Thử nghiệm thiết bị cảm biến bền, giá rẻ sử dụng tín hiệu vệ tinh để theo dõi mực nước

Cảm biến mực nước rất quan trọng ở các dòng sông nhằm cảnh báo lũ lụt và các điều kiện giải trí không an toàn. Mới đây, các nhà khoa học tại Đức đã phát triển loại cảm biến mực nước giá rẻ và được cho là tân tiến hơn so với những thiết bị cảm biến cũ.

Các cảm biến mực nước thường có một hoặc nhiều hạn chế như bị hư hỏng trong lũ lụt, khó đọc từ xa, không đo được mực nước liên tục hoặc chúng quá đắt. Người đứng đầu nhóm nghiên cứu là Tiến sĩ Makan Karegar đã phát triển một giải pháp thay thế để không gặp phải những vấn đề như trên. Thiết bị này có dạng ăng-ten được lắp đặt cạnh một con sông, ngoài mặt nước. Nó liên tục nhận tín hiệu vệ tinh GPS và GLONASS – một phần của mỗi tín hiệu được nhận trực tiếp từ vệ tinh, phần còn lại được nhận gián tiếp, sau khi nó được phản xạ khỏi mặt sông. Bề mặt càng xa so với ăng-ten thì khoảng cách mà sóng vô tuyến phản xạ cuối cùng truyền đi càng dài.


Công nghệ này xoay quanh ăng-ten GPS/GLONASS (trái) có thể chạy bằng năng lượng mặt trời.

Khi phần gián tiếp của mỗi tín hiệu được đặt chồng lên trên phần nhận được trực tiếp sẽ tạo ra các mẫu giao thoa. Bằng cách phân tích các mẫu đó, một máy vi tính Raspberry Pi tích hợp có thể xác định mực nước hiện tại với độ chính xác cộng hoặc trừ ~1,5 cm (0,6 inch). Dữ liệu đó được truyền đến chính quyền thông qua các mạng di động hiện có.

Toàn bộ thiết lập chỉ tốn khoảng 156 đô la Mỹ để xây dựng và có thể được cung cấp năng lượng bởi một tấm pin mặt trời. Trên thực tế, một trong những cảm biến đã được sử dụng trong hai năm trên sông Lower Rhine. Điều đó nói rằng, công nghệ hiện chỉ hoạt động trên các con sông rộng ít nhất 40 m (131 ft), phần lớn tín hiệu phản xạ đến từ đất liền. Hy vọng rằng bằng cách tinh chỉnh phần mềm Raspberry Pi, con số đó có thể giảm đáng kể.

An Hạ
https://vietq.vn/thu-nghiem-thiet-bi-cam-bien-ben-gia-re-su-dung-tin-hieu-ve-tinh-de-theo-doi-muc-nuoc-d206003.html

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Hội thảo cộng sinh công nghiệp tại KCN Đình Vũ đã giúp các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ hiểu rõ hơn “bài toán”về cộng sinh công nghiệp. Từ đó tìm ra các giải pháp hữu hiệu để hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội, tiến đến phát triển KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.
Cộng sinh công nghiệp tiến đến mục tiêu phát triển KCN sinh thái

Toàn cảnh Hội thảo

Ngày 22/11/2022 tại thành phố Hải Phòng, diễn ra Hội thảo cộng sinh công nghiệp tại KCN Đình Vũ (DEEP C). Hội thảo do Ban Quản lý Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đồng tổ chức.

Tham gia Hội thảo có ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng; bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO, đại diện Ban Quản lý Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”; ông Ankit Kapasi, Chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái của Sofies; ông Đinh Mạnh Thắng, Chuyên gia cao cấp về sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (VNCPC) cùng đại diện khoảng 80 đại biểu đến từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng, UBND quận Hải An, Điện lực Hải Phòng, một số KCN trên địa bàn Thành phố, các đơn vị cung cấp dịch vụ quan tâm đến Dự án và các doanh nghiệp hoạt động trong KCN Đình Vũ.

Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện từ nguồn tài trợ của SECO; thời gian thực hiện Dự án là 3 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2023). Dự án được triển khai với các KCN được thí điểm lựa chọn là: KCN DEEP C (Hải Phòng), KCN Amata (Đồng Nai), KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng).

Hội thảo nhằm nâng cao kiến thức về cộng sinh công nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp, kế hoạch để hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội, thực hiện các mục tiêu tiến tới KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.

Hội thảo cung cấp những hiểu biết chung về: các khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến nhận diện và thực hiện cộng sinh công nghiệp; cung cấp thông tin về những mô hình cộng sinh công nghiệp; ví dụ điển hình về những cơ hội cộng sinh công nghiệp đã được nghiên cứu, triển khai thực tế tại Việt Nam và trên thế giới.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, được thực hiện bởi UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thông qua Hội thảo, các chuyên gia quốc tế và trong nước về KCN sinh thái sẽ cung cấp góc nhìn tổng quan về cộng sinh công nghiệp và các ví dụ điển hình liên quan đến các loại hình cộng sinh công nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư trong KCN Đình Vũ cùng thảo luận sâu hơn về các cơ hội cộng sinh công nghiệp đã có và các cơ hội cộng sinh được chuyên gia xác định trong quá trình đánh giá hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn. Đồng thời, thông qua hoạt động tương tác sẽ xác định các cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng mới. Đây là cơ sở để Dự án sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng thông qua các hoạt động xác định, sắp xếp thứ tự ưu tiên và triển khai kế hoạch hành động.


Các cán bộ kỹ thuật và quản lý môi trường đến từ KCN Đình Vũ tham dự Hội thảo

Hội thảo nhận được sự quan tâm của các sở, ban, ngành của thành phố Hải Phòng và các đơn vị trong lĩnh vực chuyên ngành môi trường tại Thành phố

Thông qua các hoạt động thảo luận, tương tác sẽ đưa ra được các ý tưởng về những cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng, thứ tự ưu tiên thực hiện các cơ hội, từ đó thực hiện các bước tiếp theo của Dự án; kết nối ý tưởng cộng sinh và các đơn vị có liên quan để triển khai ý tưởng cộng sinh công nghiệp.


Bà Đỗ Thị Hồng Giang, cán bộ Ban Quản lý Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” giới thiệu những nội dung chính của Hội thảo.

Phát triển KCN sinh thái là lựa chọn tất yếu trong tiến trình phát triển toàn cầu


Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng phát biểu chào mừng Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết, phát triển cộng sinh công nghiệp nói riêng và phát triển KCN sinh thái nói chung đã và đang được quan tâm ưu tiên trong chiến lược phát triển KCN bền vững của Việt Nam, cũng như thành phố Hải Phòng. Phát triển KCN sinh thái là một sự lựa chọn tất yếu của Việt Nam, là một lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp và là đòi hỏi mới của tiến trình phát triển toàn cầu, giúp các doanh nghiệp đi nhanh sẽ xây dựng được vị thế cạnh tranh mới.

Theo ông Hải, thực tế cho thấy, việc phát triển mô hình cộng sinh công nghiệp, các KCN sinh thái sẽ là bước tiến đầy triển vọng cho các ngành nghề về lĩnh vực về môi trường của thành phố Hải Phòng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Từ đó, đem lại lợi ích to lớn về tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, một nền kinh tế gắn với môi trường của Việt Nam trong tương lai. Cộng sinh công nghiệp chính là một trong những phương pháp để đưa nền kinh tế hiện tại đến gần hơn với nền kinh tế tuần hoàn.

“Việc phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái được thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm. Nội dung này đã được Thành phố đưa vào Nghị quyết số 06/NQ-TU, ngày 7/4/2022 của Thành ủy Hải Phòng về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công tác quản lý, thúc đẩy các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030, đưa vào các chương trình, nhiệm vụ hàng năm của Thành phố….”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, việc phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái hiện nay còn rất mới tại Việt Nam, nên gặp nhiều khó khăn, thách thức. UNIDO đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Dự án KCN sinh thái và đã đạt được những kết quả bước đầu. Dự án KCN sinh thái đã đóng góp xây dựng, đánh giá bộ tiêu chí KCN sinh thái, giúp các doanh nghiệp triển khai các hoạt động cộng sinh công nghiệp và sản xuất sạch hơn.

Cùng với đó, việc ra đời Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN, KKT, đã góp phần tạo nhiều động lực để các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp KCN tiến gần đến mục tiêu xây dựng KCN sinh thái và thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn.

“Ban Quản lý KKT Hải Phòng đánh giá cao sự có mặt đầy đủ của các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ và khách mời tham gia Hội thảo. Đây là một cơ hội quý để các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn về cộng sinh công nghiệp, nên đề nghị các doanh nghiệp cần tăng cường thảo luận nhóm và đặt các câu hỏi để các chuyên gia giải đáp thắc mắc liên quan đến chủ đề Hội thảo…”, ông Hải đề nghị.


Bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO, đại diện Ban Quản lý Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” đánh giá tổng quan về dự án KCN sinh thái và nhấn mạnh những cơ sở pháp lý để tạo đòn bẩy triển khai KCN sinh thái thành công tại Việt Nam.

Bà Trâm Anh khẳng định, phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái là một con đường tất yếu và là sự lựa chọn tối ưu của Việt Nam. Hiện việc chuyển đổi sang KCN sinh thái được áp dụng xuyên suốt theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (8 tiêu chí về KCN sinh thái, trong đó có Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn) và chuyển đổi theo khung quốc tế về mô hình KCN sinh thái, bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định về hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội.

Bà cho biết thêm, tại Hội thảo này, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ trình bày về bức tranh tổng quan về cộng sinh công nghiệp, một số nghiên cứu điển hình tại Việt Nam đã được triển khai hoặc lên kế hoạch triển khai trong khuôn khổ Dự án; các khách mời và đại biểu tham dự Hội thảo sẽ thảo luận nhóm về xác định các cơ hội cộng sinh công nghiệp và thứ tự ưu tiên, đồng thời đưa ra quan điểm, cũng như cam kết trong việc triển khai thực hiện cộng sinh công nghiệp tại doanh nghiệp.

Cơ hội và các thách thức trong quá trình triển khai cộng sinh công nghiệp


Ông Ankit Kapasi, Chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái của Sofies phát biểu khái quát về cộng sinh công nghiệp.

Tại Hội thảo, ông Ankit Kapasi, Chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái của Sofies đã khái quát tổng quan bức tranh về cộng sinh công nghiệp, trong đó phân tích các giá trị cốt lõi của cộng sinh công nghiệp, bao gồm những khái niệm chính và công cụ thực hiện như: mục tiêu, lợi ích và thách thức của cộng sinh công nghiệp; phương pháp và công cụ nhận diện các cơ hội; cơ cấu và mô hình quản trị…

Chuyên gia Ankit Kapasi cho biết, cộng sinh công nghiệp là sự phối hợp giữa các ngành, các doanh nghiệp khác nhau nhằm sử dụng tài nguyên hiệu quả, cùng chia sẻ tài sản chung (điện, nước, hiệp đồng nguồn cung, khách hàng, sản phẩm phụ) với mục tiêu là tối đa hóa nguồn lực, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho các bên, cộng đồng và đô thị.

Mục đích cụ thể của cộng sinh công nghiệp là tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên, giảm phát thải thông qua quản lý bền vững chất thải và các sản phẩm phụ giữa các ngành/công ty; cộng sinh giữa các công ty giúp hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

“Nói tóm lại, thông điệp chính của cộng sinh công nghiệp là hàng ngày phát thải ra, thực hiện tái chế cộng sinh công nghiệp; là sự hợp tác giữa các bên để đạt được 3 khía cạnh quan trọng về kinh tế, môi trường và xã hội”, chuyên gia Ankit Kapasi nhấn mạnh.

Về khó khăn, thách thức, ông Ankit Kapasi cho rằng, có nhiều vấn đề doanh nghiệp phải đối mặt như: nguồn lực (liệu doanh nghiệp có đủ nguồn lực để triển khai cộng sinh công nghiệp hay không?), thiếu chuyên môn, thiếu nhận thức, chưa nắm bắt được cơ hội.

Để giải quyết khó khăn trên, theo chuyên gia Ankit Kapasi, cần xây dựng mạng lưới, cơ quan điều phối để kết nối các doanh nghiệp hợp tác trao đổi chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật. Các KCN trên thế giới hình thành các trung tâm KCN, các trung tâm này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và chủ đầu tư KCN chuyển đổi sang KCN sinh thái và cộng sinh công nghiệp.

Theo ôngAnkit Kapasi, có 5 loại cộng sinh công nghiệp: chia sẻ tiện ích về cơ sở hạ tầng (dùng chung năng lượng, nước); cung cấp các địa điểm làm việc chung; trao đổi chất thải, sản phẩm phụ (vật liệu dư thừa); chia sẻ về dịch vụ, hoạt động giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các KCN với nhau; hình thành mối liên kết, tận dụng, chia sẻ tài nguyên, hạ tầng của KCN với dân cư và đô thị lân cận, qua đó tạo ra nhiều việc làm và cơ hội hợp tác, phát triển.

“Cộng sinh công nghiệp và đô thị đóng vai trò rất quan trọng, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương”, ông Ankit Kapasi nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng và phân tích chi tiết một số KCN điển hình trên thế giới đã triển khai tốt cộng sinh công nghiệp, như: KCN Kwinana (Úc); KCN Map Ta Phut (Thái Lan); cộng sinh công nghiệp – đô thị ở Kalundborg (Đan Mạch). Đặc biệt tiêu biểu là KCN Kwinana (Tây Úc), đây là KCN nặng lớn nhất tại Tây Úc đã và đang thu hút các ngành công nghiệp chế biến đa dạng, tạo việc làm cho 4.000 công nhân lao động. Các KCN này đã triển khai tốt cộng sinh công nghiệp, giúp các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào tài nguyên, góp phần nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp; bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và cộng đồng xung quanh KCN; tạo nhiều việc làm cho người lao động và mang lại cơ hội lớn trong thu hút đầu tư.

Thay mặt Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), ông Đinh Mạnh Thắng, Chuyên gia cao cấp về sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn đã trình bày một số cơ hội cộng sinh công nghiệp điển hình; những nghiên cứu tại Việt Nam đã được triển khai thành công thời gian qua và kế hoạch triển khai cộng sinh công nghiệp trong khuôn khổ của Dự án.


Ông Đinh Mạnh Thắng, Chuyên gia cao cấp về sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn trình bày ý kiến tại Hội thảo

Chia sẻ về kết quả hợp phần cộng sinh công nghiệp từ pha trước của Dự án nhằm đánh giá tiềm năng chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái, ông Thắng cho biết, kết quả đạt được tại các KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu (Ninh Bình); KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ) và KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) tương đối khả quan. Tại Ninh Bình, Dự án đã khảo sát 22 doanh nghiệp, phát hiện 14 cơ hội cộng sinh, lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu 4 cơ hội. Tại Đà Nẵng, đã khảo sát 57 doanh nghiệp, phát hiện 22 cơ hội cộng sinh, lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu 7 cơ hội. Tại Cần Thơ đã khảo sát được 58 doanh nghiệp, phát hiện 24 cơ hội cộng sinh và lựa chọn nghiên cứu 8 cơ hội.

Ông Thắng chia sẻ: “Những kết quả tích cực trên đã góp phần lan tỏa và thúc đẩy các doanh nghiệp KCN và các công ty hạ tầng KCN mong muốn được tham gia vào Dự án KCN sinh thái để chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, cùng hiệp đồng công nghiệp, tạo nên nhiều giá trị to lớn về lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội”.

Về rảo cản chính trong cộng sinh công nghiệp, ông Thắng cho rằng, hiện nay Dự án đang vướng mắc bởi các rào cản pháp lý do bị chi phối bởi các luật chuyên ngành về môi trường nhưng chưa giải quyết được (Luật Tài nguyên Môi trường, Luật quản lý chất thải trong KCN…). Mặt khác, đa số các doanh nghiệp trong cùng một KCN không có mối quan hệ để trao đổi, chia sẻ và giao lưu với nhau, nên họ chưa tìm được sự kết nối, tương tác để cùng hiệp đồng cộng sinh công nghiệp, do đó cần có một ban quản lý để kết nối các doanh nghiệp với nhau.


Các chuyên gia nhận xét về bài trình bày của các nhóm thảo luận

Các doanh nghiệp tìm ra nhiều giải pháp triển khai cộng sinh công nghiệp

Các nhóm thảo luận xác định rõ vai trò quan trọng của cộng sinh công nghiệp, vì sẽ mang lại lợi ích cao cho doanh nghiệp. Đa số nghiệp đều ủng hộ cộng sinh công nghiệp và mong muốn triển khai giải pháp này càng sớm càng tốt.

Về cơ hội cộng sinh công nghiệp tại KCN Đình Vũ, những giải pháp được các nhóm đưa ra được các chuyên gia nhận định đều dễ triển khai và đạt lợi ích cao. Mặt khác, KCN Đình Vũ hiện có nhiều lợi thế để triển khai giải pháp này nhờ sự quyết tâm cao của chủ đầu tư KCN Đình Vũ, đã đầu tư nguồn lực con người và cơ sở vật chất toàn diện, đồng bộ phục vụ cho hoạt động triển khai cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn. Đồng thời, KCN này còn luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ tích cực của chính quyền thành phố Hải Phòng và Ban Quản lý KKT Hải Phòng trong suốt quá trình KCN hoạt động đầu tư, kinh doanh.


Chuyên gia Ankit Kapasi hướng dẫn các nhóm xác định cơ hội cộng sinh công nghiệp và giải pháp triển khai thực hiện tại doanh nghiệp

Đánh giá những khó khăn, thách thức khi triển khai cộng sinh công nghiệp tại KCN Đình Vũ, đa số các ý kiến mà doanh nghiệp đưa ra đều nhấn mạnh khó khăn chính về rào cản cơ sở pháp lý, bên cạnh vấn đề về nguồn vốn (do có một vài giải pháp đầu tư lớn nên cần nguồn vốn đầu tư lớn).


Bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO phát biểu bế mạc Hội thảo

Bế mạc Hội thảo, bà Nguyễn Trâm Anh đánh giá cao sự tham gia tích cực, nhiệt tình thảo luận nhóm của các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ, qua đó đã tìm ra các cơ hội, lợi thế, cũng như những thách thức đối với doanh nghiệp, từ đó đưa ra nhiều giải pháp quan trọng để triển khai hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Để giải quyết một trong những khó khăn của các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ về nguồn vốn, bà Trâm Anh cho biết, ngay sau Hội thảo kết thúc, buổi chiều cùng ngày sẽ diễn ra chương trình tập huấn công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và KCN chuyển đổi mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam. Tại buổi tập huấn này, các chuyên gia quốc tế và trong nước của Dự án sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thực hành và sử dụng hiệu quả công cụ tài chính phục vụ cho mục đích chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái.

“Các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ và các đại biểu tham dự Hội thảo tiếp tục tham gia đầy đủ và đóng góp các giải pháp quan trọng trong buổi tập huấn, thực hành và thảo luận hỗ trợ công cụ tài chính cho doanh nghiệp và KCN, nhằm chuyển đổi sang doanh nghiệp sinh thái, KCN sinh thái thành công tại KCN Đình Vũ…”, bà Trâm Anh mong muốn./.

Một số hình ảnh hoạt động tại Hội thảo và bên lề Hội thảo


Ông Florian Beranek, chuyên gia quốc tế của UNIDO tại Hà Nội (ngồi ngoài cùng từ trái sang) tham dự Hội thảo


Ngay trong ngày diễn ra Hội thảo, KCN Đình Vũ đón tiếp Đoàn công tác Bờ Biển Ngà đến thăm quan và tìm hiểu môi trường đầu tư trong KCN

Đoàn công tác Bờ Biển Ngà thăm quan KCN Đình Vũ

Nguyễn Hằng
https://kinhtevadubao.vn/giai-phap-trien-khai-hieu-qua-cong-sinh-cong-nghiep-trong-kcn-dinh-vu-24655.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

New Zealand chính thức áp dụng tiêu chuẩn xe sạch từ 1/12

Theo quy định từ Chính phủ New Zealand, tiêu chuẩn về xe sạch sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn từ ngày 1/12, góp phần làm giảm đáng kể lượng khí phát thải CO2 của các phương tiện xe hạng nhẹ.

Ông Michael Wood, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải New Zealand cho biết lượng khí thải phát ra từ các phương tiện hạng nhẹ chiếm tỷ lệ lớn nhất ở New Zealand, do nước này có nhiều phương tiện chạy động cơ cũ (không tiết kiệm nhiên liệu) và gây phát thải nhiều nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải New Zealand nói thêm rằng điều này gây tổn hại đến sức khỏe và môi trường. Ông đồng thời cho biết cần phải tăng nguồn cung các phương tiện có khả năng tiết kiệm nhiên liệu, phát thải thấp cho người dân New Zealand có thêm nhiều lựa chọn xe sạch hơn.


Ảnh minh hoạ

Ông Wood cho biết thêm kể từ ngày 1/1/2023, những phương tiện nhập khẩu sẽ phải chịu một khoản tín dụng hoặc phí dựa trên lượng khí thải CO2. Hệ thống này khuyến khích các nhà nhập khẩu nhập nhiều xe tiết kiệm nhiên liệu hoặc phát thải ít để bù đắp cho khoản phí được áp dụng cho những xe phát thải nhiều.

Theo Bộ trưởng Wood, tiêu chuẩn này được đưa ra sau các cuộc thảo luận với các nhà nhập khẩu xe, đồng thời cho biết thêm quy định cho phép tiến hành từng giai đoạn sẽ được thông qua trong tuần này.

Tiêu chuẩn xe sạch yêu cầu các nhà nhập khẩu xe giảm đáng kể lượng khí thải CO2 từ các phương tiện hạng nhẹ, cả mới và đã sử dụng, được nhập khẩu vào New Zealand. Bộ trưởng Wood cho biết việc khuyến khích các nhà nhập khẩu nhập những loại xe tiêu thụ ít nhiên liệu, phát thải thấp sẽ giúp New Zealand thoát khỏi danh sách những nước phát thải khí bẩn nhiều nhất thế giới.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/new-zealand-chinh-thuc-ap-dung-tieu-chuan-xe-sach-tu-112-d205871.html

Mái quang điện cho đường đi xe đạp

912 tấm quang điện (mô-đun PV) thủy tinh đã được lắp đặt dọc theo một con đường dành cho xe đạp ở thành phố Freiburg (Đức) như một phần của dự án thí điểm mới của nhà tích hợp hệ thống Badenova.

Đường bộ năng lượng mặt trời là ý tưởng công nghệ được nhiều công ty, nhà khoa học đang nỗ lực triển khai nhằm chuyển đổi phương pháp sản xuất điện truyền thống. Theo đó, những con đường mặt trời có thể sẽ trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính trong tương lai.

Ngay từ năm 2014, tại vùng Krommenie (Hà Lan) đã đưa vào thử nghiệm làn xe đạp pin năng lượng mặt trời với công suất 3.000 kW điện. Năm 2016, Pháp đã khai trương con đường lát gạch bằng pin năng lượng mặt trời tại ngôi làng nhỏ Touroure-au-Perche, thuộc vùng Normandy.

912 tấm quang điện được lắp trên đoạn đường dài 300 mét dành cho xe đạp. Ảnh: Badenova

Ở Hàn Quốc, trên tuyến đường cao tốc nối Deajeon và Sejong cách Thủ đô Seoul cũng có một làn đường dành riêng cho xe đạp với có mái che kín bằng các tấm pin mặt trời, một hệ thống tích điện, hấp thụ ánh sáng mặt trời chạy dài hơn 30 km.

Thực tế cho thấy một số công ty đã cố gắng triển khai các mô-đun năng lượng mặt trời dọc theo các con đường dành cho xe đạp trong vài năm qua. Tuy nhiên, tính khả thi và khả năng kinh tế của đường năng lượng mặt trời vẫn còn gây tranh cãi. Vấn đề là các mô-đun trong các dự án gần đây đã được lắp đặt phía dưới đường hay vỉa hè, khiến chúng phải chịu áp lực cơ học quá mức từ xe đạp và người đi bộ.

Với suy nghĩ này, Badenova – nhà tích hợp hệ thống của Đức đã quyết định lắp đặt các tấm pin mặt trời phía trên đường đi xe đạp, trên một cấu trúc giống như mái nhà. Dự án đã triển khai tổng cộng 912 mô-đun thủy tinh trên đoạn đường dài 300 mét của đường dành cho xe đạp. Chính quyền thành phố đã cung cấp đất và hỗ trợ dự án bằng tiền từ quỹ bảo vệ khí hậu.

Hệ thống năng lượng mặt trời 282,7 kW, được gắn trên 38 phân đoạn mái thép mạ kẽm, sẽ tạo ra khoảng 280.000 kWh điện mỗi năm. Người cho thuê hệ thống này là Viện Hệ thống Năng lượng mặt trời Fraunhofer.

Dự án sử dụng các mô-đun năng lượng mặt trời của nhà sản xuất Đức Solarwatt. Cùng với hệ thống lắp đặt “Click Plain Pro” mới được phát triển của Clickcon, các mô-đun tạo thành một cấu trúc khép kín trên mái nhà. Fraunhofer cho biết họ muốn sử dụng điện do dự án thí điểm tạo ra cho các phòng thí nghiệm của mình.

H.T
https://petrotimes.vn/mai-quang-dien-cho-duong-di-xe-dap-671856.html

Đầu tư vào năng lượng sạch dự kiến tăng đến 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các chính sách mới tại các thị trường năng lượng lớn sẽ góp phần đẩy nhanh đầu tư vào năng lượng sạch lên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030 trong kịch bản chính sách của các bang (STEPS).

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới hàng đầu, IEA dự kiến ​​đầu tư vào năng lượng sạch sẽ tăng 50% nhờ các chính sách như Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), dự kiến ​​sẽ là động lực chính để Mỹ tăng cường bổ sung công suất năng lượng mặt trời và gió, tăng 2,5 lần vào năm 2030 so với mức hiện nay.

Kịch bản STEPS cung cấp một tiêu chuẩn thận trọng hơn, đại diện cho lộ trình dựa trên các biện pháp năng lượng và khí hậu mà các chính phủ đã áp dụng cho đến nay, cũng như các chính sách đang được phát triển.


Công suất bổ sung hàng năm cho điện mặt trời sẽ tăng hơn gấp 4 lần vào năm 2030 lên 650GW, theo kịch bản NZE của IEA

Trong vòng 10 năm tới, nếu các quốc gia thực hiện các hành động cần thiết để thực hiện các cam kết về khí hậu của họ, 370GW công suất năng lượng mặt trời có thể được triển khai trên toàn cầu, trong đó điện mặt trời trở thành công nghệ hàng đầu ở Mỹ và Ấn Độ.

Sự gia tăng nhanh chóng của điện mặt trời và tỷ trọng điện gió trong tổng sản lượng điện sẽ định hình lại hệ thống điện và đòi hỏi nhu cầu ngày càng cao về tính linh hoạt của hệ thống điện, với hệ thống pin rất phổ biến ở các vùng có tỷ trọng điện mặt trời vượt xa gió.

Hơn nữa, năng lượng mặt trời cung cấp hơn 3% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2021 với công suất năng lượng mặt trời bổ sung hàng năm đạt 174GW. Công nghệ mô-đun silicon tinh thể chiếm 95% trong số đó, và phần còn lại là công nghệ quang điện màng mỏng.

Công suất bổ sung hàng năm cho điện mặt trời sẽ tăng hơn gấp 4 lần vào năm 2030, lên 650GW theo kịch bản không phát thải ròng (NZE) vào năm 2050, phù hợp với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C.

Đây là mức tăng trưởng tương tự trong quá khứ, khi công suất điện mặt trời tăng gấp 4 lần từ 37GW năm 2013 lên 174GW vào năm 2021.

Tuy nhiên, để duy trì hoặc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng triển khai năng lượng tái tạo sẽ cần có các chính sách hỗ trợ không chỉ từ các thị trường hàng đầu, đồng thời cần có các chính sách mạnh mẽ hơn để giảm rủi ro về giá năng lượng tăng và biến động.

Trong trường hợp điện mặt trời, áp dụng các chính sách là cần thiết để giải quyết các rào cản của địa phương đối với việc tiếp nhận, bao gồm các rào cản liên quan đến thu hồi đất, cấp phép, cung cấp kết nối lưới điện kịp thời và tích hợp an toàn nguồn tài nguyên biến đổi vào hệ thống điện.

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho biết: “Hành trình đến một hệ thống năng lượng bền vững và an toàn hơn có thể không suôn sẻ. Nhưng cuộc khủng hoảng ngày nay đã làm rõ lý do tại sao chúng ta cần phải thúc đẩy trước”.

Về mặt sản xuất, nếu kế hoạch mở rộng điện mặt trời được công bố, công suất sản xuất sẽ vượt 75% mức triển khai vào năm 2030 trong kịch bản cam kết đã công bố của các quốc gia (APS). Trong đó vạch ra một con đường không phát thải ròng (NZE). Các cam kết được các chính phủ công bố cho đến nay được thực hiện kịp thời và đầy đủ, và mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2100 được giữ ở mức khoảng 2,1°C.

Với việc Trung Quốc thống trị thị trường sản xuất toàn cầu với 80% thị phần trên tất cả các bước của chuỗi cung ứng và có thể tăng hơn nữa lên 95% đối với sản xuất polysilicon, phôi và wafer, IEA cảnh báo về sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của điện mặt trời đối với một quá trình chuyển đổi an toàn sang không phát thải ròng.

Hơn nữa, nhu cầu về khoáng sản, trong đó đồng là mức tăng lớn nhất về khối lượng tuyệt đối – với nhu cầu hiện tại là 6 triệu tấn mỗi năm có thể tăng lên đến 16 triệu tấn vào năm 2030. Cùng với đó, bạc và silic có tốc độ tăng nhu cầu nhanh hơn đối với điện mặt trời.

PV
https://petrotimes.vn/dau-tu-vao-nang-luong-sach-du-kien-tang-den-2-nghin-ty-usd-vao-nam-2030-669822.html

Phát triển thảnh công loại camera dưới nước không dùng pin

Các nhà nghiên cứu MIT đã phát triển một camera dưới nước không dây, không dùng pin và tiết kiệm năng lượng hơn khoảng 100 nghìn lần so với các camera dưới biển khác.

Thiết bị kể trên chụp được ảnh màu, ngay cả trong môi trường tối dưới nước và truyền dữ liệu hình ảnh không dây qua mặt nước. Camera hoạt động bằng âm thanh, nó chuyển đổi năng lượng cơ học từ sóng âm thanh truyền qua nước thành điện để phục vụ cho việc liên lạc và chụp ảnh. Sau khi chụp và mã hóa dữ liệu hình ảnh, camera cũng sử dụng sóng âm thanh để truyền dữ liệu đến bộ thu để tái tạo lại hình ảnh.

Do không cần nguồn điện, máy ảnh trên có thể chạy trong nhiều tuần liền, điều này cho phép nhà khoa học tìm ra các loài mới ở các vùng xa xôi của đại dương. Nó cũng có thể được sử dụng để chụp ảnh ô nhiễm đại dương hoặc theo dõi sức khỏe và sự phát triển của cá nuôi trong các trang trại thủy sản.

Để chế tạo một máy ảnh có thể hoạt động độc lập trong thời gian dài, các nhà nghiên cứu cần một thiết bị tự thu năng lượng dưới nước và tiêu thụ rất ít năng lượng. Camera thu năng lượng bằng các đầu dò làm từ vật liệu áp điện, được đặt bao quanh nó. Vật liệu áp điện tạo ra tín hiệu điện khi có lực cơ tác dụng lên chúng. Khi một sóng âm truyền qua nước chạm vào các đầu dò, chúng sẽ rung và chuyển năng lượng cơ học đó thành điện.

Những sóng âm thanh đó có thể đến từ bất kỳ nguồn nào, chẳng hạn như một con tàu đi qua hoặc sinh vật biển. Camera lưu trữ năng lượng thu thập được cho đến khi tích đủ để chụp ảnh và truyền dữ liệu. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng những cảm biến hình ảnh siêu tiết kiệm điện nhưng các cảm biến này chỉ chụp ảnh tối vì hầu hết môi trường dưới nước đều thiếu nguồn sáng nên họ cũng cần phát triển đèn flash công suất thấp.

Theo tác giả của nghiên cứu – Phó Giáo sư Fadel Adib, các nhà khoa học đã cố gắng giảm thiểu phần cứng nhiều nhất có thể và điều đó tạo ra những hạn chế mới về cách xây dựng hệ thống, gửi thông tin và tái tạo hình ảnh.


Camera dưới nước không dùng pin.

Tuy nhiên, nhờ sự sáng tạo, họ đã tìm ra giải pháp giải quyết đồng thời cả 2 vấn đề bằng cách sử dụng đèn LED đỏ, xanh lá cây và xanh lam. Khi máy chụp ảnh, nó sẽ chiếu một đèn LED màu đỏ và sử dụng cảm biến hình ảnh để chụp. Quá trình tương tự được lặp lại với đèn LED xanh lục và xanh lam.

Đồng tác giả Waleed Akbar giải thích, mặc dù hình ảnh trông có màu đen và trắng, nhưng ánh sáng màu đỏ, xanh lá cây và xanh lam vẫn được phản chiếu trong phần màu trắng của mỗi bức ảnh. Khi dữ liệu hình ảnh được kết hợp trong quá trình xử lý hậu kỳ, hình ảnh màu sẽ được tái tạo.

Sau khi dữ liệu hình ảnh được ghi lại, chúng được mã hóa dưới dạng bit và được gửi đến máy thu qua quá trình được gọi là tán xạ ngược dưới nước. Máy thu truyền sóng âm qua nước đến máy ảnh, máy ảnh này đóng vai trò như một tấm gương phản xạ các sóng đó. Camera cũng có thể phản xạ sóng trở lại bộ thu hoặc thay đổi gương của nó thành một bộ hấp thụ để nó không phản xạ trở lại.

Theo nhà nghiên cứu Sayed Saad Afzal, toàn bộ quy trình này chỉ cần một công tắc duy nhất để chuyển thiết bị từ trạng thái không phản xạ sang phản xạ, nó tiêu thụ ít năng lượng hơn so với các hệ thống thông tin liên lạc dưới nước thông thường. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm camera trong một số môi trường dưới nước. Một lần họ chụp được hình ảnh màu của chai nhựa trôi nổi trong một cái ao ở New Hampshire.

Họ cũng có thể chụp những bức ảnh chất lượng cao về một con sao biển châu Phi đến mức có thể nhìn thấy rõ những nốt sần nhỏ trên mình nó. Thiết bị này cũng rất hiệu quả khi liên tục chụp ảnh thực vật dưới nước Aponogeton ulvaceus trong môi trường tối với thời gian một tuần để theo dõi sự phát triển của nó.

Giờ đây, khi đã chứng minh được một nguyên mẫu hoạt động, các nhà nghiên cứu có kế hoạch cải tiến thiết bị để nó có thể triển khai trong môi trường thực tế. Họ muốn tăng bộ nhớ của máy ảnh để máy có thể chụp ảnh trong thời gian thực, truyền hình ảnh, hoặc thậm chí quay video dưới nước. Các nhà nghiên cứu cũng muốn mở rộng phạm vi hoạt động của camera. Họ đã truyền thành công dữ liệu tới máy thu cách xa 40 mét, nhưng việc đẩy phạm vi đó rộng hơn sẽ cho phép máy ảnh được sử dụng trong nhiều môi trường dưới nước hơn.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/phat-trien-thanh-cong-loai-camera-duoi-nuoc-khong-dung-pin-d205160.html