhựa từ dầu mỏ. Tuy nhiên, vật liệu này khá giòn và khó tạo hình, đồng thời không dễ phân hủy. Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại polylactide có khả năng phân hủy, được gọi là LAHB, nhưng khó sản xuất hàng loạt.


Nhựa sinh học có thể tan trong nước biển. (Ảnh: Kyodo)

Để vượt qua những hạn chế này, nhóm đã sử dụng một loại vi khuẩn được gọi là dehydrogenase lactate để sản xuất nhựa, thông qua việc biến đổi gene, họ đã thành công trong việc sản xuất hàng loạt LAHB. Kết quả là một loại nhựa sinh học mới, trong suốt và có khả năng phân hủy nhanh chóng trong môi trường nước biển.

Giáo sư Seiichi Taguchi thuộc Đại học Kobe, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, sự phát triển của nhựa sinh học mới “sẽ giúp ngăn chặn nóng lên toàn cầu và đã đưa sáng kiến ​​sản xuất sinh học của chính phủ lên cấp độ công nghiệp.

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Kobe mang lại hy vọng một ngày nào đó các đại dương trên thế giới có thể sẽ không còn rác thải nhựa.

Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ tăng mức sử dụng nhựa sinh học của nước này lên khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030. Đồng thời đặt mục tiêu giảm 25% lượng rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035, tái chế hoặc tái sử dụng 100% các loại rác thải nhựa, bao gồm rác thải nhựa sinh hoạt và rác thải nhựa công nghiệp.

Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), với hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm và chỉ khoảng 10% được tái chế, việc phát triển nhựa sinh học có thể là một bước quan trọng trong việc giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu. Mức độ phát thải khí nhà kính từ sản phẩm nhựa được dự báo sẽ tăng lên 19% của ngân sách carbon toàn cầu vào năm 2040, nhưng với những nỗ lực như nghiên cứu này, chúng ta có thể hướng tới một tương lai sạch hơn và bền vững hơn.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/nhat-ban-phat-trien-thanh-cong-nhua-sinh-hoc-co-the-hoa-tan-trong-nuoc-bien-d220389.html

Nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Sáng 12-4, tại TPHCM, Bộ KH-ĐT và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp tổ chức hội thảo tổng kết dự án triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam.

Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” được phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 5-2020 và sẽ kết thúc vào ngày 30-4-2024. Một số KCN tham gia chương trình gồm: Hiệp Phước (TPHCM), Đình Vũ (Hải Phòng), Trà Nóc (Cần Thơ), Amata – Biên Hoà (Đồng Nai), Hòa Khánh (Đà Nẵng).


Hội thảo tổ chức tại TPHCM với sự tham gia của nhiều đại biểu trong và ngoài nước. Ảnh: M.HOA

Phát biểu khai mạc, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ KH-ĐT cho biết, trong quá trình triển khai, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19 nhưng đến nay, về cơ bản dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra ban đầu. Cụ thể là việc khuyến khích phát triển và lồng ghép KCN sinh thái trong thể chế, chính sách; xác định và triển khai thực hiện các cơ hội KCN sinh thái nhằm đem lại lợi ích môi trường, lợi ích kinh tế và xã hội cho doanh nghiệp trong các KCN.

Theo ông Quân, năm 2015, khi bắt đầu triển khai dự án thí điểm KCN sinh thái tại Việt Nam, đây là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Đến nay, mô hình này đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, cao nhất là ở cấp nghị định của Chính phủ; lồng ghép vào nhiều chính sách quan trọng của quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và đang tiếp tục từng bước được hoàn thiện. Đây là kết quả hết sức quan trọng, đặt nền tảng cho việc triển khai thực hiện chuyển đổi cũng như xây dựng mới các KCN theo mô hình sinh thái tại Việt Nam.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện quốc gia của UNIDO tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phát triển KCN sinh thái và mối quan hệ hợp tác gắn bó chặt chẽ với Bộ KH-ĐT. Bà Thảo tin tưởng những lợi ích đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội từ dự án sẽ góp phần nhân rộng lan tỏa việc thực hiện mô hình KCN sinh thái để phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam.

Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án trong việc tạo điều kiện phát triển công nghiệp bền vững và thịnh vượng. Với sự hỗ trợ của dự án, Việt Nam đã ban hành các quy định liên quan đến quản lý chất thải rắn công nghiệp, tái sử dụng và tái chế nước thải. Trong giai đoạn sắp tới, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua UNIDO trong việc hiện thực hóa các chính sách vào thực tiễn.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã trình bày nhiều ý kiến về phát triển cộng sinh công nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi sang KCN sinh thái…

Tổng kinh phí triển khai dự án từ 2020-2024 là hơn 1,8 triệu USD do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ. Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.

Thực hiện dự án này, Bộ KH-ĐT và UNIDO đã hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi các KCN hiện có sang KCN sinh thái với 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên. Trong đó, 217 giải pháp đã được 88 doanh nghiệp triển khai, góp phần tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm tương đương 2,9 triệu USD thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8.910 tấn CO2/năm.

MAI HOA
https://www.sggp.org.vn/nhan-rong-mo-hinh-khu-cong-nghiep-sinh-thai-tai-viet-nam-post735008.htmla