Cảnh báo: Camera, tivi… kết nối internet đều có thể bị tin tặc tấn công

Theo cảnh báo của các chuyên gia công nghệ, mỗi thiết bị kết nối Internet như camera, TV… đều có thể tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm từ tin tặc.

Thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng. Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận, cách mạng số, không gian mạng kết nối toàn cầu với đặc tính không biên giới cũng đặt ra nhiều thách thức rất lớn đối với an ninh của các quốc gia trên thế giới, khiến cho an ninh mạng không còn là vấn đề của riêng một quốc gia, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu.

Với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, ngày nay, mọi hoạt động diễn ra trong thế giới thực đều có sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị thông minh. Sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể đã làm thay đổi cách thức con người tiến hành công việc, tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cuộc cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất – giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực, sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng cũng đặt ra những thách thức to lớn cho vấn đề bảo đảm an ninh mạng. Bởi thực tế, theo cảnh báo của các chuyên gia công nghệ, mỗi thiết bị kết nối Internet như camera, TV… đều có thể tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm từ tin tặc.


Sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng cũng đặt ra những thách thức to lớn cho vấn đề bảo đảm an ninh mạng. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, để kiểm tra nguy cơ xâm phạm, người dùng có có thể vào trang web shodan.io. Chỉ cần gõ từ khóa “camera country:vn”, hệ thống sẽ đưa ra kết quả tại Việt Nam có hơn 445.000 camera giám sát đang trực tuyến trên mạng. Phần lớn chúng xuất xứ từ một nhà sản xuất Trung Quốc có tên Hikvision.

Theo báo cáo thị trường của Comparitech năm 2019, tổng số camera giám sát tại Việt Nam là 2,6 triệu thiết bị đang hoạt động. Như vậy, nếu không bảo mật kỹ lưỡng, tin tặc có thể xâm nhập và chia sẻ hình ảnh, video từ các gia đình.

Trước đó, Việt Nam cũng từng xuất hiện tình trạng mua bán clip từ những tài khoản camera do đối tượng xấu đánh cắp. Tùy theo chất lượng nội dung, các hội nhóm rao bán clip nhạy cảm sẽ thu phí từ 100.000 đến 250.000 đồng.

Không chỉ camera giám sát, các thiết bị IoT (Internet of things) khác như TV thông minh cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Cuối năm 2020, các chuyên gia bảo mật Mỹ phát hiện một số mẫu TV TCL tồn tại lỗ hổng cửa hậu (back door) liên kết đến máy chủ ở Trung Quốc, cho phép kẻ tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị và đánh cắp dữ liệu từ xa.

Như vậy, bên cạnh hệ thống máy tính, bất kỳ thiết bị công nghệ nào cũng có thể trở thành vật chứa nguy cơ xâm phạm riêng tư tiềm ẩn.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu đăng tải trên Checkpoint Research, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng việc người dân ở nhà nhiều hơn,phát triển một ứng dụng với tên FlixOnline, sử dụng hình ảnh Netflix và quảng cáo xem phim miễn phí để thu hút người dùng.

Nếu người dùng tải FlixOnline và cấp quyền cho ứng dụng, tin tặc sẽ len lỏi vào các ứng dụng nhắn tin của người dùng, giả mạo họ để gửi tin nhắn gồm đường link chứa mã độc tới bạn bè. Nội dung tin nhắn thường có thông điệp “Netflix tặng hai tháng sử dụng miễn phí gói Premium”. Với sự tin tưởng bạn bè, người dùng có thể nhấn vào liên kết có chứa mã độc.

Với những nguy cơ phổ biến kể trên, bất kỳ ai, hộ gia đình nào cũng có thể trở thành nạn nhân của các vấn đề về an ninh mạng. Để giải quyết vấn đề này, người dùng có thể cài đặt phần mềm diệt virus, cập nhật firmware, chọn nhà sản xuất thiết bị uy tín, tỉnh táo và cẩn trọng trước bất kỳ đường liên kết lạ,…

Tuy nhiên, để tránh rủi ro cao hơn, người dùng có thể hướng tới việc bảo mật cá nhân bằng sản phẩm của nhà cung cấp dịch vụ mạng. Nhờ vậy, các vấn đề này có thể xử lý từ gốc, tất cả thiết bị kết nối vào mạng Internet gia đình đều được bảo vệ ngay từ đầu.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/canh-bao-camrera-tivi-ket-noi-internet-deu-co-the-bi-tin-tac-tan-cong-d190315.html

Tự bảo vệ dấu chân kỹ thuật số trong ngành hàng không hậu đại dịch

Khi hành khách sẽ cần thêm nhiều giấy tờ, thông tin cho việc di chuyển trong giai đoạn hậu đại dịch, họ cần chú ý tới “dấu chân kỹ thuật số” của mình.

Ảnh minh họa. (Nguồn: avira.com)

Hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. Sau một năm 2020 đáng quên, ngành hàng không đã rục rịch tái khởi động và nhiều người đang háo hức trở lại các sân bay nhờ những nỗ lực đẩy mạnh tiêm vaccine trên toàn cầu.

Tạm gác lại nỗi lo về đại dịch còn diễn biến phức tạp và chỉ nhìn về tương lai khi hoạt động bay quốc tế phục hồi: sẽ có rất nhiều điều thay đổi với ngành hàng không trong một thế giới hậu COVID-19.

Một yếu tố được chú ý hàng đầu trong thời điểm này là những rủi ro về bảo mật dữ liệu liên quan đến việc đi lại, khi hành khách sẽ cần thêm nhiều giấy tờ, thông tin cho việc di chuyển trong giai đoạn hậu đại dịch. Đó là vì sao hành khách cần chú ý tới “dấu chân kỹ thuật số” (digital footprint) của mình.

Dòng chảy dữ liệu ngày một lớn

Ngay từ trước đại dịch, hoạt động bay đã có mối liên hệ chặt chẽ với các vấn đề về bảo mật dữ liệu.

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn an ninh mạng Mine, trung bình khoảng 7 dịch vụ có thể dễ dàng truy cập dữ liệu của hành khách, bao gồm các hãng hàng không, dịch vụ cho thuê xe, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ giao thông công cộng, mạng wifi nội bộ…

Giờ đây, khi các cơ quan chức năng ban hành thêm những hướng dẫn liên quan tới đại dịch, con số trên có thể sẽ còn tăng lên để bao gồm các cơ quan y tế và giám sát kiểm dịch.

Ngoài các thông tin cá nhân và tình hình tài chính, hành khách cũng được yêu cầu cung cấp các dữ liệu về sức khỏe thông qua các ứng dụng trực tuyến và tài liệu số hóa.

Liên minh châu Âu (EU) đã công bố thông tin mới liên quan đến Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của mình. Các quốc gia khác như Israel đã sử dụng các ứng dụng “Hộ chiếu COVID-19” để đảm bảo rằng du khách không gây rủi ro nhiễm bệnh cho cư dân.

Các hãng hàng không cũng đang thử nghiệm các ứng dụng cho phép hành khách chia sẻ hồ sơ tiêm chủng, kết quả xét nghiệm COVID-19 và khai báo y tế.

Nếu cách đây chỉ 2 năm, ý tưởng về việc chia sẻ thông tin sức khỏe với các công ty du lịch hoặc thậm chí các nhà hàng để đặt bàn sẽ khiến du khách phẫn nộ. Thì ngày nay, đa phần trong số đó đồng ý chia sẻ thông tin này.

Cuộc khảo sát của công ty Mine cho thấy 91% du khách thoải mái khi sử dụng Hộ chiếu sức khỏe kỹ thuật số. Song 93% bày tỏ lo ngại về cách các loại thông tin này được lưu trữ và sử dụng khi số vụ tấn công mạng nhằm chiếm đoạt dữ liệu sức khỏe người dùng đang gia tăng.

Những nỗi lo có cơ sở

Những lo ngại liên quan đến việc giao dữ liệu cho các công ty hàng không không hề vô căn cứ khi ngành này đã có nhiều bê bối về vi phạm bảo mật dữ liệu.

Ví dụ, British Airways bị Văn phòng Ủy viên Thông tin (ICO) phạt khoản tiền kỷ lục 20 triệu bảng (khoảng 27,8 triệu USD) sau khi thông tin cá nhân của hơn 400.000 nhân viên và khách hàng đã bị rò rỉ.

Hay mới đây vào tháng Năm, Air India cũng bị phạt khi để lộ dữ liệu nhạy cảm về 4,5 triệu khách hàng – bao gồm thông tin liên lạc, chi tiết thẻ tín dụng, hộ chiếu và thông tin chuyến bay.

Tuy nhiên, các hãng hàng không không phải là mối lo ngại duy nhất. Khi các nhà hàng và khách sạn địa phương có quyền truy cập vào thông tin chăm sóc sức khỏe của du khách, họ ít có khả năng triển khai những biện pháp bảo mật đủ mạnh so với các hãng hàng không. Điều này dẫn tới nguy cơ tạo ra những lỗ hổng lớn trong việc bảo mật dữ liệu khách hàng.

Tự bảo vệ trong thế giới hậu COVID-19

Trong một thế giới hậu đại dịch còn nhiều rủi ro, thay vì chờ đợi các hãng hàng không tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh dữ liệu, biện pháp hữu hiệu nhất dành cho các du khách nằm trong tay họ: học cách làm chủ dữ liệu của chính mình.

Một khi hoạt động vận tải đường không được mở lại hoàn toàn, kỹ năng quản lý và duy trì quyền kiểm soát “dấu chân kỹ thuật số” sẽ quan trọng hơn bao giờ hết đối với các hành khách. Họ cần nhận thức được giá trị cũng như rủi ro mỗi khi cung cấp các thông tin cá nhân.

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc gia Ronald Reagan ở Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 22/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một số lời khuyên dành cho du khách sử dụng vận tải đường không trong tương lai:

Lựa chọn các doanh nghiệp quen thuộc, có độ đáng tin cậy thay vì những cái tên mới lạ. Tuy các thương hiệu lớn cũng có những vụ vi phạm, nhìn chung họ vẫn có các tiêu chuẩn bảo mật cao hơn.

Nếu thông tin được yêu cầu cung cấp mang tính nhạy cảm, hành khách cần chú ý xem liệu công ty có lịch sử bảo mật dữ liệu tốt không.

Nếu cần chia sẻ một số thông tin nhất định với một công ty, hành khách hãy xóa chúng ngay sau khi hoàn tất đăng ký hoặc khi kỳ nghỉ kết thúc.

Thường xuyên theo dõi các công ty có quyền truy cập vào dữ liệu của mình.

Thế giới vẫn đang loay hoay điều chỉnh với những thay đổi sau đại dịch, và tin tặc luôn tìm cách tận dụng bất kỳ điểm yếu nào trong giai đoạn nhạy cảm. Đó là vì sao hành khách cần nâng cao cảnh giác và tỉnh táo về thông tin cá nhân hơn bao giờ hết./.

H. THủy (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/tu-bao-ve-dau-chan-ky-thuat-so-trong-nganh-hang-khong-hau-dai-dich/734355.vnp

Bản tin năng lượng xanh: không có tăng trưởng đột phá

Nhìn chung thế giới không ghi nhận sự tăng trưởng đột phá nào trong giai đoạn này. Tổng mức đầu tư lớn nhưng chưa đủ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Khối lượng đầu tư vào NLTT được dự báo sẽ còn lớn hơn trong 6 tháng cuối năm.

Trước đó vào tháng 01/2021, BNEF đã công bố báo cáo về đầu tư toàn cầu vào tài sản carbon thấp trong năm 2020. Theo đó, các khoản đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng trong năm đại dịch Covid-19 đạt mức cao nhất mọi thời đại, lần đầu tiên đạt tới 500 tỷ USD.

Biểu đồ: Đầu tư NLTT thế giới từ 2006 – 2021. Xanh lá cây: nhiên liệu sinh học; Xanh dương: điện gió; Vàng: điện mặt trời; Đỏ: các nhiên liệu tái tạo khác; Hồng: vốn đầu tư.

Theo dự báo nửa cuối năm 2021 của BNEF, tăng trưởng công suất điện phân sẽ cao gấp 2 lần trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ công suất điện phân ở Trung Quốc và con số này được dự báo tăng gấp 4 lần, đạt ít nhất 1,8 GW trong năm 2022.

BNEF đã đề cập đến các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm đạt được tính trung hòa carbon và lưu ý rằng, đây là một yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ công suất điện phân và sản lượng hydro toàn cầu.

Theo BNEF, Trung Quốc sẽ chiếm thị phần 60-63% công suất điện phân toàn cầu. Các công ty Trung Quốc đang chứng minh rằng, họ đang đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon bằng cách thúc đẩy thị trường máy điện phân. BNEF dự báo đến năm 2030, tổng công suất điện phân toàn cầu sẽ vượt mốc 40 GW. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, hơn 40 quốc gia đã công bố hoặc đang phát triển các chiến lược hydro. Hơn 90 dự án hydro quy mô công nghiệp đang được lên kế hoạch trên thế giới.

Các chính phủ dự kiến sẽ tăng hỗ trợ cho nền kinh tế hydro, lên mức 11,4 tỷ USD/năm nhằm mở rộng sản xuất hydro phát thải carbon thấp trong thập kỷ này.

Tuy nhiên, BNEF nhận định, nhu cầu hydro sạch đang tăng chậm và chưa có chính sách hiệu quả để kích thích tiêu thụ nhiên liệu. Các chuyên gia của BNEF đánh giá, giá CO2 ít nhất ở mức 100 USD/tấn mới đủ để kích thích sử dụng hydro “xanh” tích cực hơn.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-khong-co-tang-truong-dot-pha-621649.html

Hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn

Ngày 13/8, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Khởi động hợp phần: Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Thương mại vì sự phát triển bền vững – T4SD”.

Hội thảo trực tuyến “Khởi động hợp phần: Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn (RECP)” nhằm tập trung nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ về thực hành sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng bền vững. Nội dung đào tạo, gồm: Đánh giá mức tiêu thụ tài nguyên thực tế; thiết kế chiến lược riêng về sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn; tiếp cận công nghệ và tài chính “xanh” để có thể thực hiện chiến lược kinh doanh.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) cho hay, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội toàn cầu, thay đổi nhận thức của người dân trên toàn thế giới. Làm sâu sắc hơn nhận thức về mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới như các nước thuộc EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đang chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế tuần hoàn. Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030”.


Ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Lãnh đạo Cục XTTM cũng cho hay, hiện phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều rào cản trong chuyển dịch đi lên kinh tế tuần hoàn, như: Chưa có tư duy và nhận thức đầy đủ về kinh tế tuần hoàn, thiếu cam kết và kiên trì từ lãnh đạo, thiếu thông tin, hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính. Cục XTTM đang từng bước triển khai các hoạt động huấn luyện, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch đi lên kinh tế tuần hoàn và các sự kiện thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời kỳ Covid-19 và trong thời gian tới.

Chia sẻ về những lợi ích trực tiếp dành cho doanh nghiệp khi tham gia dự án, bà Ann-Kathrin Zotz- Quản lý toàn cầu Dự án T4SD, ITC, cho biết, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ: Tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của các chủ thể trong chuỗi giá trị thông qua giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất; tạo cơ hội kinh doanh mới thông qua việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới; tạo cơ hội tiếp cận tài chính “xanh”.


Bà Ann-Kathrin Zotz, Quản lý toàn cầu Dự án T4SD, ITC: Doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích khi tham gia RECP.

Tất cả những lợi ích trên để giúp doanh nghiệp tiến tới mục tiêu xa hơn là phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình tiêu thụ, sản xuất trong đó tái sử dụng nguyên liệu và sản phẩm hiện hữu càng lâu càng tốt. Theo cách đó, có thể sử dụng nguồn tài nguyên nước, năng lượng… một cách hiệu quả.

Thế giới hiện có nhiều xu hướng, trong đó có nhu cầu minh bạch hoá và khả năng truy suất sản phẩm ngày càng tăng lên trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường và tới tay người tiêu dùng. Cùng đó là xu hướng tuân thủ theo các tiêu chuẩn để hướng tới để sản xuất bền vững. Theo bà Ann-Kathrin Zotz, nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng ngày một lớn hơn, khó hơn, nhất là yêu cầu về sản xuất bền vững đòi hỏi sự tham gia và tuân thủ từ các nhà sản xuất.

Tuy nhiên, để hợp phần cũng như dự án thành công, điều quan trọng là sự cam kết tham gia của doanh nghiệp trong việc giữ liên lạc với chuyên gia, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho chuyên gia đến làm việc. Thời điểm hiện tại, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, dựa trên tình hình thực tế, dự án sẽ điều chỉnh linh hoạt các kế hoạch thực hiện cho phù hợp để đảm bảo an toàn cho đội ngũ chuyên gia và doanh nghiệp.


Hội thảo trực tuyến “Khởi động hợp phần: Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn (RECP)” thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp.

Với những lợi ích mang lại, hợp phần RECP, cũng như dự án T4SD thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp. Tại sự kiện, các chuyên gia cũng đã giải đáp nhiều ý kiến liên quan đến các chương trình đào tạo, kiến thức về sử dụng tài nguyên hiệu quả, phương thức cập nhật thông tin, thời gian thực hiện dự án…

Một trong những nội dung được doanh nghiệp quan tâm là nguồn tài chính cho thực hiện hợp phần, bà Nguyễn Bảo Thoa- Quản lý dự án T4SD tại Việt Nam thông tin, quý cuối cùng của năm 2021, hợp phần tài chính xanh sẽ đi vào thực hiện. Như vậy, ngay sau khi hợp phần RECP kết thúc và xác định ra khâu nào phải đầu tư, cải tiến thì ngay lập tức đội ngũ tư vấn về tài chính xanh và ngân hàng, các tổ chức tài chính sẽ phối hợp hoàn chỉnh các khâu đó.

Việt Nga

https://congthuong.vn/ho-tro-doanh-nghiep-su-dung-hieu-qua-nguon-tai-nguyen-va-san-xuat-tuan-hoan-162349.html?fbclid=IwAR2pSExVQFmIj8WLs9gFw6ORiK4qV8YPM4UYBEo01rn2i-szS3_uUGDZMIU

Liên hợp quốc: Sự nóng lên toàn cầu là “mã đỏ cho nhân loại”

Trong báo cáo của Ủy ban khí hậu của LHQ công bố ngày 9/8, các nhà khoa học đã nhấn mạnh sự nóng lên toàn cầu đang ở mức nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát với loạt điều kiện thời tiết cực đoan xảy ra.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 9/8 đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh xảy ra ngày càng nhiều các kiểu thời tiết cực đoan đe dọa đến cuộc sống người dân.

Theo Tổng thư ký Guterres, báo cáo đã gióng lên hồi chuông “báo tử” đối với việc sử dụng than đá và nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng hủy diệt hành tinh của nhân loại.

Trong báo cáo công bố cùng ngày của IPCC, các nhà khoa học đã nhấn mạnh sự nóng lên toàn cầu đang ở mức nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát với loạt điều kiện thời tiết cực đoan xảy ra.

Đàn bò gặm cỏ trên một cánh đồng khô cằn tại bang California, Mỹ ngày 23/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dựa trên hơn 140.000 nghiên cứu khoa học, báo cáo của IPCC đưa ra bức tranh toàn cảnh và chi tiết về cách thức biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới tự nhiên và những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Các nhà khoa học đã lấy ví dụ về các điều kiện thời tiết cực đoan để cho thấy sự tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Tại bang California, Mỹ, chỉ riêng trong ngày 9/8, đã có 200.342ha rừng bị thiêu rụi trong khi tại Venice (Italy), khách du lịch phải lội qua những vùng nước sâu ở Quảng trường St.Mark.

Theo các nhà khoa học, con người phải chịu trách nhiệm cho tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay và hành động nhanh chóng để cắt giảm khí phát thải nhà kính. Trong trường hợp các nước không thể thực hiện mục tiêu này, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể vượt mức tăng 1,5 độ C trong vòng 20 năm nữa.

Theo các nhà khoa học, các cam kết cắt giảm khí phát thải mà các nước đưa ra cho đến này vẫn chưa đủ để bắt đầu giảm mức độ khí nhà kình, chủ yếu là khí CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo cũng cho biết lượng khí thải “rõ ràng do hoạt động của con người gây ra đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,1 độ C so với trung bình thời kỳ tiền công nghiệp và có thể tăng thêm 0,5 độ C nếu không có tác động từ tình trạng ô nhiễm trong bầu khí quyển.

Các nhà nghiên cứu của IPCC nhấn mạnh mức tăng 1,5 độ C được coi là mức cao nhất mà con người có thể đối phó mà không phải chịu những biến động về kinh tế và xã hội trên diện rộng.

Tuy nhiên, ngay cả để làm chậm tình trạng biến đổi khí hậu, báo cáo cho rằng con người không thể chần chừ hơn nữa. Nếu lượng khí thải được cắt giảm trong thập niên tới, nhiệt độ trung bình vẫn có thể tăng 1,5 độ C vào năm 2040 và có thể là 1,6 độ C vào năm 2060 trước khi ổn định ở mức cao.

Ngược lại, nếu các hoạt động gây khí thải nhà kính vẫn tiếp diễn như hiện tại, thì nhiệt độ Trái Đất có thể tăng 2 độ C vào năm 2060 và 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này.

Tác giả báo cáo còn nói rõ không thể loại trừ khả năng mức nước biển tăng gần 2 m vào cuối thể kỷ này. Nếu các dự đoán trên thành hiện thực, hàng triệu người ở các khu vực ven biển sẽ đối mặt với lũ lụt vào năm 2100.

Báo cáo trên với những lời cảnh tỉnh được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn ba tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần 26 (COP26) tại Glasgow (Scotland, Anh)./.

Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/lien-hop-quoc-su-nong-len-toan-cau-la-ma-do-cho-nhan-loai/732865.vnp

Những lợi ích đem lại từ việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001

Reuters, CNBC, NPR ngày 9/8/2021 đưa tin Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc hôm thứ Hai đã đưa ra báo cáo mang tính bước ngoặt cảnh báo biến đổi khí hậu toàn cầu đang gia tăng và các hoạt động phát thải khí nhà kính là nguyên nhân chính.

Thông điệp tới các nhà lãnh đạo trên thế giới là khốc liệt hơn và rõ ràng hơn bao giờ hết

Phát thải khí nhà kính đang gây ra thời tiết khắc nghiệt. Dựa trên hơn 14.000 nghiên cứu khoa học, báo cáo đã đưa ra bức tranh toàn cảnh và chi tiết nhất về việc biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới tự nhiên như thế nào và những gì có thể diễn ra ở phía trước. Báo cáo nêu rõ các hoạt động phát thải carbon dioxide và các khí nhà kính khác của con người là nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi đó. Các nhà khoa học cảnh báo mức khí nhà kính trong khí quyển đã cao tới mức có thể gây ra sự biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ.


Ảnh chụp từ trên không mức nước trên sông Maas, gần thành phố phải sơ tán Arcen ngày 17/7/2021. Trận lụt tồi tệ nhất ở Tây Âu trong nhiều thập kỷ qua đã làm chết 150 người và mất tích hàng chục người. Ảnh: Remko de Waal/ANP.

Những tác động của trái đất nóng lên là rõ ràng và gây thảm họa trên khắp thế giới. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Trong mùa hè vừa qua, các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt gây thiệt hại về người và gián đoạn cuộc sống khắp nơi trên thế giới. Cháy rừng bùng cháy với tần suất và cường độ mạnh chưa từng thấy, kể cả ở những nơi trước đây hiếm khi cháy. Khói và sương mù làm nghẹt thở người dân ở các thành phố và thị trấn từ châu Á đến Bắc Cực. Các đợt nắng nóng trên biển đang đe dọa toàn bộ hệ sinh thái và làm gia tăng các cơn bão và cuồng phong. Báo cáo cũng xác nhận rằng mực nước biển toàn cầu đang tăng nhanh. Trên toàn cầu, mực nước biển tăng trung bình khoảng 20 cm (8 inch) từ năm 1901 đến năm 2018, tuy nước dâng cao hơn nhiều ở một số nơi, trong đó có cả một số thành phố ở Bờ Đông và Bờ Vịnh của Mỹ.

Báo cáo của IPCC được chuẩn bị cho hội nghị khí hậu lớn của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow, Scotland trong tháng 11/2021. Tại COP26, các quốc gia sẽ phải chịu áp lực cam kết hành động khí hậu mạnh mẽ hơn và dành nguồn tài chính đáng kể hơn. Trái đất đã nóng hơn khoảng 1 độ C so với cuối những năm 1800. Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C (3,6 độ F) và lý tưởng nhất là giữ nó dưới 1,5 độ C (2,7 độ F). Trừ khi có những hành động ngay lập tức, nhanh chóng và quy mô lớn để giảm lượng khí thải, nhiệt độ trung bình toàn cầu có khả năng vượt qua ngưỡng nóng lên 1,5 độ C (2,7 độ F) trong 20 năm tới. Hiện nay, đa số các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đều không đạt được các mục tiêu đưa ra vì còn phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, trong đó có than đá, cho phát điện, giao thông vận tải và công nghiệp. Nếu các quốc gia chậm trễ trong việc hạn chế khí thải, hoặc không chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn, Trái đất có thể ấm lên 4 độ C (7,2 độ F) hoặc hơn vào cuối thế kỷ này.

Một số chính giới và các nhà vận động khí hậu đã phản ứng về các phát hiện này với thái độ báo động. Thủ tướng Anh Boris Johnson, nước chủ nhà của COP26, cho biết thập kỷ tới sẽ là “then chốt” để đảm bảo tương lai của trái đất, hy vọng báo cáo IPCC hôm nay sẽ là một lời cảnh tỉnh cho thế giới hành động ngay bây giờ, trước khi gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 Glasgow.

Báo cáo quan trọng về khí hậu của LHQ: Phải cắt giảm phát thải khí nhà kính ngay bây giờ
Hy Lạp phải đối mặt với các vụ cháy rừng trên cả nước do đợt năng nóng nhất trong 3 thập kỷ qua. Ảnh: Cháy rừng ngày 6/8/2021 ở đảo Evia, Hy Lạp. Ảnh: Nurphoto/Getty Images.
Trong tuyên bố sau khi công bố báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi chấm dứt việc sử dụng than và các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng khác, nhấn mạnh “báo cáo này phải là hồi chuông báo tử cho than đá và nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng phá hủy hành tinh của chúng ta”.

Các nhà khoa học nói rằng vẫn chưa quá muộn

Báo cáo IPCC cũng chỉ rõ rằng vẫn chưa muộn để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu với điều kiện các quốc gia trên thế giới phải ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch gây phát thải càng nhanh càng tốt. Nếu các quốc gia trên thế giới cắt giảm đáng kể và vĩnh viễn lượng khí thải ngay lập tức, Trái đất sẽ bắt đầu mát hơn vào khoảng giữa thế kỷ này. Con người càng giảm lượng khí thải trong thập kỷ này thì Trái đất sẽ càng có sức sống hơn trong phần còn lại của thế kỷ 21 và trong nhiều thế kỷ tới. Ko Barrett, Phó Chủ tịch IPCC, Cố vấn cấp cao về khí hậu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ cho biết thông điệp chính ở đây là vẫn có thể ngăn chặn hầu hết các tác động nghiêm trọng nhất, nhưng nó đòi hỏi một sự thay đổi chưa từng có, một sự thay đổi mang tính chuyển đổi.

Biến đổi khí hậu là toàn cầu, nhưng các giải pháp mang dấu ấn địa phương

Lần đầu tiên trong báo cáo của IPCC, các nhà khoa học chia nhỏ các phát hiện và dự đoán của mình theo khu vực. Paola Arias, một trong những tác giả báo cáo, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Antioquia ở Colombia, cho biết điều rất quan trọng là báo cáo này cung cấp thông tin khu vực, giúp các quốc gia đưa ra quyết định ở cấp độ khu vực. Các nước có thể căn cứ vào các dự đoán tương lai để có lựa chọn chính sách ý nghĩa nhất cho người dân nước mình. Về tốc độ dâng của mực nước biển thay đổi đáng kể tùy thuộc vào từng khu vực, các chính phủ có thể quyết định về việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới và bảo vệ các thành phố ven biển hiện có. Điều này cũng đúng với các vấn đề như hạn hán và lũ lụt, phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh nguồn nước./.

Thanh Bình
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/bao-cao-quan-trong-ve-khi-hau-cua-lhq-phai-cat-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-ngay-bay-gio-620793.html